SlideShare a Scribd company logo
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HÀ
THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN
VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
Hà Nội - 2019
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HÀ
THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN
VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính
Mã số: 9380102
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS HOÀNG VĂN TÚ
Hà Nội - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi, dưới sự hướng
dẫn khoa học của PGS. TS Hoàng Văn Tú. Các số liệu, tư liệu sử dụng trong Luận
án là trung thực, chính xác. Những kết quả khoa học của Luận án chưa được công
bố trong bất kỳ công trình nào.
Tác giả Luận án
Nguyễn Thị Phương Hà
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU...............................................................................................................................1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU .................................................8
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về đề tài luận án...................................................8
1.2. Đánh giá tình hình nghiên cứu...............................................................................21
1.3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu trong luận án ..................................25
Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT
ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH .........................................................28
2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ
án hành chính................................................................................................................28
2.2. Chủ thể, đối tượng, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án
hành chính.....................................................................................................................39
2.3. Các yếu tố tác động đến thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính...51
Chương 3: THỰC TRẠNG THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN
VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY ................................................57
3.1. Pháp luật thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính ở Việt
Nam hiện nay................................................................................................................57
3.2. Hoạt động thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính ở Việt
Nam hiện nay................................................................................................................81
3.3. Thực trạng các yếu tố tác động đến thi hành bản án, quyết định của Toà án về
vụ án hành chính ở Việt Nam hiện nay ......................................................................103
3.4. Đánh giá chung thực trạng thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án
hành chính ở Việt Nam hiện nay ................................................................................114
Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM HIỆU QUẢ THI HÀNH BẢN
ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH Ở VIỆT NAM ............120
4.1. Quan điểm bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành
chính ở Việt Nam........................................................................................................120
4.2. Giải pháp bảo đảm hiệu quả thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án
hành chính ở Việt Nam...............................................................................................125
KẾT LUẬN................................................................................................................149
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ..........................151
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................152
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
HĐND Hội đồng nhân dân
HVHC Hành vi hành chính
QĐHC Quyết định hành chính
TAND
TGGQKN
Toà án nhân dân
Trung gian giải quyết khiếu nại
THADS Thi hành án dân sự
THAHC Thi hành án hành chính
THAHS Thi hành án hình sự
TTGQ Thủ tục giải quyết
TTHC Tố tụng hành chính
TTPBGDPL Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
UBND Uỷ ban nhân dân
VAHC Vụ án hành chính
VKSND Viện kiểm sát nhân dân
XHCN Xã hội chủ nghĩa
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 3.1. Số lượng các VAHC đã thụ lý; giải quyết, xét xử từ năm 2010 đến năm 2018
của TAND các cấp .....................................................................................................82
Bảng 3.2. So sánh tình hình khởi kiện QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND và UBND
các cấp tại Toà án với tình hình khiếu nại tại cơ quan hành chính nhà nước.............83
Bảng 3.3. Kết quả THAHC từ năm 2012 đến năm 2016.....................................................85
Bảng 3.4. Kết quả THAHC năm 2017 và năm 2018 ...........................................................86
Bảng 3.5. Kết quả kiểm sát THAHC năm 2017 và năm 2018...........................................102
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực luôn được xem là biểu hiện của
nền công lý ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Bởi qua bản án, quyết định đó người
dân nhận được lẽ phải, sự công bằng mà họ tìm kiếm và chờ đợi trong suốt quá
trình giải quyết vụ án. Tại Việt Nam, bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa
án đã có hiệu lực pháp luật (còn gọi là thi hành án) là một nguyên tắc hiến định và
một yêu cầu quan trọng trong chủ trương cải cách nền tư pháp. Thi hành bản án,
quyết định của Tòa án về vụ án hình sự (gọi là thi hành án hình sự (THAHS); thi
hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án dân sự (gọi là thi hành án dân sự
(THADS) và thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (gọi là thi
hành án hành chính (THAHC) hiện là ba lĩnh vực thi hành án cơ bản. Đối tượng của
THADS là các quyết định dân sự mang tính chất tài sản và nhân thân. Trong
THAHS, đối tượng thi hành án là hình phạt và các biện pháp tư pháp khác. Riêng
đối tượng của THAHC là các quyết định liên quan đến các cơ quan nhà nước mà
chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước. Như vậy, vị trí, mối quan hệ giữa cơ
quan THAHC với người phải THAHC; tính chủ động, tính hiện thực trong việc thi
hành các bản án, quyết định của Toà án là một vấn đề không dễ dàng giải quyết.
Pháp lệnh Thủ tục giải quyết (TTGQ) các vụ án hành chính (VAHC) năm
1996 là văn bản pháp lý đầu tiên đặt ra vấn đề THAHC. Sau đó, nội dung về
THAHC được quy định cụ thể, đầy đủ hơn và bổ sung quyền hạn đôn đốc THAHC
của Cơ quan THADS tại Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2010. Thực tiễn thi
hành mặc dù đạt được những kết quả nhất định song cũng phát sinh khá nhiều khó
khăn, vướng mắc từ chính cơ chế đôn đốc thi hành án. Hơn 5 năm sau, Luật TTHC
năm 2015 được Quốc hội thông qua, cơ chế thi hành án được thay đổi, nâng tầm
của cơ quan tư pháp bằng Quyết định buộc thi hành án của Tòa án đã xét xử sơ
thẩm VAHC đó. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan quản lý thi hành án cho thấy,
tỷ lệ các bản án, quyết định của Tòa án về VAHC đã được thi hành vẫn đạt thấp khi
áp dụng những quy định mới của Luật TTHC năm 2015. Ý thức chấp hành án và
việc thực hiện pháp luật trong THAHC của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn còn
hạn chế. Người dân vẫn không “mặn mà” với việc khởi kiện VAHC dù các tranh
chấp hành chính không ngừng tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này,
trong đó theo tác giả, cần phải kể đến những nguyên nhân sau:
2
Thứ nhất, hành lang pháp lý về thi hành án nói chung và THAHC nói riêng
chưa đầy đủ, chưa thống nhất, còn rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
Hoạt động THAHC vẫn chưa được điều chỉnh bằng một Luật riêng biệt như
THADS hay THAHS.
Thứ hai, chất lượng xét xử các VAHC ở nhiều địa phương hiện chưa cao.
Những phán quyết trong bản án, quyết định của Toà án còn nhiều mâu thuẫn hoặc
thường có tính chung chung, gây khó khăn cho quá trình THAHC.
Thứ ba, nhận thức pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật của các chủ thể có
liên quan trong THAHC còn nhiều hạn chế. Đặc biệt khi chủ thể phải thi hành án là
cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước có
xu hướng gia tăng.
Thứ tư, thực tiễn áp dụng cơ chế đặc thù trong THAHC chưa triệt để. Do đó,
dù cũng theo xu hướng chung của đa số các quốc gia trên thế giới khi ưu tiên “tinh
thần tự giác” trong THAHC song hoạt động này tại Việt Nam hiện không thực sự
hiệu quả.
Thứ năm, công tác quản lý nhà nước về THAHC còn nhiều bất cập. Thực tế
chưa đảm bảo sự phân công, phối hợp theo quy định của pháp luật giữa các cơ quan
hành pháp, tư pháp và cơ quan kiểm sát; giữa cơ quan ở trung ương với các địa
phương trong THAHC.
Thứ sáu, kiểm sát THAHC là một trong những chức năng kiểm sát hoạt động
tư pháp của VKSND các cấp nhưng so với THADS và THAHS chức năng này chưa
được quan tâm đúng mức.
Ngoài ra, trong khả năng tiếp cận của tác giả, số lượng các công trình khoa
học về THAHC, đặc biệt được nghiên cứu trong giai đoạn Luật TTHC năm 2015 có
hiệu lực thi hành là không nhiều. Đồng thời, tại các cơ sở đào tạo Luật uy tín trong
nước hiện nay, việc giảng dạy môn học Luật về THAHC còn khá hạn chế. Đa số tại
các trường nội dung về THAHC được lồng ghép trong môn học Luật TTHC mà
chưa trở thành môn học riêng biệt như Luật THAHS hay Luật THADS.
Những điều trình bày trên đây là lý do, lập luận cho lựa chọn nghiên cứu: “Thi
hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính ở Việt Nam hiện nay”
làm đề tài cho Luận án Tiến sĩ Luật học.
3
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Đề tài có mục đích xây dựng luận cứ khoa học nhằm bảo đảm hiệu quả thi
hành bản án, quyết định của Tòa án về VAHC ở Việt Nam hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện mục đích nêu trên, Luận án có các nhiệm vụ sau đây: (1) Làm
sáng tỏ những vấn đề lý luận về THAHC gồm bản chất, khái niệm, đặc điểm, vai trò
và các yếu tố tác động đến THAHC; (2) Đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn
hoạt động THAHC ở Việt Nam hiện nay; (3) Xác định quan điểm và đề xuất những
giải pháp đảm bảo hiệu quả THAHC tại Việt Nam trong thời gian tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
- Những vấn đề lý luận và hành lang pháp lý về thi hành án nói chung và
THAHC nói riêng ở Việt Nam; có sự so sánh, đối chiếu với lĩnh vực THADS và
THAHS.
- Những vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn kinh nghiệm về THAHC của một
số quốc gia trên thế giới.
- Số liệu và hiện trạng về THAHC ở Việt Nam nói chung, đặc biệt ở những địa
phương có số lượng án hành chính cao hiện nay.
- Những chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, về thi hành án nói chung và
công tác THAHC nói riêng.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về nội dung, Luận án nghiên cứu những vấn đề cơ bản của pháp luật THAHC,
bao gồm những quy định về nội dung, về tổ chức, về thủ tục và các biện pháp chế
tài xử lý vi phạm trong THAHC. Trên cơ sở đó, phân tích thực trạng pháp luật và
thực tiễn thi hành pháp luật THAHC tại Việt Nam thời gian qua để đề xuất các giải
pháp nhằm góp phần đảm bảo hiệu quả THAHC trước yêu cầu cải cách tư pháp, xây
dựng Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam hiện nay. Luận án tập trung nhấn
mạnh nội dung thi hành phần quyết định trong bản án của Toà án về quyết định
hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) bị khởi kiện; phần dân sự (nếu
có) được thi hành theo thủ tục THADS ít được đề cập sâu trong Luận án.
4
Về thời gian, Luận án nghiên cứu những quy định của pháp luật THAHC kể từ
khi Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996 có hiệu lực (01/7/1996) cho đến nay.
Các số liệu đánh giá liên quan đến THAHC, cụ thể về tình hình thụ lý, giải quyết
các VAHC tại Toà án từ năm 2010 đến hết năm 2018; tình hình đôn đốc, theo dõi
THAHC được thống kê trên toàn quốc từ năm 2012 đến hết năm 2018, tức là sau khi
áp dụng Luật TTHC năm 2010 (từ 01/7/2011) và sau khi Luật TTHC năm 2015 có
hiệu lực thi hành (01/7/2016) cho đến nay. Riêng nội dung buộc THAHC của Toà án
và vấn đề kiểm sát THAHC chỉ thu thập được trong 02 năm 2017 và năm 2018.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Học thuyết Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của
Đảng Cộng sản Việt Nam về cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa (XHCN) được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thực hiện Luận án,
trong đó tập trung vào những vấn đề như: (1) nguyên tắc độc lập của các cơ quan tư
pháp, đặc biệt là Toà án; (2) vai trò quan trọng của thi hành án nói chung và
THAHC nói riêng đối với việc thực thi công lý; (3) tinh thần thượng tôn pháp luật
trong mọi trường hợp, đối với mọi chủ thể dù đó là cơ quan công quyền hay bất kỳ
cá nhân nào.
Phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử được tác giả sử dụng để
luận giải hầu hết những nhiệm vụ nghiên cứu của Luận án, sâu sắc nhất phải kể đến
những nghiên cứu về thực trạng pháp luật THAHC và thực tiễn hoạt động THAHC
qua các giai đoạn phát triển của pháp luật TTHC. Để có được những đánh giá khách
quan tác giả luôn đặt thực trạng những quy định và thực tiễn áp dụng những quy
định của pháp luật THAHC vào đúng bối cảnh đã ban hành và áp dụng thực hiện
chúng trên thực tế.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Về phương pháp nghiên cứu, luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Sử dụng trong tất cả các chương của Luận
án. Phân tích để làm rõ những vấn đề về lý luận, về thực trạng pháp luật và thực tiễn
áp dụng pháp luật THAHC thời gian qua; chỉ ra những mặt tích cực, hạn chế để từ
đó tổng hợp, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật, giải pháp bảo đảm hiệu quả
công tác THAHC ở Việt Nam hiện nay.
5
- Phương pháp so sánh pháp luật: Sử dụng trong việc so sánh các quy định của
pháp luật Việt Nam qua từng giai đoạn đặc biệt là giai đoạn Luật TTHC năm 2010
và Luật TTHC năm 2015; so sánh giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật của một
số nước trên thế giới. Tìm ra những điểm còn bất cập của pháp luật trong nước hay
điểm tương đồng, khác biệt trong pháp luật quốc tế về THAHC, từ đó đề xuất các
giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về THAHC trong thời gian tới.
Từ đó, luận án được tiến hành theo những cách tiếp cận như sau:
- Tiếp cận hệ thống: Để đưa ra những giải pháp bảo đảm hiệu quả hoạt động
THAHC ở Việt Nam hiện nay, cần tập trung nghiên cứu từ những vấn đề lý luận, nhấn
mạnh về thực trạng pháp luật, thực tiễn thi hành pháp luật THAHC, sau đó dựa trên
những chủ trương, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách pháp luật
của Nhà nước đồng thời có sự so sánh, học hỏi kinh nghiệm của pháp luật quốc tế.
- Tiếp cận đa ngành, liên ngành: QĐHC, HVHC là đối tượng khởi kiện trong
các VAHC là biểu hiện của sự tác động đa dạng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực
và liên quan đến nhiều đối tượng của hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Ngoài ra, sau khi có phán quyết của Tòa án, việc thi hành phải cần sự phối hợp của
nhiều cơ quan, tổ chức để đưa những phán quyết đó thành hiện thực. Do đó, đề tài
cần sử dụng cách tiếp cận này để có thể đưa ra những giải pháp hoàn thiện đồng bộ
và toàn diện nhất.
- Tiếp cận lịch sử: Thực tế cho thấy dù các quốc gia có những điểm tương
đồng về văn hoá pháp lí, cấu trúc quyền lực, hệ thống pháp luật hay điều kiện kinh
tế - xã hội thì vẫn có những khác biệt nhất định liên quan đến mô hình cơ quan quản
lí, thi hành án cũng như những vấn đề liên quan đến thủ tục và những biện pháp
nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Do đó khi nghiên cứu cần đặt vấn đề trong
những bối cảnh lịch sử và những điều kiện cụ thể có liên quan để có thể đưa ra đánh
giá phù hợp nhất.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án được thực hiện thông qua những hoạt động nghiên cứu nghiêm túc,
toàn diện về thi hành bản án, quyết định của Toà án về VAHC trong điều kiện cải
cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay với
những đóng góp mới sau:
6
Thứ nhất, phân tích khá toàn diện những vấn đề lý luận như khái niệm, bản
chất, đặc điểm của THAHC, khẳng định THAHC là dạng hoạt động hành chính – tư
pháp với tính hành chính nổi bật hơn so với tính tư pháp. Xác lập vai trò của
THAHC đối với tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó đặc biệt nhấn
mạnh vai trò của THAHC trong kiểm soát quyền lực nhà nước, đặc biệt giữa cơ
quan tư pháp đối với cơ quan hành pháp. Làm rõ hơn về cơ chế THAHC và các yếu
tố tác động đến hiệu quả THAHC dưới góc độ lý luận.
Thứ hai, trình bày cụ thể những quy định của pháp luật THAHC hiện hành
quy định tại Luật TTHC năm 2015 về chủ thể, đối tượng, thủ tục và các biện pháp
bảo đảm THAHC. Từ đó, nêu ra những ưu điểm và nhược điểm của pháp luật
THAHC giai đoạn hiện nay đặt trong sự so sánh với những quy định của Luật
TTHC năm 2010 và pháp luật THAHC của một số quốc gia trên thế giới.
Thứ ba, đánh giá thực tiễn hoạt động THAHC ở nước ta thời gian qua, đặc biệt
nhấn mạnh cho giai đoạn khi Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực thi hành. Việc đánh
giá này được thực hiện từ những nội dung sau: kết quả giải quyết VAHC tại TAND
các cấp so sánh với kết quả THAHC; so sánh giữa tình trạng người dân lựa chọn
giải pháp khiếu nại tại các cơ quan hành chính với việc khởi kiện tại TAND; kết quả
thực hiện trách nhiệm theo dõi THAHC so sánh với kết quả đôn đốc THAHC tại Cơ
quan THADS; kết quả thực hiện nhiệm vụ QLNN đối với công tác THAHC; kết
quả giám sát THAHC trong đó nhấn mạnh vai trò kiểm sát THAHC của VKSND
các cấp. Từ việc đánh giá kết quả thực hiện những nội dung trên, Luận án xác định
những tồn tại, những khó khăn của công tác THAHC tại Việt Nam hiện nay đồng
thời cũng chỉ ra và phân tích nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan ảnh
hưởng đến hiệu quả THAHC.
Thứ tư, nêu ra các quan điểm bảo đảm hiệu quả đối với hoạt động THAHC
trong đó có quan điểm về việc bảo đảm sự kiểm soát quyền lực trong tổ chức và
hoạt động của bộ máy nhà nước. Từ các quan điểm bảo đảm hiệu quả THAHC, trên
nền tảng lý luận và thực trạng THAHC, Luận án đề xuất những nhóm giải pháp sau:
nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về THAHC, nhóm giải pháp hoàn thiện pháp
luật THAHC nhấn mạnh việc xây dựng Luật THAHC, nhóm giải pháp QLNN về
THAHC và một số giải pháp bổ trợ THAHC.
7
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Kết quả nghiên cứu của luận án bổ sung những vấn đề lý luận về THAHC, góp
phần thống nhất trong nhận thức về những nội dung như khái niệm, bản chất, đặc
điểm và vai trò của THAHC. Đồng thời cung cấp những đánh giá về ưu và nhược
điểm của pháp luật THAHC từ khi được xác lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam
cho đến thời điểm hiện tại. Cung cấp, bổ sung những luận cứ khoa học vào việc
hoàn thiện pháp luật THAHC và bảo đảm hiệu quả THAHC đáp ứng yêu cầu cải
cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần nâng cao nhận thức của các chủ thể
trong THAHC, mà chủ yếu là cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền
và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước;
Toà án nhân dân (TAND) các cấp, đội ngũ Thẩm phán hành chính; hệ thống Cơ
quan THADS; đội ngũ Chấp hành viên làm công tác THAHC; Viện kiểm sát nhân
dân (VKSND) các cấp, đội ngũ Kiểm sát viên thực hiện chức năng kiểm sát
THAHC và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Luận án có thể dùng làm tài liệu
tham khảo cho các Cơ quan quản lý THADS, Cơ quan THADS; cơ quan hành chính
nhà nước ở Trung ương và địa phương; các cơ sở đào tạo trong việc nghiên cứu,
học tập và giảng dạy về THAHC.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2. Những vấn đề lý luận về thi hành bản án, quyết định của Toà án về
vụ án hành chính
Chương 3. Thực trạng thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành
chính ở Việt Nam hiện nay
Chương 4. Quan điểm và giải pháp bảo đảm hiệu quả thi hành bản án, quyết
định của Toà án về vụ án hành chính ở Việt Nam
8
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về đề tài luận án
Thi hành án nói chung xét cho cùng là một đề tài không mới tại Việt Nam
cũng như ở các quốc gia khác trên Thế giới, bởi tầm quan trọng của nó trong việc
góp phần bảo vệ hiệu quả các quyền của công dân, đảm bảo các nguyên tắc pháp
quyền trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, xét về cụ thể, nếu THADS
và THAHS là hai lĩnh vực thi hành án có nhiều công trình không chỉ tập trung về
mặt thực tiễn áp dụng mà còn cả trên phương diện lý luận thì những công trình về
THAHC lại có phần hạn chế hơn. Tại Việt Nam, các tác giả chủ yếu nghiên cứu vào
thời điểm khi Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996 và Luật TTHC năm 2010 có
hiệu lực thi hành (trước ngày 01/7/2016), giai đoạn sau khi Luật TTHC năm 2015
có hiệu lực hiện còn khá khiêm tốn. Về pháp luật THAHC tại các quốc gia trên Thế
giới, các tác giả trong và ngoài nước chủ yếu nghiên cứu về thực trạng pháp luật,
nhấn mạnh các biện pháp bảo đảm hiệu quả THAHC từ đó đưa ra một số kinh
nghiệm cần thiết và có thể áp dụng cho Việt Nam. Khía cạnh lý luận về THAHC vì
vậy cũng khá hạn chế.
Song, với tác giả, tất cả những nghiên cứu tại các giai đoạn phát triển của pháp
luật Việt Nam về thi hành án nói chung và THAHC nói riêng hay các nghiên cứu về
pháp luật THAHC tại một số quốc gia trên thế giới mà tác giả có cơ hội tiếp cận đều
là những tài liệu tham khảo hữu ích.
Việc đánh giá và kế thừa các nghiên cứu như đã luận giải ở trên được tác giả
tiếp cận như sau:
1.1.1. Tình hình nghiên cứu những vấn đề lý luận của đề tài luận án
Cũng giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, nước ta xác định THAHC
là một lĩnh vực cụ thể của thi hành án, cùng với THADS và THAHS. Bên cạnh
những đặc điểm riêng xuất phát từ đặc thù về đối tượng khởi kiện hay đương sự
trong VAHC, THAHC mang những đặc điểm, có những bản chất và vai trò của hoạt
động thi hành án nói chung. Do đó, theo tác giả, về mặt lý luận, sự đánh giá, kế thừa
các kết quả nghiên cứu không chỉ tập trung ở những công trình dành riêng về
THAHC. Cụ thể như sau:
9
Thứ nhất, nhóm các công trình nghiên cứu về thi hành án nói chung, THADS
và THAHS nói riêng trong đó nhấn mạnh về bản chất của hoạt động thi hành án
PGS. TS Trần Đình Hảo (2003), Về cải cách tư pháp và vấn đề thi hành án xét
từ góc độ của Luật Kinh tế dân sự, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, tr.19-28;
Nguyễn Công Bình (1998), Mấy vấn đề về THADS trong việc soạn thảo Bộ luật Tố
tụng dân sự, Tạp chí Luật học số 5, tr. 43-44; Lê Vĩnh Châu (2016), Thi hành bản
án, quyết định của Toà án về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại ở
Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội đều thống nhất thi
hành án nói chung là một giai đoạn tố tụng độc lập, tức là về bản chất mang tính tư
pháp hoàn toàn. Thi hành án là giai đoạn tiếp sau giai đoạn xét xử, có xét xử thì
phải có thi hành, xét xử và thi hành là hai mặt thống nhất của quá trình bảo vệ
quyền và lợi ích của các đương sự.
Ngược lại, GS. TS Võ Khánh Vinh (2013), Luật Thi hành án hình sự, Nxb
Khoa học xã hội, Hà Nội; Lê Minh Tâm (2001), Thử bàn mấy vấn đề lý luận về thi
hành án, Tạp chí Luật học, số 2, tr. 21-22; Nguyễn Thanh Thuỷ (2008), Hoàn thiện
pháp luật Thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ, Học viện Chính
trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Chu Thị Hoa (2016), Pháp luật Thi hành
án dân sự trong cải cách tư pháp ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học
xã hội đồng quan điểm khi luận giải tố tụng là xác định các chứng cứ để khôi phục
lại trạng thái ban đầu của sự việc, tố tụng là quá trình đi tìm sự thật của các vụ việc
đã diễn ra theo đúng các quy định của pháp luật và khi có phán quyết của toà án thì
quá trình tố tụng kết thúc. Còn, thi hành án là quá trình tiến hành các hoạt động
nhằm hiện thực các bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Như
vậy, mối quan hệ giữa các chủ thể trong hoạt động thi hành án là mối quan hệ tổ
chức thi hành, có tính hành chính và như vậy thi hành án vừa mang tính hành chính
vừa mang tính tư pháp.
Thứ hai, nhóm các công trình nghiên cứu những vấn đề lý luận về THAHC,
đặc biệt là về bản chất của hoạt động THAHC
Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu về bản chất của hoạt động thi hành án
nói chung của những công trình đi trước, tác giả Trương Hồng Quang (2015), Khái
niệm, bản chất, đặc điểm và những điều kiện ảnh hưởng đến thi hành án hành
chính, Tài liệu Hội thảo khoa học Kinh nghiệm THAHC của một số nước trên thế
giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam, Bộ Tư pháp thực hiện, tr. 23-40 và Phạm
10
Xuân Nam (2012), Thi hành án hành chính ở Việt Nam – Thực trạng và phương
hướng hoàn thiện”, Luận văn thạc sĩ, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đều
cho rằng THAHC là giai đoạn xuất hiện sau khi bản án, quyết định giải quyết
VAHC của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đây không phải là một giai đoạn tố tụng
mà là tổng thể các hoạt động nhằm mục đích làm cho bản án, quyết định của Tòa án
được thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tế.
Cũng ở góc độ lý luận, tác giả Nguyễn Thị Thương Huyền (2012), Bảo đảm
quyền con người trong thi hành án hành chính ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa
học cấp trường, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Huỳnh Thị Khánh
Ly (2015), Thi hành án hành chính ở Việt Nam, Luận văn cử nhân, Đại học Luật
Thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Hoàng Giang (2017), Chuyên đề Những
chủ trương, định hướng lớn trong việc xây dựng Luật Thi hành án hành chính ở
Việt Nam, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) không bàn luận về bản chất của hoạt
động THAHC mà dựa trên những đặc trưng của hoạt động này so với THAHS và
THADS để đưa ra khái niệm về THAHC, trong đó không xác định THAHC là giai
đoạn tố tụng hay không là giai đoạn tố tụng mà nhấn mạnh đây là hoạt động do các chủ
thể có thẩm quyền tiến hành nhằm thực hiện các bản án, quyết định đã có hiệu lực của
Tòa án về VAHC theo trình tự, thủ tục do pháp luật về THAHC quy định.
Như vậy, bản chất của hoạt động thi hành án nói chung và THAHC nói riêng
hiện vẫn còn nhiều quan điểm trái nhiều và chưa đạt được sự thống nhất. Song, tác
