SlideShare a Scribd company logo
1 of 36
Download to read offline
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
PHÙNG THỊ KIM NGÂN
QUAN HỆ TRUNG QUỐC - INDONESIA
VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (2005-2015)
LUẬN VĂN THẠC SĨ QUỐC TẾ HỌC
Hà Nội, 2016
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
PHÙNG THỊ KIM NGÂN
QUAN HỆ TRUNG QUỐC - INDONESIA
VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (2005-2015)
Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Quan hệ quốc tế
Mã số: 60 31 0206
Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Mạnh Cƣờng
Hà Nội, 2016
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi và đƣợc sự
hƣớng dẫn khoa học của TS. Nguyễn Mạnh Cƣờng. Các nội dung nghiên cứu,
kết quả trong đề tài này là trung thực và chƣa công bố dƣới bất kỳ hình thức
nào trƣớc đây. Những số liệu phục vụ cho việc phân tích, nhận xét, đánh giá
đƣợc chính tác giả thu thập từ các nguồn khác nhau có ghi rõ trong phần tài
liệu tham khảo. Ngoài ra, trong luận văn còn sử dụng một số nhận xét, đánh giá
cũng nhƣ số liệu của các tác giả khác, cơ quan tổ chức khác đều có trích dẫn và
chú thích nguồn gốc.
Nếu phát hiện có bất kỳ sự gian lận nào, tôi xin hoàn toàn chịu trách
nhiệm về nội dung luận văn của mình.
LỜI CÁM ƠN
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến TS. Nguyễn Mạnh Cường - người
thầy đã không chỉ tận tình hướng dẫn tôi phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế
và gợi mở nhiều ý tưởng hay để tôi hoàn thành luận văn, mà hơn hết, còn truyền
cho tôi cảm hứng say mê trên con đường nghiên cứu khoa học lâu dài.
Tôi cũng xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến Khoa Quốc tế học, Trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đặc biệt là PGS.TS. Hoàng Khắc Nam,
Trưởng Khoa và cũng chính là người trực tiếp truyền thụ phương pháp, kiến
thức và kĩ năng nghiên cứu quan hệ quốc tế cho chúng tôi, cùng tất cả các thầy,
cô đã giảng dạy khoá Cao học của chúng tôi trong tất cả các môn học.
Tôi cũng chân thành cám ơn ThS. Ngô Tuấn Thắng cũng như các đơn vị,
cá nhân liên quan trong và ngoài Nhà trường đã tạo điều kiện để tôi hoàn thành
chương trình học tập này.
Cuối cùng, tôi xin cám ơn Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… đã luôn bên
cạnh, ủng hộ, động viên, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian học tập vừa qua.
Luận văn này là sản phẩm của quá trình tập dượt nghiên cứu, tuy tôi đã
dành tâm huyết nhưng còn thiếu kinh nghiệm nên không tránh khỏi hạn chế. Rất
mong nhận được những đóng góp quý báu của các thầy cô và những ai quan tâm
đến chủ đề này để tôi có cơ hội được học hỏi, hoàn thiện mình.
Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2016
Học viên
Phùng Thị Kim Ngân
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
ACFTA ASEAN - China Free Trade Agreement
Hiệp định tự do thƣơng mại ASEAN - Trung Quốc
ARF ASEAN Regional Forum
Diễn đàn khu vực ASEAN
ASEAN The Association of Southeast Asian Nations
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
CSIS Center for Strategic and International Studies
Trung tâm Nghiên cứu chiến lƣợc quốc tế
EU The European Union
Liên minh Châu Âu
FDI Foreign Direct Investment
Đầu tƣ trực tiếp nƣớc ngoài
GDP Gross Domestic Product
Tổng sản phẩm quốc nội
ODA Official Development Assistance
Viện trợ phát triển chính thức
WTO The World Trade Organisation
Tổ chức Thƣơng mại thế giới
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
BẢNG 2.1. KIM NGẠCH THƢƠNG MẠI HAI CHIỀU TRUNG QUỐC -
INDONESIA GIAI ĐOẠN 2005 - 2015............................................................... 35
BẢNG 3.1. KIM NGẠCH THƢƠNG MẠI HAI CHIỀU VIỆT NAM -
INDONESIA GIAI ĐOẠN 2008 - 2014............................................................... 61
1
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN
LỜI CÁM ƠN
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
MỤC LỤC............................................................................................................ 1
MỞ ĐẦU .............................................................................................................. 3
CHƢƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUAN
HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƢỢC.......................................................................... 13
1.1. Một số vấn đề lý luận về quan hệ đối tác chiến lược...........................................13
1.2. Thực tiễn các quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới.........................................16
1.3. Một số đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới những năm đầu thế
kỷ XXI............................................................................................................................20
Tiểu kết chƣơng 1 .............................................................................................. 23
CHƢƠNG 2 QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƢỢC TRUNG QUỐC -
INDONESIA (2005 - 2015)............................................................................... 24
2.1. Các yếu tố tác động đến quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia
(2005 - 2015)..................................................................................................................24
2.1.1. Cấp độ cá nhân ................................................................................... 24
2.1.2. Cấp độ quốc gia.................................................................................. 27
2.1.3. Cấp độ quốc tế .................................................................................... 31
2.2. Thực trạng quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia (2005 - 2015).32
2.2.1. Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao.................................................... 32
2.2.2. Trên lĩnh vực kinh tế - thƣơng mại ..................................................... 34
2.2.3. Trên lĩnh vực an ninh - quân sự.......................................................... 38
2.2.4. Trên lĩnh vực văn hoá - giáo dục - khoa học công nghệ .................... 40
2.3. Một số nhận xét về quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện
giữa hai nước..................................................................................................................42
Tiểu kết chƣơng 2.............................................................................................. 45
2
CHƢƠNG 3 TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƢỢC
TRUNG QUỐC - INDONESIA ĐẾN KHU VỰC ĐÔNG NAM Á.............. 46
3.1. Tác động đến cục diện khu vực Đông Nam Á.....................................................46
3.2. Tác động đến quan hệ ASEAN - Trung Quốc.....................................................53
3.3. Tác động đến chính sách đối ngoại của Indonesia...............................................56
Tiểu kết chƣơng 3.............................................................................................. 62
KẾT LUẬN ........................................................................................................ 63
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO......................................................... 65
PHỤ LỤC........................................................................................................... 71
3
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu
Bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, tình hình thế giới có nhiều
diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Cục diện địa chính trị, địa
kinh tế thế giới đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ với sự nổi lên của các quốc gia
châu Á. Nhằm làm rõ thêm tình hình và xu thế vận động của quan hệ quốc tế
đương đại, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác giả lựa chọn đề
tài “Quan hệ Trung Quốc - Indonesia và tác động đến khu vực Đông Nam Á
(2005-2015)”, dựa trên các lý do sau:
Thứ nhất, quan hệ giữa Trung Quốc - Indonesia là một trong những mối
quan hệ quan trọng của thế giới và khu vực. Trung Quốc và Indonesia là hai
nước đang phát triển đầy tiềm năng, có vai trò địa chính trị lớn và đang lên trong
cục diện kinh tế - chính trị thế giới.
Trung Quốc, với sự trỗi dậy về kinh tế, quân sự, gia tăng sức mạnh mềm,
từ một cường quốc khu vực, đang vươn lên trở thành cường quốc thế giới, thách
thức vai trò số một của Mỹ. Indonesia - quốc gia có dân số lớn thứ tư, diện tích
thứ 13 thế giới và là nước lớn nhất ở Đông Nam Á - hoàn toàn có tiềm năng để
gia tăng ảnh hưởng ở khu vực và trên thế giới. Bước vào thế kỷ XXI, Indonesia
đang có những bước phát triển nhanh chóng và ngày càng chứng tỏ vai trò của
mình trong khu vực Đông Nam Á. Xu hướng triển khai chính sách đối ngoại của
nước này có ảnh hưởng đáng kể đến khu vực và quốc tế.
Châu Á, trong đó có khu vực Đông Nam Á, đang trở thành địa bàn cạnh
tranh chiến lược rất gay gắt của các nước lớn. Tất cả các quan hệ liên quan đến
khu vực này đều có xu hướng phản ánh những xu thế biến động rất điển hình
của quan hệ quốc tế đương đại. Quan hệ giữa Trung Quốc với Indonesia cũng
thể hiện sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á
trong nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực này. Do vậy, quan hệ
Trung Quốc - Indonesia là một nhân tố quan trọng đối với cục diện khu vực
châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
4
Thứ hai, quan hệ Trung Quốc - Indonesia đang có những diễn biến phức
tạp, có ảnh hƣởng, tác động đến khu vực Đông Nam Á, cần đƣợc làm rõ. Bản
thân hai nước này vẫn đang trong quá trình nổi lên để khẳng định sức mạnh, vị
thế trên trường quốc tế. Trong quá trình chiến lược đó, chắc chắn cả hai bên đều
nỗ lực phát triển, đổi mới, thử nghiệm trên mọi bình diện, lĩnh vực, cả đối nội và
đối ngoại để tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trên bình diện đối ngoại,
cả hai bên sẽ có nhiều chính sách và hành động mới, để thực hiện lợi ích quốc
gia của mình. Do đó, đây sẽ là một cặp quan hệ có tính chất phức tạp, biến động
nhanh chóng cần được nghiên cứu sâu sắc.
Thứ ba, cặp quan hệ này rất quan trọng đối với môi trƣờng an ninh –
chiến lƣợc của Việt Nam. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc
- Indonesia còn chƣa đầy đủ và cập nhật. Đại hội XII chỉ rõ phương hướng đối
ngoại của Việt Nam là: “Chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền
thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, đối tác
quan trọng. Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây
dựng Cộng đồng vững mạnh” [1, tr.154]. Để thực hiện đường lối đó, Việt Nam
không thể không tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu và dự báo về môi
trường quốc tế, trong đó có các mối quan hệ chủ chốt, những xu thế, diễn biến
mới của đời sống quốc tế và khu vực, từ đó thực sự chủ động và tích cực hội
nhập quốc tế, đón đầu những thuận lợi và hạn chế bớt rủi ro của quá trình hội
nhập. Rõ ràng, Trung Quốc và Indonesia đều là những đối tác được xác định ưu
tiên trong đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam, vì vậy, việc nghiên cứu
quan hệ giữa hai nước này là vô cùng cần thiết.
Đặc biệt, trong bối cảnh giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN đang
nổi lên vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, thì việc xem xét mối quan hệ của
Trung Quốc với Indonesia, nước được cho là có vai trò quan trọng hàng đầu
trong ASEAN, là mối quan tâm đối với các nước trong và ngoài khu vực, trong
đó có Việt Nam.
Từ các lý do trên, tác giả lựa chọn “Quan hệ Trung Quốc - Indonesia và
tác động tới khu vực Đông Nam Á (2005-2015)” làm đề tài luận văn thạc sỹ
5
của mình. Đề tài sẽ trả lời câu hỏi nghiên cứu: Quan hệ đối tác chiến lƣợc mà
hai nƣớc thiết lập đƣợc triển khai nhƣ thế nào trong 10 năm qua và tác động
nhƣ thế nào đến khu vực Đông Nam Á?.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Ở Việt Nam, quan hệ Trung Quốc - Indonesia là vấn đề còn rất mới mẻ,
hầu như chưa có một công trình nào tiếp cận vấn đề này. Thậm chí, trong khi
các nghiên cứu về Trung Quốc rất phong phú, thì các công trình nghiên cứu về
Indonesia được công bố lại không nhiều. Các công trình nghiên cứu dạng sách
chủ yếu mới chỉ nghiên cứu các mối quan hệ giữa Trung Quốc với các cường
quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… hay ASEAN nói chung, còn liên quan tới
Indonesia thì hầu hết là các tác phẩm giới thiệu những nét chính về địa lý, lịch
sử, văn hóa, kinh tế - xã hội Indonesia và vai trò của nước này trong ASEAN.
Như vậy, về sách đã xuất bản, có thể nói chưa có một cuốn nào ở Việt Nam có
nội dung về quan hệ Trung Quốc - Indonesia.
Hiện mới chỉ có luận văn thạc sỹ quan hệ quốc tế “Quan hệ Trung Quốc -
Indonesia từ năm 1990 đến 2014” của tác giả Trần Quốc Khánh, Học viện Ngoại
giao hoàn thành tháng 7 năm 2015, về chủ đề này. Luận văn đã đánh giá quan hệ
Trung Quốc - Indonesia từ năm 1990 đến năm 2014 qua hai giai đoạn phát triển
trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại và các lĩnh vực khác, trong đó
giai đoạn 1990 - 2004 là giai đoạn khôi phục, hàn gắn quan hệ, giai đoạn 2005 -
2014 là một nấc thang mới của mối quan hệ với việc hai nước nâng cấp lên
khuôn khổ đối tác chiến lược. Luận văn này đã khẳng định: (i) Trong hơn hai
mươi năm xây dựng và phát triển, quan hệ Trung Quốc - Indonesia đã phát triển
với tốc độ nhanh, các lĩnh vực hợp tác ngày càng được mở rộng, tính chất “chiến
lược” ngày càng được tăng cường; và (ii) Quan hệ này luôn tồn tại song song
tính hợp tác và tính cạnh tranh, song nhìn chung mặt hợp tác là nổi trội và được
hai nước đề cao, vun đắp. Luận văn cũng đã đưa ra dự báo triển vọng quan hệ
này trong thời gian tới sẽ tiếp tục được thúc đẩy, tăng cường và phát triển theo
hướng làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược, hướng tới hoàn thiện khung
quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tuy không nhanh chóng và dễ dàng khi
quan hệ hai nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, mà nổi lên
trong đó là sự can thiệp của các nước lớn và thiếu niềm tin sâu sắc giữa hai bên.
6
Ở nước ngoài, quan hệ Trung Quốc - Indonesia là đề tài được nhiều học
giả quan tâm. Về quan hệ chính trị - ngoại giao, có thể kể đến một số công trình
gần đây như: Indonesia and China: The Politics of a troubled relationship của
Rizal Sukma (1999); Chinese policy toward Indonesia 1949-1967 của David
Mozingo (2007); “Indonesian response to the rise of China: Growing comfort
amid uncertainties” của Rizal Sukma (2009); Torn between Amercian and
China: Elite perception and Indonesian foreign policy của Daniel Novotry, Pasir
Panjang (2010); “Indonesia-China relations: Challenges and Opportunities” của
Rahul Mishra and IrfaPuspita Sari (2010); China and the shaping of Indonesia,
1949-1965 của Hong Liu (2011); “Variations on a theme: Dimension
Ambivalence in Indonesia-China ties” của Evan A. Laksmana (2011);
Indonesia, ASEAN, and the Rise of China: Indonesia in the Midst East’s Asia
Dynamics in the Post-Crisis Global World của SyamsulHadi (2012), “Indonesia-
China's Diplomatic Relations after Normalization in 1990” của Ahmad
Syaifuddin Ruhri (2015)…
Trong cuốn Indonesia and China: The Politics of a troubled relationship
(nhà xuất bản Routledge, London, 1999), học giả Rizal Sukma, Tiến sĩ, Giám
đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Indonesia,
kiêm cố vấn đối ngoại của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, đã phân tích các
nguyên nhân dẫn đến việc hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1967 và sau
đó quyết định bình thường hoá năm 1990 là do những thay đổi trong chính sách
đối ngoại của Indonesia, bản chất của chế độ chính trị Trật tự Mới và vai trò của
Tổng thống Suharto. Theo tác giả, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước
là một phần trong nỗ lực của Indonesia nhằm duy trì tính hợp pháp chính trị của
Chính phủ quân sự Trật tự Mới và để chống lại nguy cơ cộng sản. Lý do hai
nước nối lại quan hệ được cho là do những thay đổi trong vai trò chính trị của
quân đội và những mục tiêu mới của Tổng thống Suharto [39].
Trong cuốn Chinese policy toward Indonesia 1949-1967 (nhà xuất bản
Equinox, Sheffield, Vương quốc Anh, 2007), Giáo sư David Mozingo đã phân
tích sự cạnh tranh của các thế lực có khả năng định hình chính sách đối ngoại
7
của Trung Quốc đối với Indonesia và các yếu tố dẫn đến sự tan vỡ của quan hệ
ngoại giao hai nước. Tác giả đã lý giải tại sao hai nước đã từng chuyển từ thù
địch sang hoà bình và rồi lại chuyển sang thù địch. Đáng chú ý, tác giả cho rằng
yếu tố quyết định quan hệ ngoại giao hai nước lại là diễn biến chính trị của
Indonesia, điều mà Trung Quốc không thể hoặc chỉ kiểm soát được rất ít [29].
Trong nghiên cứu “Indonesian response to the rise of China: Growing
comfort amid uncertainties”, chương 5 của cuốn sách The rise of China:
responses of Southeast Asia and Japan (Nhà xuất bản The National Institute for
defense studies, Tokyo, Nhật Bản, 2009) cũng của Rizal Sukma, tác giả đã tóm
lược tổng quan về quan hệ Trung Quốc - Indonesia, phân tích chính sách đối
ngoại của Indonesia đối với Trung Quốc sau năm 1998 và đưa ra ba yếu tố tác
động tới quan hệ Trung Quốc - Indonesia trong tương lai, đó là: (i) nhận thức xã
hội về cộng đồng người Hoa tại Indonesia, (ii) nhận thức của giới tinh hoa
Indonesia về vai trò của Trung Quốc tại Đông Á; và (iii) cách Trung Quốc giải
quyết các bất đồng với Indonesia.
Trong cuốn Torn between Amercian and China: Elite perception and
Indonesian foreign policy (Nhà xuất bản: Institute of Southeast Asian Study,
Singapore, 2010), các tác giả đã làm nổi bật nhận thức của giới lãnh đạo
Indonesia về sự cần thiết phải giữ vững sự cân bằng quyền lực giữa các chủ thể
nhà nước khác nhau trong hệ thống toàn cầu, mà đặc biệt là sự cân bằng giữa
Mỹ và Trung Quốc. Giới lãnh đạo Indonesia coi Trung Quốc như một thách
thức mơ hồ, tuy nhiên, nhận thức này đang ngày càng tích cực hơn, và sự nổi lên
của Trung Quốc được coi vừa là cơ hội, vừa là thách thức [34].
Trong nghiên cứu “Indonesia-China relations: Challenges and
Opportunities” (IDSA Brief, ngày 22/10/2010, Viện Nghiên cứu và phân tích
quốc phòng Ấn Độ) của Rahul Mishra và Irfa Puspita Sari, các tác giả đã đánh
giá lại 60 năm thăng trầm của hai nước, trong đó chỉ ra sự thiếu hụt niềm tin là
một trong những nhân tố dẫn đến những giai đoạn quan hệ song phương không
được tốt đẹp. Tuy nhiên, 10 năm gần đây, tình hình đã được cải thiện hơn nhiều.
Ở cấp độ khu vực, quan hệ Trung Quốc - Indonesia được định hình bởi quan hệ
Trung Quốc - ASEAN [27].
8
Trong cuốn China and the shaping of Indonesia, 1949-1965, (nhà xuất
bản NUS Press Pte Ltd, Singapore, 2011), tác giả Hong Liu đã chỉ ra sự giao
thoa về mặt nhận thức, sức mạnh, chủng tộc và ngoại giao trong thời kỳ quan hệ
hai nước ổn định từ năm 1949 đến 1965. Điều đó thể hiện sự gia tăng sức mạnh
mềm của Trung Quốc trong phạm vi châu Á [25].
Trong nghiên cứu “Variations on a theme: Dimension Ambivalence in
Indonesia-China ties” của Evan A. Laksmana (Havard Asia Quarterly, Spring,
Vol.XIII, No.1, 2011), tác giả đã đưa ra bốn yếu tố trong nước dẫn đến quyết
định bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc của Suharto, đó là: (i) sự thay đổi
trong thể chế đất nước cần ổn định chính trị để phát triển kinh tế; (ii) sự thay đổi
trong cơ cấu lợi ích giữa các ngành kinh tế, đặc biệt khi giá dầu giảm khiến
Indonesia phải tập trung nhiều hơn vào công nghiệp và chế tạo, hướng đến thị
trường lớn Trung Quốc; (iii) sự thay đổi trong tương quan sức mạnh nội bộ, khi
mà vai trò chính trị của Suharto đã giúp ông có khả năng xử lý các nhóm chống
đối Trung Quốc trong quân đội; và (iv) khát vọng vươn lên thành cường quốc
toàn cầu của Indonesia đặt ra yêu cầu phải bình thường hoá quan hệ với Trung
Quốc [23, tr.24-31].
Trong nghiên cứu “Indonesia, ASEAN, and the Rise of China: Indonesia
in the Midst East’s Asia Dynamics in the Post-Crisis Global World” của
SyamsulHadi (International Journal of China Studies, Vol. 3, No. 2 (2012) p.
151-166, 2012), tác giả đã chỉ ra chiến lược tăng cường hoà bình ở khu vực của
Trung Quốc có khả năng tác động đến quan hệ song phương Trung Quốc –
Indonesia thời kỳ hậu Suharto. Nghiên cứu chỉ ra triển vọng tươi đẹp của mối
quan hệ này sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược và những cơ
hội của Indonesia khi có Trung Quốc để giải quyết những vấn đề về thị trường
và tài chính [18].
Trong tham luận “Indonesia-China's Diplomatic Relations after
Normalization in 1990” của Ahmad Syaifuddin Ruhri (2015), Đại học
Nanchang, Trung Quốc, tại Hội thảo quốc tế “Giao thoa Tôn giáo, khoa học, văn
hoá, kinh tế giữa Tam giác vàng Indonesia - Ấn Độ - Trung Quốc” tổ chức tháng
9
8/2015 tại Đại học Wahid Hasyim, Semarang, Indonesia, trình bày tổng quan
quan hệ Trung Quốc - Indonesia từ khi bình thường hoá, trong đó nhấn mạnh 10
năm qua là giai đoạn quan hệ hai nước ở trong điều kiện tốt nhất từng có, tuy
nhiên, bên cạnh thuận lợi, mối quan hệ này còn có nhiều thách thức. Có ít nhất
bốn thách thức, đó là: (i) thâm hụt thương mại từ năm 2009; (ii) quan hệ ngoại
giao nhân dân; (iii) tình trạng ít du học sinh Trung Quốc tới Indonesia; và (iv)
tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN [36].
Về quan hệ kinh tế giữa hai nƣớc, có thể kể đến một số nghiên cứu như:
“Indonesia - China economic relations: an Indonesian perspective” của
Raymond Atje và Arya B. Gaduh (1999), “Forging closer Sino-Indonesia
Economic relations and policy suggestions” của Wu Chongbo (2011), “China’s
economic relations with Indonesia: Threats and opportunities” của Anne Booth
(2011), “The Rise of China Economic Power: China's Growing Economic
Importance of Indonesia” của Martina A. Purba (2012), “China-Indonesia
economic relations: Challenges and prospects” của Zhao Hong (2013), “The
political-economy of ASEAN-China FTA: an Indonesian perspective” của
Ignatius Ismanto và Indra Krishnamurti (2014)…
Trong nghiên cứu “Indonesia - China economic relations: an Indonesian
perspective” của Raymond Atje và Arya B. Gaduh (CSIS working paper series,
Indonesia, 1999), các tác giả đã khẳng định chính sự gia nhập WTO của Trung
Quốc và sự hình thành liên kết ASEAN+3 là các nhân tố thúc đẩy sự tăng cường
hợp tác kinh tế giữa hai nước. Indonesia ủng hộ sự tham gia của Trung Quốc
trong WTO.
Trong nghiên cứu “Forging closer Sino-Indonesia Economic relations and
policy suggestions”, (Ritsumeikan International Affairs, Vol.10, 2011), Wu
Chongbo, Giáo sư, chuyên gia Đông Nam Á của Đại học Hạ Môn, Phúc Kiến,
Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc đang trở thành một đối tác thương mại
ngày càng quan trọng của Indonesia. Nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân chính
đẩy nhanh hợp tác kinh tế hai nước bao gồm nguồn vốn mạnh của Trung Quốc;
nhu cầu năng lượng để đáp ứng dân số khổng lồ và nền kinh tế phát triển nóng
10
của Trung Quốc; tiềm năng và vị thế của Indonesia, lợi thế về nguồn nhân lực và
thị trường rộng lớn của Indonesia; sự chào đón nguồn đầu tư từ Trung Quốc của
Indonesia; vai trò cầu nối của cộng đồng người Hoa tại Indonesia; tác động của
