SlideShare a Scribd company logo
CHƯƠNG 2
NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ KINH TẾ MÔI TRƯỜNG
GVC. Nguyễn Ngọc Lan
Học viện Tài chính
“Không khí sạch, nước sạch, đất đai không bị hủy hoại - tất cả chúng ta đều
đồng ý rằng đó là những mục tiêu mong muốn. Nhưng chúng ta sẵn sàng trả bao
nhiêu để đạt được điều đó? Và sự đe dọa đối với loài người là gì nếu chúng ta
không coi trọng những giới hạn của môi trường tự nhiên?” (Paul.A.Samuelson).
Mở đầu cho các chương lý luận về Kinh tế môi trường, chương này sẽ giới
thiệu những vấn đề mang tính khái quát chung, bao gồm: Khái niệm, phân loại,
đặc trưng và chức năng cơ bản của môi trường. Tiếp theo đó là khái niệm, thước
đo trình độ phát triển và tác động cơ bản của phát triển đến môi trường. Cuối cùng
là khái niệm, chỉ số phát triển bền vững, những nguyên tắc và các phương thức
thực hiện phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.
2.1 Nhận thức chung về môi trường
2.1.1. Khái niệm và phân loại môi trường
2.1.1.1. Khái niệm môi trường
Cho đến nay, hai chữ “môi trường” đã quá quen thuộc với chúng ta. Tuy nhiên,
để hiểu biết một cách đầy đủ về môi trường cũng không phải dễ dàng vì phạm vi
của môi trường rất khác nhau.
Môi trường, theo nghĩa chung nhất, là tổng hợp các yếu tố, điều kiện bên ngoài
có ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của một sự vật hoặc một hiện tượng.
Những yếu tố, điều kiện bên ngoài đó bao gồm các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã
hội, không gian, thời gian,... Ví dụ hoạt động đi học của một sinh viên chịu tác
động bởi các yếu tố tự nhiên (mưa, nắng, bão, lụt), yếu tố kinh tế (học phí, cơ sở
vật chất phục vụ học tập như bàn ghế, máy tính, máy chiếu, micro, loa, điều hòa),
yếu tố xã hội (quan hệ bạn bè, nội qui của nhà trường, các tổ chức xã hội như
Đoàn, Hội sinh viên, câu lạc bộ) và cả yếu tố không gian, thời gian nữa. Tất cả
các yếu tố này tạo thành môi trường học tập của một sinh viên. Ví dụ trên cho
thấy bất cứ một sự vật, hiện tượng nào cũng tồn tại và phát triển trong một môi
trường. Khi nói đến môi trường thì phải nói đến môi trường của một sự vật, hiện
tượng nhất định. Khái niệm chung về môi trường như vậy được cụ thể hóa đối
với từng đối tượng và mục đích nghiên cứu.
Trong nghiên cứu Kinh tế môi trường, cho đến nay có nhiều khái niệm môi
trường khác nhau đã được sử dụng. Theo tuyên ngôn của UNESCO năm 1981,
môi trường được hiểu là “toàn bộ hệ thống tự nhiên và các hệ thống do con người
tạo ra xung quanh mình, trong đó con người sinh sống và bằng lao động của mình
đã khai thác các tài nguyên thiên nhiên hoặc nhân tạo nhằm thỏa mãn các nhu cầu
của con người”. Do đó, môi trường không chỉ là nơi tồn tại, sinh trưởng và phát
triển cho một thực thể sinh vật là con người mà còn là “khung cảnh của cuộc
sống, của lao động và sự vui chơi giải trí của con người”.
Còn theo Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 của Việt Nam: “Môi trường
bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao
quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát
triển của con người, sinh vật và tự nhiên”. Đây được xem là khái niệm hoàn chỉnh
về môi trường.
Từ khái niệm trên cho thấy môi trường bao gồm hai hệ thống là:
Hệ thống môi trường tự nhiên: Bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên được
hình thành, tồn tại và phát triển theo các qui luật tự nhiên khách quan, ngoài ý
muốn của con người, không hoặc rất ít chịu sự chi phối của con người, đó là: ánh
sáng mặt trời, núi sông, biển cả, không khí, đất, nước, động thực vật,… Với trình
độ phát triển hiện nay, con người chỉ có thể khai thác các qui luật tự nhiên để
phục vụ cho cuộc sống của mình chứ không thể can thiệp sâu vào các qui luật tự
nhiên để thay đổi chúng.
Hệ thống môi trường nhân tạo: Bao gồm các yếu tố vật chất nhân tạo do con
người tạo ra, làm thành những tiện nghi trong cuộc sống và chịu sự chi phối của
con người, đó là: nhà cửa, đường sá, thành phố, làng mạc, đồng ruộng, khu công
nghiệp, khu vui chơi giải trí,... Những yếu tố này do con người tạo ra nên con
người có thể tác động để thay đổi theo ý muốn của mình. Nếu không có bàn tay
chăm sóc của con người thì các yếu tố của môi trường nhân tạo sẽ bị hủy hoại.
Như vậy, môi trường bao gồm hai hệ thống cơ bản đan xen nhau là hệ thống
môi trường tự nhiên và hệ thống môi trường nhân tạo. Trong quá trình sống, tồn
tại và phát triển, con người khai thác các yếu tố trong môi trường tự nhiên và vật
chất nhân tạo để thỏa mãn các nhu cầu của mình. Tuy nhiên, khi xem xét mối
quan hệ tương tác giữa môi trường và phát triển, người ta thường ngầm hiểu môi
trường trên khía cạnh là hệ thống môi trường tự nhiên.
2.1.1.2. Phân loại môi trường
Tùy theo mục đích nghiên cứu và sử dụng môi trường của con người, hiện có
nhiều cách phân loại môi trường khác nhau. Một số cách phân loại môi trường
thường được sử dụng trong nghiên cứu Kinh tế môi trường như sau:
Phân loại theo sự sống: Môi trường được chia ra thành môi trường vật lý và
môi trường sinh học.
- Môi trường vật lý: Bao gồm các thành phần vô sinh của môi trường tự nhiên
như thạch quyển, thủy quyển, khí quyển. Hay nói một cách khác, môi trường vật
lý là môi trường không có sự sống.
- Môi trường sinh học: Bao gồm các thành phần hữu sinh của môi trường tự
nhiên. Đó là môi trường mà ở đó diễn ra sự sống như các hệ sinh thái, các quần
thể thực vật, động vật, vi sinh vật và cả con người cùng tồn tại và phát triển trên
cơ sở sự thay đổi của môi trường vật lý.
Phân loại theo thành phần tự nhiên: Môi trường được chia ra thành môi trường
không khí, môi trường đất và môi trường nước.
- Môi trường không khí: Với ranh giới dưới là bề mặt thủy quyển, thạch quyển
và ranh giới trên là khoảng không giữa các hành tinh. Môi trường không khí được
hình thành do sự thoát hơi nước, các chất khí từ thủy quyển và thạch quyển. Thành
phần của môi trường không khí chủ yếu là N2 , O2, hơi nước, CO2, O3, NH4 và
các khí trơ. Môi trường không khí duy trì sự sống bằng việc cung cấp O2 và CO2
cho quá trình hô hấp, quang hợp của con người và sinh vật. Tham gia vào việc
giữ cân bằng nhiệt lượng của Trái đất thông qua quá trình hấp thụ tia tử ngoại từ
mặt trời và phản xạ tia nhiệt từ mặt đất. Bên cạnh đó, môi trường không khí còn
ngăn chặn các tia tử ngoại, tia hồng ngoại và các tia nhìn thấy khác có những tác
động nguy hại với con người và hệ sinh thái.
- Môi trường đất: Là lớp ngoài cùng của thạch quyển bị biến đổi tự nhiên dưới
tác động tổng hợp của nước, không khí và sinh vật. Thành phần chính của môi
trường đất là chất khoáng, mùn, nước, không khí và các loại sinh vật từ vi sinh
vật đến côn trùng, chân đốt,... Môi trường đất là cơ sở cho sự sống trên Trái đất.
- Môi trường nước: Bao gồm các nguồn nước có trên Trái đất như đại dương,
biển, sông suối, ao hồ, nước ngầm và băng tuyết. Ranh giới dưới của môi trường
nước khá phức tạp, từ đáy các đại dương có độ sâu hàng chục km, vài chục mét
ở các thấu kính nước ngầm cho đến vài chục cm ở các vùng đất ngập nước. Môi
trường nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì cuộc sống của con
người và sinh vật trên Trái đất.
Phân loại theo qui mô: Môi trường được chia ra thành môi trường toàn cầu,
môi trường khu vực, môi trường quốc gia, môi trường vùng và môi trường địa
phương. Tùy thuộc vào vấn đề môi trường được đặt ra sẽ nghiên cứu ở qui mô
môi trường tương ứng.
2.1.2 Đặc trưng cơ bản của môi trường
Sau khi “Học thuyết chung về hệ thống” của Bertalanffy ra đời vào năm 1956,
lý thuyết hệ thống đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành khoa học, trong
đó có khoa học Kinh tế môi trường. Lý thuyết hệ thống được nhìn nhận như một
hướng tiếp cận khoa học để giải quyết mâu thuẫn mang tính sống còn giữa hoạt
động phát triển kinh tế - xã hội của con người với môi trường. Theo tư duy hệ
thống, môi trường được hiểu như là một hệ thống và mang đầy đủ các đặc trưng
cơ bản của hệ thống, đó là:
2.1.2.1. Môi trường có cấu trúc phức tạp
Hệ thống môi trường (gọi tắt là hệ môi trường) bao gồm nhiều phần tử (thành
phần) hợp thành được liên kết với nhau bằng các mối quan hệ tương hỗ.
Các phần tử trong hệ môi trường có bản chất khác nhau (tự nhiên, kinh tế - xã
hội) và chịu sự chi phối bởi các quy luật khác nhau. Chẳng hạn đất, nước, không
khí, núi, rừng, biển, sông, hồ, thực vật, động vật,... có bản chất tự nhiên và vận
động, phát triển theo các quy luật tự nhiên; còn làng mạc, đồng ruộng, thành phố,
nhà máy, khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí,... có bản chất nhân tạo và vận
động, phát triển theo các quy luật kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hệ môi trường không
phải là con cộng của các phần tử của nó, mà là các phần tử được sắp xếp có tổ
chức và cùng hoạt động trong các mối quan hệ cực kỳ phức tạp giữa các phần tử
với nhau, từ đó tạo nên tính thống nhất của hệ môi trường, giúp hệ tồn tại và phát
triển. Nói cách khác, sự duy trì mối liên kết giữa các phần tử chính là điều kiện
để hệ môi trường tồn tại và phát triển. Ví dụ hệ môi trường rừng được cấu thành
từ rất nhiều phần tử khác nhau như cây rừng, động vật rừng, không khí, đất,
nước,... và chúng cùng hoạt động trong các mối quan hệ tương tác vô cùng phức
tạp. Cây rừng lấy dinh dưỡng từ đất tổng hợp thành chất hữu cơ; chất hữu cơ này
đủ để một phần nuôi dưỡng phát triển cây, một phần nuôi động vật ăn thực vật
trong rừng, một phần rơi rụng trả lại màu cho đất; phân, xác động vật và lá rụng,
cành rơi trên mặt đất được vi sinh vật phân hủy hết để trả lại cho đất chất dinh
dưỡng nuôi cây; do vậy đất rừng luôn màu mỡ, giàu chất hữu cơ, nhiều vi sinh
vật và côn trùng, cây rừng đa dạng và tươi tốt, động vật rừng phong phú. Cây
rừng làm trong sạch không khí nhờ quá trình quang hợp hấp thụ khí CO2 và nhả
khí O2. Cây rừng điều hòa dòng chảy trong sông suối và dưới đất do nước mưa
được giữ lại nhiều hơn trong tán cây và trong đất, nhờ đó sẽ giảm bớt được thiên
tai, hạn hán, lũ lụt... Chính các mối liên hệ lẫn nhau của các phần tử cơ cấu này
đã giúp cho hệ môi trường rừng duy trì và phát triển.
Việc nghiên cứu tính cấu trúc phức tạp của hệ môi trường mang lại nhiều ý
nghĩa cho con người. Thứ nhất, cho con người thấy được môi trường có sự phân
hóa sâu sắc theo thời gian và không gian. Mỗi hệ môi trường có một cấu trúc chức
năng riêng biệt, bởi các phần tử cấu thành nên hệ được sắp xếp và liên hệ với
nhau theo thời gian và không gian là hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, hệ môi
trường còn được cấu trúc theo thứ bậc. Nếu xem xét một tập hợp các hệ thống
môi trường mà chúng tương tác với nhau thì tập hợp các hệ thống môi trường đó
có thể lại được xem là một hệ thống quy mô lớn hơn. Do đó, muốn khai thác, sử
dụng môi trường một cách chủ động và hiệu quả thì con người phải xuất phát từ
chính đặc điểm (cấu trúc) của từng hệ môi trường. Thứ hai, cho thấy biểu hiện
bên ngoài của tính cấu trúc chính là phản ứng dây chuyền. Chỉ cần xảy ra một sự
cố nhỏ trong mối quan hệ là có thể phá vỡ toàn bộ hệ thống môi trường. Vì vậy,
khi khai thác, sử dụng môi trường, con người cần phải đảm bảo duy trì được mối
liên kết giữa các phần tử của hệ môi trường.
2.1.2.2. Môi trường có tính động
Hệ môi trường không phải là hệ thống tĩnh hay hệ thống bất biến, mà ngược
lại các phần tử trong hệ môi trường luôn tự vận động và tương tác với nhau để
thiết lập một trạng thái cân bằng động. Nhờ vào quá trình trao đổi vật chất và
năng lượng liên tục diễn ra trong ranh giới của hệ môi trường (được gọi là nội
lực) làm cho không chỉ bản thân các phần tử môi trường mà toàn bộ cấu trúc của
hệ môi trường luôn chịu sự vận động (biến đổi) theo thời gian. Mặc dù hệ môi
trường chịu sự vận động nhưng toàn bộ hệ thống vẫn ổn định về số lượng và cấu
trúc, luôn có sự cân bằng giữa các phần tử cơ cấu cũng như các quá trình trao đổi
vật chất, năng lượng diễn ra trong hệ môi trường. Có thể nói, hệ môi trường là
một hệ thống ổn định tương đối theo thời gian.
Khi một trong các phần tử bên trong hệ môi trường thay đổi sẽ phá vỡ sự cân
bằng, hệ lại có xu hướng xác lập thế cân bằng mới. Đây chính là bản chất vận
động và phát triển của hệ môi trường. Ví dụ núi lửa phun trào làm cho hệ môi
trường bị phá hủy, nhưng sau một thời gian dung nham núi lửa đông đặc và nguội
đi, hệ môi trường “mới” ra đời với trạng thái cân bằng mới. Tuy nhiên, nếu sự
thay đổi của hệ môi trường là quá lớn (trong trường hợp con người tác động quá
mức), trạng thái cân bằng động của hệ không thể được thiết lập thì sẽ ảnh hưởng
xấu đến hệ môi trường.
Ý nghĩa của việc nghiên cứu tính động của hệ môi trường là giúp con người
có thể ứng phó, giải quyết các vấn đề môi trường một cách nhanh chóng, kịp thời
trước khi vấn đề đó biến đổi sang trạng thái khác; đồng thời giúp con người dự
báo được xu hướng vận động của hệ môi trường để có thể “điều khiển” hệ môi
trường phát triển theo chiều hướng tốt, vừa đạt được hiệu quả môi trường vừa
mang lại hiệu quả kinh tế.
2.1.2.3. Môi trường có tính mở
Hệ môi trường không phải là hệ thống đóng hay hệ thống khép kín, bởi vì vật
chất và năng lượng không chỉ trao đổi trong ranh giới của hệ (tạo nên tính động)
mà còn đi qua ranh giới của hệ môi trường (tạo nên tính mở) và nhờ vậy có sự
biến đổi của các phần tử hợp thành.
Do đặc trưng các dòng vật chất và năng lượng liên tục “chảy” trong không gian
và theo thời gian từ hệ môi trường này sang hệ môi trường khác và ngược lại, từ
trạng thái này sang trạng thái khác, từ thế hệ hiện tại sang thế hệ tương lai nên hệ
môi trường rất nhạy cảm với những thay đổi từ bên ngoài. Chẳng hạn, cứ hàng
năm vào mùa khô từ tháng 5 - 9, khói mù do cháy rừng tại Indonesia lại bay sang
hai nước láng giềng là Singapore và Malaysia gây nên tình trạng ô nhiễm không
khí nặng nề ở những nước này. Theo Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore
(2020), chỉ số ô nhiễm không khí ở Singapore lên tới mức 371, tức cao hơn
ngưỡng báo động là mức 300. Tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề đến mức
Bộ Nhân lực Singapore đã khuyên các chủ doanh nghiệp phân phát khẩu trang
bảo hộ cho những nhân viên gặp vấn đề về tim mạch và đường thở, cũng như cho
những người làm việc ngoài trời. Người già và trẻ em được khuyên chỉ ra đường
khi thật cần thiết. Nguyên nhân của ô nhiễm khói mù xuyên biên giới này là do
tính mở của hệ môi trường gây ra.
Việc nghiên cứu tính mở của hệ môi trường giúp cho con người hiểu rõ được
các vấn đề môi trường mang tính vùng, tính toàn cầu và tính lâu dài, vì thế cần
được giải quyết bằng sự nỗ lực của toàn thể cộng đồng, bằng sự hợp tác giữa các
quốc gia, giữa các khu vực trên thế giới với một tầm nhìn xa trông rộng vì lợi ích
của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
2.1.2.4. Môi trường có khả năng tự tổ chức và điều chỉnh
Trong hệ môi trường, nhiều phần tử môi trường (như các cơ thể sống) có khả
năng tự tổ chức lại hoạt động của mình và tự điều chỉnh để thích nghi với những
thay đổi bên ngoài theo quy luật tiến hoá, nhằm hướng tới trạng thái ổn định.
Tuy nhiên, khả năng tự tổ chức, điều chỉnh của hệ môi trường là có hạn. Khi
có một tác nhân của môi trường bên ngoài tác động vào hệ môi trường ở mức độ
vừa phải, trong hệ môi trường sẽ xuất hiện cơ chế tự tổ chức và điều chỉnh để đối
phó với tác nhân đó, giúp hệ lập lại trạng thái cân bằng. Ví dụ con người có thể
khai thác hợp lý mà không làm cạn kiệt cá ngừ đại dương. Mỗi năm, con người
đánh bắt một số lượng cá ngừ và để lại một số lượng nhất định cho chúng phát
triển, trưởng thành và sinh sản; năm sau có thể đánh bắt phần tăng thêm của sản
lượng còn lại trong năm nay và để lại một lượng như cũ để chúng lại phát triển;
nhờ đó con người có thể đánh bắt cá ngừ lâu dài mà hệ môi trường đại dương
không bị phá vỡ. Ngược lại, nếu tác động quá mạnh thì hệ môi trường sẽ không
khôi phục lại được, tức là hệ mất khả năng tự tổ chức và điều chỉnh, làm cho hệ
mất cân bằng, suy thoái.
Việc nghiên cứu khả năng tự tổ chức và điều chỉnh của hệ môi trường mang
lại ý nghĩa lớn cho con người. Trước hết, mở ra cơ hội can thiệp, khai thác của
con người đối với môi trường với mức độ và phạm vi thích hợp nhằm duy trì khả
năng tự phục hồi của tài nguyên tái tạo, duy trì khả năng tự làm sạch của môi
trường,… Sau đó, mở ra khả năng tận dụng thiên nhiên trong việc giải quyết các
vấn đề môi trường hiện nay như tạo khả năng tự phục hồi của các tài nguyên sinh
vật đã suy kiệt, xây dựng hồ chứa và vành đai cây xanh, nuôi trồng thủy sản,...
Như vậy, môi trường là một hệ thống đa thành phần, động, mở và có khả năng
thiết lập trạng thái cân bằng. Phát triển hay suy thoái là xu thế biến động của hệ
thống môi trường. Tiếp cận hệ thống là phương pháp toàn diện giúp cho con
người hiểu được xu thế phát triển bền vững của hệ môi trường, từ đó đưa ra các
giải pháp khai thác, sử dụng môi trường hiệu quả.
2.1.3. Chức năng cơ bản của môi trường
Môi trường có nhiều chức năng quan trọng gắn liền với sự tồn tại và phát triển
của loài người trên Trái đất. Song, có thể khái quát lại thành ba chức năng cơ bản
như sau:
2.1.3.1. Môi trường là không gian sinh sống
Mỗi người đều cần phải có một không gian để sinh tồn. Không gian này giúp
con người đáp ứng dược các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống như ăn, ở, học tập,
làm việc, vui chơi giải trí, …. cũng như tái tạo lại chất lượng của môi trường sống
(rừng, hồ chứa, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển). Tất cả các nhu cầu này
của con người đều do môi trường cung cấp. Tuy nhiên, để đáp ứng các nhu cầu
thiết yếu đó, con người cần phải có một không gian sống với các đặc trưng về qui
mô và chất lượng cho phép. Trước hết, không gian sống phải đảm bảo qui mô
thích hợp cho mọi hoạt động sống của con người. Chẳng hạn để đáp ứng nhu cầu
về ở, theo qui định luật pháp Việt Nam, mỗi căn hộ phải có diện tích tối thiểu từ
45 m2
trở lên mới được cấp sổ đỏ. Sau đó, không gian sống phải đạt được những
tiêu chuẩn nhất định về các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học, cảnh quan. Ví dụ nơi
nóng quá như ở sa mạc hoặc nơi lạnh quá như ở vùng cực sẽ gây ra bất lợi cho
cuộc sống của con người.
Chức năng là không gian sống của môi trường đóng vai trò quan trọng đối với
con người. Có thể khẳng định rằng không có không gian sống, con người không
thể tồn tại và phát triển được. Thế nhưng chức năng này của môi trường có giới
hạn. Trái đất, bộ phận môi trường gần gũi nhất của loài người trong hàng tỉ năm
qua không thay dổi về độ lớn (diện tích bề mặt Trái đất là 510 triệu km2
), trong
khi đó dân số thế giới lại không ngừng tăng lên (dự kiến sẽ đạt 8 tỉ người vào
ngày 15/11/2022, theo Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc), dẫn đến chức
năng thứ nhất của môi trường đang bị suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể là diện tích
không gian sống bình quân trên Trái đất của con người đang giảm sút nhanh
chóng: Vào năm thứ 1 triệu trước Công nguyên, dân số thế giới là 0,125 triệu
người, mỗi người có tới 120.000 ha đất để sinh sống; đến năm thứ 0 (đầu Công
nguyên), dân số thế giới là 200 triệu người, diện tích đất bình quân đầu người
giảm xuống còn 75 ha; tiếp đó đến năm 2010, khi dân số thế giới tăng lên 7 tỉ
người, mỗi người chỉ còn 1,88 ha đất để sinh sống (Lê Thạc Cán, 2004). Khi
không gian sống bị thu hẹp tất yếu sẽ kéo theo sự suy giảm về chất lượng. Cho
đến nay, Trái đất vẫn là nơi duy nhất cho con người sinh sống. Vì vậy, con người
cần phải bảo vệ ngôi nhà chung duy nhất này.
2.1.3.2. Môi trường là nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên
Môi trường cung cấp cho con người rất nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên
như năng lượng, khoáng sản, đất, nước, không khí, sinh vật,… “Tài nguyên thiên