giả đồng tình với quan điểm cho rằng THAHC không phải là một giai đoạn của
TTHC mà là những hoạt động sau đó mang tính hành chính – tư pháp, tính hành
chính nổi bật hơn so với tính tư pháp. Nội dung này tác giả sẽ chứng minh và làm rõ
hơn trong nội dung của Luận án. Những vấn đề mang tính lý luận khác như đặc
điểm, ý nghĩa của THAHC; trình tự, thủ tục THAHC cũng được các công trình
nghiên cứu đề cập đến song theo tác giả vẫn chưa đầy đủ; đặc biệt việc phân biệt
giữa bản án và quyết định có hiệu lực của Toà án về VAHC – đối tượng THAHC và
các yếu tố cơ bản tác động đến hiệu quả THAHC đến nay vẫn còn bỏ ngõ.
Tóm lại, về mặt lý luận, cùng với việc xác định bản chất của hoạt động
THAHC để đưa ra khái niệm phù hợp nhất, tác giả sẽ bổ sung những phân tích về
đặc điểm, ý nghĩa của THAHC, trình tự, thủ tục của hoạt động này; phân biệt giữa
các đối tượng thi hành và làm rõ các yếu tố tác động đến hiệu quả THAHC.
11
1.1.2. Tình hình nghiên cứu những vấn đề thực tiễn của đề tài luận án
Thứ nhất, nhóm các công trình nghiên cứu về thực trạng pháp luật và thực tiễn
áp dụng pháp luật THAHC tại Việt Nam giai đoạn khi Pháp lệnh TTGQ các VAHC
năm 1996 và Luật TTHC năm 2010 có hiệu lực thi hành
Tác giả Nguyễn Văn Tân với bài viết Thi hành án hành chính và những hạn
chế trên Báo Đại biểu nhân dân, ngày 15/9/2009 và Vũ Thị Hằng (2012), Thực
trạng thi hành bản án hành chính, quá trình xây dựng và một số nội dung cơ bản
của Luật Tố tụng hành chính về thi hành án hành chính, Tài liệu tập huấn nghiệp vụ
THAHC, thi hành phần dân sự trong Bản án hình sự và công tác quản lý dự án xây
dựng công trình của Bộ Tư pháp, tr. 1-28 cùng luận bàn những bất cập của pháp
luật THAHC quy định tại Điều 74 Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996. Đồng
thời, các tác giả cũng nhấn mạnh những hạn chế trong nhận thức của nhiều cơ quan
nhà nước và người dân về thẩm quyền THAHC. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn
đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong THAHC, việc thi hành án kém hiệu quả,
các khiếu kiện hành chính bị kéo dài, tình trạng án tồn đọng nhiều bên cạnh những
bất cập của pháp luật THAHC giai đoạn này.
Luật TTHC năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 thực sự mang lại
nhiều chuyển biến mới, tích cực hơn trong xét xử các khiếu kiện hành chính và
trong hoạt động THAHC tại nước ta sau những bất cập từ Pháp lệnh TTGQ các
VAHC năm 1996. Cùng với những quy định về giải quyết VAHC tại Toà án, những
nội dung về THAHC được nêu ra trong Luật TTHC được đánh giá là khá hoàn
thiện, có phần rõ ràng hơn. Tuy nhiên, khi đưa vào triển khai thực hiện vẫn phát
sinh nhiều hạn chế. Các tác giả Hà Minh Tuấn tại Một số ý kiến về thi hành án hành
chính, ngày 20/01/2015, Chuyên mục nghiên cứu trao đổi – Bộ Tư pháp; Trần Minh
Giang với Thi hành án hành chính: Nhiều bất cập cần tháo dỡ, Báo Công lý, ngày
10/5/2015; Trương Hồng Quang và Nguyễn Thị Thương Huyền trong những nghiên
cứu của mình đều xác định nguyên nhân chủ yếu của những bất cập về thực trạng
THAHC là do hành lang pháp lý hiện vẫn chưa đầy đủ, quy định rải rác, còn tản
mạn ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau và có quá ít điều luật điều chỉnh nên chưa
đầy đủ cách thức để tổ chức thực hiện một cách hiệu quả công tác THAHC.
Các tác giả Vũ Thị Hằng – Lý Thị Thúy Hoa (2015), Thi hành án hành chính
tại Việt Nam, thực trạng và kiến nghị hoàn thiện, Hội thảo Kinh nghiệm THAHC
của một số nước trên thế giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam, Bộ Tư pháp, tr. 5-
12
14; Trần Văn Duy, Những bất cập trong pháp luật hiện hành về thi hành án hành
chính, Tạp chí Thanh tra số 3/2016, tr. 14-17 hay Hoàng Điệp, Thắng kiện, chật vật
thi hành án, Báo Tuổi trẻ, ngày 12/10/2014 cụ thể hơn về hạn chế của thực tiễn
THAHC khi đưa ra nhiều phân tích đối với cơ chế đôn đốc THAHC do Cơ quan
THADS thực hiện.
Ý thức chấp hành án hạn chế, việc tuân thủ pháp luật trong THAHC không
nghiêm hay việc thiếu những biện pháp chế tài trong xử lý vi phạm THAHC một
lần nữa được các tác giả xác định là những nguyên nhân quan trọng khác ngoài yếu
tố pháp lý làm cho án hành chính xét xử đã khó, thi hành còn khó hơn. Cùng với
Trương Hồng Quang, tác giả Hồ Quân Chính tại nghiên cứu Thi hành các bản án,
quyết định hành chính ở Thành phố Hồ Chí Minh – Những khó khăn, vướng mắc và
một số kiến nghị”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số Chuyên đề về THADS, tr. 22-
27 đã khẳng định những khó khăn, vướng mắc trên của công tác THAHC tại Thành
phố Hồ Chí Minh – địa phương vốn có số lượng án hành chính cao nhất cả nước.
Tác giả Thu Hằng trong Hỗ trợ tài chính để thi hành án: Người sốt sắng, kẻ thờ ơ,
Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 19/5/2008 thì cho rằng hiệu quả THAHC giai đoạn
này không cao một phần lỗi thuộc về các cơ quan đã ban hành QĐHC hoặc có
HVHC trường hợp là người phải thi hành án đã tỏ ra khá “thờ ơ” trong quá trình
thực hiện cơ chế hỗ trợ tài chính.
Tóm lại, với giai đoạn khi Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996 và Luật
TTHC năm 2010 có hiệu lực thi hành, các công trình nghiên cứu mà tác giả có cơ
hội tiếp cận ở trên đã có những phân tích khá cụ thể về hạn chế của pháp luật
THAHC, những yếu kém trong công tác THAHC trên thực tế, trong đó nhiều công
trình khi nghiên cứu chỉ đi sâu luận bàn về một hạn chế nhất định như việc thực
hiện cơ chế đôn đốc THAHC tại các Cơ quan THADS. Những kết quả nghiên cứu
này thực sự là cơ sở quan trọng để tác giả có cái nhìn tổng quát nhất về sự chuyển
biến trong những quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật THAHC qua
các giai đoạn.
Thứ hai, nhóm các công trình nghiên cứu về thực trạng pháp luật và thực tiễn
áp dụng pháp luật THAHC tại Việt Nam sau khi Luật TTHC năm 2015 và Nghị
định 71/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành
Luật TTHC năm 2015 có nhiều sửa đổi quan trọng nhằm khắc phục những hạn
chế của Luật TTHC năm 2010, trong đó có nội dung về THAHC. Các tác giả Phan
13
Trần Mai Phương (2016), Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng
hành chính, Luận văn thạc sĩ, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Bùi Ngọc
Hòa, Những nội dung mới của Luật Tố tụng hành chính, Tài liệu Tập huấn Luật
TTHC, TAND Tối cao; Võ Công Hoàng, Quy định mới trong thi hành bản án,
quyết định hành chính, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 4/2016, tr.62-64; Nguyễn
Văn Thuận, Thẩm quyền của Toà án theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Tạp
chí Dân chủ và Pháp luật; Trương Khánh Hoàn, Các cơ chế bảo đảm thực thi bản
án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính tại Việt Nam và trách nhiệm của các
Bộ, ngành, địa phương trong công tác thi hành án hành chính, Tổng cục THADS
(Bộ Tư pháp); Thành Công, Gỡ “nút thắt” cho theo dõi thi hành án hành chính,
Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 19/9/2018 có nhiều luận bàn về những điểm mới tích
cực của Luật TTHC năm 2015 nói chung và pháp luật THAHC nói riêng trong đó
đặc biệt nhấn mạnh nội dung quản lý nhà nước về THAHC, nhấn mạnh về việc bỏ
cơ chế đôn đốc THAHC của Hệ thống Cơ quan THADS thay vào đó là thẩm quyền,
trình tự, thủ tục theo dõi THAHC.
Hoạt động xét xử các VAHC của TAND các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh; chất
lượng bản án, quyết định của Toà án vốn là những nguyên nhân không mới có ảnh
hưởng trực tiếp đến hiệu quả THAHC vì vấn đề này thực chất đã được một số tác
giả nêu ra từ giai đoạn áp dụng Luật TTHC năm 2010. Tuy nhiên, việc đánh giá cụ
thể những hạn chế này và dựa trên những quy định mới của Luật TTHC năm 2015
đến nay mới được các tác giả Hoàng Thị Thuý Vinh, Phan Thị Thu Hà (2017), Thực
trạng và giải pháp giải quyết các vụ án hành chính tại Toà án, Tổng cục THADS
(Bộ Tư pháp); Thân Quốc Hùng (2018), Chất lượng xét xử các vụ án hành chính
của Toà án nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ, Học viện Chính
trị Quốc gia thực hiện.
Năm 2017 được xem là năm đầu tiên áp dụng pháp luật THAHC theo quy
định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về
thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người
không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định 71/2016/NĐ-CP), việc
đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật trong đó chủ yếu tập trung thực trạng theo dõi
THAHC của hệ thống Cơ quan THADS được các tác giả sau đề cập trong những
nghiên cứu của mình, cụ thể gồm Trần Phương Hồng (2017), Theo dõi thi hành án
hành chính và vai trò của các Cơ quan Thi hành án dân sự trong hoạt động theo dõi
14
thi hành án hành chính, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp); Nguyễn Thị Kim Quy
(2017), Pháp luật về thi hành án hành chính và thực trạng thi hành các bản án,
quyết định của Toà án về vụ án hành chính ở Việt Nam, Tổng cục THADS (Bộ Tư
pháp); Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh (2017), Những khó khăn, vướng mắc
về pháp luật thi hành án hành chính từ góc nhìn theo dõi thi hành án hành chính,
Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp); Phạm Văn Dùng, Nhiều vướng mắc trong theo dõi
thi hành án hành chính, Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 23/4/2018.
Tóm lại, với giai đoạn Luật TTHC năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP có
hiệu lực thi hành, các nghiên cứu kể trên chủ yếu đánh giá những điểm tích cực nói
chung của pháp luật THAHC. Các tác giả nhấn mạnh điểm mới từ quy định về xử lý
kỷ luật đội ngũ cán bộ, công chức trong THAHC; nhấn mạnh những tích cực của
quy định về thẩm quyền theo dõi THAHC của Cơ quan THADS thay cho cơ chế
đôn đốc THAHC. Do đó, các công trình chưa có những đánh giá về hạn chế của sự
thay đổi giữa hai cơ chế này, đồng thời chưa nêu được nguyên nhân vì sao sai phạm
trong THAHC nhiều, quy định về xử lý kỷ luật cũng đã cụ thể nhưng chưa có
trường hợp nào bị xử lý trên thực tế. Ngoài ra, khi đánh giá tình hình THAHC nói
chung, các tác giả chủ yếu dựa trên tình hình theo dõi THAHC mà chưa có sự phân
tích một cách toàn diện từ kết quả giải quyết, xét xử các VAHC tại TAND các cấp;
tình hình quản lý nhà nước về THAHC và đặc biệt là hoạt động kiểm sát THAHC.
Ngoài ra, thực trạng các yếu tố cơ bản tác động đến hiệu quả THAHC cũng chưa
được đánh giá trong bất kỳ nghiên cứu nào.
Thứ ba, nhóm các công trình nghiên cứu về thực trạng pháp luật và thực tiễn
áp dụng pháp luật THAHC tại một số quốc gia trên thế giới
Hiệp hội quốc tế Tòa án hành chính tối cao (International Association of
Supreme Administrative Jurisdictions – viết tắt là IASAJ) vốn được thành lập từ
năm 1983 và theo quy định cứ ba năm một lần sẽ tổ chức những hội nghị để thảo
luận về một chủ đề liên quan đến pháp luật hành chính. Năm 2004, IASAJ đã tổ
chức hội nghị lần thứ VIII với chủ đề Thực thi các phán quyết của Tòa án hành
chính (The implementation of the administrative courts' decisions) tại Madrid (Tây
Ban Nha). Báo cáo tổng thuật hội nghị năm 2004 khi đó được xây dựng trên cơ sở
báo cáo của 27 nước tham dự và nhấn mạnh vào khả năng hiện thực hoá các phán
quyết của Toà án hành chính. Báo cáo được chia làm ba phần, cụ thể gồm: (1) Hậu
quả pháp lý của các quyết định của Tòa án hành chính; (2) Quyền hạn của Tòa án
15
hành chính đối với việc thi hành các quyết định của mình và (3) Đảm bảo hiệu quả
THAHC [13, tr.15-22].
Pháp – vốn được biết đến là một trong những quốc gia có lịch sử lâu đời trong
việc tổ chức cơ quan tài phán hành chính, từ gần 200 năm nay. GS. Martine
Lombard (Đại học Tổng hợp Panthéon, Assas, Paris) và GS. Gilles Dumont
(Trường Đại học Luật và Kinh tế Limoges) trong tác phẩm Pháp luật Hành chính
của Cộng hòa Pháp [13, tr.15-22] đã tập trung nghiên cứu về thủ tục giải quyết các
VAHC, trong đó đặc biệt làm rõ những nội dung về phạm vi và vai trò bảo đảm thi
hành những quyết định tài phán của Tham chính viện. Tham chính viện vốn được
xem là Toà án hành chính tối cao tại Pháp bên cạnh Toà án hành chính sơ thẩm và
Toà án hành chính phúc thẩm. Tác giả Trần Kim Liễu (2017), Thi hành án hành
chính một số nước trên Thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Đại học
Luật Hà Nội đã phân tích khá cụ thể về 3 biện pháp bảo đảm, hỗ trợ THAHC được
pháp luật Pháp quy định bao gồm: (1) Trao quyền cho Toà án hành chính; (2) Trao
quyền cho Cơ quan trung gian giải quyết khiếu nại (TGGQKN) của công dân; (3)
Dựa trên các biện pháp lập pháp. Trong đó, hoạt động của Cơ quan TGGQKN của
công dân trong bảo đảm THAHC theo tác giả sẽ không hiệu quả vì Cơ quan này có
khá nhiều nhiệm vụ phải tiến hành ngoài chức năng bảo đảm THAHC và biện pháp
cuối cùng mà cơ quan này được áp dụng để gây áp lực đối với trường hợp cơ quan
hành chính cố tình không THAHC chỉ là sự ghi nhận trong một báo cáo đặc biệt
được đăng trên công báo hay việc đề xuất sửa đổi luật, văn bản dưới luật để hạn chế
tình trạng bất bình đẳng trong THAHC. Sự khẳng định trên cũng tương tự với biện
pháp lập pháp – một hình thức hợp pháp hoá các QĐHC bị kiện dựa trên phán quyết
của Toà án. Nghiên cứu cũng cho thấy nếu không cẩn trọng trong việc áp dụng,
biện pháp này rất dễ vi phạm Tuyên bố về quyền con người và quyền công dân năm
1798. Các nước khác ở Châu Âu cũng tỏ ra khá dè dặt với biện pháp lập pháp trong
bảo đảm THAHC. Do đó, pháp luật THAHC tại Pháp trao cho Tham chính viện
thẩm quyền quyết định cưỡng chế phạt tiền đối với cơ quan nhà nước không thi
hành quyết định của Toà án hành chính sau đó cũng trao thẩm quyền này cho các
Toà án hành chính cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Ngoài ra, tác giả Hà Tú Cầu (2015), Mô
hình thi hành án hành chính của Pháp và khả năng áp dụng tại Việt Nam, Tài liệu
hội thảo Kinh nghiệm THAHC của một số nước trên Thế giới và khả năng áp dụng
tại Việt Nam cũng nêu ra sự phát triển về thẩm quyền của Thẩm phán hành chính tại
16
Pháp trong việc buộc thực hiện các quyết định của Toà án. Tác giả cho rằng sự thay
đổi này bảo đảm việc tôn trọng pháp luật khách quan của cơ quan hành chính đồng
thời còn bảo vệ tối đa quyền lợi của các cá nhân có liên quan.
Thông qua nghiên cứu Mô hình thi hành án hành chính của Anh và xứ Wales
và khả năng áp dụng kinh nghiệm của Anh và xứ Wales tại Việt Nam của tác giả
Cao Xuân Phong nhận thấy có một số quy định cơ bản về pháp luật THAHC của
Anh và xứ Wales như sau: (1) Không có cơ quan chuyên trách về THAHC, những
chủ thể có liên quan tới phán quyết của Toà án có nghĩa vụ phải tuân thủ các phán
quyết này; trường hợp không thực hiện sẽ bị coi là phạm tội coi thường Toà án và bị
trừng phạt; (2) Cơ quan THADS tại Anh và Wales chỉ tham gia vào THAHC trường
hợp bản án có liên quan tới tiền hoặc tài sản và việc này có sự hỗ trợ của một số
người thi hành án như người thi hành án của Toà án hạt (bailiffs), người thi hành án
tư được chứng nhận (certificated and pritave bailiffs) và người sai áp (distrainors);
(3) Tại Anh và Wales có hai cơ chế giám sát đối với việc THAHC đó là sự giám sát
của Nghị viện thông qua hoạt động của Uỷ ban hành chính của Hạ viện và sự giám
sát của bên được thi hành án thông qua quyền kiện đòi bồi thường nếu bên phải thi
hành không thi hành đúng bản án hành chính đã có hiệu lực; (4) Bản án hành chính
tại Anh mô tả rõ ràng về nghĩa vụ của các bên liên quan trong THAHC, đặc biệt
trường bên phải thi hành là cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền [101,
tr.46].
Theo tác giả Trần Kim Liễu, Hoa Kỳ cũng không có cơ quan chuyên trách
THAHC, theo đó Toà án khi đã ra phán quyết về vụ kiện hành chính sẽ là chủ thể
chịu trách nhiệm bảo đảm thi hành các phán quyết của mình. Luật pháp Hoa Kỳ
cũng quy định nếu những phán quyết không được thực thi một cách nghiêm chỉnh,
tức là xuất hiện hành vi chống đối hoặc không thi hành, Toà án sẽ áp dụng các biện
pháp chế tài bao gồm cả hình sự và dân sự. Khi những biện pháp chế tài được quyết
định thì những thiết chế thi hành án nằm trong hệ thống hành pháp sẽ chịu trách
nhiệm thi hành các phán quyết của Toà án. Tương tự như Hoa Kỳ, tại Úc, việc thi
hành các phán quyết của Toà án đối với các khiếu kiện hành chính được bảo đảm
thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế tư pháp do Toà án áp dụng. Những hành vi
xem thường bản án, quyết định của Toà án được xem là phạm tội và có thể bị áp
dụng hình phạt tù giam hoặc truy cứu trách nhiệm dân sự. Như vậy, Hoa Kỳ hay Úc
đều áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân không tự
17
giác thi hành phán quyết của Toà án về các khiếu kiện hành chính. Song, tác giả
Trần Kim Liễu cũng nêu rõ trên thực tế, tại hai quốc gia này các phán quyết về
khiếu kiện hành chính luôn được tôn trọng thực hiện, việc áp dụng các biện pháp
chế tài hầu như không phải đặt ra.
Tại Thuỵ Điển, tác giả Trương Hồng Quang khi nghiên cứu Kỷ yếu hội thảo
Public Law Changes do Đại học Lund của Thuỵ Điển tổ chức năm 2011 đã nêu ra việc
tranh cãi khá gay gắt tại quốc gia này về quy định thủ tục THAHC có nên áp dụng
tương tự như thủ tục thi hành án thông thường, việc tranh cãi này diễn ra từ những năm
1990. Đến nay, Luật TTHC Thuỵ Điển quy định việc THAHC áp dụng tương tự thủ
tục thi hành án thông thường và mang tính bắt buộc với cả cá nhân và chủ thể có quyền
lực công. Như vậy, không có sự phân biệt giữa các bên trong THAHC tại Thuỵ Điển.
Về chế tài, việc không tự nguyện THAHC có thể bị áp dụng những biện pháp như: áp
dụng hình thức phạt tiền hành chính và các biện pháp trợ giúp khác như thông báo cho
cơ quan cấp trên, thông báo lên phương tiện thông tin đại chúng, truy cứu trách nhiệm
hình sự cùng với áp dụng hình thức phạt tiền. Ngoài ra, chấp hành viên cũng có quyền
phạt tiền hành chính hay yêu cầu cảnh sát bắt người phải thi hành án cố tình trốn tránh,
không kê biên tài sản thi hành án [104, tr. 23-40].
Khi thực hiện đề tài luận án tiến sĩ về Mô hình Toà hành chính ở Việt Nam
năm 2012 tại Đức, được xuất bản bởi Lambert Academic, tác giả Phạm Hồng
Quang có đề cập đến hoạt động THAHC của Nhật Bản khi nghiên cứu về thẩm
quyền xét xử hành chính tại quốc gia này. Theo nghiên cứu của tác giả, Nhật Bản đã
trao quyền xét xử hành chính cho Toà án từ những năm đầu của thế kỷ 19, những
QĐHC bị toà tuyên huỷ sẽ không còn giá trị pháp lý, buộc các cơ quan hành chính
cũng như các bên có liên quan phải tuyệt đối tuân theo. Nhật Bản cũng đề cao tinh
thần tự giác, tự nguyện trong thi hành của các cơ quan hành chính nhà nước. Ngoài
ra, Luật Kiện tụng hành chính Nhật Bản hiện hành không cho phép Toà án đã xét
xử vụ kiện can thiệp sâu vào hoạt động quản lý hành chính.
Tác giả Lê Lan Chi và Đỗ Thị Thu Hằng khi nghiên cứu về Mô hình thi hành
án hành chính của Trung Quốc cho thấy Toà án cấp cơ sở, Toà án cấp huyện và Toà
án cấp tỉnh tại Trung Quốc có thể thành lập cơ quan THAHC tuỳ theo tình hình
thực tế. Công tác này do Chấp hành viên đảm nhận, chức danh này vốn do TAND
tối cao quy định và do TAND các cấp quản lý. Nghiên cứu cũng kết luận THAHC
tại Trung Quốc được xem là một vấn đề thực sự khó khăn, còn nhiều hạn chế và trì
18
trệ, trên thực tế Toà án mặc dù được trao quyền nhưng khó có thể áp dụng các biện
pháp cưỡng chế và cũng rất khó mang lại hiệu quả nếu được áp dụng. Một số học
giả tại Trung Quốc như Mã Hoài Đức, Giải Chí Dũng khi nghiên cứu về Giải pháp
và thực trạng khó thực thi vụ án trong tố tụng hành chính cũng chỉ ra nhiều nguyên
nhân dẫn đến tình trạng này trong đó theo các tác giả chủ yếu vẫn là do thể chế tư
pháp tại Trung Quốc còn nhiều bất cập.
Như vậy, mặc dù không thật sự phong phú so với các công trình nghiên cứu đối
với pháp luật THAHC của Việt Nam song những công trình nghiên cứu vừa kể trên là
những tài liệu tham khảo hữu ích, có giá trị quan trọng trong việc đúc kết kinh nghiệm
THAHC cho Việt Nam. Mặc dù có những điểm khác nhau về văn hoá pháp lý, cấu trúc
quyền lực, hệ thống pháp luật về THAHC song nhận thấy một số điểm chung trong về
THAHC tại các quốc gia trên thế giới như sau: (1) Xác định THAHC là một nhiệm vụ
quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và cần thiết để đảm bảo
thực thi một Nhà nước pháp quyền; (2) Không có cơ quan chuyên trách THAHC, tất cả
đều đề cao vai trò của Toà án trong tổ chức và bảo đảm hiệu quả THAHC bên cạnh các
tổ chức và thiết chế khác như cơ quan TGGQKN hay Chấp hành viên; (3) Đa số đều
theo xu hướng khuyến khích việc tự nguyện THAHC song có nhiều biện pháp chế tài cụ
thể áp dụng đối với hành vi vi phạm; (4) Cơ quan THADS tham gia vào quá trình
THAHC khi bản án, quyết định của Toà án về VAHC có liên quan đến tiền hoặc tài sản;
(5) Với những đặc thù về người bị kiện trong các VAHC, THAHC được xác định là một
nhiệm vụ khó khăn hơn so với hai lĩnh vực thi hành án còn lại.
1.1.3. Tình hình nghiên cứu về đề xuất, kiến nghị của đề tài luận án
Thứ nhất, nhóm các công trình nghiên cứu về đề xuất, kiến nghị dựa trên thực
trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật TTHC tại Việt Nam
Đa số các công trình nghiên cứu khi phân tích về thực trạng pháp luật và thực
tiễn áp dụng pháp luật THAHC đều có những đề xuất kiến nghị nhất định song chủ
yếu là đề xuất hoàn thiện pháp luật THAHC. Do đó, những vấn đề khác liên quan
đến việc đảm bảo hiệu quả THAHC ngoài hoàn thiện pháp luật còn khá mờ nhạt,
đặc biệt dành cho giai đoạn Luật TTHC năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP có
hiệu lực thi hành. Hầu hết các đề xuất, kiến nghị đảm bảo hiệu quả THAHC còn tức
thời, sự lâu dài, ổn định có phần hạn chế.
Một số đề xuất, kiến nghị trong các công trình nghiên cứu giai đoạn Luật
TTHC năm 2010 được áp dụng đã được giải quyết tại những quy định mới của Luật
19
TTHC năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP như bỏ cơ chế đôn đốc THAHC của
Hệ thống Cơ quan THADS, bỏ thẩm quyền giải quyết các VAHC của TAND cấp
huyện đối với đối tượng khởi kiện là QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND
cấp huyện hay cụ thể hơn về thời hạn tự nguyện THAHC, về các hình thức xử lý
trách nhiệm trong THAHC. Tuy nhiên, nhiều đề xuất hoàn thiện pháp luật THAHC
cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, nổi bật như việc ban hành Luật THAHC
riêng bên cạnh Luật TTHC mà tác giả Trương Hồng Quang, Hồ Quân Chính đã nêu
ra từ khá lâu trong những nghiên cứu của mình. Đây cũng là đề xuất mà tác giả
Nguyễn Thị Hoàng Giang xác định là giải pháp chủ yếu thời gian tới để đảm bảo
hiệu quả THAHC vì theo tác giả đề xuất này có đầy đủ các cơ sở hình thành và thực
hiện từ lý luận, pháp lý, chính trị cho đến thực tiễn.
Các công trình nghiên cứu khác khi đưa ra kiến nghị, đề xuất đối với hoạt
động THAHC hiện nay đều tập trung cho việc nâng cao chất lượng hoạt động theo
dõi THAHC từ việc hoàn thiện pháp luật THAHC về theo dõi cho đến những giải
pháp nâng cao chất lượng đội ngũ Chấp hành viên như Cục THADS Thành phố Hồ
Chí Minh, tác giả Trương Phương Hồng, Nguyễn Thị Kim Quy. Liên quan đến
Chấp hành viên trong các Cơ quan THADS, tác giả Nguyễn Văn Luyện (2010),
Nghiên cứu thực thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ Chấp hành viên và xây
dựng chương trình đào tạo theo yêu cầu cải cách tư pháp, Đề tài nghiên cứu khoa
học cấp Bộ hay tác giả Đặng Đình Quyền, “Năng lực Chấp hành viên, yếu tố quyết
định thành công thi hành án dân sự, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 6/2010,
tr.16-21 phân tích khá kỹ lưỡng, tuy nhiên các đánh giá và giải pháp đảm bảo hiệu
quả chủ yếu nhìn từ góc độ trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của Chấp hành viên trong
THADS, trách nhiệm liên quan đến THAHC của Chấp hành viên ít được luận giải.
Một số bài viết như Lê Hồng (16/11/2017), Nâng cao hiệu quả thi hành án
hành chính, Báo Pháp luật Việt Nam; Võ Hà (04/10/2017), Không thi hành án,
người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh; Đức
Minh (27/11/2017), Không thi hành án hành chính, có thể xử lý hình sự, Báo Pháp
luật Thành phố Hồ Chí Minh và Hồng Hà (30/11/2017), Dân thua kiện cũng phải
thi hành án hành chính, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đều đánh giá pháp
luật THAHC hiện có nhiều quy định mang lại những chuyển biến tích cực trong
công tác THAHC song thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Các giải pháp đề xuất trong
các nghiên cứu này khá ngắn gọn, chủ yếu nêu giải pháp chính và không phân tích.
20
Tuy nhiên tính khả thi là khá cao và có tính định hướng, kế thừa, chẳng hạn: Tăng
cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; quán triệt, nâng cao nhận thức của các cơ
quan hành chính nhà nước trong THAHC; siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm những
trường hợp không thi hành án.
Thứ hai, nhóm các công trình nghiên cứu về đề xuất, kiến nghị dựa trên thực
trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật TTHC tại một số quốc gia trên Thế giới
Tác giả Cao Xuân Phong cho rằng chúng ta nên xem xét Luật Bồi thường nhà
nước để có thể học hỏi mô hình của Anh và xứ Wales khi trao quyền cho người dân
trong giám sát việc THAHC của các cơ quan hành chính nhà nước liên quan và
trong việc cho phép người dân kiện đòi bồi thường thiệt hại nếu cơ quan nhà nước
từ chối THAHC hoặc thi hành không đúng phán quyết của Toà án.
Áp dụng kinh nghiệm của Pháp trong bảo đảm hiệu quả THAHC, tác giả Hà
Tú Cầu đề xuất về việc thành lập Cơ quan TGGQKN của công dân để giảm tải cho
các Toà hành chính và hạn chế bớt việc THAHC. Ngoài ra, tác giả cũng kiến nghị
tăng cường quyền hạn, nhiệm vụ của Toà án trong THAHC. Hiện nay, theo Luật
TTHC năm 2015, Việt Nam đã quy định thẩm quyền ban hành Quyết định buộc
THAHC thuộc về Toà án đã xét xử sơ thẩm VAHC. Cũng theo tác giả Hà Tú Cầu
pháp luật THAHC tại Việt Nam cần quy định thêm các biện pháp cưỡng chế đối với
cả cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức bị kiện trong trường hợp không chấp hành
hoặc không chấp hành đúng bản án, quyết định của Toà án về VAHC.
Tác giả Lê Lan Chi, Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng mô hình THAHC tại Trung
Quốc không phải là mô hình lý tưởng, thậm chí pháp luật THAHC ở quốc gia này
còn chậm phát triển, còn nhiều bảo thủ, trì trệ và chậm đổi mới nhưng những điểm
tương đồng về thể chế chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước sẽ tạo nên những điểm
chung về hoạt động thi hành án, đặc biệt là THAHC. Hai tác giả cũng đề xuất
những giải pháp áp dụng cho Việt Nam như sau: (1) xây dựng một bộ thi hành án
thống nhất; (2) bảo đảm một hệ thống Toà án hành chính độc lập; (3) tăng cường
đội ngũ thi hành án và cán bộ lãnh đạo công tác thi hành, nâng cao nhận thức pháp
luật của nhân dân; (4) tăng cường trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu điều
hành cơ quan hành chính; (5) chính quyền cấp trên liên đới chịu trách nhiệm bồi