Hiệp định tự do thương mại Trung Quốc - ASEAN (ACFTA). Học giả cũng dự
báo, trong vài năm tới, đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia còn tiếp tục tăng
và đưa ra khuyến nghị chính sách kinh tế đối với Indonesia, rằng nên mời các
nhà đầu tư Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực như điện, nông nghiệp, thực
phẩm, hạ tầng và thương mại [11].
Trong bài nghiên cứu “China’s economic relations with Indonesia: Threats
and opportunities” (Journal current of Southeast Asia Affairs, Vol.30, No.2,
Germany, 2011), tác giả Anne Booth đã chỉ ra mặc dù kim ngạch thương mại hai
chiều của hai nước tăng nhanh đáng kể từ năm 2000, xuất khẩu của Indonesia vào
Trung Quốc lại chủ yếu là sản phẩm thô, trong khi nhập từ Trung Quốc hầu hết là
hàng chế tạo. Tác giả đưa ra các lợi thế so sánh ngắn hạn của hai nền kinh tế,
nhưng chủ yếu là chỉ ra một số vấn đề liên quan đến Indonesia [10].
Trong bài nghiên cứu “The Rise of China Economic Power: China
Growing Importance to Indonesian Economy” (International Political Economy
and Development (IPED), Indonesia, 2012), tác giả Martina A. Purba đã kết
luận, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đem lại lợi ích cho kinh tế
Indonesia, là biểu hiện của tinh thần cùng thắng [35].
Trong bài nghiên cứu “China-Indonesia Economic Relations: Challenges
and Prospects”, (ISEAS perspective, Vol.42, Singapore, 2013), tác giả Zhao
Hong đã chỉ ra, những thay đổi sau năm 1998 của Indonesia đối với chính sách
“láng giềng thân thiện” và “ngoại giao quyến rũ” dành cho các nước Đông Nam
Á của Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc – Indonesia đã có những bước tiến đầy
ý nghĩa. Tuy nhiên, trong khi quan hệ kinh tế vẫn đang phát triển, thì hợp tác
chiến lược giữa hai nước khá chậm chạp [19].
Trong nghiên cứu “The political-economy of ASEAN-China FTA: an
Indonesian perspective” của Ignatius Ismanto và Indra Krishnamurti
(SECO/WTI Academic Cooperation Project Working Paper Series, Indonesia,
11
2014), các tác giả cho rằng ACFTA là một hiện tượng thú vị gắn liền với các
diễn biến kinh tế - chính trị ở khu vực Đông Á và Indonesia đã phải chịu một số
tổn thất nhất định vì sự ủng hộ ACFTA [20].
Tựu chung lại, các nghiên cứu trong và ngoài nước về chủ đề này còn
thiếu các công trình cập nhật về quan hệ Trung Quốc - Indonesia trong giai đoạn
thiên niên kỷ mới. Các nghiên cứu đa phần tập trung vào lĩnh vực chính trị,
ngoại giao và quan hệ kinh tế, thương mại, còn thiếu các nghiên cứu đánh giá
quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, khoa học công
nghệ, an ninh, quân sự... Chưa có công trình nào nghiên cứu về khung hợp tác
đối tác chiến lược giữa hai nước và chưa chỉ rõ được tác động của quan hệ này
tới khu vực.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là đánh giá mức độ quan hệ đối tác
chiến lược Trung Quốc - Indonesia trong giai đoạn 2005-2015, cũng như tác
động của nó đến khu vực Đông Nam Á.
Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu nêu trên, luận văn sẽ triển khai các
nhiệm vụ sau: (i) Phân tích các yếu tố tác động đến quan hệ Trung Quốc -
Indonesia; (ii) Đánh giá thực trạng quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc -
Indonesia trên một số lĩnh vực cụ thể; (iii) Đánh giá các tác động của quan hệ
này tới khu vực Đông Nam Á.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tƣợng nghiên cứu: Quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc
- Indonesia và tác động đến khu vực Đông Nam Á.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Về thời gian, luận văn tập trung vào giai đoạn từ khi hai nước thiết lập
quan hệ đối tác chiến lược 2005 đến hết năm 2015.
Về không gian, luận văn tập trung vào các lĩnh vực chính trong quan hệ
đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia gồm chính trị - ngoại giao, kinh tế -
thương mại, an ninh - quân sự và văn hoá - giáo dục - khoa học công nghệ trong
phạm vi quan hệ song phương và tại các diễn đàn đa phương ở khu vực. Trong
phần phân tích tác động của quan hệ đối tác chiến lược này đến khu vực, tác giả
chỉ đi vào nghiên cứu tác động trong khuôn khổ khu vực nói chung, bao gồm tác
động tới cục diện khu vực, tới quan hệ ASEAN - Trung Quốc và tới chính sách
12
đối ngoại của Indonesia, không đề cập tác động tới Việt Nam trong phạm vi
nghiên cứu này.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế chủ yếu
như tổng hợp, phân tích tình huống, so sánh, trên cơ sở phương pháp tiếp cận duy
vật biện chứng, các khuôn khổ lý luận về quan hệ quốc tế phổ biến đương đại.
6. Những đóng góp của đề tài
Về mặt học thuật, đề tài sẽ có đóng góp qua các nhận định, đánh giá mới,
cập nhật về quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia.
Về mặt thực tiễn, đề tài gợi mở và có thể cung cấp những thông tin, kiến
nghị, hàm ý chính sách đối ngoại cho Việt Nam, đặc biệt là trong khuôn khổ
chính sách khu vực Đông Nam Á, đến quan hệ giữa Việt Nam với ASEAN, với
Indonesia, với Trung Quốc...
7. Kết cấu
Luận văn gồm 3 chương:
Chƣơng 1: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quan hệ đối tác chiến
lƣợc: trình bày khái niệm, đặc điểm và quan niệm của một số lý thuyết quan hệ
quốc tế chủ yếu về khuôn khổ quan hệ “đối tác chiến lược”; phân loại một số
dạng quan hệ đối tác chiến lược phổ biến trong thực tiễn quan hệ quốc tế đương
đại; và tóm lược một số đặc điểm của sự phát triển hình thức quan hệ đối tác
chiến lược trên thế giới trong những năm đầu thế kỷ XXI.
Chƣơng 2: Quan hệ đối tác chiến lƣợc Trung Quốc - Indonesia (2005
– 2015): phân tích làm rõ các yếu tố tác động quan hệ Trung Quốc - Indonesia
trên các cấp độ; đánh giá thực trạng quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc -
Indonesia giai đoạn 2005-2015 trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế -
thương mại, an ninh - quân sự và văn hóa - giáo dục - khoa học công nghệ; và
đưa ra một số nhận xét, đánh giá về thực chất quan hệ đối tác chiến lược Trung
Quốc – Indonesia (2005-2015).
Chƣơng 3: Tác động của quan hệ đối tác chiến lƣợc Trung Quốc -
Indonesia đến khu vực Đông Nam Á: đánh giá các tác động đối với khu vực
Đông Nam Á, bao gồm cục diện khu vực, quan hệ Trung Quốc - ASEAN và
chính sách đối ngoại của Indonesia
13
CHƢƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
VỀ QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƢỢC
1.1. Một số vấn đề lý luận về quan hệ đối tác chiến lƣợc
Đã có nhiều học giả đưa ra định nghĩa về quan hệ “đối tác chiến lược”,
trên cơ sở định nghĩa hai thành tố là “đối tác” và “chiến lược”. John Egan định
nghĩa: “Đối tác bao hàm hai hoặc nhiều bên hành động cùng nhau để nâng cao
hợp tác bằng việc thực hiện những mục tiêu chung, xây dựng những kênh/cơ chế
giải quyết bất đồng/tranh chấp, biện pháp thúc đẩy quan hệ, và phương pháp
đánh giá tiến bộ cũng như chia sẻ thành tựu hợp tác” [13, tr.3]. Theo Sin-Ming
Shaw, “một mối quan hệ đối tác bao gồm sự gần gũi, bình đẳng, có đi có lại và
thoả thuận về những mục tiêu chung” [10]. Như vậy, một cách chung nhất, có
thể hiểu “đối tác” là sự cộng tác, hợp tác ở mức cao và trong một số vấn đề cụ
thể. Hành động cùng nhau, chung mục tiêu và chung lợi ích là những tiêu chí
của quan hệ đối tác.
“Chiến lược” chỉ sự quan trọng có tính toàn cục, then chốt và có giá trị
tương đối lâu dài về mặt thời gian. Đặc biệt, trong các văn cảnh liên quan đến
việc sử dụng sức mạnh quân sự, đây là từ dùng để chỉ “tính tổng thể, để tạo ra sự
khác biệt với những chi tiết (chiến thuật); và nghệ thuật sử dụng nguồn lực, kết
hợp với các giá trị về đạo lý, để đạt được mục tiêu [10, tr.46].
“Đối tác chiến lược” chỉ mối quan hệ hợp tác quan trọng vừa có tính hướng
vào những mục tiêu cụ thể, tính thời vụ, vừa có hàm ý về mong muốn quan hệ lâu
dài. Trong khi xây dựng đối tác chiến lược, các bên phải hiểu nhau về mục tiêu
mình mong muốn đạt được, khả năng đáp ứng của các bên trên một tinh thần hết
sức thực tế. Phần lớn các mối quan hệ đối tác chiến lược được hình thành thông
qua các thoả thuận, tuyên bố hoặc hiệp định chính thức. Nhưng ẩn trong nội dung
câu chữ của các văn kiện này, quan hệ đối tác chiến lược hàm ý một số giá trị cao
hơn việc hợp tác thông thường và kết quả cụ thể; nhấn mạnh tầm quan trọng của
bản thân việc hợp tác và phát triển quan hệ; bày tỏ sự hiểu biết về tầm quan trọng,
14
tính dài lâu của mối quan hệ; và trông đợi những thay đổi trong hành vi của các bên
trong quan hệ đối tác hướng tới những tình huống các bên cùng có lợi [10, tr.49].
Nhiều nước quan niệm “đối tác chiến lược” phải bao gồm 4 tiêu chí sau: không tấn
công lẫn nhau (i); không liên minh chống lại các nước khác (ii); không can thiệp
vào công việc nội bộ của nhau (iii); phải có lòng tin lẫn nhau (iv).
Quan hệ đối tác chiến lược có đặc điểm rất phong phú, trong đó thành
phần, nội dung, hình thức, mức độ… hoàn toàn tuỳ theo sáng kiến của các bên.
Nó là tổng hợp các dạng quan hệ hợp tác và có khả năng đẩy sự hợp tác nói chung
giữa các bên tham gia mối quan hệ này lên mức độ cao hơn. Tuy nhiên, khái niệm
đối tác cũng bao hàm khả năng mối quan hệ hợp tác sẽ không phát triển tiếp tục,
nếu các bên không còn tìm thấy lợi ích trong việc thúc đẩy quan hệ hoặc quá trình
tương tác trong quan hệ đối tác dẫn đến va chạm quyền lợi với nhau.
Trong giải tần hợp tác, đối tác chiến lược nằm ở giữa: cao hơn hợp tác
thông thường nhưng chưa tới liên minh, hoặc trong khuôn khổ liên minh cũ
nhưng nó giúp liên minh đó phát triển sâu hơn về chất và phong phú hơn về nội
dung [10, tr.154]. Với các nước có đã quan hệ lâu dài và ổn định, việc triển khai
quan hệ đối tác chiến lược sẽ thuận lợi hơn vì không phải xây dựng từ đầu
những cơ sở vật chất cần thiết cho hợp tác (như lòng tin, cơ chế, nhân lực…).
Với các nước đang xây dựng quan hệ hợp tác sau một giai đoạn căng thẳng và
thù địch, quan hệ giữa các nước này chủ yếu ở vào giai đoạn “xây dựng lòng
tin” là bước đầu tiên trong việc phát triển quan hệ hợp tác. Chung lợi ích để phát
triển quan hệ và triển khai tốt các dự án cụ thể sẽ là cơ sở để phát triển quan hệ
trong khuôn khổ đối tác chiến lược và các hình thức cao hơn ở giai đoạn sau.
Đối tác chiến lược là một công cụ chính sách mà các nước hay dùng để bổ sung
cho các hình thức hợp tác trong quan hệ đối ngoại của mình. Ngoài tầm quan
trọng mà các nước gắn vào các mối quan hệ cụ thể, khuôn khổ đối tác chiến
lược còn được các nước ưa chuộng vì tính thiết thực, lâu dài và mở.
Để đạt được khuôn khổ “đối tác chiến lược”, quan hệ giữa các quốc gia
cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản như: (i) tương đồng về mục đích và mục tiêu
nhằm bảo đảm an ninh, thịnh vượng và vị thế của nhau trên trường quốc tế; (ii)
15
có nhận thức thống nhất về mục tiêu và nguyên tắc phát triển đối tác chiến lược;
(iii) có nền tảng pháp lý để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa các bên;
(iv) phải thực sự quan tâm tới nhu cầu hợp tác trong nhiều lĩnh vực có ý nghĩa
chiến lược trên cơ sở hai bên cùng có lợi; (v) cần tính đến lợi ích của nhau để
sẵn sàng nhân nhượng và ủng hộ đối tác, ngay cả trong trường hợp không mang
lại lợi ích rõ ràng cho chính mình; (vi) không nên có những hành động mang
tính phân biệt và tối hậu thư đối với nhau; (vii) cần chủ động xây dựng những
quan niệm chung về các giá trị, dựa trên cơ sở hệ thống chính trị của đối tác;
(viii) hiệu quả từ quan hệ đối tác chiến lược phải nhận được sự ủng hộ và quan
tâm của giới tinh hoa chính trị, cộng đồng xã hội nói chung và đáp ứng nhu cầu
mang tính sống còn của công dân các nước đối tác [7].
Theo quan điểm của chủ nghĩa hiện thực, an ninh quốc gia là động lực
dẫn đến sự hợp tác giữa các nước với nhau. Nói cách khác, các nước hình thành
quan hệ đối tác để ứng phó với nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia mình. Do vậy,
quan hệ đối tác có mục đích đối phó với mối đe doạ chung thậm chí có thể tồn
tại giữa các nước có chế độ chính trị và hệ tư tưởng khác nhau. Theo logic của
chủ nghĩa hiện thực, chính sách nhằm “thêm bạn bớt thù” chính là cơ sở của
việc các nước có quan hệ đối tác với nhau. Theo đó, nội hàm của sự hợp tác là vì
lý do an ninh và cân bằng quyền lực. Tuy nhiên, hợp tác giữa các nước không có
tính chất lâu dài, vì khả năng chuyển hoá bạn - thù là thường xuyên.
Theo quan điểm của chủ nghĩa tự do, các thể chế quốc tế hoặc các tổ chức
khu vực đã đẩy mạnh hợp tác giữa các nước với nhau. Chủ nghĩa tự do đã làm
sáng tỏ một điều là các thể chế quốc tế chỉ đóng vai trò là biến số độc lập, là
“chất xúc tác” cho sự hợp tác. Điều đó có nghĩa rằng quan hệ đối tác giữa các
nước có tính tạm thời và lệ thuộc rất lớn vào ý đồ của các nước lớn.
Chủ nghĩa kiến tạo cho rằng các nước hợp tác với nhau khi giữa chúng
tồn tại bản sắc chung. Những điểm tương đồng về bản sắc càng nhiều thì khả
năng hợp tác và duy trì hợp tác càng cao (nếu kết hợp thêm cả đồng lợi ích).
Điều đó có nghĩa là các quan hệ hợp tác, đối tác dựa trên bản sắc mạnh và hình
thành trong phạm vi khu vực thường có cơ hội thành công lớn hơn.
16
Cả ba lý thuyết: chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo
đều có thể sử dụng để lý giải việc hình thành đối tác chiến lược giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa kiến tạo được xem là công cụ phân
tích thích hợp hơn cả vì chỉ ra được sự tương đồng về lợi ích và bản sắc là những
lý do chính quy định việc các quốc gia thiết lập quan hệ đối tác với nhau trong
khoảng thời gian nhất định và đối với một số vấn đề cụ thể [10, tr.58].
1.2. Thực tiễn các quan hệ đối tác chiến lƣợc trên thế giới
Quan hệ “đối tác chiến lược” giữa các quốc gia xuất hiện trong bối cảnh
khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và sau đó là sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, hệ
thống thế giới từ hai cực Xô - Mỹ chuyển thành một cực là Mỹ. Trong bối cảnh
cục diện quốc tế sau Chiến tranh Lạnh khiến quan hệ giữa một số nước rơi vào
tình trạng bất định, “đối tác chiến lược” đã được các nước sử dụng như là một
cách để bảo vệ an ninh quốc gia của mình. Không chỉ vậy, “đối tác chiến lược”
còn cho các quốc gia cơ hội vươn tới những không gian địa-chính trị mới, mở
rộng ảnh hưởng ra ngoài thế giới.
Trên thế giới hiện nay đang có rất nhiều mối quan hệ đối tác chiến lược
giữa các nước với nhiều mức độ khác nhau. Dạng quan hệ này đang trở thành
một xu thế định hình quan hệ quốc tế hiện đại. Từ các cường quốc đến các nước
nhỏ đều tích cực xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược của mình. Trên thế giới,
mô hình quan hệ đối tác chiến lược có thể được thiết lập giữa các nước lớn với
nhau, giữa nước lớn với nước nhỏ, giữa các nước nhỏ với nhau hoặc các dạng
quan hệ giữa một nước với một tổ chức/nhóm nước…
Quan hệ đối tác chiến lƣợc giữa các nƣớc lớn
Bản thân quan hệ hợp tác giữa các nước lớn đã mang tính chất chiến lược
do vị thế của các nước lớn trên trường quốc tế, bất kể giữa chúng có thiết lập các
văn kiện hợp tác một cách chính thống, bài bản hay không. Có thể kể đến một số
quan hệ đối tác chiến lược như: Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Trung Quốc, Nga - Trung
Quốc, Đức - Trung Quốc…
Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Nhật Bản: Kể từ khi ký kết Hiệp ước
Hợp tác và an ninh năm 1950, đây là một trong những mối quan hệ song phương
17
quan trọng và gắn bó nhất trong quan hệ quốc tế. Quan hệ đối tác này xuất phát
từ quan hệ liên minh giữa hai nước, trong đó liên minh quân sự đóng vai trò
nòng cốt. Quan hệ liên minh có trước, quan hệ đối tác có sau. Đối tác để làm
mới liên minh, trong điều kiện và hoàn cảnh quốc tế và khu vực có nhiều nét
mới. Mặc dù hai nước này không có tuyên bố riêng một thoả thuận đối tác chiến
lược nào nhưng về bản chất, quan hệ này có tính đối tác chiến lược rất thực chất.
Quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung Quốc: Tháng 9/1994, hai bên đã
thiết lập “Quan hệ đối tác mang tính xây dựng”. Tháng 4/1996, hai bên nâng cấp
quan hệ thành “Đối tác chiến lược hướng đến thế kỷ XXI”. Quan hệ đối tác
chiến lược Nga – Trung Quốc được xây dựng trên một số cơ sở quan trọng như:
(i) quan hệ láng giềng và truyền thống; (ii) cả hai đều là những thị trường rộng
lớn và tiềm năng; (iii) nhu cầu hợp tác quân sự; (iv) nhu cầu tạo dựng trật tự thế
giới đa cực, chống lại trật tự đơn cực của Mỹ và (v) nhu cầu chống khủng bố và
Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Trung Á.
Quan hệ đối tác chiến lƣợc giữa nƣớc lớn với nƣớc nhỏ
Quan hệ đối tác chiến lược giữa một nước lớn với một nước nhỏ là hình
thái quan hệ phổ biến. Các nước lớn tìm cách thiết lập quan hệ với nước nhỏ vì
nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như tìm cách mở rộng ảnh hưởng của
mình ở nước đó nhằm chống lại một đối tượng cụ thể hoặc nhằm đạt được một
hay nhiều ý đồ chiến lược khác nhau. Ngược lại, các nước nhỏ cần dựa vào nước
lớn để tìm kiếm chỗ dựa về an ninh, chống lại một đối tượng hay một mục tiêu
cụ thể mà mình không đủ sức, hoặc tìm kiếm sự ủng hộ về kinh tế, chính trị…
Thông thường, hình thái đối tác này có cơ sở tồn tại bền vững hơn các hình thái
khác do nước lớn thường dồi dào tiềm lực và ý chí chính trị để theo đuổi mục
tiêu của mình, còn nước nhỏ cũng muốn dựa vào thế và lực của nước lớn để theo
đuổi mục tiêu phù hợp lợi ích quốc gia của mình, giữa hai bên không có sự cạnh
tranh tiềm tàng như quan hệ giữa các nước lớn.
Trung Quốc, nước có số lượng đối tác chiến lược nhiều nhất, cũng thiết
lập quan hệ đối tác chiến lược với cả những nước nhỏ như Lào, Campuchia,
Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Ukraine, Afghanistan,
18
Argentina, Iran, Saudi Arabia… Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các
nước nhỏ như Israel, Georgia, Indonesia, Kazakhstan, Uzbekistan, Ukraine,
Afghanistan, Romania… Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước
nhỏ như Kazakhstan, Uzbekistan, Ukraine, Serbia, Azerbaijan, Armenia, Mông
Cổ, Peru, Algeria… Có thể thấy, các nước lớn đã tìm đến các nước nhỏ ở những
khu vực địa-chính trị khác nhau để thiết lập đối tác chiến lược, thậm chí đó là
những nước nhỏ được ngầm hiểu như thuộc phạm vi ảnh hưởng của một nước
lớn khác. Một số nước nhỏ có vị trí địa-chính trị quan trọng cũng thiết lập được
quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước lớn. Đó là trường hợp của
Kazakhstan, Uzbekistan, Ukraine..., những nước thuộc “miền đất trái tim” theo
học thuyết địa-chính trị của Mackinder. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung
Quốc với Indonesia thuộc dạng quan hệ đối tác giữa nước lớn và nước nhỏ.
Quan hệ đối tác chiến lƣợc giữa các nƣớc nhỏ
Trong thời đại toàn cầu hoá và phụ thuộc lẫn nhau, các quốc gia không
thể đứng ngoài những xu thế mang tính thời đại. Thiết lập quan hệ đối tác chiến
lược cũng là một kiểu xu hướng như vậy. Bên cạnh quan hệ đối tác chiến lược
giữa các nước lớn với nhau, giữa nước lớn và nước nhỏ, các nước nhỏ cũng tích
cực tìm đến với nhau để thiết lập kiểu quan hệ này. Thường quan hệ này được
thiết lập giữa các nước có sự liên quan, tương đồng với nhau về vị trí địa lý,
truyền thống lịch sử, văn hoá, nhu cầu phát triển kinh tế… nhằm giúp nhau phát
triển các tiềm năng, thế mạnh của nhau.
Xem xét trường hợp của Việt Nam làm ví dụ. Tính đến tháng 9 năm 2016,
ngoài 3 nước lớn Nga, Trung Quốc, Ấn Độ là đối tác chiến lược toàn diện, Việt
Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với một số nước nhỏ như Italia (2011),
Indonesia, Singapore, Thái Lan (2013), Malaysia, Philippines (2015)…, đối tác
chiến lược trên lĩnh vực như Hà Lan (2010), Đan Mạch (2011)… Việc đan xen
lợi ích với các nước đối tác sẽ giúp ngăn chặn và giảm thiểu khả năng một bên
nào đó sử dụng vũ lực chống lại Việt Nam, đồng thời, thúc đẩy sự hợp tác vì sự
phát triển chung của mỗi nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và
trên thế giới, tạo được một cục diện và vị thế ngày càng vững chắc cho Việt
Nam trong tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
19
Quan hệ đối tác chiến lƣợc giữa một nƣớc với một nhóm nƣớc/ tổ chức
Thông thường, nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với một tổ chức
thường là nước lớn, như Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Nhật Bản… Các nước lớn
thường nhằm tới mục tiêu là đạt được quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn hơn,
không chỉ bó hẹp trong một lĩnh vực đơn thuần. Còn nhóm nước hay tổ chức
thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nước lớn lại mong tìm được một chỗ dựa
về kinh tế, an ninh, chính trị… mà các nước lớn đem lại. Nhược điểm của loại
hình quan hệ này là tính hiệu quả thấp do tổ chức hoặc nhóm nước thường khó
đạt được đồng thuận vì sự khác nhau về dân số, diện tích, vị trí địa chiến lược,
trình độ phát triển kinh tế, thể chế chính trị… của các thành viên. Ví dụ của loại
hình này quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN, Nga - EU…
Về quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN, năm 2003, với việc
ký “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược hướng tới hoà bình và phồn
thịnh”, Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của ASEAN, ASEAN
trở thành tổ chức khu vực đầu tiên xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với
Trung Quốc. Trung Quốc thúc đẩy quan hệ với ASEAN do ASEAN có vị trí địa
chiến lược quan trọng, có tuyến đường hàng hải nối liền Ấn Độ Dương và Thái
Bình Dương, là cửa ngõ đi ra thế giới của Trung Quốc và có tài nguyên phong
phú, nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho nền kinh tế có tốc độ phát triển
nhanh của Trung Quốc. Mặt khác, ASEAN có thể trở thành một lợi thế để Trung
Quốc kiềm chế Nhật Bản và Mỹ. Do vậy, Trung Quốc đặc biệt quan tâm mở
rộng không gian hoạt động tại khu vực này để bảo vệ lợi ích an ninh của mình.
Ngoài ra, thông qua việc tăng cường quan hệ, ảnh hưởng đối với các nước
ASEAN, Trung Quốc cũng muốn nâng vị thế của mình trên trường quốc tế và
tranh thủ sự ủng hộ của một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Việc hai
bên tăng cường quan hệ có tác động đối với tình hình khu vực Châu Á - Thái
Bình Dương. Quan hệ này đã góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển và
thịnh vượng ở khu vực, củng cố sự tin cậy về chính trị giữa các nước, phát triển
quan hệ và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư… giữa các nước một cách sâu
rộng và hiệu quả, mở rộng hợp tác sang nhiều lĩnh vực khác nhau, tăng cường
giao lưu nhân dân.
20
Về quan hệ đối tác chiến lược Nga - EU, đây là một trong những quan hệ
quan trọng, có vai trò định hình cấu trúc quan hệ quốc tế. Năm 1994, hai bên ký
kết Hiệp định đối tác và hợp tác, hiệp định này chính thức có hiệu lực vào tháng
12/1997. Trong những năm 90 của thế kỷ XX, quan hệ đối tác giữa hai bên phát
triển khá tốt đẹp với chính sách thân phương Tây của Nga. Từ năm 2000, với sự
điều hành của Tổng thống V. Putin, Nga điều chỉnh trong chính sách đối ngoại
theo hướng độc lập hơn với châu Âu. Bên cạnh mặt hợp tác, quan hệ đối tác này
còn có một số tồn tại như quan hệ của Nga với một số nước Baltic, vấn đề mở
rộng EU về phía Đông, vấn đề dân chủ, nhân quyền, vấn đề năng lượng… Sau
10 năm, tháng 12/2007, Hiệp định đối tác và hợp tác Nga – EU hết hiệu lực. Hai