nhiên là nguồn của cải vật chất nguyên khai được hình thành và tồn tại trong tự
nhiên mà con người có thể sử dụng để đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống” (Lê
Văn Khoa, 2010). Hiện có nhiều cách phân loại tài nguyên thiên nhiên khác nhau,
trong nghiên cứu Kinh tế môi trường sử dụng cách phân loại theo khả năng tái
tạo. bao gồm: Tài nguyên tái tạo (năng lượng tái tạo, đất, nước, không khí, sinh
vật) và tài nguyên không tái tạo (khoáng sản, gen di truyền).
Tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò quan trọng đối với con người. Có thể nói
rằng, không có tài nguyên thiên nhiên thì không có bất cứ quá trình sản xuất nào
và cũng không có sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Trước hết, tài
nguyên thiên nhiên đảm bảo các nhu cầu trực tiếp của con người (ăn, uống, thở).
Sau đó, tài nguyên thiên nhiên là yếu tố đầu vào cho mọi quá trình sản xuất và là
một trong những nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế. Mọi hoạt động sản xuất
công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp, văn hóa, du lịch của con người đều bắt
nguồn từ các dạng vật chất tồn tại trên Trái đất và không gian bao quanh Trái đất.
Ví dụ tài nguyên nước, mỗi ngày mỗi người chỉ cần 2,5 đến 4 lít nước uống,
nhưng con người dùng nước sạch một cách gián tiếp rất nhiều, đó là “nước ảo” -
là lượng nước cần để sản xuất ra lương thực, thực phẩm và hàng hóa hoặc lượng
nước gắn vào sản phẩm (để sản xuất 1 tấn giấy cần 250 lít nước, 1kg thịt bò cần
15000 lít nước, 1kg khoai tây cần 1000 lít nước,…)
Mặc dù các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Trái đất rất đa dạng, phong phú
nhưng khả năng cung cấp tài nguyên thiên nhiên của môi trường có giới hạn.
Cùng với mức độ khai thác, sử dụng như hiện nay của con người, các nguồn tài
nguyên thiên nhiên (bao gồm tài nguyên tái tạo và tài nguyên không tái tạo) đang
có xu hướng cạn kiệt nhanh chóng, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên
và sự sống của các thế hệ tương lai. Nói cách khác, việc con người khai thác, sử
dụng quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang làm suy giảm chức năng
thứ hai này của môi trường. Vì vậy, con người cần phải khai thác, sử dụng tiết
kiệm, hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
2.1.3.3. Môi trường là nơi chứa đựng và phân hủy các chất thải
Tài nguyên thiên nhiên sau khi được con người khai thác, sử dụng trong hoạt
động sống và sản xuất sẽ bị thải vào môi trường dưới dạng các chất thải. “Chất
thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác” (Luật Bảo vệ môi
trường 2020). Tại đây, nhờ hoạt động của các vi sinh vật và các thành phần môi
trường khác, chất thải sẽ bị biến đổi trở thành các dạng ban đầu trong một chu
trình sinh địa hóa phức tạp. Ví dụ cây xanh, trong quá trình quang hợp, hấp thụ
khí CO2 và nhả ra khí O2 cần thiết cho sự sống. Trung bình 1 hecta rừng lá rộng
có thể hấp thụ được 1 tấn khí CO2 và nhả ra 730 kg khí O2 mỗi ngày (Quỹ quốc
tế bảo vệ thiên nhiên thế giới WWF, 2022), do đó con người có thể giảm phát thải
khí CO2 bằng cách tăng cường trồng rừng và bảo vệ rừng.
Khả năng chứa đựng và phân hủy chất thải của môi trường (còn gọi là khả
năng tự đồng hóa) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chất lượng môi
trường. Tuy nhiên, khả năng chứa đựng và phân hủy chất thải của môi trường có
giới hạn. Khi chất thải với số lượng và chất lượng nhất định được thải ra môi
trường, các quá trình phân hủy tự nhiên làm cho chất thải sau một thời gian biến
đổi trở lại trạng thái nguyên liệu của tự nhiên. Ngược lại, khi lượng chất thải lớn
hơn khả năng tự đồng hóa, hoặc thành phần chất thải có nhiều chất độc, vi sinh
vật gặp nhiều khó khăn trong quá trình phân hủy thì chất lượng môi trường sẽ
giảm và môi trường có thể bị ô nhiễm.
Đi kèm với quá trình cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên là nạn ô nhiễm
môi trường sống đang ngày càng trầm trọng hơn. Bởi vì tài nguyên thiên nhiên
càng cạn kiệt, có nghĩa là số lượng tài nguyên thiên nhiên được khai thác để đưa
vào sản xuất càng lớn - trong khi trình độ khoa học công nghệ chưa hoàn thiện -
thì càng có nhiều chất thải độc hại đi vào môi trường, gây ô nhiễm môi trường,
làm cho chất lượng môi trường sống ngày càng xấu hơn. Nói cách khác, việc con
người thải quá nhiều chất thải vượt quá khả năng chứa đựng và phân hủy của môi
trường, thêm vào đó là các chất thải độc hại và khó phân hủy đang làm suy giảm
chức năng thứ ba này của môi trường. Vì vậy, con người cần phải kiểm soát chất
thải một cách hiệu quả.
Như vậy, các chức năng của môi trường đều có vai trò quan trọng như nhau
đối với con người, chỉ cần thiếu một trong ba chức năng trên thì con người không
thể sống và phát triển được. Một cách hình tượng hóa thì môi trường được xem
vừa là nhà ở, vừa là công xưởng, vừa là cái thùng khổng lồ chứa chất thải của con
người. Bên cạnh đó, các chức năng của môi trường đều có giới hạn và có điều
kiện, do đó cần phải khai thác một cách thận trọng và có cơ sở khoa học, bởi vì
nếu con người khai thác vượt quá khả năng của môi trường thì sẽ gây ra các vấn
đề môi trường nghiêm trọng như cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi
trường, quá tải dân số,… Cuối cùng, các chức năng của môi trường có liên hệ
trực tiếp với nhau, khai thác một chức năng có thể làm ảnh hưởng đến khả năng
khai thác các chức năng khác. Sự cạnh tranh giữa các chức năng cũng thường gây
ra các vấn đề môi trường phức tạp, vì vậy cần phải khai thác thận trọng và khoa
học để phục vụ tốt nhất cho con người. Bảo vệ môi trường thực chất là bảo vệ ba
chức năng cơ bản của môi trường; cụ thể là bảo vệ độ tinh khiết của không khí
mà con người thở, bảo vệ chất lượng nước mà con người uống và bảo vệ thực
phẩm mà con người ăn. Đây đang là nhiệm vụ sống còn của loài người.
2.2. Nhận thức chung về phát triển kinh tế - xã hội
2.2.1. Khái niệm phát triển kinh tế - xã hội
Khi nói về một xã hội phát triển, chúng ta thường hình dung ra một xã hội, ở
đó mọi người được ăn ngon mặc đẹp, có khả năng chủ động trong việc tiếp cận
các loại tài sản vật chất, có những hoạt động vui chơi giải trí sang trọng, được
sống trong môi trường sạch, lành mạnh và an toàn. Chúng ta cũng nghĩ tới một
xã hội không có sự phân biệt đối xử, với các mức độ công bằng cần thiết. Một
yêu cầu tối thiểu của một quốc gia phát triển đó là chất lượng cuộc sống vật chất
của quốc gia đó phải cao và được phân phối một cách đồng đều thay vì chỉ giới
hạn một cách bất hợp lý cho một bộ phận tối thiểu giàu có trong xã hội. Cao hơn
yêu cầu tối thiểu đó, một quốc gia phát triển còn đề cập đến các quyền và sự tự
do của con người về mặt chính trị, sự phát triển về văn hóa và tri thức, sự bền
vững của gia đình,... Những phân tích đó đã đi đến một khái niệm tổng quát về
phát triển kinh tế - xã hội như sau: “Phát triển kinh tế - xã hội là quá trình nâng
cao điều kiện sống về vật chất và tinh thần của con người bằng phát triển sản
xuất, cải tiến quan hệ xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa. Phát triển
là xu thế chung của từng cá nhân cũng như của cả loài người trong quá trình
sống”(Lê Thạc Cán, 2004).
Theo khái niệm trên, nếu xét theo khía cạnh các bộ phận cấu thành, phát triển
kinh tế - xã hội là sự kết hợp một cách chặt chẽ quá trình phát triển của hai lĩnh
vực kinh tế và xã hội. Trong đó, phát triển lĩnh vực kinh tế gồm hai quá trình, đó
là sự lớn lên của nền kinh tế (tăng trưởng kinh tế) và quá trình thay đổi cấu trúc
của nền kinh tế (chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế). Tăng trưởng kinh tế được
hiểu là sự gia tăng thu nhập của nền kinh tế, xét trong một khoảng thời gian nhất
định (thường là một năm). Sự gia tăng được thể hiện ở quy mô và tốc độ. Quy mô
tăng trưởng phản ánh sự gia tăng nhiều hay ít, còn tốc độ tăng trưởng được sử
dụng với ý nghĩa so sánh tương đối và phản ánh sự gia tăng nhanh hay chậm giữa
các thời kỳ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện ở sự thay đổi về quy mô, tỷ trọng
các bộ phận cấu thành nền kinh tế, vị trí và mối quan hệ giữa các bộ phận này với
nhau trong quá trình phát triển kinh tế. Còn phát triển lĩnh vực xã hội là một bộ
phận cấu thành trong phát triển kinh tế - xã hội, song hành với phát triển lĩnh vực
kinh tế, thậm chí còn phải đặt ra những mục tiêu cao hơn so với phát triển lĩnh
vực kinh tế. Phát triển lĩnh vực xã hội cần phải thể hiện trên nhiều phương diện,
nhưng nhìn tổng quát, đó là việc phải đảm bảo tiến bộ xã hội cho con người. Nội
hàm của việc đảm bảo tiến bộ xã hội cho con người bao gồm: Nâng cao mức sống
dân cư (nâng cao thu nhập dân cư, phân phối nguồn thu nhập đó một cách hợp
lý); nâng cao trình độ phát triển con người (năng lực về tài chính, năng lực trí lực,
năng lực thể lực và cách thức con người sử dụng các năng lực đó để khai thác các
cơ hội của cuộc sống như nghỉ ngơi, làm việc hay tham gia các hoạt động văn
hóa, xã hội, chính trị).
Con người vừa là động lực vừa là đối tượng của phát triển. Do vậy mục tiêu
cuối cùng của phát triển kinh tế - xã hội trong các quốc gia không phải là tăng
trưởng hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mà là sự tiến bộ xã hội cho con người và
tựu trung lại là vấn đề phát triển con người. Tháng 9 năm 2000, 189 quốc gia đã
thông qua bản Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Đây là một tài liệu
có phạm vi bao quát rộng, khẳng định cam kết “ biến quyền được phát triển trở
thành hiện thực cho tất cả mọi người và quyền tự do mà loài người mong muốn”.
Tuyên bố nêu rõ 8 mục tiêu của phát triển kinh tế - xã hội như sau:
Mục tiêu 1: Xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực
Mục tiêu 2: Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học
Mục tiêu 3: Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ
Mục tiêu 4: Giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em
Mục tiêu 5: Cải thiện sức khỏe bà mẹ
Mục tiêu 6: Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh khác
Mục tiêu 7: Đảm bảo bền vững về môi trường
Mục tiêu 8: Tạo lập quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển
2.2.2. Thước đo đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội
Để đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới
cần phải có thước đo. Thực tế cho thấy, thước đo đánh giá trình độ phát triển thay
đổi cùng với nhận thức của con người về phát triển kinh tế - xã hội.
Trong một thời gian khá dài, vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX trở về
trước, con người đặt mục tiêu kinh tế lên quá cao, xem tăng trưởng kinh tế là độ
đo duy nhất của sự phát triển. Như đã nêu ở trên, tăng trưởng kinh tế nói đến một
sự tăng lên trong thu nhập (có thể là tổng thu nhập, có thể là thu nhập bình quân
đầu người), đó là sự gia tăng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà một nền kinh tế sản
xuất ra. Các thước đo tăng trưởng kinh tế thường sử dụng nhất là: Tổng sản phẩm
quốc nội (GDP - Gross domestic product); Tổng thu nhập quốc dân (GNI - Gross
national income); Thu nhập bình quân đầu người GDP/người hoặc GNI/người.
Để phân loại trình độ phát triển, theo Báo cáo phát triển thế giới năm 2010 của
World Bank, các quốc gia trên thế giới được chia ra 4 nhóm: Các quốc gia thu
nhập thấp có GNI/đầu người là 935$ trở xuống; trung bình thấp từ 936 đến
3.705$; trung bình cao từ 3.706 đến 11.455$ và nhóm thu nhập cao từ 11.456$
trở lên. Theo ngưỡng này, trong số 195 quốc gia tham gia xếp loại, có 33 quốc
gia thu nhập thấp (LIC), 53 quốc gia thuộc thu nhập trung bình thấp (LMC), 41
quốc gia thu nhập trung bình cao (UMC) và 68 quốc gia thu nhập cao (HIC).
Từ sau những năm 50, 60 của thế kỷ XX, con người đã nhận thức được rằng
độ đo kinh tế không phản ánh đầy đủ quan niệm về phát triển. Mục tiêu của phát
triển là vì sự tiến bộ xã hội cho con người mà nòng cốt là đảm bảo phát triển toàn
diện con người. Tăng trưởng kinh tế là quá trình tạo thu nhập, trở thành điều kiện
hàng đầu cho việc nâng cao mức sống dân cư. Tuy vậy, điều đó chỉ mang tính
một chiều, một mũi tên ngược lại sẽ không phải luôn luôn đúng. Nhiều quốc gia
có mức thu nhập bình quân đầu người khá cao, nhưng tỉ lệ nghèo đói vẫn cao hơn
nhiều so với các quốc gia có mức thu nhập thấp hơn, tỉ lệ tiếp cận các dịch vụ xã
hội như y tế, giáo dục cũng thấp hơn,... Năm 1990, Chương trình Phát triển Liên
Hợp Quốc (UNDP) lần đầu tiên đưa ra một phương pháp mới để đánh giá tổng
hợp trình độ phát triển con người, đó là Chỉ số phát triển con người (HDI). Trên
thực tế, HDI chứa đựng ba yếu tố phản ánh tương ứng ba khía cạnh thuộc về năng
lực phát triển của con người, đó là: Năng lực tài chính (thu nhập), năng lực trí lực
(giáo dục) và năng lực thể lực (y tế và chăm sóc sức khỏe). Ba yếu tố cấu thành
HDI đã được thống nhất sử dụng từ năm 1990, bao gồm: Y tế, chăm sóc sức khỏe
(tính bằng tuổi thọ bình quân); giáo dục (tính theo hai tiêu chí là tỉ lệ người lớn
biết chữ và số năm đi học trung bình); GNI/người tính theo ngang giá sức mua
(PPP) được đưa vào HDI phản ánh thu nhập. HDI tính theo phương pháp chỉ số
và được xác định bằng những con số trong khoảng từ 0 đến 1. HDI càng gần giá
trị của 1 chứng tỏ trình độ phát triển con người càng cao và ngược lại. Theo Báo
cáo phát triển con người năm 2010 của Liên Hợp Quốc, trình độ HDI trên thế giới
được chia thành 4 nhóm: Nhóm nước có HDI thấp (HDI nhận giá trị từ 0,47 đến
0,3); nhóm nước có HDI trung bình (HDI từ 0,488 đến 0,669); nhóm nước có
HDI cao (HDI từ 0,677 đến 0,784); và nhóm nước có HDI rất cao (HDI từ 0,788
đến 0,938).
Bên cạnh đó, do ưu tiên tăng trưởng kinh tế và dân số thế giới gia tăng nhanh
chóng, con người khai thác ngày càng nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn, làm cho
tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt nhanh và ô nhiễm môi trường gia tăng. Cùng với
những nhận thức dần dần về giới hạn của sự tăng trưởng, mà chủ yếu là giới hạn
về nguồn tài nguyên thiên nhiên và khả năng chịu đựng của môi trường, dẫn đến
sự ra đời của chỉ tiêu GDP xanh. GDP xanh là phần còn lại của GDP thuần sau
khi đã trừ các chi phí do tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các
hoạt động kinh tế. GDP xanh không chỉ phản ánh sự tăng trưởng kinh tế mà còn
phản ánh sự tăng trưởng của quốc gia đó có bền vững hay không. Nói cách khác,
GDP xanh phản ánh sự tăng trưởng của một quốc gia một cách toàn diện về kinh
tế, xã hội và môi trường.
2.2.3. Tác động cơ bản của phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường
Môi trường là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng và cần thiết với
mỗi con người và mỗi quốc gia. Nó là nền tảng của sự tồn tại và phát triển bền
vững của xã hội, bất cứ hoạt động nào của con người cũng diễn ra trong môi
trường và vì thế có những tác động nhất định tới môi trường. Những tác động của
hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường bao gồm:
2.2.3.1. Khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên
Quá trình phát triển là mối quan hệ tương tác giữa con người, xã hội và tự
nhiên, thường xuyên và xuyên suốt mọi thời đại, biểu hiện cụ thể thông qua mối
quan hệ tương tác giữa kinh tế và môi trường - phần cốt lõi nhất của mối quan hệ
tương tác rộng lớn và phức tạp đó.
Hình 2.1. Cân bằng vật chất và quan hệ giữa kinh tế và môi trường
Trong hệ thống kinh tế luôn luôn diễn ra quá trình khai thác tài nguyên thiên
nhiên, chế biến nguyên liệu và phân phối tiêu dùng. Đầu tiên trong chu trình hoạt
động của hệ thống kinh tế là khai thác tài nguyên thiên nhiên từ môi trường để
cung cấp các nguyên vật liệu, năng lượng cho quá trình sản xuất (ví dụ khoáng
sản, gỗ, dầu mỏ,…). Từ đó dẫn đến tác động thứ nhất của hoạt động phát triển
kinh tế - xã hội đến môi trường.
Với vai trò là yếu tố đầu vào quan trọng của hoạt động kinh tế, các nguồn tài
nguyên thiên nhiên rất có giá trị đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Do đặc
điểm của tài nguyên thiên nhiên là có hạn và sự phân bố không đồng đều trên Trái
đất nên một số quốc gia có dự trữ về tài nguyên thiên nhiên phong phú tất yếu sẽ
có lợi thế to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, dự trữ đất đai nông
nghiệp, các nguồn lợi thủy sản sẽ tạo ra nguồn ổn định về lương thực, thực phẩm
cho con người, tạo ổn định xã hội và sẽ hỗ trợ việc khai thác, chế biến với quy
mô lớn phục vụ xuất khẩu; các bờ biển hoặc những dãy núi có thể là cơ sở phát
triển các loại hình du lịch, tạo việc làm và thu nhập; diện tích rừng và trữ lượng
các mỏ khoáng sản, năng lượng là nguồn nguyên, nhiên liệu quý giá cho đẩy
mạnh phát triển ngành công nghiệp;... Khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên được
khai thác, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm, gắn khai thác, sử dụng với bảo vệ
và tái tạo sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Trong quá trình phát triển, để đạt được tăng trưởng cao, với sự giúp đỡ của tiến
bộ khoa học và công nghệ, tư tưởng chinh phục, thống trị thiên nhiên nổi lên, chỉ
sau hơn hai thế kỷ khai thác kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, các
nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Trái đất đã và đang cạn kiệt nhanh chóng. Theo
Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) năm 2022, con người hiện đang
tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên nhanh gấp 1,75 lần so với khả năng phục hồi của
Trái đất, tương đương với việc cần phải có “1,75 Trái đất” mới có thể đáp ứng
nhu cầu của con người. Hậu quả là con người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề
như thiếu nước ngọt trầm trọng, diện tích đất nông nghiệp trên đầu người giảm
dần, nghề cá bị suy thoái, rừng bị thu hẹp nhanh chóng, tốc độ tuyệt chủng các
loài ngày càng cao,… Theo Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ của
Liên Hợp Quốc về dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học năm 2022 cho biết,
Trái đất đang tuyệt chủng ở một cấp độ cao gấp 1000 lần so với tốc độ tuyệt chủng
tự nhiên; chỉ trong vòng 10 năm qua có 467 loài sinh vật đã bị tuyệt chủng được
ghi nhận; khoảng 1 triệu loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong đó 40% loài
lưỡng cư, 33% san hô và khoảng 10% côn trùng; mà nguyên nhân chính là do
hoạt động khai thác quá mức, sự xâm lấn của con người vào môi trường sống của
chúng, nạn ô nhiễm môi trường,… Nếu con người không dừng ngay các hoạt
động khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên lãng phí, kém hiệu quả thì tương
lai của loài người rất ít sáng sủa.
Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, con người cần phải thực hiện các giải
pháp cơ bản sau:
- Đối với tài nguyên tái tạo: Duy trì mức khai thác, sử dụng tài nguyên (h) nhỏ
hơn mức tái tạo của tài nguyên (y), tức là h<y. Đồng thời, làm gia tăng mức tái
tạo của tài nguyên bằng sự tái tạo nhân tạo (ví dụ trồng rừng, thụ tinh nhân tạo
các loài động vật, bón giun cho đất,...)
- Đối với tài nguyên không tái tạo: Cần khai thác tiết kiệm, hợp lý tài nguyên;
tìm tài nguyên khác có thể thay thế hoặc tìm công nghệ sử dụng các loại năng
lượng được coi là vĩnh cửu (ví dụ năng lượng mặt trời, gió, dòng chảy, sinh khối,
địa nhiệt, thủy triều,…); tái sử dụng, tái chế chất thải.
2.2.3.2. Thải các loại chất thải vào môi trường
Tiếp theo trong chu trình hoạt động của hệ thống kinh tế là chế biến nguyên
vật liệu và năng lượng thành những sản phẩm tiêu dùng được, và cuối cùng chúng
sẽ quay trở lại môi trường dưới dạng các chất thải. Từ đó gây ra tác động thứ hai
của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường.
Theo định luật nhiệt học thứ nhất, hoạt động kinh tế là một quá trình chuyển
đổi vật chất và năng lượng. Nghĩa là, tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất hay
tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên cuối cùng đều đưa đến các sản phẩm chất thải bằng
với lượng tài nguyên thiên nhiên đưa vào các hoạt động này. Do đó, nạn cạn kiệt
các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nạn ô nhiễm nặng nề môi trường sống luôn
gắn bó hữu cơ với nhau, bởi lẽ chúng có chung một cội nguồn - đó là sự phát triển
kinh tế - xã hội của con người. Cho đến nay, con người đã thải các chất thải nhiều
đến mức thiên nhiên không thể phân hủy kịp (tức là vượt quá khả năng chứa đựng
và phân hủy chất thải của môi trường), đã và đang gây ô nhiễm đất, nước, không
khí nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở khắp mọi nơi và không chỉ
dừng lại ở phạm vi quốc gia mà đang trở thành vấn đề toàn cầu. Thế giới đang
phải đối mặt với nhiều hiểm họa sinh thái như biến đổi khí hậu, suy thoái tầng
ozone, mưa axit,… mà hậu quả của chúng có thể đưa nhân loại đến thảm họa diệt
vong. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2022, rác thải nhựa là vấn đề nhức
nhối trên toàn cầu, mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ
kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 tấn rác thải nhựa trôi nổi, đổ ra
đại dương; dự kiến đến năm 2050, khối lượng rác thải nhựa ở các đại dương sẽ
nặng hơn khối lượng cá. Bên cạnh đó, rác thải nhựa không có khả năng tự phân
hủy sinh học, chúng chỉ có thể vỡ thành những mảnh nhỏ và trôi nổi khắp nơi;
nếu có tác động của ánh sáng mặt trời thì cũng phải nhiều thế kỷ nhựa mới phân
hủy được, chẳng hạn thời gian phân hủy của vỏ chai nước là 450 năm, ống hút là
200 năm, bàn chải đánh răng là 500 năm,... Ô nhiễm rác thải nhựa cùng với nhiều
loại hình ô nhiễm môi trường khác đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực
đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững
của mối quốc gia.
Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, con người cần phải thực hiện các giải
pháp cơ bản sau:
- Duy trì lượng chất thải vào môi trường (W) nhỏ hơn khả năng chứa đựng và
phân hủy của môi trường (A), tức là W<A
- Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để kiểm soát chất thải tại
nguồn, xử lý chất thải, tái chế chất thải.
2.2.3.3. Tác động trực tiếp đến không gian sinh tồn
Trong quá trình phát triển, con người không chỉ sử dụng và thích nghi với các
điều kiên tự nhiên mà còn cải tạo thiên nhiên, biến đổi các cảnh quan thiên nhiên
thành các cảnh quan văn hóa, các hệ sinh thái tự nhiên thành các hệ sinh thái nhân
tạo, tạo dựng những điều kiện mới nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của
mình. Từ đó dẫn tới tác động thứ ba của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đến
môi trường.
Con người luôn cần một khoảng không gian dành cho nhà ở, sản xuất lương
thực thực phẩm và hàng hóa, cho tái tạo chất lượng môi trường. Cùng với sự phát
triển kinh tế và gia tăng dân số trên thế giới, con người đã gia tăng không gian
sống cần thiết cho mình bằng việc khai thác và chuyển dổi chức năng sử sụng của
các loại không gian khác như khai hoang, phá rừng, lấn biển, cải tạo các vùng đất
và vùng nước mới. Có thể nói, tác động của con người là một nhân tố mạnh mẽ
nhất làm thay đổi bộ mặt Trái đất. Chẳng hạn, con người chuyển đất rừng thành
đất nông nghiệp làm mất đi nhiều loài động thực vật quý hiếm, tăng xói mòn đất,
thay đổi khả năng điều hòa nước và biến đổi khí hậu; chuyển đất rừng, đất nông
nghiệp thành các khu công nghiệp, khu đô thị gây ra sự mất cân bằng sinh thái
khu vực và ô nhiễm cục bộ;... Theo một nghiên cứu trên Nature Communications
(2022), từ năm 1960 đến nay, 1/5 diện tích đất tự nhiên trên Trái đất, tương đương
khoảng 43 triệu km2
đã bị biến đổi. Còn theo Bộ Tài nguyên và Môi trường
(2022), cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ, mỗi năm Việt
Nam mất trên 100 nghìn hecta đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng lúa ở các
tỉnh đồng bằng. Cho đến nay, việc khai thác quá mức không gian sống đang làm
cho chất lượng không gian sống trên Trái đất không thể phục hồi được. Vì vậy,
con người cần phải nỗ lực tìm kiếm phương thức khai thác, sử dụng không gian
sống hợp lý và bền vững hơn.
Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, con người cần phải thực hiện các giải
pháp cơ bản sau:
- Cần phát huy các tác động tích cực đến môi trường như xây dựng các thành
phố xanh, khu công nghiệp sinh thái, vùng nông nghiệp sinh thái, phát triển du
lịch sinh thái, trồng nên những cánh rừng tươi tốt, những hồ nước trong xanh,...
- Phải ngăn ngừa, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường như xây
dựng các khu “nhà ổ chuột”, khu công nghiệp “đen”,…
Như vậy, con người đang tác động đến môi trường tự nhiên ở mức độ nghiêm
trọng. Đến nay, cuộc chạy đua phát triển của các quốc gia, giữa các khu vực kinh
tế trên thế giới vẫn ngày càng gay gắt, khốc liệt; khuynh hướng phát triển bằng
mọi giá vẫn được các nước có nền kinh tế kém phát triển áp dụng, theo đó là sự
đánh đổi môi trường và các yếu tố khác cho phát triển kinh tế. Mặt trái của sự
phát triển kinh tế nhanh chóng là sự suy thoái môi trường, thu hẹp cơ sở của sự
phát triển, suy giảm tài nguyên thiên nhiên cả về chất và lượng. Mặt khác, dân số
của các nước kém phát triển tăng nhanh là nguyên nhân của sự nghèo đói, phá vỡ
cân bằng sinh thái, suy thoái môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Ở các nước phát
triển, khuynh hướng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường đã và
đang được ưu tiên trong quá trình phát triển, chủ trương không can thiệp vào các
nguồn tài nguyên sinh học, đầu tư vào công tác bảo tồn, khôi phục lại các hệ sinh
thái. Tuy nhiên, như đã đề cập, tài nguyên thiên nhiên là cơ sở, là đầu vào của hệ
thống kinh tế đối với các quốc gia, là nguồn vốn cơ bản cho mọi hoạt động phát
triển của con người, do vậy, các quan điểm trên khó lòng thực hiện. Theo đó, các
quốc gia này tìm đến các khu vực giàu có tài nguyên để đầu tư và tìm kiếm lợi
nhuận, rõ ràng càng tạo ra nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường tại
các nước nghèo, kém phát triển. Có lẽ nào, cho đến khi tài nguyên thiên nhiên
cạn kiệt, môi trường suy thoái đến mức không còn nơi ở an toàn, không còn nước
sạch để uống, không còn không khí sạch để thở, không còn nguyên liệu cho sản
xuất thì con người mới ngộ ra là “tiền không ăn được”.
2.3. Phát triển bền vững
Qua nghiên cứu về môi trường và phát triển kinh tế - xã hội cho thấy giữa môi
trường và phát triển có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ này được thể
hiện ở hai khía cạnh cơ bản như sau: Về hình thức, môi trường và phát triển có
mối quan hệ qua lại, chặt chẽ, thường xuyên và lâu dài. Con người là một sinh
vật, một bộ phận cấu thành của môi trường và phụ thuộc rất chặt chẽ vào môi
trường. Môi trường là nơi cung cấp mọi tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho hoạt
động sống và sản xuất của con người; ngược lại, để tồn tại, con người phải sản
xuất, tức là phải khai thác tài nguyên thiên thiên, điều đó đồng nghĩa với việc làm
thay đổi tự nhiên, thay đổi môi trường sống của chính con người. Về nội dung,
mối quan hệ giữa môi trường và phát triển ngày càng phát triển mạnh mẽ, phức
tạp, sâu sắc và mở rộng. Cùng với quá trình phát triển, môi trường ngày càng có
ý nghĩa nhiều hơn trong đời sống và hoạt động kinh tế - xã hội của con người;
mặt khác, con người đã không ngừng tạo ra những công cụ và phương thức hiệu
quả để khai thác ngày càng nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn, làm cho tài nguyên
thiên nhiên ngày càng nghèo kiệt đi, chất lượng môi trường ngày càng giảm sút,...
khiến cho xung đột giữa con người và thế giới tự nhiên ngày càng gia tăng và trở
nên gay gắt. Có thể nói rằng mọi vấn đề về môi trường đều bắt nguồn từ phát
triển. Nhưng con người cũng như mọi sinh vật khác không thể dừng tiến hoá và
ngừng sự phát triển. Con đường để giải quyết mâu thuẫn giữa môi trường và phát
triển là phải chấp nhận phát triển nhưng giữ sao cho phát triển không tác động
tiêu cực tới môi trường. Đó chính là phát triển bền vững.
2.3.1 Khái niệm phát triển bền vững
Năm 1987, trong báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, Ủy ban Quốc tế về
Môi trường và Phát triển (WCED) lần đầu tiên đưa ra một khái niệm tương đối
đầy đủ về phát triển bền vững là: “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện
tại mà không làm tổn thương khả năng của các thế hệ tương lai trong việc thỏa
mãn các nhu cầu của chính họ”. Nội hàm về phát triển bền vững được tái khẳng
định ở Hội nghị Rio năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị
Johannesburg năm 2002: “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết
hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba trụ cột của sự phát triển. Đó là: phát
triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Ngoài ba mặt chủ yếu này,
có nhiều người còn đề cập những khía cạnh khác của phát triển bền vững như
chính trị, văn hóa, tinh thần, dân tộc,…và đòi hỏi phải tính toán và cân đối chúng
trong hoạch định các chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng
quốc gia, từng địa phương cụ thể.
Tại Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2014 cũng ghi rõ: “Phát
triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn
hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp
chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi
trường”. Đây là khái niệm hoàn chỉnh về phát triển bền vững.
Theo khái niệm này, nội dung của phát triển bền vững được xác định bao gồm
ba trụ cột, đó là:
(i) Bền vững về kinh tế: Là đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, lâu dài và
hiệu quả
(ii) Bền vững về xã hội: Là đảm bảo công bằng xã hội và phát triển con người
(iii) Bền vững về môi trường: Là đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên
thiên nhiên, bảo vệ và không ngừng cải thiện chất lượng môi trường sống, đảm
bảo cho con người được sống trong môi trường sạch, lành mạnh và an toàn, hài
hòa trong mối liên kết giữa con người với xã hội và tự nhiên.
Hình 2.2. Ba trụ cột của phát triển bền vững
Ba trụ cột của phát triển bền vững nêu trên là các mục tiêu cần đạt được trong
quá trình phát triển, đồng thời là ba nội dung hợp thành quá trình phát triển trong
điều kiện hiện đại. Quan niệm phát triển hiện đại là phát triển bền vững, cũng có
nghĩa là không chỉ xác lập các cơ sở, điều kiện cần thiết đối với việc giải quyết
mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế - xã hội và môi trường mà còn phải bao gồm
nội dung bền vững.
Tính bền vững là một khái niệm đa chiều với nhiều khía cạnh có liên quan lẫn
nhau, bao gồm các nhân tố sinh thái, môi trường, kinh tế, khoa học, công nghệ,
văn hóa, xã hội, đạo đức và chính trị. Do vậy, chỉ riêng tăng trưởng kinh tế không
thể phản ánh được đầy đủ quan niệm về phát triển hiện đại - phát triển bền vững.
Phát triển bền vững đòi hỏi phải xem xét lại và đánh giá đúng đắn các mối quan
hệ giữa con người và Trái đất, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tài nguyên,
môi trường. Bởi lẽ, tài nguyên thiên nhiên của Trái đất không phải là vô tận,
không thể khai thác hoặc thống trị theo ý mình; khả năng đồng hóa các chất thải
của môi trường có giới hạn, không thể thải vượt quá sức chịu tải của môi trường;
mà cần thiết phải tính toán đến lợi ích chung của cộng đồng, của các thế hệ tương
lai và các chi phí môi trường cho sự phát triển,...
Hình 2.3. Mô hình phát triển bền vững của WCED 1987
Quan điểm phát triển bền vững ra đời và hoàn thiện trong một khoảng thời gian
tương đối dài. Cho đến nay, loài người đã thừa nhận và bước những bước đầu
tiên trên con đường phát triển bền vững. Các quốc gia trên thế giới dù có những
điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, bắt đầu nhanh hay chậm, đều đang hướng
theo con đường phát triển bền vững này. Để giúp các quốc gia thực hiện thành
công phát triển bền vững, quan điểm phát triển bền vững đã đưa ra bốn giải pháp
cơ bản sau:
Thứ nhất, tôn trọng các qui luật tự nhiên
Theo Liên Hợp Quốc (2012), “Trái đất không phải là của con người mà con
người thuộc về Trái đất cùng với các sinh vật khác...”. Con người chỉ là một bộ
phận của thiên nhiên và phụ thuộc chặt chẽ vào tự nhiên. Thiên nhiên là cơ sở
tiền đề cho sự sống và phát triển của con người. Vì vậy, mọi quyết định và hành
động phát triển kinh tế - xã hội của con người đều phải nằm trong giới hạn khả
năng chịu đựng của tự nhiên. Đã đến lúc con người không thể đứng ngoài, đứng
trên thiên nhiên để chinh phục, khai thác, bắt thiên nhiên phục vụ nhu cầu của
con người nữa, mà cuộc sống của con người phụ thuộc vào thiên nhiên, phải ứng
xử tôn trọng, hài hòa với tự nhiên, để tránh được sự “trả thù” của tự nhiên.
Muốn tôn trọng các qui luật tự nhiên, trước hết con người phải nắm rõ về các
qui luật tự nhiên; sau đó lựa theo các qui luật tự nhiên để tác động vào tự nhiên
một cách phù hợp (đó là các tác động khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên
thiên nhiên; thải các loại chất thải vào môi trường; tác động trực tiếp đến không
gian sinh tồn). Có như vậy, mới hòa nhập quá trình phát triển kinh tế - xã hội của
con người với các quá trình tự phát triển trong tự nhiên, từ đó tạo tiền đề cho
tương lai bền vững.
Thứ hai, tiết kiệm trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên
Môi trường đóng vai trò là nguồn cung cấp đầu vào cho quá trình sản xuất và
là một trong những nguồn lực cơ bản cho phát triển. Tuy nhiên, nguồn cung cấp
này lại luôn có giới hạn. Để phát triển bền vững, đòi hỏi phải khai thác hợp lý và
tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Muốn tiết kiệm nguồn lực thiên nhiên cho phát triển, trước hết con người cần
phải tiến hành điều tra, phân tích, đánh giá để nắm vững về các nguồn tài nguyên
thiên nhiên; sau đó phải quản lý chặt chẽ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngay
từ khâu khai thác, chuyên chở và bảo quản; cuối cùng tăng cường áp dụng khoa
học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại để tăng thêm khả năng khai thác, hiệu suất
khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhờ đó, sẽ cho phép con người huy
động được nhiều nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên vào việc hỗ trợ thúc đẩy
phát triển.
Thứ ba, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào quá trình sử
dụng, chế biến tài nguyên thiên nhiên
Đây cũng là giải pháp tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng được
thực hiện ở khâu sản xuất. Sản xuất là quá trình chuyển đổi vật chất, từ dạng
nguyên vật liệu, năng lượng sang dạng sản phầm để đáp ứng các nhu cầu trong
cuộc sống của con người. Nếu hiệu suất chuyển đổi cao thì nguyên vật liệu và
năng lượng được sử dụng sẽ giảm xuống, nhờ đó sẽ tiết kiệm được tài nguyên
thiên nhiên.
Muốn tiết kiệm nguồn lực thiên nhiên cho phát triển, con người cần phải đẩy
mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sản xuất. Trước hết
để sử dụng tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm khai thác tối đa các
giá trị kinh tế của từng loại tài nguyên thiên nhiên; sau đó để giảm định mức tiêu
hao các nguyên vật liệu, năng lượng và giảm chất thải trong việc tạo ra một đơn
vị sản phẩm; cuối cùng để thay thế các loại nguyên vật liệu, năng lượng quý hiếm
hoặc đang cạn kiệt bằng các loại nguyên vật liệu, năng lượng phổ biến hoặc nhân
tạo,…
Thứ tư, tăng cường các biện pháp bảo vệ, phục hồi, cải tạo và làm phong phú
hơn các nguồn tài nguyên nguyên thiên nhiên và thành phần môi trường
Bên cạnh khai thác, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, con
người cần phải bảo vệ và làm giàu nguồn lực thiên nhiên. Bởi lẽ, thiên nhiên
không chỉ là nguồn lực, tài sản mà còn là nguồn vốn cho phát triển. Thế hệ hiện
tại không phải là người thừa kế mà là người đi vay các tài sản tự nhiên và phải có
trách nhiệm trả cả gốc lẫn lãi; trong đó “chủ nợ” là các thế hệ kế tiếp, “gốc” là
thực trạng tự nhiên trước khi sử dụng (cả về hiện vật và cả về giá trị) và “lãi” là
thực trạng tự nhiên sau khi sử dụng trở nên tốt hơn.
Muốn bảo vệ và làm giàu nguồn lực thiên nhiên cho phát triển, cần phải có sự
tham gia của toàn xã hội, bao gồm các chủ thể chính sau: Nhà nước, doanh nghiệp,
tổ chức xã hội, đoàn thể và người dân (và cộng đồng dân cư). Ứng xử với thiên
nhiên bằng sự nhân văn và trách nhiệm thực sự, mỗi người sẽ có các sáng kiến,
giải pháp và hành động cụ thể để bảo vệ, phục hồi, cải tạo và làm phong phú hơn
các nguồn tài nguyên nguyên thiên nhiên và thành phần môi trường.
2.3.2 Các chỉ số phát triển bền vững
Hiện nay, lý thuyết phát triển bền vững đang được các quốc gia, các tổ chức
quốc tế và khu vực quan tâm nghiên cứu, phát triển thành hệ thống lý thuyết vừa
có tính toàn cầu, tính quốc gia, vừa có tính địa phương. Tuy nhiên, để “đo lường”
sự phát triển bền vững là điều hết sức khó khăn, vì phát triển có liên quan đến
nhiều khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường. Điều quan trọng nữa là các khía cạnh
này phải liên kết với nhau như một thể thống nhất mới đảm bảo phát triển bền
vững.
Cho đến nay đã có nhiều hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu được đề xuất, đảm bảo
phản ánh tổng hòa nhiều tiêu chí thành phần. Thông thường, “thước đo” cho phát
triển bền vững bao gồm 3 chỉ số sau:
(i) Bền vững về kinh tế
Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi sự phát triển của hệ thống kinh tế, trong
đó cơ hội để tiếp xúc với những nguồn tài nguyên được tạo điều kiện thuận lợi và
quyền sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế
được chia sẻ một cách bình đẳng. Yếu tố được chú trọng ở đây là tạo ra sự thịnh
vượng chung cho tất cả mọi người, không chỉ tập trung mang lại lợi nhuận cho
một số ít, trong một giới hạn cho phép của hệ sinh thái cũng như không xâm phạm
những quyền cơ bản của con người.
Phát triển bền vững về kinh tế gồm một số nội dung cơ bản: Một là, giảm dần
mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm
và thay đổi lối sống; hai là, thay đổi nhu cầu tiêu thụ không gây hại đến đa dạng
sinh học và môi trường; ba là, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên,
mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục; bốn là, xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối; năm
là, công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp (tái chế, tái sử dụng, giảm thải,
tái tạo năng lượng đã sử dụng).
Nền kinh tế được coi là bền vững cần đạt được những yêu cầu sau: Thứ nhất,
có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập
cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng
phải tăng trưởng mức độ cao. Các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay
cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện phát
triển bền vững về kinh tế. Thứ hai, cơ cấu GDP cũng là tiêu chí đánh giá phát
triển bền vững về kinh tế. Chỉ khi tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao
hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững. Thứ ba, tăng
trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng
bằng mọi giá.
(ii) Bền vững về xã hội
Phát triển bền vững về xã hội chú trọng vào phát triển sự công bằng và tạo
điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực phát triển con người, cố gắng cho tất cả mọi
người cơ hội phát triển tiềm năng bản thân và có điều kiện sống chấp nhận được.
Phát triển bền vững về xã hội gồm một số nội dung chính: Một là, ổn định dân
số, phát triển nông thôn để giảm sức ép di dân vào đô thị; hai là, giảm thiểu tác
động xấu của môi trường đến đô thị hóa; ba là, nâng cao học vấn, xóa mù chữ;
bốn là, bảo vệ đa dạng văn hóa; năm là, bình đẳng giới, quan tâm tới nhu cầu và