thường trong THAHC cho chính quyền cấp dưới [28, tr. 57-68].
Khác với các tác giả nêu trên khi nghiên cứu pháp luật THAHC và thực tiễn
hoạt động THAHC tại một quốc gia, tác giả Trần Kim Liễu đề cập đến khác nhiều
21
quốc gia trong nghiên cứu của mình. Tác giả cho rằng những quy định của pháp luật
THAHC tại Việt Nam cũng khá cụ thể, song thực tế thi hành vẫn chậm trễ, có nhiều
trường hợp không thi hành và một trong những nguyên nhân là do nước ta theo xu
hướng khuyến khích việc tự nguyện trong THAHC. Tác giả đề xuất trong thời gian tới
cần trao quyền cho Toà án trong việc ra quyết định cưỡng chế THAHC theo kinh
nghiệm của Cộng hoà Pháp thay vì chỉ dừng lại ở Quyết định buộc THAHC như hiện
nay tại Việt Nam; hay truy cứu trách nhiệm hình sự một cách nghiêm khắc đối với
trường hợp cố tình vi phạm không phân biệt đó là người dân hay cơ quan hành chính
nhà nước như đang được áp dụng tại Úc. Đồng thời, tác giả cũng gợi ý về cơ chế Cơ
quan TGGQKN như Cộng hoà Pháp để giảm áp lực giải quyết khiếu kiện hành chính
cho Toà án và góp phần kiểm soát việc thực thi phán quyết của Toà hành chính.
Tóm lại, dù được thực hiện trước hay sau khi Luật TTHC năm 2015 có hiệu
lực thi hành thì nội dung được thể hiện trong các công trình kể trên đều cho thấy sự
công phu và tâm huyết của các tác giả trong việc đúc kết những kinh nghiệm từ quy
định của pháp luật THAHC cũng như thực tiễn thi hành tại những quốc gia trên thế
giới để áp dụng cho Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế của công tác THAHC tại nước ta
hiện không chỉ do pháp luật thực định mà từ nhiều yếu tố khác như nhận thức về
THAHC của các chủ thể còn hạn chế, trên thực tế phần lớn lại xuất phát từ các cơ
quan hành chính nhà nước. Thực trạng này vốn không phổ biến ở các quốc gia trên
Thế giới. Tại Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Úc… trình độ pháp quyền đã đạt đến tầm mức
cao, các phán quyết của Toà án về VAHC thường được thực hiện một cách nghiêm
chỉnh, các biện pháp xử lý tuy được quy định cụ thể song ít khi phải áp dụng cho
trường hợp không hoặc chậm THAHC. Hơn nữa, hệ thống pháp luật nói chung và
pháp luật THAHC tại các quốc gia kể trên là thống nhất và ít mâu thuẫn. Mỗi công
trình nghiên cứu về pháp luật THAHC tại các quốc gia kể trên đều giúp tác giả có
định hướng và kế thừa các giải pháp, đề xuất để áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên,
theo tác giả các đề xuất còn giản đơn và chưa có những biện pháp thực hiện cụ thể,
đôi khi vì chưa phù hợp với hoàn cảnh hoặc chưa mang tính toàn diện.
1.2. Đánh giá tình hình nghiên cứu
1.2.1. Những ưu điểm, những kết quả nghiên cứu mà luận án sẽ kế thừa và
tiếp tục phát triển
- Thứ nhất, về mặt lý luận
Các công trình nghiên cứu hầu hết có đề cập, phân tích cơ sở lý luận về thi hành án
nói chung và THAHC nói riêng, trong đó những nội dung về khái niệm, đặc điểm và
22
ý nghĩa của THAHC được thể hiện khá cụ thể. Đa số các nghiên cứu có sự đồng
thuận cao khi xác định THAHC là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo giá
trị của quá trình giải quyết xét xử VAHC của TAND các cấp, góp phần đảm bảo hiệu
quả của hoạt động quản lý nhà nước nói chung, xa hơn là góp phần bảo vệ, phát triển
quyền con người, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật vốn cần thiết trong
công cuộc cải cách nền tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
Những kết quả này là cơ sở rất quan trọng để tác giả có nhận thức và định
hướng đúng đắn về cơ sở lý luận đối với THAHC từ đó tiếp tục có những nghiên
cứu sâu sắc hơn và đầy đủ hơn làm nền tảng cho việc đánh giá các vấn đề thực trạng
và đề xuất các giải pháp hoàn thiện.
- Thứ hai, về mặt thực trạng
Các công trình nghiên cứu đã có những đánh giá, tổng kết khá đầy đủ cả về
pháp luật THAHC thực định và tình hình thực thi hoạt động này trên thực tế. Một số
công trình có sự phân tích khá cụ thể và rõ ràng về những hạn chế mang tính phổ
biến của pháp luật THAHC, đặc biệt giai đoạn khi Luật TTHC năm 2010 được áp
dụng, xác định chính xác một số nguyên nhân làm phát sinh những tồn tại, khó khăn
trong THAHC, có những đề xuất về mặt pháp lý được cơ quan có thẩm quyền tiếp
thu, sửa đổi và giải quyết thoả đáng bằng chính những quy định mới tại Luật TTHC
năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP.
Đây thực sự là tiền đề quan trọng để tác giả có cái nhìn toàn diện hơn về lịch
sử phát triển của pháp luật và tình hình THAHC tại Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn
phát triển pháp luật 1996 – 2016, mạnh dạn hơn trong việc đề xuất những giải pháp
nhằm hoàn thiện pháp THAHC nói riêng và đảm bảo hiệu quả THAHC nói chung
cho giai đoạn hiện nay.
- Thứ ba, về mặt giải pháp
Phần lớn các công trình nghiên cứu hướng đến việc hoàn thiện pháp luật
THAHC, đặc biệt một số công trình gần đây có đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật
TTHC năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP bao gồm nội dung liên quan đến
giải quyết xét xử các VAHC và THAHC. Tuy các giải pháp chủ yếu thể hiện dưới
dạng liệt kê, chưa luận bàn cụ thể song đây thực sự là những gợi ý quan trọng cho
tác giả trong việc đề xuất về nhóm các giải pháp mang tính toàn diện và đầy đủ hơn.
Tác giả đặc biệt trân trọng các công trình liên quan đến việc tìm hiểu, phân tích
pháp luật THAHC của một số nước trên Thế giới vì các kết quả nghiên cứu được
trình bày khá sinh động, có tính kế thừa cao từ nhiều nội dung như cơ chế THAHC;
23
trình tự, thủ tục và cả những biện pháp chế tài có thể áp dụng của các quốc gia đối
với tình trạng không hoặc chậm THAHC tại Việt Nam.
Trong số những giải pháp được đề xuất của các tác giả, nhận thấy trong nhiều
trường hợp đã được minh chứng bằng kết quả rất khả quan trên thực tế tại nhiều địa
phương. Điều này, càng thôi thúc tác giả trong việc trình bày các giải pháp phù hợp
khác và tin rằng sẽ mang lại nhiều kết quả khả thi trong đảm bảo hiệu THAHC tại
Việt Nam thời gian sắp tới.
1.2.2. Những vấn đề chưa được đề cập, giải quyết thấu đáo hoặc còn nhiều
tranh luận mà luận án phải tiếp tục nghiên cứu
- Thứ nhất, về mặt lý luận
Những vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo, còn nhiều tranh luận
Một là, khái niệm THAHC tuy đã được đề cập trong nhiều công trình nghiên
cứu nhưng chưa có sự thống nhất cao. Nghị định 71/2016/NĐ-CP mặc dù có nêu ra
trong phần giải thích từ ngữ về THAHC là gì, song những giải thích vẫn khá giản
đơn và chưa phản ánh được đầy đủ bản chất của lĩnh vực thi hành án này.
Hai là, bản chất của hoạt động thi hành án nói chung và THAHC nói riêng còn
nhiều quan điểm trái chiều, thậm chí trở nên mâu thuẫn và đối lập nhau.
Những vấn đề chưa được đề cập
Một là, khi luận bàn về đối tượng THAHC, các công trình chỉ nêu một cách
chung chung là bản án, quyết định của Toà án về VAHC được đưa ra thi hành mà
chưa có sự phân tích, so sánh giữa bản án hành chính với quyết định của Toà án.
Hai là, kiểm soát quyền lực nhà nước là nội dung quan trọng đảm bảo hiệu
quả hoạt động của bộ máy nhà nước và THAHC góp phần đảm bảo chức năng này
giữa cơ quan tư pháp đối với cơ quan hành pháp, tuy nhiên chưa được các nghiên
cứu đề cập.
Ba là, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo trong THAHC là một nội dung quan
trọng, góp phần đảm bảo hiệu quả THAHC, bảo vệ quyền con người, sự công bằng
giữa các đương sự trong THAHC nhưng không được luận bàn.
Bốn là, các yếu tố tác động đến hiệu quả THAHC chưa được xác lập, mặc dù
đây là nội dung mang tính định hướng trong việc đưa ra các đánh giá về thực trạng
cũng như đề xuất các giải pháp đảm bảo hiệu quả THAHC.
24
- Thứ hai, về mặt thực trạng
Các công trình nghiên cứu hầu như chỉ nêu lên những hạn chế về thực trạng
quy định của pháp luật THAHC ở từng giai đoạn phát triển nhất định trong đó dành
sự quan tâm chủ yếu cho giai đoạn Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996 và Luật
TTHC năm 2010 có hiệu lực thi hành. Thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành
giai đoạn Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực thi hành chưa được đánh giá thấu đáo.
Thực trạng các yếu tố tác động đến hiệu quả THAHC cũng không được đề cập.
THAHC tại Việt Nam mặc dù vẫn theo xu hướng khuyến khích tự nguyện thi
hành. Do đó, chủ thể thực hiện chủ yếu là những cá nhân có liên quan và các cơ
quan hành chính nhà nước. Song đây vẫn là một hoạt động thực hiện pháp luật có
liên quan đến nhiều chủ thể khác và vai trò của họ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu
quả THAHC nói chung. Tuy nhiên, đa số các công trình chỉ chủ yếu đánh giá về
thực trạng hoạt động của một hoặc một số chủ thể, nhấn mạnh nhiều đối với chủ thể
quản lý nhà nước hay chủ thể thực hiện chức năng theo dõi THAHC là Hệ thống cơ
quan THADS. Trong khi đó, chức năng kiểm sát THAHC của VKSND hay hoạt
động xét xử hành chính của TAND các cấp đề cập khá ít và mờ nhạt.
- Thứ ba, về mặt giải pháp
Khi chỉ tập trung đánh giá về thực trạng pháp luật hay đánh giá thực tiễn thi
hành của một hoặc một số chủ thể trong THAHC thì các giải pháp đưa ra sẽ khó toàn
diện đối với lĩnh vực thi hành án vốn được xác định là khó khăn và chứa đựng nhiều
yếu tố nhạy cảm. Dẫu biết rằng giải pháp hoàn thiện pháp luật luôn là một giải pháp
quan trọng trong mọi trường hợp về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Song
nếu đem so sánh pháp luật thực định về THAHC của nước ta với một số nước trên thế
giới sẽ nhận thấy dù xuất hiện muộn hơn nhưng nhiều quy định không thua kém về khả
năng điều chỉnh. Thế nhưng, hiệu quả THAHC tại nước ta vẫn thấp, thậm chí việc triển
khai công tác này còn gây nhiều bức xúc trong dư luận vì chậm hoặc không thi hành
án, phát sinh tình trạng khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Do đó, để đảm bảo hiệu quả công
tác này, trên cơ sở kế thừa những đề xuất của các công trình nghiên cứu đi trước tác giả
cần hoàn thiện và đề xuất nhiều hơn nữa những giải pháp khác, đặc biệt là giải pháp
nâng cao nhận thức của chủ thể thi hành án, chủ thể có liên quan và những giải pháp
mang tính bổ trợ quan trọng khác như nâng cao chất lượng xét xử của Toà hành chính
và chức năng kiểm sát của VKSND đồi với THAHC.
25
1.3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu trong luận án
1.3.1. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu
Trên cơ sở phân tích lý luận, thực trạng và giải pháp của các công trình nghiên
cứu liên quan đến chủ đề luận án, nhận thấy không gian nghiên cứu của luận án là
khá rộng lớn, tác giả ngoài việc kế thừa các nghiên cứu đã thực hiện cần tiếp tục
nghiên cứu những vấn đề sau:
Thứ nhất, làm sáng tỏ quan điểm về bản chất hoạt động THAHC đã lựa chọn
trên cơ sở những minh chứng khoa học có tính thuyết phục. Từ đó, đưa ra khái
niệm, phân tích các đặc điểm và luận bàn một cách cụ thể về vai trò của THAHC
trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, trong cải cách nền tư pháp và xây
dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu, phân tích về mặt lý luận cũng như thực trạng các
yếu tố tác động đến hiệu quả THAHC, làm nền tảng cho việc đánh giá những tồn tại, hạn
chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong THAHC để từ đó định hướng các
giải pháp mang tính toàn diện trong thời gian tới cho lĩnh vực thi hành án này.
Thứ ba, đối tượng của THAHC là những bản án, quyết định của Toà án về
VAHC do đó cần làm rõ về bản án hành chính, quyết định của Toà án, hai đối tượng
này có những khác biệt gì, những bất cập còn tồn tại trong quy định của pháp luật
hiện hành giữa đối tượng THAHC với thủ tục THAHC.
Thứ tư, phân tích về trình tự, thủ tục THAHC gắn với trách nhiệm của các chủ
thể có liên quan; đánh giá mức độ thi hành pháp luật của các chủ thể đó để chỉ ra
những quy định còn bất cập về trình tự, thủ tục THAHC và định hướng những giải
pháp hoàn thiện pháp luật về nội dung này.
Thứ năm, tổng hợp, đánh giá về ưu điểm, nhược điểm của pháp luật THAHC giai
đoạn 2016 đến nay đặt trong sự so sánh với pháp luật THAHC giai đoạn 1996 – 2016.
Thứ sáu, xác định quan điểm đối với THAHC trong thời gian tới trên cơ sở lý
luận và cơ sở thực tiễn đúng đắn. Đề xuất những giải pháp dựa trên quan điểm đã xác
định với tiêu chí đảm bảo tính khả thi, lâu dài cho công tác THAHC tại Việt Nam.
1.3.2. Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu
Luận án được triển khai với các câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu sau:
Câu hỏi 1: Bản chất của hoạt động THAHC là gì?
26
Giả thuyết: Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất của hoạt động
THAHC, có hai quan điểm mang tính phổ biến: (i) xem THAHC một giai đoạn
thuộc quá trình TTHC, mang tính tư pháp hoàn toàn; (ii) xác định THAHC là giai
đoạn tiếp theo sau khi quá trình TTHC kết thúc và là hoạt động mang tính hành
chính – tư pháp, trong đó tính hành chính có phần nổi trội hơn. Xác định đúng bản
chất của hoạt động THAHC sẽ giúp nhận diện chính xác khái niệm, đặc điểm, ý
nghĩa cũng như những yếu tố tác động đến hiệu quả THAHC.
Câu hỏi 2: THAHC có đối tượng, chủ thể và thủ tục thực hiện như thế nào? Có
những yếu tố nào tác động đến hiệu quả hoạt động THAHC?
Giả thuyết: THAHC là một trong ba lĩnh vực thi hành án cơ bản cùng nhằm hiện
hoá bản án, quyết định của Toà án. Tuy nhiên, với những đặc thù về đối tượng khởi
kiện VAHC, đặc thù về đương sự cụ thể là người bị kiện trong các tranh chấp hành
chính do đó đối tượng, chủ thể và thủ tục THAHC sẽ có những nét đặc trưng cơ bản.
THAHC ngoài nhằm mục đích đảm bảo duy trì công lý sau hoạt động xét xử của Toà
Hành chính còn nhằm nâng cao năng lực và đảm bảo uy tín của bộ máy nhà nước trong
điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền. Do đó có nhiều yếu tố từ trực tiếp đến gián
tiếp, khách quan và chủ quan trong việc tác động đến hiệu quả THAHC.
Câu hỏi 3: Đảm bảo hiệu quả THAHC trong thời gian tới ở Việt Nam cần dựa
trên những quan điểm nào?
Giả thuyết: Các quan điểm đảm bảo hiệu quả THAHC thời gian qua chưa thực
sự phù hợp và thiếu tính toàn diện, một số giải pháp vì vậy mà chưa được triển khai,
triển khai không hiệu quả do hạn chế về mặt nhận thức, có những giải pháp thiếu
tính khả thi do chưa xây dựng được các điều kiện đảm bảo.
Câu hỏi 4: Trong bối cảnh hiện nay, cần những giải pháp nào để đảm bảo hiệu
quả THAHC ở Việt Nam?
Giả thuyết: Trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2011 đến nay khi
pháp luật THAHC được quy định thành một chương riêng trong Luật TTHC, đã có
nhiều giải pháp được đề xuất và triển khai áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, hiệu quả
không đạt được như mong muốn, nhận thấy nguyên nhân do các giải pháp còn chưa
đồng bộ, thiếu tính khả thi, không có sự kết nối giữa các giải pháp, một số trong đó
không phù hợp và còn mang nặng tính hình thức.
27
Tiểu kết chương 1
Thông qua những nội dung trình bày tại Chương 1, Luận án xác định sự cần
thiết của việc lựa chọn đề tài nghiên cứu, tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan
đến đề tài và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu. Ngoài ra, những nội dung
về mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu; phạm vi hay đối tượng nghiên cứu của đề tài
cũng được xác lập một cách cụ thể. Với những nghiên cứu bước đầu này, Luận án
đã xác định những nội dung quan trọng mang tính định hướng sau:
- Thi hành án nói chung và THAHC nói riêng là một trong những hoạt động
quan trọng của bộ máy nhà nước nhằm bảo đảm cho những phán quyết của Toà án
có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế. Thông qua hoạt động THAHC,
quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức được bảo vệ, công bằng xã hội được
duy trì. Xét xử khách quan, công lý xuất hiện nhưng nếu không được thi hành hoặc
thi hành kém hiệu quả sẽ làm vô hiệu hoá toàn bộ quá trình tố tụng, trật tự, kỷ
cương bị tổn hại, lòng tin của nhân dân bị giảm sút, tính nghiêm minh của pháp luật
bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, thi hành án nói chung và THAHC nói riêng có
vai trò rất quan trọng trong điều kiện cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp
quyền XHCN hiện nay.
- Pháp luật THAHC có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên qua 20 năm kể
từ khi Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996 chính thức có hiệu lực những quy
định về THAHC vẫn tồn tại lồng ghép trong Luật TTHC mà chưa có một Luật
THAHC riêng biệt tương tự như THADS hay THAHS. Thực tiễn thi hành những
năm qua cũng cho thấy công tác THAHC vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu,
nhiều vụ việc còn gây bức xúc dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài, vượt cấp.
THAHC trong thời gian tới rất cần những giải pháp đồng bộ từ nhận thức cho tới
thể chế và những biện pháp đảm bảo thực thi nhiệm vụ của các chủ thể có liên quan.
Tổng quan đề tài được thực hiện dựa trên một số lượng khá lớn các công trình
nghiên cứu trong khả năng tiếp cận của tác giả. Từ đó đúc kết những ưu điểm,
những kết quả nghiên cứu mà Luận án cần kế thừa và tiếp tục phát triển. Đồng thời
cũng nhấn mạnh những vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo cần phải tiếp tục
nghiên cứu.
28
Chương 2
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH
CỦA TOÀ ÁN VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của thi hành bản án, quyết định của Toà
án về vụ án hành chính
2.1.1. Khái niệm thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính
Trong khoa học pháp lý hiện nay, còn nhiều quan điểm khác nhau về bản chất
của hoạt động THAHC. Nhiều quan điểm cho rằng THAHC là một giai đoạn của
quá trình tố tụng. Song ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng THAHC là những hoạt
động mang tính chất hành chính – tư pháp. Việc xác định THAHC là một giai đoạn
tố tụng độc lập hay là những hoạt động mang tính chất hành chính – tư pháp có ý
nghĩa quan trọng trong việc làm sáng tỏ bản chất của THAHC.
Những quan điểm xác định THAHC là một giai đoạn của quá trình tố tụng,
tiếp theo sau giai đoạn xét xử vì cho rằng hoạt động xét xử phải gắn liền với hoạt
động thi hành án [44, tr.419], [45, tr.398]. TTHC là việc giải quyết VAHC. Một vụ
án chỉ có thể được coi là giải quyết xong khi những phán quyết của Toà án được thi
hành xong trên thực tế. Bản án, quyết định của Toà án mới chỉ xác định chân lý của
sự việc, phán quyết những tranh chấp hành chính đúng hay sai trên văn bản, giấy tờ.
Muốn những phán quyết đó được thực hiện trên thực tế, cần phải chờ hiệu quả của
công tác thi hành án. Quá trình đi tìm chân lý theo đó kéo dài suốt quá trình tố tụng
cho tới khi chân lý được khẳng định trên thực tế. Vì vậy, THAHC là giai đoạn tiếp
theo của quá trình xét xử hành chính.
Tuy nhiên, quan điểm ngược lại cho rằng, tố tụng là quá trình đi tìm sự thật
của các vụ việc đã diễn ra để trên cơ sở đó đưa ra cách giải quyết vụ việc theo đúng
các quy định của pháp luật và khi có phán quyết của Toà án thì quá trình tố tụng kết
thúc [109, tr.21-22]. Trong khi, thi hành án nói chung và THAHC nói riêng là quá
trình tiến hành các hoạt động nhằm thực hiện các bản án, quyết định của Toà án đã
có hiệu lực pháp luật và điều này đồng nghĩa với việc không còn tranh chấp nào cần
phải xét xử ở giai đoạn này. Do đó, THAHC không phải là bước tiếp theo của quá
trình xét xử. THAHC là một hoạt động mang tính hành chính – tư pháp. Bởi vì:
29
Thứ nhất, tính hành chính – THAHC là một dạng hoạt động vừa mang tính
chấp hành vừa mang tính quản lý và điều hành
Tính chấp hành trong THAHC thể hiện rõ rệt ở chỗ trong giai đoạn thi hành
án, chủ thể thi hành án không giải thích bản án, quyết định của Toà án mà chỉ có
một mục tiêu là thực hiện bản án, quyết định đó. Bản án, quyết định của Toà án phải
được chấp hành nghiêm túc đối với tất cả các đương sự trong VAHC và các cơ
quan, cá nhân có liên quan [104, tr.23-40]. Ngoài ra, dù trong trường hợp Toà tuyên
bác yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân hay khi Toà án tuyên bố
QĐHC, HVHC của cơ quan hành chính nhà nước là trái pháp luật thì hoạt động thi
hành án đều do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ
quan hành chính nhà nước thực hiện theo trình tự, thủ tục hành chính. Trường phán
quyết của Toà án liên quan đến phần tài sản sẽ do Cơ quan THADS tổ chức thi
hành. Cơ quan THADS thực chất là cơ quan hành chính nhà nước và một số hoạt
động cưỡng chế thi hành mà cơ quan này áp dụng cũng là thủ tục hành chính.
Tính quản lý, điều hành của THAHC trong những vấn đề sau: (i) Trách nhiệm
của Hệ thống Cơ quan THADS trong việc đôn đốc, theo dõi thi hành án; (ii) Thủ
trưởng trực tiếp và Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án (trường
hợp Toà án tuyên bố QĐHC, HVHC của cơ quan hành chính nhà nước là trái pháp
luật) có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền
quản lý khi có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành hoặc chấp hành không
đúng bản án, quyết định của Toà án; (iii) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về
công tác THAHC trong phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính
phủ trong thực hiện quản lý nhà nước về THAHC. Ngoài ra, THAHC cũng là hoạt
đòi hỏi các yếu tố kế hoạch, tổ chức, báo cáo, kiểm tra hay giải quyết khiếu nại, tố
cáo nhằm tác động tới các chủ thể THAHC để họ có định hướng, giải pháp thực
hiện, thi hành nghĩa vụ đã được xác định trong các bản án, quyết định của Toà án;
giáo dục họ ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng lợi ích của cá nhân, của Nhà nước
và xã hội, giáo dục họ trở thành những con người có ích cho xã hội.
Thứ hai, tính chất tư pháp
Mặc dù chưa có một văn bản pháp luật nào chính thức xác định khái niệm tư
pháp có nội hàm gì, cơ quan tư pháp gồm những cơ quan nào, nhưng tại nước ta
điều này đã được thể hiện qua chủ trương của Đảng nêu trong các Nghị quyết về cải
30
cách tư pháp và thông qua cách thức tổ chức bộ máy nhà nước cùng với các hoạt
động thực thi quyền lực nhà nước. Theo đó nội dung của công tác tư pháp và cơ
quan tư pháp nói chung có phạm vi rất rộng từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành
án mà trọng tâm là hoạt động xét xử của TAND các cấp và thi hành án ở đây bao
gồm THAHC.
Các hành vi không THAHC, không chấp hành án hành chính, cố ý cản trở việc
THAHC khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định về từng tội danh tại Bộ luật Hình sự. Nhiệm vụ kiểm sát THAHC là
một trong những nhiệm vụ thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của
VKSND. Chấp hành viên trong các Cơ quan THADS được pháp luật quy định là
một loại chức danh tư pháp. Ở các quốc gia khác nhau, chức danh này có những tên
gọi khác nhau, chẳng hạn như ở Anh được gọi là người thi hành án của Toà án hạt,
người thi hành án tư được chứng nhận và người sai áp nhưng đều có vai trò quan
trọng trong việc thi hành các phán quyết của Toà án, đặc biệt trong việc thi hành các
phán quyết có liên quan đến phần tài sản hay bồi thường thiệt hại. Chủ thể này tại
Việt Nam được đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp
vụ tại Học viện Tư pháp cùng với các chức danh tư pháp khác như thẩm phán, kiểm
sát viên, luật sư, công chứng viên.
Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự cũng như Luật TTHC trước
đây và hiện nay đều không xác định cơ quan thi hành án là cơ quan tiến hành tố
tụng. Cụ thể, trong tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm Cơ quan điều
tra, VKSND, TAND; tố tụng dân sự và TTHC, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có hai
cơ quan là VKSND và TAND. Mặt khác, dù được quy định trong Luật TTHC
nhưng những nội dung về THAHC chỉ chủ yếu là thủ tục đưa bản án, QĐHC của
Toà án ra thi hành. Đây không phải bản thân hoạt động thi hành án. Hơn nữa, trong
các chương quy định về thủ tục khiếu nại, tố cáo hành vi tố tụng trong cả ba lĩnh
vực hình sự, dân sự và hành chính thì những quyết định hay hành vi của các chủ thể
có liên quan về thi hành án đều không được nhắc tới.
Như vậy, theo tác giả, THAHC không phải là giai đoạn tố tụng độc lập tiếp
theo giai đoạn xét xử. Về bản chất THAHC là những hoạt động vừa mang tính hành
chính vừa chứa đựng yếu tố tư pháp. Do đó, THAHC hay cụ thể là thi hành bản án,
quyết định của Toà án về VAHC có thể hiểu như sau:
31
Thi hành bản án, quyết định của Toà án về VAHC là hành vi của các đương sự
trong VAHC và các chủ thể có liên nhằm hiện thực hoá các bản án, quyết định của Toà
án về VAHC theo thủ tục do pháp luật quy định. Đây không phải là một giai đoạn
TTHC độc lập mà là tổng thể các hoạt động mang tính hành chính – tư pháp.
2.1.2. Đặc điểm thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính
THAHC là một dạng thi hành án nói chung, do đó cũng có những đặc điểm nổi
bật của hoạt động thi hành án như: Là quá trình độc lập diễn ra sau quá trình xét xử
của Toà án; cơ sở tiến hành các hoạt động thi hành án là bản án hay quyết định của
Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, THAHC còn có những đặc điểm như sau:
2.1.2.1. Thi hành án hành chính là lĩnh vực thi hành án vừa mang tính tự
nguyện, vừa mang tính cưỡng chế
Tính tự nguyện của THAHC thể hiện ở quy định thi hành phần dân sự trong
bản án, quyết định của Toà án hành chính được thực hiện theo pháp luật THADS.
Lúc này đương sự trong VAHC có quyền thoả thuận về việc thi hành bản án, nếu
thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Kết quả thi hành án về phần dân sự theo thoả thuận sẽ được pháp luật thừa nhận.
Tính cưỡng chế của THAHC thể hiện ở việc bảo đảm cho các QĐHC, HVHC
đúng pháp luật phải được thực hiện sau khi được ban hành với khoảng thời gian có
hiệu lực thi hành nhất định (thường có hiệu lực thi hành ngay) nhưng do có hành vi
khiếu kiện hành chính mà phải tạm dừng, nay tiếp tục được thực thi. Hoặc ngược lại
nhằm bác bỏ việc thực hiện các QĐHC, HVHC trái pháp luật và buộc chủ thể quản
lý hành chính nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ như thay đổi nội dung các
QĐHC bị kiện; huỷ bỏ các QĐHC ban hành QĐHC mới; chấm dứt việc thực hiện
các HVHC.
2.1.2.2. Không có cơ quan chuyên trách tổ chức thi hành đối với những phán
quyết của Toà án về tính hợp pháp của QĐHC, HVHC bị khởi kiện
Ngoại trừ thi hành về phần tài sản được thực hiện bởi Cơ quan THADS, đối
với phần phán quyết về tính hợp pháp của QĐHC, HVHC không có cơ quan chuyên
trách tổ chức thi hành án. Việc chủ thể nào thi hành án tuỳ thuộc vào nội dung bản
án, quyết định của Toà án đã giải quyết VAHC đồng thời tuỳ thuộc vào quy định
của pháp luật về tổ chức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành
chính nhà nước, có thể là cơ quan hành chính nhà nước cũng có thể là người có
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY
Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY

More Related Content

What's hot

Hoàn thiện công tác quản trị chất lượng toàn diện tqm tại công ty cổ phần cơ ...
Hoàn thiện công tác quản trị chất lượng toàn diện tqm tại công ty cổ phần cơ ...Hoàn thiện công tác quản trị chất lượng toàn diện tqm tại công ty cổ phần cơ ...
Hoàn thiện công tác quản trị chất lượng toàn diện tqm tại công ty cổ phần cơ ...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Quan ly chat luong bai giang
Quan ly chat luong  bai giangQuan ly chat luong  bai giang
Quan ly chat luong bai gianghoanglamhn2012
 
Luận văn: Lập trình nhúng ARM trên Linux, HOT, 9đ
Luận văn: Lập trình nhúng ARM trên Linux, HOT, 9đLuận văn: Lập trình nhúng ARM trên Linux, HOT, 9đ
Luận văn: Lập trình nhúng ARM trên Linux, HOT, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Xử lý ảnh video theo thời gian thực trên kit STM32, 9đ
Luận văn: Xử lý ảnh video theo thời gian thực trên kit STM32, 9đLuận văn: Xử lý ảnh video theo thời gian thực trên kit STM32, 9đ
Luận văn: Xử lý ảnh video theo thời gian thực trên kit STM32, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
xử lí module analog trong s7 300
xử lí module analog trong s7 300xử lí module analog trong s7 300
xử lí module analog trong s7 300
Phương Nam
 
báo cáo mạch OTL vi sai
báo cáo mạch OTL vi saibáo cáo mạch OTL vi sai
báo cáo mạch OTL vi sai
KhangL95
 
Đề tài: Hệ thống khởi động mềm của động cơ dị bộ lồng sóc, HOT
Đề tài: Hệ thống khởi động mềm của động cơ dị bộ lồng sóc, HOTĐề tài: Hệ thống khởi động mềm của động cơ dị bộ lồng sóc, HOT
Đề tài: Hệ thống khởi động mềm của động cơ dị bộ lồng sóc, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Đề tài: Xây dựng bài thí nghiệm xử lý tín hiệu số trên Matlab
Đề tài: Xây dựng bài thí nghiệm xử lý tín hiệu số trên MatlabĐề tài: Xây dựng bài thí nghiệm xử lý tín hiệu số trên Matlab
Đề tài: Xây dựng bài thí nghiệm xử lý tín hiệu số trên Matlab
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
38 câu trắc nghiệm quản trị mạng
38 câu trắc nghiệm quản trị mạng38 câu trắc nghiệm quản trị mạng
38 câu trắc nghiệm quản trị mạng
startover123
 
Đề tài: Bộ điều khiển trượt cho tay máy Robot 2 bậc tự do, HAY
Đề tài: Bộ điều khiển trượt cho tay máy Robot 2 bậc tự do, HAYĐề tài: Bộ điều khiển trượt cho tay máy Robot 2 bậc tự do, HAY
Đề tài: Bộ điều khiển trượt cho tay máy Robot 2 bậc tự do, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Bài tập lớn môn thông tin quang WDM_08293012092019
Bài tập lớn môn thông tin quang WDM_08293012092019Bài tập lớn môn thông tin quang WDM_08293012092019
Bài tập lớn môn thông tin quang WDM_08293012092019
hanhha12
 
cảm biến đo gia tốc và rung
cảm biến đo gia tốc và rungcảm biến đo gia tốc và rung
cảm biến đo gia tốc và rung
Tony Tun
 
RichTetxtBox control
RichTetxtBox controlRichTetxtBox control
RichTetxtBox control
An Nguyen
 
Toàn tập về orcad
Toàn tập về orcadToàn tập về orcad
Toàn tập về orcad
David Trần
 
LUẬN VĂN THIẾT KẾ HỆ THỐNG NHÚNG VỚI VI ĐIỀU KHIỂN LÕI MỀM VÀ HỆ ĐIỀU HÀNH TR...
LUẬN VĂN THIẾT KẾ HỆ THỐNG NHÚNG VỚI VI ĐIỀU KHIỂN LÕI MỀM VÀ HỆ ĐIỀU HÀNH TR...LUẬN VĂN THIẾT KẾ HỆ THỐNG NHÚNG VỚI VI ĐIỀU KHIỂN LÕI MỀM VÀ HỆ ĐIỀU HÀNH TR...
LUẬN VĂN THIẾT KẾ HỆ THỐNG NHÚNG VỚI VI ĐIỀU KHIỂN LÕI MỀM VÀ HỆ ĐIỀU HÀNH TR...
KhoTi1
 
GRADUATION THESIS FINAL
GRADUATION THESIS FINALGRADUATION THESIS FINAL
GRADUATION THESIS FINALThang Vu Dinh
 
Bài giảng Thực hành đo lường cảm biến.pdf
Bài giảng Thực hành đo lường cảm biến.pdfBài giảng Thực hành đo lường cảm biến.pdf
Bài giảng Thực hành đo lường cảm biến.pdf
Man_Ebook
 
Kỹ năng giao tiếp thông qua khảo sát đánh giá
Kỹ năng giao tiếp thông qua khảo sát đánh giáKỹ năng giao tiếp thông qua khảo sát đánh giá
Kỹ năng giao tiếp thông qua khảo sát đánh giá
Thành Nguyễn
 
Chuong 7.1 mach loc dien
Chuong 7.1 mach loc dienChuong 7.1 mach loc dien
Chuong 7.1 mach loc dienthanhyu
 

What's hot (20)

Hoàn thiện công tác quản trị chất lượng toàn diện tqm tại công ty cổ phần cơ ...
Hoàn thiện công tác quản trị chất lượng toàn diện tqm tại công ty cổ phần cơ ...Hoàn thiện công tác quản trị chất lượng toàn diện tqm tại công ty cổ phần cơ ...
Hoàn thiện công tác quản trị chất lượng toàn diện tqm tại công ty cổ phần cơ ...
 