bên đã tiến hành các vòng đàm phán để xây dựng một Hiệp định đối tác chiến
lược mới nhưng chưa đạt được kết quả cụ thể.
1.3. Một số đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lƣợc trên thế giới
những năm đầu thế kỷ XXI
Thứ nhất, các quan hệ đối tác chiến lược phát triển bùng nổ về số lượng.
Các quốc gia không kể lớn nhỏ đều phát triển loại hình quan hệ này. Đối tác mà
các quốc gia hướng tới cũng đa dạng, từ những nước láng giềng cho tới những
nước có khoảng cách địa lý xa xôi, từ những nước có cùng kiểu thể chế chính trị
cho tới những nước có nhiều khác biệt, từ các đối tác là một nước cho tới đối tác
là một nhóm nước… Bởi vậy, số lượng quan hệ đối tác chiến lược là rất lớn.
Trung Quốc là nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhiều nhất với
khoảng 50 quan hệ đối tác chiến lược ở khắp năm châu, Nga có hơn 30 đối tác
chiến lược hoặc tương đương, Ấn Độ có khoảng 20 quan hệ đối tác, Mỹ có khoảng
hơn 20, Pháp và Anh đều có hơn 10, Liên minh châu Âu (EU) có khoảng 10… Việt
Nam là một nước nhỏ cũng có khoảng 15 quan hệ đối tác chiến lược.
Thứ hai, hầu hết các quan hệ đối tác chiến lược chỉ cam kết dưới hình
thức tuyên bố chính trị của của lãnh đạo các nước, không phải là một điều ước
quốc tế, không có ràng buộc pháp lý. Do vậy, các văn kiện như tuyên bố chung,
thoả thuận, hiệp định… thiết lập và triển khai khuôn khổ đối tác chiến lược giữa
các bên đều ít nhiều mang tính hình thức, biểu tượng, tuyên truyền, thể hiện sự
21
kỳ vọng của các bên. Trong các hình thức văn kiện hợp tác, hiệp định là hình
thức có mức độ ràng buộc chặt chẽ nhất, tuy nhiên cũng chỉ có thời hạn nhất
định, không phải là bất biến. Thậm chí, ngay cả trong các hiệp định, các bên
cũng đều hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt miễn là có thông báo cho
các bên còn lại. Hoặc có trường hợp như Hiệp định đối tác chiến lược Nga - EU
sau 10 năm hiệu lực từ 1997 đến 2007 thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc ký
kết lại một hiệp định đối tác chiến lược mới thay thế cho hiệp định cũ đã hết
hiệu lực vì các vấn đề mâu thuẫn phát sinh giữa hai bên.
Thứ ba, hiệu quả thực chất của các quan hệ đối tác chiến lược không đồng
đều. Nhiều mối quan hệ đối tác chiến lược chỉ có tính chất hình thức, tức là cam
kết rất hoành tráng, nhưng trên thực tế thì kết quả hợp tác lại không nổi bật.
Ngược lại, có những mối quan hệ không được gọi thẳng tên là đối tác chiến
lược, nhưng về bản chất mức độ hợp tác chiến lược lại rất cao. Sự không đồng
đều của việc triển khai các quan hệ đối tác chiến lược bắt nguồn từ sự khác biệt
đáng kể trong nội hàm của các mối quan hệ đối tác chiến lược. Việc thực hiện
triển khai các cam kết đó trên thực tế tuỳ vào năng lực, quan điểm và chiến lược
của các bên tại các thời điểm khác nhau, và có thể khác với thời điểm mà các
bên tuyên bố các cam kết. Do vậy, có những mối quan hệ đối tác chiến lược phát
triển mạnh mẽ và liên tục được nâng cấp lên các mức độ cao dần, nhưng cũng có
những mối quan hệ không tiến triển thêm gì, thậm chí, có những biến cố khiến
quan hệ tụt dốc.
Sự không đồng đều này thể hiện không chỉ trên diện rộng xét tổng thể các
mối quan hệ đối tác chiến lược diễn ra trên toàn thế giới, mà ngay cả ở cấp độ
một quốc gia, các mối quan hệ đôi khi cùng được gọi tên là đối tác chiến lược
nhưng được triển khai trên thực tế với những mức độ rất khác nhau. Ngay bản
thân các quốc gia khi thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược cũng đã không đặt
ra một mức độ cam kết giống nhau với tất cả các đối tác. Với một đối tác xác
định nào đó, mức độ nồng ấm trong quan hệ hai nước cũng không phải giống
nhau ở mọi thời điểm, nên tiến trình hợp tác theo các cam kết không phải lúc
nào cũng được triển khai thuận lợi, đồng đều và đúng tiến độ.
22
Thứ tƣ, có nhiều loại hình quan hệ đối tác chiến lược được hình thành trên
thực tế như: đối tác chiến lược trên một số lĩnh vực cụ thể, đối tác toàn diện, đối
tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện… theo mức độ tăng dần. Đối tác
chiến lược theo lĩnh vực là khuôn khổ hai nước thiết lập khi muốn đi sâu hợp tác
trong một lĩnh vực cụ thể, mà một hoặc hai bên có tiềm năng chia sẻ, có tính
quan trọng chiến lược với an ninh, phát triển quốc gia của cả hai bên. Ví dụ,
Việt Nam có hai đối tác chiến lược theo lĩnh vực là Hà Lan, đối tác chiến lược
trong quản lý nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương
thực (thiết lập năm 2010), và Đan Mạch, đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến
đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh (thiết lập năm 2011,
năm 2013 nâng cấp thành đối tác toàn diện). Trong một số quan hệ đối tác, hai
bên thiết lập khuôn khổ đối tác toàn diện trước khi thiết lập khuôn khổ đối tác
chiến lược, nhưng điều này không có nghĩa là mọi mối quan hệ đối tác toàn diện
đều có thể nâng cấp thành đối tác chiến lược. Đối tác chiến lược toàn diện là
mức độ quan hệ sâu sắc nhất mà hai bên ký kết với nhau. Trung Quốc, nước có
nhiều quan hệ đối tác chiến lược nhất, hiện có khoảng 20 đối tác chiến lược toàn
diện, trong đó có EU, Nga, Australia, Mexico, Peru, Nam Phi, Algeria, Pháp,
Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Đan Mạch, Serbia, Belarus,
Kazakhstan, Indonesia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam (đối
tác hợp tác chiến lược toàn diện).
Tên gọi của khuôn khổ quan hệ mà hai bên thiết lập hoàn toàn mở và tuỳ
thuộc vào nhu cầu của các bên. Do vậy, ngoài các cụm từ chính là “đối tác” hay
“đối tác chiến lược”, hai bên có thể thêm vào các cụm từ như “vì sự tin cậy lẫn
nhau”, “vì lợi ích chung”, “vì sự phát triển chung”, “vì hoà bình và phồn vinh”,
“hướng đến thế kỷ XXI”… Những cụm từ này thể hiện sự sáng tạo của các bên,
khiến mối quan hệ thêm sắc thái đặc biệt hoặc một khuynh hướng mà hai bên
muốn tập trung hướng tới hoặc đó là một thông điệp mà cả hai bên muốn thể
hiện ra cho cộng đồng quốc tế thấy.
23
Tiểu kết chƣơng 1
Tóm lại, “đối tác chiến lược” chỉ mối quan hệ hợp tác quan trọng vừa có
tính hướng vào những mục tiêu cụ thể, tính thời vụ, vừa có hàm ý về mong muốn
quan hệ lâu dài. Sau Chiến tranh Lạnh, trong bối cảnh bất định trong quan hệ
quốc tế, các nước đã sử dụng “đối tác chiến lược” như là một cách để bảo vệ an
ninh quốc gia của mình. Những năm đầu thế kỷ XXI, kiểu quan hệ này bùng nổ,
trở thành một xu thế định hình quan hệ quốc tế hiện đại, làm gia tăng tính đan
xen, phức tạp trong quan hệ quốc tế. Hiện nay, quan hệ đối tác chiến lược được
phát triển đa dạng với nhiều mức độ và loại hình khác nhau… hoàn toàn tuỳ theo
sáng kiến của các bên. Mô hình quan hệ đối tác chiến lược có thể được thiết lập
giữa các nước lớn với nhau, giữa nước lớn với nước nhỏ, giữa các nước nhỏ với
nhau hoặc các dạng quan hệ giữa một nước với một tổ chức/nhóm nước… Tình
trạng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai (hay nhiều) nước phản ánh những nhu
cầu mà hai (hay nhiều) nước cần ở nhau trong các lĩnh vực, thời gian với mục tiêu
rất cụ thể, rõ ràng. Do vậy, đây là những cơ sở tạo nên tiêu chí để đánh giá độ
thực chất của quan hệ đối tác chiến lược giữa các nước.
24
CHƢƠNG 2
QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƢỢC
TRUNG QUỐC - INDONESIA (2005 - 2015)
Chương này đánh giá thực chất quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc -
Indonesia (2005 - 2015), làm rõ những yếu tố tác động đến quan hệ đối tác chiến
lược Trung Quốc - Indonesia và thực trạng triển khai quan hệ đối tác chiến lược
này trong 10 năm qua.
2.1. Các yếu tố tác động đến quan hệ đối tác chiến lƣợc Trung Quốc -
Indonesia (2005 - 2015)
Quan hệ Trung Quốc - Indonesia có lịch sử lâu dài, thăng trầm và phức
tạp. Sớm có quan hệ giao thương từ thời cổ đại, hai nước thiết lập quan hệ ngoại
giao vào năm 1950 (Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ
ngoại giao với Trung Quốc). Năm 1967, quan hệ này đóng băng vì các vấn đề
mâu thuẫn và sau 23 năm, năm 1990, mới bình thường hoá trở lại. Năm 2005,
hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và năm 2013, nâng cấp thành
khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện. Giai đoạn 10 năm từ 2005 đến 2015 là
khoảng thời gian phát triển mạnh mẽ và nồng ấm, gắn bó nhất của mối quan hệ
này kể từ khi thiết lập quan hệ. Phần phân tích sau đây sẽ đưa ra các yếu tố tác
động dẫn đến việc hai nước thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược năm 2005
theo các cấp độ: cá nhân, quốc gia và quốc tế.
2.1.1. Cấp độ cá nhân
Ở cấp độ này, những yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc -
Indonesia bao gồm cá nhân các lãnh đạo tối cao, chính khách, các nhân vật có
ảnh hưởng, đặc tính của các nhóm người dân và nhân dân hai nước... Phân tích ở
cấp độ này nhằm chỉ ra những mối liên hệ giữa các yếu tố về cá nhân con người
thúc đẩy việc nâng cấp quan hệ hai nước.
Trước hết, giai đoạn 2005 - 2015, ở cả Trung Quốc và Indonesia đều có
sự chuyển giao quyền lực của các nhà lãnh đạo cao nhất. Sự chuyển giao quyền
lực giữa hai lớp lãnh đạo đều ở khoảng thời gian khá gần nhau và về phía cuối
25
của giai đoạn phạm vi nghiên cứu. Nếu tính trong 10 năm này, thời gian tại
nhiệm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (đến tháng
3/2013) gần như tương đương với thời của Tổng thống Susilo Bambang
Yudhoyono (đến tháng 10/2014), còn thời gian tại nhiệm của Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tương đương với thời của Tổng thống Joko
Widodo. Điều đó cũng có nghĩa là phần lớn giai đoạn nghiên cứu là quan hệ của
hai nước dưới thời hai nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Susilo Bambang
Yudhoyono. Trong đó, Indonesia với thể chế cộng hòa tổng thống cho phép
Tổng thống vừa có lễ quyền, vừa có thực quyền, tức là vừa là nguyên thủ quốc
gia, vừa là người đứng đầu chính phủ. Do đó, các dấu ấn của cá nhân lãnh đạo
trên lĩnh vực đối ngoại đậm nét hơn khi so sánh với Trung Quốc với cơ chế
hoạch định chính sách đối ngoại là tập thể bộ máy cán bộ cấp cao của Đảng,
thường là Bộ Chính trị hoặc Thường vụ Bộ Chính trị.
Có hai yếu tố xét từ góc độ cá nhân nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào ảnh hưởng
đến quan hệ Trung Quốc - Indonesia: Thứ nhất, kế nhiệm Giang Trạch Dân lên
nắm quyền với một sứ mệnh không dễ gánh vác, Hồ Cẩm Đào sẽ phải tập trung
tạo một môi trường ổn định, thuận lợi cho việc giải quyết những nhu cầu nội bộ
của đất nước. Do vậy, các mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, trong đó có
quan hệ với Indonesia, được cố gắng giữ trong vòng ổn định và phát triển tốt
đẹp. Thứ hai, phong cách ôn hoà được hình thành từ sớm khiến Hồ Cẩm Đào có
xu hướng thiên về các quyết định đối ngoại mang tính ôn hoà, hoà dịu, có lợi
cho sự phát triển các mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, bao gồm cả quan
hệ với Indonesia.
Về Susilo Bambang Yudhoyono, ông có quá trình công tác qua bốn đời
tổng thống tiền nhiệm, được dư luận đánh giá là một chính khách tầm cỡ. Là
tổng thống đầu tiên ở Indonesia được bầu trực tiếp, người dân đặt lên vai Susilo
Bambang Yudhoyono những đòi hỏi và yêu cầu nặng nề hơn. Với kinh nghiệm
xuất thân từ quân đội, ông rất cứng rắn với các phong trào ly khai, chủ nghĩa
khủng bố..., đưa đất nước Indonesia vào quỹ đạo ổn định. Chính bản lĩnh của
Susilo là một trong những yếu tố giúp cho Indonesia có những sự chủ động nhất
26
định trong mối quan hệ với Trung Quốc. Sự linh hoạt của Susilo đã khiến quan
hệ của Indonesia và Trung Quốc tiến những bước rất nhanh và rất dài trong
chính thời gian mà Susilo cầm quyền: từ quan hệ đối tác nâng cấp lên quan hệ
đối tác chiến lược, rồi lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mặc dù giới tinh
hoa Indonesia có xu hướng thích sự quan tâm của Mỹ tới khu vực và không
thích ý nghĩ về vai trò thống trị của Trung Quốc, họ vẫn tin tưởng hơn về những
cam kết của Trung Quốc với khu vực hơn là các cam kết của Mỹ [13, tr.15].
Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy rất mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị và
quân sự, nhiều đảng phái đối lập coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa,
ít nhất là về kinh tế thì Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono lại nhìn nhận sự
trỗi dậy đó là cơ hội nhiều hơn là thách thức.
Khác với Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình lại là một phong cách cứng rắn,
quyết đoán, luôn tạo sự khác biệt. Tập Cận Bình được cho là không gần gũi với
các cố vấn như những người tiền nhiệm, ông dựa nhiều vào suy nghĩ, kinh
nghiệm của bản thân để đưa ra quyết định. Nhóm cố vấn đối ngoại của Tập Cận
Bình được cho là bao gồm Lật Chiến Thư, Vương Kỳ Sơn, Lưu Hạc, Vương Hộ
Ninh và Thiếu tướng Lưu Nguyên, nhưng dư luận phương Tây đánh giá là khó
tiếp cận. Chính điều này dẫn tới nhiều quyết sách đối ngoại của Trung Quốc được
cho là táo bạo, khó đoán trước, trong đó có những quyết sách đối với Indonesia.
Về Joko Widodo, có ba yếu tố của ông góp phần thúc đẩy quan hệ Trung
Quốc - Indonesia: Thứ nhất, việc ít có kinh nghiệm ngoại giao sẽ khiến Tổng
thống Joko Widodo phụ thuộc, tham khảo nhiều hơn từ các mối quan hệ cá nhân
và để Bộ Ngoại giao có vai trò lớn hơn trong việc hoạch định chính sách đối
ngoại của đất nước. Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Joko Widodo là cựu giám
đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS – Indonesia) Rizal
Sukma, là người có cách tiếp cận cứng rắn trong các vấn đề quốc tế. Ông có
quan điểm hướng nội giống Tổng thống Joko Widodo, cho rằng thay vì ưu tiên
số một và đầu tư nhiều công sức cho ASEAN, Indonesia cần coi trọng các đối
tác có khả năng mang lại lợi ích lớn hơn và không nhất thiết phải thực hiện các
cam kết vì lợi ích của nước hay nhóm nước khác. Quan điểm như vậy sẽ khiến
27
Indonesia quan tâm nhiều hơn đến các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc.
Thứ hai, Joko Widodo ủng hộ sự đa dạng trong xã hội Indonesia, trong đó có
cộng đồng người Hoa - nhân tố quan trọng trong quan hệ Indonesia - Trung
Quốc. Cộng sự của ông cũng có những người gốc Hoa. Đảng Dân chủ Indonesia
- Đấu tranh (PDI-P) của ông cũng là Đảng có thiện cảm với người gốc Hoa. Ông
Joko Widodo cũng từng bị coi là một người ủng hộ Đạo Thiên Chúa có nguồn
gốc Trung Quốc. Thứ ba, Joko Widodo có nguồn gốc thương gia. Trước khi
tham gia chính trường, ông Joko Widodo là một người kinh doanh đồ gỗ nội
thất. Joko Widodo coi Trung Quốc là đối tác chiến lược giúp Indonesia đạt lợi
ích, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Như vậy, nguồn gốc thương nhân cũng là một
yếu tố khiến cho quan hệ Trung Quốc - Indonesia tốt hơn.
2.1.2. Cấp độ quốc gia
Trung Quốc cần thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia bởi hai
nguyên nhân chính. Thứ nhất, về kinh tế, Trung Quốc cần Indonesia để đáp ứng
nhu cầu về tài nguyên, mà đặc biệt là năng lượng và thị trường. Việc gia nhập
WTO vào tháng 12/2001 đã cho Trung Quốc những cơ hội to lớn để phát triển
kinh tế khiến kinh tế nước này thực sự “bùng nổ”. Liên tiếp các năm đầu thế kỷ
XXI, kinh tế Trung Quốc phát triển rất nóng, mức tăng trưởng kinh tế các năm
từ năm 2001 đến năm 2005 lần lượt là 8,3; 9,1; 10,0; 10,1; 11,4%; trung bình từ
năm 2006 đến năm 2010 là 11,26% [45]. Chính sự phát triển nóng của nền kinh
tế đã khiến Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về nguồn cung tài nguyên thiên nhiên
và thị trường, bao gồm cả hàng hoá và lao động.
Indonesia chính là đối tác có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế
của Trung Quốc. Về năng lượng, Trung Quốc cần than và rất thiếu dầu và khí.
Bình quân đầu người về năng lượng và tài nguyên đều thua xa mức bình quân
thế giới [4]. Từ năm 1994 đến 2004, lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc tăng tới
113%, tuy nhiên, lượng dầu dự trữ dầu lại chỉ chiếm 1,4% tổng trữ lượng thế
giới và sản lượng dầu chỉ tăng có 19% [33, tr.165]. Trong khi đó, Indonesia rất
giàu tài nguyên như trữ lượng dầu thô và khí khổng lồ, trữ lượng thiếc, đồng,
vàng, nickel, bauxtile… đều thuộc hàng đầu thế giới. Indonesia là nước sản xuất
28
dầu lớn thứ 20 trên thế giới với trữ lượng khoảng 3,6 tỉ thùng và là nước sản
xuất khí đứng thứ 11 trên thế giới và thứ 2 ở khu vực Châu Á - Thái Bình
Dương [26, tr.6].
Với nền dân số lớn thứ tư thế giới, (năm 2005 là hơn 226 triệu người, năm
2015 là hơn 254 triệu người [45], Indonesia trở thành thị trường rất tiềm năng
mà Trung Quốc nhắm tới. Đây là không chỉ là thị trường để tiêu thụ lượng hàng
hoá khổng lồ mà Trung Quốc xuất khẩu sang, mà còn là nguồn nhân lực dồi dào
vì tỉ lệ người trong độ tuổi lao động trong cơ cấu dân số Indonesia là rất lớn.
Thứ hai, về an ninh - chính trị, Indonesia có vị trí địa chiến lược đặc biệt
quan trọng đối với Trung Quốc. Với vị trí địa chiến lược quan trọng của
Indonesia (cửa ngõ vào Ấn Độ Dương, Biển Đông và Thái Bình Dương), nếu có
được ảnh hưởng với Indonesia, Trung Quốc sẽ giữ vững được an ninh ở khu vực
eo biển Malắcca, nơi dòng dầu nhập khẩu từ Trung Đông và châu Phi đến Trung
Quốc đi qua cũng như tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở khu vực.
Trong chiến lược “con đường tơ lụa trên biển”, Indonesia cũng là một mắt xích
quan trọng mà Trung Quốc cần chinh phục. Dựa trên lý thuyết địa chính trị về
sức mạnh biển của Mahan: “các quốc gia có xu hướng tìm kiếm và xây dựng
đòn bốt dọc đường đi”, trong chiến lược Trung Quốc vươn ra toàn cầu để trở
thành cường quốc biển, Trung Quốc cần Indonesia để tiếp cận nguồn tài nguyên
và thị trường lớn ở nước ngoài.
Indonesia cũng có nhu cầu phải thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với
Trung Quốc. Nguyên nhân chính là về kinh tế, Indonesia cần Trung Quốc cung
cấp, đầu tư cấp vốn, công nghệ, hàng hóa, thị trường… Đặc biệt, Trung Quốc có
khả năng hỗ trợ Indonesia trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy,
Indonesia đã có bước chuyển trong chính sách đối ngoại đối với Trung Quốc,
ngày càng thân thiện hơn.
Nếu như trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc dưới thời Tổng thống
Suharto, Indonesia chủ trương vừa tích cực hợp tác, vừa đấu tranh hạn chế sức
mạnh của Trung Quốc thì các đời Tổng thống sau là Wahid và Megawati đã dần
dần thay đổi sang chính sách thân Trung Quốc hơn. Năm 2004, Tổng thống
Tải bản FULL (77 trang): https://bit.ly/3f3Ms6G
Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net
29
Susilo Bambang Yudhoyono lên nắm quyền, thực hiện chính sách đối ngoại
“bạn bè rộng, không đối địch”, đồng thời tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chính
sách thân thiện với Trung Quốc. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Canađa,
tháng 6/2010, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã tuyên bố: “Trung
Quốc là một đối tác quan trọng và bạn tốt của Indonesia” [44].
Tháng 10/2014, Tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền, đã theo đuổi
một chính sách đối ngoại dân tộc chủ nghĩa, tập trung tìm kiếm lợi ích trong các
mối quan hệ song phương đồng thời có một số điều chỉnh theo hướng nhấn
mạnh các lợi ích thiết thực của người dân và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.
Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đặt ưu tiên cao trong việc phát triển
quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Theo đó, Indonesia tăng
cường quan hệ với Trung Quốc nhằm tận dụng nguồn vốn, công nghệ của Trung
Quốc để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong nước.
Bên cạnh các “biến số độc lập” kể trên, hai yếu tố có vai trò như “biến số
tác động” gồm (i) sự thay đổi thái độ của người dân Indonesia về Trung Quốc và
(ii) sự mở cửa về chính trị và quá trình dân chủ hóa ở Indonesia. Thực tế, bước
sang thế kỷ XXI, hầu hết người dân Indonesia không còn coi Trung Quốc là
nguy cơ đối với an ninh quốc gia và ổn định nội bộ, sự đe doạ cấu trúc khu vực
và thế giới nữa, mà là một đối tác kinh tế. Ngày càng nhiều người Indonesia coi
Trung Quốc, khi so sánh với Mỹ, là một đối tác ngày càng tích cực. Ví dụ, Bản
điều tra thái độ toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu PEW năm 2011 đã cho thấy,
tỉ lệ người dân Indonesia có quan điểm tích cực về Trung Quốc đã tăng từ 58%
năm 2010 lên 67 % năm 2011, trong khi tỉ lệ đó về Mỹ giảm từ 59% xuống
54%. 46% người dân tin rằng quan hệ Trung Quốc - Indonesia sẽ là quan hệ
quan trọng nhất trong 10 năm tới, trong khi chỉ có 23% tin rằng đó là quan hệ
Mỹ - Indonesia [34, tr.1].
Sau một thời gian tương đối bất ổn với nhiều đời tổng thống trong thời gian
ngắn, 10 năm cầm quyền của Susilo Bambang Yudhoyono đã mang đến cho
Indonesia một giai đoạn chính trị ổn định với chính sách đối ngoại nhất quán.
Chính sự mở cửa về chính trị và quá trình dân chủ hóa ở Indonesia là yếu tố giúp
quan hệ Trung Quốc - Indonesia có điều kiện tập trung, ổn định và phát triển.
Tải bản FULL (77 trang): https://bit.ly/3f3Ms6G
Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net
30
Cộng đồng người Indonesia gốc Hoa cũng là một nhân tố có vai trò rất
quan trọng, là nhiệt kế trong quan hệ Trung Quốc - Indonesia, thúc đẩy hợp tác
giữa hai nước. Cộng đồng người gốc Hoa tại Indonesia là một trong những cộng
đồng người Hoa hải ngoại lớn nhất. Người Indonesia gốc Hoa được ví như “con
ngựa thành Trojan” [8, tr.200] bên trong Indonesia bởi đây là sắc tộc thiểu số rất
có ảnh hưởng dù chỉ có khoảng 1,7 triệu người, chiếm 0,9 % dân số.
Trước đây, người Indonesia bản địa có tâm lý chống người gốc Hoa vì
cộng đồng này chỉ chiếm phần rất nhỏ dân số nhưng lại nắm giữ phần lớn tài sản
kinh tế tư nhân. Cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997 đã khiến
tâm lý chống người Hoa lên cao dẫn tới quan hệ hai nước căng thẳng. Nhưng
sau đó, Indonesia từ từ thay đổi thái độ với dân tộc Hoa.
Chính sự thay đổi trong chính sách đối với cộng đồng người Hoa đã dẫn
đến quan hệ Trung Quốc - Indonesia được thúc đẩy. Năm 2000, Tổng thống
Abdurrahman Wahid đã bỏ lệnh cấm tôn giáo và phong tục người Hoa. Năm
2002, Tổng thống Megawati Sukarnoputri đã quyết định ngày Tết cổ truyền
Trung Quốc là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia. Năm 2006,
luật pháp Indonesia cho phép người gốc Hoa có thể tranh cử tổng thống. Năm
2014, Tổng thống Yudhoyono đã thay đổi tên gọi chính thức để chỉ đất nước và
cộng đồng người Hoa tại Indonesia (thay vì “Tjina”, như cách gọi từ thời
Suharto, sau nửa thế kỷ, đã được đổi thành “Tiong Hoa”) và đã kí một sắc lệnh
để xoá bỏ sự phân biệt đối xử đối với người Indonesia gốc Hoa [38]. Đây chính
là những tín hiệu nồng ấm mà Indonesia phát ra, khiến mối quan hệ song
phương này càng trở nên gắn bó.
Từ đó, cộng đồng người Indonesia gốc Hoa cũng tham gia nhiều hơn vào
chính trị. Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)
Indonesia, có 15 người gốc Hoa đã giành được ghế trong cuộc bầu cử lập pháp
năm 2009, nhiều hơn so với con số này của năm 2004 là 13 và năm 1999 là 6
[22]. Các nhà chính trị gốc Hoa đa số đều có nguồn gốc phi chính trị, chủ yếu là
trong lĩnh vực kinh doanh và giáo dục. Do vậy, quan hệ song phương Trung
Quốc - Indonesia giai đoạn này cũng có điều kiện để thúc đẩy hợp tác kinh tế -
thương mại và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
8307716

