SlideShare a Scribd company logo
1 of 137
Download to read offline
ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
  
ĐỖ THỊ THÙY DUNG
TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI
VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN - NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM
VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2023
ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
  
ĐỖ THỊ THÙY DUNG
TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI
VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN - NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM
VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 8.22.90.01
LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC
Người hướng dẫn khoa học:
PGS. TS. Cao Xuân Long
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2023
LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan đây là công trình do tôi nghiên cứu và thực hiện dưới sự
hướng dẫn của PGS.TS. Cao Xuân Long. Kết quả nghiên cứu trong luận văn
là trung thực và chưa được ai công bố. Các tài liệu sử dụng trong luận văn có
nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tp. HCM, ngày....tháng....năm 2023
Người cam đoan
ĐỖ THỊ THÙY DUNG
MỤC LỤC
Trang
PHẦN MỞ ĐẦU.............................................................................................. 1
1. Lý do chọn đề tài........................................................................................... 1
2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu đề tài..................................................... 6
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu.............................................................. 19
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................... 19
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu ................................................. 20
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn..................................................................... 20
7. Kết cấu nội dung ......................................................................................... 20
PHẦN NỘI DUNG........................................................................................ 21
Chương 1: ĐIỀU KIỆN TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA
FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN ................................ 21
1.1. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA
FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN............................................. 21
1.1.1. Điều kiện lịch sử - xã hội của thế giới thế kỷ XIX cho sự hình thành tư
tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân ......................................... 21
1.1.2. Điều kiện lịch sử - xã hội của Nhật Bản thế kỷ XIX cho sự hình thành
tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân..................................... 25
1.2. TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN CHO SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA
YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN .................................................................. 44
1.2.1. Tư tưởng Nho giáo đối với sự hình thành tư tưởng của Fukuzawa
Yukichi về vấn đề công dân............................................................................ 44
1.2.2. Tư tưởng khai sáng phương Tây đối với sự hình thành tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân .......................................................... 51
1.3. NHÂN TỐ CHỦ QUAN CHO SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA
FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN............................................. 63
1.3.1. Năng lực học tập của Fukuzawa Yukichi đối với sự hình thành tư tưởng
về vấn đề công dân.......................................................................................... 63
1.3.2. Tính cách của Fukuzawa Yukichi đối với sự hình thành tư tưởng về vấn
đề công dân...................................................................................................... 66
Kết luận chương 1 ......................................................................................... 68
Chương 2: NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ TRONG TƯ
TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN...........70
2.1. NỘI DUNG QUAN ĐIỂM CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ
CÔNG DÂN...................................................................................................... 70
2.1.1. Khái niệm “công dân”.......................................................................... 70
2.1.2. Quan điểm của Fukuzawa Yukichi về mối quan hệ giữa công dân với
nhà nước.......................................................................................................... 77
2.1.3. Vai trò và phát huy vai trò của công dân đối với sự phát triển đất nước91
2.2. ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ QUAN ĐIỂM CỦA FUKUZAWA
YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN ................................................................ 107
2.2.1. Đặc điểm quan điểm của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân ..... 107
2.2.1. Ý nghĩa lịch sử quan điểm của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân. 115
Kết luận chương 2 ....................................................................................... 118
PHẦN KẾT LUẬN...................................................................................... 121
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 127
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Thế kỷ XIX là cột mốc rung chuyển của toàn châu Á với sự va chạm văn
minh phương Đông-phương Tây và mối đe dọa cấp bách cho vận mệnh dân
tộc. Ở giai đoạn này, chủ nghĩa tư bản ở phương Tây chỉ vừa ra đời trong
vòng một thế kỷ nhưng đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Nhu cầu
to lớn về lao động và thị trường thúc đẩy giới tư bản mở rộng bước chân sang
các nước phương Đông, mang theo cả sức mạnh tài chính, kỹ thuật, quân sự
của họ đến vùng đất mới. Điều này khiến người châu Á bị choáng ngợp, kinh
ngạc và lo ngại. Trước những biến đổi chưa từng có trong lịch sử, các quốc
gia phong kiến phương Đông hầu hết trở nên lúng túng, chấp nhận thua thiệt
trước sức mạnh phương Tây để rồi đánh mất chủ quyền và rơi vào số phận
thuộc địa. Thế nhưng Nhật Bản không nằm trong số đó. Thế kỷ XIX lại là giai
đoạn chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ để Nhật Bản trở thành một quốc
gia hiện đại, giữ vững được chủ quyền và thậm chí sánh ngang với các cường
quốc phương Tây:
“Nhật Bản trước thời Minh Trị (Meiji) cũng là một nước phong kiến “bế
quan tỏa cảng” như Việt Nam. Nhưng trước sự đe dọa của đế quốc
phương Tây, Nhật Bản đã sớm có một lớp người thức thời, đại diện cho
giai cấp tư sản sớm hình thành, đứng ra làm một cuộc cải cách duy tân
đất nước. Nhật Bản dần dần đổi mới bộ mặt, đủ sức chống lại phương
Tây và tiến lên thành một nước tư bản chủ nghĩa cường thịnh, năm 1894
đã thắng ở cuộc “chiến tranh Giáp Ngọ”. Đặc biệt năm 1904 đã thắng
quân đội đế quốc Nga Hoàng, làm cho “bọn trắng da ngơ ngác giật
mình”.” (Chương Thâu, 2004, tr.528)
Thành công trong việc hiện đại hóa đất nước chính là bước đệm vững
chắc để Nhật Bản có được những giai đoạn “phát triển thần kỳ” sau đó. Trong
những lý do làm nên sự thần kỳ này, bên cạnh “thiên thời”, “địa lợi”, thì “con
2
người” được xem là yếu tố quan trọng nhất. Để hiểu được sự thành công của
Nhật Bản, không thể bỏ qua việc nghiên cứu về các nhân vật và tư tưởng đã
định hướng cho toàn bộ dân tộc trong giai đoạn lịch sử then chốt này.
Trong hàng loạt những tài năng làm nên thành công cho công cuộc duy
tân Nhật Bản, Fukuzawa Yukichi (1835-1901) nổi bật là nhà cải cách kiệt
xuất có đóng góp to lớn nhất trên phương diện tư tưởng. Ông được Nhật Bản
vinh danh trên tờ tiền mệnh giá cao nhất và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học
và Văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO gọi là “người thầy khai hóa của thời kỳ
Minh Trị” (UNESCO, 1968, tr.12). Bối cảnh thời đại của Fukuzawa chính là
giai đoạn xã hội Nhật Bản biến đổi toàn diện: trật tự phong kiến bị xóa bỏ,
pháp luật hiện đại hình thành, các thành phần nhân dân trở nên bình đẳng,
người dân được tự do lựa chọn nghề nghiệp theo năng lực, giới trí thức sôi
động trong một nền học thuật cởi mở với những tiếp thu tư tưởng phương
Tây... Do vậy, tư tưởng của ông tựu trung xoay quanh vấn đề của thời đại:
Đâu là lối đi giữa nhiều dòng chảy? Làm thế nào để đất nước giữ được tính tự
cường? Mỗi cá nhân là ai, phải làm gì trong một đất nước đổi mới như thế?
Trong bối cảnh đó, Fukuzawa đã phân tích nhiều nội dung then chốt của
quốc gia, chẳng hạn như tính bình đẳng, mối quan hệ giữa nhà nước và công
dân, vấn đề giáo dục, tinh thần độc lập và tự tôn dân tộc… Vị trí và vai trò
của công dân trong sự phát triển của đất nước là một trong những vấn đề đã
được Fukuzawa Yukichi trình bày kỹ càng trong các trước tác của mình. Cụ
thể, ông phân tích và phản biện các tư tưởng vốn có tại Nhật Bản về người
dân trong một đất nước – người dân mang tính “thần dân”. Bằng những tiếp
thu tinh hoa tư tưởng phương Tây, ông nêu lên quan điểm của mình về bản
chất mối quan hệ giữa công dân và nhà nước, đồng thời đề xuất phương
hướng phát huy nguồn lực nhân dân để từ đó phát triển đất nước một cách
hiệu quả nhất. Đáng chú ý rằng tư tưởng của Fukuzawa Yukichi không phải là
những lý luận sách vở đơn thuần mà chúng đã được áp dụng ngay vào thực
3
tiễn đương thời, vào những chính sách quốc gia của Nhật Bản. Do vậy, có thể
nói tư tưởng của Fukuzawa Yukichi là hệ thống lý luận mang đậm tính thực
tiễn: xuất phát từ thực tiễn và có sự kiểm nghiệm trong thực tiễn từ ngay khi
ông còn đang sống. Đồng thời, giá trị khai sáng của ông còn tạo tác động to
lớn đến rất nhiều trí thức châu Á, điển hình như Phan Bội Châu của Việt Nam
(Chương Thâu, 2004, tr.535).
Trải qua hai thế kỷ với vô vàn biến đổi, thế giới thế kỷ XXI lại tiếp tục
chứng kiến nhiều làn sóng to lớn “gây ra các hệ quả về mặt cá nhân, tâm lý
cũng như xã hội” (Alvin Toffler, 2019, tr.10). Đời sống vật chất tiến bộ, công
nghệ xâm nhập vào mọi ngóc ngách cuộc sống, giao thông liên lạc phát triển,
máy móc dịch thuật ra đời, các nền tảng mạng xã hội đưa thông tin lan truyền
tức thời trên khắp thế giới..., tất cả những điều đó khiến cho thế giới trở nên
phẳng, biên giới như được xóa nhòa và con người ngày càng hiểu biết về nhau
hơn. Thành tựu khoa học công nghệ mang đến cơ hội hợp tác giữa các quốc gia
với nhau, từ đó xuất hiện những khái niệm mới như đa văn hóa, đa quốc gia,
xuyên biên giới, công dân toàn cầu... Bên cạnh rất nhiều lợi ích dễ nhận thấy,
sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, chủng tộc cũng tạo nên những vấn đề
đáng lo ngại, trong đó có mối đe dọa đối với bản sắc dân tộc cũng như bản sắc
cá nhân. Song song xu hướng hòa nhập và thấu hiểu lẫn nhau, thời đại ngày
nay mặt khác còn chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, phân biệt đối
xử, khủng hoảng về bản sắc, các phong trào dân tộc mới... Những làn sóng này
đặt ra yêu cầu xem xét lại các quan niệm giá trị vốn có về các vấn đề xã hội
nhân văn như con người, cộng đồng, công dân... Do vậy ở thời đại hiện nay,
vấn đề quản trị con người trở thành một bài toán hết sức tinh tế và phức tạp.
Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy thời đại đó. Trong bối cảnh đầy
thời cơ và thách thức như thế, Đảng ta nhận định rằng “dù đạt được những
thành tựu rất quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng đất nước ta vẫn đứng trước
nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021,
4
tr.31). Đó là biến động thời đại đòi hỏi phải có một nền kinh tế độc lập, bền
vững để có thể đảm bảo tính tự chủ. Sở hữu nguồn lao động trẻ dồi dào, cơ
cấu lao động đa dạng, tiềm lực ở nền kinh tế tư nhân còn lớn, thế nhưng nước
ta vẫn chưa khai thác được hết các nguồn lực sẵn có này. Do vậy, ở Đại hội
Đại biểu Toàn quốc Lần thứ XIII, Đảng đã nhấn mạnh vai trò của con người
trong công cuộc xây dựng đất nước. Văn kiện Đại hội nêu rõ:
“Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy
mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại
đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh
phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn
hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh
mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh
thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn
lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. (Đảng
Cộng sản Việt Nam, 2021, tr.34)
Vấn đề công dân không phải là một chính sách nhất thời mà chính là nền
tảng xuyên suốt trong công cuộc quản lý và phát triển đất nước. Ngay từ thời
phong kiến, “lấy dân làm gốc” đã là kim chỉ nam cho các quyết sách chính trị.
Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, cùng với sự ra đời của nhà
nước Việt Nam hiện đại, vấn đề công dân đã được củng cố và luật pháp hóa
trong cách văn kiện, đường lối, tư tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh
luôn nhắc nhở cán bộ Đảng rằng độc lập dân tộc cốt để mang lại tự do, hạnh
phúc cho nhân dân, nếu đạt được độc lập dân tộc nhưng dân không có được
hạnh phúc thì sự độc lập ấy chỉ là vô nghĩa. Người còn đặc biệt nhấn mạnh
vai trò trung tâm của nhân dân: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ của
dân... Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” (Hồ Chí
Minh, 1995, tr.152). Là hạt nhân nền tảng của một xã hội, một quốc gia, công
5
dân tự do vững mạnh không chỉ giúp nhà nước độc lập mà còn là tiền đề cho
sự phát triển của toàn bộ xã hội. C. Mác và Ph. Ăngghen từng tuyên bố rằng
“sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất
cả mọi người” (C. Mác & Ph. Ăngghen, 1995, tr.628). Điều đó có nghĩa là
muốn đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh,
tiến lên chủ nghĩa xã hội mà đất nước ta đang theo đuổi, nhất định phải tạo ra
được sự phát triển tự do ở mỗi cá thể công dân.
Đồng thời, vai trò tác động của người dân đối với sự phát triển đất nước
cũng là một vấn đề quan trọng đã được Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh. Chủ
tịch Hồ Chí Minh sớm nhìn thấy được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa
cán bộ và quần chúng nhân dân, cũng như phê phán mạnh mẽ thái độ coi khinh
quần chúng của một bộ phận cán bộ nhà nước. Trong Thư gửi các đồng chí tỉnh
nhà, Người viết: “Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc
Chính phủ. Còn những việc làm, mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên
lượng.” (Hồ Chí Minh, 1995, tr.21). Điều đó cho thấy không phải đến bối cảnh
toàn cầu hóa hiện nay thì vai trò điều phối của người dân mới quan trọng, mà
xuyên suốt ngay từ những buổi đầu, việc phát huy hết vai trò của công dân đã
luôn là một trong những vấn đề nền tảng. Bước sang giai đoạn đổi mới và toàn
cầu hóa hiện nay, biến đổi của vấn đề công dân nằm ở sự đa dạng hóa thành
phần và nguồn lực trong nhân dân. Nếu như trước đây cơ chế kinh tế cũ chỉ tập
trung vào kinh tế nhà nước mà không chú ý đến bộ phận kinh tế tư bản tư nhân,
thì ở giai đoạn hiện nay, các chính sách kinh tế đã chú ý đến đa dạng thành
phần như kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân,
kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Với định hướng
kinh tế thị trường, Đảng ta chủ trương khơi gợi, huy động, phát triển nguồn lực
của mọi tầng lớp nhân dân vào xây dựng kinh tế, tạo nên một nền kinh tế đa
dạng thành phần, chú ý đến những khó khăn của bộ phận kinh tế tư nhân và
kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát huy tốt nhất những tiềm lực đang
6
có. Đây là một sự thay đổi to lớn, cho thấy nhận thức của Đảng ta trước sự biến
đổi của xã hội và vấn đề công dân trong thời đại mới.
Vấn đề công dân có ý nghĩa hết sức to lớn xuyên suốt trong lịch sử cũng
như trong thực tiễn hiện nay. Thế nhưng, Giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn lại
chỉ ra rằng:
“Có một thực tế rất dễ nhận ra là không phải nhân dân ta ai cũng đều
hiểu, đều biết và đã có đầy đủ khả năng sử dụng các quyền dân chủ mà
mình được hưởng. Vì vậy, trước hết, như Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu,
phải “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng
quyền dân chủ của mình”. Để làm được như vậy cần có sự hiểu biết, có
trình độ học vấn nhất định. Sự kém hiểu biết hoặc trình độ học vấn quá
thấp sẽ dẫn đến tình trạng tự cho mình vô tình làm mất các quyền mà
mình đáng được hưởng, trở thành mất tự do.” (Nguyễn Trọng Chuẩn,
2002, tr.647-648)
Do vậy, trước nhu cầu thực tiễn hiện nay đối với lý luận về phát huy
nguồn lực công dân, cũng như dựa trên giá trị tư tưởng của Fukuzawa
Yukichi về vấn đề công dân, học viên nhận thấy “Tư tưởng của Fukuzawa
Yukichi về vấn đề công dân: Nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử” là một đề
tài cấp thiết và có nhiều giá trị. Việc tìm hiểu và phân tích những nội dung
xoay quanh tư tưởng về công dân của Fukuzawa Yukichi hy vọng sẽ mang lại
ý nghĩa về mặt lý luận lẫn thực tiễn đối với người thực hiện đề tài nói riêng,
và xa hơn nữa là đối với xã hội Việt Nam hiện nay nói chung.
2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu đề tài
Là một nhà tư tưởng châu Á kiệt xuất, Fukuzawa Yukichi đã xuất hiện
khá nhiều trong các công trình nghiên cứu tại Việt Nam. Các nghiên cứu này
có thể chia thành hai hướng cơ bản:
Hướng thứ nhất: các công trình nghiên cứu, tìm hiểu sâu về cơ sở lịch sử
xã hội, tiền đề lý luận và nhân tố chủ quan cho sự hình thành tư tưởng của
7
Fukuzawa Yukichi về công dân, trong đó cũng có nhắc đến một số giá trị tư
tưởng của ông nhưng chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu sơ lược.
Nhật Bản cận đại của tác giả Vĩnh Sính do nhà xuất bản Lao động xuất
bản năm 2014 là công trình nghiên cứu những sự kiện và thành tựu phát triển
quan trọng trong lịch sử Nhật Bản từ thế kỷ XVII đến khi kết thúc Chiến
tranh Thế giới thứ hai. Ở chương V: Minh Trị Duy Tân – giai đoạn I (1868 –
1885), học giả Vĩnh Sính có phân tích những cải cách chính yếu đầu thời
Minh Trị. Trong đó, Fukuzawa Yukichi được khẳng định là nhân vật có công
lao lớn nhất đối với việc định hình nền giáo dục Nhật Bản hiện đại thông qua
những đóng góp như xây dựng trường học, đào tạo ra các chính trị gia tài
năng, viết sách, biên tập tạp chí...
Tác phẩm Duy tân thập kiệt của Nguyễn Tiến Lực xuất bản bởi nhà xuất
bản Khoa học xã hội năm 2018 giới thiệu và phân tích mười nhân vật kiệt
xuất có vai trò quan trọng nhất trong sự thành công của Minh Trị duy tân.
Chương 9 của quyển sách này dành cho nhân vật Fukuzawa Yukichi. Tại đây,
Fukuzawa được giới thiệu về tiểu sử và các tư tưởng khai sáng nổi bật. Đó là
tư tưởng về văn minh, tinh thần độc lập tự tôn, chính trị dân quyền, thương
mại lập quốc, giáo dục “thực học”.
Quyển sách Fukuzawa and the making of the modern world của tác giả
Alan Màcarlane viết vào năm 2002 được Phạm Thúy Ngân chuyển ngữ, nhà
xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2017 dưới tiêu đề
Fukuzawa Yukichi và công cuộc kiến thiết thế giới hiện đại đã phân tích khá chi
tiết về cuộc đời và những đóng góp quan trọng của Fukuzawa Yukichi. Tư tưởng
nêu trong quyển sách trải trên các vấn đề như văn minh, Tây học, tự do, bình
đẳng, gia đình… Công trình này giúp mang lại một cái nhìn tổng quát về nhân
vật Fukuzawa Yukichi và đóng góp của ông đối với nước Nhật lúc bấy giờ.
Năm 2011, Masako N. Racel thuộc Khoa Lịch sử, Đại học Georgia State
(Hoa Kỳ) đã thực hiện luận án triết học đề tài Finding their Place in the
8
World: Meiji Intellectuals and the Japanese Construction of an East-West
Binary, 1868-1912 (tạm dịch: Định vị bản thân trên thế giới: Trí thức Minh
Trị và công cuộc xây dựng nhị nguyên Đông-Tây Nhật Bản, 1868-1912).
Luận án này nghiên cứu về năm nhân vật nổi bật thời Minh Trị trong việc tiếp
thu văn minh và định vị chính mình trước hai làn sóng đông và tây ở giai
đoạn cải cách mở cửa của Nhật Bản cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Fukuzawa Yukichi là một trong năm nhà tư tưởng được nghiên cứu trong luận
án và được xem như người “dẫn nhập vào văn minh”. Trong luận án, tác giả
Masako N. Racel nhắc đến công lao của Fukuzawa khi ông đã chuyển các
thuật ngữ như “văn minh”, “dã man”, “lục địa”… sang tiếng Nhật, đưa ra
những khái niệm phân biệt phương Đông và phương Tây về mặt địa lý lẫn
mặt văn minh. Tác giả luận án chú ý đến cách phân biệt trình độ các dân tộc
thành dã man, bán khai và văn minh, cũng như cách Fukuzawa sắp xếp các
quốc gia xung quanh vào cấp bậc ấy. Song song đó, luận án còn chỉ ra thái độ
của Fukuzawa Yukichi đối với cách vận hành nhà nước, quản lý người dân,
đó là tinh thần đề cao tính tự do, tự chủ và đồng thời phê phán mạnh mẽ
những lý luận vốn có đang kìm hãm sự phát triển của mỗi cá nhân.
Ngoài ra, UNESCO cũng có một số công trình tạp chí phân tích và giới
thiệu về cuộc đời, tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Tạp chí Prospects: The
quarterly review of comparative education năm 1993, quyển XXIII, số 3/4 là
ấn phẩm phân tích các vấn đề, thách thức, tư tưởng giáo dục mang tính khai
phóng của nhân loại như bình đẳng nam nữ trong giáo dục, vấn đề giáo dục
công và giáo dục tư nhân, các vấn đề trong phát triển giáo dục đại học… Trong
đó, ở phần Khuynh hướng/Trường hợp cụ thể, số tạp chí này dành riêng một
mục cho bài viết của tác giả Nishikawa Shunsaku giới thiệu về cuộc đời và
đóng góp tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Cụ thể, Nishikawa Shunsaku điểm
qua những dấu ấn nổi bật trong cuộc đời Fukuzawa như thời thơ ấu tại trường
học dành cho samurai, sự kiện sang nước ngoài và nhận thức trực tiếp về văn
9
minh phương Tây. Tiếp đó, tác giả bài viết cũng giới thiệu sơ lược hai tác
phẩm tiêu biểu của Fukuzawa là Khuyến học và Bàn về văn minh, nhắc đến giai
đoạn điều hành trường học khai phóng. Cuối cùng, bài viết nhận xét về những
đóng góp cũng như hạn chế bị chỉ trích của Fukuzawa. Thông qua hàng loạt
những phân tích, Nishikawa Shunsaku kết luận rằng Fukuzawa Yukichi không
chỉ là thầy của những cô cậu học trò trong trường học của mình, mà còn là
người thầy của tất cả người dân Nhật Bản, là một nhà giáo dục đáng được
nghiên cứu và tư tưởng vẫn còn những giá trị cho đến tận ngày nay.
Hướng thứ hai: nghiên cứu những nội dung, đặc điểm, giá trị và ý nghĩa
trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trên một số lĩnh vực nhất định.
Năm 1958, Carmen Blacker có bài báo tiêu đề Fukuzawa Yukichi on
Family Relationships (tạm dịch: Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về quan hệ
gia đình) đăng trên Tạp chí Monumenta Nipponica, quyển 14, số 1/2. Bài báo
này tập trung vào những quan niệm của Fukuzawa Yukichi trước các mối quan
hệ gia đình như cha mẹ-con cái, vợ-chồng. Bài báo đưa ra so sánh giữa quan hệ
gia đình truyền thống có trong xã hội Nho giáo Nhật Bản, sau đó nêu lên thái
độ của Fukuzawa Yukichi trước những tục lệ vốn có. Cụ thể, đối với mối quan
hệ cha mẹ-con cái, Fukuzawa Yukichi không đồng tình với cách nghĩ rằng cha
mẹ vì đã có công sinh thành mà có toàn quyền sở hữu và quyết định đối với
con cái. Ông giới hạn lại quyền hạn của cha mẹ, cho rằng cha mẹ cần tôn trọng
con cái bởi cha mẹ và con cái cũng là một mối quan hệ xã hội dân sự nên phải
tuân theo các nguyên tắc của xã hội dân sự. Ở mối quan hệ vợ chồng,
Fukuzawa nêu lên tính bình đẳng. Ông phản đối mạnh mẽ sự áp đặt và những
quy tắc mà xã hội dành cho phụ nữ. Ông cho rằng người phụ nữ/người vợ cũng
phải có những quyền hạn ngang bằng với nam giới/người chồng. Giữa phụ nữ
và nam giới nên là mối quan hệ cởi mở thay vì là những tục lệ ngăn cấm sự
thân mật. Chỉ khi phá vỡ được những lối suy nghĩ lạc hậu trong mối quan hệ
gia đình, các cá nhân mới có thể phát triển tự do, xã hội mới có thể tiến bộ.
10
Năm 1982, tác giả Iida Kanae (飯田鼎) công bố trên Tạp chí Kinh tế
Keio (三田学会雑誌) quyển 75, số 3 (1982.6), trang 283(55)-297(69) bài
nghiên cứu 福沢諭吉における民権とナショナリズムの形成:『西洋事
情』と『学問のすすめ』を中心に (tạm dịch: Sự hình thành tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi về dân quyền và chủ nghĩa dân tộc trong hai tác phẩm:
“Tây dương sự tình” và “Khuyến học”. Bài nghiên cứu nhằm phân tích sự
chuyển biến và phát triển của tư tưởng Fukuzawa Yukichi về dân quyền và
chủ nghĩa dân tộc, cũng như chỉ ra mối liên hệ giữa hai vấn đề này. Trong đó,
tác giả Iida chia tư tưởng của Fukuzawa Yukichi thành hai giai đoạn gắn với
từng trước tác: (1) giai đoạn đầu gắn với tác phẩm Tây dương sự tình: chính
phủ Minh Trị chưa được thành lập, chính trị rơi vào khủng hoảng, giới trí
thức còn mơ hồ về hình mẫu chính trị tương lai và (2) giai đoạn sau đó gắn
với tác phẩm Khuyến học: chính phủ Minh Trị mở ra một thời đại mới, xây
dựng một đất nước hiện đại. Ở giai đoạn đầu, Fukuzawa chủ yếu khảo sát lịch
sử xã hội, chính trị của các quốc gia phương Tây phát triển. Thông qua đó,
ông đã giới thiệu đến người dân Nhật Bản – lúc bấy giờ vẫn còn trong tình
trạng phong kiến lạc hậu – những khái niệm đầu tiên về tự do và quyền cá
nhân. Giữa sự mơ hồ mất định hướng, việc tiếp cận với tri thức kinh tế, chính
trị, pháp luật phương Tây đã mở ra cho ông ý tưởng về một nhà nước dân chủ
hiện đại, có sự kiểm soát của Hội đồng nhân dân, vận hành bằng pháp luật và
hệ thống thuế quan. Đến giai đoạn sau, khi nhà nước Minh Trị ra đời và áp
dụng những lý thuyết chính trị phương Tây vào thực tiễn Nhật Bản,
Fukuzawa Yukichi tiếp tục làm rõ và củng cố tư tưởng về dân quyền. Trong
đó, ông nhấn mạnh vào quyền tự do cá nhân, sự độc lập của cá nhân trước
chính quyền cai trị, quyền và nghĩa vụ đấu tranh của mỗi công dân nhằm bảo