lợi ích giới; sáu là, tăng cường sự tham gia của công chúng vào các quá trình ra
quyết định.
Phát triển bền vững về xã hội được đánh giá bằng các tiêu chí như: Chỉ số phát
triển con người (HDI - Human Development Index), hệ số bình đẳng thu nhập,
các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền
vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các
giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá
cao và có xu hướng gần lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn.
(iii) Bền vững về môi trường
Phát triển bền vững về môi trường đòi hỏi đòi hỏi duy trì sự cân bằng giữa bảo
vệ môi trường tự nhiên với sự khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi
ích con người nhằm mục đích duy trì mức độ khai thác những nguồn tài nguyên
ở một giới hạn nhất định - cho phép môi trường tiếp tục đảm bảo điều kiện sống
cho con người và các sinh vật sống trên Trái Đất.
Phát triển bền vững về môi trường gồm những nội dung cơ bản sau: Một là,
sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo; hai là, phát
triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái; ba là, bảo vệ đa dạng sinh
học, bảo vệ tầng ozone; bốn là, kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính;
năm là, bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm; sáu là, giảm thiểu xả thải, khắc
phục ô nhiễm (nước, không khí, đất, lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi
phục môi trường những khu vực ô nhiễm.
Gần đây, bộ chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc xác định theo các
chủ đề trên 4 lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, thể chế và hình thành nên 58
chỉ tiêu cụ thể sau:
(i) Bền vững về mặt xã hội: Bao gồm 6 chủ đề về công bằng, y tế, giáo dục,
nhà ở, an ninh và dân số với 19 chỉ tiêu cụ thể: (1) Phần trăm dân số sống dưới
ngưỡng nghèo; (2) chỉ số bất bình đẳng Gini; (3) tỷ lệ thất nghiệp; (4) tỷ lệ lương
trung bình của nữ so với nam; (5) tình trạng dinh dưỡng của trẻ em; (6) tỷ lệ tử
vong của trẻ dưới 5 tuổi; (7) tuổi thọ; (8) phần trăm dân số có thiết bị vệ sinh phù
hợp; (9) phần trăm dân số được sử dụng nước sạch; (10) phần trăm dân số tiếp
cận được các dịch vụ y tế cơ bản, (11) tiêm chủng phòng ngừa các bệnh lây nhiễm
cho trẻ em; (12) tỷ lệ phổ biến về phòng tránh thai; (13) phổ cập tiểu học đối với
trẻ em; (14) tỷ lệ người trưởng thành học hết cấp hai; (15) tỷ lệ biết chữ của người
trưởng thành; (16) diện tích nhà ở (sàn) bình quân đầu người; (17) số tội phạm
trên 100.000 dân; (18) tốc độ tăng dân số; (19) dân số thành thị chính thức và cư
trú không chính thức.
(ii) Bền vững về mặt môi trường: Bao gồm 7 chủ đề về không khí, đất, đại
dương, biển, bờ biển, nước sạch và đa dạng sinh học với 19 chỉ tiêu cụ thể: (20)
phát thải khí nhà kính; (21) mức độ tiêu thụ các chất gây hại tầng ozone; (22)
nông độ các chất gây ô nhiễm không khí ở khu vực đô thị; (23) đất canh tác và
diện tích cây lâu năm; (24) sử dụng phân hóa học; (25) sử dụng thuốc trừ sâu;
(26) tỷ lệ che phủ rừng; (27) cường độ khai thác gỗ; (28) đất bị sa mạc hóa; (29)
diện tích thành thị chính thức và không chính thức; (30) mật độ tảo trong biển;
(31) phần trăm dân số sông sở vùng duyên hải; (32) sản lượng đánh bắt hàng năm;
(33) mức khai thác nguồn nước ngầm và nước mặt trên tổng trữ lượng nước; (34)
hàm lượng BOD trong nước; (35) nông fđộ coliform trong nước sạch; (36) diện
tích hệ sinh thái chủ yếu được lựa chọn; (37) diện tích khu bảo tồn so với tổng
diện tích; (38) sự đa dạng của giống loài được lựa chọn.
(iii) Bền vững về mặt kinh tế: Bao gồm 2 chủ đề về tăng trưởng và cơ cấu kinh
tế, xu hướng sản xuất và tiêu dùng với 14 chỉ tiêu cụ thể: (39) GDP bình quân
đầu người; (40) tỷ lệ đầu tư trong GDP; (41) cán cân thương mại hàng hóa và
dịch vụ; (42) tỷ lệ nợ trong GNI; (43) tổng viện trợ ODA hoặc nhận viện trợ ODA
so với GNI; (44) mức độ sử dụng nguyên vật liệu: (45) tiêu thụ năng lượng bình
quân đầu người hàng năm; (46) tỷ lệ tiêu dùng nguồn năng lượng có thể tái sinh;
(47) mức dộ sử dụng năng lượng; (48) chất thải rắn của công nghiệp và đô thị;
(49) chất thải độc hại; (50) chất thải phóng xạ; (51) chất thải tái sinh; (52) khoảng
cách đi lại tính trên đầu người theo phương tiện vận tải.
(iv) Thể chế phát triển bền vững: Bao gồm 2 chủ đề là khung thể chế và năng
lực thể chế, được cụ thể hóa thành 6 chỉ tiêu: (53) chiến lược phát triển bền vững
quốc gia; (54) thực thi các công ước quốc tế đã ký; (55) số lượng người truy cập
internet/1000 dân; (56) đường điện thoại chính/1000 dân; (57) đầu tư cho nghiên
cứu và phát triển tính theo % của GDP; (58) thiệt hại về người và của do các thảm
họa thiên nhiên.
2.3.3 Nguyên tắc phát triển bền vững
2.3.3.1 Những nguyên tắc chung
Phát triển bền vững ở mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu có thể trở thành
hiện thực thông qua việc xây dựng xã hội phát triển bền vững. Đây là một xã hội
biết kết hợp hài hoà việc phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo vệ môi trường.
Trong cuốn “Cứu lấy Trái đất” xuất bản năm 1991, 2000 nhà khoa học hàng đầu
tập hợp trong ba tổ chức là Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP),
Quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) và Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới
(IUCN) đã nêu lên hệ thống 9 nguyên tắc cơ bản để xây dựng một xã hội bền
vững. Đó là các nguyên tắc:
Nguyên tắc 1: Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng
Đây là nguyên tắc vô cùng quan trọng, nói nên trách nhiệm phải quan tâm đến
mọi người xung quanh và các hình thái khác nhau của cuộc sống, điều đó có nghĩa
là sự phát triển của nước này không làm phương hại đến quyền lợi của những
nước khác, cũng như sự phát triển của thế hệ hiện nay không gây tổn hại tới thế
hệ mai sau.
Nguyên tắc 2: Nâng cao chất lượng cuộc sống của con người
Mục đích cơ bản của sự phát triển là cải thiện chất lượng cuộc sống của con
người. Mỗi dân tộc có những mục tiêu khác nhau trong sự phát triển, nhưng lại
có một số điểm thống nhất. Đó là mục tiêu xây dựng cuộc sống lành mạnh, có
một nền giáo dục tốt, có đủ tài nguyên để đảm bao cuộc sống không những cho
riêng mình mà cho cả thế hê mai sau, có quyền tự do bình đẳng, được đảm bảo
an toàn và không bạo lực, mỗi thành viên trong xã hội đều mong có cuộc sống
ngày càng tốt hơn.
Nguyên tắc 3: Bảo vệ sức sống và tính đa dạng sinh học của Trái đất
Phát triển trên cơ sở bảo vệ đòi hỏi phải song hành với những hành động thích
hợp, thận trọng để bảo tồn chức năng và tính đa dạng của các hệ sinh thái trên
Trái đất được tập hợp thành sinh quyển và các hệ thống nuôi dưỡng sự sống con
người. Chính hệ thống này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều chỉnh khí
hậu, cân bằng nước và làm cho không khí trong lành, điều hòa dòng chảy, chu
chuyển các yếu tố cơ bản, cấu tạo, tái tạo đất màu và phục hồi các hệ sinh thái.
Bảo vệ tính đa dạng sinh học có nghĩa là bảo vệ tất cả các loại động vật, thực vật,
vi sinh vật trên hành tinh của chúng ta và toàn bộ vốn gen di truyền có trong mỗi
loài.
Nguyên tắc 4: Hạn chế đến mức thấp nhất việc làm suy giảm các nguồn tài
nguyên không tái tạo
Tài nguyên không tái tạo như quặng, dầu, khí đốt, than đá... trong quá trình sử
dụng sẽ bị biến đổi không thể bền vững được. Theo dự báo một số khoáng sản
chủ yếu trên Trái đất với tốc độ khai thác và sử dụng hiện nay sẽ bị cạn kiệt trong
tương lai gần, ví dụ khí đốt khoảng 30 năm, dầu mỏ khoảng 50 năm, than đá
khoảng 150 - 200 năm... Trong khi loài người chưa tìm được các loại thay thế,
cần phải sử dụng tài nguyên không tái tạo một cách hợp lý và tiết kiệm bằng nhiều
cách như quay vòng, tái chế chất thải, sử dụng tối đa các thành phần có ích chứa
trong từng loại tài nguyên, dùng tài nguyên tái tạo khác có thể được để thay thế
chúng.
Nguyên tắc 5: Giữ vững trong khả năng chịu đựng được của Trái đất
Như đã biết, mức độ chịu đựng của Trái đất nói chung hay của một hê sinh
thái nào đó, dù là tự nhiên hay nhân tạo, đều có giới hạn. Con người có thể mở
rộng giới hạn đó bằng kỹ thuật truyền thống hay áp dụng công nghệ mới để thoả
mãn nhu cầu của mình. Nhưng nếu không dựa trên quy luật phát triển nội tại của
tự nhiên thì thường phải trả giá rất đắt bằng sự suy thoái, nghèo kiệt đa dạng sinh
học hoặc suy giảm chức năng cung cấp tài nguyên của thiên nhiên.
Sự bền vững sẽ không có được nếu dân số thế giới ngày càng tăng. Do dân số
tăng, nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên ngày càng lớn vượt quá khả năng
chịu đựng của Trái đất. Muốn tìm giải pháp đúng đắn để quản lý, sử dụng bền
vững các tài nguyên, chúng ta phải tạo ra một dải an toàn giữa toàn bộ các tác
động của con người với ranh giới ước lượng môi trường Trái đất có thể chịu đựng
được.
Nguyên tắc 6: Thay đổi thái độ và hành vi của con người
Trước đây ngay cả hiện tại, nhiều người trong chúng ta không biết cách sống
bền vững. Sự nghèo khổ buộc con người phải tìm mọi cách để tồn tại như: phá
rừng làm nương rẫy, săn bắn chim thú... Những hoạt động đó xảy ra liên tục đã
gây ra tác động xấu đến môi trường sinh thái làm nghèo kiệt quỹ đất, suy giảm
nguồn tài nguyên. Nạn đói, nghèo khổ thường xuyên xảy ra với các nước có thu
nhập thấp. Còn với các nước có thu nhập cao thì nhu cầu sử dụng tài nguyên ngày
càng cao, ở đó họ dùng một cách lãng phí quá mức chịu đựng của thiên nhiên,
nên đã làm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Vì vậy, con người nhất thiết phải thay
đổi thái độ và hành vi của mình, không những để cho các cộng đồng biết sử dụng
bền vững nguồn tài nguyên mà còn để thay đổi các chính sách hỗ trợ về kinh tế
và buôn bán trên thế giới.
Nguyên tắc 7: Để cho các cộng đồng tư quản lý môi trường của mình
Môi trường là ngôi nhà chung không phải của riêng cá nhân, cộng đồng nào.
Vì vậy việc cứu lấy Trái đất và xây dựng một cuộc sống bền vững phụ thuộc vào
niềm tin và sự đóng góp của mỗi cá nhân. Khi nào nhân dân biết tự mình tổ chức
cuộc sống bền vững trong cộng đồng của mình, họ sẽ có một sức sống manh mẽ
cho dù cộng đồng của họ giàu hay nghèo, thành thị hay nông thôn.
Một cộng đồng muốn được sống bền vững, thì trước hết phải quan tâm bảo vệ
cuộc sống của chính mình và không làm ảnh hưởng đến môi trường của cộng
đồng khác. Họ cần biết cách sử dụng tài nguyên của mình một cách tiết kiệm, bền
vững và có ý thức về việc thải các chất thải độc hại và xử lý một cách an toàn.
Họ phải tìm cách bao vệ hệ thống nuôi dưỡng sự sống và tính đa dạng của hệ sinh
thái ở địa phương.
Nguyên tắc 8: Xây dựng một khuôn mẫu quốc gia thống nhất, thuận lợi cho
sự phát triển và bảo vệ
Một xã hội muốn phát triển bền vững phải biết kết hợp hài hoà giữa phát triển
kinh tế và bảo vệ môi trường, phải xây dựng được một sự đồng tâm nhất trí và
đạo đức cuộc sống bền vững trong các cộng đồng. Các chính quyền Trung ương
cũng như địa phương phải có cơ cấu thống nhất về quản lý môi trường, bảo vệ
các dạng tài nguyên. Bên cạnh hệ thống quyền lực cũng cần phải có luật về bảo
vệ môi trường một cách toàn diện. Vì luật là công cụ quan trọng để đảm bảo thực
hiện những chính sách, đảm bảo một cuộc sống bền vững, bảo vệ và khuyến khích
mọi người tuân theo pháp luật
Nguyên tắc 9: Xây dựng một khối liên minh toàn câu trong việc bảo vệ môi
trường
Như đã nêu ở trên, muốn bảo vệ môi trường bền vững chúng ta không thể làm
riêng lẻ được, mà phải có một sự liên minh giữa các nước. Bầu khí quyển và các
đạ dương tác động qua lại lẫn nhau tạo ra khí hậu trên Trái đất. Nhiều con sông
lớn là chung của nhiều quốc gia. Vì vậy, bảo vệ sự trong sạch của dòng sông, của
biển, của bầu khí quyển là trách nhiệm của nhiều nước. Sự bền vững trong mỗi
nước luôn luôn phụ thuộc vào các hiệp ước quốc tế để quản lý các nguồn tài
nguyên chủ yếu. Các quốc gia cần tích cực tham gia ký kết và thực hiện các công
ước CITES, công ước bảo vệ tầng ozone, công ước RAMSA, công ước luật biển
UNCLOS 1982,…
2.3.3.2 Nguyên tắc công bằng giữa các thế hệ
Để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững, mỗi quốc gia và toàn thế giới
phải thiết lập hai nền tảng công bằng sau đây:
(i) Công bằng trong cùng một thế hệ: Phát triển bền vững cho phép gia tăng
mức sống của thế hệ hiện tại, trong đó đặc biệt chú ý tới cuộc sống của những
người nghèo. Phải thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của những người tiêu dùng khác
nhau trong quá trình sử dụng các hàng hóa và dịch vụ môi trường. Phải có cơ chế
đền bù thỏa đáng giữa những người gây ngoại ứng tiêu cực và những người chịu
thiệt hại trong một quốc gia và giữa các quốc gia, giữa các nước phát triển và các
nước đang phát triển. Đồng thời, phải tôn trọng quyền được sống của các loài trên
Trái đất.
(ii) Công bằng liên thế hệ: Phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo tối thiểu
hóa những ảnh hưởng của hoạt động kinh tế đến tài nguyên thiên nhiên và khả
năng hấp thụ chất thải của môi trường. Nếu các nguồn lực dùng để phát triển kinh
tế - xã hội gọi là tư bản thì điều kiện để phát triển bền vững là phải có sự chuyển
giao tư bản giữa các thế hệ. Đảm bảo cho các thế hệ tương lai được thừa hưởng
một lượng vốn tư bản không ít hơn những gì mà thế hệ hiện tại đang có.
2.3.4. Các phương thức thực hiện phát triển bền vững
Phát triển bền vững và kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn có quan hệ mật thiết
với nhau; trong đó kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là cách thức, phương thức thực
hiện phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên môi trường bị suy thoái, suy
giảm, suy kiệt và biến đổi khí hậu. Do vậy, tiếp cận phát triển bền vững cũng là
tiếp cận của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với tâm điểm là duy trì nền tảng tự
nhiên cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống
của con người trên Trái đất.
Theo các kết quả nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc
(UNEP, 2011), Ngân hàng Thế giới (World Bank, 2012), Georgeson, Maslin và
Poesinouw (2017), có thể hiểu về mối quan hệ giữa phát triển bền vững và kinh
tế xanh, kinh tế tuần hoàn như sau:
Hình 2.4. Mối quan hệ giữa phát triển bền vững và kinh tế xanh, kinh tế tuần
hoàn
(Nguồn: Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường)
Từ sơ đồ trên cho thấy, các gói kích thích xanh là chất xúc tác để thực hiện
tăng trưởng xanh; tiếp theo, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn tương hỗ với
nhau, cùng đóng góp vào việc xây dựng kinh tế xanh; kinh tế xanh chính là nền
tảng để hướng tới phát triển bền vững. Chương trinh Môi trường Liên Hợp Quốc
(UNEP) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhấn mạnh rằng việc thực hiện
tăng trưởng xanh, rồi kinh tế xanh chính là con đường nhất thiết phải trải qua để
tiến tới phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi và các tác
động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Các nhà nghiên cứu Georgeson,
Maslin và Poessinouw (2017), sau khi phân tích nhiều cách nhìn nhận khác nhau
trên thế giới về các thuật ngữ trên, cũng khẳng định trình tự phát triển là từ tăng
trưởng xanh, đến kinh tế xanh và đích cuối cùng là phát triển bền vững.
Vẫn trong bối cảnh bao trùm là kinh tế thế giới thay đổi và biến đổi khí hậu,
những năm gần đây kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia quan tâm khi áp lực
từ cạn kiệt tài nguyên và rác thải gia tăng đang ngày càng lớn, gây ảnh hưởng
nghiêm trọng tới sức khỏe và cuộc sống của con người. Có thể nói, kinh tế tuần
hoàn tương hỗ với tăng trưởng xanh, để cùng hướng tới xây dựng kinh tế xanh,
và xa hơn là phát triển bền vững.
Ngoài tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, những khái niệm khác như kinh
tế biển xanh, kinh tế số, kinh tế hiệu quả, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và cả
những khái niệm mà hiện nay chưa được định rõ, sẽ được chú ý và khẳng định
được sự cần thiết của mình trong các bối cảnh mới, trước những thách thức mới.
Các khái niệm này cũng tương hỗ với tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn để
đóng góp vào việc xây dựng kinh tế xanh. Chẳng hạn, khái niệm kinh tế biển xanh
gần đây mới xuất hiện, khi vai trò của biển với các nền kinh tế ngày càng được
chú ý.
Một cách hình tượng, có thể coi tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn như là
những “viên gạch” tương hỗ và bổ sung cho nhau, làm nên “nền móng” là kinh
tế xanh. Từ nền đó, “ngôi nhà” phát triển bền vững mới được xây dựng. Nếu như
không có nền móng vững chắc, “ngôi nhà” phát triển bền vững không thể được
hình thành. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng số lượng “viên gạch” cần có để xây dựng
nền móng kinh tế xanh có thể khác nhau do đặc điểm riêng có của từng quốc gia,
quy mô của nền kinh tế, cũng như các lựa chọn, ưu tiên xây dựng của các nhà
lãnh đạo và nhà quản lý. Bản thân các “viên gạch” này cũng có thể có giao thoa
với nhau ở một số khía cạnh. Nền móng kinh tế xanh khác với nền móng của các
ngôi nhà hữu hình thông thường, đó là nó vẫn có thể được mở rộng liên tục. Ví
dụ, một quốc gia có thể ưu tiên xây dựng kinh tế xanh thông qua các chính sách
về tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, rồi tùy vào yêu cầu thay đổi của nền
kinh tế-xã hội họ có thể bổ sung thêm các “viên gạch” kinh tế biển xanh, kinh tế
số sau đó.
2.3.4.1. Kinh tế xanh
Tính tất yếu chuyển từ “nâu” sang “xanh”
Khái niệm “kinh tế nâu” đề cập tới quan điểm phát triển rất phổ biến trước
đây, đó là phát triển kinh tế trước và xử lý ô nhiễm sau. “Nâu” ở đây để chỉ ô
nhiễm môi trường và không hiệu quả về mặt sử dụng tài nguyên. Chương trình
Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) định nghĩa kinh tế nâu là “nền kinh tế
dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch, bỏ qua các vấn đề xã hội, suy thoái môi
trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên”. Trên thực tế, quan điểm của kinh tế
nâu đã gây ra những tổn hại to lớn cho môi trường, như ô nhiễm không khí, nguồn
nước, đại dương, suy thoái đất, mất rừng, suy giảm đa dạng sinh học, gia tăng
phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, SO2, CH4,… và biến đổi khí hậu
diễn ra với quy mô toàn cầu. Các hệ quả này đã quay trở lại đe dọa cuộc sống con
người và gây ra tổn thất nặng nề cho hoạt động kinh tế.
“Kinh tế xanh” là khái niệm đối lập với kinh tế nâu. “Xanh” ở đây mang nghĩa
là tốt cho môi trường và cả con người. Việc từ bỏ kinh tế nâu và hướng tới kinh
tế xanh là tất yếu, bởi các lý do chính sau đây:
Thứ nhất, bản thân việc các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt và hệ
sinh thái bị xuống cấp là bằng chứng cho thấy cách thức phát triển của kinh tế
nâu là không bền vững. Nếu không có sự thay đổi, các quốc gia sẽ phải đánh đổi
phần lớn lợi ích từ phát triển kinh tế cho các chi phí môi trường và xã hội, do đó
không thể đạt được sự phát triển bền vững;
Thứ hai, việc thay đổi này còn để thích ứng với những sự thay đổi của kinh tế
thế giới trong giai đoạn mới, như việc giá nhân công không còn chiếm tỉ trọng
cao trong giá thành sản phẩm, mà yếu tố công nghệ mới đóng vai trò quyết đinh,
hay số lượng việc làm “nâu” (việc làm trong các ngành gây ô nhiễm) giảm đi
nhanh chóng, trong khi xuất hiện ngày càng nhiều việc làm “xanh” (như sản xuất
năng lượng tái tạo, các việc làm giúp phục hồi hệ sinh thái,…) và rộng hơn là
[CHƯƠNG 2 - KINH TẾ MÔI TRƯỜNG]NGUYỄN NGỌC LAN.pdf
[CHƯƠNG 2 - KINH TẾ MÔI TRƯỜNG]NGUYỄN NGỌC LAN.pdf
[CHƯƠNG 2 - KINH TẾ MÔI TRƯỜNG]NGUYỄN NGỌC LAN.pdf
[CHƯƠNG 2 - KINH TẾ MÔI TRƯỜNG]NGUYỄN NGỌC LAN.pdf
[CHƯƠNG 2 - KINH TẾ MÔI TRƯỜNG]NGUYỄN NGỌC LAN.pdf
[CHƯƠNG 2 - KINH TẾ MÔI TRƯỜNG]NGUYỄN NGỌC LAN.pdf
[CHƯƠNG 2 - KINH TẾ MÔI TRƯỜNG]NGUYỄN NGỌC LAN.pdf
[CHƯƠNG 2 - KINH TẾ MÔI TRƯỜNG]NGUYỄN NGỌC LAN.pdf
[CHƯƠNG 2 - KINH TẾ MÔI TRƯỜNG]NGUYỄN NGỌC LAN.pdf