More Related Content

More from TieuNgocLy

More from TieuNgocLy (20)

HỘI THẢO CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH CUNG ỨNG DỊCH VỤ CÔNG ÍCH TẠI CÁC ĐÔ THỊ Ở VIỆT NA...
HỘI THẢO CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH CUNG ỨNG DỊCH VỤ CÔNG ÍCH TẠI CÁC ĐÔ THỊ Ở VIỆT NA...HỘI THẢO CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH CUNG ỨNG DỊCH VỤ CÔNG ÍCH TẠI CÁC ĐÔ THỊ Ở VIỆT NA...
HỘI THẢO CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH CUNG ỨNG DỊCH VỤ CÔNG ÍCH TẠI CÁC ĐÔ THỊ Ở VIỆT NA...
 
Nghiên cứu quá trình thụ đắc từ li hợp trong tiếng Hán hiện đại của sinh viên...
Nghiên cứu quá trình thụ đắc từ li hợp trong tiếng Hán hiện đại của sinh viên...Nghiên cứu quá trình thụ đắc từ li hợp trong tiếng Hán hiện đại của sinh viên...
Nghiên cứu quá trình thụ đắc từ li hợp trong tiếng Hán hiện đại của sinh viên...
 
Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Thông Tin Vô Tuyến, Chuyển Mạch Và Thông Tin Quan...
Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Thông Tin Vô Tuyến, Chuyển Mạch Và Thông Tin Quan...Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Thông Tin Vô Tuyến, Chuyển Mạch Và Thông Tin Quan...
Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Thông Tin Vô Tuyến, Chuyển Mạch Và Thông Tin Quan...
 
HIỆP ĐỊNH THÀNH LẬP KHU VỰC THƯƠNG MẠI TỰ DO ASEAN – ÚC – NIU DILÂN (AANZFTA)...
HIỆP ĐỊNH THÀNH LẬP KHU VỰC THƯƠNG MẠI TỰ DO ASEAN – ÚC – NIU DILÂN (AANZFTA)...HIỆP ĐỊNH THÀNH LẬP KHU VỰC THƯƠNG MẠI TỰ DO ASEAN – ÚC – NIU DILÂN (AANZFTA)...
HIỆP ĐỊNH THÀNH LẬP KHU VỰC THƯƠNG MẠI TỰ DO ASEAN – ÚC – NIU DILÂN (AANZFTA)...
 