vệ tính tự do chính đáng của mình. Bằng sự khảo sát chuyển biến tư tưởng
trong hai tác phẩm đại diện cho hai giai đoạn tư tưởng như thế, bài nghiên
11
cứu của Iida đã cho thấy bối cảnh xã hội và đặc trưng của tư tưởng Fukuzawa
Yukichi về vấn đề quyền công dân và chủ nghĩa dân tộc, qua đó cũng thấy
được một số quan điểm nổi bật của Fukuzawa về công dân trong một nhà
nước hiện đại.
Cũng trên Tạp chí Kinh tế Keio, ở quyển 78, số 6 (1986.2), trang 668(20)-
684(36), Iida Kanae vào năm 1986 tiếp tục có bài nghiên cứu với tiêu đề 福沢
諭吉と国会開設運動 (tạm dịch: Fukuzawa Yukichi và cuộc vận động thành
lập Quốc hội). Trong bài viết này, tác giả phân tích ba nội dung chính: (1) quan
điểm về văn minh của Fukuzawa Yukichi trong tác phẩm Cải cách dân tình,
(2) chuyển biến chính trị và tác phẩm Luận về thời thế và (3) quan điểm của
Fukuzawa Yukichi xem chế độ quân chủ lập hiến của Anh như một hình mẫu
lý tưởng. Đây là một nghiên cứu về tư tưởng chính trị của Fukuzawa Yukichi
đối với việc thành lập mô hình nhà nước mới sau khi chế độ phong kiến cũ vừa
bị lật đổ. Qua các phân tích trong bài báo, có thể thấy rằng Fukuzawa Yukichi
xem việc thành lập Quốc hội là điều cần thiết đối với nhà nước Minh Trị vừa ra
đời. Fukuzawa luôn cho rằng các mâu thuẫn, xung đột trong chính trị thường là
do mọi người không thể trao đổi ý kiến với nhau, vì thế Quốc hội sẽ là nơi lắng
nghe và điều hòa ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra
rằng người dân Nhật Bản lúc bấy giờ vẫn chưa hình thành được ý thức chính trị
nên chưa thể phát huy hiệu quả quyền lợi, sức mạnh của mình trong một mô
hình nhà nước pháp quyền kiểu mới. Từ đó, Fukuzawa Yukichi tiến hành khảo
sát các mô hình nhà nước và Quốc hội trên thế giới. Ông kết luận mỗi mô hình
đều là kết quả từ những điều kiện lịch sử xã hội nhất định, Nhật Bản không thể
rập khuôn một mô hình nào cả, mà thay vào đó là phải xây dựng cho riêng
mình mô hình nhà nước thích hợp. Tuy nhiên, ông đặc biệt quan tâm đến mô
hình quân chủ lập hiến của nước Anh – nơi vừa có Hoàng tộc thống trị, vừa có
Quốc hội đại diện cho ý kiến của số đông quần chúng. Bài nghiên cứu này của
học giả Iida Kanae đã giới thiệu một phần tư tưởng Fukuzawa Yukichi dưới
12
góc độ chính trị, đồng thời cho thấy sự thức thời, sâu sắc và thực tế trong cách
nghĩ của nhà tư tưởng Minh Trị lỗi lạc này.
Trên Tạp chí Triết học số 2 năm 1995, Nguyễn Tiến Lực đã có bài viết
Fukuzawa Yukichi và tư tưởng khai sáng của ông giới thiệu sơ lược cuộc đời
Fukuzawa Yukichi và những vấn đề về văn minh, khai sáng trong quan điểm
của nhân vật này. Cụ thể, đó là lý luận về bản chất và đặc điểm của văn minh,
coi văn minh hóa là phương tiện để bảo vệ độc lập đất nước, đề cao tinh thần
“độc lập tự tôn”, phê phán hư học và chủ trương thực học, bàn đến nhân
quyền và quyền bình đẳng. Trong quy mô một bài báo, các vấn đề này được
học giả Nguyễn Tiến Lực trình bày một cách sơ lược, nhưng qua đó cũng đã
thấy được giá trị và hạn chế của tư tưởng Fukuzawa Yukichi đối với Nhật
Bản lúc bấy giờ.
Nguyễn Tiến Lực còn nghiên cứu về Fukuzawa Yukichi trên lĩnh vực
giáo dục qua cuốn sách Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ – Tư tưởng
cải cách giáo dục do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất
bản năm 2013. Tại đây, tư tưởng của Fukuzawa Yukichi được đào sâu trên
những vấn đề như văn minh, tinh thần tự tôn, dân quyền, giáo dục, cải cách
giáo dục... Công trình này còn tiến hành phân tích so sánh Fukuzawa Yukichi
và Nguyễn Trường Tộ bởi đây đều là những nhân vật tâm huyết với vấn đề
cải cách giáo dục cũng như sống trong cùng thời đại. Tác giả Nguyễn Tiến
Lực đã chỉ ra được những điểm khác nhau trong tư tưởng cải cách của hai
nhân vật này, đồng thời giải thích sự khác nhau đó dựa trên bối cảnh lịch sử
xã hội của Việt Nam và Nhật Bản. Công trình giúp phần nào hiểu được
nguyên nhân thành công của Fukuzawa Yukichi ở cuộc cải cách Minh Trị tại
Nhật Bản, trong khi cùng giai đoạn đó, cuộc canh tân của Nguyễn Trường Tộ
dưới thời Nguyễn tại Việt Nam lại gặp thất bại.
Nhà nghiên cứu Vĩnh Sính có công trình mang tên Việt Nam và Nhật
Bản trong thế giới Đông Á do Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh,
13
Khoa Sử học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành
năm 1993. Trong công trình này, tác giả đã dành ra một phần để trình bày
Quan niệm về độc lập quốc gia của Việt Nam và Nhật Bản: Trường hợp Phan
Bội Châu và Fukuzawa Yukichi. Tại đây, tư tưởng của Fukuzawa Yukichi đã
được phân tích qua những nội dung về độc lập dân tộc: động lực cho tư tưởng
độc lập dân tộc, bản chất của tính độc lập dân tộc và những cách thức để đạt
được sự độc lập cho dân tộc Nhật Bản. Ở công trình này, vấn đề công dân
cũng được đề cập sơ lược khi nói đến mối liên hệ giữa độc lập cá nhân của
công dân với độc lập cho toàn thể dân tộc.
Tác giả Bill Mihalopoulos thuộc Trung tâm Châu Á học, Đại học
Adelaide (Úc) vào năm 2012 có bài luận với tiêu đề An exercise in good
government: Fukuzawa Yukichi on emigration and nation-building (tạm
dịch: Thực tiễn về chính quyền tốt: Quan điểm của Fukuzawa Yukichi về vấn
đề di dân và xây dựng quốc gia). Thông qua khảo sát một số tác phẩm sách
vở và những bài phát biểu, tạp chí của Fukuzawa, tác giả Bill Mihalopoulos
đã chỉ ra tính cởi mở của Fukuzawa trước việc di cư sang nước ngoài người
dân trong nước – một điều đối lập với một số nhân vật lãnh đạo tư tưởng và
chính trị đương thời. Cách hiểu của Fukuzawa Yukichi về sức mạnh công
dân không giới hạn ở phạm vi địa lý. Bằng nghiên cứu so sánh với trường
hợp nước Anh, Fukuzawa cho rằng người dân Nhật Bản nếu có cơ hội nên
sang nước ngoài học tập hoặc tìm kiếm công việc, miễn sao chúng phát huy
tốt nhất năng lực của mỗi cá nhân, bởi người dân tại nước ngoài vẫn có thể
đóng góp của cải, trí óc cho sự hưng thịnh của quê hương. Bên cạnh đó, bài
luận này cũng nhắc đến sự không phân biệt tầng lớp, giới tính khi phát huy
sức mạnh công dân trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Qua bài luận này,
có thể thấy được trong bối cảnh thời đại, Fukuzawa đã có những tư tưởng
cởi mở, khai phóng cho sự phát triển của nguồn lực công dân cũng như xây
dựng đất nước.
14
John Gavin Branstetter tại Đại học California (Hoa Kỳ) thực hiện Luận
án Tiến sĩ Khoa học Chính trị năm 2017 với đề tài Translational Moments:
Citizenship in Meiji Japan (tạm dịch: Các cột mốc dịch thuật: Quyền công
dân tại Nhật Bản thời kỳ Minh Trị). Nội dung luận án xoay quanh những sự
kiện dịch thuật quan trọng trong lịch sử mà từ đó các khái niệm triết học,
chính trị, luật học được đưa vào Nhật Bản. Trong đó, Fukuzawa Yukichi được
nhắc đến ngay tại cột mốc đầu tiên. Theo tác giả John Gavin Branstetter,
Fukuzawa Yukichi chính là người có công chuyển ngữ các khái niệm liên
quan đến công dân, ý thức về phương Tây, thành thị, quyền và nghĩa vụ…
Tuy vấn đề mà luận án giải quyết là dịch thuật, nhưng thông qua khảo sát
cách dùng từ trong hàng loạt tác phẩm của Fukuzawa Yukichi, luận án đã chỉ
ra rằng Fukuzawa hướng đến tính cá nhân hóa công dân, tính bình đẳng giữa
các giai cấp, vạch ra cho Nhật Bản những nền tảng căn bản để xây dựng nên
một quốc gia hiện đại với mối quan hệ tách bạch về quyền và nghĩa vụ. Trong
các tác phẩm của Fukuzawa Yukichi, những từ ngữ như “thị dân”, “bình dân”,
“quốc dân” là sự biểu đạt khái niệm “citizen” của phương Tây, biểu thị những
cách thức sinh sống đa dạng chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi nghề
nghiệp như cách gọi “sĩ”, “công”, “nông”, “thương” dưới thời Mạc phủ. Cách
dịch thuật và giới thiệu khái niệm như thế đã phá vỡ những quy tắc phong
kiến vốn có, tạo cho độc giả của ông thời bấy giờ nhận thức về sự bình đẳng,
cảm thấy mình là một cá nhân độc lập. Do vậy, Fukuzawa Yukichi có công
lớn trong việc thúc đẩy ý tưởng về thương mại, trau dồi cá nhân, xây dựng
sức mạnh và sự thịnh vượng cho quốc gia, tách biệt giữa vấn đề chính trị và
xã hội công dân.
Vào năm 2020, Hiệp hội nghiên cứu Yamamoto, Chuyên ngành Giáo
dục học, Khoa Văn học, Đại học Keio (Nhật Bản) đã hoàn thành công trình
福澤諭吉の教育思想研究 (tạm dịch: Nghiên cứu tư tưởng giáo dục của
Fukuzawa Yukichi) với dung lượng 130 trang. Công trình này chia tư tưởng
15
của Fukuzawa Yukichi thành ba giai đoạn: giai đoạn trước năm 1877 với tác
phẩm Khuyến học và Khái lược văn minh luận, giai đoạn từ năm 1877 đến
năm 1887 với tác phẩm Luận về giáo dục và Luận về đức dục, giai đoạn từ
1887 trở về sau với tác phẩm Luận về giáo dục phụ nữ và Luận về giáo dục
gia đình. Ở từng tác phẩm, nhóm tác giả nêu lên những vấn đề nổi bật mà tư
tưởng của Fukuzawa Yukichi giải quyết như mục đích của giáo dục, tính độc
lập của giáo dục, bình đẳng nam nữ trong giáo dục, những thay đổi cần thiết
trong cách giáo dục truyền thống dành cho phụ nữ... Nổi bật xuyên suốt trong
tư tưởng giáo dục của ông luôn là tính độc lập, bình đẳng, tự do nhằm phát
huy tốt nhất năng lực của mỗi cá nhân, cũng như khai thác năng lực của mỗi
cá nhân ấy cho sự bảo vệ và xây dựng đất nước.
Tại Việt Nam, tư tưởng của Fukuzawa Yukichi cũng được tìm hiểu qua
một số công trình luận văn. Đinh Quang Trung đã thực hiện luận văn thạc sĩ
với đề tài Tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi tại Đại học Đà Nẵng năm
2015. Luận văn phân tích qua những nội dung tư tưởng của Fukuzawa như
mục đích của giáo dục, phê phán thói “hư học” vốn chịu ảnh hưởng từ truyền
thống Hán học, đề xuất thiết lập một nền giáo dục thực dụng, tiếp thu có chọn
lọc văn minh phương Tây trên cơ sở đề cao chủ nghĩa quốc gia, phương pháp
của giáo dục. Đồng thời, tác giả Đinh Quang Trung cũng tìm hiểu về ảnh
hưởng của tư tưởng giáo dục Fukuzawa Yukichi đối với xã hội Nhật Bản,
cũng như ý nghĩa của việc nghiên cứu tư tưởng của nhân vật này đối với quá
trình đổi mới giáo dục hiện nay của nước ta.
Nguyễn Minh Nguyên thực hiện Luận án Tiến sĩ đề tài Tư tưởng cải
cách của Fukuzawa Yukichi (1835-1901) và giá trị của nó tại Viện Hàn Lâm
Khoa học xã hội Việt Nam năm 2016. Đây là một công trình giá trị trong việc
tiếp cận nhân vật Fukuzawa Yukichi dưới góc độ tư tưởng cải cách. Những
nội dung cải cách mà luận án nghiên cứu trải trên các lĩnh vực giáo dục, nhà
nước, ngoại giao. Sau khi phân tích qua những vấn đề nổi bật trong các lĩnh
16
vực đó, tác giả Nguyễn Minh Nguyên còn chỉ ra giá trị của tư tưởng
Fukuzawa Yukichi đối với chính sách cải cách của chính quyền Minh Trị, đối
với phong trào canh tân của Việt Nam ở đầu thế kỷ XX, cũng như giá trị gợi
mở của tư tưởng Fukuzawa Yukichi đối với Việt Nam hiện nay.
Cũng về Fukuzawa Yukichi nhưng tác giả Phạm Thanh Mai tại Đại học
Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2018 nghiên
cứu khía cạnh tư tưởng kinh doanh với đề tài luận văn Nghiên cứu về tư tưởng
kinh doanh của Fukuzawa Yukichi. Luận văn phân tích khá nhiều về bối cảnh
lịch sử, các hoạt động của Fukuzawa Yukichi, những điểm nổi bật trong tư
tưởng kinh doanh của Fukuzawa Yukichi và ý nghĩa của các tư tưởng ấy. Đặc
biệt, luận văn có phân tích việc áp dụng tư tưởng kinh doanh của Fukuzawa
vào thực tế như sáng lập và điều hành trường đại học Keio, sáng lập và kinh
doanh chuỗi cửa hàng nhà sách Maruzen. Điều đó cho thấy tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi không chỉ là lý thuyết sách vở đơn thuần mà đã được ông
vận dụng vào thực tế của bản thân, cũng như khuynh hướng bám sát thực tế
trong tính cách của Fukuzawa.
Bên cạnh đó còn có những nghiên cứu phân tích và so sánh tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi với những tư tưởng cùng thời đại hoặc nghiên cứu sự kế
thừa, phản biện đối với nhân vật này. Học giả Umetsu Junichi (梅津順一) có
bài viết tiêu đề 文明化と日本―福沢諭吉と徳富蘇峰 (tạm dịch: Văn minh
hóa và Nhật Bản: Fukuzawa Yukichi và Tokutomi Sohou) trong Kỷ yếu khoa
học Trường Đại học nữ sinh ngắn hạn Aoyama (青山学院女子短期大学紀
要) số 44 năm 1990. Trong đó, tác giả đã phân tích quan niệm về vấn đề văn
minh hóa đất nước Nhật Bản trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi và
Tokutomi Sohou (1863-1957) – một nhà báo, nhà sử học có ảnh hưởng đến
chính trị Nhật Bản thuộc thế hệ tiếp nối Fukuzawa Yukichi. Tư tưởng của
Fukuzawa được phân tích trong bài nghiên cứu này chủ yếu là các quan niệm
17
về quốc gia, dân tộc trong tác phẩm Bàn về văn minh. Các tư tưởng này được
đặt trong sự so sánh với tư tưởng của Tokutomi Sohou về “chủ nghĩa bình
dân”. Nếu như Fukuzawa đặt mục tiêu “văn minh hóa” lấy phương Tây làm
hình mẫu, đề cao tính bình đẳng và độc lập cá nhân trong sự phát triển đất
nước, thì Tokutomi Sohou đã tiếp nối và vạch ra một kịch bản rõ nét hơn cho
tương lai Nhật Bản. Đó là một quốc gia thay vì chỉ xoay quanh vấn đề quân
sự để tạo sức mạnh tự vệ trước thế lực ngoại bang thì nên chuyển sang phát
triển một nền kinh tế trong nước đa dạng, sôi động và hiệu quả, chọn hoạt
động sản xuất làm nhân tố phát triển sức mạnh đất nước. Bài nghiên cứu này
của học giả Umetsu Junichi đã cho thấy một hướng phát triển và biến đổi dựa
trên tư tưởng của Fukuzawa Yukichi, một sự điều chỉnh xuất phát từ những
biến đổi nhất định của yêu cầu thời đại.
Với tiểu luận 社会契約から文明史へ-福沢諭吉の初期国民国家形
成構想 (tạm dịch: Từ khế ước xã hội đến lịch sử văn minh – Quan niệm sơ
khai về quốc gia dân tộc của Fukuzawa Yukichi) đăng trên Tạp chí Phê bình
Luật Đại học Hokkaido (北大法学論集) năm 1990 số 40(5-6)2, trang 739-
786, học giả Matsuzawa Hiroaki (松沢弘陽) đã phân tích quá trình hình
thành quan điểm về quốc gia dân tộc trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi
dựa trên sự kế thừa tư tưởng về khế ước xã hội của nhà tư tưởng người Mỹ
Francis Weyland (1796-1865). Nếu như nhà khai sáng người Pháp Jean-
Jacques Rousseau dùng lý thuyết khế ước xã hội để giải thích sự hình thành
nhà nước thì Francis Weyland đã tiếp tục phát triển học thuyết này theo một
góc độ cấp tiến hơn. Francis Weyland phân biệt xã hội thành xã hội đơn thuần
và xã hội chính trị. Học giả người Mỹ này chỉ ra rằng trong xã hội chính trị,
sự tham gia của các cá nhân không mang tính tự nguyện mà có tính bản năng,
đồng thời “khế ước” tham gia vào xã hội chính trị này không hoàn toàn thể
hiện ý muốn của các cá nhân ấy. Francis Weyland còn đi sâu phân tích sự
18
hình thành lòng yêu nước, cho rằng đó là tình cảm sâu sắc nhất của con người
và nảy sinh nhằm phù hợp với tính chất của xã hội chính trị. Do vậy, thông
qua lòng yêu nước, người dân có thể từ bỏ phần nào quyền lợi cá nhân để
hướng đến mục tiêu chung của nhà nước – hướng lập luận này được
Fukuzawa Yukichi tiếp thu mạnh mẽ. Từ lý thuyết khế ước xã hội của
Rousseau và Weyland, Fukuzawa Yukichi đã hình thành những lý luận về sự
hình thành và phát triển của nhà nước Nhật Bản. Ông cho rằng đích đến của
con đường phát triển đất nước chính là trình độ văn minh, và cách thực hiện
mục tiêu này chính là phát triển tinh thần độc lập của mỗi cá nhân trong đất
nước. Tiểu luận của Matsuzawa Hiroaki đã cho thấy nỗ lực của Fukuzawa
Yukichi trong việc tìm cách xây dựng những “công dân” độc lập, nỗ lực chỉ
ra những hệ tư tưởng lạc hậu đang cản bước phát triển của đất nước Nhật Bản,
từ đó cải cách tư tưởng, khai phóng tính độc lập trong mỗi cá nhân.
Bài viết A Comparative Analysis of the Civilizations of Fukuzawa
Yukichi and Sun Yat-sen (tạm dịch: Phân tích so sánh vấn đề văn minh trong
tư tưởng của Fukuzawa Yukichi và Tôn Trung Sơn) của tác giả Matthew Jones
đăng trên Tạp chí Global Tides quyển 9, số 2 năm 2015 cũng là một nghiên
cứu về Fukuzawa Yukichi trong vấn đề văn minh. Tuy nhiên, dưới góc độ so
sánh giữa hai nhân vật tại hai bối cảnh lịch sử khác nhau, bài viết đã cho thấy
những đặc điểm riêng biệt trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi và cũng là
yếu tố làm nên sự thành công của quá trình xây dựng Nhật Bản hiện đại. Ở
Tôn Trung Sơn, đó là bức tranh của một nhà chính trị, nhà hoạt động cách
mạng tại một đại đế chế Trung Hoa đang bị các nước phương Tây xâu xé. Tư
tưởng Tôn Trung Sơn mang đậm tính chính trị, đề xuất quản lý người dân
theo các đơn vị hành chính và phát huy sức mạnh người dân thông qua sự
thịnh vượng chung của địa phương. Tôn Trung Sơn đề cao lý thuyết chọn lọc
tự nhiên ở góc độ xã hội, cho rằng trong xã hội đã có sẵn những người vượt
trội hơn người khác, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, từ đó ông phân chia quản lý
19
dân chúng theo nhiều thứ bậc khác nhau. Mặt khác, Fukuzawa Yukichi với tư
cách một nhà giáo dục không tham gia chính trị, tại một quốc gia mở cửa cải
cách khi nhìn thấy mối đe dọa từ phương Tây, tư tưởng của Fukuzawa mang
tính chất ôn hòa và đề cao sức mạnh cá nhân. Ông không gắn công dân vào
đơn vị hành chính như Tôn Trung Sơn. Thay vào đó, với ông, mỗi một cá
nhân độc lập sẽ tạo nên được một quốc gia độc lập. Fukuzawa xem trọng tính
bình đẳng của cá nhân trong xã hội, cho rằng mọi người đều ngang bằng nhau,
sự phân chia chức vụ trong xã hội chẳng qua là do người dân và chính phủ đã
ngầm ký với nhau một “khế ước” để xã hội vận hành tốt hơn.
Có thể thấy, hướng nổi bật trong các nghiên cứu về tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi là vấn đề giáo dục và độc lập, tự tôn dân tộc. Tại Việt
Nam, mối liên hệ giữa công dân với sự giàu mạnh của dân tộc cũng được
nhắc đến nhưng chỉ dừng ở mức độ sơ lược. Do vậy, vấn đề công dân trong tư
tưởng của Fukuzawa Yukichi vẫn còn cần được nghiên cứu nhiều hơn.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu:
Luận văn nhằm làm rõ nội dung cơ bản trong tư tưởng của Fukuzawa
Yukichi về vấn đề công dân, từ đó rút ra đặc điểm và ỷ nghĩa lịch sử của nội
dung tư tưởng đối với xã hội Nhật Bản thời bấy giờ.
Nhiệm vụ nghiên cứu:
Để đạt được các mục đích nghiên cứu trên, luận văn thực hiện các nhiệm
vụ sau:
- Trình bày, phân tích điều kiện lịch sử-xã hội và tiền đề hình thành tư
tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân.
- Trình bày, phân tích nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của tư tưởng
của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là vấn đề công dân trong tư tưởng
của Fukuzawa Yukichi.
20
Phạm vi nghiên cứu của luận văn tập trung nghiên cứu vấn đề công dân
trong tư tưởng Fukuzawa Yukichi trong các tác phẩm của ông như Khuyến
học, Bàn về văn minh, Phúc ông tự truyện, Thoát Á luận...
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Về cơ sở lý luận, luận văn trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng và
phương pháp duy vật lịch sử. Về phương pháp luận, luận văn sử dụng các
phương pháp cụ thể như lịch sử-logic, diễn dịch-quy nạp, phân tích-tổng hợp.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
Ý nghĩa khoa học:
Nghiên cứu nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử trong quan điểm của
Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân sẽ góp phần làm rõ hệ thống lý luận
của nhà tư tưởng này, đồng thời giúp hiểu được phần nào những tư tưởng nền
tảng của Nhật Bản trong việc xây dựng một nhà nước châu Á hiện đại.
Ý nghĩa thực tiễn:
Những ý nghĩa mà nội dung luận văn rút ra có thể là bài học bổ ích cho
quá trình phát triển đất nước Việt Nam. Luận văn có thể làm tài liệu cho
những ai quan tâm về lịch sử tư tưởng Nhật Bản giai đoạn thế kỷ XIX.
7. Kết cấu nội dung
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung bài tiểu luận bao gồm 2
chương, 5 tiết:
Chương 1: Điều kiện tiền đề hình thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi
về vấn đề công dân
Chương 2: Nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử trong tư tưởng của
Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân
21
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1
ĐIỀU KIỆN TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA
YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN
1.1. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA
FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN
1.1.1. Điều kiện lịch sử - xã hội của thế giới thế kỷ XIX cho sự hình
thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân
Vào đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển rực rỡ và chiếm địa
vị thống trị tại phương Tây. Chế độ quý tộc phong kiến nay phải nhường bước
cho sự lên ngôi của giai cấp tư sản mới nổi. Các cuộc cách mạng tư sản ở Hà
Lan, Anh, Mỹ… diễn ra vào thế kỷ trước đó đã làm thay đổi toàn bộ các mối
quan hệ xã hội phương Tây. Nước Anh vươn lên vị trí đứng đầu trong nền
kinh tế thế giới nhờ vào các phát minh khoa học kỹ thuật. Công nghiệp thay
thế nông nghiệp ở vai trò kinh tế mũi nhọn. Các ngành công nghiệp nặng như
luyện kim, cơ khí, đường sắt phát triển mạnh mẽ, tăng cường khả năng đi lại,
vận chuyển và quân sự của các quốc gia tư bản. Tiếp sau Anh, nước Pháp
cũng vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nước Mỹ giai đoạn này
cũng đã hoàn thành công cuộc giành độc lập thoát khỏi sự cai trị của Anh, từ
đó có thêm điều kiện để phát triển kinh tế theo hình thái tư bản chủ nghĩa và
đạt những thành tựu nhất định trong ngành dệt, luyện kim, công nghiệp nặng
và đường sắt.
Cách mạng tư sản dù chỉ diễn ra ở một số nước châu Âu và châu Mỹ
nhưng lúc bấy giờ, trong mỗi nền kinh tế châu Âu đều đã xuất hiện những
nhân tố của chủ nghĩa tư bản. Nước Đức vẫn chịu sự thống trị của chính
quyền phong kiến, thế nhưng quan hệ tư bản chủ nghĩa cũng đã hình thành và
phát triển mạnh tại một số khu vực nhất định, phần nào giải phóng nhân dân
22
khỏi quan hệ phong kiến. Từ đầu thế kỷ XIX, Đức có những công trường thủ
công đầu tiên cùng với những tiến bộ vượt bậc trong ngành vận tải và giao
thông hàng hải, xuất hiện tàu hơi nước và đường sắt. Tuy nhiên, sự phát triển
của kinh tế tư bản Đức bị kìm hãm đáng kể bởi hình thái phong kiến. Tương
tự như Đức, Ý và Áo cũng vẫn còn tồn tại chế độ phong kiến khiến giai cấp tư
sản không thể đạt được nhiều thành tựu như ở Anh, Pháp, Mỹ. Dù vậy các
quốc gia này cũng manh nha hình thành những mô hình sản xuất công nghiệp
theo phương thức tư bản, làm biến đổi những mối quan hệ sản xuất và đời
sống dù có phần trễ hơn và chậm chạp hơn. Nhìn chung, chủ nghĩa tư bản tại
châu Âu đã tạo nên được nguồn của cải vật chất to lớn và đa dạng, sản sinh
những mối quan hệ mới, nhu cầu mới, cũng như những mâu thuẫn mới (Vũ
Dương Ninh & Nguyễn Văn Hồng, 2005).
Sự phát triển chóng mặt của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa mặt khác lại
tạo nên những bất ổn. Khi năng suất tăng vượt bậc và khối lượng hàng hóa
làm ra được nhiều đến mức bằng tổng số hàng hóa ở các thời kỳ cộng lại, các
nước tư bản nhanh chóng rơi vào khủng hoảng do chênh lệch cung - cầu cũng
như thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Năm 1825, cuộc khủng hoảng kinh tế đầu
tiên diễn ra tại nước Anh và tiếp sau đó là nhiều cuộc khủng hoảng khác liên
tiếp xuất hiện theo chu kỳ mười năm. Các cuộc khủng hoảng này không chỉ
gây tác hại to lớn đến đời sống kinh tế nước Anh mà còn lan rộng ảnh hưởng
đến toàn bộ khu vực châu Âu.
Từ giữa thế kỷ thứ XIX, do hình thái tư bản đã lan rộng và phát triển lớn
mạnh tạo nên mâu thuẫn không thể điều hòa giữa giai cấp tư sản và giới quý
tộc cầm quyền, hầu hết chế độ phong kiến tại các nước phương Tây đã bị lật
đổ và nền chính trị tư bản chủ nghĩa được xác lập. Đồng thời, do sức ép ngày
càng cao của nhu cầu sản xuất tư bản, các nước phương Tây lần lượt tiến
hành những cuộc chiến tranh thực dân nhằm xâm lược và khai thác thuộc địa.
Tại Pháp, chính quyền Napoleon III thi hành chính sách thuộc địa với mục
23
đích thu về nguyên liệu và của cải cho giới đại tư sản đang nắm thế lực trong
nước. Vì muốn tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Biển Đen, Pháp đã liên
minh với Anh để chống lại Nga, nhờ đó Pháp củng cố thêm sức mạnh đối nội
và tăng cường ảnh hưởng đối với nước ngoài. Tiếp đó, Pháp còn can thiệp vũ
trang vào tình hình chính trị ở các nước lân cận như Ý, Đức, thực hiện chiến
tranh xâm lược Algeria, tấn công và buộc Trung Quốc phải ký những hiệp
ước bất bình đẳng, sau đó mở rộng cuộc thực dân xuống các nước Đông Nam
Á.
Nước Anh vốn là quốc gia đi đầu trong làn sóng phát triển công nghiệp
tư bản chủ nghĩa nên cũng không thể tránh khỏi sức ép gay gắt từ nhu cầu
nguyên liệu và thị trường. Nước Anh tìm thấy một thị trường rộng lớn giàu
tiềm năng tại Trung Quốc, vì thế đã nỗ lực buộc quốc gia châu Á này mở cửa
và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động buôn bán của mình. Mâu thuẫn
không thể giải quyết, chiến tranh nha phiến nổ ra, Anh và Trung Quốc từ mối
quan hệ giao thương đã rơi vào trạng thái chiến tranh xâm lược.
Sự thất bại của Trung Quốc trước làn sóng thực dân phương Tây là một
tiếng chuông lay động toàn châu Á. Giai đoạn tiếp xúc với thế lực và văn
minh phương Tây, đại vương triều Trung Quốc đang trong tình trạng suy
thoái từ bên trong: giới vua chúa cầm quyền không chăm lo việc chính trị mà
sa đà vào hưởng thụ, giới quan lại thì hèn kém bất tài. Quân đội tổ chức lỏng
lẻo, quan hệ kinh tế lạc hậu, đời sống người dân suy kém, do vậy Trung Quốc
khi đứng trước sự đe dọa của phương Tây đã nhanh chóng biến thành miếng
bánh cho các cường quốc xâu xé (Đỗ Đức Minh & Võ Thị Hoa, 2019). Nền
văn minh vĩ đại của phương Đông nay trở thành một con “hổ giấy”, bị tàn phá
nặng nề bởi tệ nạn thuốc phiện mà người phương Tây mang đến, để rồi sau đó
phải chịu tình trạng bất bình đẳng trước sức mạnh quân sự phương Tây.
“Cuộc Chiến tranh nha phiến, đã đánh dấu sự suy tàn của phương thức
sản xuất nhỏ phong kiến đã một thời tạo ra nền văn minh phương Đông
24
rực rỡ. Vua quan phong kiến không thể không thừa nhận một sự thật tàn
khốc: đường đường là “thiên binh thiên tướng” của Thiên triều, mà
không chống chọi nổi với những súng dài pháo lớn của “phương Tây
mọi rợ”.” (Thi Hữu Tùng, 2009, tr.78)
Với vị thế cường quốc thống trị, là trung tâm của cả một vùng văn minh,
Trung Quốc sụp đổ kéo theo sự sụp đổ niềm tin vào các giá trị cố hữu vốn