More Related Content

What's hot

BÀI MẪU Tiểu luận về ô nhiễm môi trường, HAY
BÀI MẪU Tiểu luận về ô nhiễm môi trường, HAYBÀI MẪU Tiểu luận về ô nhiễm môi trường, HAY
BÀI MẪU Tiểu luận về ô nhiễm môi trường, HAY
Viết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Bài tập kế toán chi phí và lời giải
Bài tập kế toán chi phí và lời giảiBài tập kế toán chi phí và lời giải
Bài tập kế toán chi phí và lời giải
Học kế toán thực tế
 
Chương 7 kinh te tai nguyen thien nhien
Chương 7 kinh te tai nguyen thien nhienChương 7 kinh te tai nguyen thien nhien
Chương 7 kinh te tai nguyen thien nhien
Long Hoang Van
 
Bài tập nghiệp vụ kế toán ngân hàng có lời giải
Bài tập nghiệp vụ kế toán ngân hàng có lời giải Bài tập nghiệp vụ kế toán ngân hàng có lời giải
Bài tập nghiệp vụ kế toán ngân hàng có lời giải
Học kế toán thuế
 
Trac nghiem tai_chinh_tien_te_9977
Trac nghiem tai_chinh_tien_te_9977Trac nghiem tai_chinh_tien_te_9977
Trac nghiem tai_chinh_tien_te_9977tranthaong
 
Bài tập kế toán tài chính có lời giải
Bài tập kế toán tài chính có lời giảiBài tập kế toán tài chính có lời giải
Bài tập kế toán tài chính có lời giải
Nguyen Minh Chung Neu
 
Giao trinh thi truong tai chinh
Giao trinh thi truong tai chinhGiao trinh thi truong tai chinh
Giao trinh thi truong tai chinhBichtram Nguyen
 
Thời kỳ quá độ lên CHủ nghĩa Xã hội
Thời kỳ quá độ lên CHủ nghĩa Xã hộiThời kỳ quá độ lên CHủ nghĩa Xã hội
Thời kỳ quá độ lên CHủ nghĩa Xã hộiBích Phương
 
Nghiep vu ngan_hang_thuong_mai
Nghiep vu ngan_hang_thuong_maiNghiep vu ngan_hang_thuong_mai
Nghiep vu ngan_hang_thuong_maiThu Nguyen
 
Pháp luật kinh tế ( doanh nghiệp tư nhân )
Pháp luật kinh tế ( doanh nghiệp tư nhân )Pháp luật kinh tế ( doanh nghiệp tư nhân )
Pháp luật kinh tế ( doanh nghiệp tư nhân )
Nguyễn Ngọc Phan Văn
 
1 trac nghiem thanh_toan_quoc_te_moi_7549
1 trac nghiem thanh_toan_quoc_te_moi_75491 trac nghiem thanh_toan_quoc_te_moi_7549
1 trac nghiem thanh_toan_quoc_te_moi_7549Bichtram Nguyen
 
Vận dụng quy luật và các nguyên tắc quản trị
Vận dụng quy luật và các nguyên tắc quản trịVận dụng quy luật và các nguyên tắc quản trị
Vận dụng quy luật và các nguyên tắc quản trịRan Akako
 
Bài tập tài chính doanh nghiệp phần giá trị của dòng tiền
Bài tập tài chính doanh nghiệp phần giá trị của dòng tiềnBài tập tài chính doanh nghiệp phần giá trị của dòng tiền
Bài tập tài chính doanh nghiệp phần giá trị của dòng tiền
Nam Cengroup
 
Hệ thống bài tập trắc nghiêm,bài tập và bài giải
Hệ thống bài tập trắc nghiêm,bài tập và bài giảiHệ thống bài tập trắc nghiêm,bài tập và bài giải
Hệ thống bài tập trắc nghiêm,bài tập và bài giải
BUG Corporation
 
Phân tích hoạt động công nghiệp & nông nghiệp tác động đến môi trường
Phân tích hoạt động công nghiệp & nông nghiệp tác động đến môi trường Phân tích hoạt động công nghiệp & nông nghiệp tác động đến môi trường
Phân tích hoạt động công nghiệp & nông nghiệp tác động đến môi trường
Chris2610
 
Giáo trình quản trị doanh nghiệp
Giáo trình quản trị doanh nghiệpGiáo trình quản trị doanh nghiệp
Giáo trình quản trị doanh nghiệp
nataliej4
 
Phuong thuc thanh toan quoc te
Phuong thuc thanh toan quoc tePhuong thuc thanh toan quoc te
Phuong thuc thanh toan quoc te
Howl's Calcifer
 
C12 chi phi su dung von
C12  chi phi su dung vonC12  chi phi su dung von
C12 chi phi su dung von
Phạm Tuấn Anh
 
Nghiên cứu ý định đặt mua dịch vụ du lịch qua mạng của khách du lịch việt nam...
Nghiên cứu ý định đặt mua dịch vụ du lịch qua mạng của khách du lịch việt nam...Nghiên cứu ý định đặt mua dịch vụ du lịch qua mạng của khách du lịch việt nam...
Nghiên cứu ý định đặt mua dịch vụ du lịch qua mạng của khách du lịch việt nam...
Thư viện Tài liệu mẫu
 
Bài tập kế toán tài chính doanh nghiệp có đáp án
Bài tập kế toán tài chính doanh nghiệp có đáp ánBài tập kế toán tài chính doanh nghiệp có đáp án
Bài tập kế toán tài chính doanh nghiệp có đáp án
Trung tâm đào tạo kế toán hà nội
 

What's hot (20)

BÀI MẪU Tiểu luận về ô nhiễm môi trường, HAY
BÀI MẪU Tiểu luận về ô nhiễm môi trường, HAYBÀI MẪU Tiểu luận về ô nhiễm môi trường, HAY
BÀI MẪU Tiểu luận về ô nhiễm môi trường, HAY
 
Bài tập kế toán chi phí và lời giải
Bài tập kế toán chi phí và lời giảiBài tập kế toán chi phí và lời giải
Bài tập kế toán chi phí và lời giải
 
Chương 7 kinh te tai nguyen thien nhien
Chương 7 kinh te tai nguyen thien nhienChương 7 kinh te tai nguyen thien nhien
Chương 7 kinh te tai nguyen thien nhien
 
Bài tập nghiệp vụ kế toán ngân hàng có lời giải
Bài tập nghiệp vụ kế toán ngân hàng có lời giải Bài tập nghiệp vụ kế toán ngân hàng có lời giải
Bài tập nghiệp vụ kế toán ngân hàng có lời giải
 
Trac nghiem tai_chinh_tien_te_9977
Trac nghiem tai_chinh_tien_te_9977Trac nghiem tai_chinh_tien_te_9977
Trac nghiem tai_chinh_tien_te_9977
 
Bài tập kế toán tài chính có lời giải
Bài tập kế toán tài chính có lời giảiBài tập kế toán tài chính có lời giải
Bài tập kế toán tài chính có lời giải
 
Giao trinh thi truong tai chinh
Giao trinh thi truong tai chinhGiao trinh thi truong tai chinh
Giao trinh thi truong tai chinh
 
Thời kỳ quá độ lên CHủ nghĩa Xã hội
Thời kỳ quá độ lên CHủ nghĩa Xã hộiThời kỳ quá độ lên CHủ nghĩa Xã hội
Thời kỳ quá độ lên CHủ nghĩa Xã hội
 
Nghiep vu ngan_hang_thuong_mai
Nghiep vu ngan_hang_thuong_maiNghiep vu ngan_hang_thuong_mai
Nghiep vu ngan_hang_thuong_mai
 
Pháp luật kinh tế ( doanh nghiệp tư nhân )
Pháp luật kinh tế ( doanh nghiệp tư nhân )Pháp luật kinh tế ( doanh nghiệp tư nhân )
Pháp luật kinh tế ( doanh nghiệp tư nhân )
 
1 trac nghiem thanh_toan_quoc_te_moi_7549
1 trac nghiem thanh_toan_quoc_te_moi_75491 trac nghiem thanh_toan_quoc_te_moi_7549
1 trac nghiem thanh_toan_quoc_te_moi_7549
 
Vận dụng quy luật và các nguyên tắc quản trị
Vận dụng quy luật và các nguyên tắc quản trịVận dụng quy luật và các nguyên tắc quản trị
Vận dụng quy luật và các nguyên tắc quản trị
 
Bài tập tài chính doanh nghiệp phần giá trị của dòng tiền
Bài tập tài chính doanh nghiệp phần giá trị của dòng tiềnBài tập tài chính doanh nghiệp phần giá trị của dòng tiền
Bài tập tài chính doanh nghiệp phần giá trị của dòng tiền
 
Hệ thống bài tập trắc nghiêm,bài tập và bài giải
Hệ thống bài tập trắc nghiêm,bài tập và bài giảiHệ thống bài tập trắc nghiêm,bài tập và bài giải
Hệ thống bài tập trắc nghiêm,bài tập và bài giải
 
Phân tích hoạt động công nghiệp & nông nghiệp tác động đến môi trường
Phân tích hoạt động công nghiệp & nông nghiệp tác động đến môi trường Phân tích hoạt động công nghiệp & nông nghiệp tác động đến môi trường
Phân tích hoạt động công nghiệp & nông nghiệp tác động đến môi trường
 
Giáo trình quản trị doanh nghiệp
Giáo trình quản trị doanh nghiệpGiáo trình quản trị doanh nghiệp
Giáo trình quản trị doanh nghiệp
 
Phuong thuc thanh toan quoc te
Phuong thuc thanh toan quoc tePhuong thuc thanh toan quoc te
Phuong thuc thanh toan quoc te
 
C12 chi phi su dung von
C12  chi phi su dung vonC12  chi phi su dung von
C12 chi phi su dung von
 
Nghiên cứu ý định đặt mua dịch vụ du lịch qua mạng của khách du lịch việt nam...
Nghiên cứu ý định đặt mua dịch vụ du lịch qua mạng của khách du lịch việt nam...Nghiên cứu ý định đặt mua dịch vụ du lịch qua mạng của khách du lịch việt nam...
Nghiên cứu ý định đặt mua dịch vụ du lịch qua mạng của khách du lịch việt nam...
 
Bài tập kế toán tài chính doanh nghiệp có đáp án
Bài tập kế toán tài chính doanh nghiệp có đáp ánBài tập kế toán tài chính doanh nghiệp có đáp án
Bài tập kế toán tài chính doanh nghiệp có đáp án
 

Similar to [CHƯƠNG 2 - KINH TẾ MÔI TRƯỜNG]NGUYỄN NGỌC LAN.pdf

cong ty moi truong - dich vu moi truong
cong ty moi truong - dich vu moi truongcong ty moi truong - dich vu moi truong
cong ty moi truong - dich vu moi truong
Tư vấn môi trường
 
Giao trinh moi truong va con nguoi (le thi thanh mai)
Giao trinh moi truong va con nguoi (le thi thanh mai)Giao trinh moi truong va con nguoi (le thi thanh mai)
Giao trinh moi truong va con nguoi (le thi thanh mai)
Pham Huy
 
200 cau hoi ve moi truong
200 cau hoi ve moi truong200 cau hoi ve moi truong
200 cau hoi ve moi truong
hoài phú
 
Môi trường là gì
Môi trường là gìMôi trường là gì
Môi trường là gì
Tư vấn môi trường
 
Môi trường là gì
Môi trường là gìMôi trường là gì
Môi trường là gì
Tư vấn môi trường
 
Mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường
Mối quan hệ giữa kinh tế và môi trườngMối quan hệ giữa kinh tế và môi trường
Mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường
nataliej4
 
Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong nuôi trồng và chế...
Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong nuôi trồng và chế...Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong nuôi trồng và chế...
Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong nuôi trồng và chế...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Cơ sở lý luận về quản lý nhà nước về môi trường nước.docx
Cơ sở lý luận về quản lý nhà nước về môi trường nước.docxCơ sở lý luận về quản lý nhà nước về môi trường nước.docx
Cơ sở lý luận về quản lý nhà nước về môi trường nước.docx
Dịch vụ viết thuê đề tài trọn gói 🥳🥳 Liên hệ ZALO/TELE: 0917.193.864 ❤❤
 
Ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh xăng dầu tới môi trường, sức khoẻ con ngườ...
Ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh xăng dầu tới môi trường, sức khoẻ con ngườ...Ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh xăng dầu tới môi trường, sức khoẻ con ngườ...
Ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh xăng dầu tới môi trường, sức khoẻ con ngườ...
SOS Môi Trường
 
Journal051006030753
Journal051006030753Journal051006030753
Journal051006030753nhungmeo
 
Tiểu luận-triết
Tiểu luận-triếtTiểu luận-triết
Tiểu luận-triết
linh chan
 
đề Cương khmt
đề Cương khmtđề Cương khmt
đề Cương khmt
Hậu Nguyễn
 
Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...
Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...
Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...
Dịch Vụ Viết Thuê Đề Tài 0934.573.149 / Luanvantot.com
 
Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...
Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...
Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...
Dịch Vụ Viết Thuê Đề Tài 0934.573.149 / Luanvantot.com
 
Mối quan hệ giữa tài nguyên rừng và phát triển kinh tế - xã hội
Mối quan hệ giữa tài nguyên rừng và phát triển kinh tế - xã hộiMối quan hệ giữa tài nguyên rừng và phát triển kinh tế - xã hội
Mối quan hệ giữa tài nguyên rừng và phát triển kinh tế - xã hộiTrần Thế Dinh
 
CH__NzsfdesdvsdvdsvsdvsdvdsvdscfsdcfdsG 1.ppt
CH__NzsfdesdvsdvdsvsdvsdvdsvdscfsdcfdsG 1.pptCH__NzsfdesdvsdvdsvsdvsdvdsvdscfsdcfdsG 1.ppt
CH__NzsfdesdvsdvdsvsdvsdvdsvdscfsdcfdsG 1.ppt
TmTrnThMinh
 
Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nuôi trồ...
Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nuôi trồ...Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nuôi trồ...
Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nuôi trồ...
Dịch vụ viết thuê đề tài trọn gói 👍👍👍 Liên hệ ZALO/TELE: 0917.193.864
 
201311159561817127
201311159561817127201311159561817127
201311159561817127Phi Phi
 

Similar to [CHƯƠNG 2 - KINH TẾ MÔI TRƯỜNG]NGUYỄN NGỌC LAN.pdf (20)

cong ty moi truong - dich vu moi truong
cong ty moi truong - dich vu moi truongcong ty moi truong - dich vu moi truong
cong ty moi truong - dich vu moi truong
 
Giao trinh moi truong va con nguoi (le thi thanh mai)
Giao trinh moi truong va con nguoi (le thi thanh mai)Giao trinh moi truong va con nguoi (le thi thanh mai)
Giao trinh moi truong va con nguoi (le thi thanh mai)
 
200 cau hoi ve moi truong
200 cau hoi ve moi truong200 cau hoi ve moi truong
200 cau hoi ve moi truong
 
Môi trường là gì
Môi trường là gìMôi trường là gì
Môi trường là gì
 
Môi trường là gì
Môi trường là gìMôi trường là gì
Môi trường là gì
 
Mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường
Mối quan hệ giữa kinh tế và môi trườngMối quan hệ giữa kinh tế và môi trường
Mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường
 
Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong nuôi trồng và chế...
Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong nuôi trồng và chế...Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong nuôi trồng và chế...
Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong nuôi trồng và chế...
 
Cơ sở lý luận về quản lý nhà nước về môi trường nước.docx
Cơ sở lý luận về quản lý nhà nước về môi trường nước.docxCơ sở lý luận về quản lý nhà nước về môi trường nước.docx
Cơ sở lý luận về quản lý nhà nước về môi trường nước.docx
 
Ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh xăng dầu tới môi trường, sức khoẻ con ngườ...
Ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh xăng dầu tới môi trường, sức khoẻ con ngườ...Ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh xăng dầu tới môi trường, sức khoẻ con ngườ...
Ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh xăng dầu tới môi trường, sức khoẻ con ngườ...
 
Trinh chieu
Trinh chieuTrinh chieu
Trinh chieu
 
Journal051006030753
Journal051006030753Journal051006030753
Journal051006030753
 
Tiểu luận-triết
Tiểu luận-triếtTiểu luận-triết
Tiểu luận-triết
 
Moi truong
Moi truongMoi truong
Moi truong
 
đề Cương khmt
đề Cương khmtđề Cương khmt
đề Cương khmt
 
Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...
Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...
Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...
 
Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...
Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...
Cơ Sở Lý Luận Hoàn Thiện Pháp Luật Về Trách Nhiệm Pháp Lý Trong Lĩnh Vực B...
 
Mối quan hệ giữa tài nguyên rừng và phát triển kinh tế - xã hội
Mối quan hệ giữa tài nguyên rừng và phát triển kinh tế - xã hộiMối quan hệ giữa tài nguyên rừng và phát triển kinh tế - xã hội
Mối quan hệ giữa tài nguyên rừng và phát triển kinh tế - xã hội
 
CH__NzsfdesdvsdvdsvsdvsdvdsvdscfsdcfdsG 1.ppt
CH__NzsfdesdvsdvdsvsdvsdvdsvdscfsdcfdsG 1.pptCH__NzsfdesdvsdvdsvsdvsdvdsvdscfsdcfdsG 1.ppt
CH__NzsfdesdvsdvdsvsdvsdvdsvdscfsdcfdsG 1.ppt
 
Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nuôi trồ...
Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nuôi trồ...Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nuôi trồ...
Cơ sở lý luận về thực thi pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nuôi trồ...
 