Những vấn đề pháp lý về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.pdf
Những vấn đề pháp lý về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.pdfNhững vấn đề pháp lý về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.pdf
Những vấn đề pháp lý về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.pdf
 
Pháp luật về quản lý chất thải nguy hại trong khu công nghiệp ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về quản lý chất thải nguy hại trong khu công nghiệp ở Việt Nam.pdfPháp luật về quản lý chất thải nguy hại trong khu công nghiệp ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về quản lý chất thải nguy hại trong khu công nghiệp ở Việt Nam.pdf
 
Thiết Kế Hệ Thống Cung Cấp Điện Cho Tòa Nhà Cao Tầng Có Ứng Dụng Các Phương P...
Thiết Kế Hệ Thống Cung Cấp Điện Cho Tòa Nhà Cao Tầng Có Ứng Dụng Các Phương P...Thiết Kế Hệ Thống Cung Cấp Điện Cho Tòa Nhà Cao Tầng Có Ứng Dụng Các Phương P...
Thiết Kế Hệ Thống Cung Cấp Điện Cho Tòa Nhà Cao Tầng Có Ứng Dụng Các Phương P...
 
Bài Giảng Chứng Khoán Phái Sinh.pdf
Bài Giảng Chứng Khoán Phái Sinh.pdfBài Giảng Chứng Khoán Phái Sinh.pdf
Bài Giảng Chứng Khoán Phái Sinh.pdf
 
Hội Thảo, Tập Huấn, Rút Kinh Nghiệm Dạy Học Theo Mô Hình Trường Học Mới Việt ...
Hội Thảo, Tập Huấn, Rút Kinh Nghiệm Dạy Học Theo Mô Hình Trường Học Mới Việt ...Hội Thảo, Tập Huấn, Rút Kinh Nghiệm Dạy Học Theo Mô Hình Trường Học Mới Việt ...
Hội Thảo, Tập Huấn, Rút Kinh Nghiệm Dạy Học Theo Mô Hình Trường Học Mới Việt ...
 
Intangible Values in Financial Accounting and Reporting An Analysis from the ...
Intangible Values in Financial Accounting and Reporting An Analysis from the ...Intangible Values in Financial Accounting and Reporting An Analysis from the ...
Intangible Values in Financial Accounting and Reporting An Analysis from the ...
 
Bài Giảng Các Phương Pháp Dạy Học Hiện Đại.pdf
Bài Giảng Các Phương Pháp Dạy Học Hiện Đại.pdfBài Giảng Các Phương Pháp Dạy Học Hiện Đại.pdf
Bài Giảng Các Phương Pháp Dạy Học Hiện Đại.pdf
 
Những Kiến Thức Cơ Bản Của Tâm Lý Học Lứa Tuổi Và Tâm Lý Học Sư Phạm.pdf
Những Kiến Thức Cơ Bản Của Tâm Lý Học Lứa Tuổi Và Tâm Lý Học Sư Phạm.pdfNhững Kiến Thức Cơ Bản Của Tâm Lý Học Lứa Tuổi Và Tâm Lý Học Sư Phạm.pdf
Những Kiến Thức Cơ Bản Của Tâm Lý Học Lứa Tuổi Và Tâm Lý Học Sư Phạm.pdf
 
BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN 5S TẠI BỆNH VIỆN ĐK HOÀN MỸ SÀI GÒN.pdf
BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN 5S TẠI BỆNH VIỆN ĐK HOÀN MỸ SÀI GÒN.pdfBÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN 5S TẠI BỆNH VIỆN ĐK HOÀN MỸ SÀI GÒN.pdf
BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN 5S TẠI BỆNH VIỆN ĐK HOÀN MỸ SÀI GÒN.pdf
 
Một số biện pháp rèn kĩ năng đọc hiểu theo định hướng phát triển năng lực cho...
Một số biện pháp rèn kĩ năng đọc hiểu theo định hướng phát triển năng lực cho...Một số biện pháp rèn kĩ năng đọc hiểu theo định hướng phát triển năng lực cho...
Một số biện pháp rèn kĩ năng đọc hiểu theo định hướng phát triển năng lực cho...
 
Đàm Phán Quốc Tế Về Biến Đổi Khí Hậu.pdf
Đàm Phán Quốc Tế Về Biến Đổi Khí Hậu.pdfĐàm Phán Quốc Tế Về Biến Đổi Khí Hậu.pdf
Đàm Phán Quốc Tế Về Biến Đổi Khí Hậu.pdf
 
Nâng Cao Chất Lượng Hướng Dẫn Sinh Viên Viết Luận Văn Khoa Học.pdf
Nâng Cao Chất Lượng Hướng Dẫn Sinh Viên Viết Luận Văn Khoa Học.pdfNâng Cao Chất Lượng Hướng Dẫn Sinh Viên Viết Luận Văn Khoa Học.pdf
Nâng Cao Chất Lượng Hướng Dẫn Sinh Viên Viết Luận Văn Khoa Học.pdf
 
QUÂN LÝ DI SÂN VĂN HỐ LÀNG CỦA NGƯỜI MƯỜNG TỈNH HỊA BÌNH VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊ...
QUÂN LÝ DI SÂN VĂN HỐ LÀNG CỦA NGƯỜI MƯỜNG TỈNH HỊA BÌNH VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊ...QUÂN LÝ DI SÂN VĂN HỐ LÀNG CỦA NGƯỜI MƯỜNG TỈNH HỊA BÌNH VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊ...
QUÂN LÝ DI SÂN VĂN HỐ LÀNG CỦA NGƯỜI MƯỜNG TỈNH HỊA BÌNH VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊ...
 
TÌM HIỂU CÁC PHƯƠNG PHÁP KIỂM THỬ PHẦN MỀM VÀ ỨNG DỤNG CÔNG CỤ KIỂM TRA TỰ ĐỘ...
TÌM HIỂU CÁC PHƯƠNG PHÁP KIỂM THỬ PHẦN MỀM VÀ ỨNG DỤNG CÔNG CỤ KIỂM TRA TỰ ĐỘ...TÌM HIỂU CÁC PHƯƠNG PHÁP KIỂM THỬ PHẦN MỀM VÀ ỨNG DỤNG CÔNG CỤ KIỂM TRA TỰ ĐỘ...
TÌM HIỂU CÁC PHƯƠNG PHÁP KIỂM THỬ PHẦN MỀM VÀ ỨNG DỤNG CÔNG CỤ KIỂM TRA TỰ ĐỘ...
 
Ứng dụng công nghệ blockchain trong việc quản lý chứng chỉ đào tạo.pdf
Ứng dụng công nghệ blockchain trong việc quản lý chứng chỉ đào tạo.pdfỨng dụng công nghệ blockchain trong việc quản lý chứng chỉ đào tạo.pdf
Ứng dụng công nghệ blockchain trong việc quản lý chứng chỉ đào tạo.pdf
 
[123doc] - tiep-can-chan-doan-va-dieu-tri-benh-gut-o-nguoi-tang-huyet-ap-tai-...
[123doc] - tiep-can-chan-doan-va-dieu-tri-benh-gut-o-nguoi-tang-huyet-ap-tai-...[123doc] - tiep-can-chan-doan-va-dieu-tri-benh-gut-o-nguoi-tang-huyet-ap-tai-...
[123doc] - tiep-can-chan-doan-va-dieu-tri-benh-gut-o-nguoi-tang-huyet-ap-tai-...
 

QUAN HỆ TRUNG QUỐC - INDONESIA VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (2005-2015).pdf