định hình phương Đông, chẳng hạn như Nho giáo. Từ bao đời nay, các lời dạy
Nho giáo của Khổng Tử đã ăn sâu vào đời sống văn hóa, đạo đức, hình thành
nếp nghĩ cho mọi tầng lớp nhân dân Trung Quốc, cũng như lan rộng ảnh
hưởng đến các quốc gia lân cận. Nho giáo vốn duy trì trật tự xã hội bằng chủ
trương đề cao tính huyết thống, mối quan hệ thân tộc, bạn bè, đề cao thứ bậc
trên dưới, gán chức phận và giá trị cho mỗi cá nhân, đồng thời dùng “mệnh
Trời” để giải thích các sự kiện, các mối quan hệ trong xã hội: “Chẳng có việc
gì xảy ra mà chẳng do mệnh trời. Mình nên tùy thuận mà nhận lấy cái mệnh
chính đáng ấy” (Đoàn Trung Còn, 1996, tr.217). Sự bất lực của Nho giáo
Trung Quốc dẫn đến thái độ hoài nghi về tính hiển nhiên của hệ thống thứ bậc
xã hội này. Trong làn sóng hoài nghi đó, Fukuzawa Yukichi đã bác bỏ tính bị
động mà thuyết “thiên mệnh” Nho giáo áp vào con người. Ông tuyên bố rằng
“nỗ lực có thể thay đổi được mệnh trời”, cho rằng con người không hề bị
động và không nên phó thác cuộc đời mình cho một niềm tin vô hình, bởi
“tình trạng giàu, nghèo, mạnh, yếu dứt khoát không phải là do mệnh Trời
hoặc là do ý Trời mà ta đành phải cam chịu. Mà đó là do con người có nỗ lực
hay không chịu nỗ lực mà thôi” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.51). Do đó,
quyền lực và thứ bậc trong xã hội cũng không hề bất biến mà luôn luôn thay
đổi tùy theo nỗ lực của chính con người: “Nhờ nỗ lực như thế, không biết
chừng mới hôm qua còn là kẻ ngu dốt, nhưng ngày mai đã trở thành người tài
giỏi; mới hôm qua còn tự vỗ ngực giàu mạnh, nhưng ngày mai trở nên hèn
kém” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.51). Có thể nói, cuộc chiến tranh nha
25
phiến tại Trung Quốc đã giúp Nhật Bản sớm thức tỉnh và ráo riết chuẩn bị cho
mình tâm thế và lập trường thái độ trước làn sóng phương Tây.
Tóm lại, biến chuyển của thế giới thế kỷ XIX có sự tác động mạnh mẽ
đến nhận thức của người dân châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng. Sự
biến chuyển đã đặt ra câu hỏi về vấn đề công dân – vấn đề mang tính căn bản
để cấu thành nên một quốc gia dân tộc.
1.1.2. Điều kiện lịch sử - xã hội của Nhật Bản thế kỷ XIX cho sự hình
thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân
Điều kiện lịch sử:
Trên tuyến đường biển Thái Bình Dương nối liền giao thương giữa
phương Đông và phương Tây, khu vực Đông Bắc Á – trong đó có Nhật Bản –
chiếm một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Đây đóng vai trò là cầu nối
cho sự giao thương giữa phương Đông và phương Tây, là cửa ngõ cho các
nước phương Tây tiếp cận được với các quốc gia Đông Bắc Á, Đông Nam Á
và châu Đại Dương. Đồng thời, Đông Bắc Á còn nằm trên tuyến đường giao
thương Bắc Nam nối Nga với các quốc gia vùng biển phía Nam. Nằm trong
khu vực địa chính trị trọng yếu như thế, Nhật Bản hẳn nhiên trở thành mục
tiêu trong chính sách đối ngoại của nhiều nước phương Tây.
Một số nước tư bản như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh,
Pháp... đã đặt chân đến Nhật Bản thông qua các chuyến viễn du tìm tài
nguyên và thị trường từ thế kỷ XVI. Sự xuất hiện của giới thương nhân và
giáo sĩ đã khiến người Nhật mở rộng tầm mắt, thay đổi mọi mặt đời sống xã
hội, biến chuyển các hình thức quan hệ kinh tế, văn hóa trước đây của một
quốc gia phong kiến. Fukuzawa Yukichi mô tả bối cảnh ấy rằng: “Việc giao
thương với phương Tây ngày một mở rộng. Mọi mối bang giao quốc tế đều
ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các lĩnh vực trong nước” (Fukuzawa Yukichi,
2015, tr.82). Sự xuất hiện của người phương Tây tại Nhật Bản ban đầu cho
chính quyền Edo nhìn thấy cơ hội phát triển ngoại thương, hiện đại hóa quân
26
bị, xây dựng nước Nhật trở thành một cường quốc kinh tế. Thế nhưng đến
cuối thế kỷ XVI, người phương Tây tại Nhật bắt đầu đe dọa tính cân bằng
thương mại trong nước cũng như dần bộc lộ âm mưu bành trướng chủ nghĩa
thực dân. Mạc phủ Tokugawa đương trị là chính quyền có công thống nhất
quốc gia sau hơn một thế kỷ nội chiến liên miên. Ổn định trật tự xã hội là mục
tiêu hàng đầu, do vậy Mạc phủ vô cùng lo ngại trước những nguy cơ tiềm ẩn
từ người phương Tây và do đó đã thi hành chính sách “tỏa quốc” nghiêm
ngặt. Theo chính sách này, từ năm 1639, chính quyền Edo chỉ cho phép giao
thương với nước ngoài ở một vài hải cảng nhất định và với một số ít quốc gia
như Trung Quốc, Hà Lan, Triều Tiên, Ryukyu... Hà Lan là quốc gia tư sản
phương Tây duy nhất được phép giao thương với Nhật Bản giai đoạn này do
có mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền Mạc phủ từ trước, cũng như do thể
hiện ít mối đe dọa đối với chính quyền Mạc phủ. Chế độ đóng cửa suốt gần
hai thế kỷ đã giúp nước Nhật có được sự ổn định lâu dài, tạo nên nền văn hóa
dân tộc đậm nét và thuần nhất. Mặt khác, Nhật Bản đóng cửa nhưng không
hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài mà vẫn thực hiện giao thương với
Hà Lan. Thông qua Hà Lan, người Nhật vẫn được tiếp xúc với văn minh thế
giới và du nhập rất nhiều sách vở, vũ khí từ phương Tây. Bầu trời kiến thức
mới mẻ này được người Nhật hăng say đón nhận và học hỏi.
Làn sóng du nhập của văn minh phương Tây mở ra nhiều cơ hội học hỏi
cho giới trí thức Nhật Bản, đồng thời người Nhật cũng ý thức được mối đe
dọa từ sự chênh lệch văn minh ấy. Nhật Bản phải “ở trong tình thế tất cả mọi
thứ đều phải xử lý trên cơ sở tính toán hơn thiệt với phương Tây” (Fukuzawa
Yukichi, 2015, tr.82). Sự du nhập văn minh phương Tây này là điều không
thể tránh khỏi. Trong điều kiện lịch sử-xã hội đó, đúng như Fukuzawa
Yukichi nhận xét: “Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió
của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ
cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này” (Fukuzawa Yukichi, 1885).
27
Mạc phủ Tokugawa tuy không cởi mở với người nước ngoài nhưng cũng
không bài trừ tri thức phương Tây. Chính quyền ý thức được tầm quan trọng
của những tri thức mới và tích cực tìm hiểu, phổ biến chúng. Từ cuối thế kỷ
XVIII, các ngành khoa học hiện đại đã được Mạc phủ chủ trương đưa vào
giảng dạy, đồng thời còn muốn nắm quyền kiểm soát việc đào tạo các môn
học này tại trường. Trường học dưới thời của Tokugawa cũng rất đa dạng về
hình thức tổ chức, mục đích đào tạo và nội dung môn học, có cả trường công
do Mạc phủ hoặc lãnh địa thành lập và điều hành lẫn trường do tư nhân xây
dựng. Tuy Mạc phủ Tokugawa xác định Nho giáo là hệ tư tưởng chính thức
nhưng Nho giáo không phải là nội dung độc tôn trong hệ thống giáo dục.
Người học được quyền tự do lựa chọn theo học ở trường Quốc học
(Kokugaku), Khai quốc học (Kaikoku) hay Hà Lan học (Rangaku)… Hoạt
động tư tưởng học thuật khá sôi động vào thời kỳ này. Tinh thần học tập của
người dân Nhật Bản cũng được ghi nhận là một bầu không khí tích cực:
“Nhật Bản cuối thời kỳ Tokugaoa là một thế giới đầy những sách. Việc
xuất bản sách đã tạo được việc làm cho hàng nghìn người ở các nhà xuất
bản giáo dục chính thức và các nhà xuất bản tư nhân tự do bán các mặt
hàng này cho công chúng… Chúng được không chỉ các samurai, mà còn,
thậm chí chủ yếu gồm những thành viên của các giai cấp khác mua hoặc
thuê đọc rất nhiều từ những người bán sách rong.” (P. R. Dore, 1963)
Dù Nho giáo luôn được Mạc phủ đề cao và dùng như công cụ duy trì trật
tự xã hội nhưng giới học giả thời ấy không hoàn toàn bám vào các lý thuyết
của Nho giáo. Một bộ phận học giả tích cực tìm kiếm trong kho tàng dân tộc
những giá trị cho bài toán ổn định đất nước và giải thích các vấn đề của thời
đại. Tại đây, học thuyết “Kokutai” (Quốc thể) nói về nguồn gốc và tính chất
thần thánh của dân tộc Nhật Bản đã được phái Quốc học hệ thống và truyền
bá rộng khắp nước Nhật. Song song đó, phái Hà Lan học (Rangaku) cũng thu
hút nhiều võ sĩ trẻ tuổi theo học. Nội dung tại trường Hà Lan học là những
28
kiến thức y học, quân sự, kỹ thuật chế tạo… của phương Tây giảng dạy thông
qua sách vở Hà Lan. Hoạt động dịch thuật giai đoạn này cũng khá sôi động,
trong đó chủ yếu là các môn sinh tự sao chép và dịch sách để phục vụ cho nhu
cầu học tập. Lượng học viên theo học tại các trường này tuy không nhiều nếu
so với các học phái truyền thống, thế nhưng họ rất siêng năng, nhạy bén, có
khả năng tiếp thu tốt và giỏi ứng dụng vào đời sống. Hiểu biết mà ngành Hà
Lan học mang lại tạo nền tảng cho một bộ phận trí thức Nhật Bản nhìn thấy
và phản biện lại các bất cập, cổ hủ trong lối suy nghĩ truyền thống của người
Nhật. Nhà nghiên cứu Manson và Caiger nhận định rằng “Rangaku đã khuyến
khích người Nhật tiếp thu tư tưởng, khoa học kỹ thuật phương Tây để qua đó
tăng cường sức mạnh đất nước đồng thời đả phá những quan niệm tư duy thủ
cựu” (R. H. P. Manson & J. G. Caiger, 2003, tr.70). Sự phát triển đa dạng các
khuynh hướng tư tưởng tại thời phong kiến Edo “không chỉ làm phong phú
thêm kho tàng tri thức của Nhật Bản mà còn tạo thêm những điều kiện khách
quan cho việc đi sâu tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn ở mỗi học phái”
(Nguyễn Văn Kim, 2003, tr.515). Về bối cảnh học thuật sôi động này, học giả
Nguyễn Văn Kim khẳng định:
“Đây chính là điều kiện tiên quyết để khuynh hướng phát triển tư tưởng
độc tôn dân tộc có thể phá vỡ thế độc tôn của tư tưởng Nho giáo, sẵn
sàng tiếp nhận những quan điểm và mô thức chính trị mới, tự định thành
một con đường phát triển khác biệt so với truyền thống và khuôn mẫu
Trung Hoa.” (Nguyễn Văn Kim, 2003, tr.515)
Những kết quả trong việc đảm bảo trật tự đất nước của chính sách tỏa
quốc của Mạc phủ Tokugawa “đã tách Nhật Bản khỏi phần còn lại của thế
giới và đã giữ được “điều phi thường” chính trị này trong gần hai thế kỷ”
(Arnold Toynbee, 2002, tr.256). Tuy nhiên, dù tạo ra được một sự ổn định phi
thường như thế nhưng chính quyền này vẫn không thể thoát ra khỏi dòng chảy
của thời đại.
29
Giữa làn sóng lan rộng của chủ nghĩa tư bản phương Tây, nước Nga
nhiều lần tìm cách mở các tuyến buôn bán, xây dựng quan hệ thương mại với
Nhật Bản nhưng bị từ chối do lúc bấy giờ chính quyền Edo đang thực hiện
nghiêm ngặt chính sách “tỏa quốc”. Năm 1792, Nga hoàng ra lệnh cho
Laxman đưa tàu thâm nhập cảng Matsumae thuộc phía nam của Hokkaido.
Tuy nhiên, chiếc tàu này đã gặp phải kháng cự từ các lãnh chúa địa phương
và buộc phải rời lãnh hải Nhật Bản. Sau đó, Nga tiếp tục xây dựng các tuyến
đường buôn bán nhưng vẫn lại gặp nhiều trở ngại. Qua những nỗ lực thương
thuyết thất bại, phía Nga bắt đầu xem xét đến biện pháp bạo lực nhằm buộc
Nhật Bản phải mở cửa. Năm 1853, Nga hoàng lệnh cho Chuẩn Đô đốc
Evfimii Putiatin đến đề nghị thiết lập quan hệ thương mại và đồng thời thỏa
thuận về vấn đề biên giới với Nhật Bản. Những nỗ lực của Nga rốt cuộc vẫn
không thể thay đổi chính sách tỏa quốc lúc bấy giờ, nhưng sự xuất hiện của
tàu đánh cá và tàu chiến Nga đã dấy lên mối lo ngại cho chính quyền Edo.
Triều đình Mạc phủ đến thời điểm này đã phải ý thức về tính nhạy cảm trong
an ninh và chủ quyền tại vùng biên giới phía bắc.
Nhật Bản nằm trên tuyến đường biển kết nối phương Tây với phương
Đông, thế nên việc nước Nhật đóng cửa gây trở ngại rất lớn đến hoạt động
ngoại thương của giới tư bản phương Tây. Nước Anh giai đoạn này đã vươn
mạnh đến vùng biển phía Đông, trở thành lực lượng thương nhân chủ yếu tại
đây, vượt qua cả những quốc gia tư bản có truyền thống giao thương lâu đời
trong khu vực như Bồ Đào Nha và Hà Lan. Cùng với sức ép từ Nga, các tàu
buôn, tàu chiến của Anh xuất hiện tại vùng biển Nhật Bản ngày càng thường
xuyên. Đầu thế kỷ XIX, tàu thuyền Anh nhiều lần xin được vào tránh bão và
tiếp nhiên liệu tại các cảng của Nhật nhưng hầu hết đều bị từ chối. Lúc bấy
giờ nước Anh vừa giành phần thắng tại chiến chiến tranh nha phiến và buộc
Trung Quốc ký các điều khoản bất bình đẳng trong Điều ước Nam Kinh. Theo
đà này, Anh vạch ra kế hoạch đặt Nhật Bản làm mục tiêu tiếp theo, dùng sức
30
mạnh hải quân buộc Nhật phải ký các điều ước bất bình đẳng tương tự và trao
cho nước Anh các đặc quyền kinh tế chính trị. Tuy vậy Anh vẫn chưa ép buộc
được Nhật Bản mở cửa, trong khi đó Mạc phủ Tokugawa lại ngày càng đề
phòng và ra các chính sách củng cố quốc phòng ven biển.
Hà Lan vốn là quốc gia phương Tây duy nhất sở hữu đặc quyền buôn
bán tại Nhật Bản. Với truyền thống bang giao thân thiện giữa hai nước, Hà
Lan không thể làm ngơ trước chính sách đối ngoại đã không còn tương xứng
với chuyển biến chính trị xung quanh của Mạc phủ. Năm 1844, chính phủ Hà
Lan phái người trình thư lên Mạc phủ nhằm cảnh báo nước Nhật về nguy cơ
chiến tranh từ bài học của Trung Quốc, đề nghị Nhật Bản nên mở cửa để
tránh khỏi kết cục bi thảm tương tự. Trong bức thư có đoạn:
“Gần đây, Trung Quốc đã tiến hành chiến tranh với Anh, họ đã huy động
tất cả các nguồn lực đất nước cho cuộc chiến tranh này, nhưng cuối cùng
đã phải gánh chịu thất bại trước ưu thế quân sự của châu Âu. Trung Quốc
buộc phải thay đổi nhiều nguyên tắc, chấp thuận mở cửa 5 cảng để cho
người Âu vào buôn bán.” (Roy Hidemichi Akagi, 1936, tr.17)
Đồng thời, nội dung bức thư đó cũng chỉ ra rằng: “Nếu như chúng ta
xem xét khuynh hướng chung hiện nay thì sẽ thấy, quan hệ giữa các quốc gia
đang được mở rộng, việc phát minh ra tàu hơi nước khiến cho khoảng cách
giữa các nước rút ngắn lại”. Vì vậy, “trong bối cảnh toàn thế giới đang tiến
hành mở rộng giao lưu quốc tế đó thì chỉ có thể tạo nên sự thù địch mà thôi và
nếu như cứ tiếp tục duy trì các định kiến lỗi thời chắc chắn sẽ đẩy đất nước
đến thảm họa” (Roy Hidemichi Akagi, 1936, tr.17). Lời cảnh báo từ bức thư
khiến Mạc phủ phải cân nhắc, thế nhưng vẫn không thay đổi được chính sách
xuyên suốt của triều đình Edo. Chế độ tỏa quốc vẫn được tiếp tục nhằm đảm
bảo mục tiêu ổn định trật tự trong nước.
Mạc phủ Tokugawa chỉ đi đến quyết định mở cửa khi xuất hiện bàn tay
của nước Mỹ. Vào thế kỷ XIX, Mỹ thường xuyên có mặt tại vùng biển Nhật
31
Bản do nguồn lợi khổng lồ từ việc săn bắt cá voi tại đây. Cũng như Anh, hoạt
động khai thác kinh tế ngoài khơi cũng làm tàu thuyền Mỹ nảy sinh nhu cầu
cập cảng để lánh nạn, tiếp nhiên liệu, sửa chữa tàu… Trước đó Mỹ đã nhiều lần
cố gắng đưa tàu đến trình thư yêu cầu được thông thương với Nhật Bản nhưng
chưa đạt được kết quả. Từ giữa thế kỷ XIX, sức ép ngày một tăng của nhiều
nước phương Tây làm cho Mạc phủ dần nới lỏng các chính sách cấm người
nước ngoài. Năm 1842, chính quyền đã cho phép tàu thuyền nước ngoài được
cập bến tại Nhật Bản để tiếp thực phẩm, nước ngọt và nhiên liệu. Sự chống đối
của các lãnh chúa đối với người nước ngoài cũng không còn gay gắt như trước.
Cột mốc làm thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật Bản chính là vào năm
1853, Đề đốc Matthew Calbraith Perry (1794-1858) đưa bốn chiến hạm hơi
nước khổng lồ đến trước vịnh Uraga và đặt kinh thành Edo vào tầm ngắm của
nòng pháo. Toàn thể nước Nhật đến lúc này đã ý thức rõ ràng về sự chênh lệch
sức mạnh và nguy cơ chiến tranh cận kề. Khi nội bộ chính quyền Edo vẫn tranh
luận sôi nổi về việc có nên chấm dứt tình trạng đóng cửa hiện tại của đất nước
hay không, thì đến tháng 1 năm 1854, Đề đốc Perry lại tiếp tục đưa 9 tàu chiến
cùng với 1.800 quân lính trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đến trước cửa ngõ
Uraga của kinh thành Edo. Không còn cách nào khác, Nhật Bản đành phải ký
với Mỹ Hiệp ước hòa bình và hữu nghị hay còn gọi là Hiệp ước Kanagawa.
Theo đó, Nhật chấp nhận mở cửa đất nước để giao lưu thương mại, thiết lập
quan hệ ngoại giao với Mỹ, đồng ý hỗ trợ Mỹ trong việc cứu trợ và tiếp tế cho
các tàu thuyền Mỹ. Hiệp ước này chính thức chấm dứt 215 năm đóng cửa của
Nhật Bản và mở ra một chương mới cho lịch sử Nhật Bản. Đây là cột mốc
quan trọng dẫn đến hàng loạt những biến đổi cho xã hội Nhật Bản. Quyết định
nhân nhượng trước người nước ngoài của chính quyền Mạc phủ sau đó đã “đẩy
đời sống chính trị, xã hội ở Nhật Bản đến một thực trạng vô cùng phức tạp. Các
khuynh hướng chính trị phân hóa rõ rệt và vận động với tốc độ hết sức nhanh
chóng, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Mạc phủ” (Nguyễn Văn Kim, 2001).
32
Những điều ước bất bình đẳng mà chính quyền Edo phải chấp nhận với
phương Tây khiến giới võ sĩ cảm thấy Mạc phủ Tokugawa là một triều đình
nhu nhược và bảo thủ. Với mối quan tâm thời cuộc và tinh thần chiến đấu
trong truyền thống võ binh, các võ sĩ đã trở thành lực lượng phản đối mạnh
mẽ đường lối cai trị của chính quyền:
“Sự tồn vong của dân tộc trước hiểm họa phương Tây đã thôi thúc toàn
thể các đẳng cấp xã hội tham gia vào cuộc Cải cách Minh Trị nhằm lật
đổ chế độ Mạc phủ, thiết lập nên một nhà nước tư sản đầu tiên ở châu Á.
Và một bộ phận trong đẳng cấp võ sĩ, những con người sớm nhận ra quy
luật vận động của lịch sử, có học thức, giàu lý trí “với tinh thần hiệp sĩ
Nhật Bản” đã trở thành lực lượng đóng vai trò quyết định.” (Nguyễn
Văn Kim, 2003, tr.388)
Kết quả là phong trào Vương chính phục cổ với khẩu hiệu “tôn Vương
đảo Mạc” diễn ra. Sức ép từ nước ngoài cộng với làn sóng bất mãn trong
nước đã dồn chính quyền Tokugawa mắc kẹt vào hai sức ép đối địch. Kết
quả là người đứng đầu Mạc phủ lúc bấy giờ – Tokugawa Yoshinobu – đã
tuyên bố thoái vị, kết thúc triều đại của gia tộc mình và trao quyền lực lại
cho Thiên hoàng (Nguyễn Văn Hoàn & Lê Tùng Lâm, 2014, tr.61). Thiên
hoàng Minh Trị được giới võ sĩ cấp tiến suy tôn để lập nên một triều đại
mới, một triều đại mang sứ mệnh hiện đại hóa Nhật Bản, củng cố an ninh
quốc phòng nhằm bảo vệ độc lập dân tộc trước mối đe dọa phương Tây. Sự
thành lập chính quyền kiểu mới này là một trong những bước ngoặt then
chốt giúp Nhật Bản thoát khỏi số phận thuộc địa, khác với tại Việt Nam
“suốt từ 1859 đến 1882, hơn hai mươi năm, bao nhiêu kế sách “đổi mới” để
tự cường, cứu nước, đều bị triều đình bỏ xó hết” (Trần Văn Giàu, 2019,
tr.363). Chính quyền Minh Trị đã đưa toàn bộ đời sống xã hội của Nhật
Bản rẽ sang một chương mới, ở đó Fukuzawa Yukichi phải cảm thán rằng:
“Hôm nay được sống bình an những ngày dài của tuổi thọ chính là thứ
33
được rất lớn trong luật pháp của chính phủ Meiji1
, mà tôi rất lấy làm
mừng” (Fukuzawa Yukichi, 2005, tr.501).
Cách mạng Minh Trị của Nhật Bản đặc biệt ở chỗ tuy gọi là “Vương
chính phục cổ”, tức phục hồi suy tôn dòng dõi hoàng tộc đã bị mờ nhạt suốt
hàng trăm năm, nhưng dòng dõi hoàng tộc ấy không phải là mục đích chính
của cuộc cách mạng. Thay vào đó, phong trào này xuất phát từ nguyện vọng
của người dân, hay đúng hơn là của bộ phận võ sĩ cấp tiến trẻ tuổi thời bấy
giờ, với mong muốn lật đổ một triều đại bạc nhược trong đối ngoại để thay
thế bằng một chính quyền dám thực hiện những cải tổ toàn diện. Như
Fukuzawa Yukichi nhận xét:
“Vương Chính Phục Cổ hay Minh Trị Duy Tân, thảy đều không phải bắt
nguồn từ việc nhân dân oán thán Mạc phủ mà chuyển sang tôn trọng
ủng hộ hoàng gia. Không phải do quên cái mới và chỉ nghĩ đến cái cũ.
Cũng không phải vì bỗng nhiên nhớ lại đại nghĩa chính danh vốn đã bị
quên bẵng mấy trăm năm. Chẳng qua đây là kết quả do lòng dân trong
xã hội này muốn cải cách nền chính trị của Mạc phủ đương thời mà
thôi.” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.382)
Do là cuộc cách mạng xuất phát từ nguyện vọng của quần chúng và lãnh
đạo bởi tầng lớp võ sĩ cấp thấp – những trí thức không có tiếng nói trong chế
độ phong kiến Mạc phủ – nên Duy tân Minh Trị nỗ lực thực hiện mục tiêu
xóa bỏ chế độ đẳng cấp, đặt người dân vào vị trí bình đẳng, tạo điều kiện cho
mỗi người được sống theo lựa chọn của mình. Theo đó, chính quyền mới đã
“tạo cơ sở bình đẳng về địa vị giữa các thành phần Võ sĩ (samurai), Nông,
Công, Thương trong xã hội. Chế độ đẳng cấp – địa vị của một người được
quy định trước cả khi người đó ra đời – đã hoàn toàn bị xóa bỏ” (Fukuzawa
Yukichi, 2015, tr.30). Gia tộc xuất thân không còn là cơ sở quy định cho công
1
Meiji: Minh Trị
34
danh sự nghiệp, thay vào đó, mỗi người đều có thể tiến thân bằng tài năng và
ý nguyện của mình:
“Mọi người có thể bày tỏ ý kiến với cấp trên, và người ta có thể đề bạt lên
vị trí nhờ vào tài năng; đó cũng là thời để người từng giữ chức Thượng
thư lương năm nghìn thạch gạo lúc trước có thể trở thành binh sĩ, hay một
lính quèn khi xưa nay có thể trở thành Tỉnh trưởng vậy. Thương nhân
giàu có sở hữu cửa hiệu buôn bán cha truyền con nối nhiều đời thì đến
đời này cũng tán gia bại sản, hay kẻ đánh bạc không xu dính túi lại có khi
trở thành doanh nhân phục vụ hoàng triều. Chùa thì thành đền thờ, sư sãi
thì thành Thần quan. Bây giờ là thời đại mà giàu sang, danh vọng hay
hạnh phúc, thảy đều tùy theo sự cố gắng thì tất thảy đều là thứ có thể thực
hiện được.” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.376)
Xóa bỏ trật tự cũ và phân phối lại quyền lực là một mục tiêu quan trọng
dành cho cuộc Duy tân Minh Trị. Giới trí thức cấp tiến Nhật Bản đã nhận ra
nguồn gốc gây ra tình trạng bất mãn nằm ở sự thiếu năng lực của giới cầm
quyền và sự phân bố quyền lực không hợp lý. Có thể nói sự ra đời của chính
phủ kiểu mới theo hướng hiện đại là kết quả từ yêu cầu thời đại, là lời giải mà
giới trí thức Nhật Bản lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn sâu sắc lúc bấy giờ:
“Tất cả những sự kiện trong những năm đầy biến động này đã tạo ra
một tình huống mà quyền lực và chủ quyền truyền thống bị suy yếu và
phải được phân phối lại theo phương cách sao cho đáp ứng được những
kỳ vọng nảy sinh. Trong đó có con đường hiện đại hóa Nhật Bản nhằm
đối phó với các yêu cầu dai dẳng của phương Tây, đồng thời duy trì sự
ổn định đã là một biểu tượng của chế độ Tokugawa”. (J. E. Thomas,
1996, tr.45-46)
Bên cạnh đó, thành công của chính quyền Minh Trị còn là việc sắp xếp
lại trật tự xã hội, tránh được tình trạng bất mãn gay gắt khi đẳng cấp nắm
nhiều đặc quyền trở nên bình đẳng với các tầng lớp khác trong xã hội. Trong
35
xã hội mới, giới quý tộc và võ sĩ trở thành những công chức, sĩ quan quan
trong trong bộ máy chính quyền quan liêu. Đồng thời, các võ sĩ samurai cũng
hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực kinh tế, “khi đất nước chuyển sang mô
hình hiện đại, các samurai vẫn được giao những vị trí quan trọng liên quan
đến sự phát triển chung của đất nước” (Đỗ Lộc Diệp, 2002, tr.173). Peter
Duus đã nhận xét về ý nghĩa của sự ra đời của chính quyền mới đối với tầng
lớp võ sĩ rằng “mặc dù cuộc Duy tân cướp đi vị trí đặc biệt của họ trong xã
hội nhưng đồng thời cũng đã giải phóng họ” (Peter Duus, 1993, tr.98).
Là một trí thức tài năng nhạy bén, sở hữu hiểu biết hiếm có thời bấy giờ
về các nước phương Tây, thế nhưng Fukuzawa Yukichi luôn giữ lập trường
không làm việc cho chính phủ hay tham gia vào các công việc chính trị dù
nhiều lần chính phủ có lời mời. Đó là bởi vì khi chứng kiến sự bảo thủ của
triều đình Mạc phủ Tokugawa, ông cho rằng “họ2
hoàn toàn là những người
theo cổ phong, không hề nghĩ đến việc mở mang đất nước hay chủ nghĩa tự
do” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.278). Tuy không thích Mạc phủ nhưng
Fukuzawa cũng không có thái độ ủng hộ phe làm cách mạng. Ông cho rằng:
“Nhìn ra bên ngoài bây giờ có thể gây bạo loạn lật đổ Mạc phủ là
Samurai thất nghiệp ở những lãnh địa chủ trương bài trừ nước ngoài
như Choshu hoặc Satsuma. Nhưng nếu những người này giải phóng cho
thiên hạ, chắc họ sẽ lại sơn bóng thêm cho chế độ bài trừ nước ngoài mà
thôi. Thà cứ để nguyên Mạc phủ bây giờ còn hơn.” (Fukuzawa Yukichi,
2019, tr.283)
Nhìn chung, Fukuzawa Yukichi không tin tưởng vào bộ phận làm chính
trị. Ông cho rằng dù là tầng lớp nào lên nắm chính quyền cũng đều vì một
mục đích mang tính nhóm nào đó. Thế nhưng sự tích cực đổi mới của chính
quyền Minh Trị mở ra cho Fukuzawa Yukichi một hướng suy nghĩ lạc quan.
Những đổi thay toàn diện mà chính phủ Minh Trị thực hiện khiến Fukuzawa
2
Ý nói Mạc phủ
36
nhận thấy tính chất của triều đại mới này hoàn toàn khác. Sự thay đổi này
khiến ông từ dửng dưng sang dần có thiện cảm với triều đại mới này. Từ đó,
dù vẫn kiên quyết không gia nhập chính trường nhưng ông cũng góp sức bằng
cách “bắt bệnh cho chính trị”. Với Fukuzawa, “chính sự tiến bộ nhanh chóng
của xã hội làm tôi vui mừng phấn khởi. Đó thực là điều kỳ diệu. Ước vọng
lớn lao của tôi cũng đã được thực hiện, nên tôi không còn ca thán về những
điều bất bình nữa” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.480). Có thể nói, chính quyền
Minh Trị được thành lập chính là sự kiện mở ra hướng tích cực và lạc quan
trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi.
Điều kiện xã hội:
Nhật Bản thời kỳ Tokugawa là một xã hội đẳng cấp sâu sắc đặc trưng
bởi chế độ tứ dân phân chia chặt chẽ các thành phần dân chúng. “Đất nước
được chia thành gần 300 lãnh địa, do các lãnh chúa cai trị. Các lãnh chúa này
có quyền lực tối cao trong phạm vi cai trị của mình nhưng phải chịu sự lãnh
đạo của chính quyền trung ương” (Nguyễn Ngọc Thanh, 2013, tr.129). Theo
đó, hoàng tộc và giới lãnh chúa thuộc giai cấp quý tộc thống trị, còn lại là
thành phần bình dân. Giới bình dân lại được phân loại thành bốn đẳng cấp
riêng biệt dựa trên nghề nghiệp là sĩ (võ sĩ hay còn gọi là samurai), nông
(nông dân), công (thợ thủ công) và thương (thương nhân). Các đẳng cấp này
được sắp xếp theo thứ bậc từ cao xuống thấp. Tầng lớp sĩ đứng đầu bởi vì đây
là lực lượng bảo vệ cho sự an toàn của giới thống trị, là người phục tùng tuyệt
đối mệnh lệnh của lãnh chúa và được nhận bổng lộc từ chính quyền. Xếp thứ
hai là tầng lớp nông, được coi trọng hơn hai tầng lớp phía dưới bởi đây là lực
lượng sản xuất ra lương thực để nuôi sống giai cấp quý tộc và các tầng lớp
còn lại. Kế đó là tầng lớp công của các thợ thủ công và ở thời đại này đa số là
tiểu thủ công nghiệp. Cuối cùng là tầng lớp thương bao gồm các thương nhân,
những người thực hiện hoạt động mua bán. “Sự phân chia này dựa vào một
thứ lí luận cho rằng, võ sĩ là đẳng cấp cao nhất vì họ là những người cầm
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học
Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học