201311159561817127
201311159561817127201311159561817127
201311159561817127
 

Recently uploaded

Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
nvlinhchi1612
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
Qucbo964093
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
phamthuhoai20102005
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
Điện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
chinhkt50
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
ngocnguyensp1
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
duykhoacao
 

Recently uploaded (10)

Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
 

[CHƯƠNG 2 - KINH TẾ MÔI TRƯỜNG]NGUYỄN NGỌC LAN.pdf

  • 1. CHƯƠNG 2 NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ KINH TẾ MÔI TRƯỜNG GVC. Nguyễn Ngọc Lan Học viện Tài chính “Không khí sạch, nước sạch, đất đai không bị hủy hoại - tất cả chúng ta đều đồng ý rằng đó là những mục tiêu mong muốn. Nhưng chúng ta sẵn sàng trả bao nhiêu để đạt được điều đó? Và sự đe dọa đối với loài người là gì nếu chúng ta không coi trọng những giới hạn của môi trường tự nhiên?” (Paul.A.Samuelson). Mở đầu cho các chương lý luận về Kinh tế môi trường, chương này sẽ giới thiệu những vấn đề mang tính khái quát chung, bao gồm: Khái niệm, phân loại, đặc trưng và chức năng cơ bản của môi trường. Tiếp theo đó là khái niệm, thước đo trình độ phát triển và tác động cơ bản của phát triển đến môi trường. Cuối cùng là khái niệm, chỉ số phát triển bền vững, những nguyên tắc và các phương thức thực hiện phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay. 2.1 Nhận thức chung về môi trường 2.1.1. Khái niệm và phân loại môi trường 2.1.1.1. Khái niệm môi trường Cho đến nay, hai chữ “môi trường” đã quá quen thuộc với chúng ta. Tuy nhiên, để hiểu biết một cách đầy đủ về môi trường cũng không phải dễ dàng vì phạm vi của môi trường rất khác nhau. Môi trường, theo nghĩa chung nhất, là tổng hợp các yếu tố, điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của một sự vật hoặc một hiện tượng. Những yếu tố, điều kiện bên ngoài đó bao gồm các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội, không gian, thời gian,... Ví dụ hoạt động đi học của một sinh viên chịu tác động bởi các yếu tố tự nhiên (mưa, nắng, bão, lụt), yếu tố kinh tế (học phí, cơ sở vật chất phục vụ học tập như bàn ghế, máy tính, máy chiếu, micro, loa, điều hòa), yếu tố xã hội (quan hệ bạn bè, nội qui của nhà trường, các tổ chức xã hội như Đoàn, Hội sinh viên, câu lạc bộ) và cả yếu tố không gian, thời gian nữa. Tất cả các yếu tố này tạo thành môi trường học tập của một sinh viên. Ví dụ trên cho
  • 2. thấy bất cứ một sự vật, hiện tượng nào cũng tồn tại và phát triển trong một môi trường. Khi nói đến môi trường thì phải nói đến môi trường của một sự vật, hiện tượng nhất định. Khái niệm chung về môi trường như vậy được cụ thể hóa đối với từng đối tượng và mục đích nghiên cứu. Trong nghiên cứu Kinh tế môi trường, cho đến nay có nhiều khái niệm môi trường khác nhau đã được sử dụng. Theo tuyên ngôn của UNESCO năm 1981, môi trường được hiểu là “toàn bộ hệ thống tự nhiên và các hệ thống do con người tạo ra xung quanh mình, trong đó con người sinh sống và bằng lao động của mình đã khai thác các tài nguyên thiên nhiên hoặc nhân tạo nhằm thỏa mãn các nhu cầu của con người”. Do đó, môi trường không chỉ là nơi tồn tại, sinh trưởng và phát triển cho một thực thể sinh vật là con người mà còn là “khung cảnh của cuộc sống, của lao động và sự vui chơi giải trí của con người”. Còn theo Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 của Việt Nam: “Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên”. Đây được xem là khái niệm hoàn chỉnh về môi trường. Từ khái niệm trên cho thấy môi trường bao gồm hai hệ thống là: Hệ thống môi trường tự nhiên: Bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên được hình thành, tồn tại và phát triển theo các qui luật tự nhiên khách quan, ngoài ý muốn của con người, không hoặc rất ít chịu sự chi phối của con người, đó là: ánh sáng mặt trời, núi sông, biển cả, không khí, đất, nước, động thực vật,… Với trình độ phát triển hiện nay, con người chỉ có thể khai thác các qui luật tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình chứ không thể can thiệp sâu vào các qui luật tự nhiên để thay đổi chúng. Hệ thống môi trường nhân tạo: Bao gồm các yếu tố vật chất nhân tạo do con người tạo ra, làm thành những tiện nghi trong cuộc sống và chịu sự chi phối của con người, đó là: nhà cửa, đường sá, thành phố, làng mạc, đồng ruộng, khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí,... Những yếu tố này do con người tạo ra nên con
  • 3. người có thể tác động để thay đổi theo ý muốn của mình. Nếu không có bàn tay chăm sóc của con người thì các yếu tố của môi trường nhân tạo sẽ bị hủy hoại. Như vậy, môi trường bao gồm hai hệ thống cơ bản đan xen nhau là hệ thống môi trường tự nhiên và hệ thống môi trường nhân tạo. Trong quá trình sống, tồn tại và phát triển, con người khai thác các yếu tố trong môi trường tự nhiên và vật chất nhân tạo để thỏa mãn các nhu cầu của mình. Tuy nhiên, khi xem xét mối quan hệ tương tác giữa môi trường và phát triển, người ta thường ngầm hiểu môi trường trên khía cạnh là hệ thống môi trường tự nhiên. 2.1.1.2. Phân loại môi trường Tùy theo mục đích nghiên cứu và sử dụng môi trường của con người, hiện có nhiều cách phân loại môi trường khác nhau. Một số cách phân loại môi trường thường được sử dụng trong nghiên cứu Kinh tế môi trường như sau: Phân loại theo sự sống: Môi trường được chia ra thành môi trường vật lý và môi trường sinh học. - Môi trường vật lý: Bao gồm các thành phần vô sinh của môi trường tự nhiên như thạch quyển, thủy quyển, khí quyển. Hay nói một cách khác, môi trường vật lý là môi trường không có sự sống. - Môi trường sinh học: Bao gồm các thành phần hữu sinh của môi trường tự nhiên. Đó là môi trường mà ở đó diễn ra sự sống như các hệ sinh thái, các quần thể thực vật, động vật, vi sinh vật và cả con người cùng tồn tại và phát triển trên cơ sở sự thay đổi của môi trường vật lý. Phân loại theo thành phần tự nhiên: Môi trường được chia ra thành môi trường không khí, môi trường đất và môi trường nước. - Môi trường không khí: Với ranh giới dưới là bề mặt thủy quyển, thạch quyển và ranh giới trên là khoảng không giữa các hành tinh. Môi trường không khí được hình thành do sự thoát hơi nước, các chất khí từ thủy quyển và thạch quyển. Thành phần của môi trường không khí chủ yếu là N2 , O2, hơi nước, CO2, O3, NH4 và các khí trơ. Môi trường không khí duy trì sự sống bằng việc cung cấp O2 và CO2 cho quá trình hô hấp, quang hợp của con người và sinh vật. Tham gia vào việc
  • 4. giữ cân bằng nhiệt lượng của Trái đất thông qua quá trình hấp thụ tia tử ngoại từ mặt trời và phản xạ tia nhiệt từ mặt đất. Bên cạnh đó, môi trường không khí còn ngăn chặn các tia tử ngoại, tia hồng ngoại và các tia nhìn thấy khác có những tác động nguy hại với con người và hệ sinh thái. - Môi trường đất: Là lớp ngoài cùng của thạch quyển bị biến đổi tự nhiên dưới tác động tổng hợp của nước, không khí và sinh vật. Thành phần chính của môi trường đất là chất khoáng, mùn, nước, không khí và các loại sinh vật từ vi sinh vật đến côn trùng, chân đốt,... Môi trường đất là cơ sở cho sự sống trên Trái đất. - Môi trường nước: Bao gồm các nguồn nước có trên Trái đất như đại dương, biển, sông suối, ao hồ, nước ngầm và băng tuyết. Ranh giới dưới của môi trường nước khá phức tạp, từ đáy các đại dương có độ sâu hàng chục km, vài chục mét ở các thấu kính nước ngầm cho đến vài chục cm ở các vùng đất ngập nước. Môi trường nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì cuộc sống của con người và sinh vật trên Trái đất. Phân loại theo qui mô: Môi trường được chia ra thành môi trường toàn cầu, môi trường khu vực, môi trường quốc gia, môi trường vùng và môi trường địa phương. Tùy thuộc vào vấn đề môi trường được đặt ra sẽ nghiên cứu ở qui mô môi trường tương ứng. 2.1.2 Đặc trưng cơ bản của môi trường Sau khi “Học thuyết chung về hệ thống” của Bertalanffy ra đời vào năm 1956, lý thuyết hệ thống đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành khoa học, trong đó có khoa học Kinh tế môi trường. Lý thuyết hệ thống được nhìn nhận như một hướng tiếp cận khoa học để giải quyết mâu thuẫn mang tính sống còn giữa hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của con người với môi trường. Theo tư duy hệ thống, môi trường được hiểu như là một hệ thống và mang đầy đủ các đặc trưng cơ bản của hệ thống, đó là: 2.1.2.1. Môi trường có cấu trúc phức tạp Hệ thống môi trường (gọi tắt là hệ môi trường) bao gồm nhiều phần tử (thành phần) hợp thành được liên kết với nhau bằng các mối quan hệ tương hỗ.
  • 5. Các phần tử trong hệ môi trường có bản chất khác nhau (tự nhiên, kinh tế - xã hội) và chịu sự chi phối bởi các quy luật khác nhau. Chẳng hạn đất, nước, không khí, núi, rừng, biển, sông, hồ, thực vật, động vật,... có bản chất tự nhiên và vận động, phát triển theo các quy luật tự nhiên; còn làng mạc, đồng ruộng, thành phố, nhà máy, khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí,... có bản chất nhân tạo và vận động, phát triển theo các quy luật kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hệ môi trường không phải là con cộng của các phần tử của nó, mà là các phần tử được sắp xếp có tổ chức và cùng hoạt động trong các mối quan hệ cực kỳ phức tạp giữa các phần tử với nhau, từ đó tạo nên tính thống nhất của hệ môi trường, giúp hệ tồn tại và phát triển. Nói cách khác, sự duy trì mối liên kết giữa các phần tử chính là điều kiện để hệ môi trường tồn tại và phát triển. Ví dụ hệ môi trường rừng được cấu thành từ rất nhiều phần tử khác nhau như cây rừng, động vật rừng, không khí, đất, nước,... và chúng cùng hoạt động trong các mối quan hệ tương tác vô cùng phức tạp. Cây rừng lấy dinh dưỡng từ đất tổng hợp thành chất hữu cơ; chất hữu cơ này đủ để một phần nuôi dưỡng phát triển cây, một phần nuôi động vật ăn thực vật trong rừng, một phần rơi rụng trả lại màu cho đất; phân, xác động vật và lá rụng, cành rơi trên mặt đất được vi sinh vật phân hủy hết để trả lại cho đất chất dinh dưỡng nuôi cây; do vậy đất rừng luôn màu mỡ, giàu chất hữu cơ, nhiều vi sinh vật và côn trùng, cây rừng đa dạng và tươi tốt, động vật rừng phong phú. Cây rừng làm trong sạch không khí nhờ quá trình quang hợp hấp thụ khí CO2 và nhả khí O2. Cây rừng điều hòa dòng chảy trong sông suối và dưới đất do nước mưa được giữ lại nhiều hơn trong tán cây và trong đất, nhờ đó sẽ giảm bớt được thiên tai, hạn hán, lũ lụt... Chính các mối liên hệ lẫn nhau của các phần tử cơ cấu này đã giúp cho hệ môi trường rừng duy trì và phát triển. Việc nghiên cứu tính cấu trúc phức tạp của hệ môi trường mang lại nhiều ý nghĩa cho con người. Thứ nhất, cho con người thấy được môi trường có sự phân hóa sâu sắc theo thời gian và không gian. Mỗi hệ môi trường có một cấu trúc chức năng riêng biệt, bởi các phần tử cấu thành nên hệ được sắp xếp và liên hệ với nhau theo thời gian và không gian là hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, hệ môi
  • 6. trường còn được cấu trúc theo thứ bậc. Nếu xem xét một tập hợp các hệ thống môi trường mà chúng tương tác với nhau thì tập hợp các hệ thống môi trường đó có thể lại được xem là một hệ thống quy mô lớn hơn. Do đó, muốn khai thác, sử dụng môi trường một cách chủ động và hiệu quả thì con người phải xuất phát từ chính đặc điểm (cấu trúc) của từng hệ môi trường. Thứ hai, cho thấy biểu hiện bên ngoài của tính cấu trúc chính là phản ứng dây chuyền. Chỉ cần xảy ra một sự cố nhỏ trong mối quan hệ là có thể phá vỡ toàn bộ hệ thống môi trường. Vì vậy, khi khai thác, sử dụng môi trường, con người cần phải đảm bảo duy trì được mối liên kết giữa các phần tử của hệ môi trường. 2.1.2.2. Môi trường có tính động Hệ môi trường không phải là hệ thống tĩnh hay hệ thống bất biến, mà ngược lại các phần tử trong hệ môi trường luôn tự vận động và tương tác với nhau để thiết lập một trạng thái cân bằng động. Nhờ vào quá trình trao đổi vật chất và năng lượng liên tục diễn ra trong ranh giới của hệ môi trường (được gọi là nội lực) làm cho không chỉ bản thân các phần tử môi trường mà toàn bộ cấu trúc của hệ môi trường luôn chịu sự vận động (biến đổi) theo thời gian. Mặc dù hệ môi trường chịu sự vận động nhưng toàn bộ hệ thống vẫn ổn định về số lượng và cấu trúc, luôn có sự cân bằng giữa các phần tử cơ cấu cũng như các quá trình trao đổi vật chất, năng lượng diễn ra trong hệ môi trường. Có thể nói, hệ môi trường là một hệ thống ổn định tương đối theo thời gian. Khi một trong các phần tử bên trong hệ môi trường thay đổi sẽ phá vỡ sự cân bằng, hệ lại có xu hướng xác lập thế cân bằng mới. Đây chính là bản chất vận động và phát triển của hệ môi trường. Ví dụ núi lửa phun trào làm cho hệ môi trường bị phá hủy, nhưng sau một thời gian dung nham núi lửa đông đặc và nguội đi, hệ môi trường “mới” ra đời với trạng thái cân bằng mới. Tuy nhiên, nếu sự thay đổi của hệ môi trường là quá lớn (trong trường hợp con người tác động quá mức), trạng thái cân bằng động của hệ không thể được thiết lập thì sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ môi trường.
  • 7. Ý nghĩa của việc nghiên cứu tính động của hệ môi trường là giúp con người có thể ứng phó, giải quyết các vấn đề môi trường một cách nhanh chóng, kịp thời trước khi vấn đề đó biến đổi sang trạng thái khác; đồng thời giúp con người dự báo được xu hướng vận động của hệ môi trường để có thể “điều khiển” hệ môi trường phát triển theo chiều hướng tốt, vừa đạt được hiệu quả môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế. 2.1.2.3. Môi trường có tính mở Hệ môi trường không phải là hệ thống đóng hay hệ thống khép kín, bởi vì vật chất và năng lượng không chỉ trao đổi trong ranh giới của hệ (tạo nên tính động) mà còn đi qua ranh giới của hệ môi trường (tạo nên tính mở) và nhờ vậy có sự biến đổi của các phần tử hợp thành. Do đặc trưng các dòng vật chất và năng lượng liên tục “chảy” trong không gian và theo thời gian từ hệ môi trường này sang hệ môi trường khác và ngược lại, từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ thế hệ hiện tại sang thế hệ tương lai nên hệ môi trường rất nhạy cảm với những thay đổi từ bên ngoài. Chẳng hạn, cứ hàng năm vào mùa khô từ tháng 5 - 9, khói mù do cháy rừng tại Indonesia lại bay sang hai nước láng giềng là Singapore và Malaysia gây nên tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề ở những nước này. Theo Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (2020), chỉ số ô nhiễm không khí ở Singapore lên tới mức 371, tức cao hơn ngưỡng báo động là mức 300. Tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề đến mức Bộ Nhân lực Singapore đã khuyên các chủ doanh nghiệp phân phát khẩu trang bảo hộ cho những nhân viên gặp vấn đề về tim mạch và đường thở, cũng như cho những người làm việc ngoài trời. Người già và trẻ em được khuyên chỉ ra đường khi thật cần thiết. Nguyên nhân của ô nhiễm khói mù xuyên biên giới này là do tính mở của hệ môi trường gây ra. Việc nghiên cứu tính mở của hệ môi trường giúp cho con người hiểu rõ được các vấn đề môi trường mang tính vùng, tính toàn cầu và tính lâu dài, vì thế cần được giải quyết bằng sự nỗ lực của toàn thể cộng đồng, bằng sự hợp tác giữa các
  • 8. quốc gia, giữa các khu vực trên thế giới với một tầm nhìn xa trông rộng vì lợi ích của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. 2.1.2.4. Môi trường có khả năng tự tổ chức và điều chỉnh Trong hệ môi trường, nhiều phần tử môi trường (như các cơ thể sống) có khả năng tự tổ chức lại hoạt động của mình và tự điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi bên ngoài theo quy luật tiến hoá, nhằm hướng tới trạng thái ổn định. Tuy nhiên, khả năng tự tổ chức, điều chỉnh của hệ môi trường là có hạn. Khi có một tác nhân của môi trường bên ngoài tác động vào hệ môi trường ở mức độ vừa phải, trong hệ môi trường sẽ xuất hiện cơ chế tự tổ chức và điều chỉnh để đối phó với tác nhân đó, giúp hệ lập lại trạng thái cân bằng. Ví dụ con người có thể khai thác hợp lý mà không làm cạn kiệt cá ngừ đại dương. Mỗi năm, con người đánh bắt một số lượng cá ngừ và để lại một số lượng nhất định cho chúng phát triển, trưởng thành và sinh sản; năm sau có thể đánh bắt phần tăng thêm của sản lượng còn lại trong năm nay và để lại một lượng như cũ để chúng lại phát triển; nhờ đó con người có thể đánh bắt cá ngừ lâu dài mà hệ môi trường đại dương không bị phá vỡ. Ngược lại, nếu tác động quá mạnh thì hệ môi trường sẽ không khôi phục lại được, tức là hệ mất khả năng tự tổ chức và điều chỉnh, làm cho hệ mất cân bằng, suy thoái. Việc nghiên cứu khả năng tự tổ chức và điều chỉnh của hệ môi trường mang lại ý nghĩa lớn cho con người. Trước hết, mở ra cơ hội can thiệp, khai thác của con người đối với môi trường với mức độ và phạm vi thích hợp nhằm duy trì khả năng tự phục hồi của tài nguyên tái tạo, duy trì khả năng tự làm sạch của môi trường,… Sau đó, mở ra khả năng tận dụng thiên nhiên trong việc giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay như tạo khả năng tự phục hồi của các tài nguyên sinh vật đã suy kiệt, xây dựng hồ chứa và vành đai cây xanh, nuôi trồng thủy sản,... Như vậy, môi trường là một hệ thống đa thành phần, động, mở và có khả năng thiết lập trạng thái cân bằng. Phát triển hay suy thoái là xu thế biến động của hệ thống môi trường. Tiếp cận hệ thống là phương pháp toàn diện giúp cho con
  • 9. người hiểu được xu thế phát triển bền vững của hệ môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp khai thác, sử dụng môi trường hiệu quả. 2.1.3. Chức năng cơ bản của môi trường Môi trường có nhiều chức năng quan trọng gắn liền với sự tồn tại và phát triển của loài người trên Trái đất. Song, có thể khái quát lại thành ba chức năng cơ bản như sau: 2.1.3.1. Môi trường là không gian sinh sống Mỗi người đều cần phải có một không gian để sinh tồn. Không gian này giúp con người đáp ứng dược các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống như ăn, ở, học tập, làm việc, vui chơi giải trí, …. cũng như tái tạo lại chất lượng của môi trường sống (rừng, hồ chứa, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển). Tất cả các nhu cầu này của con người đều do môi trường cung cấp. Tuy nhiên, để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu đó, con người cần phải có một không gian sống với các đặc trưng về qui mô và chất lượng cho phép. Trước hết, không gian sống phải đảm bảo qui mô thích hợp cho mọi hoạt động sống của con người. Chẳng hạn để đáp ứng nhu cầu về ở, theo qui định luật pháp Việt Nam, mỗi căn hộ phải có diện tích tối thiểu từ 45 m2 trở lên mới được cấp sổ đỏ. Sau đó, không gian sống phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định về các yếu tố vật lý, hóa học, sinh học, cảnh quan. Ví dụ nơi nóng quá như ở sa mạc hoặc nơi lạnh quá như ở vùng cực sẽ gây ra bất lợi cho cuộc sống của con người. Chức năng là không gian sống của môi trường đóng vai trò quan trọng đối với con người. Có thể khẳng định rằng không có không gian sống, con người không thể tồn tại và phát triển được. Thế nhưng chức năng này của môi trường có giới hạn. Trái đất, bộ phận môi trường gần gũi nhất của loài người trong hàng tỉ năm qua không thay dổi về độ lớn (diện tích bề mặt Trái đất là 510 triệu km2 ), trong khi đó dân số thế giới lại không ngừng tăng lên (dự kiến sẽ đạt 8 tỉ người vào ngày 15/11/2022, theo Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc), dẫn đến chức năng thứ nhất của môi trường đang bị suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể là diện tích không gian sống bình quân trên Trái đất của con người đang giảm sút nhanh