Quan ly chat luong bai giang
Quan ly chat luong  bai giangQuan ly chat luong  bai giang
Quan ly chat luong bai giang
 
Luận văn: Lập trình nhúng ARM trên Linux, HOT, 9đ
Luận văn: Lập trình nhúng ARM trên Linux, HOT, 9đLuận văn: Lập trình nhúng ARM trên Linux, HOT, 9đ
Luận văn: Lập trình nhúng ARM trên Linux, HOT, 9đ
 
Luận văn: Xử lý ảnh video theo thời gian thực trên kit STM32, 9đ
Luận văn: Xử lý ảnh video theo thời gian thực trên kit STM32, 9đLuận văn: Xử lý ảnh video theo thời gian thực trên kit STM32, 9đ
Luận văn: Xử lý ảnh video theo thời gian thực trên kit STM32, 9đ
 
Hoan doi lai suat
Hoan doi lai suatHoan doi lai suat
Hoan doi lai suat
 
xử lí module analog trong s7 300
xử lí module analog trong s7 300xử lí module analog trong s7 300
xử lí module analog trong s7 300
 
báo cáo mạch OTL vi sai
báo cáo mạch OTL vi saibáo cáo mạch OTL vi sai
báo cáo mạch OTL vi sai
 
Đề tài: Hệ thống khởi động mềm của động cơ dị bộ lồng sóc, HOT
Đề tài: Hệ thống khởi động mềm của động cơ dị bộ lồng sóc, HOTĐề tài: Hệ thống khởi động mềm của động cơ dị bộ lồng sóc, HOT
Đề tài: Hệ thống khởi động mềm của động cơ dị bộ lồng sóc, HOT
 
Đề tài: Xây dựng bài thí nghiệm xử lý tín hiệu số trên Matlab
Đề tài: Xây dựng bài thí nghiệm xử lý tín hiệu số trên MatlabĐề tài: Xây dựng bài thí nghiệm xử lý tín hiệu số trên Matlab
Đề tài: Xây dựng bài thí nghiệm xử lý tín hiệu số trên Matlab
 
38 câu trắc nghiệm quản trị mạng
38 câu trắc nghiệm quản trị mạng38 câu trắc nghiệm quản trị mạng
38 câu trắc nghiệm quản trị mạng
 
Đề tài: Bộ điều khiển trượt cho tay máy Robot 2 bậc tự do, HAY
Đề tài: Bộ điều khiển trượt cho tay máy Robot 2 bậc tự do, HAYĐề tài: Bộ điều khiển trượt cho tay máy Robot 2 bậc tự do, HAY
Đề tài: Bộ điều khiển trượt cho tay máy Robot 2 bậc tự do, HAY
 
Bài tập lớn môn thông tin quang WDM_08293012092019
Bài tập lớn môn thông tin quang WDM_08293012092019Bài tập lớn môn thông tin quang WDM_08293012092019
Bài tập lớn môn thông tin quang WDM_08293012092019
 
cảm biến đo gia tốc và rung
cảm biến đo gia tốc và rungcảm biến đo gia tốc và rung
cảm biến đo gia tốc và rung
 
RichTetxtBox control
RichTetxtBox controlRichTetxtBox control
RichTetxtBox control
 
Toàn tập về orcad
Toàn tập về orcadToàn tập về orcad
Toàn tập về orcad
 
LUẬN VĂN THIẾT KẾ HỆ THỐNG NHÚNG VỚI VI ĐIỀU KHIỂN LÕI MỀM VÀ HỆ ĐIỀU HÀNH TR...
LUẬN VĂN THIẾT KẾ HỆ THỐNG NHÚNG VỚI VI ĐIỀU KHIỂN LÕI MỀM VÀ HỆ ĐIỀU HÀNH TR...LUẬN VĂN THIẾT KẾ HỆ THỐNG NHÚNG VỚI VI ĐIỀU KHIỂN LÕI MỀM VÀ HỆ ĐIỀU HÀNH TR...
LUẬN VĂN THIẾT KẾ HỆ THỐNG NHÚNG VỚI VI ĐIỀU KHIỂN LÕI MỀM VÀ HỆ ĐIỀU HÀNH TR...
 
GRADUATION THESIS FINAL
GRADUATION THESIS FINALGRADUATION THESIS FINAL
GRADUATION THESIS FINAL
 
Bài giảng Thực hành đo lường cảm biến.pdf
Bài giảng Thực hành đo lường cảm biến.pdfBài giảng Thực hành đo lường cảm biến.pdf
Bài giảng Thực hành đo lường cảm biến.pdf
 
Kỹ năng giao tiếp thông qua khảo sát đánh giá
Kỹ năng giao tiếp thông qua khảo sát đánh giáKỹ năng giao tiếp thông qua khảo sát đánh giá
Kỹ năng giao tiếp thông qua khảo sát đánh giá
 
Chuong 7.1 mach loc dien
Chuong 7.1 mach loc dienChuong 7.1 mach loc dien
Chuong 7.1 mach loc dien
 

Similar to Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY

GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỪ THỰC TIỄN TỈNH ĐỒNG NAI
GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỪ THỰC TIỄN TỈNH ĐỒNG NAIGIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỪ THỰC TIỄN TỈNH ĐỒNG NAI
GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỪ THỰC TIỄN TỈNH ĐỒNG NAI
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Giải Quyết Vụ Án Hành Chính Tại Tòa Án Tỉnh Đồng Nai
Giải Quyết Vụ Án Hành Chính Tại Tòa Án Tỉnh Đồng NaiGiải Quyết Vụ Án Hành Chính Tại Tòa Án Tỉnh Đồng Nai
Giải Quyết Vụ Án Hành Chính Tại Tòa Án Tỉnh Đồng Nai
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án tỉnh Đồng Nai
Luận văn: Giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án tỉnh Đồng NaiLuận văn: Giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án tỉnh Đồng Nai
Luận văn: Giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án tỉnh Đồng Nai
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự, HAY
Thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự, HAYThi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự, HAY
Thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo luật
Luận văn: Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo luật Luận văn: Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo luật
Luận văn: Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo luật
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận án: Áp dụng hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn xét x...
Luận án: Áp dụng hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn xét x...Luận án: Áp dụng hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn xét x...
Luận án: Áp dụng hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn xét x...
Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
ÁP DỤNG HÌNH PHẠT THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN XÉT XỬ CỦA CÁC...
ÁP DỤNG HÌNH PHẠT THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN XÉT XỬ CỦA CÁC...ÁP DỤNG HÌNH PHẠT THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN XÉT XỬ CỦA CÁC...
ÁP DỤNG HÌNH PHẠT THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN XÉT XỬ CỦA CÁC...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận án: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HAY
Luận án: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HAYLuận án: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HAY
Luận án: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HAY
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOTLuận văn: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông NôLuận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Nhận Viết Đề Tài Thuê trangluanvan.com
 
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông NôLuận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Viết Thuê Luận Văn Luanvanpanda.com
 
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.14...
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.14...BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.14...
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.14...
OnTimeVitThu
 
Luận văn: Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong tố tụng hành chính
Luận văn: Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong tố tụng hành chínhLuận văn: Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong tố tụng hành chính
Luận văn: Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong tố tụng hành chính
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng
Luận văn: Nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụngLuận văn: Nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng
Luận văn: Nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông NôLuận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Viết Thuê Luận Văn Luanvanpanda.com
 
Luận văn: Thi hành án dân sự đối với doanh nghiệp tại Hải Phòng
Luận văn: Thi hành án dân sự đối với doanh nghiệp tại Hải PhòngLuận văn: Thi hành án dân sự đối với doanh nghiệp tại Hải Phòng
Luận văn: Thi hành án dân sự đối với doanh nghiệp tại Hải Phòng
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Địa vị pháp lý của Thẩm tra viên thi hành án dân sự
Luận văn: Địa vị pháp lý của Thẩm tra viên thi hành án dân sựLuận văn: Địa vị pháp lý của Thẩm tra viên thi hành án dân sự
Luận văn: Địa vị pháp lý của Thẩm tra viên thi hành án dân sự
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng
Luận văn: Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụngLuận văn: Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng
Luận văn: Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai
Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng NaiXét xử phúc thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai
Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai
Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Bện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án tỉnh Quảng Nam
Bện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án tỉnh Quảng NamBện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án tỉnh Quảng Nam
Bện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án tỉnh Quảng Nam
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 

Similar to Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY (20)

GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỪ THỰC TIỄN TỈNH ĐỒNG NAI
GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỪ THỰC TIỄN TỈNH ĐỒNG NAIGIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỪ THỰC TIỄN TỈNH ĐỒNG NAI
GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỪ THỰC TIỄN TỈNH ĐỒNG NAI
 
Giải Quyết Vụ Án Hành Chính Tại Tòa Án Tỉnh Đồng Nai
Giải Quyết Vụ Án Hành Chính Tại Tòa Án Tỉnh Đồng NaiGiải Quyết Vụ Án Hành Chính Tại Tòa Án Tỉnh Đồng Nai
Giải Quyết Vụ Án Hành Chính Tại Tòa Án Tỉnh Đồng Nai
 
Luận văn: Giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án tỉnh Đồng Nai
Luận văn: Giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án tỉnh Đồng NaiLuận văn: Giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án tỉnh Đồng Nai
Luận văn: Giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án tỉnh Đồng Nai
 
Thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự, HAY
Thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự, HAYThi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự, HAY
Thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự, HAY
 
Luận văn: Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo luật
Luận văn: Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo luật Luận văn: Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo luật
Luận văn: Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo luật
 
Luận án: Áp dụng hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn xét x...
Luận án: Áp dụng hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn xét x...Luận án: Áp dụng hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn xét x...
Luận án: Áp dụng hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn xét x...
 
ÁP DỤNG HÌNH PHẠT THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN XÉT XỬ CỦA CÁC...
ÁP DỤNG HÌNH PHẠT THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN XÉT XỬ CỦA CÁC...ÁP DỤNG HÌNH PHẠT THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN XÉT XỬ CỦA CÁC...
ÁP DỤNG HÌNH PHẠT THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN XÉT XỬ CỦA CÁC...
 
Luận án: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HAY
Luận án: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HAYLuận án: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HAY
Luận án: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HAY
 
Luận văn: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOTLuận văn: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Khởi tố vụ án trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
 
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông NôLuận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
 
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông NôLuận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
 
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.14...
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.14...BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.14...
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.14...
 
Luận văn: Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong tố tụng hành chính
Luận văn: Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong tố tụng hành chínhLuận văn: Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong tố tụng hành chính
Luận văn: Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong tố tụng hành chính
 
Luận văn: Nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng
Luận văn: Nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụngLuận văn: Nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng
Luận văn: Nguyên tắc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng
 
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông NôLuận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
 
Luận văn: Thi hành án dân sự đối với doanh nghiệp tại Hải Phòng
Luận văn: Thi hành án dân sự đối với doanh nghiệp tại Hải PhòngLuận văn: Thi hành án dân sự đối với doanh nghiệp tại Hải Phòng
Luận văn: Thi hành án dân sự đối với doanh nghiệp tại Hải Phòng
 
Luận văn: Địa vị pháp lý của Thẩm tra viên thi hành án dân sự
Luận văn: Địa vị pháp lý của Thẩm tra viên thi hành án dân sựLuận văn: Địa vị pháp lý của Thẩm tra viên thi hành án dân sự
Luận văn: Địa vị pháp lý của Thẩm tra viên thi hành án dân sự
 
Luận văn: Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng
Luận văn: Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụngLuận văn: Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng
Luận văn: Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng
 
Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai
Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng NaiXét xử phúc thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai
Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai
 
Bện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án tỉnh Quảng Nam
Bện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án tỉnh Quảng NamBện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án tỉnh Quảng Nam
Bện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án tỉnh Quảng Nam
 

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562

Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.docNghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.docXây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.docPhát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.docÁnh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.docDiễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562 (20)

Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
 
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
 
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.docNghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
 
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.docXây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
 
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.docPhát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
 
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
 
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
 
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
 
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
 
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
 
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.docÁnh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
 
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
 
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
 
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
 
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
 
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
 
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.docDiễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
 

Recently uploaded

98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
ngocnguyensp1
 
Chuong 2 Ngu am hoc - Dẫn luận ngôn ngữ - FTU
Chuong 2 Ngu am hoc - Dẫn luận ngôn ngữ - FTUChuong 2 Ngu am hoc - Dẫn luận ngôn ngữ - FTU
Chuong 2 Ngu am hoc - Dẫn luận ngôn ngữ - FTU
nvlinhchi1612
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
duykhoacao
 
HỆ THỐNG 432 CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM MÔN TTHCM.docx
HỆ THỐNG 432 CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM MÔN TTHCM.docxHỆ THỐNG 432 CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM MÔN TTHCM.docx
HỆ THỐNG 432 CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM MÔN TTHCM.docx
giangnguyen312210254
 
ÔN-TẬP-CHƯƠNG1 Lịch sử đảng Việt Nam chủ đề 2
ÔN-TẬP-CHƯƠNG1 Lịch sử đảng Việt Nam chủ đề 2ÔN-TẬP-CHƯƠNG1 Lịch sử đảng Việt Nam chủ đề 2
ÔN-TẬP-CHƯƠNG1 Lịch sử đảng Việt Nam chủ đề 2
nhanviet247
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
Qucbo964093
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
nvlinhchi1612
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
chinhkt50
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
Điện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 

Recently uploaded (12)

98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
 
Chuong 2 Ngu am hoc - Dẫn luận ngôn ngữ - FTU
Chuong 2 Ngu am hoc - Dẫn luận ngôn ngữ - FTUChuong 2 Ngu am hoc - Dẫn luận ngôn ngữ - FTU
Chuong 2 Ngu am hoc - Dẫn luận ngôn ngữ - FTU
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
 
HỆ THỐNG 432 CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM MÔN TTHCM.docx
HỆ THỐNG 432 CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM MÔN TTHCM.docxHỆ THỐNG 432 CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM MÔN TTHCM.docx
HỆ THỐNG 432 CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM MÔN TTHCM.docx
 
ÔN-TẬP-CHƯƠNG1 Lịch sử đảng Việt Nam chủ đề 2
ÔN-TẬP-CHƯƠNG1 Lịch sử đảng Việt Nam chủ đề 2ÔN-TẬP-CHƯƠNG1 Lịch sử đảng Việt Nam chủ đề 2
ÔN-TẬP-CHƯƠNG1 Lịch sử đảng Việt Nam chủ đề 2
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
 

Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, HAY

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HÀ THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC Hà Nội - 2019
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HÀ THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính Mã số: 9380102 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS HOÀNG VĂN TÚ Hà Nội - 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi, dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS. TS Hoàng Văn Tú. Các số liệu, tư liệu sử dụng trong Luận án là trung thực, chính xác. Những kết quả khoa học của Luận án chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào. Tác giả Luận án Nguyễn Thị Phương Hà
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU...............................................................................................................................1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU .................................................8 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về đề tài luận án...................................................8 1.2. Đánh giá tình hình nghiên cứu...............................................................................21 1.3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu trong luận án ..................................25 Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH .........................................................28 2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính................................................................................................................28 2.2. Chủ thể, đối tượng, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính.....................................................................................................................39 2.3. Các yếu tố tác động đến thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính...51 Chương 3: THỰC TRẠNG THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY ................................................57 3.1. Pháp luật thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính ở Việt Nam hiện nay................................................................................................................57 3.2. Hoạt động thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính ở Việt Nam hiện nay................................................................................................................81 3.3. Thực trạng các yếu tố tác động đến thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính ở Việt Nam hiện nay ......................................................................103 3.4. Đánh giá chung thực trạng thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính ở Việt Nam hiện nay ................................................................................114 Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM HIỆU QUẢ THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH Ở VIỆT NAM ............120 4.1. Quan điểm bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính ở Việt Nam........................................................................................................120 4.2. Giải pháp bảo đảm hiệu quả thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính ở Việt Nam...............................................................................................125 KẾT LUẬN................................................................................................................149 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ..........................151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................152
  • 5. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT HĐND Hội đồng nhân dân HVHC Hành vi hành chính QĐHC Quyết định hành chính TAND TGGQKN Toà án nhân dân Trung gian giải quyết khiếu nại THADS Thi hành án dân sự THAHC Thi hành án hành chính THAHS Thi hành án hình sự TTGQ Thủ tục giải quyết TTHC Tố tụng hành chính TTPBGDPL Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật UBND Uỷ ban nhân dân VAHC Vụ án hành chính VKSND Viện kiểm sát nhân dân XHCN Xã hội chủ nghĩa
  • 6. DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 3.1. Số lượng các VAHC đã thụ lý; giải quyết, xét xử từ năm 2010 đến năm 2018 của TAND các cấp .....................................................................................................82 Bảng 3.2. So sánh tình hình khởi kiện QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND và UBND các cấp tại Toà án với tình hình khiếu nại tại cơ quan hành chính nhà nước.............83 Bảng 3.3. Kết quả THAHC từ năm 2012 đến năm 2016.....................................................85 Bảng 3.4. Kết quả THAHC năm 2017 và năm 2018 ...........................................................86 Bảng 3.5. Kết quả kiểm sát THAHC năm 2017 và năm 2018...........................................102
  • 7. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực luôn được xem là biểu hiện của nền công lý ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Bởi qua bản án, quyết định đó người dân nhận được lẽ phải, sự công bằng mà họ tìm kiếm và chờ đợi trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Tại Việt Nam, bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (còn gọi là thi hành án) là một nguyên tắc hiến định và một yêu cầu quan trọng trong chủ trương cải cách nền tư pháp. Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hình sự (gọi là thi hành án hình sự (THAHS); thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án dân sự (gọi là thi hành án dân sự (THADS) và thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (gọi là thi hành án hành chính (THAHC) hiện là ba lĩnh vực thi hành án cơ bản. Đối tượng của THADS là các quyết định dân sự mang tính chất tài sản và nhân thân. Trong THAHS, đối tượng thi hành án là hình phạt và các biện pháp tư pháp khác. Riêng đối tượng của THAHC là các quyết định liên quan đến các cơ quan nhà nước mà chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước. Như vậy, vị trí, mối quan hệ giữa cơ quan THAHC với người phải THAHC; tính chủ động, tính hiện thực trong việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án là một vấn đề không dễ dàng giải quyết. Pháp lệnh Thủ tục giải quyết (TTGQ) các vụ án hành chính (VAHC) năm 1996 là văn bản pháp lý đầu tiên đặt ra vấn đề THAHC. Sau đó, nội dung về THAHC được quy định cụ thể, đầy đủ hơn và bổ sung quyền hạn đôn đốc THAHC của Cơ quan THADS tại Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2010. Thực tiễn thi hành mặc dù đạt được những kết quả nhất định song cũng phát sinh khá nhiều khó khăn, vướng mắc từ chính cơ chế đôn đốc thi hành án. Hơn 5 năm sau, Luật TTHC năm 2015 được Quốc hội thông qua, cơ chế thi hành án được thay đổi, nâng tầm của cơ quan tư pháp bằng Quyết định buộc thi hành án của Tòa án đã xét xử sơ thẩm VAHC đó. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan quản lý thi hành án cho thấy, tỷ lệ các bản án, quyết định của Tòa án về VAHC đã được thi hành vẫn đạt thấp khi áp dụng những quy định mới của Luật TTHC năm 2015. Ý thức chấp hành án và việc thực hiện pháp luật trong THAHC của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn còn hạn chế. Người dân vẫn không “mặn mà” với việc khởi kiện VAHC dù các tranh chấp hành chính không ngừng tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó theo tác giả, cần phải kể đến những nguyên nhân sau:
  • 8. 2 Thứ nhất, hành lang pháp lý về thi hành án nói chung và THAHC nói riêng chưa đầy đủ, chưa thống nhất, còn rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Hoạt động THAHC vẫn chưa được điều chỉnh bằng một Luật riêng biệt như THADS hay THAHS. Thứ hai, chất lượng xét xử các VAHC ở nhiều địa phương hiện chưa cao. Những phán quyết trong bản án, quyết định của Toà án còn nhiều mâu thuẫn hoặc thường có tính chung chung, gây khó khăn cho quá trình THAHC. Thứ ba, nhận thức pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật của các chủ thể có liên quan trong THAHC còn nhiều hạn chế. Đặc biệt khi chủ thể phải thi hành án là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước có xu hướng gia tăng. Thứ tư, thực tiễn áp dụng cơ chế đặc thù trong THAHC chưa triệt để. Do đó, dù cũng theo xu hướng chung của đa số các quốc gia trên thế giới khi ưu tiên “tinh thần tự giác” trong THAHC song hoạt động này tại Việt Nam hiện không thực sự hiệu quả. Thứ năm, công tác quản lý nhà nước về THAHC còn nhiều bất cập. Thực tế chưa đảm bảo sự phân công, phối hợp theo quy định của pháp luật giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp và cơ quan kiểm sát; giữa cơ quan ở trung ương với các địa phương trong THAHC. Thứ sáu, kiểm sát THAHC là một trong những chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND các cấp nhưng so với THADS và THAHS chức năng này chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, trong khả năng tiếp cận của tác giả, số lượng các công trình khoa học về THAHC, đặc biệt được nghiên cứu trong giai đoạn Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực thi hành là không nhiều. Đồng thời, tại các cơ sở đào tạo Luật uy tín trong nước hiện nay, việc giảng dạy môn học Luật về THAHC còn khá hạn chế. Đa số tại các trường nội dung về THAHC được lồng ghép trong môn học Luật TTHC mà chưa trở thành môn học riêng biệt như Luật THAHS hay Luật THADS. Những điều trình bày trên đây là lý do, lập luận cho lựa chọn nghiên cứu: “Thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính ở Việt Nam hiện nay” làm đề tài cho Luận án Tiến sĩ Luật học.
  • 9. 3 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Đề tài có mục đích xây dựng luận cứ khoa học nhằm bảo đảm hiệu quả thi hành bản án, quyết định của Tòa án về VAHC ở Việt Nam hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện mục đích nêu trên, Luận án có các nhiệm vụ sau đây: (1) Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về THAHC gồm bản chất, khái niệm, đặc điểm, vai trò và các yếu tố tác động đến THAHC; (2) Đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn hoạt động THAHC ở Việt Nam hiện nay; (3) Xác định quan điểm và đề xuất những giải pháp đảm bảo hiệu quả THAHC tại Việt Nam trong thời gian tới. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu - Những vấn đề lý luận và hành lang pháp lý về thi hành án nói chung và THAHC nói riêng ở Việt Nam; có sự so sánh, đối chiếu với lĩnh vực THADS và THAHS. - Những vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn kinh nghiệm về THAHC của một số quốc gia trên thế giới. - Số liệu và hiện trạng về THAHC ở Việt Nam nói chung, đặc biệt ở những địa phương có số lượng án hành chính cao hiện nay. - Những chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, về thi hành án nói chung và công tác THAHC nói riêng. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Về nội dung, Luận án nghiên cứu những vấn đề cơ bản của pháp luật THAHC, bao gồm những quy định về nội dung, về tổ chức, về thủ tục và các biện pháp chế tài xử lý vi phạm trong THAHC. Trên cơ sở đó, phân tích thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật THAHC tại Việt Nam thời gian qua để đề xuất các giải pháp nhằm góp phần đảm bảo hiệu quả THAHC trước yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam hiện nay. Luận án tập trung nhấn mạnh nội dung thi hành phần quyết định trong bản án của Toà án về quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) bị khởi kiện; phần dân sự (nếu có) được thi hành theo thủ tục THADS ít được đề cập sâu trong Luận án.
  • 10. 4 Về thời gian, Luận án nghiên cứu những quy định của pháp luật THAHC kể từ khi Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996 có hiệu lực (01/7/1996) cho đến nay. Các số liệu đánh giá liên quan đến THAHC, cụ thể về tình hình thụ lý, giải quyết các VAHC tại Toà án từ năm 2010 đến hết năm 2018; tình hình đôn đốc, theo dõi THAHC được thống kê trên toàn quốc từ năm 2012 đến hết năm 2018, tức là sau khi áp dụng Luật TTHC năm 2010 (từ 01/7/2011) và sau khi Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực thi hành (01/7/2016) cho đến nay. Riêng nội dung buộc THAHC của Toà án và vấn đề kiểm sát THAHC chỉ thu thập được trong 02 năm 2017 và năm 2018. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp luận Học thuyết Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thực hiện Luận án, trong đó tập trung vào những vấn đề như: (1) nguyên tắc độc lập của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là Toà án; (2) vai trò quan trọng của thi hành án nói chung và THAHC nói riêng đối với việc thực thi công lý; (3) tinh thần thượng tôn pháp luật trong mọi trường hợp, đối với mọi chủ thể dù đó là cơ quan công quyền hay bất kỳ cá nhân nào. Phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử được tác giả sử dụng để luận giải hầu hết những nhiệm vụ nghiên cứu của Luận án, sâu sắc nhất phải kể đến những nghiên cứu về thực trạng pháp luật THAHC và thực tiễn hoạt động THAHC qua các giai đoạn phát triển của pháp luật TTHC. Để có được những đánh giá khách quan tác giả luôn đặt thực trạng những quy định và thực tiễn áp dụng những quy định của pháp luật THAHC vào đúng bối cảnh đã ban hành và áp dụng thực hiện chúng trên thực tế. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Về phương pháp nghiên cứu, luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp phân tích, tổng hợp: Sử dụng trong tất cả các chương của Luận án. Phân tích để làm rõ những vấn đề về lý luận, về thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật THAHC thời gian qua; chỉ ra những mặt tích cực, hạn chế để từ đó tổng hợp, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật, giải pháp bảo đảm hiệu quả công tác THAHC ở Việt Nam hiện nay.
  • 11. 5 - Phương pháp so sánh pháp luật: Sử dụng trong việc so sánh các quy định của pháp luật Việt Nam qua từng giai đoạn đặc biệt là giai đoạn Luật TTHC năm 2010 và Luật TTHC năm 2015; so sánh giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật của một số nước trên thế giới. Tìm ra những điểm còn bất cập của pháp luật trong nước hay điểm tương đồng, khác biệt trong pháp luật quốc tế về THAHC, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về THAHC trong thời gian tới. Từ đó, luận án được tiến hành theo những cách tiếp cận như sau: - Tiếp cận hệ thống: Để đưa ra những giải pháp bảo đảm hiệu quả hoạt động THAHC ở Việt Nam hiện nay, cần tập trung nghiên cứu từ những vấn đề lý luận, nhấn mạnh về thực trạng pháp luật, thực tiễn thi hành pháp luật THAHC, sau đó dựa trên những chủ trương, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách pháp luật của Nhà nước đồng thời có sự so sánh, học hỏi kinh nghiệm của pháp luật quốc tế. - Tiếp cận đa ngành, liên ngành: QĐHC, HVHC là đối tượng khởi kiện trong các VAHC là biểu hiện của sự tác động đa dạng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và liên quan đến nhiều đối tượng của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Ngoài ra, sau khi có phán quyết của Tòa án, việc thi hành phải cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức để đưa những phán quyết đó thành hiện thực. Do đó, đề tài cần sử dụng cách tiếp cận này để có thể đưa ra những giải pháp hoàn thiện đồng bộ và toàn diện nhất. - Tiếp cận lịch sử: Thực tế cho thấy dù các quốc gia có những điểm tương đồng về văn hoá pháp lí, cấu trúc quyền lực, hệ thống pháp luật hay điều kiện kinh tế - xã hội thì vẫn có những khác biệt nhất định liên quan đến mô hình cơ quan quản lí, thi hành án cũng như những vấn đề liên quan đến thủ tục và những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Do đó khi nghiên cứu cần đặt vấn đề trong những bối cảnh lịch sử và những điều kiện cụ thể có liên quan để có thể đưa ra đánh giá phù hợp nhất. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Luận án được thực hiện thông qua những hoạt động nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện về thi hành bản án, quyết định của Toà án về VAHC trong điều kiện cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay với những đóng góp mới sau:
  • 12. 6 Thứ nhất, phân tích khá toàn diện những vấn đề lý luận như khái niệm, bản chất, đặc điểm của THAHC, khẳng định THAHC là dạng hoạt động hành chính – tư pháp với tính hành chính nổi bật hơn so với tính tư pháp. Xác lập vai trò của THAHC đối với tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của THAHC trong kiểm soát quyền lực nhà nước, đặc biệt giữa cơ quan tư pháp đối với cơ quan hành pháp. Làm rõ hơn về cơ chế THAHC và các yếu tố tác động đến hiệu quả THAHC dưới góc độ lý luận. Thứ hai, trình bày cụ thể những quy định của pháp luật THAHC hiện hành quy định tại Luật TTHC năm 2015 về chủ thể, đối tượng, thủ tục và các biện pháp bảo đảm THAHC. Từ đó, nêu ra những ưu điểm và nhược điểm của pháp luật THAHC giai đoạn hiện nay đặt trong sự so sánh với những quy định của Luật TTHC năm 2010 và pháp luật THAHC của một số quốc gia trên thế giới. Thứ ba, đánh giá thực tiễn hoạt động THAHC ở nước ta thời gian qua, đặc biệt nhấn mạnh cho giai đoạn khi Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực thi hành. Việc đánh giá này được thực hiện từ những nội dung sau: kết quả giải quyết VAHC tại TAND các cấp so sánh với kết quả THAHC; so sánh giữa tình trạng người dân lựa chọn giải pháp khiếu nại tại các cơ quan hành chính với việc khởi kiện tại TAND; kết quả thực hiện trách nhiệm theo dõi THAHC so sánh với kết quả đôn đốc THAHC tại Cơ quan THADS; kết quả thực hiện nhiệm vụ QLNN đối với công tác THAHC; kết quả giám sát THAHC trong đó nhấn mạnh vai trò kiểm sát THAHC của VKSND các cấp. Từ việc đánh giá kết quả thực hiện những nội dung trên, Luận án xác định những tồn tại, những khó khăn của công tác THAHC tại Việt Nam hiện nay đồng thời cũng chỉ ra và phân tích nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến hiệu quả THAHC. Thứ tư, nêu ra các quan điểm bảo đảm hiệu quả đối với hoạt động THAHC trong đó có quan điểm về việc bảo đảm sự kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Từ các quan điểm bảo đảm hiệu quả THAHC, trên nền tảng lý luận và thực trạng THAHC, Luận án đề xuất những nhóm giải pháp sau: nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về THAHC, nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật THAHC nhấn mạnh việc xây dựng Luật THAHC, nhóm giải pháp QLNN về THAHC và một số giải pháp bổ trợ THAHC.
  • 13. 7 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án Kết quả nghiên cứu của luận án bổ sung những vấn đề lý luận về THAHC, góp phần thống nhất trong nhận thức về những nội dung như khái niệm, bản chất, đặc điểm và vai trò của THAHC. Đồng thời cung cấp những đánh giá về ưu và nhược điểm của pháp luật THAHC từ khi được xác lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Cung cấp, bổ sung những luận cứ khoa học vào việc hoàn thiện pháp luật THAHC và bảo đảm hiệu quả THAHC đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần nâng cao nhận thức của các chủ thể trong THAHC, mà chủ yếu là cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước; Toà án nhân dân (TAND) các cấp, đội ngũ Thẩm phán hành chính; hệ thống Cơ quan THADS; đội ngũ Chấp hành viên làm công tác THAHC; Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp, đội ngũ Kiểm sát viên thực hiện chức năng kiểm sát THAHC và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các Cơ quan quản lý THADS, Cơ quan THADS; cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương; các cơ sở đào tạo trong việc nghiên cứu, học tập và giảng dạy về THAHC. 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu Chương 2. Những vấn đề lý luận về thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính Chương 3. Thực trạng thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính ở Việt Nam hiện nay Chương 4. Quan điểm và giải pháp bảo đảm hiệu quả thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính ở Việt Nam
  • 14. 8 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về đề tài luận án Thi hành án nói chung xét cho cùng là một đề tài không mới tại Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác trên Thế giới, bởi tầm quan trọng của nó trong việc góp phần bảo vệ hiệu quả các quyền của công dân, đảm bảo các nguyên tắc pháp quyền trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, xét về cụ thể, nếu THADS và THAHS là hai lĩnh vực thi hành án có nhiều công trình không chỉ tập trung về mặt thực tiễn áp dụng mà còn cả trên phương diện lý luận thì những công trình về THAHC lại có phần hạn chế hơn. Tại Việt Nam, các tác giả chủ yếu nghiên cứu vào thời điểm khi Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996 và Luật TTHC năm 2010 có hiệu lực thi hành (trước ngày 01/7/2016), giai đoạn sau khi Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực hiện còn khá khiêm tốn. Về pháp luật THAHC tại các quốc gia trên Thế giới, các tác giả trong và ngoài nước chủ yếu nghiên cứu về thực trạng pháp luật, nhấn mạnh các biện pháp bảo đảm hiệu quả THAHC từ đó đưa ra một số kinh nghiệm cần thiết và có thể áp dụng cho Việt Nam. Khía cạnh lý luận về THAHC vì vậy cũng khá hạn chế. Song, với tác giả, tất cả những nghiên cứu tại các giai đoạn phát triển của pháp luật Việt Nam về thi hành án nói chung và THAHC nói riêng hay các nghiên cứu về pháp luật THAHC tại một số quốc gia trên thế giới mà tác giả có cơ hội tiếp cận đều là những tài liệu tham khảo hữu ích. Việc đánh giá và kế thừa các nghiên cứu như đã luận giải ở trên được tác giả tiếp cận như sau: 1.1.1. Tình hình nghiên cứu những vấn đề lý luận của đề tài luận án Cũng giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, nước ta xác định THAHC là một lĩnh vực cụ thể của thi hành án, cùng với THADS và THAHS. Bên cạnh những đặc điểm riêng xuất phát từ đặc thù về đối tượng khởi kiện hay đương sự trong VAHC, THAHC mang những đặc điểm, có những bản chất và vai trò của hoạt động thi hành án nói chung. Do đó, theo tác giả, về mặt lý luận, sự đánh giá, kế thừa các kết quả nghiên cứu không chỉ tập trung ở những công trình dành riêng về THAHC. Cụ thể như sau:
  • 15. 9 Thứ nhất, nhóm các công trình nghiên cứu về thi hành án nói chung, THADS và THAHS nói riêng trong đó nhấn mạnh về bản chất của hoạt động thi hành án PGS. TS Trần Đình Hảo (2003), Về cải cách tư pháp và vấn đề thi hành án xét từ góc độ của Luật Kinh tế dân sự, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, tr.19-28; Nguyễn Công Bình (1998), Mấy vấn đề về THADS trong việc soạn thảo Bộ luật Tố tụng dân sự, Tạp chí Luật học số 5, tr. 43-44; Lê Vĩnh Châu (2016), Thi hành bản án, quyết định của Toà án về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội đều thống nhất thi hành án nói chung là một giai đoạn tố tụng độc lập, tức là về bản chất mang tính tư pháp hoàn toàn. Thi hành án là giai đoạn tiếp sau giai đoạn xét xử, có xét xử thì phải có thi hành, xét xử và thi hành là hai mặt thống nhất của quá trình bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự. Ngược lại, GS. TS Võ Khánh Vinh (2013), Luật Thi hành án hình sự, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội; Lê Minh Tâm (2001), Thử bàn mấy vấn đề lý luận về thi hành án, Tạp chí Luật học, số 2, tr. 21-22; Nguyễn Thanh Thuỷ (2008), Hoàn thiện pháp luật Thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Chu Thị Hoa (2016), Pháp luật Thi hành án dân sự trong cải cách tư pháp ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội đồng quan điểm khi luận giải tố tụng là xác định các chứng cứ để khôi phục lại trạng thái ban đầu của sự việc, tố tụng là quá trình đi tìm sự thật của các vụ việc đã diễn ra theo đúng các quy định của pháp luật và khi có phán quyết của toà án thì quá trình tố tụng kết thúc. Còn, thi hành án là quá trình tiến hành các hoạt động nhằm hiện thực các bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Như vậy, mối quan hệ giữa các chủ thể trong hoạt động thi hành án là mối quan hệ tổ chức thi hành, có tính hành chính và như vậy thi hành án vừa mang tính hành chính vừa mang tính tư pháp. Thứ hai, nhóm các công trình nghiên cứu những vấn đề lý luận về THAHC, đặc biệt là về bản chất của hoạt động THAHC Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu về bản chất của hoạt động thi hành án nói chung của những công trình đi trước, tác giả Trương Hồng Quang (2015), Khái niệm, bản chất, đặc điểm và những điều kiện ảnh hưởng đến thi hành án hành chính, Tài liệu Hội thảo khoa học Kinh nghiệm THAHC của một số nước trên thế giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam, Bộ Tư pháp thực hiện, tr. 23-40 và Phạm
  • 16. 10 Xuân Nam (2012), Thi hành án hành chính ở Việt Nam – Thực trạng và phương hướng hoàn thiện”, Luận văn thạc sĩ, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đều cho rằng THAHC là giai đoạn xuất hiện sau khi bản án, quyết định giải quyết VAHC của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đây không phải là một giai đoạn tố tụng mà là tổng thể các hoạt động nhằm mục đích làm cho bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tế. Cũng ở góc độ lý luận, tác giả Nguyễn Thị Thương Huyền (2012), Bảo đảm quyền con người trong thi hành án hành chính ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Huỳnh Thị Khánh Ly (2015), Thi hành án hành chính ở Việt Nam, Luận văn cử nhân, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Hoàng Giang (2017), Chuyên đề Những chủ trương, định hướng lớn trong việc xây dựng Luật Thi hành án hành chính ở Việt Nam, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) không bàn luận về bản chất của hoạt động THAHC mà dựa trên những đặc trưng của hoạt động này so với THAHS và THADS để đưa ra khái niệm về THAHC, trong đó không xác định THAHC là giai đoạn tố tụng hay không là giai đoạn tố tụng mà nhấn mạnh đây là hoạt động do các chủ thể có thẩm quyền tiến hành nhằm thực hiện các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án về VAHC theo trình tự, thủ tục do pháp luật về THAHC quy định. Như vậy, bản chất của hoạt động thi hành án nói chung và THAHC nói riêng hiện vẫn còn nhiều quan điểm trái nhiều và chưa đạt được sự thống nhất. Song, tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng THAHC không phải là một giai đoạn của TTHC mà là những hoạt động sau đó mang tính hành chính – tư pháp, tính hành chính nổi bật hơn so với tính tư pháp. Nội dung này tác giả sẽ chứng minh và làm rõ hơn trong nội dung của Luận án. Những vấn đề mang tính lý luận khác như đặc điểm, ý nghĩa của THAHC; trình tự, thủ tục THAHC cũng được các công trình nghiên cứu đề cập đến song theo tác giả vẫn chưa đầy đủ; đặc biệt việc phân biệt giữa bản án và quyết định có hiệu lực của Toà án về VAHC – đối tượng THAHC và các yếu tố cơ bản tác động đến hiệu quả THAHC đến nay vẫn còn bỏ ngõ. Tóm lại, về mặt lý luận, cùng với việc xác định bản chất của hoạt động THAHC để đưa ra khái niệm phù hợp nhất, tác giả sẽ bổ sung những phân tích về đặc điểm, ý nghĩa của THAHC, trình tự, thủ tục của hoạt động này; phân biệt giữa các đối tượng thi hành và làm rõ các yếu tố tác động đến hiệu quả THAHC.