More Related Content

Similar to Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học

Học thuyết hình thái kinh tế xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...
Học thuyết hình thái kinh tế   xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...Học thuyết hình thái kinh tế   xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...
Học thuyết hình thái kinh tế xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...
Cat Love
 

Similar to Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học (20)

Luận văn: Quyền sống của con người trong truyện kiều của nguyễn du
Luận văn: Quyền sống của con người trong truyện kiều của nguyễn duLuận văn: Quyền sống của con người trong truyện kiều của nguyễn du
Luận văn: Quyền sống của con người trong truyện kiều của nguyễn du
 
Học thuyết hình thái kinh tế xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...
Học thuyết hình thái kinh tế   xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...Học thuyết hình thái kinh tế   xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...
Học thuyết hình thái kinh tế xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...
 
Chính Sách Kinh Tế Chỉ Huy Ở Nam Kỳ Thời Pháp – Nhật (1939-1945)
Chính Sách Kinh Tế Chỉ Huy Ở Nam Kỳ Thời Pháp – Nhật (1939-1945)Chính Sách Kinh Tế Chỉ Huy Ở Nam Kỳ Thời Pháp – Nhật (1939-1945)
Chính Sách Kinh Tế Chỉ Huy Ở Nam Kỳ Thời Pháp – Nhật (1939-1945)
 
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch SửTriết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
 
Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triển Của Việt Nam Ngày ...
Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triển Của Việt Nam Ngày ...Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triển Của Việt Nam Ngày ...
Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triển Của Việt Nam Ngày ...
 
Vận Dụng Lý Luận Về Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triể...
Vận Dụng Lý Luận Về Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triể...Vận Dụng Lý Luận Về Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triể...
Vận Dụng Lý Luận Về Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triể...
 