  • 10. chóng: Vào năm thứ 1 triệu trước Công nguyên, dân số thế giới là 0,125 triệu người, mỗi người có tới 120.000 ha đất để sinh sống; đến năm thứ 0 (đầu Công nguyên), dân số thế giới là 200 triệu người, diện tích đất bình quân đầu người giảm xuống còn 75 ha; tiếp đó đến năm 2010, khi dân số thế giới tăng lên 7 tỉ người, mỗi người chỉ còn 1,88 ha đất để sinh sống (Lê Thạc Cán, 2004). Khi không gian sống bị thu hẹp tất yếu sẽ kéo theo sự suy giảm về chất lượng. Cho đến nay, Trái đất vẫn là nơi duy nhất cho con người sinh sống. Vì vậy, con người cần phải bảo vệ ngôi nhà chung duy nhất này. 2.1.3.2. Môi trường là nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên Môi trường cung cấp cho con người rất nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như năng lượng, khoáng sản, đất, nước, không khí, sinh vật,… “Tài nguyên thiên nhiên là nguồn của cải vật chất nguyên khai được hình thành và tồn tại trong tự nhiên mà con người có thể sử dụng để đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống” (Lê Văn Khoa, 2010). Hiện có nhiều cách phân loại tài nguyên thiên nhiên khác nhau, trong nghiên cứu Kinh tế môi trường sử dụng cách phân loại theo khả năng tái tạo. bao gồm: Tài nguyên tái tạo (năng lượng tái tạo, đất, nước, không khí, sinh vật) và tài nguyên không tái tạo (khoáng sản, gen di truyền). Tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò quan trọng đối với con người. Có thể nói rằng, không có tài nguyên thiên nhiên thì không có bất cứ quá trình sản xuất nào và cũng không có sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Trước hết, tài nguyên thiên nhiên đảm bảo các nhu cầu trực tiếp của con người (ăn, uống, thở). Sau đó, tài nguyên thiên nhiên là yếu tố đầu vào cho mọi quá trình sản xuất và là một trong những nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế. Mọi hoạt động sản xuất công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp, văn hóa, du lịch của con người đều bắt nguồn từ các dạng vật chất tồn tại trên Trái đất và không gian bao quanh Trái đất. Ví dụ tài nguyên nước, mỗi ngày mỗi người chỉ cần 2,5 đến 4 lít nước uống, nhưng con người dùng nước sạch một cách gián tiếp rất nhiều, đó là “nước ảo” - là lượng nước cần để sản xuất ra lương thực, thực phẩm và hàng hóa hoặc lượng
  • 11. nước gắn vào sản phẩm (để sản xuất 1 tấn giấy cần 250 lít nước, 1kg thịt bò cần 15000 lít nước, 1kg khoai tây cần 1000 lít nước,…) Mặc dù các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Trái đất rất đa dạng, phong phú nhưng khả năng cung cấp tài nguyên thiên nhiên của môi trường có giới hạn. Cùng với mức độ khai thác, sử dụng như hiện nay của con người, các nguồn tài nguyên thiên nhiên (bao gồm tài nguyên tái tạo và tài nguyên không tái tạo) đang có xu hướng cạn kiệt nhanh chóng, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên và sự sống của các thế hệ tương lai. Nói cách khác, việc con người khai thác, sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang làm suy giảm chức năng thứ hai này của môi trường. Vì vậy, con người cần phải khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. 2.1.3.3. Môi trường là nơi chứa đựng và phân hủy các chất thải Tài nguyên thiên nhiên sau khi được con người khai thác, sử dụng trong hoạt động sống và sản xuất sẽ bị thải vào môi trường dưới dạng các chất thải. “Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác” (Luật Bảo vệ môi trường 2020). Tại đây, nhờ hoạt động của các vi sinh vật và các thành phần môi trường khác, chất thải sẽ bị biến đổi trở thành các dạng ban đầu trong một chu trình sinh địa hóa phức tạp. Ví dụ cây xanh, trong quá trình quang hợp, hấp thụ khí CO2 và nhả ra khí O2 cần thiết cho sự sống. Trung bình 1 hecta rừng lá rộng có thể hấp thụ được 1 tấn khí CO2 và nhả ra 730 kg khí O2 mỗi ngày (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên thế giới WWF, 2022), do đó con người có thể giảm phát thải khí CO2 bằng cách tăng cường trồng rừng và bảo vệ rừng. Khả năng chứa đựng và phân hủy chất thải của môi trường (còn gọi là khả năng tự đồng hóa) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chất lượng môi trường. Tuy nhiên, khả năng chứa đựng và phân hủy chất thải của môi trường có giới hạn. Khi chất thải với số lượng và chất lượng nhất định được thải ra môi trường, các quá trình phân hủy tự nhiên làm cho chất thải sau một thời gian biến đổi trở lại trạng thái nguyên liệu của tự nhiên. Ngược lại, khi lượng chất thải lớn
  • 12. hơn khả năng tự đồng hóa, hoặc thành phần chất thải có nhiều chất độc, vi sinh vật gặp nhiều khó khăn trong quá trình phân hủy thì chất lượng môi trường sẽ giảm và môi trường có thể bị ô nhiễm. Đi kèm với quá trình cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên là nạn ô nhiễm môi trường sống đang ngày càng trầm trọng hơn. Bởi vì tài nguyên thiên nhiên càng cạn kiệt, có nghĩa là số lượng tài nguyên thiên nhiên được khai thác để đưa vào sản xuất càng lớn - trong khi trình độ khoa học công nghệ chưa hoàn thiện - thì càng có nhiều chất thải độc hại đi vào môi trường, gây ô nhiễm môi trường, làm cho chất lượng môi trường sống ngày càng xấu hơn. Nói cách khác, việc con người thải quá nhiều chất thải vượt quá khả năng chứa đựng và phân hủy của môi trường, thêm vào đó là các chất thải độc hại và khó phân hủy đang làm suy giảm chức năng thứ ba này của môi trường. Vì vậy, con người cần phải kiểm soát chất thải một cách hiệu quả. Như vậy, các chức năng của môi trường đều có vai trò quan trọng như nhau đối với con người, chỉ cần thiếu một trong ba chức năng trên thì con người không thể sống và phát triển được. Một cách hình tượng hóa thì môi trường được xem vừa là nhà ở, vừa là công xưởng, vừa là cái thùng khổng lồ chứa chất thải của con người. Bên cạnh đó, các chức năng của môi trường đều có giới hạn và có điều kiện, do đó cần phải khai thác một cách thận trọng và có cơ sở khoa học, bởi vì nếu con người khai thác vượt quá khả năng của môi trường thì sẽ gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng như cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, quá tải dân số,… Cuối cùng, các chức năng của môi trường có liên hệ trực tiếp với nhau, khai thác một chức năng có thể làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác các chức năng khác. Sự cạnh tranh giữa các chức năng cũng thường gây ra các vấn đề môi trường phức tạp, vì vậy cần phải khai thác thận trọng và khoa học để phục vụ tốt nhất cho con người. Bảo vệ môi trường thực chất là bảo vệ ba chức năng cơ bản của môi trường; cụ thể là bảo vệ độ tinh khiết của không khí mà con người thở, bảo vệ chất lượng nước mà con người uống và bảo vệ thực phẩm mà con người ăn. Đây đang là nhiệm vụ sống còn của loài người.
  • 13. 2.2. Nhận thức chung về phát triển kinh tế - xã hội 2.2.1. Khái niệm phát triển kinh tế - xã hội Khi nói về một xã hội phát triển, chúng ta thường hình dung ra một xã hội, ở đó mọi người được ăn ngon mặc đẹp, có khả năng chủ động trong việc tiếp cận các loại tài sản vật chất, có những hoạt động vui chơi giải trí sang trọng, được sống trong môi trường sạch, lành mạnh và an toàn. Chúng ta cũng nghĩ tới một xã hội không có sự phân biệt đối xử, với các mức độ công bằng cần thiết. Một yêu cầu tối thiểu của một quốc gia phát triển đó là chất lượng cuộc sống vật chất của quốc gia đó phải cao và được phân phối một cách đồng đều thay vì chỉ giới hạn một cách bất hợp lý cho một bộ phận tối thiểu giàu có trong xã hội. Cao hơn yêu cầu tối thiểu đó, một quốc gia phát triển còn đề cập đến các quyền và sự tự do của con người về mặt chính trị, sự phát triển về văn hóa và tri thức, sự bền vững của gia đình,... Những phân tích đó đã đi đến một khái niệm tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội như sau: “Phát triển kinh tế - xã hội là quá trình nâng cao điều kiện sống về vật chất và tinh thần của con người bằng phát triển sản xuất, cải tiến quan hệ xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa. Phát triển là xu thế chung của từng cá nhân cũng như của cả loài người trong quá trình sống”(Lê Thạc Cán, 2004). Theo khái niệm trên, nếu xét theo khía cạnh các bộ phận cấu thành, phát triển kinh tế - xã hội là sự kết hợp một cách chặt chẽ quá trình phát triển của hai lĩnh vực kinh tế và xã hội. Trong đó, phát triển lĩnh vực kinh tế gồm hai quá trình, đó là sự lớn lên của nền kinh tế (tăng trưởng kinh tế) và quá trình thay đổi cấu trúc của nền kinh tế (chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế). Tăng trưởng kinh tế được hiểu là sự gia tăng thu nhập của nền kinh tế, xét trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm). Sự gia tăng được thể hiện ở quy mô và tốc độ. Quy mô tăng trưởng phản ánh sự gia tăng nhiều hay ít, còn tốc độ tăng trưởng được sử dụng với ý nghĩa so sánh tương đối và phản ánh sự gia tăng nhanh hay chậm giữa các thời kỳ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện ở sự thay đổi về quy mô, tỷ trọng các bộ phận cấu thành nền kinh tế, vị trí và mối quan hệ giữa các bộ phận này với
  • 14. nhau trong quá trình phát triển kinh tế. Còn phát triển lĩnh vực xã hội là một bộ phận cấu thành trong phát triển kinh tế - xã hội, song hành với phát triển lĩnh vực kinh tế, thậm chí còn phải đặt ra những mục tiêu cao hơn so với phát triển lĩnh vực kinh tế. Phát triển lĩnh vực xã hội cần phải thể hiện trên nhiều phương diện, nhưng nhìn tổng quát, đó là việc phải đảm bảo tiến bộ xã hội cho con người. Nội hàm của việc đảm bảo tiến bộ xã hội cho con người bao gồm: Nâng cao mức sống dân cư (nâng cao thu nhập dân cư, phân phối nguồn thu nhập đó một cách hợp lý); nâng cao trình độ phát triển con người (năng lực về tài chính, năng lực trí lực, năng lực thể lực và cách thức con người sử dụng các năng lực đó để khai thác các cơ hội của cuộc sống như nghỉ ngơi, làm việc hay tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, chính trị). Con người vừa là động lực vừa là đối tượng của phát triển. Do vậy mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế - xã hội trong các quốc gia không phải là tăng trưởng hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mà là sự tiến bộ xã hội cho con người và tựu trung lại là vấn đề phát triển con người. Tháng 9 năm 2000, 189 quốc gia đã thông qua bản Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Đây là một tài liệu có phạm vi bao quát rộng, khẳng định cam kết “ biến quyền được phát triển trở thành hiện thực cho tất cả mọi người và quyền tự do mà loài người mong muốn”. Tuyên bố nêu rõ 8 mục tiêu của phát triển kinh tế - xã hội như sau: Mục tiêu 1: Xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực Mục tiêu 2: Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học Mục tiêu 3: Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ Mục tiêu 4: Giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em Mục tiêu 5: Cải thiện sức khỏe bà mẹ Mục tiêu 6: Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh khác Mục tiêu 7: Đảm bảo bền vững về môi trường Mục tiêu 8: Tạo lập quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển
  • 15. 2.2.2. Thước đo đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội Để đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới cần phải có thước đo. Thực tế cho thấy, thước đo đánh giá trình độ phát triển thay đổi cùng với nhận thức của con người về phát triển kinh tế - xã hội. Trong một thời gian khá dài, vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX trở về trước, con người đặt mục tiêu kinh tế lên quá cao, xem tăng trưởng kinh tế là độ đo duy nhất của sự phát triển. Như đã nêu ở trên, tăng trưởng kinh tế nói đến một sự tăng lên trong thu nhập (có thể là tổng thu nhập, có thể là thu nhập bình quân đầu người), đó là sự gia tăng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà một nền kinh tế sản xuất ra. Các thước đo tăng trưởng kinh tế thường sử dụng nhất là: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP - Gross domestic product); Tổng thu nhập quốc dân (GNI - Gross national income); Thu nhập bình quân đầu người GDP/người hoặc GNI/người. Để phân loại trình độ phát triển, theo Báo cáo phát triển thế giới năm 2010 của World Bank, các quốc gia trên thế giới được chia ra 4 nhóm: Các quốc gia thu nhập thấp có GNI/đầu người là 935$ trở xuống; trung bình thấp từ 936 đến 3.705$; trung bình cao từ 3.706 đến 11.455$ và nhóm thu nhập cao từ 11.456$ trở lên. Theo ngưỡng này, trong số 195 quốc gia tham gia xếp loại, có 33 quốc gia thu nhập thấp (LIC), 53 quốc gia thuộc thu nhập trung bình thấp (LMC), 41 quốc gia thu nhập trung bình cao (UMC) và 68 quốc gia thu nhập cao (HIC). Từ sau những năm 50, 60 của thế kỷ XX, con người đã nhận thức được rằng độ đo kinh tế không phản ánh đầy đủ quan niệm về phát triển. Mục tiêu của phát triển là vì sự tiến bộ xã hội cho con người mà nòng cốt là đảm bảo phát triển toàn diện con người. Tăng trưởng kinh tế là quá trình tạo thu nhập, trở thành điều kiện hàng đầu cho việc nâng cao mức sống dân cư. Tuy vậy, điều đó chỉ mang tính một chiều, một mũi tên ngược lại sẽ không phải luôn luôn đúng. Nhiều quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người khá cao, nhưng tỉ lệ nghèo đói vẫn cao hơn nhiều so với các quốc gia có mức thu nhập thấp hơn, tỉ lệ tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục cũng thấp hơn,... Năm 1990, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) lần đầu tiên đưa ra một phương pháp mới để đánh giá tổng
  • 16. hợp trình độ phát triển con người, đó là Chỉ số phát triển con người (HDI). Trên thực tế, HDI chứa đựng ba yếu tố phản ánh tương ứng ba khía cạnh thuộc về năng lực phát triển của con người, đó là: Năng lực tài chính (thu nhập), năng lực trí lực (giáo dục) và năng lực thể lực (y tế và chăm sóc sức khỏe). Ba yếu tố cấu thành HDI đã được thống nhất sử dụng từ năm 1990, bao gồm: Y tế, chăm sóc sức khỏe (tính bằng tuổi thọ bình quân); giáo dục (tính theo hai tiêu chí là tỉ lệ người lớn biết chữ và số năm đi học trung bình); GNI/người tính theo ngang giá sức mua (PPP) được đưa vào HDI phản ánh thu nhập. HDI tính theo phương pháp chỉ số và được xác định bằng những con số trong khoảng từ 0 đến 1. HDI càng gần giá trị của 1 chứng tỏ trình độ phát triển con người càng cao và ngược lại. Theo Báo cáo phát triển con người năm 2010 của Liên Hợp Quốc, trình độ HDI trên thế giới được chia thành 4 nhóm: Nhóm nước có HDI thấp (HDI nhận giá trị từ 0,47 đến 0,3); nhóm nước có HDI trung bình (HDI từ 0,488 đến 0,669); nhóm nước có HDI cao (HDI từ 0,677 đến 0,784); và nhóm nước có HDI rất cao (HDI từ 0,788 đến 0,938). Bên cạnh đó, do ưu tiên tăng trưởng kinh tế và dân số thế giới gia tăng nhanh chóng, con người khai thác ngày càng nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn, làm cho tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt nhanh và ô nhiễm môi trường gia tăng. Cùng với những nhận thức dần dần về giới hạn của sự tăng trưởng, mà chủ yếu là giới hạn về nguồn tài nguyên thiên nhiên và khả năng chịu đựng của môi trường, dẫn đến sự ra đời của chỉ tiêu GDP xanh. GDP xanh là phần còn lại của GDP thuần sau khi đã trừ các chi phí do tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế. GDP xanh không chỉ phản ánh sự tăng trưởng kinh tế mà còn phản ánh sự tăng trưởng của quốc gia đó có bền vững hay không. Nói cách khác, GDP xanh phản ánh sự tăng trưởng của một quốc gia một cách toàn diện về kinh tế, xã hội và môi trường. 2.2.3. Tác động cơ bản của phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường Môi trường là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng và cần thiết với mỗi con người và mỗi quốc gia. Nó là nền tảng của sự tồn tại và phát triển bền
  • 17. vững của xã hội, bất cứ hoạt động nào của con người cũng diễn ra trong môi trường và vì thế có những tác động nhất định tới môi trường. Những tác động của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường bao gồm: 2.2.3.1. Khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên Quá trình phát triển là mối quan hệ tương tác giữa con người, xã hội và tự nhiên, thường xuyên và xuyên suốt mọi thời đại, biểu hiện cụ thể thông qua mối quan hệ tương tác giữa kinh tế và môi trường - phần cốt lõi nhất của mối quan hệ tương tác rộng lớn và phức tạp đó. Hình 2.1. Cân bằng vật chất và quan hệ giữa kinh tế và môi trường Trong hệ thống kinh tế luôn luôn diễn ra quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên, chế biến nguyên liệu và phân phối tiêu dùng. Đầu tiên trong chu trình hoạt động của hệ thống kinh tế là khai thác tài nguyên thiên nhiên từ môi trường để cung cấp các nguyên vật liệu, năng lượng cho quá trình sản xuất (ví dụ khoáng sản, gỗ, dầu mỏ,…). Từ đó dẫn đến tác động thứ nhất của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường. Với vai trò là yếu tố đầu vào quan trọng của hoạt động kinh tế, các nguồn tài nguyên thiên nhiên rất có giá trị đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Do đặc
  • 18. điểm của tài nguyên thiên nhiên là có hạn và sự phân bố không đồng đều trên Trái đất nên một số quốc gia có dự trữ về tài nguyên thiên nhiên phong phú tất yếu sẽ có lợi thế to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, dự trữ đất đai nông nghiệp, các nguồn lợi thủy sản sẽ tạo ra nguồn ổn định về lương thực, thực phẩm cho con người, tạo ổn định xã hội và sẽ hỗ trợ việc khai thác, chế biến với quy mô lớn phục vụ xuất khẩu; các bờ biển hoặc những dãy núi có thể là cơ sở phát triển các loại hình du lịch, tạo việc làm và thu nhập; diện tích rừng và trữ lượng các mỏ khoáng sản, năng lượng là nguồn nguyên, nhiên liệu quý giá cho đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp;... Khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm, gắn khai thác, sử dụng với bảo vệ và tái tạo sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Trong quá trình phát triển, để đạt được tăng trưởng cao, với sự giúp đỡ của tiến bộ khoa học và công nghệ, tư tưởng chinh phục, thống trị thiên nhiên nổi lên, chỉ sau hơn hai thế kỷ khai thác kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Trái đất đã và đang cạn kiệt nhanh chóng. Theo Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) năm 2022, con người hiện đang tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên nhanh gấp 1,75 lần so với khả năng phục hồi của Trái đất, tương đương với việc cần phải có “1,75 Trái đất” mới có thể đáp ứng nhu cầu của con người. Hậu quả là con người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như thiếu nước ngọt trầm trọng, diện tích đất nông nghiệp trên đầu người giảm dần, nghề cá bị suy thoái, rừng bị thu hẹp nhanh chóng, tốc độ tuyệt chủng các loài ngày càng cao,… Theo Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ của Liên Hợp Quốc về dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học năm 2022 cho biết, Trái đất đang tuyệt chủng ở một cấp độ cao gấp 1000 lần so với tốc độ tuyệt chủng tự nhiên; chỉ trong vòng 10 năm qua có 467 loài sinh vật đã bị tuyệt chủng được ghi nhận; khoảng 1 triệu loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong đó 40% loài lưỡng cư, 33% san hô và khoảng 10% côn trùng; mà nguyên nhân chính là do hoạt động khai thác quá mức, sự xâm lấn của con người vào môi trường sống của chúng, nạn ô nhiễm môi trường,… Nếu con người không dừng ngay các hoạt
  • 19. động khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên lãng phí, kém hiệu quả thì tương lai của loài người rất ít sáng sủa. Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, con người cần phải thực hiện các giải pháp cơ bản sau: - Đối với tài nguyên tái tạo: Duy trì mức khai thác, sử dụng tài nguyên (h) nhỏ hơn mức tái tạo của tài nguyên (y), tức là h<y. Đồng thời, làm gia tăng mức tái tạo của tài nguyên bằng sự tái tạo nhân tạo (ví dụ trồng rừng, thụ tinh nhân tạo các loài động vật, bón giun cho đất,...) - Đối với tài nguyên không tái tạo: Cần khai thác tiết kiệm, hợp lý tài nguyên; tìm tài nguyên khác có thể thay thế hoặc tìm công nghệ sử dụng các loại năng lượng được coi là vĩnh cửu (ví dụ năng lượng mặt trời, gió, dòng chảy, sinh khối, địa nhiệt, thủy triều,…); tái sử dụng, tái chế chất thải. 2.2.3.2. Thải các loại chất thải vào môi trường Tiếp theo trong chu trình hoạt động của hệ thống kinh tế là chế biến nguyên vật liệu và năng lượng thành những sản phẩm tiêu dùng được, và cuối cùng chúng sẽ quay trở lại môi trường dưới dạng các chất thải. Từ đó gây ra tác động thứ hai của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường. Theo định luật nhiệt học thứ nhất, hoạt động kinh tế là một quá trình chuyển đổi vật chất và năng lượng. Nghĩa là, tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất hay tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên cuối cùng đều đưa đến các sản phẩm chất thải bằng với lượng tài nguyên thiên nhiên đưa vào các hoạt động này. Do đó, nạn cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nạn ô nhiễm nặng nề môi trường sống luôn gắn bó hữu cơ với nhau, bởi lẽ chúng có chung một cội nguồn - đó là sự phát triển kinh tế - xã hội của con người. Cho đến nay, con người đã thải các chất thải nhiều đến mức thiên nhiên không thể phân hủy kịp (tức là vượt quá khả năng chứa đựng và phân hủy chất thải của môi trường), đã và đang gây ô nhiễm đất, nước, không khí nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở khắp mọi nơi và không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà đang trở thành vấn đề toàn cầu. Thế giới đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa sinh thái như biến đổi khí hậu, suy thoái tầng