  • 1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN PHÙNG THỊ KIM NGÂN QUAN HỆ TRUNG QUỐC - INDONESIA VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (2005-2015) LUẬN VĂN THẠC SĨ QUỐC TẾ HỌC Hà Nội, 2016
  • 2. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN PHÙNG THỊ KIM NGÂN QUAN HỆ TRUNG QUỐC - INDONESIA VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (2005-2015) Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Quan hệ quốc tế Mã số: 60 31 0206 Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Mạnh Cƣờng Hà Nội, 2016
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi và đƣợc sự hƣớng dẫn khoa học của TS. Nguyễn Mạnh Cƣờng. Các nội dung nghiên cứu, kết quả trong đề tài này là trung thực và chƣa công bố dƣới bất kỳ hình thức nào trƣớc đây. Những số liệu phục vụ cho việc phân tích, nhận xét, đánh giá đƣợc chính tác giả thu thập từ các nguồn khác nhau có ghi rõ trong phần tài liệu tham khảo. Ngoài ra, trong luận văn còn sử dụng một số nhận xét, đánh giá cũng nhƣ số liệu của các tác giả khác, cơ quan tổ chức khác đều có trích dẫn và chú thích nguồn gốc. Nếu phát hiện có bất kỳ sự gian lận nào, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung luận văn của mình.
  • 4. LỜI CÁM ƠN Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến TS. Nguyễn Mạnh Cường - người thầy đã không chỉ tận tình hướng dẫn tôi phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế và gợi mở nhiều ý tưởng hay để tôi hoàn thành luận văn, mà hơn hết, còn truyền cho tôi cảm hứng say mê trên con đường nghiên cứu khoa học lâu dài. Tôi cũng xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đặc biệt là PGS.TS. Hoàng Khắc Nam, Trưởng Khoa và cũng chính là người trực tiếp truyền thụ phương pháp, kiến thức và kĩ năng nghiên cứu quan hệ quốc tế cho chúng tôi, cùng tất cả các thầy, cô đã giảng dạy khoá Cao học của chúng tôi trong tất cả các môn học. Tôi cũng chân thành cám ơn ThS. Ngô Tuấn Thắng cũng như các đơn vị, cá nhân liên quan trong và ngoài Nhà trường đã tạo điều kiện để tôi hoàn thành chương trình học tập này. Cuối cùng, tôi xin cám ơn Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… đã luôn bên cạnh, ủng hộ, động viên, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian học tập vừa qua. Luận văn này là sản phẩm của quá trình tập dượt nghiên cứu, tuy tôi đã dành tâm huyết nhưng còn thiếu kinh nghiệm nên không tránh khỏi hạn chế. Rất mong nhận được những đóng góp quý báu của các thầy cô và những ai quan tâm đến chủ đề này để tôi có cơ hội được học hỏi, hoàn thiện mình. Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2016 Học viên Phùng Thị Kim Ngân
  • 5. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT ACFTA ASEAN - China Free Trade Agreement Hiệp định tự do thƣơng mại ASEAN - Trung Quốc ARF ASEAN Regional Forum Diễn đàn khu vực ASEAN ASEAN The Association of Southeast Asian Nations Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á CSIS Center for Strategic and International Studies Trung tâm Nghiên cứu chiến lƣợc quốc tế EU The European Union Liên minh Châu Âu FDI Foreign Direct Investment Đầu tƣ trực tiếp nƣớc ngoài GDP Gross Domestic Product Tổng sản phẩm quốc nội ODA Official Development Assistance Viện trợ phát triển chính thức WTO The World Trade Organisation Tổ chức Thƣơng mại thế giới
  • 6. DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU BẢNG 2.1. KIM NGẠCH THƢƠNG MẠI HAI CHIỀU TRUNG QUỐC - INDONESIA GIAI ĐOẠN 2005 - 2015............................................................... 35 BẢNG 3.1. KIM NGẠCH THƢƠNG MẠI HAI CHIỀU VIỆT NAM - INDONESIA GIAI ĐOẠN 2008 - 2014............................................................... 61
  • 7. 1 MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN LỜI CÁM ƠN DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU MỤC LỤC............................................................................................................ 1 MỞ ĐẦU .............................................................................................................. 3 CHƢƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƢỢC.......................................................................... 13 1.1. Một số vấn đề lý luận về quan hệ đối tác chiến lược...........................................13 1.2. Thực tiễn các quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới.........................................16 1.3. Một số đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới những năm đầu thế kỷ XXI............................................................................................................................20 Tiểu kết chƣơng 1 .............................................................................................. 23 CHƢƠNG 2 QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƢỢC TRUNG QUỐC - INDONESIA (2005 - 2015)............................................................................... 24 2.1. Các yếu tố tác động đến quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia (2005 - 2015)..................................................................................................................24 2.1.1. Cấp độ cá nhân ................................................................................... 24 2.1.2. Cấp độ quốc gia.................................................................................. 27 2.1.3. Cấp độ quốc tế .................................................................................... 31 2.2. Thực trạng quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia (2005 - 2015).32 2.2.1. Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao.................................................... 32 2.2.2. Trên lĩnh vực kinh tế - thƣơng mại ..................................................... 34 2.2.3. Trên lĩnh vực an ninh - quân sự.......................................................... 38 2.2.4. Trên lĩnh vực văn hoá - giáo dục - khoa học công nghệ .................... 40 2.3. Một số nhận xét về quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước..................................................................................................................42 Tiểu kết chƣơng 2.............................................................................................. 45
  • 8. 2 CHƢƠNG 3 TÁC ĐỘNG CỦA QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƢỢC TRUNG QUỐC - INDONESIA ĐẾN KHU VỰC ĐÔNG NAM Á.............. 46 3.1. Tác động đến cục diện khu vực Đông Nam Á.....................................................46 3.2. Tác động đến quan hệ ASEAN - Trung Quốc.....................................................53 3.3. Tác động đến chính sách đối ngoại của Indonesia...............................................56 Tiểu kết chƣơng 3.............................................................................................. 62 KẾT LUẬN ........................................................................................................ 63 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO......................................................... 65 PHỤ LỤC........................................................................................................... 71
  • 9. 3 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, tình hình thế giới có nhiều diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Cục diện địa chính trị, địa kinh tế thế giới đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ với sự nổi lên của các quốc gia châu Á. Nhằm làm rõ thêm tình hình và xu thế vận động của quan hệ quốc tế đương đại, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác giả lựa chọn đề tài “Quan hệ Trung Quốc - Indonesia và tác động đến khu vực Đông Nam Á (2005-2015)”, dựa trên các lý do sau: Thứ nhất, quan hệ giữa Trung Quốc - Indonesia là một trong những mối quan hệ quan trọng của thế giới và khu vực. Trung Quốc và Indonesia là hai nước đang phát triển đầy tiềm năng, có vai trò địa chính trị lớn và đang lên trong cục diện kinh tế - chính trị thế giới. Trung Quốc, với sự trỗi dậy về kinh tế, quân sự, gia tăng sức mạnh mềm, từ một cường quốc khu vực, đang vươn lên trở thành cường quốc thế giới, thách thức vai trò số một của Mỹ. Indonesia - quốc gia có dân số lớn thứ tư, diện tích thứ 13 thế giới và là nước lớn nhất ở Đông Nam Á - hoàn toàn có tiềm năng để gia tăng ảnh hưởng ở khu vực và trên thế giới. Bước vào thế kỷ XXI, Indonesia đang có những bước phát triển nhanh chóng và ngày càng chứng tỏ vai trò của mình trong khu vực Đông Nam Á. Xu hướng triển khai chính sách đối ngoại của nước này có ảnh hưởng đáng kể đến khu vực và quốc tế. Châu Á, trong đó có khu vực Đông Nam Á, đang trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược rất gay gắt của các nước lớn. Tất cả các quan hệ liên quan đến khu vực này đều có xu hướng phản ánh những xu thế biến động rất điển hình của quan hệ quốc tế đương đại. Quan hệ giữa Trung Quốc với Indonesia cũng thể hiện sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á trong nỗ lực cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực này. Do vậy, quan hệ Trung Quốc - Indonesia là một nhân tố quan trọng đối với cục diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
  • 10. 4 Thứ hai, quan hệ Trung Quốc - Indonesia đang có những diễn biến phức tạp, có ảnh hƣởng, tác động đến khu vực Đông Nam Á, cần đƣợc làm rõ. Bản thân hai nước này vẫn đang trong quá trình nổi lên để khẳng định sức mạnh, vị thế trên trường quốc tế. Trong quá trình chiến lược đó, chắc chắn cả hai bên đều nỗ lực phát triển, đổi mới, thử nghiệm trên mọi bình diện, lĩnh vực, cả đối nội và đối ngoại để tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trên bình diện đối ngoại, cả hai bên sẽ có nhiều chính sách và hành động mới, để thực hiện lợi ích quốc gia của mình. Do đó, đây sẽ là một cặp quan hệ có tính chất phức tạp, biến động nhanh chóng cần được nghiên cứu sâu sắc. Thứ ba, cặp quan hệ này rất quan trọng đối với môi trƣờng an ninh – chiến lƣợc của Việt Nam. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc - Indonesia còn chƣa đầy đủ và cập nhật. Đại hội XII chỉ rõ phương hướng đối ngoại của Việt Nam là: “Chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, đối tác quan trọng. Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh” [1, tr.154]. Để thực hiện đường lối đó, Việt Nam không thể không tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu và dự báo về môi trường quốc tế, trong đó có các mối quan hệ chủ chốt, những xu thế, diễn biến mới của đời sống quốc tế và khu vực, từ đó thực sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đón đầu những thuận lợi và hạn chế bớt rủi ro của quá trình hội nhập. Rõ ràng, Trung Quốc và Indonesia đều là những đối tác được xác định ưu tiên trong đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam, vì vậy, việc nghiên cứu quan hệ giữa hai nước này là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN đang nổi lên vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, thì việc xem xét mối quan hệ của Trung Quốc với Indonesia, nước được cho là có vai trò quan trọng hàng đầu trong ASEAN, là mối quan tâm đối với các nước trong và ngoài khu vực, trong đó có Việt Nam. Từ các lý do trên, tác giả lựa chọn “Quan hệ Trung Quốc - Indonesia và tác động tới khu vực Đông Nam Á (2005-2015)” làm đề tài luận văn thạc sỹ
  • 11. 5 của mình. Đề tài sẽ trả lời câu hỏi nghiên cứu: Quan hệ đối tác chiến lƣợc mà hai nƣớc thiết lập đƣợc triển khai nhƣ thế nào trong 10 năm qua và tác động nhƣ thế nào đến khu vực Đông Nam Á?. 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu Ở Việt Nam, quan hệ Trung Quốc - Indonesia là vấn đề còn rất mới mẻ, hầu như chưa có một công trình nào tiếp cận vấn đề này. Thậm chí, trong khi các nghiên cứu về Trung Quốc rất phong phú, thì các công trình nghiên cứu về Indonesia được công bố lại không nhiều. Các công trình nghiên cứu dạng sách chủ yếu mới chỉ nghiên cứu các mối quan hệ giữa Trung Quốc với các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… hay ASEAN nói chung, còn liên quan tới Indonesia thì hầu hết là các tác phẩm giới thiệu những nét chính về địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội Indonesia và vai trò của nước này trong ASEAN. Như vậy, về sách đã xuất bản, có thể nói chưa có một cuốn nào ở Việt Nam có nội dung về quan hệ Trung Quốc - Indonesia. Hiện mới chỉ có luận văn thạc sỹ quan hệ quốc tế “Quan hệ Trung Quốc - Indonesia từ năm 1990 đến 2014” của tác giả Trần Quốc Khánh, Học viện Ngoại giao hoàn thành tháng 7 năm 2015, về chủ đề này. Luận văn đã đánh giá quan hệ Trung Quốc - Indonesia từ năm 1990 đến năm 2014 qua hai giai đoạn phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại và các lĩnh vực khác, trong đó giai đoạn 1990 - 2004 là giai đoạn khôi phục, hàn gắn quan hệ, giai đoạn 2005 - 2014 là một nấc thang mới của mối quan hệ với việc hai nước nâng cấp lên khuôn khổ đối tác chiến lược. Luận văn này đã khẳng định: (i) Trong hơn hai mươi năm xây dựng và phát triển, quan hệ Trung Quốc - Indonesia đã phát triển với tốc độ nhanh, các lĩnh vực hợp tác ngày càng được mở rộng, tính chất “chiến lược” ngày càng được tăng cường; và (ii) Quan hệ này luôn tồn tại song song tính hợp tác và tính cạnh tranh, song nhìn chung mặt hợp tác là nổi trội và được hai nước đề cao, vun đắp. Luận văn cũng đã đưa ra dự báo triển vọng quan hệ này trong thời gian tới sẽ tiếp tục được thúc đẩy, tăng cường và phát triển theo hướng làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược, hướng tới hoàn thiện khung quan hệ đối tác chiến lược toàn diện tuy không nhanh chóng và dễ dàng khi quan hệ hai nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, mà nổi lên trong đó là sự can thiệp của các nước lớn và thiếu niềm tin sâu sắc giữa hai bên.
  • 12. 6 Ở nước ngoài, quan hệ Trung Quốc - Indonesia là đề tài được nhiều học giả quan tâm. Về quan hệ chính trị - ngoại giao, có thể kể đến một số công trình gần đây như: Indonesia and China: The Politics of a troubled relationship của Rizal Sukma (1999); Chinese policy toward Indonesia 1949-1967 của David Mozingo (2007); “Indonesian response to the rise of China: Growing comfort amid uncertainties” của Rizal Sukma (2009); Torn between Amercian and China: Elite perception and Indonesian foreign policy của Daniel Novotry, Pasir Panjang (2010); “Indonesia-China relations: Challenges and Opportunities” của Rahul Mishra and IrfaPuspita Sari (2010); China and the shaping of Indonesia, 1949-1965 của Hong Liu (2011); “Variations on a theme: Dimension Ambivalence in Indonesia-China ties” của Evan A. Laksmana (2011); Indonesia, ASEAN, and the Rise of China: Indonesia in the Midst East’s Asia Dynamics in the Post-Crisis Global World của SyamsulHadi (2012), “Indonesia- China's Diplomatic Relations after Normalization in 1990” của Ahmad Syaifuddin Ruhri (2015)… Trong cuốn Indonesia and China: The Politics of a troubled relationship (nhà xuất bản Routledge, London, 1999), học giả Rizal Sukma, Tiến sĩ, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Indonesia, kiêm cố vấn đối ngoại của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, đã phân tích các nguyên nhân dẫn đến việc hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1967 và sau đó quyết định bình thường hoá năm 1990 là do những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Indonesia, bản chất của chế độ chính trị Trật tự Mới và vai trò của Tổng thống Suharto. Theo tác giả, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước là một phần trong nỗ lực của Indonesia nhằm duy trì tính hợp pháp chính trị của Chính phủ quân sự Trật tự Mới và để chống lại nguy cơ cộng sản. Lý do hai nước nối lại quan hệ được cho là do những thay đổi trong vai trò chính trị của quân đội và những mục tiêu mới của Tổng thống Suharto [39]. Trong cuốn Chinese policy toward Indonesia 1949-1967 (nhà xuất bản Equinox, Sheffield, Vương quốc Anh, 2007), Giáo sư David Mozingo đã phân tích sự cạnh tranh của các thế lực có khả năng định hình chính sách đối ngoại
  • 13. 7 của Trung Quốc đối với Indonesia và các yếu tố dẫn đến sự tan vỡ của quan hệ ngoại giao hai nước. Tác giả đã lý giải tại sao hai nước đã từng chuyển từ thù địch sang hoà bình và rồi lại chuyển sang thù địch. Đáng chú ý, tác giả cho rằng yếu tố quyết định quan hệ ngoại giao hai nước lại là diễn biến chính trị của Indonesia, điều mà Trung Quốc không thể hoặc chỉ kiểm soát được rất ít [29]. Trong nghiên cứu “Indonesian response to the rise of China: Growing comfort amid uncertainties”, chương 5 của cuốn sách The rise of China: responses of Southeast Asia and Japan (Nhà xuất bản The National Institute for defense studies, Tokyo, Nhật Bản, 2009) cũng của Rizal Sukma, tác giả đã tóm lược tổng quan về quan hệ Trung Quốc - Indonesia, phân tích chính sách đối ngoại của Indonesia đối với Trung Quốc sau năm 1998 và đưa ra ba yếu tố tác động tới quan hệ Trung Quốc - Indonesia trong tương lai, đó là: (i) nhận thức xã hội về cộng đồng người Hoa tại Indonesia, (ii) nhận thức của giới tinh hoa Indonesia về vai trò của Trung Quốc tại Đông Á; và (iii) cách Trung Quốc giải quyết các bất đồng với Indonesia. Trong cuốn Torn between Amercian and China: Elite perception and Indonesian foreign policy (Nhà xuất bản: Institute of Southeast Asian Study, Singapore, 2010), các tác giả đã làm nổi bật nhận thức của giới lãnh đạo Indonesia về sự cần thiết phải giữ vững sự cân bằng quyền lực giữa các chủ thể nhà nước khác nhau trong hệ thống toàn cầu, mà đặc biệt là sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Giới lãnh đạo Indonesia coi Trung Quốc như một thách thức mơ hồ, tuy nhiên, nhận thức này đang ngày càng tích cực hơn, và sự nổi lên của Trung Quốc được coi vừa là cơ hội, vừa là thách thức [34]. Trong nghiên cứu “Indonesia-China relations: Challenges and Opportunities” (IDSA Brief, ngày 22/10/2010, Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ) của Rahul Mishra và Irfa Puspita Sari, các tác giả đã đánh giá lại 60 năm thăng trầm của hai nước, trong đó chỉ ra sự thiếu hụt niềm tin là một trong những nhân tố dẫn đến những giai đoạn quan hệ song phương không được tốt đẹp. Tuy nhiên, 10 năm gần đây, tình hình đã được cải thiện hơn nhiều. Ở cấp độ khu vực, quan hệ Trung Quốc - Indonesia được định hình bởi quan hệ Trung Quốc - ASEAN [27].
  • 14. 8 Trong cuốn China and the shaping of Indonesia, 1949-1965, (nhà xuất bản NUS Press Pte Ltd, Singapore, 2011), tác giả Hong Liu đã chỉ ra sự giao thoa về mặt nhận thức, sức mạnh, chủng tộc và ngoại giao trong thời kỳ quan hệ hai nước ổn định từ năm 1949 đến 1965. Điều đó thể hiện sự gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc trong phạm vi châu Á [25]. Trong nghiên cứu “Variations on a theme: Dimension Ambivalence in Indonesia-China ties” của Evan A. Laksmana (Havard Asia Quarterly, Spring, Vol.XIII, No.1, 2011), tác giả đã đưa ra bốn yếu tố trong nước dẫn đến quyết định bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc của Suharto, đó là: (i) sự thay đổi trong thể chế đất nước cần ổn định chính trị để phát triển kinh tế; (ii) sự thay đổi trong cơ cấu lợi ích giữa các ngành kinh tế, đặc biệt khi giá dầu giảm khiến Indonesia phải tập trung nhiều hơn vào công nghiệp và chế tạo, hướng đến thị trường lớn Trung Quốc; (iii) sự thay đổi trong tương quan sức mạnh nội bộ, khi mà vai trò chính trị của Suharto đã giúp ông có khả năng xử lý các nhóm chống đối Trung Quốc trong quân đội; và (iv) khát vọng vươn lên thành cường quốc toàn cầu của Indonesia đặt ra yêu cầu phải bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc [23, tr.24-31]. Trong nghiên cứu “Indonesia, ASEAN, and the Rise of China: Indonesia in the Midst East’s Asia Dynamics in the Post-Crisis Global World” của SyamsulHadi (International Journal of China Studies, Vol. 3, No. 2 (2012) p. 151-166, 2012), tác giả đã chỉ ra chiến lược tăng cường hoà bình ở khu vực của Trung Quốc có khả năng tác động đến quan hệ song phương Trung Quốc – Indonesia thời kỳ hậu Suharto. Nghiên cứu chỉ ra triển vọng tươi đẹp của mối quan hệ này sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược và những cơ hội của Indonesia khi có Trung Quốc để giải quyết những vấn đề về thị trường và tài chính [18]. Trong tham luận “Indonesia-China's Diplomatic Relations after Normalization in 1990” của Ahmad Syaifuddin Ruhri (2015), Đại học Nanchang, Trung Quốc, tại Hội thảo quốc tế “Giao thoa Tôn giáo, khoa học, văn hoá, kinh tế giữa Tam giác vàng Indonesia - Ấn Độ - Trung Quốc” tổ chức tháng
  • 15. 9 8/2015 tại Đại học Wahid Hasyim, Semarang, Indonesia, trình bày tổng quan quan hệ Trung Quốc - Indonesia từ khi bình thường hoá, trong đó nhấn mạnh 10 năm qua là giai đoạn quan hệ hai nước ở trong điều kiện tốt nhất từng có, tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, mối quan hệ này còn có nhiều thách thức. Có ít nhất bốn thách thức, đó là: (i) thâm hụt thương mại từ năm 2009; (ii) quan hệ ngoại giao nhân dân; (iii) tình trạng ít du học sinh Trung Quốc tới Indonesia; và (iv) tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN [36]. Về quan hệ kinh tế giữa hai nƣớc, có thể kể đến một số nghiên cứu như: “Indonesia - China economic relations: an Indonesian perspective” của Raymond Atje và Arya B. Gaduh (1999), “Forging closer Sino-Indonesia Economic relations and policy suggestions” của Wu Chongbo (2011), “China’s economic relations with Indonesia: Threats and opportunities” của Anne Booth (2011), “The Rise of China Economic Power: China's Growing Economic Importance of Indonesia” của Martina A. Purba (2012), “China-Indonesia economic relations: Challenges and prospects” của Zhao Hong (2013), “The political-economy of ASEAN-China FTA: an Indonesian perspective” của Ignatius Ismanto và Indra Krishnamurti (2014)… Trong nghiên cứu “Indonesia - China economic relations: an Indonesian perspective” của Raymond Atje và Arya B. Gaduh (CSIS working paper series, Indonesia, 1999), các tác giả đã khẳng định chính sự gia nhập WTO của Trung Quốc và sự hình thành liên kết ASEAN+3 là các nhân tố thúc đẩy sự tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước. Indonesia ủng hộ sự tham gia của Trung Quốc trong WTO. Trong nghiên cứu “Forging closer Sino-Indonesia Economic relations and policy suggestions”, (Ritsumeikan International Affairs, Vol.10, 2011), Wu Chongbo, Giáo sư, chuyên gia Đông Nam Á của Đại học Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc đang trở thành một đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Indonesia. Nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân chính đẩy nhanh hợp tác kinh tế hai nước bao gồm nguồn vốn mạnh của Trung Quốc; nhu cầu năng lượng để đáp ứng dân số khổng lồ và nền kinh tế phát triển nóng