Vai trò xã hội của Nho giáo ở Việt Nam từ Thế Kỷ XV đến nửa đầu Thế Kỷ XIX
Vai trò xã hội của Nho giáo ở Việt Nam từ Thế Kỷ XV đến nửa đầu Thế Kỷ XIXVai trò xã hội của Nho giáo ở Việt Nam từ Thế Kỷ XV đến nửa đầu Thế Kỷ XIX
Vai trò xã hội của Nho giáo ở Việt Nam từ Thế Kỷ XV đến nửa đầu Thế Kỷ XIX
 
Luận án: Vai trò xã hội của Nho giáo ở Việt Nam từ XV đến XIX
Luận án: Vai trò xã hội của Nho giáo ở Việt Nam từ XV đến XIXLuận án: Vai trò xã hội của Nho giáo ở Việt Nam từ XV đến XIX
Luận án: Vai trò xã hội của Nho giáo ở Việt Nam từ XV đến XIX
 
Tiêu dùng phô trương trong xã hội tiêu thụ Nhật Bản.pdf
Tiêu dùng phô trương trong xã hội tiêu thụ Nhật Bản.pdfTiêu dùng phô trương trong xã hội tiêu thụ Nhật Bản.pdf
Tiêu dùng phô trương trong xã hội tiêu thụ Nhật Bản.pdf
 
Quan Điểm Của Chủ Nghĩa Mác Lê Nin Về Vai Trò Của Quần Chúng Nhân Dân Vào Thự...
Quan Điểm Của Chủ Nghĩa Mác Lê Nin Về Vai Trò Của Quần Chúng Nhân Dân Vào Thự...Quan Điểm Của Chủ Nghĩa Mác Lê Nin Về Vai Trò Của Quần Chúng Nhân Dân Vào Thự...
Quan Điểm Của Chủ Nghĩa Mác Lê Nin Về Vai Trò Của Quần Chúng Nhân Dân Vào Thự...
 
Giáo dục đại học thế giới và việt nam tài liệu chuyên đề nghiệp vụ sư phạm
Giáo dục đại học thế giới và việt nam tài liệu chuyên đề nghiệp vụ sư phạmGiáo dục đại học thế giới và việt nam tài liệu chuyên đề nghiệp vụ sư phạm
Giáo dục đại học thế giới và việt nam tài liệu chuyên đề nghiệp vụ sư phạm
 
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đThế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
 
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...
 
TƯ TƯỞNG NHÂN SINH CỦA MINH MẠNG - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TƯ TƯỞNG NHÂN SINH CỦA MINH MẠNG  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149 TƯ TƯỞNG NHÂN SINH CỦA MINH MẠNG  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TƯ TƯỞNG NHÂN SINH CỦA MINH MẠNG - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
 
Luận văn: Tư tưởng nhân sinh của Minh Mạng, HAY, 9đ
Luận văn: Tư tưởng nhân sinh của Minh Mạng, HAY, 9đLuận văn: Tư tưởng nhân sinh của Minh Mạng, HAY, 9đ
Luận văn: Tư tưởng nhân sinh của Minh Mạng, HAY, 9đ
 
ĐỀ TÀI : TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI NHÌN TỪ ĐẶC TRƢNG PHẢN ÁNH NGHỆ...
ĐỀ TÀI : TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI NHÌN TỪ ĐẶC TRƢNG PHẢN ÁNH NGHỆ...ĐỀ TÀI : TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI NHÌN TỪ ĐẶC TRƢNG PHẢN ÁNH NGHỆ...
ĐỀ TÀI : TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI NHÌN TỪ ĐẶC TRƢNG PHẢN ÁNH NGHỆ...
 
Tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới đặc trưng phản ánh nghệ thuật - Gửi miễn...
Tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới đặc trưng phản ánh nghệ thuật - Gửi miễn...Tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới đặc trưng phản ánh nghệ thuật - Gửi miễn...
Tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới đặc trưng phản ánh nghệ thuật - Gửi miễn...
 
Luận văn: Chính sách kinh tế chỉ huy ở Nam Kỳ thời Pháp – Nhật
Luận văn: Chính sách kinh tế chỉ huy ở Nam Kỳ thời Pháp – NhậtLuận văn: Chính sách kinh tế chỉ huy ở Nam Kỳ thời Pháp – Nhật
Luận văn: Chính sách kinh tế chỉ huy ở Nam Kỳ thời Pháp – Nhật
 
Luận văn thạc sĩ lịch sử: Chính sách “kinh tế chỉ huy” ở nam kỳ thời Pháp – Nhật
Luận văn thạc sĩ lịch sử: Chính sách “kinh tế chỉ huy” ở nam kỳ thời Pháp – NhậtLuận văn thạc sĩ lịch sử: Chính sách “kinh tế chỉ huy” ở nam kỳ thời Pháp – Nhật
Luận văn thạc sĩ lịch sử: Chính sách “kinh tế chỉ huy” ở nam kỳ thời Pháp – Nhật
 
Đề tài: Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Văn công
Đề tài: Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Văn côngĐề tài: Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Văn công
Đề tài: Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Văn công
 

Recently uploaded

xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
Xem Số Mệnh
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
ChuThNgnFEFPLHN
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
DungxPeach
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
dnghia2002
 

Recently uploaded (20)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emcác nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 

Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân - Luận văn Thạc sĩ Triết học