  • 17. 11 1.1.2. Tình hình nghiên cứu những vấn đề thực tiễn của đề tài luận án Thứ nhất, nhóm các công trình nghiên cứu về thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật THAHC tại Việt Nam giai đoạn khi Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996 và Luật TTHC năm 2010 có hiệu lực thi hành Tác giả Nguyễn Văn Tân với bài viết Thi hành án hành chính và những hạn chế trên Báo Đại biểu nhân dân, ngày 15/9/2009 và Vũ Thị Hằng (2012), Thực trạng thi hành bản án hành chính, quá trình xây dựng và một số nội dung cơ bản của Luật Tố tụng hành chính về thi hành án hành chính, Tài liệu tập huấn nghiệp vụ THAHC, thi hành phần dân sự trong Bản án hình sự và công tác quản lý dự án xây dựng công trình của Bộ Tư pháp, tr. 1-28 cùng luận bàn những bất cập của pháp luật THAHC quy định tại Điều 74 Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996. Đồng thời, các tác giả cũng nhấn mạnh những hạn chế trong nhận thức của nhiều cơ quan nhà nước và người dân về thẩm quyền THAHC. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong THAHC, việc thi hành án kém hiệu quả, các khiếu kiện hành chính bị kéo dài, tình trạng án tồn đọng nhiều bên cạnh những bất cập của pháp luật THAHC giai đoạn này. Luật TTHC năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 thực sự mang lại nhiều chuyển biến mới, tích cực hơn trong xét xử các khiếu kiện hành chính và trong hoạt động THAHC tại nước ta sau những bất cập từ Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996. Cùng với những quy định về giải quyết VAHC tại Toà án, những nội dung về THAHC được nêu ra trong Luật TTHC được đánh giá là khá hoàn thiện, có phần rõ ràng hơn. Tuy nhiên, khi đưa vào triển khai thực hiện vẫn phát sinh nhiều hạn chế. Các tác giả Hà Minh Tuấn tại Một số ý kiến về thi hành án hành chính, ngày 20/01/2015, Chuyên mục nghiên cứu trao đổi – Bộ Tư pháp; Trần Minh Giang với Thi hành án hành chính: Nhiều bất cập cần tháo dỡ, Báo Công lý, ngày 10/5/2015; Trương Hồng Quang và Nguyễn Thị Thương Huyền trong những nghiên cứu của mình đều xác định nguyên nhân chủ yếu của những bất cập về thực trạng THAHC là do hành lang pháp lý hiện vẫn chưa đầy đủ, quy định rải rác, còn tản mạn ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau và có quá ít điều luật điều chỉnh nên chưa đầy đủ cách thức để tổ chức thực hiện một cách hiệu quả công tác THAHC. Các tác giả Vũ Thị Hằng – Lý Thị Thúy Hoa (2015), Thi hành án hành chính tại Việt Nam, thực trạng và kiến nghị hoàn thiện, Hội thảo Kinh nghiệm THAHC của một số nước trên thế giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam, Bộ Tư pháp, tr. 5-
  • 18. 12 14; Trần Văn Duy, Những bất cập trong pháp luật hiện hành về thi hành án hành chính, Tạp chí Thanh tra số 3/2016, tr. 14-17 hay Hoàng Điệp, Thắng kiện, chật vật thi hành án, Báo Tuổi trẻ, ngày 12/10/2014 cụ thể hơn về hạn chế của thực tiễn THAHC khi đưa ra nhiều phân tích đối với cơ chế đôn đốc THAHC do Cơ quan THADS thực hiện. Ý thức chấp hành án hạn chế, việc tuân thủ pháp luật trong THAHC không nghiêm hay việc thiếu những biện pháp chế tài trong xử lý vi phạm THAHC một lần nữa được các tác giả xác định là những nguyên nhân quan trọng khác ngoài yếu tố pháp lý làm cho án hành chính xét xử đã khó, thi hành còn khó hơn. Cùng với Trương Hồng Quang, tác giả Hồ Quân Chính tại nghiên cứu Thi hành các bản án, quyết định hành chính ở Thành phố Hồ Chí Minh – Những khó khăn, vướng mắc và một số kiến nghị”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số Chuyên đề về THADS, tr. 22- 27 đã khẳng định những khó khăn, vướng mắc trên của công tác THAHC tại Thành phố Hồ Chí Minh – địa phương vốn có số lượng án hành chính cao nhất cả nước. Tác giả Thu Hằng trong Hỗ trợ tài chính để thi hành án: Người sốt sắng, kẻ thờ ơ, Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 19/5/2008 thì cho rằng hiệu quả THAHC giai đoạn này không cao một phần lỗi thuộc về các cơ quan đã ban hành QĐHC hoặc có HVHC trường hợp là người phải thi hành án đã tỏ ra khá “thờ ơ” trong quá trình thực hiện cơ chế hỗ trợ tài chính. Tóm lại, với giai đoạn khi Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996 và Luật TTHC năm 2010 có hiệu lực thi hành, các công trình nghiên cứu mà tác giả có cơ hội tiếp cận ở trên đã có những phân tích khá cụ thể về hạn chế của pháp luật THAHC, những yếu kém trong công tác THAHC trên thực tế, trong đó nhiều công trình khi nghiên cứu chỉ đi sâu luận bàn về một hạn chế nhất định như việc thực hiện cơ chế đôn đốc THAHC tại các Cơ quan THADS. Những kết quả nghiên cứu này thực sự là cơ sở quan trọng để tác giả có cái nhìn tổng quát nhất về sự chuyển biến trong những quy định pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật THAHC qua các giai đoạn. Thứ hai, nhóm các công trình nghiên cứu về thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật THAHC tại Việt Nam sau khi Luật TTHC năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành Luật TTHC năm 2015 có nhiều sửa đổi quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế của Luật TTHC năm 2010, trong đó có nội dung về THAHC. Các tác giả Phan
  • 19. 13 Trần Mai Phương (2016), Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính, Luận văn thạc sĩ, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Bùi Ngọc Hòa, Những nội dung mới của Luật Tố tụng hành chính, Tài liệu Tập huấn Luật TTHC, TAND Tối cao; Võ Công Hoàng, Quy định mới trong thi hành bản án, quyết định hành chính, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 4/2016, tr.62-64; Nguyễn Văn Thuận, Thẩm quyền của Toà án theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; Trương Khánh Hoàn, Các cơ chế bảo đảm thực thi bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính tại Việt Nam và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác thi hành án hành chính, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp); Thành Công, Gỡ “nút thắt” cho theo dõi thi hành án hành chính, Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 19/9/2018 có nhiều luận bàn về những điểm mới tích cực của Luật TTHC năm 2015 nói chung và pháp luật THAHC nói riêng trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung quản lý nhà nước về THAHC, nhấn mạnh về việc bỏ cơ chế đôn đốc THAHC của Hệ thống Cơ quan THADS thay vào đó là thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo dõi THAHC. Hoạt động xét xử các VAHC của TAND các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh; chất lượng bản án, quyết định của Toà án vốn là những nguyên nhân không mới có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả THAHC vì vấn đề này thực chất đã được một số tác giả nêu ra từ giai đoạn áp dụng Luật TTHC năm 2010. Tuy nhiên, việc đánh giá cụ thể những hạn chế này và dựa trên những quy định mới của Luật TTHC năm 2015 đến nay mới được các tác giả Hoàng Thị Thuý Vinh, Phan Thị Thu Hà (2017), Thực trạng và giải pháp giải quyết các vụ án hành chính tại Toà án, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp); Thân Quốc Hùng (2018), Chất lượng xét xử các vụ án hành chính của Toà án nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia thực hiện. Năm 2017 được xem là năm đầu tiên áp dụng pháp luật THAHC theo quy định của Luật TTHC năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định 71/2016/NĐ-CP), việc đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật trong đó chủ yếu tập trung thực trạng theo dõi THAHC của hệ thống Cơ quan THADS được các tác giả sau đề cập trong những nghiên cứu của mình, cụ thể gồm Trần Phương Hồng (2017), Theo dõi thi hành án hành chính và vai trò của các Cơ quan Thi hành án dân sự trong hoạt động theo dõi
  • 20. 14 thi hành án hành chính, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp); Nguyễn Thị Kim Quy (2017), Pháp luật về thi hành án hành chính và thực trạng thi hành các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính ở Việt Nam, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp); Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh (2017), Những khó khăn, vướng mắc về pháp luật thi hành án hành chính từ góc nhìn theo dõi thi hành án hành chính, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp); Phạm Văn Dùng, Nhiều vướng mắc trong theo dõi thi hành án hành chính, Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 23/4/2018. Tóm lại, với giai đoạn Luật TTHC năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, các nghiên cứu kể trên chủ yếu đánh giá những điểm tích cực nói chung của pháp luật THAHC. Các tác giả nhấn mạnh điểm mới từ quy định về xử lý kỷ luật đội ngũ cán bộ, công chức trong THAHC; nhấn mạnh những tích cực của quy định về thẩm quyền theo dõi THAHC của Cơ quan THADS thay cho cơ chế đôn đốc THAHC. Do đó, các công trình chưa có những đánh giá về hạn chế của sự thay đổi giữa hai cơ chế này, đồng thời chưa nêu được nguyên nhân vì sao sai phạm trong THAHC nhiều, quy định về xử lý kỷ luật cũng đã cụ thể nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý trên thực tế. Ngoài ra, khi đánh giá tình hình THAHC nói chung, các tác giả chủ yếu dựa trên tình hình theo dõi THAHC mà chưa có sự phân tích một cách toàn diện từ kết quả giải quyết, xét xử các VAHC tại TAND các cấp; tình hình quản lý nhà nước về THAHC và đặc biệt là hoạt động kiểm sát THAHC. Ngoài ra, thực trạng các yếu tố cơ bản tác động đến hiệu quả THAHC cũng chưa được đánh giá trong bất kỳ nghiên cứu nào. Thứ ba, nhóm các công trình nghiên cứu về thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật THAHC tại một số quốc gia trên thế giới Hiệp hội quốc tế Tòa án hành chính tối cao (International Association of Supreme Administrative Jurisdictions – viết tắt là IASAJ) vốn được thành lập từ năm 1983 và theo quy định cứ ba năm một lần sẽ tổ chức những hội nghị để thảo luận về một chủ đề liên quan đến pháp luật hành chính. Năm 2004, IASAJ đã tổ chức hội nghị lần thứ VIII với chủ đề Thực thi các phán quyết của Tòa án hành chính (The implementation of the administrative courts' decisions) tại Madrid (Tây Ban Nha). Báo cáo tổng thuật hội nghị năm 2004 khi đó được xây dựng trên cơ sở báo cáo của 27 nước tham dự và nhấn mạnh vào khả năng hiện thực hoá các phán quyết của Toà án hành chính. Báo cáo được chia làm ba phần, cụ thể gồm: (1) Hậu quả pháp lý của các quyết định của Tòa án hành chính; (2) Quyền hạn của Tòa án
  • 21. 15 hành chính đối với việc thi hành các quyết định của mình và (3) Đảm bảo hiệu quả THAHC [13, tr.15-22]. Pháp – vốn được biết đến là một trong những quốc gia có lịch sử lâu đời trong việc tổ chức cơ quan tài phán hành chính, từ gần 200 năm nay. GS. Martine Lombard (Đại học Tổng hợp Panthéon, Assas, Paris) và GS. Gilles Dumont (Trường Đại học Luật và Kinh tế Limoges) trong tác phẩm Pháp luật Hành chính của Cộng hòa Pháp [13, tr.15-22] đã tập trung nghiên cứu về thủ tục giải quyết các VAHC, trong đó đặc biệt làm rõ những nội dung về phạm vi và vai trò bảo đảm thi hành những quyết định tài phán của Tham chính viện. Tham chính viện vốn được xem là Toà án hành chính tối cao tại Pháp bên cạnh Toà án hành chính sơ thẩm và Toà án hành chính phúc thẩm. Tác giả Trần Kim Liễu (2017), Thi hành án hành chính một số nước trên Thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội đã phân tích khá cụ thể về 3 biện pháp bảo đảm, hỗ trợ THAHC được pháp luật Pháp quy định bao gồm: (1) Trao quyền cho Toà án hành chính; (2) Trao quyền cho Cơ quan trung gian giải quyết khiếu nại (TGGQKN) của công dân; (3) Dựa trên các biện pháp lập pháp. Trong đó, hoạt động của Cơ quan TGGQKN của công dân trong bảo đảm THAHC theo tác giả sẽ không hiệu quả vì Cơ quan này có khá nhiều nhiệm vụ phải tiến hành ngoài chức năng bảo đảm THAHC và biện pháp cuối cùng mà cơ quan này được áp dụng để gây áp lực đối với trường hợp cơ quan hành chính cố tình không THAHC chỉ là sự ghi nhận trong một báo cáo đặc biệt được đăng trên công báo hay việc đề xuất sửa đổi luật, văn bản dưới luật để hạn chế tình trạng bất bình đẳng trong THAHC. Sự khẳng định trên cũng tương tự với biện pháp lập pháp – một hình thức hợp pháp hoá các QĐHC bị kiện dựa trên phán quyết của Toà án. Nghiên cứu cũng cho thấy nếu không cẩn trọng trong việc áp dụng, biện pháp này rất dễ vi phạm Tuyên bố về quyền con người và quyền công dân năm 1798. Các nước khác ở Châu Âu cũng tỏ ra khá dè dặt với biện pháp lập pháp trong bảo đảm THAHC. Do đó, pháp luật THAHC tại Pháp trao cho Tham chính viện thẩm quyền quyết định cưỡng chế phạt tiền đối với cơ quan nhà nước không thi hành quyết định của Toà án hành chính sau đó cũng trao thẩm quyền này cho các Toà án hành chính cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Ngoài ra, tác giả Hà Tú Cầu (2015), Mô hình thi hành án hành chính của Pháp và khả năng áp dụng tại Việt Nam, Tài liệu hội thảo Kinh nghiệm THAHC của một số nước trên Thế giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam cũng nêu ra sự phát triển về thẩm quyền của Thẩm phán hành chính tại
  • 22. 16 Pháp trong việc buộc thực hiện các quyết định của Toà án. Tác giả cho rằng sự thay đổi này bảo đảm việc tôn trọng pháp luật khách quan của cơ quan hành chính đồng thời còn bảo vệ tối đa quyền lợi của các cá nhân có liên quan. Thông qua nghiên cứu Mô hình thi hành án hành chính của Anh và xứ Wales và khả năng áp dụng kinh nghiệm của Anh và xứ Wales tại Việt Nam của tác giả Cao Xuân Phong nhận thấy có một số quy định cơ bản về pháp luật THAHC của Anh và xứ Wales như sau: (1) Không có cơ quan chuyên trách về THAHC, những chủ thể có liên quan tới phán quyết của Toà án có nghĩa vụ phải tuân thủ các phán quyết này; trường hợp không thực hiện sẽ bị coi là phạm tội coi thường Toà án và bị trừng phạt; (2) Cơ quan THADS tại Anh và Wales chỉ tham gia vào THAHC trường hợp bản án có liên quan tới tiền hoặc tài sản và việc này có sự hỗ trợ của một số người thi hành án như người thi hành án của Toà án hạt (bailiffs), người thi hành án tư được chứng nhận (certificated and pritave bailiffs) và người sai áp (distrainors); (3) Tại Anh và Wales có hai cơ chế giám sát đối với việc THAHC đó là sự giám sát của Nghị viện thông qua hoạt động của Uỷ ban hành chính của Hạ viện và sự giám sát của bên được thi hành án thông qua quyền kiện đòi bồi thường nếu bên phải thi hành không thi hành đúng bản án hành chính đã có hiệu lực; (4) Bản án hành chính tại Anh mô tả rõ ràng về nghĩa vụ của các bên liên quan trong THAHC, đặc biệt trường bên phải thi hành là cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền [101, tr.46]. Theo tác giả Trần Kim Liễu, Hoa Kỳ cũng không có cơ quan chuyên trách THAHC, theo đó Toà án khi đã ra phán quyết về vụ kiện hành chính sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm bảo đảm thi hành các phán quyết của mình. Luật pháp Hoa Kỳ cũng quy định nếu những phán quyết không được thực thi một cách nghiêm chỉnh, tức là xuất hiện hành vi chống đối hoặc không thi hành, Toà án sẽ áp dụng các biện pháp chế tài bao gồm cả hình sự và dân sự. Khi những biện pháp chế tài được quyết định thì những thiết chế thi hành án nằm trong hệ thống hành pháp sẽ chịu trách nhiệm thi hành các phán quyết của Toà án. Tương tự như Hoa Kỳ, tại Úc, việc thi hành các phán quyết của Toà án đối với các khiếu kiện hành chính được bảo đảm thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế tư pháp do Toà án áp dụng. Những hành vi xem thường bản án, quyết định của Toà án được xem là phạm tội và có thể bị áp dụng hình phạt tù giam hoặc truy cứu trách nhiệm dân sự. Như vậy, Hoa Kỳ hay Úc đều áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân không tự
  • 23. 17 giác thi hành phán quyết của Toà án về các khiếu kiện hành chính. Song, tác giả Trần Kim Liễu cũng nêu rõ trên thực tế, tại hai quốc gia này các phán quyết về khiếu kiện hành chính luôn được tôn trọng thực hiện, việc áp dụng các biện pháp chế tài hầu như không phải đặt ra. Tại Thuỵ Điển, tác giả Trương Hồng Quang khi nghiên cứu Kỷ yếu hội thảo Public Law Changes do Đại học Lund của Thuỵ Điển tổ chức năm 2011 đã nêu ra việc tranh cãi khá gay gắt tại quốc gia này về quy định thủ tục THAHC có nên áp dụng tương tự như thủ tục thi hành án thông thường, việc tranh cãi này diễn ra từ những năm 1990. Đến nay, Luật TTHC Thuỵ Điển quy định việc THAHC áp dụng tương tự thủ tục thi hành án thông thường và mang tính bắt buộc với cả cá nhân và chủ thể có quyền lực công. Như vậy, không có sự phân biệt giữa các bên trong THAHC tại Thuỵ Điển. Về chế tài, việc không tự nguyện THAHC có thể bị áp dụng những biện pháp như: áp dụng hình thức phạt tiền hành chính và các biện pháp trợ giúp khác như thông báo cho cơ quan cấp trên, thông báo lên phương tiện thông tin đại chúng, truy cứu trách nhiệm hình sự cùng với áp dụng hình thức phạt tiền. Ngoài ra, chấp hành viên cũng có quyền phạt tiền hành chính hay yêu cầu cảnh sát bắt người phải thi hành án cố tình trốn tránh, không kê biên tài sản thi hành án [104, tr. 23-40]. Khi thực hiện đề tài luận án tiến sĩ về Mô hình Toà hành chính ở Việt Nam năm 2012 tại Đức, được xuất bản bởi Lambert Academic, tác giả Phạm Hồng Quang có đề cập đến hoạt động THAHC của Nhật Bản khi nghiên cứu về thẩm quyền xét xử hành chính tại quốc gia này. Theo nghiên cứu của tác giả, Nhật Bản đã trao quyền xét xử hành chính cho Toà án từ những năm đầu của thế kỷ 19, những QĐHC bị toà tuyên huỷ sẽ không còn giá trị pháp lý, buộc các cơ quan hành chính cũng như các bên có liên quan phải tuyệt đối tuân theo. Nhật Bản cũng đề cao tinh thần tự giác, tự nguyện trong thi hành của các cơ quan hành chính nhà nước. Ngoài ra, Luật Kiện tụng hành chính Nhật Bản hiện hành không cho phép Toà án đã xét xử vụ kiện can thiệp sâu vào hoạt động quản lý hành chính. Tác giả Lê Lan Chi và Đỗ Thị Thu Hằng khi nghiên cứu về Mô hình thi hành án hành chính của Trung Quốc cho thấy Toà án cấp cơ sở, Toà án cấp huyện và Toà án cấp tỉnh tại Trung Quốc có thể thành lập cơ quan THAHC tuỳ theo tình hình thực tế. Công tác này do Chấp hành viên đảm nhận, chức danh này vốn do TAND tối cao quy định và do TAND các cấp quản lý. Nghiên cứu cũng kết luận THAHC tại Trung Quốc được xem là một vấn đề thực sự khó khăn, còn nhiều hạn chế và trì
  • 24. 18 trệ, trên thực tế Toà án mặc dù được trao quyền nhưng khó có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế và cũng rất khó mang lại hiệu quả nếu được áp dụng. Một số học giả tại Trung Quốc như Mã Hoài Đức, Giải Chí Dũng khi nghiên cứu về Giải pháp và thực trạng khó thực thi vụ án trong tố tụng hành chính cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó theo các tác giả chủ yếu vẫn là do thể chế tư pháp tại Trung Quốc còn nhiều bất cập. Như vậy, mặc dù không thật sự phong phú so với các công trình nghiên cứu đối với pháp luật THAHC của Việt Nam song những công trình nghiên cứu vừa kể trên là những tài liệu tham khảo hữu ích, có giá trị quan trọng trong việc đúc kết kinh nghiệm THAHC cho Việt Nam. Mặc dù có những điểm khác nhau về văn hoá pháp lý, cấu trúc quyền lực, hệ thống pháp luật về THAHC song nhận thấy một số điểm chung trong về THAHC tại các quốc gia trên thế giới như sau: (1) Xác định THAHC là một nhiệm vụ quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và cần thiết để đảm bảo thực thi một Nhà nước pháp quyền; (2) Không có cơ quan chuyên trách THAHC, tất cả đều đề cao vai trò của Toà án trong tổ chức và bảo đảm hiệu quả THAHC bên cạnh các tổ chức và thiết chế khác như cơ quan TGGQKN hay Chấp hành viên; (3) Đa số đều theo xu hướng khuyến khích việc tự nguyện THAHC song có nhiều biện pháp chế tài cụ thể áp dụng đối với hành vi vi phạm; (4) Cơ quan THADS tham gia vào quá trình THAHC khi bản án, quyết định của Toà án về VAHC có liên quan đến tiền hoặc tài sản; (5) Với những đặc thù về người bị kiện trong các VAHC, THAHC được xác định là một nhiệm vụ khó khăn hơn so với hai lĩnh vực thi hành án còn lại. 1.1.3. Tình hình nghiên cứu về đề xuất, kiến nghị của đề tài luận án Thứ nhất, nhóm các công trình nghiên cứu về đề xuất, kiến nghị dựa trên thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật TTHC tại Việt Nam Đa số các công trình nghiên cứu khi phân tích về thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật THAHC đều có những đề xuất kiến nghị nhất định song chủ yếu là đề xuất hoàn thiện pháp luật THAHC. Do đó, những vấn đề khác liên quan đến việc đảm bảo hiệu quả THAHC ngoài hoàn thiện pháp luật còn khá mờ nhạt, đặc biệt dành cho giai đoạn Luật TTHC năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Hầu hết các đề xuất, kiến nghị đảm bảo hiệu quả THAHC còn tức thời, sự lâu dài, ổn định có phần hạn chế. Một số đề xuất, kiến nghị trong các công trình nghiên cứu giai đoạn Luật TTHC năm 2010 được áp dụng đã được giải quyết tại những quy định mới của Luật
  • 25. 19 TTHC năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP như bỏ cơ chế đôn đốc THAHC của Hệ thống Cơ quan THADS, bỏ thẩm quyền giải quyết các VAHC của TAND cấp huyện đối với đối tượng khởi kiện là QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND cấp huyện hay cụ thể hơn về thời hạn tự nguyện THAHC, về các hình thức xử lý trách nhiệm trong THAHC. Tuy nhiên, nhiều đề xuất hoàn thiện pháp luật THAHC cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, nổi bật như việc ban hành Luật THAHC riêng bên cạnh Luật TTHC mà tác giả Trương Hồng Quang, Hồ Quân Chính đã nêu ra từ khá lâu trong những nghiên cứu của mình. Đây cũng là đề xuất mà tác giả Nguyễn Thị Hoàng Giang xác định là giải pháp chủ yếu thời gian tới để đảm bảo hiệu quả THAHC vì theo tác giả đề xuất này có đầy đủ các cơ sở hình thành và thực hiện từ lý luận, pháp lý, chính trị cho đến thực tiễn. Các công trình nghiên cứu khác khi đưa ra kiến nghị, đề xuất đối với hoạt động THAHC hiện nay đều tập trung cho việc nâng cao chất lượng hoạt động theo dõi THAHC từ việc hoàn thiện pháp luật THAHC về theo dõi cho đến những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ Chấp hành viên như Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Trương Phương Hồng, Nguyễn Thị Kim Quy. Liên quan đến Chấp hành viên trong các Cơ quan THADS, tác giả Nguyễn Văn Luyện (2010), Nghiên cứu thực thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ Chấp hành viên và xây dựng chương trình đào tạo theo yêu cầu cải cách tư pháp, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ hay tác giả Đặng Đình Quyền, “Năng lực Chấp hành viên, yếu tố quyết định thành công thi hành án dân sự, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 6/2010, tr.16-21 phân tích khá kỹ lưỡng, tuy nhiên các đánh giá và giải pháp đảm bảo hiệu quả chủ yếu nhìn từ góc độ trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của Chấp hành viên trong THADS, trách nhiệm liên quan đến THAHC của Chấp hành viên ít được luận giải. Một số bài viết như Lê Hồng (16/11/2017), Nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính, Báo Pháp luật Việt Nam; Võ Hà (04/10/2017), Không thi hành án, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh; Đức Minh (27/11/2017), Không thi hành án hành chính, có thể xử lý hình sự, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh và Hồng Hà (30/11/2017), Dân thua kiện cũng phải thi hành án hành chính, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đều đánh giá pháp luật THAHC hiện có nhiều quy định mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác THAHC song thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Các giải pháp đề xuất trong các nghiên cứu này khá ngắn gọn, chủ yếu nêu giải pháp chính và không phân tích.
  • 26. 20 Tuy nhiên tính khả thi là khá cao và có tính định hướng, kế thừa, chẳng hạn: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; quán triệt, nâng cao nhận thức của các cơ quan hành chính nhà nước trong THAHC; siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm những trường hợp không thi hành án. Thứ hai, nhóm các công trình nghiên cứu về đề xuất, kiến nghị dựa trên thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật TTHC tại một số quốc gia trên Thế giới Tác giả Cao Xuân Phong cho rằng chúng ta nên xem xét Luật Bồi thường nhà nước để có thể học hỏi mô hình của Anh và xứ Wales khi trao quyền cho người dân trong giám sát việc THAHC của các cơ quan hành chính nhà nước liên quan và trong việc cho phép người dân kiện đòi bồi thường thiệt hại nếu cơ quan nhà nước từ chối THAHC hoặc thi hành không đúng phán quyết của Toà án. Áp dụng kinh nghiệm của Pháp trong bảo đảm hiệu quả THAHC, tác giả Hà Tú Cầu đề xuất về việc thành lập Cơ quan TGGQKN của công dân để giảm tải cho các Toà hành chính và hạn chế bớt việc THAHC. Ngoài ra, tác giả cũng kiến nghị tăng cường quyền hạn, nhiệm vụ của Toà án trong THAHC. Hiện nay, theo Luật TTHC năm 2015, Việt Nam đã quy định thẩm quyền ban hành Quyết định buộc THAHC thuộc về Toà án đã xét xử sơ thẩm VAHC. Cũng theo tác giả Hà Tú Cầu pháp luật THAHC tại Việt Nam cần quy định thêm các biện pháp cưỡng chế đối với cả cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức bị kiện trong trường hợp không chấp hành hoặc không chấp hành đúng bản án, quyết định của Toà án về VAHC. Tác giả Lê Lan Chi, Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng mô hình THAHC tại Trung Quốc không phải là mô hình lý tưởng, thậm chí pháp luật THAHC ở quốc gia này còn chậm phát triển, còn nhiều bảo thủ, trì trệ và chậm đổi mới nhưng những điểm tương đồng về thể chế chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước sẽ tạo nên những điểm chung về hoạt động thi hành án, đặc biệt là THAHC. Hai tác giả cũng đề xuất những giải pháp áp dụng cho Việt Nam như sau: (1) xây dựng một bộ thi hành án thống nhất; (2) bảo đảm một hệ thống Toà án hành chính độc lập; (3) tăng cường đội ngũ thi hành án và cán bộ lãnh đạo công tác thi hành, nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân; (4) tăng cường trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu điều hành cơ quan hành chính; (5) chính quyền cấp trên liên đới chịu trách nhiệm bồi thường trong THAHC cho chính quyền cấp dưới [28, tr. 57-68]. Khác với các tác giả nêu trên khi nghiên cứu pháp luật THAHC và thực tiễn hoạt động THAHC tại một quốc gia, tác giả Trần Kim Liễu đề cập đến khác nhiều