  • 16. 10 của Trung Quốc; tiềm năng và vị thế của Indonesia, lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường rộng lớn của Indonesia; sự chào đón nguồn đầu tư từ Trung Quốc của Indonesia; vai trò cầu nối của cộng đồng người Hoa tại Indonesia; tác động của Hiệp định tự do thương mại Trung Quốc - ASEAN (ACFTA). Học giả cũng dự báo, trong vài năm tới, đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia còn tiếp tục tăng và đưa ra khuyến nghị chính sách kinh tế đối với Indonesia, rằng nên mời các nhà đầu tư Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực như điện, nông nghiệp, thực phẩm, hạ tầng và thương mại [11]. Trong bài nghiên cứu “China’s economic relations with Indonesia: Threats and opportunities” (Journal current of Southeast Asia Affairs, Vol.30, No.2, Germany, 2011), tác giả Anne Booth đã chỉ ra mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước tăng nhanh đáng kể từ năm 2000, xuất khẩu của Indonesia vào Trung Quốc lại chủ yếu là sản phẩm thô, trong khi nhập từ Trung Quốc hầu hết là hàng chế tạo. Tác giả đưa ra các lợi thế so sánh ngắn hạn của hai nền kinh tế, nhưng chủ yếu là chỉ ra một số vấn đề liên quan đến Indonesia [10]. Trong bài nghiên cứu “The Rise of China Economic Power: China Growing Importance to Indonesian Economy” (International Political Economy and Development (IPED), Indonesia, 2012), tác giả Martina A. Purba đã kết luận, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đem lại lợi ích cho kinh tế Indonesia, là biểu hiện của tinh thần cùng thắng [35]. Trong bài nghiên cứu “China-Indonesia Economic Relations: Challenges and Prospects”, (ISEAS perspective, Vol.42, Singapore, 2013), tác giả Zhao Hong đã chỉ ra, những thay đổi sau năm 1998 của Indonesia đối với chính sách “láng giềng thân thiện” và “ngoại giao quyến rũ” dành cho các nước Đông Nam Á của Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc – Indonesia đã có những bước tiến đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, trong khi quan hệ kinh tế vẫn đang phát triển, thì hợp tác chiến lược giữa hai nước khá chậm chạp [19]. Trong nghiên cứu “The political-economy of ASEAN-China FTA: an Indonesian perspective” của Ignatius Ismanto và Indra Krishnamurti (SECO/WTI Academic Cooperation Project Working Paper Series, Indonesia,
  • 17. 11 2014), các tác giả cho rằng ACFTA là một hiện tượng thú vị gắn liền với các diễn biến kinh tế - chính trị ở khu vực Đông Á và Indonesia đã phải chịu một số tổn thất nhất định vì sự ủng hộ ACFTA [20]. Tựu chung lại, các nghiên cứu trong và ngoài nước về chủ đề này còn thiếu các công trình cập nhật về quan hệ Trung Quốc - Indonesia trong giai đoạn thiên niên kỷ mới. Các nghiên cứu đa phần tập trung vào lĩnh vực chính trị, ngoại giao và quan hệ kinh tế, thương mại, còn thiếu các nghiên cứu đánh giá quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực như văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, an ninh, quân sự... Chưa có công trình nào nghiên cứu về khung hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước và chưa chỉ rõ được tác động của quan hệ này tới khu vực. 3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là đánh giá mức độ quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia trong giai đoạn 2005-2015, cũng như tác động của nó đến khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu nêu trên, luận văn sẽ triển khai các nhiệm vụ sau: (i) Phân tích các yếu tố tác động đến quan hệ Trung Quốc - Indonesia; (ii) Đánh giá thực trạng quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia trên một số lĩnh vực cụ thể; (iii) Đánh giá các tác động của quan hệ này tới khu vực Đông Nam Á. 4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tƣợng nghiên cứu: Quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc - Indonesia và tác động đến khu vực Đông Nam Á. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Về thời gian, luận văn tập trung vào giai đoạn từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược 2005 đến hết năm 2015. Về không gian, luận văn tập trung vào các lĩnh vực chính trong quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia gồm chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, an ninh - quân sự và văn hoá - giáo dục - khoa học công nghệ trong phạm vi quan hệ song phương và tại các diễn đàn đa phương ở khu vực. Trong phần phân tích tác động của quan hệ đối tác chiến lược này đến khu vực, tác giả chỉ đi vào nghiên cứu tác động trong khuôn khổ khu vực nói chung, bao gồm tác động tới cục diện khu vực, tới quan hệ ASEAN - Trung Quốc và tới chính sách
  • 18. 12 đối ngoại của Indonesia, không đề cập tác động tới Việt Nam trong phạm vi nghiên cứu này. 5. Phƣơng pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế chủ yếu như tổng hợp, phân tích tình huống, so sánh, trên cơ sở phương pháp tiếp cận duy vật biện chứng, các khuôn khổ lý luận về quan hệ quốc tế phổ biến đương đại. 6. Những đóng góp của đề tài Về mặt học thuật, đề tài sẽ có đóng góp qua các nhận định, đánh giá mới, cập nhật về quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia. Về mặt thực tiễn, đề tài gợi mở và có thể cung cấp những thông tin, kiến nghị, hàm ý chính sách đối ngoại cho Việt Nam, đặc biệt là trong khuôn khổ chính sách khu vực Đông Nam Á, đến quan hệ giữa Việt Nam với ASEAN, với Indonesia, với Trung Quốc... 7. Kết cấu Luận văn gồm 3 chương: Chƣơng 1: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quan hệ đối tác chiến lƣợc: trình bày khái niệm, đặc điểm và quan niệm của một số lý thuyết quan hệ quốc tế chủ yếu về khuôn khổ quan hệ “đối tác chiến lược”; phân loại một số dạng quan hệ đối tác chiến lược phổ biến trong thực tiễn quan hệ quốc tế đương đại; và tóm lược một số đặc điểm của sự phát triển hình thức quan hệ đối tác chiến lược trên thế giới trong những năm đầu thế kỷ XXI. Chƣơng 2: Quan hệ đối tác chiến lƣợc Trung Quốc - Indonesia (2005 – 2015): phân tích làm rõ các yếu tố tác động quan hệ Trung Quốc - Indonesia trên các cấp độ; đánh giá thực trạng quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia giai đoạn 2005-2015 trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, an ninh - quân sự và văn hóa - giáo dục - khoa học công nghệ; và đưa ra một số nhận xét, đánh giá về thực chất quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – Indonesia (2005-2015). Chƣơng 3: Tác động của quan hệ đối tác chiến lƣợc Trung Quốc - Indonesia đến khu vực Đông Nam Á: đánh giá các tác động đối với khu vực Đông Nam Á, bao gồm cục diện khu vực, quan hệ Trung Quốc - ASEAN và chính sách đối ngoại của Indonesia
  • 19. 13 CHƢƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƢỢC 1.1. Một số vấn đề lý luận về quan hệ đối tác chiến lƣợc Đã có nhiều học giả đưa ra định nghĩa về quan hệ “đối tác chiến lược”, trên cơ sở định nghĩa hai thành tố là “đối tác” và “chiến lược”. John Egan định nghĩa: “Đối tác bao hàm hai hoặc nhiều bên hành động cùng nhau để nâng cao hợp tác bằng việc thực hiện những mục tiêu chung, xây dựng những kênh/cơ chế giải quyết bất đồng/tranh chấp, biện pháp thúc đẩy quan hệ, và phương pháp đánh giá tiến bộ cũng như chia sẻ thành tựu hợp tác” [13, tr.3]. Theo Sin-Ming Shaw, “một mối quan hệ đối tác bao gồm sự gần gũi, bình đẳng, có đi có lại và thoả thuận về những mục tiêu chung” [10]. Như vậy, một cách chung nhất, có thể hiểu “đối tác” là sự cộng tác, hợp tác ở mức cao và trong một số vấn đề cụ thể. Hành động cùng nhau, chung mục tiêu và chung lợi ích là những tiêu chí của quan hệ đối tác. “Chiến lược” chỉ sự quan trọng có tính toàn cục, then chốt và có giá trị tương đối lâu dài về mặt thời gian. Đặc biệt, trong các văn cảnh liên quan đến việc sử dụng sức mạnh quân sự, đây là từ dùng để chỉ “tính tổng thể, để tạo ra sự khác biệt với những chi tiết (chiến thuật); và nghệ thuật sử dụng nguồn lực, kết hợp với các giá trị về đạo lý, để đạt được mục tiêu [10, tr.46]. “Đối tác chiến lược” chỉ mối quan hệ hợp tác quan trọng vừa có tính hướng vào những mục tiêu cụ thể, tính thời vụ, vừa có hàm ý về mong muốn quan hệ lâu dài. Trong khi xây dựng đối tác chiến lược, các bên phải hiểu nhau về mục tiêu mình mong muốn đạt được, khả năng đáp ứng của các bên trên một tinh thần hết sức thực tế. Phần lớn các mối quan hệ đối tác chiến lược được hình thành thông qua các thoả thuận, tuyên bố hoặc hiệp định chính thức. Nhưng ẩn trong nội dung câu chữ của các văn kiện này, quan hệ đối tác chiến lược hàm ý một số giá trị cao hơn việc hợp tác thông thường và kết quả cụ thể; nhấn mạnh tầm quan trọng của bản thân việc hợp tác và phát triển quan hệ; bày tỏ sự hiểu biết về tầm quan trọng,
  • 20. 14 tính dài lâu của mối quan hệ; và trông đợi những thay đổi trong hành vi của các bên trong quan hệ đối tác hướng tới những tình huống các bên cùng có lợi [10, tr.49]. Nhiều nước quan niệm “đối tác chiến lược” phải bao gồm 4 tiêu chí sau: không tấn công lẫn nhau (i); không liên minh chống lại các nước khác (ii); không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau (iii); phải có lòng tin lẫn nhau (iv). Quan hệ đối tác chiến lược có đặc điểm rất phong phú, trong đó thành phần, nội dung, hình thức, mức độ… hoàn toàn tuỳ theo sáng kiến của các bên. Nó là tổng hợp các dạng quan hệ hợp tác và có khả năng đẩy sự hợp tác nói chung giữa các bên tham gia mối quan hệ này lên mức độ cao hơn. Tuy nhiên, khái niệm đối tác cũng bao hàm khả năng mối quan hệ hợp tác sẽ không phát triển tiếp tục, nếu các bên không còn tìm thấy lợi ích trong việc thúc đẩy quan hệ hoặc quá trình tương tác trong quan hệ đối tác dẫn đến va chạm quyền lợi với nhau. Trong giải tần hợp tác, đối tác chiến lược nằm ở giữa: cao hơn hợp tác thông thường nhưng chưa tới liên minh, hoặc trong khuôn khổ liên minh cũ nhưng nó giúp liên minh đó phát triển sâu hơn về chất và phong phú hơn về nội dung [10, tr.154]. Với các nước có đã quan hệ lâu dài và ổn định, việc triển khai quan hệ đối tác chiến lược sẽ thuận lợi hơn vì không phải xây dựng từ đầu những cơ sở vật chất cần thiết cho hợp tác (như lòng tin, cơ chế, nhân lực…). Với các nước đang xây dựng quan hệ hợp tác sau một giai đoạn căng thẳng và thù địch, quan hệ giữa các nước này chủ yếu ở vào giai đoạn “xây dựng lòng tin” là bước đầu tiên trong việc phát triển quan hệ hợp tác. Chung lợi ích để phát triển quan hệ và triển khai tốt các dự án cụ thể sẽ là cơ sở để phát triển quan hệ trong khuôn khổ đối tác chiến lược và các hình thức cao hơn ở giai đoạn sau. Đối tác chiến lược là một công cụ chính sách mà các nước hay dùng để bổ sung cho các hình thức hợp tác trong quan hệ đối ngoại của mình. Ngoài tầm quan trọng mà các nước gắn vào các mối quan hệ cụ thể, khuôn khổ đối tác chiến lược còn được các nước ưa chuộng vì tính thiết thực, lâu dài và mở. Để đạt được khuôn khổ “đối tác chiến lược”, quan hệ giữa các quốc gia cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản như: (i) tương đồng về mục đích và mục tiêu nhằm bảo đảm an ninh, thịnh vượng và vị thế của nhau trên trường quốc tế; (ii)
  • 21. 15 có nhận thức thống nhất về mục tiêu và nguyên tắc phát triển đối tác chiến lược; (iii) có nền tảng pháp lý để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa các bên; (iv) phải thực sự quan tâm tới nhu cầu hợp tác trong nhiều lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược trên cơ sở hai bên cùng có lợi; (v) cần tính đến lợi ích của nhau để sẵn sàng nhân nhượng và ủng hộ đối tác, ngay cả trong trường hợp không mang lại lợi ích rõ ràng cho chính mình; (vi) không nên có những hành động mang tính phân biệt và tối hậu thư đối với nhau; (vii) cần chủ động xây dựng những quan niệm chung về các giá trị, dựa trên cơ sở hệ thống chính trị của đối tác; (viii) hiệu quả từ quan hệ đối tác chiến lược phải nhận được sự ủng hộ và quan tâm của giới tinh hoa chính trị, cộng đồng xã hội nói chung và đáp ứng nhu cầu mang tính sống còn của công dân các nước đối tác [7]. Theo quan điểm của chủ nghĩa hiện thực, an ninh quốc gia là động lực dẫn đến sự hợp tác giữa các nước với nhau. Nói cách khác, các nước hình thành quan hệ đối tác để ứng phó với nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia mình. Do vậy, quan hệ đối tác có mục đích đối phó với mối đe doạ chung thậm chí có thể tồn tại giữa các nước có chế độ chính trị và hệ tư tưởng khác nhau. Theo logic của chủ nghĩa hiện thực, chính sách nhằm “thêm bạn bớt thù” chính là cơ sở của việc các nước có quan hệ đối tác với nhau. Theo đó, nội hàm của sự hợp tác là vì lý do an ninh và cân bằng quyền lực. Tuy nhiên, hợp tác giữa các nước không có tính chất lâu dài, vì khả năng chuyển hoá bạn - thù là thường xuyên. Theo quan điểm của chủ nghĩa tự do, các thể chế quốc tế hoặc các tổ chức khu vực đã đẩy mạnh hợp tác giữa các nước với nhau. Chủ nghĩa tự do đã làm sáng tỏ một điều là các thể chế quốc tế chỉ đóng vai trò là biến số độc lập, là “chất xúc tác” cho sự hợp tác. Điều đó có nghĩa rằng quan hệ đối tác giữa các nước có tính tạm thời và lệ thuộc rất lớn vào ý đồ của các nước lớn. Chủ nghĩa kiến tạo cho rằng các nước hợp tác với nhau khi giữa chúng tồn tại bản sắc chung. Những điểm tương đồng về bản sắc càng nhiều thì khả năng hợp tác và duy trì hợp tác càng cao (nếu kết hợp thêm cả đồng lợi ích). Điều đó có nghĩa là các quan hệ hợp tác, đối tác dựa trên bản sắc mạnh và hình thành trong phạm vi khu vực thường có cơ hội thành công lớn hơn.
  • 22. 16 Cả ba lý thuyết: chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa kiến tạo đều có thể sử dụng để lý giải việc hình thành đối tác chiến lược giữa các quốc gia. Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa kiến tạo được xem là công cụ phân tích thích hợp hơn cả vì chỉ ra được sự tương đồng về lợi ích và bản sắc là những lý do chính quy định việc các quốc gia thiết lập quan hệ đối tác với nhau trong khoảng thời gian nhất định và đối với một số vấn đề cụ thể [10, tr.58]. 1.2. Thực tiễn các quan hệ đối tác chiến lƣợc trên thế giới Quan hệ “đối tác chiến lược” giữa các quốc gia xuất hiện trong bối cảnh khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và sau đó là sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, hệ thống thế giới từ hai cực Xô - Mỹ chuyển thành một cực là Mỹ. Trong bối cảnh cục diện quốc tế sau Chiến tranh Lạnh khiến quan hệ giữa một số nước rơi vào tình trạng bất định, “đối tác chiến lược” đã được các nước sử dụng như là một cách để bảo vệ an ninh quốc gia của mình. Không chỉ vậy, “đối tác chiến lược” còn cho các quốc gia cơ hội vươn tới những không gian địa-chính trị mới, mở rộng ảnh hưởng ra ngoài thế giới. Trên thế giới hiện nay đang có rất nhiều mối quan hệ đối tác chiến lược giữa các nước với nhiều mức độ khác nhau. Dạng quan hệ này đang trở thành một xu thế định hình quan hệ quốc tế hiện đại. Từ các cường quốc đến các nước nhỏ đều tích cực xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược của mình. Trên thế giới, mô hình quan hệ đối tác chiến lược có thể được thiết lập giữa các nước lớn với nhau, giữa nước lớn với nước nhỏ, giữa các nước nhỏ với nhau hoặc các dạng quan hệ giữa một nước với một tổ chức/nhóm nước… Quan hệ đối tác chiến lƣợc giữa các nƣớc lớn Bản thân quan hệ hợp tác giữa các nước lớn đã mang tính chất chiến lược do vị thế của các nước lớn trên trường quốc tế, bất kể giữa chúng có thiết lập các văn kiện hợp tác một cách chính thống, bài bản hay không. Có thể kể đến một số quan hệ đối tác chiến lược như: Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Trung Quốc, Nga - Trung Quốc, Đức - Trung Quốc… Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Nhật Bản: Kể từ khi ký kết Hiệp ước Hợp tác và an ninh năm 1950, đây là một trong những mối quan hệ song phương
  • 23. 17 quan trọng và gắn bó nhất trong quan hệ quốc tế. Quan hệ đối tác này xuất phát từ quan hệ liên minh giữa hai nước, trong đó liên minh quân sự đóng vai trò nòng cốt. Quan hệ liên minh có trước, quan hệ đối tác có sau. Đối tác để làm mới liên minh, trong điều kiện và hoàn cảnh quốc tế và khu vực có nhiều nét mới. Mặc dù hai nước này không có tuyên bố riêng một thoả thuận đối tác chiến lược nào nhưng về bản chất, quan hệ này có tính đối tác chiến lược rất thực chất. Quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung Quốc: Tháng 9/1994, hai bên đã thiết lập “Quan hệ đối tác mang tính xây dựng”. Tháng 4/1996, hai bên nâng cấp quan hệ thành “Đối tác chiến lược hướng đến thế kỷ XXI”. Quan hệ đối tác chiến lược Nga – Trung Quốc được xây dựng trên một số cơ sở quan trọng như: (i) quan hệ láng giềng và truyền thống; (ii) cả hai đều là những thị trường rộng lớn và tiềm năng; (iii) nhu cầu hợp tác quân sự; (iv) nhu cầu tạo dựng trật tự thế giới đa cực, chống lại trật tự đơn cực của Mỹ và (v) nhu cầu chống khủng bố và Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Trung Á. Quan hệ đối tác chiến lƣợc giữa nƣớc lớn với nƣớc nhỏ Quan hệ đối tác chiến lược giữa một nước lớn với một nước nhỏ là hình thái quan hệ phổ biến. Các nước lớn tìm cách thiết lập quan hệ với nước nhỏ vì nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình ở nước đó nhằm chống lại một đối tượng cụ thể hoặc nhằm đạt được một hay nhiều ý đồ chiến lược khác nhau. Ngược lại, các nước nhỏ cần dựa vào nước lớn để tìm kiếm chỗ dựa về an ninh, chống lại một đối tượng hay một mục tiêu cụ thể mà mình không đủ sức, hoặc tìm kiếm sự ủng hộ về kinh tế, chính trị… Thông thường, hình thái đối tác này có cơ sở tồn tại bền vững hơn các hình thái khác do nước lớn thường dồi dào tiềm lực và ý chí chính trị để theo đuổi mục tiêu của mình, còn nước nhỏ cũng muốn dựa vào thế và lực của nước lớn để theo đuổi mục tiêu phù hợp lợi ích quốc gia của mình, giữa hai bên không có sự cạnh tranh tiềm tàng như quan hệ giữa các nước lớn. Trung Quốc, nước có số lượng đối tác chiến lược nhiều nhất, cũng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với cả những nước nhỏ như Lào, Campuchia, Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Ukraine, Afghanistan,
  • 24. 18 Argentina, Iran, Saudi Arabia… Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước nhỏ như Israel, Georgia, Indonesia, Kazakhstan, Uzbekistan, Ukraine, Afghanistan, Romania… Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước nhỏ như Kazakhstan, Uzbekistan, Ukraine, Serbia, Azerbaijan, Armenia, Mông Cổ, Peru, Algeria… Có thể thấy, các nước lớn đã tìm đến các nước nhỏ ở những khu vực địa-chính trị khác nhau để thiết lập đối tác chiến lược, thậm chí đó là những nước nhỏ được ngầm hiểu như thuộc phạm vi ảnh hưởng của một nước lớn khác. Một số nước nhỏ có vị trí địa-chính trị quan trọng cũng thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước lớn. Đó là trường hợp của Kazakhstan, Uzbekistan, Ukraine..., những nước thuộc “miền đất trái tim” theo học thuyết địa-chính trị của Mackinder. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc với Indonesia thuộc dạng quan hệ đối tác giữa nước lớn và nước nhỏ. Quan hệ đối tác chiến lƣợc giữa các nƣớc nhỏ Trong thời đại toàn cầu hoá và phụ thuộc lẫn nhau, các quốc gia không thể đứng ngoài những xu thế mang tính thời đại. Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược cũng là một kiểu xu hướng như vậy. Bên cạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa các nước lớn với nhau, giữa nước lớn và nước nhỏ, các nước nhỏ cũng tích cực tìm đến với nhau để thiết lập kiểu quan hệ này. Thường quan hệ này được thiết lập giữa các nước có sự liên quan, tương đồng với nhau về vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, văn hoá, nhu cầu phát triển kinh tế… nhằm giúp nhau phát triển các tiềm năng, thế mạnh của nhau. Xem xét trường hợp của Việt Nam làm ví dụ. Tính đến tháng 9 năm 2016, ngoài 3 nước lớn Nga, Trung Quốc, Ấn Độ là đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với một số nước nhỏ như Italia (2011), Indonesia, Singapore, Thái Lan (2013), Malaysia, Philippines (2015)…, đối tác chiến lược trên lĩnh vực như Hà Lan (2010), Đan Mạch (2011)… Việc đan xen lợi ích với các nước đối tác sẽ giúp ngăn chặn và giảm thiểu khả năng một bên nào đó sử dụng vũ lực chống lại Việt Nam, đồng thời, thúc đẩy sự hợp tác vì sự phát triển chung của mỗi nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới, tạo được một cục diện và vị thế ngày càng vững chắc cho Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
  • 25. 19 Quan hệ đối tác chiến lƣợc giữa một nƣớc với một nhóm nƣớc/ tổ chức Thông thường, nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với một tổ chức thường là nước lớn, như Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Nhật Bản… Các nước lớn thường nhằm tới mục tiêu là đạt được quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn hơn, không chỉ bó hẹp trong một lĩnh vực đơn thuần. Còn nhóm nước hay tổ chức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nước lớn lại mong tìm được một chỗ dựa về kinh tế, an ninh, chính trị… mà các nước lớn đem lại. Nhược điểm của loại hình quan hệ này là tính hiệu quả thấp do tổ chức hoặc nhóm nước thường khó đạt được đồng thuận vì sự khác nhau về dân số, diện tích, vị trí địa chiến lược, trình độ phát triển kinh tế, thể chế chính trị… của các thành viên. Ví dụ của loại hình này quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN, Nga - EU… Về quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN, năm 2003, với việc ký “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược hướng tới hoà bình và phồn thịnh”, Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của ASEAN, ASEAN trở thành tổ chức khu vực đầu tiên xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Trung Quốc thúc đẩy quan hệ với ASEAN do ASEAN có vị trí địa chiến lược quan trọng, có tuyến đường hàng hải nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là cửa ngõ đi ra thế giới của Trung Quốc và có tài nguyên phong phú, nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh của Trung Quốc. Mặt khác, ASEAN có thể trở thành một lợi thế để Trung Quốc kiềm chế Nhật Bản và Mỹ. Do vậy, Trung Quốc đặc biệt quan tâm mở rộng không gian hoạt động tại khu vực này để bảo vệ lợi ích an ninh của mình. Ngoài ra, thông qua việc tăng cường quan hệ, ảnh hưởng đối với các nước ASEAN, Trung Quốc cũng muốn nâng vị thế của mình trên trường quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ của một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Việc hai bên tăng cường quan hệ có tác động đối với tình hình khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ này đã góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở khu vực, củng cố sự tin cậy về chính trị giữa các nước, phát triển quan hệ và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư… giữa các nước một cách sâu rộng và hiệu quả, mở rộng hợp tác sang nhiều lĩnh vực khác nhau, tăng cường giao lưu nhân dân.