  • 1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN    ĐỖ THỊ THÙY DUNG TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN - NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2023
  • 2. ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN    ĐỖ THỊ THÙY DUNG TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN - NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ Chuyên ngành: Triết học Mã số: 8.22.90.01 LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Cao Xuân Long THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2023
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi cam đoan đây là công trình do tôi nghiên cứu và thực hiện dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Cao Xuân Long. Kết quả nghiên cứu trong luận văn là trung thực và chưa được ai công bố. Các tài liệu sử dụng trong luận văn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tp. HCM, ngày....tháng....năm 2023 Người cam đoan ĐỖ THỊ THÙY DUNG
  • 4. MỤC LỤC Trang PHẦN MỞ ĐẦU.............................................................................................. 1 1. Lý do chọn đề tài........................................................................................... 1 2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu đề tài..................................................... 6 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu.............................................................. 19 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................... 19 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu ................................................. 20 6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn..................................................................... 20 7. Kết cấu nội dung ......................................................................................... 20 PHẦN NỘI DUNG........................................................................................ 21 Chương 1: ĐIỀU KIỆN TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN ................................ 21 1.1. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN............................................. 21 1.1.1. Điều kiện lịch sử - xã hội của thế giới thế kỷ XIX cho sự hình thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân ......................................... 21 1.1.2. Điều kiện lịch sử - xã hội của Nhật Bản thế kỷ XIX cho sự hình thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân..................................... 25 1.2. TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN CHO SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN .................................................................. 44 1.2.1. Tư tưởng Nho giáo đối với sự hình thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân............................................................................ 44 1.2.2. Tư tưởng khai sáng phương Tây đối với sự hình thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân .......................................................... 51 1.3. NHÂN TỐ CHỦ QUAN CHO SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN............................................. 63 1.3.1. Năng lực học tập của Fukuzawa Yukichi đối với sự hình thành tư tưởng về vấn đề công dân.......................................................................................... 63
  • 5. 1.3.2. Tính cách của Fukuzawa Yukichi đối với sự hình thành tư tưởng về vấn đề công dân...................................................................................................... 66 Kết luận chương 1 ......................................................................................... 68 Chương 2: NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ TRONG TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN...........70 2.1. NỘI DUNG QUAN ĐIỂM CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN...................................................................................................... 70 2.1.1. Khái niệm “công dân”.......................................................................... 70 2.1.2. Quan điểm của Fukuzawa Yukichi về mối quan hệ giữa công dân với nhà nước.......................................................................................................... 77 2.1.3. Vai trò và phát huy vai trò của công dân đối với sự phát triển đất nước91 2.2. ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ QUAN ĐIỂM CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN ................................................................ 107 2.2.1. Đặc điểm quan điểm của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân ..... 107 2.2.1. Ý nghĩa lịch sử quan điểm của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân. 115 Kết luận chương 2 ....................................................................................... 118 PHẦN KẾT LUẬN...................................................................................... 121 TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 127
  • 6. 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Thế kỷ XIX là cột mốc rung chuyển của toàn châu Á với sự va chạm văn minh phương Đông-phương Tây và mối đe dọa cấp bách cho vận mệnh dân tộc. Ở giai đoạn này, chủ nghĩa tư bản ở phương Tây chỉ vừa ra đời trong vòng một thế kỷ nhưng đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Nhu cầu to lớn về lao động và thị trường thúc đẩy giới tư bản mở rộng bước chân sang các nước phương Đông, mang theo cả sức mạnh tài chính, kỹ thuật, quân sự của họ đến vùng đất mới. Điều này khiến người châu Á bị choáng ngợp, kinh ngạc và lo ngại. Trước những biến đổi chưa từng có trong lịch sử, các quốc gia phong kiến phương Đông hầu hết trở nên lúng túng, chấp nhận thua thiệt trước sức mạnh phương Tây để rồi đánh mất chủ quyền và rơi vào số phận thuộc địa. Thế nhưng Nhật Bản không nằm trong số đó. Thế kỷ XIX lại là giai đoạn chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ để Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại, giữ vững được chủ quyền và thậm chí sánh ngang với các cường quốc phương Tây: “Nhật Bản trước thời Minh Trị (Meiji) cũng là một nước phong kiến “bế quan tỏa cảng” như Việt Nam. Nhưng trước sự đe dọa của đế quốc phương Tây, Nhật Bản đã sớm có một lớp người thức thời, đại diện cho giai cấp tư sản sớm hình thành, đứng ra làm một cuộc cải cách duy tân đất nước. Nhật Bản dần dần đổi mới bộ mặt, đủ sức chống lại phương Tây và tiến lên thành một nước tư bản chủ nghĩa cường thịnh, năm 1894 đã thắng ở cuộc “chiến tranh Giáp Ngọ”. Đặc biệt năm 1904 đã thắng quân đội đế quốc Nga Hoàng, làm cho “bọn trắng da ngơ ngác giật mình”.” (Chương Thâu, 2004, tr.528) Thành công trong việc hiện đại hóa đất nước chính là bước đệm vững chắc để Nhật Bản có được những giai đoạn “phát triển thần kỳ” sau đó. Trong những lý do làm nên sự thần kỳ này, bên cạnh “thiên thời”, “địa lợi”, thì “con
  • 7. 2 người” được xem là yếu tố quan trọng nhất. Để hiểu được sự thành công của Nhật Bản, không thể bỏ qua việc nghiên cứu về các nhân vật và tư tưởng đã định hướng cho toàn bộ dân tộc trong giai đoạn lịch sử then chốt này. Trong hàng loạt những tài năng làm nên thành công cho công cuộc duy tân Nhật Bản, Fukuzawa Yukichi (1835-1901) nổi bật là nhà cải cách kiệt xuất có đóng góp to lớn nhất trên phương diện tư tưởng. Ông được Nhật Bản vinh danh trên tờ tiền mệnh giá cao nhất và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO gọi là “người thầy khai hóa của thời kỳ Minh Trị” (UNESCO, 1968, tr.12). Bối cảnh thời đại của Fukuzawa chính là giai đoạn xã hội Nhật Bản biến đổi toàn diện: trật tự phong kiến bị xóa bỏ, pháp luật hiện đại hình thành, các thành phần nhân dân trở nên bình đẳng, người dân được tự do lựa chọn nghề nghiệp theo năng lực, giới trí thức sôi động trong một nền học thuật cởi mở với những tiếp thu tư tưởng phương Tây... Do vậy, tư tưởng của ông tựu trung xoay quanh vấn đề của thời đại: Đâu là lối đi giữa nhiều dòng chảy? Làm thế nào để đất nước giữ được tính tự cường? Mỗi cá nhân là ai, phải làm gì trong một đất nước đổi mới như thế? Trong bối cảnh đó, Fukuzawa đã phân tích nhiều nội dung then chốt của quốc gia, chẳng hạn như tính bình đẳng, mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, vấn đề giáo dục, tinh thần độc lập và tự tôn dân tộc… Vị trí và vai trò của công dân trong sự phát triển của đất nước là một trong những vấn đề đã được Fukuzawa Yukichi trình bày kỹ càng trong các trước tác của mình. Cụ thể, ông phân tích và phản biện các tư tưởng vốn có tại Nhật Bản về người dân trong một đất nước – người dân mang tính “thần dân”. Bằng những tiếp thu tinh hoa tư tưởng phương Tây, ông nêu lên quan điểm của mình về bản chất mối quan hệ giữa công dân và nhà nước, đồng thời đề xuất phương hướng phát huy nguồn lực nhân dân để từ đó phát triển đất nước một cách hiệu quả nhất. Đáng chú ý rằng tư tưởng của Fukuzawa Yukichi không phải là những lý luận sách vở đơn thuần mà chúng đã được áp dụng ngay vào thực
  • 8. 3 tiễn đương thời, vào những chính sách quốc gia của Nhật Bản. Do vậy, có thể nói tư tưởng của Fukuzawa Yukichi là hệ thống lý luận mang đậm tính thực tiễn: xuất phát từ thực tiễn và có sự kiểm nghiệm trong thực tiễn từ ngay khi ông còn đang sống. Đồng thời, giá trị khai sáng của ông còn tạo tác động to lớn đến rất nhiều trí thức châu Á, điển hình như Phan Bội Châu của Việt Nam (Chương Thâu, 2004, tr.535). Trải qua hai thế kỷ với vô vàn biến đổi, thế giới thế kỷ XXI lại tiếp tục chứng kiến nhiều làn sóng to lớn “gây ra các hệ quả về mặt cá nhân, tâm lý cũng như xã hội” (Alvin Toffler, 2019, tr.10). Đời sống vật chất tiến bộ, công nghệ xâm nhập vào mọi ngóc ngách cuộc sống, giao thông liên lạc phát triển, máy móc dịch thuật ra đời, các nền tảng mạng xã hội đưa thông tin lan truyền tức thời trên khắp thế giới..., tất cả những điều đó khiến cho thế giới trở nên phẳng, biên giới như được xóa nhòa và con người ngày càng hiểu biết về nhau hơn. Thành tựu khoa học công nghệ mang đến cơ hội hợp tác giữa các quốc gia với nhau, từ đó xuất hiện những khái niệm mới như đa văn hóa, đa quốc gia, xuyên biên giới, công dân toàn cầu... Bên cạnh rất nhiều lợi ích dễ nhận thấy, sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, chủng tộc cũng tạo nên những vấn đề đáng lo ngại, trong đó có mối đe dọa đối với bản sắc dân tộc cũng như bản sắc cá nhân. Song song xu hướng hòa nhập và thấu hiểu lẫn nhau, thời đại ngày nay mặt khác còn chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, phân biệt đối xử, khủng hoảng về bản sắc, các phong trào dân tộc mới... Những làn sóng này đặt ra yêu cầu xem xét lại các quan niệm giá trị vốn có về các vấn đề xã hội nhân văn như con người, cộng đồng, công dân... Do vậy ở thời đại hiện nay, vấn đề quản trị con người trở thành một bài toán hết sức tinh tế và phức tạp. Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy thời đại đó. Trong bối cảnh đầy thời cơ và thách thức như thế, Đảng ta nhận định rằng “dù đạt được những thành tựu rất quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021,
  • 9. 4 tr.31). Đó là biến động thời đại đòi hỏi phải có một nền kinh tế độc lập, bền vững để có thể đảm bảo tính tự chủ. Sở hữu nguồn lao động trẻ dồi dào, cơ cấu lao động đa dạng, tiềm lực ở nền kinh tế tư nhân còn lớn, thế nhưng nước ta vẫn chưa khai thác được hết các nguồn lực sẵn có này. Do vậy, ở Đại hội Đại biểu Toàn quốc Lần thứ XIII, Đảng đã nhấn mạnh vai trò của con người trong công cuộc xây dựng đất nước. Văn kiện Đại hội nêu rõ: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tr.34) Vấn đề công dân không phải là một chính sách nhất thời mà chính là nền tảng xuyên suốt trong công cuộc quản lý và phát triển đất nước. Ngay từ thời phong kiến, “lấy dân làm gốc” đã là kim chỉ nam cho các quyết sách chính trị. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, cùng với sự ra đời của nhà nước Việt Nam hiện đại, vấn đề công dân đã được củng cố và luật pháp hóa trong cách văn kiện, đường lối, tư tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ Đảng rằng độc lập dân tộc cốt để mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, nếu đạt được độc lập dân tộc nhưng dân không có được hạnh phúc thì sự độc lập ấy chỉ là vô nghĩa. Người còn đặc biệt nhấn mạnh vai trò trung tâm của nhân dân: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ của dân... Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” (Hồ Chí Minh, 1995, tr.152). Là hạt nhân nền tảng của một xã hội, một quốc gia, công
  • 10. 5 dân tự do vững mạnh không chỉ giúp nhà nước độc lập mà còn là tiền đề cho sự phát triển của toàn bộ xã hội. C. Mác và Ph. Ăngghen từng tuyên bố rằng “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (C. Mác & Ph. Ăngghen, 1995, tr.628). Điều đó có nghĩa là muốn đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội mà đất nước ta đang theo đuổi, nhất định phải tạo ra được sự phát triển tự do ở mỗi cá thể công dân. Đồng thời, vai trò tác động của người dân đối với sự phát triển đất nước cũng là một vấn đề quan trọng đã được Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhìn thấy được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa cán bộ và quần chúng nhân dân, cũng như phê phán mạnh mẽ thái độ coi khinh quần chúng của một bộ phận cán bộ nhà nước. Trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, Người viết: “Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ. Còn những việc làm, mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng.” (Hồ Chí Minh, 1995, tr.21). Điều đó cho thấy không phải đến bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay thì vai trò điều phối của người dân mới quan trọng, mà xuyên suốt ngay từ những buổi đầu, việc phát huy hết vai trò của công dân đã luôn là một trong những vấn đề nền tảng. Bước sang giai đoạn đổi mới và toàn cầu hóa hiện nay, biến đổi của vấn đề công dân nằm ở sự đa dạng hóa thành phần và nguồn lực trong nhân dân. Nếu như trước đây cơ chế kinh tế cũ chỉ tập trung vào kinh tế nhà nước mà không chú ý đến bộ phận kinh tế tư bản tư nhân, thì ở giai đoạn hiện nay, các chính sách kinh tế đã chú ý đến đa dạng thành phần như kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Với định hướng kinh tế thị trường, Đảng ta chủ trương khơi gợi, huy động, phát triển nguồn lực của mọi tầng lớp nhân dân vào xây dựng kinh tế, tạo nên một nền kinh tế đa dạng thành phần, chú ý đến những khó khăn của bộ phận kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát huy tốt nhất những tiềm lực đang
  • 11. 6 có. Đây là một sự thay đổi to lớn, cho thấy nhận thức của Đảng ta trước sự biến đổi của xã hội và vấn đề công dân trong thời đại mới. Vấn đề công dân có ý nghĩa hết sức to lớn xuyên suốt trong lịch sử cũng như trong thực tiễn hiện nay. Thế nhưng, Giáo sư Nguyễn Trọng Chuẩn lại chỉ ra rằng: “Có một thực tế rất dễ nhận ra là không phải nhân dân ta ai cũng đều hiểu, đều biết và đã có đầy đủ khả năng sử dụng các quyền dân chủ mà mình được hưởng. Vì vậy, trước hết, như Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, phải “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình”. Để làm được như vậy cần có sự hiểu biết, có trình độ học vấn nhất định. Sự kém hiểu biết hoặc trình độ học vấn quá thấp sẽ dẫn đến tình trạng tự cho mình vô tình làm mất các quyền mà mình đáng được hưởng, trở thành mất tự do.” (Nguyễn Trọng Chuẩn, 2002, tr.647-648) Do vậy, trước nhu cầu thực tiễn hiện nay đối với lý luận về phát huy nguồn lực công dân, cũng như dựa trên giá trị tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân, học viên nhận thấy “Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân: Nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử” là một đề tài cấp thiết và có nhiều giá trị. Việc tìm hiểu và phân tích những nội dung xoay quanh tư tưởng về công dân của Fukuzawa Yukichi hy vọng sẽ mang lại ý nghĩa về mặt lý luận lẫn thực tiễn đối với người thực hiện đề tài nói riêng, và xa hơn nữa là đối với xã hội Việt Nam hiện nay nói chung. 2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu đề tài Là một nhà tư tưởng châu Á kiệt xuất, Fukuzawa Yukichi đã xuất hiện khá nhiều trong các công trình nghiên cứu tại Việt Nam. Các nghiên cứu này có thể chia thành hai hướng cơ bản: Hướng thứ nhất: các công trình nghiên cứu, tìm hiểu sâu về cơ sở lịch sử xã hội, tiền đề lý luận và nhân tố chủ quan cho sự hình thành tư tưởng của
  • 12. 7 Fukuzawa Yukichi về công dân, trong đó cũng có nhắc đến một số giá trị tư tưởng của ông nhưng chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu sơ lược. Nhật Bản cận đại của tác giả Vĩnh Sính do nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2014 là công trình nghiên cứu những sự kiện và thành tựu phát triển quan trọng trong lịch sử Nhật Bản từ thế kỷ XVII đến khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ở chương V: Minh Trị Duy Tân – giai đoạn I (1868 – 1885), học giả Vĩnh Sính có phân tích những cải cách chính yếu đầu thời Minh Trị. Trong đó, Fukuzawa Yukichi được khẳng định là nhân vật có công lao lớn nhất đối với việc định hình nền giáo dục Nhật Bản hiện đại thông qua những đóng góp như xây dựng trường học, đào tạo ra các chính trị gia tài năng, viết sách, biên tập tạp chí... Tác phẩm Duy tân thập kiệt của Nguyễn Tiến Lực xuất bản bởi nhà xuất bản Khoa học xã hội năm 2018 giới thiệu và phân tích mười nhân vật kiệt xuất có vai trò quan trọng nhất trong sự thành công của Minh Trị duy tân. Chương 9 của quyển sách này dành cho nhân vật Fukuzawa Yukichi. Tại đây, Fukuzawa được giới thiệu về tiểu sử và các tư tưởng khai sáng nổi bật. Đó là tư tưởng về văn minh, tinh thần độc lập tự tôn, chính trị dân quyền, thương mại lập quốc, giáo dục “thực học”. Quyển sách Fukuzawa and the making of the modern world của tác giả Alan Màcarlane viết vào năm 2002 được Phạm Thúy Ngân chuyển ngữ, nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2017 dưới tiêu đề Fukuzawa Yukichi và công cuộc kiến thiết thế giới hiện đại đã phân tích khá chi tiết về cuộc đời và những đóng góp quan trọng của Fukuzawa Yukichi. Tư tưởng nêu trong quyển sách trải trên các vấn đề như văn minh, Tây học, tự do, bình đẳng, gia đình… Công trình này giúp mang lại một cái nhìn tổng quát về nhân vật Fukuzawa Yukichi và đóng góp của ông đối với nước Nhật lúc bấy giờ. Năm 2011, Masako N. Racel thuộc Khoa Lịch sử, Đại học Georgia State (Hoa Kỳ) đã thực hiện luận án triết học đề tài Finding their Place in the
  • 13. 8 World: Meiji Intellectuals and the Japanese Construction of an East-West Binary, 1868-1912 (tạm dịch: Định vị bản thân trên thế giới: Trí thức Minh Trị và công cuộc xây dựng nhị nguyên Đông-Tây Nhật Bản, 1868-1912). Luận án này nghiên cứu về năm nhân vật nổi bật thời Minh Trị trong việc tiếp thu văn minh và định vị chính mình trước hai làn sóng đông và tây ở giai đoạn cải cách mở cửa của Nhật Bản cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Fukuzawa Yukichi là một trong năm nhà tư tưởng được nghiên cứu trong luận án và được xem như người “dẫn nhập vào văn minh”. Trong luận án, tác giả Masako N. Racel nhắc đến công lao của Fukuzawa khi ông đã chuyển các thuật ngữ như “văn minh”, “dã man”, “lục địa”… sang tiếng Nhật, đưa ra những khái niệm phân biệt phương Đông và phương Tây về mặt địa lý lẫn mặt văn minh. Tác giả luận án chú ý đến cách phân biệt trình độ các dân tộc thành dã man, bán khai và văn minh, cũng như cách Fukuzawa sắp xếp các quốc gia xung quanh vào cấp bậc ấy. Song song đó, luận án còn chỉ ra thái độ của Fukuzawa Yukichi đối với cách vận hành nhà nước, quản lý người dân, đó là tinh thần đề cao tính tự do, tự chủ và đồng thời phê phán mạnh mẽ những lý luận vốn có đang kìm hãm sự phát triển của mỗi cá nhân. Ngoài ra, UNESCO cũng có một số công trình tạp chí phân tích và giới thiệu về cuộc đời, tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Tạp chí Prospects: The quarterly review of comparative education năm 1993, quyển XXIII, số 3/4 là ấn phẩm phân tích các vấn đề, thách thức, tư tưởng giáo dục mang tính khai phóng của nhân loại như bình đẳng nam nữ trong giáo dục, vấn đề giáo dục công và giáo dục tư nhân, các vấn đề trong phát triển giáo dục đại học… Trong đó, ở phần Khuynh hướng/Trường hợp cụ thể, số tạp chí này dành riêng một mục cho bài viết của tác giả Nishikawa Shunsaku giới thiệu về cuộc đời và đóng góp tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Cụ thể, Nishikawa Shunsaku điểm qua những dấu ấn nổi bật trong cuộc đời Fukuzawa như thời thơ ấu tại trường học dành cho samurai, sự kiện sang nước ngoài và nhận thức trực tiếp về văn
  • 14. 9 minh phương Tây. Tiếp đó, tác giả bài viết cũng giới thiệu sơ lược hai tác phẩm tiêu biểu của Fukuzawa là Khuyến học và Bàn về văn minh, nhắc đến giai đoạn điều hành trường học khai phóng. Cuối cùng, bài viết nhận xét về những đóng góp cũng như hạn chế bị chỉ trích của Fukuzawa. Thông qua hàng loạt những phân tích, Nishikawa Shunsaku kết luận rằng Fukuzawa Yukichi không chỉ là thầy của những cô cậu học trò trong trường học của mình, mà còn là người thầy của tất cả người dân Nhật Bản, là một nhà giáo dục đáng được nghiên cứu và tư tưởng vẫn còn những giá trị cho đến tận ngày nay. Hướng thứ hai: nghiên cứu những nội dung, đặc điểm, giá trị và ý nghĩa trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trên một số lĩnh vực nhất định. Năm 1958, Carmen Blacker có bài báo tiêu đề Fukuzawa Yukichi on Family Relationships (tạm dịch: Tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về quan hệ gia đình) đăng trên Tạp chí Monumenta Nipponica, quyển 14, số 1/2. Bài báo này tập trung vào những quan niệm của Fukuzawa Yukichi trước các mối quan hệ gia đình như cha mẹ-con cái, vợ-chồng. Bài báo đưa ra so sánh giữa quan hệ gia đình truyền thống có trong xã hội Nho giáo Nhật Bản, sau đó nêu lên thái độ của Fukuzawa Yukichi trước những tục lệ vốn có. Cụ thể, đối với mối quan hệ cha mẹ-con cái, Fukuzawa Yukichi không đồng tình với cách nghĩ rằng cha mẹ vì đã có công sinh thành mà có toàn quyền sở hữu và quyết định đối với con cái. Ông giới hạn lại quyền hạn của cha mẹ, cho rằng cha mẹ cần tôn trọng con cái bởi cha mẹ và con cái cũng là một mối quan hệ xã hội dân sự nên phải tuân theo các nguyên tắc của xã hội dân sự. Ở mối quan hệ vợ chồng, Fukuzawa nêu lên tính bình đẳng. Ông phản đối mạnh mẽ sự áp đặt và những quy tắc mà xã hội dành cho phụ nữ. Ông cho rằng người phụ nữ/người vợ cũng phải có những quyền hạn ngang bằng với nam giới/người chồng. Giữa phụ nữ và nam giới nên là mối quan hệ cởi mở thay vì là những tục lệ ngăn cấm sự thân mật. Chỉ khi phá vỡ được những lối suy nghĩ lạc hậu trong mối quan hệ gia đình, các cá nhân mới có thể phát triển tự do, xã hội mới có thể tiến bộ.
  • 15. 10 Năm 1982, tác giả Iida Kanae (飯田鼎) công bố trên Tạp chí Kinh tế Keio (三田学会雑誌) quyển 75, số 3 (1982.6), trang 283(55)-297(69) bài nghiên cứu 福沢諭吉における民権とナショナリズムの形成:『西洋事 情』と『学問のすすめ』を中心に (tạm dịch: Sự hình thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về dân quyền và chủ nghĩa dân tộc trong hai tác phẩm: “Tây dương sự tình” và “Khuyến học”. Bài nghiên cứu nhằm phân tích sự chuyển biến và phát triển của tư tưởng Fukuzawa Yukichi về dân quyền và chủ nghĩa dân tộc, cũng như chỉ ra mối liên hệ giữa hai vấn đề này. Trong đó, tác giả Iida chia tư tưởng của Fukuzawa Yukichi thành hai giai đoạn gắn với từng trước tác: (1) giai đoạn đầu gắn với tác phẩm Tây dương sự tình: chính phủ Minh Trị chưa được thành lập, chính trị rơi vào khủng hoảng, giới trí thức còn mơ hồ về hình mẫu chính trị tương lai và (2) giai đoạn sau đó gắn với tác phẩm Khuyến học: chính phủ Minh Trị mở ra một thời đại mới, xây dựng một đất nước hiện đại. Ở giai đoạn đầu, Fukuzawa chủ yếu khảo sát lịch sử xã hội, chính trị của các quốc gia phương Tây phát triển. Thông qua đó, ông đã giới thiệu đến người dân Nhật Bản – lúc bấy giờ vẫn còn trong tình trạng phong kiến lạc hậu – những khái niệm đầu tiên về tự do và quyền cá nhân. Giữa sự mơ hồ mất định hướng, việc tiếp cận với tri thức kinh tế, chính trị, pháp luật phương Tây đã mở ra cho ông ý tưởng về một nhà nước dân chủ hiện đại, có sự kiểm soát của Hội đồng nhân dân, vận hành bằng pháp luật và hệ thống thuế quan. Đến giai đoạn sau, khi nhà nước Minh Trị ra đời và áp dụng những lý thuyết chính trị phương Tây vào thực tiễn Nhật Bản, Fukuzawa Yukichi tiếp tục làm rõ và củng cố tư tưởng về dân quyền. Trong đó, ông nhấn mạnh vào quyền tự do cá nhân, sự độc lập của cá nhân trước chính quyền cai trị, quyền và nghĩa vụ đấu tranh của mỗi công dân nhằm bảo vệ tính tự do chính đáng của mình. Bằng sự khảo sát chuyển biến tư tưởng trong hai tác phẩm đại diện cho hai giai đoạn tư tưởng như thế, bài nghiên