  • 27. 21 quốc gia trong nghiên cứu của mình. Tác giả cho rằng những quy định của pháp luật THAHC tại Việt Nam cũng khá cụ thể, song thực tế thi hành vẫn chậm trễ, có nhiều trường hợp không thi hành và một trong những nguyên nhân là do nước ta theo xu hướng khuyến khích việc tự nguyện trong THAHC. Tác giả đề xuất trong thời gian tới cần trao quyền cho Toà án trong việc ra quyết định cưỡng chế THAHC theo kinh nghiệm của Cộng hoà Pháp thay vì chỉ dừng lại ở Quyết định buộc THAHC như hiện nay tại Việt Nam; hay truy cứu trách nhiệm hình sự một cách nghiêm khắc đối với trường hợp cố tình vi phạm không phân biệt đó là người dân hay cơ quan hành chính nhà nước như đang được áp dụng tại Úc. Đồng thời, tác giả cũng gợi ý về cơ chế Cơ quan TGGQKN như Cộng hoà Pháp để giảm áp lực giải quyết khiếu kiện hành chính cho Toà án và góp phần kiểm soát việc thực thi phán quyết của Toà hành chính. Tóm lại, dù được thực hiện trước hay sau khi Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực thi hành thì nội dung được thể hiện trong các công trình kể trên đều cho thấy sự công phu và tâm huyết của các tác giả trong việc đúc kết những kinh nghiệm từ quy định của pháp luật THAHC cũng như thực tiễn thi hành tại những quốc gia trên thế giới để áp dụng cho Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế của công tác THAHC tại nước ta hiện không chỉ do pháp luật thực định mà từ nhiều yếu tố khác như nhận thức về THAHC của các chủ thể còn hạn chế, trên thực tế phần lớn lại xuất phát từ các cơ quan hành chính nhà nước. Thực trạng này vốn không phổ biến ở các quốc gia trên Thế giới. Tại Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Úc… trình độ pháp quyền đã đạt đến tầm mức cao, các phán quyết của Toà án về VAHC thường được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, các biện pháp xử lý tuy được quy định cụ thể song ít khi phải áp dụng cho trường hợp không hoặc chậm THAHC. Hơn nữa, hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật THAHC tại các quốc gia kể trên là thống nhất và ít mâu thuẫn. Mỗi công trình nghiên cứu về pháp luật THAHC tại các quốc gia kể trên đều giúp tác giả có định hướng và kế thừa các giải pháp, đề xuất để áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo tác giả các đề xuất còn giản đơn và chưa có những biện pháp thực hiện cụ thể, đôi khi vì chưa phù hợp với hoàn cảnh hoặc chưa mang tính toàn diện. 1.2. Đánh giá tình hình nghiên cứu 1.2.1. Những ưu điểm, những kết quả nghiên cứu mà luận án sẽ kế thừa và tiếp tục phát triển - Thứ nhất, về mặt lý luận Các công trình nghiên cứu hầu hết có đề cập, phân tích cơ sở lý luận về thi hành án nói chung và THAHC nói riêng, trong đó những nội dung về khái niệm, đặc điểm và
  • 28. 22 ý nghĩa của THAHC được thể hiện khá cụ thể. Đa số các nghiên cứu có sự đồng thuận cao khi xác định THAHC là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo giá trị của quá trình giải quyết xét xử VAHC của TAND các cấp, góp phần đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước nói chung, xa hơn là góp phần bảo vệ, phát triển quyền con người, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật vốn cần thiết trong công cuộc cải cách nền tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Những kết quả này là cơ sở rất quan trọng để tác giả có nhận thức và định hướng đúng đắn về cơ sở lý luận đối với THAHC từ đó tiếp tục có những nghiên cứu sâu sắc hơn và đầy đủ hơn làm nền tảng cho việc đánh giá các vấn đề thực trạng và đề xuất các giải pháp hoàn thiện. - Thứ hai, về mặt thực trạng Các công trình nghiên cứu đã có những đánh giá, tổng kết khá đầy đủ cả về pháp luật THAHC thực định và tình hình thực thi hoạt động này trên thực tế. Một số công trình có sự phân tích khá cụ thể và rõ ràng về những hạn chế mang tính phổ biến của pháp luật THAHC, đặc biệt giai đoạn khi Luật TTHC năm 2010 được áp dụng, xác định chính xác một số nguyên nhân làm phát sinh những tồn tại, khó khăn trong THAHC, có những đề xuất về mặt pháp lý được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, sửa đổi và giải quyết thoả đáng bằng chính những quy định mới tại Luật TTHC năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP. Đây thực sự là tiền đề quan trọng để tác giả có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử phát triển của pháp luật và tình hình THAHC tại Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn phát triển pháp luật 1996 – 2016, mạnh dạn hơn trong việc đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp THAHC nói riêng và đảm bảo hiệu quả THAHC nói chung cho giai đoạn hiện nay. - Thứ ba, về mặt giải pháp Phần lớn các công trình nghiên cứu hướng đến việc hoàn thiện pháp luật THAHC, đặc biệt một số công trình gần đây có đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật TTHC năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP bao gồm nội dung liên quan đến giải quyết xét xử các VAHC và THAHC. Tuy các giải pháp chủ yếu thể hiện dưới dạng liệt kê, chưa luận bàn cụ thể song đây thực sự là những gợi ý quan trọng cho tác giả trong việc đề xuất về nhóm các giải pháp mang tính toàn diện và đầy đủ hơn. Tác giả đặc biệt trân trọng các công trình liên quan đến việc tìm hiểu, phân tích pháp luật THAHC của một số nước trên Thế giới vì các kết quả nghiên cứu được trình bày khá sinh động, có tính kế thừa cao từ nhiều nội dung như cơ chế THAHC;
  • 29. 23 trình tự, thủ tục và cả những biện pháp chế tài có thể áp dụng của các quốc gia đối với tình trạng không hoặc chậm THAHC tại Việt Nam. Trong số những giải pháp được đề xuất của các tác giả, nhận thấy trong nhiều trường hợp đã được minh chứng bằng kết quả rất khả quan trên thực tế tại nhiều địa phương. Điều này, càng thôi thúc tác giả trong việc trình bày các giải pháp phù hợp khác và tin rằng sẽ mang lại nhiều kết quả khả thi trong đảm bảo hiệu THAHC tại Việt Nam thời gian sắp tới. 1.2.2. Những vấn đề chưa được đề cập, giải quyết thấu đáo hoặc còn nhiều tranh luận mà luận án phải tiếp tục nghiên cứu - Thứ nhất, về mặt lý luận Những vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo, còn nhiều tranh luận Một là, khái niệm THAHC tuy đã được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu nhưng chưa có sự thống nhất cao. Nghị định 71/2016/NĐ-CP mặc dù có nêu ra trong phần giải thích từ ngữ về THAHC là gì, song những giải thích vẫn khá giản đơn và chưa phản ánh được đầy đủ bản chất của lĩnh vực thi hành án này. Hai là, bản chất của hoạt động thi hành án nói chung và THAHC nói riêng còn nhiều quan điểm trái chiều, thậm chí trở nên mâu thuẫn và đối lập nhau. Những vấn đề chưa được đề cập Một là, khi luận bàn về đối tượng THAHC, các công trình chỉ nêu một cách chung chung là bản án, quyết định của Toà án về VAHC được đưa ra thi hành mà chưa có sự phân tích, so sánh giữa bản án hành chính với quyết định của Toà án. Hai là, kiểm soát quyền lực nhà nước là nội dung quan trọng đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và THAHC góp phần đảm bảo chức năng này giữa cơ quan tư pháp đối với cơ quan hành pháp, tuy nhiên chưa được các nghiên cứu đề cập. Ba là, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo trong THAHC là một nội dung quan trọng, góp phần đảm bảo hiệu quả THAHC, bảo vệ quyền con người, sự công bằng giữa các đương sự trong THAHC nhưng không được luận bàn. Bốn là, các yếu tố tác động đến hiệu quả THAHC chưa được xác lập, mặc dù đây là nội dung mang tính định hướng trong việc đưa ra các đánh giá về thực trạng cũng như đề xuất các giải pháp đảm bảo hiệu quả THAHC.
  • 30. 24 - Thứ hai, về mặt thực trạng Các công trình nghiên cứu hầu như chỉ nêu lên những hạn chế về thực trạng quy định của pháp luật THAHC ở từng giai đoạn phát triển nhất định trong đó dành sự quan tâm chủ yếu cho giai đoạn Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996 và Luật TTHC năm 2010 có hiệu lực thi hành. Thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành giai đoạn Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực thi hành chưa được đánh giá thấu đáo. Thực trạng các yếu tố tác động đến hiệu quả THAHC cũng không được đề cập. THAHC tại Việt Nam mặc dù vẫn theo xu hướng khuyến khích tự nguyện thi hành. Do đó, chủ thể thực hiện chủ yếu là những cá nhân có liên quan và các cơ quan hành chính nhà nước. Song đây vẫn là một hoạt động thực hiện pháp luật có liên quan đến nhiều chủ thể khác và vai trò của họ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả THAHC nói chung. Tuy nhiên, đa số các công trình chỉ chủ yếu đánh giá về thực trạng hoạt động của một hoặc một số chủ thể, nhấn mạnh nhiều đối với chủ thể quản lý nhà nước hay chủ thể thực hiện chức năng theo dõi THAHC là Hệ thống cơ quan THADS. Trong khi đó, chức năng kiểm sát THAHC của VKSND hay hoạt động xét xử hành chính của TAND các cấp đề cập khá ít và mờ nhạt. - Thứ ba, về mặt giải pháp Khi chỉ tập trung đánh giá về thực trạng pháp luật hay đánh giá thực tiễn thi hành của một hoặc một số chủ thể trong THAHC thì các giải pháp đưa ra sẽ khó toàn diện đối với lĩnh vực thi hành án vốn được xác định là khó khăn và chứa đựng nhiều yếu tố nhạy cảm. Dẫu biết rằng giải pháp hoàn thiện pháp luật luôn là một giải pháp quan trọng trong mọi trường hợp về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Song nếu đem so sánh pháp luật thực định về THAHC của nước ta với một số nước trên thế giới sẽ nhận thấy dù xuất hiện muộn hơn nhưng nhiều quy định không thua kém về khả năng điều chỉnh. Thế nhưng, hiệu quả THAHC tại nước ta vẫn thấp, thậm chí việc triển khai công tác này còn gây nhiều bức xúc trong dư luận vì chậm hoặc không thi hành án, phát sinh tình trạng khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Do đó, để đảm bảo hiệu quả công tác này, trên cơ sở kế thừa những đề xuất của các công trình nghiên cứu đi trước tác giả cần hoàn thiện và đề xuất nhiều hơn nữa những giải pháp khác, đặc biệt là giải pháp nâng cao nhận thức của chủ thể thi hành án, chủ thể có liên quan và những giải pháp mang tính bổ trợ quan trọng khác như nâng cao chất lượng xét xử của Toà hành chính và chức năng kiểm sát của VKSND đồi với THAHC.
  • 31. 25 1.3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu trong luận án 1.3.1. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu Trên cơ sở phân tích lý luận, thực trạng và giải pháp của các công trình nghiên cứu liên quan đến chủ đề luận án, nhận thấy không gian nghiên cứu của luận án là khá rộng lớn, tác giả ngoài việc kế thừa các nghiên cứu đã thực hiện cần tiếp tục nghiên cứu những vấn đề sau: Thứ nhất, làm sáng tỏ quan điểm về bản chất hoạt động THAHC đã lựa chọn trên cơ sở những minh chứng khoa học có tính thuyết phục. Từ đó, đưa ra khái niệm, phân tích các đặc điểm và luận bàn một cách cụ thể về vai trò của THAHC trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, trong cải cách nền tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Thứ hai, tập trung nghiên cứu, phân tích về mặt lý luận cũng như thực trạng các yếu tố tác động đến hiệu quả THAHC, làm nền tảng cho việc đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong THAHC để từ đó định hướng các giải pháp mang tính toàn diện trong thời gian tới cho lĩnh vực thi hành án này. Thứ ba, đối tượng của THAHC là những bản án, quyết định của Toà án về VAHC do đó cần làm rõ về bản án hành chính, quyết định của Toà án, hai đối tượng này có những khác biệt gì, những bất cập còn tồn tại trong quy định của pháp luật hiện hành giữa đối tượng THAHC với thủ tục THAHC. Thứ tư, phân tích về trình tự, thủ tục THAHC gắn với trách nhiệm của các chủ thể có liên quan; đánh giá mức độ thi hành pháp luật của các chủ thể đó để chỉ ra những quy định còn bất cập về trình tự, thủ tục THAHC và định hướng những giải pháp hoàn thiện pháp luật về nội dung này. Thứ năm, tổng hợp, đánh giá về ưu điểm, nhược điểm của pháp luật THAHC giai đoạn 2016 đến nay đặt trong sự so sánh với pháp luật THAHC giai đoạn 1996 – 2016. Thứ sáu, xác định quan điểm đối với THAHC trong thời gian tới trên cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn đúng đắn. Đề xuất những giải pháp dựa trên quan điểm đã xác định với tiêu chí đảm bảo tính khả thi, lâu dài cho công tác THAHC tại Việt Nam. 1.3.2. Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu Luận án được triển khai với các câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu sau: Câu hỏi 1: Bản chất của hoạt động THAHC là gì?
  • 32. 26 Giả thuyết: Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất của hoạt động THAHC, có hai quan điểm mang tính phổ biến: (i) xem THAHC một giai đoạn thuộc quá trình TTHC, mang tính tư pháp hoàn toàn; (ii) xác định THAHC là giai đoạn tiếp theo sau khi quá trình TTHC kết thúc và là hoạt động mang tính hành chính – tư pháp, trong đó tính hành chính có phần nổi trội hơn. Xác định đúng bản chất của hoạt động THAHC sẽ giúp nhận diện chính xác khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa cũng như những yếu tố tác động đến hiệu quả THAHC. Câu hỏi 2: THAHC có đối tượng, chủ thể và thủ tục thực hiện như thế nào? Có những yếu tố nào tác động đến hiệu quả hoạt động THAHC? Giả thuyết: THAHC là một trong ba lĩnh vực thi hành án cơ bản cùng nhằm hiện hoá bản án, quyết định của Toà án. Tuy nhiên, với những đặc thù về đối tượng khởi kiện VAHC, đặc thù về đương sự cụ thể là người bị kiện trong các tranh chấp hành chính do đó đối tượng, chủ thể và thủ tục THAHC sẽ có những nét đặc trưng cơ bản. THAHC ngoài nhằm mục đích đảm bảo duy trì công lý sau hoạt động xét xử của Toà Hành chính còn nhằm nâng cao năng lực và đảm bảo uy tín của bộ máy nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền. Do đó có nhiều yếu tố từ trực tiếp đến gián tiếp, khách quan và chủ quan trong việc tác động đến hiệu quả THAHC. Câu hỏi 3: Đảm bảo hiệu quả THAHC trong thời gian tới ở Việt Nam cần dựa trên những quan điểm nào? Giả thuyết: Các quan điểm đảm bảo hiệu quả THAHC thời gian qua chưa thực sự phù hợp và thiếu tính toàn diện, một số giải pháp vì vậy mà chưa được triển khai, triển khai không hiệu quả do hạn chế về mặt nhận thức, có những giải pháp thiếu tính khả thi do chưa xây dựng được các điều kiện đảm bảo. Câu hỏi 4: Trong bối cảnh hiện nay, cần những giải pháp nào để đảm bảo hiệu quả THAHC ở Việt Nam? Giả thuyết: Trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2011 đến nay khi pháp luật THAHC được quy định thành một chương riêng trong Luật TTHC, đã có nhiều giải pháp được đề xuất và triển khai áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, hiệu quả không đạt được như mong muốn, nhận thấy nguyên nhân do các giải pháp còn chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi, không có sự kết nối giữa các giải pháp, một số trong đó không phù hợp và còn mang nặng tính hình thức.
  • 33. 27 Tiểu kết chương 1 Thông qua những nội dung trình bày tại Chương 1, Luận án xác định sự cần thiết của việc lựa chọn đề tài nghiên cứu, tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu. Ngoài ra, những nội dung về mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu; phạm vi hay đối tượng nghiên cứu của đề tài cũng được xác lập một cách cụ thể. Với những nghiên cứu bước đầu này, Luận án đã xác định những nội dung quan trọng mang tính định hướng sau: - Thi hành án nói chung và THAHC nói riêng là một trong những hoạt động quan trọng của bộ máy nhà nước nhằm bảo đảm cho những phán quyết của Toà án có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế. Thông qua hoạt động THAHC, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức được bảo vệ, công bằng xã hội được duy trì. Xét xử khách quan, công lý xuất hiện nhưng nếu không được thi hành hoặc thi hành kém hiệu quả sẽ làm vô hiệu hoá toàn bộ quá trình tố tụng, trật tự, kỷ cương bị tổn hại, lòng tin của nhân dân bị giảm sút, tính nghiêm minh của pháp luật bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, thi hành án nói chung và THAHC nói riêng có vai trò rất quan trọng trong điều kiện cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay. - Pháp luật THAHC có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên qua 20 năm kể từ khi Pháp lệnh TTGQ các VAHC năm 1996 chính thức có hiệu lực những quy định về THAHC vẫn tồn tại lồng ghép trong Luật TTHC mà chưa có một Luật THAHC riêng biệt tương tự như THADS hay THAHS. Thực tiễn thi hành những năm qua cũng cho thấy công tác THAHC vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, nhiều vụ việc còn gây bức xúc dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài, vượt cấp. THAHC trong thời gian tới rất cần những giải pháp đồng bộ từ nhận thức cho tới thể chế và những biện pháp đảm bảo thực thi nhiệm vụ của các chủ thể có liên quan. Tổng quan đề tài được thực hiện dựa trên một số lượng khá lớn các công trình nghiên cứu trong khả năng tiếp cận của tác giả. Từ đó đúc kết những ưu điểm, những kết quả nghiên cứu mà Luận án cần kế thừa và tiếp tục phát triển. Đồng thời cũng nhấn mạnh những vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo cần phải tiếp tục nghiên cứu.
  • 34. 28 Chương 2 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN VỀ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH 2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính 2.1.1. Khái niệm thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính Trong khoa học pháp lý hiện nay, còn nhiều quan điểm khác nhau về bản chất của hoạt động THAHC. Nhiều quan điểm cho rằng THAHC là một giai đoạn của quá trình tố tụng. Song ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng THAHC là những hoạt động mang tính chất hành chính – tư pháp. Việc xác định THAHC là một giai đoạn tố tụng độc lập hay là những hoạt động mang tính chất hành chính – tư pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sáng tỏ bản chất của THAHC. Những quan điểm xác định THAHC là một giai đoạn của quá trình tố tụng, tiếp theo sau giai đoạn xét xử vì cho rằng hoạt động xét xử phải gắn liền với hoạt động thi hành án [44, tr.419], [45, tr.398]. TTHC là việc giải quyết VAHC. Một vụ án chỉ có thể được coi là giải quyết xong khi những phán quyết của Toà án được thi hành xong trên thực tế. Bản án, quyết định của Toà án mới chỉ xác định chân lý của sự việc, phán quyết những tranh chấp hành chính đúng hay sai trên văn bản, giấy tờ. Muốn những phán quyết đó được thực hiện trên thực tế, cần phải chờ hiệu quả của công tác thi hành án. Quá trình đi tìm chân lý theo đó kéo dài suốt quá trình tố tụng cho tới khi chân lý được khẳng định trên thực tế. Vì vậy, THAHC là giai đoạn tiếp theo của quá trình xét xử hành chính. Tuy nhiên, quan điểm ngược lại cho rằng, tố tụng là quá trình đi tìm sự thật của các vụ việc đã diễn ra để trên cơ sở đó đưa ra cách giải quyết vụ việc theo đúng các quy định của pháp luật và khi có phán quyết của Toà án thì quá trình tố tụng kết thúc [109, tr.21-22]. Trong khi, thi hành án nói chung và THAHC nói riêng là quá trình tiến hành các hoạt động nhằm thực hiện các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và điều này đồng nghĩa với việc không còn tranh chấp nào cần phải xét xử ở giai đoạn này. Do đó, THAHC không phải là bước tiếp theo của quá trình xét xử. THAHC là một hoạt động mang tính hành chính – tư pháp. Bởi vì:
  • 35. 29 Thứ nhất, tính hành chính – THAHC là một dạng hoạt động vừa mang tính chấp hành vừa mang tính quản lý và điều hành Tính chấp hành trong THAHC thể hiện rõ rệt ở chỗ trong giai đoạn thi hành án, chủ thể thi hành án không giải thích bản án, quyết định của Toà án mà chỉ có một mục tiêu là thực hiện bản án, quyết định đó. Bản án, quyết định của Toà án phải được chấp hành nghiêm túc đối với tất cả các đương sự trong VAHC và các cơ quan, cá nhân có liên quan [104, tr.23-40]. Ngoài ra, dù trong trường hợp Toà tuyên bác yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân hay khi Toà án tuyên bố QĐHC, HVHC của cơ quan hành chính nhà nước là trái pháp luật thì hoạt động thi hành án đều do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện theo trình tự, thủ tục hành chính. Trường phán quyết của Toà án liên quan đến phần tài sản sẽ do Cơ quan THADS tổ chức thi hành. Cơ quan THADS thực chất là cơ quan hành chính nhà nước và một số hoạt động cưỡng chế thi hành mà cơ quan này áp dụng cũng là thủ tục hành chính. Tính quản lý, điều hành của THAHC trong những vấn đề sau: (i) Trách nhiệm của Hệ thống Cơ quan THADS trong việc đôn đốc, theo dõi thi hành án; (ii) Thủ trưởng trực tiếp và Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án (trường hợp Toà án tuyên bố QĐHC, HVHC của cơ quan hành chính nhà nước là trái pháp luật) có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý khi có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của Toà án; (iii) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác THAHC trong phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong thực hiện quản lý nhà nước về THAHC. Ngoài ra, THAHC cũng là hoạt đòi hỏi các yếu tố kế hoạch, tổ chức, báo cáo, kiểm tra hay giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm tác động tới các chủ thể THAHC để họ có định hướng, giải pháp thực hiện, thi hành nghĩa vụ đã được xác định trong các bản án, quyết định của Toà án; giáo dục họ ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng lợi ích của cá nhân, của Nhà nước và xã hội, giáo dục họ trở thành những con người có ích cho xã hội. Thứ hai, tính chất tư pháp Mặc dù chưa có một văn bản pháp luật nào chính thức xác định khái niệm tư pháp có nội hàm gì, cơ quan tư pháp gồm những cơ quan nào, nhưng tại nước ta điều này đã được thể hiện qua chủ trương của Đảng nêu trong các Nghị quyết về cải
  • 36. 30 cách tư pháp và thông qua cách thức tổ chức bộ máy nhà nước cùng với các hoạt động thực thi quyền lực nhà nước. Theo đó nội dung của công tác tư pháp và cơ quan tư pháp nói chung có phạm vi rất rộng từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án mà trọng tâm là hoạt động xét xử của TAND các cấp và thi hành án ở đây bao gồm THAHC. Các hành vi không THAHC, không chấp hành án hành chính, cố ý cản trở việc THAHC khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định về từng tội danh tại Bộ luật Hình sự. Nhiệm vụ kiểm sát THAHC là một trong những nhiệm vụ thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKSND. Chấp hành viên trong các Cơ quan THADS được pháp luật quy định là một loại chức danh tư pháp. Ở các quốc gia khác nhau, chức danh này có những tên gọi khác nhau, chẳng hạn như ở Anh được gọi là người thi hành án của Toà án hạt, người thi hành án tư được chứng nhận và người sai áp nhưng đều có vai trò quan trọng trong việc thi hành các phán quyết của Toà án, đặc biệt trong việc thi hành các phán quyết có liên quan đến phần tài sản hay bồi thường thiệt hại. Chủ thể này tại Việt Nam được đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tại Học viện Tư pháp cùng với các chức danh tư pháp khác như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên. Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự cũng như Luật TTHC trước đây và hiện nay đều không xác định cơ quan thi hành án là cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể, trong tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm Cơ quan điều tra, VKSND, TAND; tố tụng dân sự và TTHC, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có hai cơ quan là VKSND và TAND. Mặt khác, dù được quy định trong Luật TTHC nhưng những nội dung về THAHC chỉ chủ yếu là thủ tục đưa bản án, QĐHC của Toà án ra thi hành. Đây không phải bản thân hoạt động thi hành án. Hơn nữa, trong các chương quy định về thủ tục khiếu nại, tố cáo hành vi tố tụng trong cả ba lĩnh vực hình sự, dân sự và hành chính thì những quyết định hay hành vi của các chủ thể có liên quan về thi hành án đều không được nhắc tới. Như vậy, theo tác giả, THAHC không phải là giai đoạn tố tụng độc lập tiếp theo giai đoạn xét xử. Về bản chất THAHC là những hoạt động vừa mang tính hành chính vừa chứa đựng yếu tố tư pháp. Do đó, THAHC hay cụ thể là thi hành bản án, quyết định của Toà án về VAHC có thể hiểu như sau:
  • 37. 31 Thi hành bản án, quyết định của Toà án về VAHC là hành vi của các đương sự trong VAHC và các chủ thể có liên nhằm hiện thực hoá các bản án, quyết định của Toà án về VAHC theo thủ tục do pháp luật quy định. Đây không phải là một giai đoạn TTHC độc lập mà là tổng thể các hoạt động mang tính hành chính – tư pháp. 2.1.2. Đặc điểm thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính THAHC là một dạng thi hành án nói chung, do đó cũng có những đặc điểm nổi bật của hoạt động thi hành án như: Là quá trình độc lập diễn ra sau quá trình xét xử của Toà án; cơ sở tiến hành các hoạt động thi hành án là bản án hay quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, THAHC còn có những đặc điểm như sau: 2.1.2.1. Thi hành án hành chính là lĩnh vực thi hành án vừa mang tính tự nguyện, vừa mang tính cưỡng chế Tính tự nguyện của THAHC thể hiện ở quy định thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định của Toà án hành chính được thực hiện theo pháp luật THADS. Lúc này đương sự trong VAHC có quyền thoả thuận về việc thi hành bản án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án về phần dân sự theo thoả thuận sẽ được pháp luật thừa nhận. Tính cưỡng chế của THAHC thể hiện ở việc bảo đảm cho các QĐHC, HVHC đúng pháp luật phải được thực hiện sau khi được ban hành với khoảng thời gian có hiệu lực thi hành nhất định (thường có hiệu lực thi hành ngay) nhưng do có hành vi khiếu kiện hành chính mà phải tạm dừng, nay tiếp tục được thực thi. Hoặc ngược lại nhằm bác bỏ việc thực hiện các QĐHC, HVHC trái pháp luật và buộc chủ thể quản lý hành chính nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ như thay đổi nội dung các QĐHC bị kiện; huỷ bỏ các QĐHC ban hành QĐHC mới; chấm dứt việc thực hiện các HVHC. 2.1.2.2. Không có cơ quan chuyên trách tổ chức thi hành đối với những phán quyết của Toà án về tính hợp pháp của QĐHC, HVHC bị khởi kiện Ngoại trừ thi hành về phần tài sản được thực hiện bởi Cơ quan THADS, đối với phần phán quyết về tính hợp pháp của QĐHC, HVHC không có cơ quan chuyên trách tổ chức thi hành án. Việc chủ thể nào thi hành án tuỳ thuộc vào nội dung bản án, quyết định của Toà án đã giải quyết VAHC đồng thời tuỳ thuộc vào quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, có thể là cơ quan hành chính nhà nước cũng có thể là người có