  • 26. 20 Về quan hệ đối tác chiến lược Nga - EU, đây là một trong những quan hệ quan trọng, có vai trò định hình cấu trúc quan hệ quốc tế. Năm 1994, hai bên ký kết Hiệp định đối tác và hợp tác, hiệp định này chính thức có hiệu lực vào tháng 12/1997. Trong những năm 90 của thế kỷ XX, quan hệ đối tác giữa hai bên phát triển khá tốt đẹp với chính sách thân phương Tây của Nga. Từ năm 2000, với sự điều hành của Tổng thống V. Putin, Nga điều chỉnh trong chính sách đối ngoại theo hướng độc lập hơn với châu Âu. Bên cạnh mặt hợp tác, quan hệ đối tác này còn có một số tồn tại như quan hệ của Nga với một số nước Baltic, vấn đề mở rộng EU về phía Đông, vấn đề dân chủ, nhân quyền, vấn đề năng lượng… Sau 10 năm, tháng 12/2007, Hiệp định đối tác và hợp tác Nga – EU hết hiệu lực. Hai bên đã tiến hành các vòng đàm phán để xây dựng một Hiệp định đối tác chiến lược mới nhưng chưa đạt được kết quả cụ thể. 1.3. Một số đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lƣợc trên thế giới những năm đầu thế kỷ XXI Thứ nhất, các quan hệ đối tác chiến lược phát triển bùng nổ về số lượng. Các quốc gia không kể lớn nhỏ đều phát triển loại hình quan hệ này. Đối tác mà các quốc gia hướng tới cũng đa dạng, từ những nước láng giềng cho tới những nước có khoảng cách địa lý xa xôi, từ những nước có cùng kiểu thể chế chính trị cho tới những nước có nhiều khác biệt, từ các đối tác là một nước cho tới đối tác là một nhóm nước… Bởi vậy, số lượng quan hệ đối tác chiến lược là rất lớn. Trung Quốc là nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhiều nhất với khoảng 50 quan hệ đối tác chiến lược ở khắp năm châu, Nga có hơn 30 đối tác chiến lược hoặc tương đương, Ấn Độ có khoảng 20 quan hệ đối tác, Mỹ có khoảng hơn 20, Pháp và Anh đều có hơn 10, Liên minh châu Âu (EU) có khoảng 10… Việt Nam là một nước nhỏ cũng có khoảng 15 quan hệ đối tác chiến lược. Thứ hai, hầu hết các quan hệ đối tác chiến lược chỉ cam kết dưới hình thức tuyên bố chính trị của của lãnh đạo các nước, không phải là một điều ước quốc tế, không có ràng buộc pháp lý. Do vậy, các văn kiện như tuyên bố chung, thoả thuận, hiệp định… thiết lập và triển khai khuôn khổ đối tác chiến lược giữa các bên đều ít nhiều mang tính hình thức, biểu tượng, tuyên truyền, thể hiện sự
  • 27. 21 kỳ vọng của các bên. Trong các hình thức văn kiện hợp tác, hiệp định là hình thức có mức độ ràng buộc chặt chẽ nhất, tuy nhiên cũng chỉ có thời hạn nhất định, không phải là bất biến. Thậm chí, ngay cả trong các hiệp định, các bên cũng đều hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt miễn là có thông báo cho các bên còn lại. Hoặc có trường hợp như Hiệp định đối tác chiến lược Nga - EU sau 10 năm hiệu lực từ 1997 đến 2007 thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc ký kết lại một hiệp định đối tác chiến lược mới thay thế cho hiệp định cũ đã hết hiệu lực vì các vấn đề mâu thuẫn phát sinh giữa hai bên. Thứ ba, hiệu quả thực chất của các quan hệ đối tác chiến lược không đồng đều. Nhiều mối quan hệ đối tác chiến lược chỉ có tính chất hình thức, tức là cam kết rất hoành tráng, nhưng trên thực tế thì kết quả hợp tác lại không nổi bật. Ngược lại, có những mối quan hệ không được gọi thẳng tên là đối tác chiến lược, nhưng về bản chất mức độ hợp tác chiến lược lại rất cao. Sự không đồng đều của việc triển khai các quan hệ đối tác chiến lược bắt nguồn từ sự khác biệt đáng kể trong nội hàm của các mối quan hệ đối tác chiến lược. Việc thực hiện triển khai các cam kết đó trên thực tế tuỳ vào năng lực, quan điểm và chiến lược của các bên tại các thời điểm khác nhau, và có thể khác với thời điểm mà các bên tuyên bố các cam kết. Do vậy, có những mối quan hệ đối tác chiến lược phát triển mạnh mẽ và liên tục được nâng cấp lên các mức độ cao dần, nhưng cũng có những mối quan hệ không tiến triển thêm gì, thậm chí, có những biến cố khiến quan hệ tụt dốc. Sự không đồng đều này thể hiện không chỉ trên diện rộng xét tổng thể các mối quan hệ đối tác chiến lược diễn ra trên toàn thế giới, mà ngay cả ở cấp độ một quốc gia, các mối quan hệ đôi khi cùng được gọi tên là đối tác chiến lược nhưng được triển khai trên thực tế với những mức độ rất khác nhau. Ngay bản thân các quốc gia khi thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược cũng đã không đặt ra một mức độ cam kết giống nhau với tất cả các đối tác. Với một đối tác xác định nào đó, mức độ nồng ấm trong quan hệ hai nước cũng không phải giống nhau ở mọi thời điểm, nên tiến trình hợp tác theo các cam kết không phải lúc nào cũng được triển khai thuận lợi, đồng đều và đúng tiến độ.
  • 28. 22 Thứ tƣ, có nhiều loại hình quan hệ đối tác chiến lược được hình thành trên thực tế như: đối tác chiến lược trên một số lĩnh vực cụ thể, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện… theo mức độ tăng dần. Đối tác chiến lược theo lĩnh vực là khuôn khổ hai nước thiết lập khi muốn đi sâu hợp tác trong một lĩnh vực cụ thể, mà một hoặc hai bên có tiềm năng chia sẻ, có tính quan trọng chiến lược với an ninh, phát triển quốc gia của cả hai bên. Ví dụ, Việt Nam có hai đối tác chiến lược theo lĩnh vực là Hà Lan, đối tác chiến lược trong quản lý nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực (thiết lập năm 2010), và Đan Mạch, đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh (thiết lập năm 2011, năm 2013 nâng cấp thành đối tác toàn diện). Trong một số quan hệ đối tác, hai bên thiết lập khuôn khổ đối tác toàn diện trước khi thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược, nhưng điều này không có nghĩa là mọi mối quan hệ đối tác toàn diện đều có thể nâng cấp thành đối tác chiến lược. Đối tác chiến lược toàn diện là mức độ quan hệ sâu sắc nhất mà hai bên ký kết với nhau. Trung Quốc, nước có nhiều quan hệ đối tác chiến lược nhất, hiện có khoảng 20 đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có EU, Nga, Australia, Mexico, Peru, Nam Phi, Algeria, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Đan Mạch, Serbia, Belarus, Kazakhstan, Indonesia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam (đối tác hợp tác chiến lược toàn diện). Tên gọi của khuôn khổ quan hệ mà hai bên thiết lập hoàn toàn mở và tuỳ thuộc vào nhu cầu của các bên. Do vậy, ngoài các cụm từ chính là “đối tác” hay “đối tác chiến lược”, hai bên có thể thêm vào các cụm từ như “vì sự tin cậy lẫn nhau”, “vì lợi ích chung”, “vì sự phát triển chung”, “vì hoà bình và phồn vinh”, “hướng đến thế kỷ XXI”… Những cụm từ này thể hiện sự sáng tạo của các bên, khiến mối quan hệ thêm sắc thái đặc biệt hoặc một khuynh hướng mà hai bên muốn tập trung hướng tới hoặc đó là một thông điệp mà cả hai bên muốn thể hiện ra cho cộng đồng quốc tế thấy.
  • 29. 23 Tiểu kết chƣơng 1 Tóm lại, “đối tác chiến lược” chỉ mối quan hệ hợp tác quan trọng vừa có tính hướng vào những mục tiêu cụ thể, tính thời vụ, vừa có hàm ý về mong muốn quan hệ lâu dài. Sau Chiến tranh Lạnh, trong bối cảnh bất định trong quan hệ quốc tế, các nước đã sử dụng “đối tác chiến lược” như là một cách để bảo vệ an ninh quốc gia của mình. Những năm đầu thế kỷ XXI, kiểu quan hệ này bùng nổ, trở thành một xu thế định hình quan hệ quốc tế hiện đại, làm gia tăng tính đan xen, phức tạp trong quan hệ quốc tế. Hiện nay, quan hệ đối tác chiến lược được phát triển đa dạng với nhiều mức độ và loại hình khác nhau… hoàn toàn tuỳ theo sáng kiến của các bên. Mô hình quan hệ đối tác chiến lược có thể được thiết lập giữa các nước lớn với nhau, giữa nước lớn với nước nhỏ, giữa các nước nhỏ với nhau hoặc các dạng quan hệ giữa một nước với một tổ chức/nhóm nước… Tình trạng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai (hay nhiều) nước phản ánh những nhu cầu mà hai (hay nhiều) nước cần ở nhau trong các lĩnh vực, thời gian với mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng. Do vậy, đây là những cơ sở tạo nên tiêu chí để đánh giá độ thực chất của quan hệ đối tác chiến lược giữa các nước.
  • 30. 24 CHƢƠNG 2 QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƢỢC TRUNG QUỐC - INDONESIA (2005 - 2015) Chương này đánh giá thực chất quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia (2005 - 2015), làm rõ những yếu tố tác động đến quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia và thực trạng triển khai quan hệ đối tác chiến lược này trong 10 năm qua. 2.1. Các yếu tố tác động đến quan hệ đối tác chiến lƣợc Trung Quốc - Indonesia (2005 - 2015) Quan hệ Trung Quốc - Indonesia có lịch sử lâu dài, thăng trầm và phức tạp. Sớm có quan hệ giao thương từ thời cổ đại, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950 (Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc). Năm 1967, quan hệ này đóng băng vì các vấn đề mâu thuẫn và sau 23 năm, năm 1990, mới bình thường hoá trở lại. Năm 2005, hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và năm 2013, nâng cấp thành khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện. Giai đoạn 10 năm từ 2005 đến 2015 là khoảng thời gian phát triển mạnh mẽ và nồng ấm, gắn bó nhất của mối quan hệ này kể từ khi thiết lập quan hệ. Phần phân tích sau đây sẽ đưa ra các yếu tố tác động dẫn đến việc hai nước thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược năm 2005 theo các cấp độ: cá nhân, quốc gia và quốc tế. 2.1.1. Cấp độ cá nhân Ở cấp độ này, những yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc - Indonesia bao gồm cá nhân các lãnh đạo tối cao, chính khách, các nhân vật có ảnh hưởng, đặc tính của các nhóm người dân và nhân dân hai nước... Phân tích ở cấp độ này nhằm chỉ ra những mối liên hệ giữa các yếu tố về cá nhân con người thúc đẩy việc nâng cấp quan hệ hai nước. Trước hết, giai đoạn 2005 - 2015, ở cả Trung Quốc và Indonesia đều có sự chuyển giao quyền lực của các nhà lãnh đạo cao nhất. Sự chuyển giao quyền lực giữa hai lớp lãnh đạo đều ở khoảng thời gian khá gần nhau và về phía cuối
  • 31. 25 của giai đoạn phạm vi nghiên cứu. Nếu tính trong 10 năm này, thời gian tại nhiệm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (đến tháng 3/2013) gần như tương đương với thời của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono (đến tháng 10/2014), còn thời gian tại nhiệm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tương đương với thời của Tổng thống Joko Widodo. Điều đó cũng có nghĩa là phần lớn giai đoạn nghiên cứu là quan hệ của hai nước dưới thời hai nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Susilo Bambang Yudhoyono. Trong đó, Indonesia với thể chế cộng hòa tổng thống cho phép Tổng thống vừa có lễ quyền, vừa có thực quyền, tức là vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là người đứng đầu chính phủ. Do đó, các dấu ấn của cá nhân lãnh đạo trên lĩnh vực đối ngoại đậm nét hơn khi so sánh với Trung Quốc với cơ chế hoạch định chính sách đối ngoại là tập thể bộ máy cán bộ cấp cao của Đảng, thường là Bộ Chính trị hoặc Thường vụ Bộ Chính trị. Có hai yếu tố xét từ góc độ cá nhân nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc - Indonesia: Thứ nhất, kế nhiệm Giang Trạch Dân lên nắm quyền với một sứ mệnh không dễ gánh vác, Hồ Cẩm Đào sẽ phải tập trung tạo một môi trường ổn định, thuận lợi cho việc giải quyết những nhu cầu nội bộ của đất nước. Do vậy, các mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, trong đó có quan hệ với Indonesia, được cố gắng giữ trong vòng ổn định và phát triển tốt đẹp. Thứ hai, phong cách ôn hoà được hình thành từ sớm khiến Hồ Cẩm Đào có xu hướng thiên về các quyết định đối ngoại mang tính ôn hoà, hoà dịu, có lợi cho sự phát triển các mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, bao gồm cả quan hệ với Indonesia. Về Susilo Bambang Yudhoyono, ông có quá trình công tác qua bốn đời tổng thống tiền nhiệm, được dư luận đánh giá là một chính khách tầm cỡ. Là tổng thống đầu tiên ở Indonesia được bầu trực tiếp, người dân đặt lên vai Susilo Bambang Yudhoyono những đòi hỏi và yêu cầu nặng nề hơn. Với kinh nghiệm xuất thân từ quân đội, ông rất cứng rắn với các phong trào ly khai, chủ nghĩa khủng bố..., đưa đất nước Indonesia vào quỹ đạo ổn định. Chính bản lĩnh của Susilo là một trong những yếu tố giúp cho Indonesia có những sự chủ động nhất
  • 32. 26 định trong mối quan hệ với Trung Quốc. Sự linh hoạt của Susilo đã khiến quan hệ của Indonesia và Trung Quốc tiến những bước rất nhanh và rất dài trong chính thời gian mà Susilo cầm quyền: từ quan hệ đối tác nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược, rồi lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mặc dù giới tinh hoa Indonesia có xu hướng thích sự quan tâm của Mỹ tới khu vực và không thích ý nghĩ về vai trò thống trị của Trung Quốc, họ vẫn tin tưởng hơn về những cam kết của Trung Quốc với khu vực hơn là các cam kết của Mỹ [13, tr.15]. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy rất mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị và quân sự, nhiều đảng phái đối lập coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa, ít nhất là về kinh tế thì Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono lại nhìn nhận sự trỗi dậy đó là cơ hội nhiều hơn là thách thức. Khác với Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình lại là một phong cách cứng rắn, quyết đoán, luôn tạo sự khác biệt. Tập Cận Bình được cho là không gần gũi với các cố vấn như những người tiền nhiệm, ông dựa nhiều vào suy nghĩ, kinh nghiệm của bản thân để đưa ra quyết định. Nhóm cố vấn đối ngoại của Tập Cận Bình được cho là bao gồm Lật Chiến Thư, Vương Kỳ Sơn, Lưu Hạc, Vương Hộ Ninh và Thiếu tướng Lưu Nguyên, nhưng dư luận phương Tây đánh giá là khó tiếp cận. Chính điều này dẫn tới nhiều quyết sách đối ngoại của Trung Quốc được cho là táo bạo, khó đoán trước, trong đó có những quyết sách đối với Indonesia. Về Joko Widodo, có ba yếu tố của ông góp phần thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Indonesia: Thứ nhất, việc ít có kinh nghiệm ngoại giao sẽ khiến Tổng thống Joko Widodo phụ thuộc, tham khảo nhiều hơn từ các mối quan hệ cá nhân và để Bộ Ngoại giao có vai trò lớn hơn trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của đất nước. Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Joko Widodo là cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS – Indonesia) Rizal Sukma, là người có cách tiếp cận cứng rắn trong các vấn đề quốc tế. Ông có quan điểm hướng nội giống Tổng thống Joko Widodo, cho rằng thay vì ưu tiên số một và đầu tư nhiều công sức cho ASEAN, Indonesia cần coi trọng các đối tác có khả năng mang lại lợi ích lớn hơn và không nhất thiết phải thực hiện các cam kết vì lợi ích của nước hay nhóm nước khác. Quan điểm như vậy sẽ khiến
  • 33. 27 Indonesia quan tâm nhiều hơn đến các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc. Thứ hai, Joko Widodo ủng hộ sự đa dạng trong xã hội Indonesia, trong đó có cộng đồng người Hoa - nhân tố quan trọng trong quan hệ Indonesia - Trung Quốc. Cộng sự của ông cũng có những người gốc Hoa. Đảng Dân chủ Indonesia - Đấu tranh (PDI-P) của ông cũng là Đảng có thiện cảm với người gốc Hoa. Ông Joko Widodo cũng từng bị coi là một người ủng hộ Đạo Thiên Chúa có nguồn gốc Trung Quốc. Thứ ba, Joko Widodo có nguồn gốc thương gia. Trước khi tham gia chính trường, ông Joko Widodo là một người kinh doanh đồ gỗ nội thất. Joko Widodo coi Trung Quốc là đối tác chiến lược giúp Indonesia đạt lợi ích, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Như vậy, nguồn gốc thương nhân cũng là một yếu tố khiến cho quan hệ Trung Quốc - Indonesia tốt hơn. 2.1.2. Cấp độ quốc gia Trung Quốc cần thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia bởi hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, về kinh tế, Trung Quốc cần Indonesia để đáp ứng nhu cầu về tài nguyên, mà đặc biệt là năng lượng và thị trường. Việc gia nhập WTO vào tháng 12/2001 đã cho Trung Quốc những cơ hội to lớn để phát triển kinh tế khiến kinh tế nước này thực sự “bùng nổ”. Liên tiếp các năm đầu thế kỷ XXI, kinh tế Trung Quốc phát triển rất nóng, mức tăng trưởng kinh tế các năm từ năm 2001 đến năm 2005 lần lượt là 8,3; 9,1; 10,0; 10,1; 11,4%; trung bình từ năm 2006 đến năm 2010 là 11,26% [45]. Chính sự phát triển nóng của nền kinh tế đã khiến Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về nguồn cung tài nguyên thiên nhiên và thị trường, bao gồm cả hàng hoá và lao động. Indonesia chính là đối tác có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Trung Quốc. Về năng lượng, Trung Quốc cần than và rất thiếu dầu và khí. Bình quân đầu người về năng lượng và tài nguyên đều thua xa mức bình quân thế giới [4]. Từ năm 1994 đến 2004, lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc tăng tới 113%, tuy nhiên, lượng dầu dự trữ dầu lại chỉ chiếm 1,4% tổng trữ lượng thế giới và sản lượng dầu chỉ tăng có 19% [33, tr.165]. Trong khi đó, Indonesia rất giàu tài nguyên như trữ lượng dầu thô và khí khổng lồ, trữ lượng thiếc, đồng, vàng, nickel, bauxtile… đều thuộc hàng đầu thế giới. Indonesia là nước sản xuất
  • 34. 28 dầu lớn thứ 20 trên thế giới với trữ lượng khoảng 3,6 tỉ thùng và là nước sản xuất khí đứng thứ 11 trên thế giới và thứ 2 ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương [26, tr.6]. Với nền dân số lớn thứ tư thế giới, (năm 2005 là hơn 226 triệu người, năm 2015 là hơn 254 triệu người [45], Indonesia trở thành thị trường rất tiềm năng mà Trung Quốc nhắm tới. Đây là không chỉ là thị trường để tiêu thụ lượng hàng hoá khổng lồ mà Trung Quốc xuất khẩu sang, mà còn là nguồn nhân lực dồi dào vì tỉ lệ người trong độ tuổi lao động trong cơ cấu dân số Indonesia là rất lớn. Thứ hai, về an ninh - chính trị, Indonesia có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc. Với vị trí địa chiến lược quan trọng của Indonesia (cửa ngõ vào Ấn Độ Dương, Biển Đông và Thái Bình Dương), nếu có được ảnh hưởng với Indonesia, Trung Quốc sẽ giữ vững được an ninh ở khu vực eo biển Malắcca, nơi dòng dầu nhập khẩu từ Trung Đông và châu Phi đến Trung Quốc đi qua cũng như tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở khu vực. Trong chiến lược “con đường tơ lụa trên biển”, Indonesia cũng là một mắt xích quan trọng mà Trung Quốc cần chinh phục. Dựa trên lý thuyết địa chính trị về sức mạnh biển của Mahan: “các quốc gia có xu hướng tìm kiếm và xây dựng đòn bốt dọc đường đi”, trong chiến lược Trung Quốc vươn ra toàn cầu để trở thành cường quốc biển, Trung Quốc cần Indonesia để tiếp cận nguồn tài nguyên và thị trường lớn ở nước ngoài. Indonesia cũng có nhu cầu phải thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Nguyên nhân chính là về kinh tế, Indonesia cần Trung Quốc cung cấp, đầu tư cấp vốn, công nghệ, hàng hóa, thị trường… Đặc biệt, Trung Quốc có khả năng hỗ trợ Indonesia trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, Indonesia đã có bước chuyển trong chính sách đối ngoại đối với Trung Quốc, ngày càng thân thiện hơn. Nếu như trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Suharto, Indonesia chủ trương vừa tích cực hợp tác, vừa đấu tranh hạn chế sức mạnh của Trung Quốc thì các đời Tổng thống sau là Wahid và Megawati đã dần dần thay đổi sang chính sách thân Trung Quốc hơn. Năm 2004, Tổng thống Tải bản FULL (77 trang): https://bit.ly/3f3Ms6G Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net
  • 35. 29 Susilo Bambang Yudhoyono lên nắm quyền, thực hiện chính sách đối ngoại “bạn bè rộng, không đối địch”, đồng thời tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chính sách thân thiện với Trung Quốc. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Canađa, tháng 6/2010, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã tuyên bố: “Trung Quốc là một đối tác quan trọng và bạn tốt của Indonesia” [44]. Tháng 10/2014, Tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền, đã theo đuổi một chính sách đối ngoại dân tộc chủ nghĩa, tập trung tìm kiếm lợi ích trong các mối quan hệ song phương đồng thời có một số điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh các lợi ích thiết thực của người dân và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế. Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo đặt ưu tiên cao trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Theo đó, Indonesia tăng cường quan hệ với Trung Quốc nhằm tận dụng nguồn vốn, công nghệ của Trung Quốc để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong nước. Bên cạnh các “biến số độc lập” kể trên, hai yếu tố có vai trò như “biến số tác động” gồm (i) sự thay đổi thái độ của người dân Indonesia về Trung Quốc và (ii) sự mở cửa về chính trị và quá trình dân chủ hóa ở Indonesia. Thực tế, bước sang thế kỷ XXI, hầu hết người dân Indonesia không còn coi Trung Quốc là nguy cơ đối với an ninh quốc gia và ổn định nội bộ, sự đe doạ cấu trúc khu vực và thế giới nữa, mà là một đối tác kinh tế. Ngày càng nhiều người Indonesia coi Trung Quốc, khi so sánh với Mỹ, là một đối tác ngày càng tích cực. Ví dụ, Bản điều tra thái độ toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu PEW năm 2011 đã cho thấy, tỉ lệ người dân Indonesia có quan điểm tích cực về Trung Quốc đã tăng từ 58% năm 2010 lên 67 % năm 2011, trong khi tỉ lệ đó về Mỹ giảm từ 59% xuống 54%. 46% người dân tin rằng quan hệ Trung Quốc - Indonesia sẽ là quan hệ quan trọng nhất trong 10 năm tới, trong khi chỉ có 23% tin rằng đó là quan hệ Mỹ - Indonesia [34, tr.1]. Sau một thời gian tương đối bất ổn với nhiều đời tổng thống trong thời gian ngắn, 10 năm cầm quyền của Susilo Bambang Yudhoyono đã mang đến cho Indonesia một giai đoạn chính trị ổn định với chính sách đối ngoại nhất quán. Chính sự mở cửa về chính trị và quá trình dân chủ hóa ở Indonesia là yếu tố giúp quan hệ Trung Quốc - Indonesia có điều kiện tập trung, ổn định và phát triển. Tải bản FULL (77 trang): https://bit.ly/3f3Ms6G Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net
  • 36. 30 Cộng đồng người Indonesia gốc Hoa cũng là một nhân tố có vai trò rất quan trọng, là nhiệt kế trong quan hệ Trung Quốc - Indonesia, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Cộng đồng người gốc Hoa tại Indonesia là một trong những cộng đồng người Hoa hải ngoại lớn nhất. Người Indonesia gốc Hoa được ví như “con ngựa thành Trojan” [8, tr.200] bên trong Indonesia bởi đây là sắc tộc thiểu số rất có ảnh hưởng dù chỉ có khoảng 1,7 triệu người, chiếm 0,9 % dân số. Trước đây, người Indonesia bản địa có tâm lý chống người gốc Hoa vì cộng đồng này chỉ chiếm phần rất nhỏ dân số nhưng lại nắm giữ phần lớn tài sản kinh tế tư nhân. Cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997 đã khiến tâm lý chống người Hoa lên cao dẫn tới quan hệ hai nước căng thẳng. Nhưng sau đó, Indonesia từ từ thay đổi thái độ với dân tộc Hoa. Chính sự thay đổi trong chính sách đối với cộng đồng người Hoa đã dẫn đến quan hệ Trung Quốc - Indonesia được thúc đẩy. Năm 2000, Tổng thống Abdurrahman Wahid đã bỏ lệnh cấm tôn giáo và phong tục người Hoa. Năm 2002, Tổng thống Megawati Sukarnoputri đã quyết định ngày Tết cổ truyền Trung Quốc là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia. Năm 2006, luật pháp Indonesia cho phép người gốc Hoa có thể tranh cử tổng thống. Năm 2014, Tổng thống Yudhoyono đã thay đổi tên gọi chính thức để chỉ đất nước và cộng đồng người Hoa tại Indonesia (thay vì “Tjina”, như cách gọi từ thời Suharto, sau nửa thế kỷ, đã được đổi thành “Tiong Hoa”) và đã kí một sắc lệnh để xoá bỏ sự phân biệt đối xử đối với người Indonesia gốc Hoa [38]. Đây chính là những tín hiệu nồng ấm mà Indonesia phát ra, khiến mối quan hệ song phương này càng trở nên gắn bó. Từ đó, cộng đồng người Indonesia gốc Hoa cũng tham gia nhiều hơn vào chính trị. Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Indonesia, có 15 người gốc Hoa đã giành được ghế trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2009, nhiều hơn so với con số này của năm 2004 là 13 và năm 1999 là 6 [22]. Các nhà chính trị gốc Hoa đa số đều có nguồn gốc phi chính trị, chủ yếu là trong lĩnh vực kinh doanh và giáo dục. Do vậy, quan hệ song phương Trung Quốc - Indonesia giai đoạn này cũng có điều kiện để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. 8307716