  • 16. 11 cứu của Iida đã cho thấy bối cảnh xã hội và đặc trưng của tư tưởng Fukuzawa Yukichi về vấn đề quyền công dân và chủ nghĩa dân tộc, qua đó cũng thấy được một số quan điểm nổi bật của Fukuzawa về công dân trong một nhà nước hiện đại. Cũng trên Tạp chí Kinh tế Keio, ở quyển 78, số 6 (1986.2), trang 668(20)- 684(36), Iida Kanae vào năm 1986 tiếp tục có bài nghiên cứu với tiêu đề 福沢 諭吉と国会開設運動 (tạm dịch: Fukuzawa Yukichi và cuộc vận động thành lập Quốc hội). Trong bài viết này, tác giả phân tích ba nội dung chính: (1) quan điểm về văn minh của Fukuzawa Yukichi trong tác phẩm Cải cách dân tình, (2) chuyển biến chính trị và tác phẩm Luận về thời thế và (3) quan điểm của Fukuzawa Yukichi xem chế độ quân chủ lập hiến của Anh như một hình mẫu lý tưởng. Đây là một nghiên cứu về tư tưởng chính trị của Fukuzawa Yukichi đối với việc thành lập mô hình nhà nước mới sau khi chế độ phong kiến cũ vừa bị lật đổ. Qua các phân tích trong bài báo, có thể thấy rằng Fukuzawa Yukichi xem việc thành lập Quốc hội là điều cần thiết đối với nhà nước Minh Trị vừa ra đời. Fukuzawa luôn cho rằng các mâu thuẫn, xung đột trong chính trị thường là do mọi người không thể trao đổi ý kiến với nhau, vì thế Quốc hội sẽ là nơi lắng nghe và điều hòa ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng người dân Nhật Bản lúc bấy giờ vẫn chưa hình thành được ý thức chính trị nên chưa thể phát huy hiệu quả quyền lợi, sức mạnh của mình trong một mô hình nhà nước pháp quyền kiểu mới. Từ đó, Fukuzawa Yukichi tiến hành khảo sát các mô hình nhà nước và Quốc hội trên thế giới. Ông kết luận mỗi mô hình đều là kết quả từ những điều kiện lịch sử xã hội nhất định, Nhật Bản không thể rập khuôn một mô hình nào cả, mà thay vào đó là phải xây dựng cho riêng mình mô hình nhà nước thích hợp. Tuy nhiên, ông đặc biệt quan tâm đến mô hình quân chủ lập hiến của nước Anh – nơi vừa có Hoàng tộc thống trị, vừa có Quốc hội đại diện cho ý kiến của số đông quần chúng. Bài nghiên cứu này của học giả Iida Kanae đã giới thiệu một phần tư tưởng Fukuzawa Yukichi dưới
  • 17. 12 góc độ chính trị, đồng thời cho thấy sự thức thời, sâu sắc và thực tế trong cách nghĩ của nhà tư tưởng Minh Trị lỗi lạc này. Trên Tạp chí Triết học số 2 năm 1995, Nguyễn Tiến Lực đã có bài viết Fukuzawa Yukichi và tư tưởng khai sáng của ông giới thiệu sơ lược cuộc đời Fukuzawa Yukichi và những vấn đề về văn minh, khai sáng trong quan điểm của nhân vật này. Cụ thể, đó là lý luận về bản chất và đặc điểm của văn minh, coi văn minh hóa là phương tiện để bảo vệ độc lập đất nước, đề cao tinh thần “độc lập tự tôn”, phê phán hư học và chủ trương thực học, bàn đến nhân quyền và quyền bình đẳng. Trong quy mô một bài báo, các vấn đề này được học giả Nguyễn Tiến Lực trình bày một cách sơ lược, nhưng qua đó cũng đã thấy được giá trị và hạn chế của tư tưởng Fukuzawa Yukichi đối với Nhật Bản lúc bấy giờ. Nguyễn Tiến Lực còn nghiên cứu về Fukuzawa Yukichi trên lĩnh vực giáo dục qua cuốn sách Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ – Tư tưởng cải cách giáo dục do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2013. Tại đây, tư tưởng của Fukuzawa Yukichi được đào sâu trên những vấn đề như văn minh, tinh thần tự tôn, dân quyền, giáo dục, cải cách giáo dục... Công trình này còn tiến hành phân tích so sánh Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ bởi đây đều là những nhân vật tâm huyết với vấn đề cải cách giáo dục cũng như sống trong cùng thời đại. Tác giả Nguyễn Tiến Lực đã chỉ ra được những điểm khác nhau trong tư tưởng cải cách của hai nhân vật này, đồng thời giải thích sự khác nhau đó dựa trên bối cảnh lịch sử xã hội của Việt Nam và Nhật Bản. Công trình giúp phần nào hiểu được nguyên nhân thành công của Fukuzawa Yukichi ở cuộc cải cách Minh Trị tại Nhật Bản, trong khi cùng giai đoạn đó, cuộc canh tân của Nguyễn Trường Tộ dưới thời Nguyễn tại Việt Nam lại gặp thất bại. Nhà nghiên cứu Vĩnh Sính có công trình mang tên Việt Nam và Nhật Bản trong thế giới Đông Á do Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh,
  • 18. 13 Khoa Sử học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1993. Trong công trình này, tác giả đã dành ra một phần để trình bày Quan niệm về độc lập quốc gia của Việt Nam và Nhật Bản: Trường hợp Phan Bội Châu và Fukuzawa Yukichi. Tại đây, tư tưởng của Fukuzawa Yukichi đã được phân tích qua những nội dung về độc lập dân tộc: động lực cho tư tưởng độc lập dân tộc, bản chất của tính độc lập dân tộc và những cách thức để đạt được sự độc lập cho dân tộc Nhật Bản. Ở công trình này, vấn đề công dân cũng được đề cập sơ lược khi nói đến mối liên hệ giữa độc lập cá nhân của công dân với độc lập cho toàn thể dân tộc. Tác giả Bill Mihalopoulos thuộc Trung tâm Châu Á học, Đại học Adelaide (Úc) vào năm 2012 có bài luận với tiêu đề An exercise in good government: Fukuzawa Yukichi on emigration and nation-building (tạm dịch: Thực tiễn về chính quyền tốt: Quan điểm của Fukuzawa Yukichi về vấn đề di dân và xây dựng quốc gia). Thông qua khảo sát một số tác phẩm sách vở và những bài phát biểu, tạp chí của Fukuzawa, tác giả Bill Mihalopoulos đã chỉ ra tính cởi mở của Fukuzawa trước việc di cư sang nước ngoài người dân trong nước – một điều đối lập với một số nhân vật lãnh đạo tư tưởng và chính trị đương thời. Cách hiểu của Fukuzawa Yukichi về sức mạnh công dân không giới hạn ở phạm vi địa lý. Bằng nghiên cứu so sánh với trường hợp nước Anh, Fukuzawa cho rằng người dân Nhật Bản nếu có cơ hội nên sang nước ngoài học tập hoặc tìm kiếm công việc, miễn sao chúng phát huy tốt nhất năng lực của mỗi cá nhân, bởi người dân tại nước ngoài vẫn có thể đóng góp của cải, trí óc cho sự hưng thịnh của quê hương. Bên cạnh đó, bài luận này cũng nhắc đến sự không phân biệt tầng lớp, giới tính khi phát huy sức mạnh công dân trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Qua bài luận này, có thể thấy được trong bối cảnh thời đại, Fukuzawa đã có những tư tưởng cởi mở, khai phóng cho sự phát triển của nguồn lực công dân cũng như xây dựng đất nước.
  • 19. 14 John Gavin Branstetter tại Đại học California (Hoa Kỳ) thực hiện Luận án Tiến sĩ Khoa học Chính trị năm 2017 với đề tài Translational Moments: Citizenship in Meiji Japan (tạm dịch: Các cột mốc dịch thuật: Quyền công dân tại Nhật Bản thời kỳ Minh Trị). Nội dung luận án xoay quanh những sự kiện dịch thuật quan trọng trong lịch sử mà từ đó các khái niệm triết học, chính trị, luật học được đưa vào Nhật Bản. Trong đó, Fukuzawa Yukichi được nhắc đến ngay tại cột mốc đầu tiên. Theo tác giả John Gavin Branstetter, Fukuzawa Yukichi chính là người có công chuyển ngữ các khái niệm liên quan đến công dân, ý thức về phương Tây, thành thị, quyền và nghĩa vụ… Tuy vấn đề mà luận án giải quyết là dịch thuật, nhưng thông qua khảo sát cách dùng từ trong hàng loạt tác phẩm của Fukuzawa Yukichi, luận án đã chỉ ra rằng Fukuzawa hướng đến tính cá nhân hóa công dân, tính bình đẳng giữa các giai cấp, vạch ra cho Nhật Bản những nền tảng căn bản để xây dựng nên một quốc gia hiện đại với mối quan hệ tách bạch về quyền và nghĩa vụ. Trong các tác phẩm của Fukuzawa Yukichi, những từ ngữ như “thị dân”, “bình dân”, “quốc dân” là sự biểu đạt khái niệm “citizen” của phương Tây, biểu thị những cách thức sinh sống đa dạng chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi nghề nghiệp như cách gọi “sĩ”, “công”, “nông”, “thương” dưới thời Mạc phủ. Cách dịch thuật và giới thiệu khái niệm như thế đã phá vỡ những quy tắc phong kiến vốn có, tạo cho độc giả của ông thời bấy giờ nhận thức về sự bình đẳng, cảm thấy mình là một cá nhân độc lập. Do vậy, Fukuzawa Yukichi có công lớn trong việc thúc đẩy ý tưởng về thương mại, trau dồi cá nhân, xây dựng sức mạnh và sự thịnh vượng cho quốc gia, tách biệt giữa vấn đề chính trị và xã hội công dân. Vào năm 2020, Hiệp hội nghiên cứu Yamamoto, Chuyên ngành Giáo dục học, Khoa Văn học, Đại học Keio (Nhật Bản) đã hoàn thành công trình 福澤諭吉の教育思想研究 (tạm dịch: Nghiên cứu tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi) với dung lượng 130 trang. Công trình này chia tư tưởng
  • 20. 15 của Fukuzawa Yukichi thành ba giai đoạn: giai đoạn trước năm 1877 với tác phẩm Khuyến học và Khái lược văn minh luận, giai đoạn từ năm 1877 đến năm 1887 với tác phẩm Luận về giáo dục và Luận về đức dục, giai đoạn từ 1887 trở về sau với tác phẩm Luận về giáo dục phụ nữ và Luận về giáo dục gia đình. Ở từng tác phẩm, nhóm tác giả nêu lên những vấn đề nổi bật mà tư tưởng của Fukuzawa Yukichi giải quyết như mục đích của giáo dục, tính độc lập của giáo dục, bình đẳng nam nữ trong giáo dục, những thay đổi cần thiết trong cách giáo dục truyền thống dành cho phụ nữ... Nổi bật xuyên suốt trong tư tưởng giáo dục của ông luôn là tính độc lập, bình đẳng, tự do nhằm phát huy tốt nhất năng lực của mỗi cá nhân, cũng như khai thác năng lực của mỗi cá nhân ấy cho sự bảo vệ và xây dựng đất nước. Tại Việt Nam, tư tưởng của Fukuzawa Yukichi cũng được tìm hiểu qua một số công trình luận văn. Đinh Quang Trung đã thực hiện luận văn thạc sĩ với đề tài Tư tưởng giáo dục của Fukuzawa Yukichi tại Đại học Đà Nẵng năm 2015. Luận văn phân tích qua những nội dung tư tưởng của Fukuzawa như mục đích của giáo dục, phê phán thói “hư học” vốn chịu ảnh hưởng từ truyền thống Hán học, đề xuất thiết lập một nền giáo dục thực dụng, tiếp thu có chọn lọc văn minh phương Tây trên cơ sở đề cao chủ nghĩa quốc gia, phương pháp của giáo dục. Đồng thời, tác giả Đinh Quang Trung cũng tìm hiểu về ảnh hưởng của tư tưởng giáo dục Fukuzawa Yukichi đối với xã hội Nhật Bản, cũng như ý nghĩa của việc nghiên cứu tư tưởng của nhân vật này đối với quá trình đổi mới giáo dục hiện nay của nước ta. Nguyễn Minh Nguyên thực hiện Luận án Tiến sĩ đề tài Tư tưởng cải cách của Fukuzawa Yukichi (1835-1901) và giá trị của nó tại Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2016. Đây là một công trình giá trị trong việc tiếp cận nhân vật Fukuzawa Yukichi dưới góc độ tư tưởng cải cách. Những nội dung cải cách mà luận án nghiên cứu trải trên các lĩnh vực giáo dục, nhà nước, ngoại giao. Sau khi phân tích qua những vấn đề nổi bật trong các lĩnh
  • 21. 16 vực đó, tác giả Nguyễn Minh Nguyên còn chỉ ra giá trị của tư tưởng Fukuzawa Yukichi đối với chính sách cải cách của chính quyền Minh Trị, đối với phong trào canh tân của Việt Nam ở đầu thế kỷ XX, cũng như giá trị gợi mở của tư tưởng Fukuzawa Yukichi đối với Việt Nam hiện nay. Cũng về Fukuzawa Yukichi nhưng tác giả Phạm Thanh Mai tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2018 nghiên cứu khía cạnh tư tưởng kinh doanh với đề tài luận văn Nghiên cứu về tư tưởng kinh doanh của Fukuzawa Yukichi. Luận văn phân tích khá nhiều về bối cảnh lịch sử, các hoạt động của Fukuzawa Yukichi, những điểm nổi bật trong tư tưởng kinh doanh của Fukuzawa Yukichi và ý nghĩa của các tư tưởng ấy. Đặc biệt, luận văn có phân tích việc áp dụng tư tưởng kinh doanh của Fukuzawa vào thực tế như sáng lập và điều hành trường đại học Keio, sáng lập và kinh doanh chuỗi cửa hàng nhà sách Maruzen. Điều đó cho thấy tư tưởng của Fukuzawa Yukichi không chỉ là lý thuyết sách vở đơn thuần mà đã được ông vận dụng vào thực tế của bản thân, cũng như khuynh hướng bám sát thực tế trong tính cách của Fukuzawa. Bên cạnh đó còn có những nghiên cứu phân tích và so sánh tư tưởng của Fukuzawa Yukichi với những tư tưởng cùng thời đại hoặc nghiên cứu sự kế thừa, phản biện đối với nhân vật này. Học giả Umetsu Junichi (梅津順一) có bài viết tiêu đề 文明化と日本―福沢諭吉と徳富蘇峰 (tạm dịch: Văn minh hóa và Nhật Bản: Fukuzawa Yukichi và Tokutomi Sohou) trong Kỷ yếu khoa học Trường Đại học nữ sinh ngắn hạn Aoyama (青山学院女子短期大学紀 要) số 44 năm 1990. Trong đó, tác giả đã phân tích quan niệm về vấn đề văn minh hóa đất nước Nhật Bản trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi và Tokutomi Sohou (1863-1957) – một nhà báo, nhà sử học có ảnh hưởng đến chính trị Nhật Bản thuộc thế hệ tiếp nối Fukuzawa Yukichi. Tư tưởng của Fukuzawa được phân tích trong bài nghiên cứu này chủ yếu là các quan niệm
  • 22. 17 về quốc gia, dân tộc trong tác phẩm Bàn về văn minh. Các tư tưởng này được đặt trong sự so sánh với tư tưởng của Tokutomi Sohou về “chủ nghĩa bình dân”. Nếu như Fukuzawa đặt mục tiêu “văn minh hóa” lấy phương Tây làm hình mẫu, đề cao tính bình đẳng và độc lập cá nhân trong sự phát triển đất nước, thì Tokutomi Sohou đã tiếp nối và vạch ra một kịch bản rõ nét hơn cho tương lai Nhật Bản. Đó là một quốc gia thay vì chỉ xoay quanh vấn đề quân sự để tạo sức mạnh tự vệ trước thế lực ngoại bang thì nên chuyển sang phát triển một nền kinh tế trong nước đa dạng, sôi động và hiệu quả, chọn hoạt động sản xuất làm nhân tố phát triển sức mạnh đất nước. Bài nghiên cứu này của học giả Umetsu Junichi đã cho thấy một hướng phát triển và biến đổi dựa trên tư tưởng của Fukuzawa Yukichi, một sự điều chỉnh xuất phát từ những biến đổi nhất định của yêu cầu thời đại. Với tiểu luận 社会契約から文明史へ-福沢諭吉の初期国民国家形 成構想 (tạm dịch: Từ khế ước xã hội đến lịch sử văn minh – Quan niệm sơ khai về quốc gia dân tộc của Fukuzawa Yukichi) đăng trên Tạp chí Phê bình Luật Đại học Hokkaido (北大法学論集) năm 1990 số 40(5-6)2, trang 739- 786, học giả Matsuzawa Hiroaki (松沢弘陽) đã phân tích quá trình hình thành quan điểm về quốc gia dân tộc trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi dựa trên sự kế thừa tư tưởng về khế ước xã hội của nhà tư tưởng người Mỹ Francis Weyland (1796-1865). Nếu như nhà khai sáng người Pháp Jean- Jacques Rousseau dùng lý thuyết khế ước xã hội để giải thích sự hình thành nhà nước thì Francis Weyland đã tiếp tục phát triển học thuyết này theo một góc độ cấp tiến hơn. Francis Weyland phân biệt xã hội thành xã hội đơn thuần và xã hội chính trị. Học giả người Mỹ này chỉ ra rằng trong xã hội chính trị, sự tham gia của các cá nhân không mang tính tự nguyện mà có tính bản năng, đồng thời “khế ước” tham gia vào xã hội chính trị này không hoàn toàn thể hiện ý muốn của các cá nhân ấy. Francis Weyland còn đi sâu phân tích sự
  • 23. 18 hình thành lòng yêu nước, cho rằng đó là tình cảm sâu sắc nhất của con người và nảy sinh nhằm phù hợp với tính chất của xã hội chính trị. Do vậy, thông qua lòng yêu nước, người dân có thể từ bỏ phần nào quyền lợi cá nhân để hướng đến mục tiêu chung của nhà nước – hướng lập luận này được Fukuzawa Yukichi tiếp thu mạnh mẽ. Từ lý thuyết khế ước xã hội của Rousseau và Weyland, Fukuzawa Yukichi đã hình thành những lý luận về sự hình thành và phát triển của nhà nước Nhật Bản. Ông cho rằng đích đến của con đường phát triển đất nước chính là trình độ văn minh, và cách thực hiện mục tiêu này chính là phát triển tinh thần độc lập của mỗi cá nhân trong đất nước. Tiểu luận của Matsuzawa Hiroaki đã cho thấy nỗ lực của Fukuzawa Yukichi trong việc tìm cách xây dựng những “công dân” độc lập, nỗ lực chỉ ra những hệ tư tưởng lạc hậu đang cản bước phát triển của đất nước Nhật Bản, từ đó cải cách tư tưởng, khai phóng tính độc lập trong mỗi cá nhân. Bài viết A Comparative Analysis of the Civilizations of Fukuzawa Yukichi and Sun Yat-sen (tạm dịch: Phân tích so sánh vấn đề văn minh trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi và Tôn Trung Sơn) của tác giả Matthew Jones đăng trên Tạp chí Global Tides quyển 9, số 2 năm 2015 cũng là một nghiên cứu về Fukuzawa Yukichi trong vấn đề văn minh. Tuy nhiên, dưới góc độ so sánh giữa hai nhân vật tại hai bối cảnh lịch sử khác nhau, bài viết đã cho thấy những đặc điểm riêng biệt trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi và cũng là yếu tố làm nên sự thành công của quá trình xây dựng Nhật Bản hiện đại. Ở Tôn Trung Sơn, đó là bức tranh của một nhà chính trị, nhà hoạt động cách mạng tại một đại đế chế Trung Hoa đang bị các nước phương Tây xâu xé. Tư tưởng Tôn Trung Sơn mang đậm tính chính trị, đề xuất quản lý người dân theo các đơn vị hành chính và phát huy sức mạnh người dân thông qua sự thịnh vượng chung của địa phương. Tôn Trung Sơn đề cao lý thuyết chọn lọc tự nhiên ở góc độ xã hội, cho rằng trong xã hội đã có sẵn những người vượt trội hơn người khác, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, từ đó ông phân chia quản lý
  • 24. 19 dân chúng theo nhiều thứ bậc khác nhau. Mặt khác, Fukuzawa Yukichi với tư cách một nhà giáo dục không tham gia chính trị, tại một quốc gia mở cửa cải cách khi nhìn thấy mối đe dọa từ phương Tây, tư tưởng của Fukuzawa mang tính chất ôn hòa và đề cao sức mạnh cá nhân. Ông không gắn công dân vào đơn vị hành chính như Tôn Trung Sơn. Thay vào đó, với ông, mỗi một cá nhân độc lập sẽ tạo nên được một quốc gia độc lập. Fukuzawa xem trọng tính bình đẳng của cá nhân trong xã hội, cho rằng mọi người đều ngang bằng nhau, sự phân chia chức vụ trong xã hội chẳng qua là do người dân và chính phủ đã ngầm ký với nhau một “khế ước” để xã hội vận hành tốt hơn. Có thể thấy, hướng nổi bật trong các nghiên cứu về tư tưởng của Fukuzawa Yukichi là vấn đề giáo dục và độc lập, tự tôn dân tộc. Tại Việt Nam, mối liên hệ giữa công dân với sự giàu mạnh của dân tộc cũng được nhắc đến nhưng chỉ dừng ở mức độ sơ lược. Do vậy, vấn đề công dân trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi vẫn còn cần được nghiên cứu nhiều hơn. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu: Luận văn nhằm làm rõ nội dung cơ bản trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân, từ đó rút ra đặc điểm và ỷ nghĩa lịch sử của nội dung tư tưởng đối với xã hội Nhật Bản thời bấy giờ. Nhiệm vụ nghiên cứu: Để đạt được các mục đích nghiên cứu trên, luận văn thực hiện các nhiệm vụ sau: - Trình bày, phân tích điều kiện lịch sử-xã hội và tiền đề hình thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân. - Trình bày, phân tích nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là vấn đề công dân trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi.
  • 25. 20 Phạm vi nghiên cứu của luận văn tập trung nghiên cứu vấn đề công dân trong tư tưởng Fukuzawa Yukichi trong các tác phẩm của ông như Khuyến học, Bàn về văn minh, Phúc ông tự truyện, Thoát Á luận... 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Về cơ sở lý luận, luận văn trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng và phương pháp duy vật lịch sử. Về phương pháp luận, luận văn sử dụng các phương pháp cụ thể như lịch sử-logic, diễn dịch-quy nạp, phân tích-tổng hợp. 6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn Ý nghĩa khoa học: Nghiên cứu nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử trong quan điểm của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân sẽ góp phần làm rõ hệ thống lý luận của nhà tư tưởng này, đồng thời giúp hiểu được phần nào những tư tưởng nền tảng của Nhật Bản trong việc xây dựng một nhà nước châu Á hiện đại. Ý nghĩa thực tiễn: Những ý nghĩa mà nội dung luận văn rút ra có thể là bài học bổ ích cho quá trình phát triển đất nước Việt Nam. Luận văn có thể làm tài liệu cho những ai quan tâm về lịch sử tư tưởng Nhật Bản giai đoạn thế kỷ XIX. 7. Kết cấu nội dung Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung bài tiểu luận bao gồm 2 chương, 5 tiết: Chương 1: Điều kiện tiền đề hình thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân Chương 2: Nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân
  • 26. 21 PHẦN NỘI DUNG Chương 1 ĐIỀU KIỆN TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN 1.1. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CỦA FUKUZAWA YUKICHI VỀ VẤN ĐỀ CÔNG DÂN 1.1.1. Điều kiện lịch sử - xã hội của thế giới thế kỷ XIX cho sự hình thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân Vào đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển rực rỡ và chiếm địa vị thống trị tại phương Tây. Chế độ quý tộc phong kiến nay phải nhường bước cho sự lên ngôi của giai cấp tư sản mới nổi. Các cuộc cách mạng tư sản ở Hà Lan, Anh, Mỹ… diễn ra vào thế kỷ trước đó đã làm thay đổi toàn bộ các mối quan hệ xã hội phương Tây. Nước Anh vươn lên vị trí đứng đầu trong nền kinh tế thế giới nhờ vào các phát minh khoa học kỹ thuật. Công nghiệp thay thế nông nghiệp ở vai trò kinh tế mũi nhọn. Các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, cơ khí, đường sắt phát triển mạnh mẽ, tăng cường khả năng đi lại, vận chuyển và quân sự của các quốc gia tư bản. Tiếp sau Anh, nước Pháp cũng vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nước Mỹ giai đoạn này cũng đã hoàn thành công cuộc giành độc lập thoát khỏi sự cai trị của Anh, từ đó có thêm điều kiện để phát triển kinh tế theo hình thái tư bản chủ nghĩa và đạt những thành tựu nhất định trong ngành dệt, luyện kim, công nghiệp nặng và đường sắt. Cách mạng tư sản dù chỉ diễn ra ở một số nước châu Âu và châu Mỹ nhưng lúc bấy giờ, trong mỗi nền kinh tế châu Âu đều đã xuất hiện những nhân tố của chủ nghĩa tư bản. Nước Đức vẫn chịu sự thống trị của chính quyền phong kiến, thế nhưng quan hệ tư bản chủ nghĩa cũng đã hình thành và phát triển mạnh tại một số khu vực nhất định, phần nào giải phóng nhân dân
  • 27. 22 khỏi quan hệ phong kiến. Từ đầu thế kỷ XIX, Đức có những công trường thủ công đầu tiên cùng với những tiến bộ vượt bậc trong ngành vận tải và giao thông hàng hải, xuất hiện tàu hơi nước và đường sắt. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế tư bản Đức bị kìm hãm đáng kể bởi hình thái phong kiến. Tương tự như Đức, Ý và Áo cũng vẫn còn tồn tại chế độ phong kiến khiến giai cấp tư sản không thể đạt được nhiều thành tựu như ở Anh, Pháp, Mỹ. Dù vậy các quốc gia này cũng manh nha hình thành những mô hình sản xuất công nghiệp theo phương thức tư bản, làm biến đổi những mối quan hệ sản xuất và đời sống dù có phần trễ hơn và chậm chạp hơn. Nhìn chung, chủ nghĩa tư bản tại châu Âu đã tạo nên được nguồn của cải vật chất to lớn và đa dạng, sản sinh những mối quan hệ mới, nhu cầu mới, cũng như những mâu thuẫn mới (Vũ Dương Ninh & Nguyễn Văn Hồng, 2005). Sự phát triển chóng mặt của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa mặt khác lại tạo nên những bất ổn. Khi năng suất tăng vượt bậc và khối lượng hàng hóa làm ra được nhiều đến mức bằng tổng số hàng hóa ở các thời kỳ cộng lại, các nước tư bản nhanh chóng rơi vào khủng hoảng do chênh lệch cung - cầu cũng như thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Năm 1825, cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên diễn ra tại nước Anh và tiếp sau đó là nhiều cuộc khủng hoảng khác liên tiếp xuất hiện theo chu kỳ mười năm. Các cuộc khủng hoảng này không chỉ gây tác hại to lớn đến đời sống kinh tế nước Anh mà còn lan rộng ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực châu Âu. Từ giữa thế kỷ thứ XIX, do hình thái tư bản đã lan rộng và phát triển lớn mạnh tạo nên mâu thuẫn không thể điều hòa giữa giai cấp tư sản và giới quý tộc cầm quyền, hầu hết chế độ phong kiến tại các nước phương Tây đã bị lật đổ và nền chính trị tư bản chủ nghĩa được xác lập. Đồng thời, do sức ép ngày càng cao của nhu cầu sản xuất tư bản, các nước phương Tây lần lượt tiến hành những cuộc chiến tranh thực dân nhằm xâm lược và khai thác thuộc địa. Tại Pháp, chính quyền Napoleon III thi hành chính sách thuộc địa với mục
  • 28. 23 đích thu về nguyên liệu và của cải cho giới đại tư sản đang nắm thế lực trong nước. Vì muốn tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Biển Đen, Pháp đã liên minh với Anh để chống lại Nga, nhờ đó Pháp củng cố thêm sức mạnh đối nội và tăng cường ảnh hưởng đối với nước ngoài. Tiếp đó, Pháp còn can thiệp vũ trang vào tình hình chính trị ở các nước lân cận như Ý, Đức, thực hiện chiến tranh xâm lược Algeria, tấn công và buộc Trung Quốc phải ký những hiệp ước bất bình đẳng, sau đó mở rộng cuộc thực dân xuống các nước Đông Nam Á. Nước Anh vốn là quốc gia đi đầu trong làn sóng phát triển công nghiệp tư bản chủ nghĩa nên cũng không thể tránh khỏi sức ép gay gắt từ nhu cầu nguyên liệu và thị trường. Nước Anh tìm thấy một thị trường rộng lớn giàu tiềm năng tại Trung Quốc, vì thế đã nỗ lực buộc quốc gia châu Á này mở cửa và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động buôn bán của mình. Mâu thuẫn không thể giải quyết, chiến tranh nha phiến nổ ra, Anh và Trung Quốc từ mối quan hệ giao thương đã rơi vào trạng thái chiến tranh xâm lược. Sự thất bại của Trung Quốc trước làn sóng thực dân phương Tây là một tiếng chuông lay động toàn châu Á. Giai đoạn tiếp xúc với thế lực và văn minh phương Tây, đại vương triều Trung Quốc đang trong tình trạng suy thoái từ bên trong: giới vua chúa cầm quyền không chăm lo việc chính trị mà sa đà vào hưởng thụ, giới quan lại thì hèn kém bất tài. Quân đội tổ chức lỏng lẻo, quan hệ kinh tế lạc hậu, đời sống người dân suy kém, do vậy Trung Quốc khi đứng trước sự đe dọa của phương Tây đã nhanh chóng biến thành miếng bánh cho các cường quốc xâu xé (Đỗ Đức Minh & Võ Thị Hoa, 2019). Nền văn minh vĩ đại của phương Đông nay trở thành một con “hổ giấy”, bị tàn phá nặng nề bởi tệ nạn thuốc phiện mà người phương Tây mang đến, để rồi sau đó phải chịu tình trạng bất bình đẳng trước sức mạnh quân sự phương Tây. “Cuộc Chiến tranh nha phiến, đã đánh dấu sự suy tàn của phương thức sản xuất nhỏ phong kiến đã một thời tạo ra nền văn minh phương Đông
  • 29. 24 rực rỡ. Vua quan phong kiến không thể không thừa nhận một sự thật tàn khốc: đường đường là “thiên binh thiên tướng” của Thiên triều, mà không chống chọi nổi với những súng dài pháo lớn của “phương Tây mọi rợ”.” (Thi Hữu Tùng, 2009, tr.78) Với vị thế cường quốc thống trị, là trung tâm của cả một vùng văn minh, Trung Quốc sụp đổ kéo theo sự sụp đổ niềm tin vào các giá trị cố hữu vốn định hình phương Đông, chẳng hạn như Nho giáo. Từ bao đời nay, các lời dạy Nho giáo của Khổng Tử đã ăn sâu vào đời sống văn hóa, đạo đức, hình thành nếp nghĩ cho mọi tầng lớp nhân dân Trung Quốc, cũng như lan rộng ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận. Nho giáo vốn duy trì trật tự xã hội bằng chủ trương đề cao tính huyết thống, mối quan hệ thân tộc, bạn bè, đề cao thứ bậc trên dưới, gán chức phận và giá trị cho mỗi cá nhân, đồng thời dùng “mệnh Trời” để giải thích các sự kiện, các mối quan hệ trong xã hội: “Chẳng có việc gì xảy ra mà chẳng do mệnh trời. Mình nên tùy thuận mà nhận lấy cái mệnh chính đáng ấy” (Đoàn Trung Còn, 1996, tr.217). Sự bất lực của Nho giáo Trung Quốc dẫn đến thái độ hoài nghi về tính hiển nhiên của hệ thống thứ bậc xã hội này. Trong làn sóng hoài nghi đó, Fukuzawa Yukichi đã bác bỏ tính bị động mà thuyết “thiên mệnh” Nho giáo áp vào con người. Ông tuyên bố rằng “nỗ lực có thể thay đổi được mệnh trời”, cho rằng con người không hề bị động và không nên phó thác cuộc đời mình cho một niềm tin vô hình, bởi “tình trạng giàu, nghèo, mạnh, yếu dứt khoát không phải là do mệnh Trời hoặc là do ý Trời mà ta đành phải cam chịu. Mà đó là do con người có nỗ lực hay không chịu nỗ lực mà thôi” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.51). Do đó, quyền lực và thứ bậc trong xã hội cũng không hề bất biến mà luôn luôn thay đổi tùy theo nỗ lực của chính con người: “Nhờ nỗ lực như thế, không biết chừng mới hôm qua còn là kẻ ngu dốt, nhưng ngày mai đã trở thành người tài giỏi; mới hôm qua còn tự vỗ ngực giàu mạnh, nhưng ngày mai trở nên hèn kém” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.51). Có thể nói, cuộc chiến tranh nha
  • 30. 25 phiến tại Trung Quốc đã giúp Nhật Bản sớm thức tỉnh và ráo riết chuẩn bị cho mình tâm thế và lập trường thái độ trước làn sóng phương Tây. Tóm lại, biến chuyển của thế giới thế kỷ XIX có sự tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng. Sự biến chuyển đã đặt ra câu hỏi về vấn đề công dân – vấn đề mang tính căn bản để cấu thành nên một quốc gia dân tộc. 1.1.2. Điều kiện lịch sử - xã hội của Nhật Bản thế kỷ XIX cho sự hình thành tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về vấn đề công dân Điều kiện lịch sử: Trên tuyến đường biển Thái Bình Dương nối liền giao thương giữa phương Đông và phương Tây, khu vực Đông Bắc Á – trong đó có Nhật Bản – chiếm một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Đây đóng vai trò là cầu nối cho sự giao thương giữa phương Đông và phương Tây, là cửa ngõ cho các nước phương Tây tiếp cận được với các quốc gia Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Đại Dương. Đồng thời, Đông Bắc Á còn nằm trên tuyến đường giao thương Bắc Nam nối Nga với các quốc gia vùng biển phía Nam. Nằm trong khu vực địa chính trị trọng yếu như thế, Nhật Bản hẳn nhiên trở thành mục tiêu trong chính sách đối ngoại của nhiều nước phương Tây. Một số nước tư bản như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... đã đặt chân đến Nhật Bản thông qua các chuyến viễn du tìm tài nguyên và thị trường từ thế kỷ XVI. Sự xuất hiện của giới thương nhân và giáo sĩ đã khiến người Nhật mở rộng tầm mắt, thay đổi mọi mặt đời sống xã hội, biến chuyển các hình thức quan hệ kinh tế, văn hóa trước đây của một quốc gia phong kiến. Fukuzawa Yukichi mô tả bối cảnh ấy rằng: “Việc giao thương với phương Tây ngày một mở rộng. Mọi mối bang giao quốc tế đều ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các lĩnh vực trong nước” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.82). Sự xuất hiện của người phương Tây tại Nhật Bản ban đầu cho chính quyền Edo nhìn thấy cơ hội phát triển ngoại thương, hiện đại hóa quân
  • 31. 26 bị, xây dựng nước Nhật trở thành một cường quốc kinh tế. Thế nhưng đến cuối thế kỷ XVI, người phương Tây tại Nhật bắt đầu đe dọa tính cân bằng thương mại trong nước cũng như dần bộc lộ âm mưu bành trướng chủ nghĩa thực dân. Mạc phủ Tokugawa đương trị là chính quyền có công thống nhất quốc gia sau hơn một thế kỷ nội chiến liên miên. Ổn định trật tự xã hội là mục tiêu hàng đầu, do vậy Mạc phủ vô cùng lo ngại trước những nguy cơ tiềm ẩn từ người phương Tây và do đó đã thi hành chính sách “tỏa quốc” nghiêm ngặt. Theo chính sách này, từ năm 1639, chính quyền Edo chỉ cho phép giao thương với nước ngoài ở một vài hải cảng nhất định và với một số ít quốc gia như Trung Quốc, Hà Lan, Triều Tiên, Ryukyu... Hà Lan là quốc gia tư sản phương Tây duy nhất được phép giao thương với Nhật Bản giai đoạn này do có mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền Mạc phủ từ trước, cũng như do thể hiện ít mối đe dọa đối với chính quyền Mạc phủ. Chế độ đóng cửa suốt gần hai thế kỷ đã giúp nước Nhật có được sự ổn định lâu dài, tạo nên nền văn hóa dân tộc đậm nét và thuần nhất. Mặt khác, Nhật Bản đóng cửa nhưng không hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài mà vẫn thực hiện giao thương với Hà Lan. Thông qua Hà Lan, người Nhật vẫn được tiếp xúc với văn minh thế giới và du nhập rất nhiều sách vở, vũ khí từ phương Tây. Bầu trời kiến thức mới mẻ này được người Nhật hăng say đón nhận và học hỏi. Làn sóng du nhập của văn minh phương Tây mở ra nhiều cơ hội học hỏi cho giới trí thức Nhật Bản, đồng thời người Nhật cũng ý thức được mối đe dọa từ sự chênh lệch văn minh ấy. Nhật Bản phải “ở trong tình thế tất cả mọi thứ đều phải xử lý trên cơ sở tính toán hơn thiệt với phương Tây” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.82). Sự du nhập văn minh phương Tây này là điều không thể tránh khỏi. Trong điều kiện lịch sử-xã hội đó, đúng như Fukuzawa Yukichi nhận xét: “Đường giao thông trên thế giới là phương tiện để làn gió của văn minh phương Tây thổi vào phương Đông. Khắp mọi nơi, không có cỏ cây nào có thể ngăn được làn gió văn minh này” (Fukuzawa Yukichi, 1885).
  • 32. 27 Mạc phủ Tokugawa tuy không cởi mở với người nước ngoài nhưng cũng không bài trừ tri thức phương Tây. Chính quyền ý thức được tầm quan trọng của những tri thức mới và tích cực tìm hiểu, phổ biến chúng. Từ cuối thế kỷ XVIII, các ngành khoa học hiện đại đã được Mạc phủ chủ trương đưa vào giảng dạy, đồng thời còn muốn nắm quyền kiểm soát việc đào tạo các môn học này tại trường. Trường học dưới thời của Tokugawa cũng rất đa dạng về hình thức tổ chức, mục đích đào tạo và nội dung môn học, có cả trường công do Mạc phủ hoặc lãnh địa thành lập và điều hành lẫn trường do tư nhân xây dựng. Tuy Mạc phủ Tokugawa xác định Nho giáo là hệ tư tưởng chính thức nhưng Nho giáo không phải là nội dung độc tôn trong hệ thống giáo dục. Người học được quyền tự do lựa chọn theo học ở trường Quốc học (Kokugaku), Khai quốc học (Kaikoku) hay Hà Lan học (Rangaku)… Hoạt động tư tưởng học thuật khá sôi động vào thời kỳ này. Tinh thần học tập của người dân Nhật Bản cũng được ghi nhận là một bầu không khí tích cực: “Nhật Bản cuối thời kỳ Tokugaoa là một thế giới đầy những sách. Việc xuất bản sách đã tạo được việc làm cho hàng nghìn người ở các nhà xuất bản giáo dục chính thức và các nhà xuất bản tư nhân tự do bán các mặt hàng này cho công chúng… Chúng được không chỉ các samurai, mà còn, thậm chí chủ yếu gồm những thành viên của các giai cấp khác mua hoặc thuê đọc rất nhiều từ những người bán sách rong.” (P. R. Dore, 1963) Dù Nho giáo luôn được Mạc phủ đề cao và dùng như công cụ duy trì trật tự xã hội nhưng giới học giả thời ấy không hoàn toàn bám vào các lý thuyết của Nho giáo. Một bộ phận học giả tích cực tìm kiếm trong kho tàng dân tộc những giá trị cho bài toán ổn định đất nước và giải thích các vấn đề của thời đại. Tại đây, học thuyết “Kokutai” (Quốc thể) nói về nguồn gốc và tính chất thần thánh của dân tộc Nhật Bản đã được phái Quốc học hệ thống và truyền bá rộng khắp nước Nhật. Song song đó, phái Hà Lan học (Rangaku) cũng thu hút nhiều võ sĩ trẻ tuổi theo học. Nội dung tại trường Hà Lan học là những
  • 33. 28 kiến thức y học, quân sự, kỹ thuật chế tạo… của phương Tây giảng dạy thông qua sách vở Hà Lan. Hoạt động dịch thuật giai đoạn này cũng khá sôi động, trong đó chủ yếu là các môn sinh tự sao chép và dịch sách để phục vụ cho nhu cầu học tập. Lượng học viên theo học tại các trường này tuy không nhiều nếu so với các học phái truyền thống, thế nhưng họ rất siêng năng, nhạy bén, có khả năng tiếp thu tốt và giỏi ứng dụng vào đời sống. Hiểu biết mà ngành Hà Lan học mang lại tạo nền tảng cho một bộ phận trí thức Nhật Bản nhìn thấy và phản biện lại các bất cập, cổ hủ trong lối suy nghĩ truyền thống của người Nhật. Nhà nghiên cứu Manson và Caiger nhận định rằng “Rangaku đã khuyến khích người Nhật tiếp thu tư tưởng, khoa học kỹ thuật phương Tây để qua đó tăng cường sức mạnh đất nước đồng thời đả phá những quan niệm tư duy thủ cựu” (R. H. P. Manson & J. G. Caiger, 2003, tr.70). Sự phát triển đa dạng các khuynh hướng tư tưởng tại thời phong kiến Edo “không chỉ làm phong phú thêm kho tàng tri thức của Nhật Bản mà còn tạo thêm những điều kiện khách quan cho việc đi sâu tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn ở mỗi học phái” (Nguyễn Văn Kim, 2003, tr.515). Về bối cảnh học thuật sôi động này, học giả Nguyễn Văn Kim khẳng định: “Đây chính là điều kiện tiên quyết để khuynh hướng phát triển tư tưởng độc tôn dân tộc có thể phá vỡ thế độc tôn của tư tưởng Nho giáo, sẵn sàng tiếp nhận những quan điểm và mô thức chính trị mới, tự định thành một con đường phát triển khác biệt so với truyền thống và khuôn mẫu Trung Hoa.” (Nguyễn Văn Kim, 2003, tr.515) Những kết quả trong việc đảm bảo trật tự đất nước của chính sách tỏa quốc của Mạc phủ Tokugawa “đã tách Nhật Bản khỏi phần còn lại của thế giới và đã giữ được “điều phi thường” chính trị này trong gần hai thế kỷ” (Arnold Toynbee, 2002, tr.256). Tuy nhiên, dù tạo ra được một sự ổn định phi thường như thế nhưng chính quyền này vẫn không thể thoát ra khỏi dòng chảy của thời đại.
  • 34. 29 Giữa làn sóng lan rộng của chủ nghĩa tư bản phương Tây, nước Nga nhiều lần tìm cách mở các tuyến buôn bán, xây dựng quan hệ thương mại với Nhật Bản nhưng bị từ chối do lúc bấy giờ chính quyền Edo đang thực hiện nghiêm ngặt chính sách “tỏa quốc”. Năm 1792, Nga hoàng ra lệnh cho Laxman đưa tàu thâm nhập cảng Matsumae thuộc phía nam của Hokkaido. Tuy nhiên, chiếc tàu này đã gặp phải kháng cự từ các lãnh chúa địa phương và buộc phải rời lãnh hải Nhật Bản. Sau đó, Nga tiếp tục xây dựng các tuyến đường buôn bán nhưng vẫn lại gặp nhiều trở ngại. Qua những nỗ lực thương thuyết thất bại, phía Nga bắt đầu xem xét đến biện pháp bạo lực nhằm buộc Nhật Bản phải mở cửa. Năm 1853, Nga hoàng lệnh cho Chuẩn Đô đốc Evfimii Putiatin đến đề nghị thiết lập quan hệ thương mại và đồng thời thỏa thuận về vấn đề biên giới với Nhật Bản. Những nỗ lực của Nga rốt cuộc vẫn không thể thay đổi chính sách tỏa quốc lúc bấy giờ, nhưng sự xuất hiện của tàu đánh cá và tàu chiến Nga đã dấy lên mối lo ngại cho chính quyền Edo. Triều đình Mạc phủ đến thời điểm này đã phải ý thức về tính nhạy cảm trong an ninh và chủ quyền tại vùng biên giới phía bắc. Nhật Bản nằm trên tuyến đường biển kết nối phương Tây với phương Đông, thế nên việc nước Nhật đóng cửa gây trở ngại rất lớn đến hoạt động ngoại thương của giới tư bản phương Tây. Nước Anh giai đoạn này đã vươn mạnh đến vùng biển phía Đông, trở thành lực lượng thương nhân chủ yếu tại đây, vượt qua cả những quốc gia tư bản có truyền thống giao thương lâu đời trong khu vực như Bồ Đào Nha và Hà Lan. Cùng với sức ép từ Nga, các tàu buôn, tàu chiến của Anh xuất hiện tại vùng biển Nhật Bản ngày càng thường xuyên. Đầu thế kỷ XIX, tàu thuyền Anh nhiều lần xin được vào tránh bão và tiếp nhiên liệu tại các cảng của Nhật nhưng hầu hết đều bị từ chối. Lúc bấy giờ nước Anh vừa giành phần thắng tại chiến chiến tranh nha phiến và buộc Trung Quốc ký các điều khoản bất bình đẳng trong Điều ước Nam Kinh. Theo đà này, Anh vạch ra kế hoạch đặt Nhật Bản làm mục tiêu tiếp theo, dùng sức
  • 35. 30 mạnh hải quân buộc Nhật phải ký các điều ước bất bình đẳng tương tự và trao cho nước Anh các đặc quyền kinh tế chính trị. Tuy vậy Anh vẫn chưa ép buộc được Nhật Bản mở cửa, trong khi đó Mạc phủ Tokugawa lại ngày càng đề phòng và ra các chính sách củng cố quốc phòng ven biển. Hà Lan vốn là quốc gia phương Tây duy nhất sở hữu đặc quyền buôn bán tại Nhật Bản. Với truyền thống bang giao thân thiện giữa hai nước, Hà Lan không thể làm ngơ trước chính sách đối ngoại đã không còn tương xứng với chuyển biến chính trị xung quanh của Mạc phủ. Năm 1844, chính phủ Hà Lan phái người trình thư lên Mạc phủ nhằm cảnh báo nước Nhật về nguy cơ chiến tranh từ bài học của Trung Quốc, đề nghị Nhật Bản nên mở cửa để tránh khỏi kết cục bi thảm tương tự. Trong bức thư có đoạn: “Gần đây, Trung Quốc đã tiến hành chiến tranh với Anh, họ đã huy động tất cả các nguồn lực đất nước cho cuộc chiến tranh này, nhưng cuối cùng đã phải gánh chịu thất bại trước ưu thế quân sự của châu Âu. Trung Quốc buộc phải thay đổi nhiều nguyên tắc, chấp thuận mở cửa 5 cảng để cho người Âu vào buôn bán.” (Roy Hidemichi Akagi, 1936, tr.17) Đồng thời, nội dung bức thư đó cũng chỉ ra rằng: “Nếu như chúng ta xem xét khuynh hướng chung hiện nay thì sẽ thấy, quan hệ giữa các quốc gia đang được mở rộng, việc phát minh ra tàu hơi nước khiến cho khoảng cách giữa các nước rút ngắn lại”. Vì vậy, “trong bối cảnh toàn thế giới đang tiến hành mở rộng giao lưu quốc tế đó thì chỉ có thể tạo nên sự thù địch mà thôi và nếu như cứ tiếp tục duy trì các định kiến lỗi thời chắc chắn sẽ đẩy đất nước đến thảm họa” (Roy Hidemichi Akagi, 1936, tr.17). Lời cảnh báo từ bức thư khiến Mạc phủ phải cân nhắc, thế nhưng vẫn không thay đổi được chính sách xuyên suốt của triều đình Edo. Chế độ tỏa quốc vẫn được tiếp tục nhằm đảm bảo mục tiêu ổn định trật tự trong nước. Mạc phủ Tokugawa chỉ đi đến quyết định mở cửa khi xuất hiện bàn tay của nước Mỹ. Vào thế kỷ XIX, Mỹ thường xuyên có mặt tại vùng biển Nhật
  • 36. 31 Bản do nguồn lợi khổng lồ từ việc săn bắt cá voi tại đây. Cũng như Anh, hoạt động khai thác kinh tế ngoài khơi cũng làm tàu thuyền Mỹ nảy sinh nhu cầu cập cảng để lánh nạn, tiếp nhiên liệu, sửa chữa tàu… Trước đó Mỹ đã nhiều lần cố gắng đưa tàu đến trình thư yêu cầu được thông thương với Nhật Bản nhưng chưa đạt được kết quả. Từ giữa thế kỷ XIX, sức ép ngày một tăng của nhiều nước phương Tây làm cho Mạc phủ dần nới lỏng các chính sách cấm người nước ngoài. Năm 1842, chính quyền đã cho phép tàu thuyền nước ngoài được cập bến tại Nhật Bản để tiếp thực phẩm, nước ngọt và nhiên liệu. Sự chống đối của các lãnh chúa đối với người nước ngoài cũng không còn gay gắt như trước. Cột mốc làm thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật Bản chính là vào năm 1853, Đề đốc Matthew Calbraith Perry (1794-1858) đưa bốn chiến hạm hơi nước khổng lồ đến trước vịnh Uraga và đặt kinh thành Edo vào tầm ngắm của nòng pháo. Toàn thể nước Nhật đến lúc này đã ý thức rõ ràng về sự chênh lệch sức mạnh và nguy cơ chiến tranh cận kề. Khi nội bộ chính quyền Edo vẫn tranh luận sôi nổi về việc có nên chấm dứt tình trạng đóng cửa hiện tại của đất nước hay không, thì đến tháng 1 năm 1854, Đề đốc Perry lại tiếp tục đưa 9 tàu chiến cùng với 1.800 quân lính trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đến trước cửa ngõ Uraga của kinh thành Edo. Không còn cách nào khác, Nhật Bản đành phải ký với Mỹ Hiệp ước hòa bình và hữu nghị hay còn gọi là Hiệp ước Kanagawa. Theo đó, Nhật chấp nhận mở cửa đất nước để giao lưu thương mại, thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, đồng ý hỗ trợ Mỹ trong việc cứu trợ và tiếp tế cho các tàu thuyền Mỹ. Hiệp ước này chính thức chấm dứt 215 năm đóng cửa của Nhật Bản và mở ra một chương mới cho lịch sử Nhật Bản. Đây là cột mốc quan trọng dẫn đến hàng loạt những biến đổi cho xã hội Nhật Bản. Quyết định nhân nhượng trước người nước ngoài của chính quyền Mạc phủ sau đó đã “đẩy đời sống chính trị, xã hội ở Nhật Bản đến một thực trạng vô cùng phức tạp. Các khuynh hướng chính trị phân hóa rõ rệt và vận động với tốc độ hết sức nhanh chóng, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Mạc phủ” (Nguyễn Văn Kim, 2001).
  • 37. 32 Những điều ước bất bình đẳng mà chính quyền Edo phải chấp nhận với phương Tây khiến giới võ sĩ cảm thấy Mạc phủ Tokugawa là một triều đình nhu nhược và bảo thủ. Với mối quan tâm thời cuộc và tinh thần chiến đấu trong truyền thống võ binh, các võ sĩ đã trở thành lực lượng phản đối mạnh mẽ đường lối cai trị của chính quyền: “Sự tồn vong của dân tộc trước hiểm họa phương Tây đã thôi thúc toàn thể các đẳng cấp xã hội tham gia vào cuộc Cải cách Minh Trị nhằm lật đổ chế độ Mạc phủ, thiết lập nên một nhà nước tư sản đầu tiên ở châu Á. Và một bộ phận trong đẳng cấp võ sĩ, những con người sớm nhận ra quy luật vận động của lịch sử, có học thức, giàu lý trí “với tinh thần hiệp sĩ Nhật Bản” đã trở thành lực lượng đóng vai trò quyết định.” (Nguyễn Văn Kim, 2003, tr.388) Kết quả là phong trào Vương chính phục cổ với khẩu hiệu “tôn Vương đảo Mạc” diễn ra. Sức ép từ nước ngoài cộng với làn sóng bất mãn trong nước đã dồn chính quyền Tokugawa mắc kẹt vào hai sức ép đối địch. Kết quả là người đứng đầu Mạc phủ lúc bấy giờ – Tokugawa Yoshinobu – đã tuyên bố thoái vị, kết thúc triều đại của gia tộc mình và trao quyền lực lại cho Thiên hoàng (Nguyễn Văn Hoàn & Lê Tùng Lâm, 2014, tr.61). Thiên hoàng Minh Trị được giới võ sĩ cấp tiến suy tôn để lập nên một triều đại mới, một triều đại mang sứ mệnh hiện đại hóa Nhật Bản, củng cố an ninh quốc phòng nhằm bảo vệ độc lập dân tộc trước mối đe dọa phương Tây. Sự thành lập chính quyền kiểu mới này là một trong những bước ngoặt then chốt giúp Nhật Bản thoát khỏi số phận thuộc địa, khác với tại Việt Nam “suốt từ 1859 đến 1882, hơn hai mươi năm, bao nhiêu kế sách “đổi mới” để tự cường, cứu nước, đều bị triều đình bỏ xó hết” (Trần Văn Giàu, 2019, tr.363). Chính quyền Minh Trị đã đưa toàn bộ đời sống xã hội của Nhật Bản rẽ sang một chương mới, ở đó Fukuzawa Yukichi phải cảm thán rằng: “Hôm nay được sống bình an những ngày dài của tuổi thọ chính là thứ
  • 38. 33 được rất lớn trong luật pháp của chính phủ Meiji1 , mà tôi rất lấy làm mừng” (Fukuzawa Yukichi, 2005, tr.501). Cách mạng Minh Trị của Nhật Bản đặc biệt ở chỗ tuy gọi là “Vương chính phục cổ”, tức phục hồi suy tôn dòng dõi hoàng tộc đã bị mờ nhạt suốt hàng trăm năm, nhưng dòng dõi hoàng tộc ấy không phải là mục đích chính của cuộc cách mạng. Thay vào đó, phong trào này xuất phát từ nguyện vọng của người dân, hay đúng hơn là của bộ phận võ sĩ cấp tiến trẻ tuổi thời bấy giờ, với mong muốn lật đổ một triều đại bạc nhược trong đối ngoại để thay thế bằng một chính quyền dám thực hiện những cải tổ toàn diện. Như Fukuzawa Yukichi nhận xét: “Vương Chính Phục Cổ hay Minh Trị Duy Tân, thảy đều không phải bắt nguồn từ việc nhân dân oán thán Mạc phủ mà chuyển sang tôn trọng ủng hộ hoàng gia. Không phải do quên cái mới và chỉ nghĩ đến cái cũ. Cũng không phải vì bỗng nhiên nhớ lại đại nghĩa chính danh vốn đã bị quên bẵng mấy trăm năm. Chẳng qua đây là kết quả do lòng dân trong xã hội này muốn cải cách nền chính trị của Mạc phủ đương thời mà thôi.” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.382) Do là cuộc cách mạng xuất phát từ nguyện vọng của quần chúng và lãnh đạo bởi tầng lớp võ sĩ cấp thấp – những trí thức không có tiếng nói trong chế độ phong kiến Mạc phủ – nên Duy tân Minh Trị nỗ lực thực hiện mục tiêu xóa bỏ chế độ đẳng cấp, đặt người dân vào vị trí bình đẳng, tạo điều kiện cho mỗi người được sống theo lựa chọn của mình. Theo đó, chính quyền mới đã “tạo cơ sở bình đẳng về địa vị giữa các thành phần Võ sĩ (samurai), Nông, Công, Thương trong xã hội. Chế độ đẳng cấp – địa vị của một người được quy định trước cả khi người đó ra đời – đã hoàn toàn bị xóa bỏ” (Fukuzawa Yukichi, 2015, tr.30). Gia tộc xuất thân không còn là cơ sở quy định cho công 1 Meiji: Minh Trị
  • 39. 34 danh sự nghiệp, thay vào đó, mỗi người đều có thể tiến thân bằng tài năng và ý nguyện của mình: “Mọi người có thể bày tỏ ý kiến với cấp trên, và người ta có thể đề bạt lên vị trí nhờ vào tài năng; đó cũng là thời để người từng giữ chức Thượng thư lương năm nghìn thạch gạo lúc trước có thể trở thành binh sĩ, hay một lính quèn khi xưa nay có thể trở thành Tỉnh trưởng vậy. Thương nhân giàu có sở hữu cửa hiệu buôn bán cha truyền con nối nhiều đời thì đến đời này cũng tán gia bại sản, hay kẻ đánh bạc không xu dính túi lại có khi trở thành doanh nhân phục vụ hoàng triều. Chùa thì thành đền thờ, sư sãi thì thành Thần quan. Bây giờ là thời đại mà giàu sang, danh vọng hay hạnh phúc, thảy đều tùy theo sự cố gắng thì tất thảy đều là thứ có thể thực hiện được.” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.376) Xóa bỏ trật tự cũ và phân phối lại quyền lực là một mục tiêu quan trọng dành cho cuộc Duy tân Minh Trị. Giới trí thức cấp tiến Nhật Bản đã nhận ra nguồn gốc gây ra tình trạng bất mãn nằm ở sự thiếu năng lực của giới cầm quyền và sự phân bố quyền lực không hợp lý. Có thể nói sự ra đời của chính phủ kiểu mới theo hướng hiện đại là kết quả từ yêu cầu thời đại, là lời giải mà giới trí thức Nhật Bản lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn sâu sắc lúc bấy giờ: “Tất cả những sự kiện trong những năm đầy biến động này đã tạo ra một tình huống mà quyền lực và chủ quyền truyền thống bị suy yếu và phải được phân phối lại theo phương cách sao cho đáp ứng được những kỳ vọng nảy sinh. Trong đó có con đường hiện đại hóa Nhật Bản nhằm đối phó với các yêu cầu dai dẳng của phương Tây, đồng thời duy trì sự ổn định đã là một biểu tượng của chế độ Tokugawa”. (J. E. Thomas, 1996, tr.45-46) Bên cạnh đó, thành công của chính quyền Minh Trị còn là việc sắp xếp lại trật tự xã hội, tránh được tình trạng bất mãn gay gắt khi đẳng cấp nắm nhiều đặc quyền trở nên bình đẳng với các tầng lớp khác trong xã hội. Trong
  • 40. 35 xã hội mới, giới quý tộc và võ sĩ trở thành những công chức, sĩ quan quan trong trong bộ máy chính quyền quan liêu. Đồng thời, các võ sĩ samurai cũng hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực kinh tế, “khi đất nước chuyển sang mô hình hiện đại, các samurai vẫn được giao những vị trí quan trọng liên quan đến sự phát triển chung của đất nước” (Đỗ Lộc Diệp, 2002, tr.173). Peter Duus đã nhận xét về ý nghĩa của sự ra đời của chính quyền mới đối với tầng lớp võ sĩ rằng “mặc dù cuộc Duy tân cướp đi vị trí đặc biệt của họ trong xã hội nhưng đồng thời cũng đã giải phóng họ” (Peter Duus, 1993, tr.98). Là một trí thức tài năng nhạy bén, sở hữu hiểu biết hiếm có thời bấy giờ về các nước phương Tây, thế nhưng Fukuzawa Yukichi luôn giữ lập trường không làm việc cho chính phủ hay tham gia vào các công việc chính trị dù nhiều lần chính phủ có lời mời. Đó là bởi vì khi chứng kiến sự bảo thủ của triều đình Mạc phủ Tokugawa, ông cho rằng “họ2 hoàn toàn là những người theo cổ phong, không hề nghĩ đến việc mở mang đất nước hay chủ nghĩa tự do” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.278). Tuy không thích Mạc phủ nhưng Fukuzawa cũng không có thái độ ủng hộ phe làm cách mạng. Ông cho rằng: “Nhìn ra bên ngoài bây giờ có thể gây bạo loạn lật đổ Mạc phủ là Samurai thất nghiệp ở những lãnh địa chủ trương bài trừ nước ngoài như Choshu hoặc Satsuma. Nhưng nếu những người này giải phóng cho thiên hạ, chắc họ sẽ lại sơn bóng thêm cho chế độ bài trừ nước ngoài mà thôi. Thà cứ để nguyên Mạc phủ bây giờ còn hơn.” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.283) Nhìn chung, Fukuzawa Yukichi không tin tưởng vào bộ phận làm chính trị. Ông cho rằng dù là tầng lớp nào lên nắm chính quyền cũng đều vì một mục đích mang tính nhóm nào đó. Thế nhưng sự tích cực đổi mới của chính quyền Minh Trị mở ra cho Fukuzawa Yukichi một hướng suy nghĩ lạc quan. Những đổi thay toàn diện mà chính phủ Minh Trị thực hiện khiến Fukuzawa 2 Ý nói Mạc phủ
  • 41. 36 nhận thấy tính chất của triều đại mới này hoàn toàn khác. Sự thay đổi này khiến ông từ dửng dưng sang dần có thiện cảm với triều đại mới này. Từ đó, dù vẫn kiên quyết không gia nhập chính trường nhưng ông cũng góp sức bằng cách “bắt bệnh cho chính trị”. Với Fukuzawa, “chính sự tiến bộ nhanh chóng của xã hội làm tôi vui mừng phấn khởi. Đó thực là điều kỳ diệu. Ước vọng lớn lao của tôi cũng đã được thực hiện, nên tôi không còn ca thán về những điều bất bình nữa” (Fukuzawa Yukichi, 2019, tr.480). Có thể nói, chính quyền Minh Trị được thành lập chính là sự kiện mở ra hướng tích cực và lạc quan trong tư tưởng của Fukuzawa Yukichi. Điều kiện xã hội: Nhật Bản thời kỳ Tokugawa là một xã hội đẳng cấp sâu sắc đặc trưng bởi chế độ tứ dân phân chia chặt chẽ các thành phần dân chúng. “Đất nước được chia thành gần 300 lãnh địa, do các lãnh chúa cai trị. Các lãnh chúa này có quyền lực tối cao trong phạm vi cai trị của mình nhưng phải chịu sự lãnh đạo của chính quyền trung ương” (Nguyễn Ngọc Thanh, 2013, tr.129). Theo đó, hoàng tộc và giới lãnh chúa thuộc giai cấp quý tộc thống trị, còn lại là thành phần bình dân. Giới bình dân lại được phân loại thành bốn đẳng cấp riêng biệt dựa trên nghề nghiệp là sĩ (võ sĩ hay còn gọi là samurai), nông (nông dân), công (thợ thủ công) và thương (thương nhân). Các đẳng cấp này được sắp xếp theo thứ bậc từ cao xuống thấp. Tầng lớp sĩ đứng đầu bởi vì đây là lực lượng bảo vệ cho sự an toàn của giới thống trị, là người phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh của lãnh chúa và được nhận bổng lộc từ chính quyền. Xếp thứ hai là tầng lớp nông, được coi trọng hơn hai tầng lớp phía dưới bởi đây là lực lượng sản xuất ra lương thực để nuôi sống giai cấp quý tộc và các tầng lớp còn lại. Kế đó là tầng lớp công của các thợ thủ công và ở thời đại này đa số là tiểu thủ công nghiệp. Cuối cùng là tầng lớp thương bao gồm các thương nhân, những người thực hiện hoạt động mua bán. “Sự phân chia này dựa vào một thứ lí luận cho rằng, võ sĩ là đẳng cấp cao nhất vì họ là những người cầm