  • 20. ozone, mưa axit,… mà hậu quả của chúng có thể đưa nhân loại đến thảm họa diệt vong. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2022, rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 tấn rác thải nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương; dự kiến đến năm 2050, khối lượng rác thải nhựa ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng cá. Bên cạnh đó, rác thải nhựa không có khả năng tự phân hủy sinh học, chúng chỉ có thể vỡ thành những mảnh nhỏ và trôi nổi khắp nơi; nếu có tác động của ánh sáng mặt trời thì cũng phải nhiều thế kỷ nhựa mới phân hủy được, chẳng hạn thời gian phân hủy của vỏ chai nước là 450 năm, ống hút là 200 năm, bàn chải đánh răng là 500 năm,... Ô nhiễm rác thải nhựa cùng với nhiều loại hình ô nhiễm môi trường khác đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mối quốc gia. Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, con người cần phải thực hiện các giải pháp cơ bản sau: - Duy trì lượng chất thải vào môi trường (W) nhỏ hơn khả năng chứa đựng và phân hủy của môi trường (A), tức là W<A - Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để kiểm soát chất thải tại nguồn, xử lý chất thải, tái chế chất thải. 2.2.3.3. Tác động trực tiếp đến không gian sinh tồn Trong quá trình phát triển, con người không chỉ sử dụng và thích nghi với các điều kiên tự nhiên mà còn cải tạo thiên nhiên, biến đổi các cảnh quan thiên nhiên thành các cảnh quan văn hóa, các hệ sinh thái tự nhiên thành các hệ sinh thái nhân tạo, tạo dựng những điều kiện mới nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của mình. Từ đó dẫn tới tác động thứ ba của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường. Con người luôn cần một khoảng không gian dành cho nhà ở, sản xuất lương thực thực phẩm và hàng hóa, cho tái tạo chất lượng môi trường. Cùng với sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số trên thế giới, con người đã gia tăng không gian
  • 21. sống cần thiết cho mình bằng việc khai thác và chuyển dổi chức năng sử sụng của các loại không gian khác như khai hoang, phá rừng, lấn biển, cải tạo các vùng đất và vùng nước mới. Có thể nói, tác động của con người là một nhân tố mạnh mẽ nhất làm thay đổi bộ mặt Trái đất. Chẳng hạn, con người chuyển đất rừng thành đất nông nghiệp làm mất đi nhiều loài động thực vật quý hiếm, tăng xói mòn đất, thay đổi khả năng điều hòa nước và biến đổi khí hậu; chuyển đất rừng, đất nông nghiệp thành các khu công nghiệp, khu đô thị gây ra sự mất cân bằng sinh thái khu vực và ô nhiễm cục bộ;... Theo một nghiên cứu trên Nature Communications (2022), từ năm 1960 đến nay, 1/5 diện tích đất tự nhiên trên Trái đất, tương đương khoảng 43 triệu km2 đã bị biến đổi. Còn theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ, mỗi năm Việt Nam mất trên 100 nghìn hecta đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng lúa ở các tỉnh đồng bằng. Cho đến nay, việc khai thác quá mức không gian sống đang làm cho chất lượng không gian sống trên Trái đất không thể phục hồi được. Vì vậy, con người cần phải nỗ lực tìm kiếm phương thức khai thác, sử dụng không gian sống hợp lý và bền vững hơn. Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, con người cần phải thực hiện các giải pháp cơ bản sau: - Cần phát huy các tác động tích cực đến môi trường như xây dựng các thành phố xanh, khu công nghiệp sinh thái, vùng nông nghiệp sinh thái, phát triển du lịch sinh thái, trồng nên những cánh rừng tươi tốt, những hồ nước trong xanh,... - Phải ngăn ngừa, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường như xây dựng các khu “nhà ổ chuột”, khu công nghiệp “đen”,… Như vậy, con người đang tác động đến môi trường tự nhiên ở mức độ nghiêm trọng. Đến nay, cuộc chạy đua phát triển của các quốc gia, giữa các khu vực kinh tế trên thế giới vẫn ngày càng gay gắt, khốc liệt; khuynh hướng phát triển bằng mọi giá vẫn được các nước có nền kinh tế kém phát triển áp dụng, theo đó là sự đánh đổi môi trường và các yếu tố khác cho phát triển kinh tế. Mặt trái của sự phát triển kinh tế nhanh chóng là sự suy thoái môi trường, thu hẹp cơ sở của sự
  • 22. phát triển, suy giảm tài nguyên thiên nhiên cả về chất và lượng. Mặt khác, dân số của các nước kém phát triển tăng nhanh là nguyên nhân của sự nghèo đói, phá vỡ cân bằng sinh thái, suy thoái môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Ở các nước phát triển, khuynh hướng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường đã và đang được ưu tiên trong quá trình phát triển, chủ trương không can thiệp vào các nguồn tài nguyên sinh học, đầu tư vào công tác bảo tồn, khôi phục lại các hệ sinh thái. Tuy nhiên, như đã đề cập, tài nguyên thiên nhiên là cơ sở, là đầu vào của hệ thống kinh tế đối với các quốc gia, là nguồn vốn cơ bản cho mọi hoạt động phát triển của con người, do vậy, các quan điểm trên khó lòng thực hiện. Theo đó, các quốc gia này tìm đến các khu vực giàu có tài nguyên để đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận, rõ ràng càng tạo ra nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường tại các nước nghèo, kém phát triển. Có lẽ nào, cho đến khi tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường suy thoái đến mức không còn nơi ở an toàn, không còn nước sạch để uống, không còn không khí sạch để thở, không còn nguyên liệu cho sản xuất thì con người mới ngộ ra là “tiền không ăn được”. 2.3. Phát triển bền vững Qua nghiên cứu về môi trường và phát triển kinh tế - xã hội cho thấy giữa môi trường và phát triển có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ này được thể hiện ở hai khía cạnh cơ bản như sau: Về hình thức, môi trường và phát triển có mối quan hệ qua lại, chặt chẽ, thường xuyên và lâu dài. Con người là một sinh vật, một bộ phận cấu thành của môi trường và phụ thuộc rất chặt chẽ vào môi trường. Môi trường là nơi cung cấp mọi tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho hoạt động sống và sản xuất của con người; ngược lại, để tồn tại, con người phải sản xuất, tức là phải khai thác tài nguyên thiên thiên, điều đó đồng nghĩa với việc làm thay đổi tự nhiên, thay đổi môi trường sống của chính con người. Về nội dung, mối quan hệ giữa môi trường và phát triển ngày càng phát triển mạnh mẽ, phức tạp, sâu sắc và mở rộng. Cùng với quá trình phát triển, môi trường ngày càng có ý nghĩa nhiều hơn trong đời sống và hoạt động kinh tế - xã hội của con người; mặt khác, con người đã không ngừng tạo ra những công cụ và phương thức hiệu
  • 23. quả để khai thác ngày càng nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn, làm cho tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghèo kiệt đi, chất lượng môi trường ngày càng giảm sút,... khiến cho xung đột giữa con người và thế giới tự nhiên ngày càng gia tăng và trở nên gay gắt. Có thể nói rằng mọi vấn đề về môi trường đều bắt nguồn từ phát triển. Nhưng con người cũng như mọi sinh vật khác không thể dừng tiến hoá và ngừng sự phát triển. Con đường để giải quyết mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển là phải chấp nhận phát triển nhưng giữ sao cho phát triển không tác động tiêu cực tới môi trường. Đó chính là phát triển bền vững. 2.3.1 Khái niệm phát triển bền vững Năm 1987, trong báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, Ủy ban Quốc tế về Môi trường và Phát triển (WCED) lần đầu tiên đưa ra một khái niệm tương đối đầy đủ về phát triển bền vững là: “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng của các thế hệ tương lai trong việc thỏa mãn các nhu cầu của chính họ”. Nội hàm về phát triển bền vững được tái khẳng định ở Hội nghị Rio năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Johannesburg năm 2002: “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba trụ cột của sự phát triển. Đó là: phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Ngoài ba mặt chủ yếu này, có nhiều người còn đề cập những khía cạnh khác của phát triển bền vững như chính trị, văn hóa, tinh thần, dân tộc,…và đòi hỏi phải tính toán và cân đối chúng trong hoạch định các chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng quốc gia, từng địa phương cụ thể. Tại Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2014 cũng ghi rõ: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”. Đây là khái niệm hoàn chỉnh về phát triển bền vững. Theo khái niệm này, nội dung của phát triển bền vững được xác định bao gồm ba trụ cột, đó là:
  • 24. (i) Bền vững về kinh tế: Là đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, lâu dài và hiệu quả (ii) Bền vững về xã hội: Là đảm bảo công bằng xã hội và phát triển con người (iii) Bền vững về môi trường: Là đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và không ngừng cải thiện chất lượng môi trường sống, đảm bảo cho con người được sống trong môi trường sạch, lành mạnh và an toàn, hài hòa trong mối liên kết giữa con người với xã hội và tự nhiên. Hình 2.2. Ba trụ cột của phát triển bền vững Ba trụ cột của phát triển bền vững nêu trên là các mục tiêu cần đạt được trong quá trình phát triển, đồng thời là ba nội dung hợp thành quá trình phát triển trong điều kiện hiện đại. Quan niệm phát triển hiện đại là phát triển bền vững, cũng có nghĩa là không chỉ xác lập các cơ sở, điều kiện cần thiết đối với việc giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế - xã hội và môi trường mà còn phải bao gồm nội dung bền vững. Tính bền vững là một khái niệm đa chiều với nhiều khía cạnh có liên quan lẫn nhau, bao gồm các nhân tố sinh thái, môi trường, kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, xã hội, đạo đức và chính trị. Do vậy, chỉ riêng tăng trưởng kinh tế không thể phản ánh được đầy đủ quan niệm về phát triển hiện đại - phát triển bền vững. Phát triển bền vững đòi hỏi phải xem xét lại và đánh giá đúng đắn các mối quan hệ giữa con người và Trái đất, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tài nguyên,
  • 25. môi trường. Bởi lẽ, tài nguyên thiên nhiên của Trái đất không phải là vô tận, không thể khai thác hoặc thống trị theo ý mình; khả năng đồng hóa các chất thải của môi trường có giới hạn, không thể thải vượt quá sức chịu tải của môi trường; mà cần thiết phải tính toán đến lợi ích chung của cộng đồng, của các thế hệ tương lai và các chi phí môi trường cho sự phát triển,... Hình 2.3. Mô hình phát triển bền vững của WCED 1987 Quan điểm phát triển bền vững ra đời và hoàn thiện trong một khoảng thời gian tương đối dài. Cho đến nay, loài người đã thừa nhận và bước những bước đầu tiên trên con đường phát triển bền vững. Các quốc gia trên thế giới dù có những điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, bắt đầu nhanh hay chậm, đều đang hướng theo con đường phát triển bền vững này. Để giúp các quốc gia thực hiện thành công phát triển bền vững, quan điểm phát triển bền vững đã đưa ra bốn giải pháp cơ bản sau: Thứ nhất, tôn trọng các qui luật tự nhiên Theo Liên Hợp Quốc (2012), “Trái đất không phải là của con người mà con người thuộc về Trái đất cùng với các sinh vật khác...”. Con người chỉ là một bộ phận của thiên nhiên và phụ thuộc chặt chẽ vào tự nhiên. Thiên nhiên là cơ sở tiền đề cho sự sống và phát triển của con người. Vì vậy, mọi quyết định và hành động phát triển kinh tế - xã hội của con người đều phải nằm trong giới hạn khả
  • 26. năng chịu đựng của tự nhiên. Đã đến lúc con người không thể đứng ngoài, đứng trên thiên nhiên để chinh phục, khai thác, bắt thiên nhiên phục vụ nhu cầu của con người nữa, mà cuộc sống của con người phụ thuộc vào thiên nhiên, phải ứng xử tôn trọng, hài hòa với tự nhiên, để tránh được sự “trả thù” của tự nhiên. Muốn tôn trọng các qui luật tự nhiên, trước hết con người phải nắm rõ về các qui luật tự nhiên; sau đó lựa theo các qui luật tự nhiên để tác động vào tự nhiên một cách phù hợp (đó là các tác động khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; thải các loại chất thải vào môi trường; tác động trực tiếp đến không gian sinh tồn). Có như vậy, mới hòa nhập quá trình phát triển kinh tế - xã hội của con người với các quá trình tự phát triển trong tự nhiên, từ đó tạo tiền đề cho tương lai bền vững. Thứ hai, tiết kiệm trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên Môi trường đóng vai trò là nguồn cung cấp đầu vào cho quá trình sản xuất và là một trong những nguồn lực cơ bản cho phát triển. Tuy nhiên, nguồn cung cấp này lại luôn có giới hạn. Để phát triển bền vững, đòi hỏi phải khai thác hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Muốn tiết kiệm nguồn lực thiên nhiên cho phát triển, trước hết con người cần phải tiến hành điều tra, phân tích, đánh giá để nắm vững về các nguồn tài nguyên thiên nhiên; sau đó phải quản lý chặt chẽ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngay từ khâu khai thác, chuyên chở và bảo quản; cuối cùng tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại để tăng thêm khả năng khai thác, hiệu suất khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhờ đó, sẽ cho phép con người huy động được nhiều nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên vào việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển. Thứ ba, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào quá trình sử dụng, chế biến tài nguyên thiên nhiên Đây cũng là giải pháp tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng được thực hiện ở khâu sản xuất. Sản xuất là quá trình chuyển đổi vật chất, từ dạng nguyên vật liệu, năng lượng sang dạng sản phầm để đáp ứng các nhu cầu trong
  • 27. cuộc sống của con người. Nếu hiệu suất chuyển đổi cao thì nguyên vật liệu và năng lượng được sử dụng sẽ giảm xuống, nhờ đó sẽ tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên. Muốn tiết kiệm nguồn lực thiên nhiên cho phát triển, con người cần phải đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sản xuất. Trước hết để sử dụng tổng hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm khai thác tối đa các giá trị kinh tế của từng loại tài nguyên thiên nhiên; sau đó để giảm định mức tiêu hao các nguyên vật liệu, năng lượng và giảm chất thải trong việc tạo ra một đơn vị sản phẩm; cuối cùng để thay thế các loại nguyên vật liệu, năng lượng quý hiếm hoặc đang cạn kiệt bằng các loại nguyên vật liệu, năng lượng phổ biến hoặc nhân tạo,… Thứ tư, tăng cường các biện pháp bảo vệ, phục hồi, cải tạo và làm phong phú hơn các nguồn tài nguyên nguyên thiên nhiên và thành phần môi trường Bên cạnh khai thác, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, con người cần phải bảo vệ và làm giàu nguồn lực thiên nhiên. Bởi lẽ, thiên nhiên không chỉ là nguồn lực, tài sản mà còn là nguồn vốn cho phát triển. Thế hệ hiện tại không phải là người thừa kế mà là người đi vay các tài sản tự nhiên và phải có trách nhiệm trả cả gốc lẫn lãi; trong đó “chủ nợ” là các thế hệ kế tiếp, “gốc” là thực trạng tự nhiên trước khi sử dụng (cả về hiện vật và cả về giá trị) và “lãi” là thực trạng tự nhiên sau khi sử dụng trở nên tốt hơn. Muốn bảo vệ và làm giàu nguồn lực thiên nhiên cho phát triển, cần phải có sự tham gia của toàn xã hội, bao gồm các chủ thể chính sau: Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, đoàn thể và người dân (và cộng đồng dân cư). Ứng xử với thiên nhiên bằng sự nhân văn và trách nhiệm thực sự, mỗi người sẽ có các sáng kiến, giải pháp và hành động cụ thể để bảo vệ, phục hồi, cải tạo và làm phong phú hơn các nguồn tài nguyên nguyên thiên nhiên và thành phần môi trường. 2.3.2 Các chỉ số phát triển bền vững Hiện nay, lý thuyết phát triển bền vững đang được các quốc gia, các tổ chức quốc tế và khu vực quan tâm nghiên cứu, phát triển thành hệ thống lý thuyết vừa
  • 28. có tính toàn cầu, tính quốc gia, vừa có tính địa phương. Tuy nhiên, để “đo lường” sự phát triển bền vững là điều hết sức khó khăn, vì phát triển có liên quan đến nhiều khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường. Điều quan trọng nữa là các khía cạnh này phải liên kết với nhau như một thể thống nhất mới đảm bảo phát triển bền vững. Cho đến nay đã có nhiều hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu được đề xuất, đảm bảo phản ánh tổng hòa nhiều tiêu chí thành phần. Thông thường, “thước đo” cho phát triển bền vững bao gồm 3 chỉ số sau: (i) Bền vững về kinh tế Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi sự phát triển của hệ thống kinh tế, trong đó cơ hội để tiếp xúc với những nguồn tài nguyên được tạo điều kiện thuận lợi và quyền sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế được chia sẻ một cách bình đẳng. Yếu tố được chú trọng ở đây là tạo ra sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, không chỉ tập trung mang lại lợi nhuận cho một số ít, trong một giới hạn cho phép của hệ sinh thái cũng như không xâm phạm những quyền cơ bản của con người. Phát triển bền vững về kinh tế gồm một số nội dung cơ bản: Một là, giảm dần mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm và thay đổi lối sống; hai là, thay đổi nhu cầu tiêu thụ không gây hại đến đa dạng sinh học và môi trường; ba là, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục; bốn là, xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối; năm là, công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp (tái chế, tái sử dụng, giảm thải, tái tạo năng lượng đã sử dụng). Nền kinh tế được coi là bền vững cần đạt được những yêu cầu sau: Thứ nhất, có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện phát triển bền vững về kinh tế. Thứ hai, cơ cấu GDP cũng là tiêu chí đánh giá phát
  • 29. triển bền vững về kinh tế. Chỉ khi tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững. Thứ ba, tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá. (ii) Bền vững về xã hội Phát triển bền vững về xã hội chú trọng vào phát triển sự công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực phát triển con người, cố gắng cho tất cả mọi người cơ hội phát triển tiềm năng bản thân và có điều kiện sống chấp nhận được. Phát triển bền vững về xã hội gồm một số nội dung chính: Một là, ổn định dân số, phát triển nông thôn để giảm sức ép di dân vào đô thị; hai là, giảm thiểu tác động xấu của môi trường đến đô thị hóa; ba là, nâng cao học vấn, xóa mù chữ; bốn là, bảo vệ đa dạng văn hóa; năm là, bình đẳng giới, quan tâm tới nhu cầu và lợi ích giới; sáu là, tăng cường sự tham gia của công chúng vào các quá trình ra quyết định. Phát triển bền vững về xã hội được đánh giá bằng các tiêu chí như: Chỉ số phát triển con người (HDI - Human Development Index), hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao và có xu hướng gần lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn. (iii) Bền vững về môi trường Phát triển bền vững về môi trường đòi hỏi đòi hỏi duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường tự nhiên với sự khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích con người nhằm mục đích duy trì mức độ khai thác những nguồn tài nguyên ở một giới hạn nhất định - cho phép môi trường tiếp tục đảm bảo điều kiện sống cho con người và các sinh vật sống trên Trái Đất. Phát triển bền vững về môi trường gồm những nội dung cơ bản sau: Một là, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo; hai là, phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái; ba là, bảo vệ đa dạng sinh
  • 30. học, bảo vệ tầng ozone; bốn là, kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; năm là, bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm; sáu là, giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, không khí, đất, lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm. Gần đây, bộ chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc xác định theo các chủ đề trên 4 lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, thể chế và hình thành nên 58 chỉ tiêu cụ thể sau: (i) Bền vững về mặt xã hội: Bao gồm 6 chủ đề về công bằng, y tế, giáo dục, nhà ở, an ninh và dân số với 19 chỉ tiêu cụ thể: (1) Phần trăm dân số sống dưới ngưỡng nghèo; (2) chỉ số bất bình đẳng Gini; (3) tỷ lệ thất nghiệp; (4) tỷ lệ lương trung bình của nữ so với nam; (5) tình trạng dinh dưỡng của trẻ em; (6) tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi; (7) tuổi thọ; (8) phần trăm dân số có thiết bị vệ sinh phù hợp; (9) phần trăm dân số được sử dụng nước sạch; (10) phần trăm dân số tiếp cận được các dịch vụ y tế cơ bản, (11) tiêm chủng phòng ngừa các bệnh lây nhiễm cho trẻ em; (12) tỷ lệ phổ biến về phòng tránh thai; (13) phổ cập tiểu học đối với trẻ em; (14) tỷ lệ người trưởng thành học hết cấp hai; (15) tỷ lệ biết chữ của người trưởng thành; (16) diện tích nhà ở (sàn) bình quân đầu người; (17) số tội phạm trên 100.000 dân; (18) tốc độ tăng dân số; (19) dân số thành thị chính thức và cư trú không chính thức. (ii) Bền vững về mặt môi trường: Bao gồm 7 chủ đề về không khí, đất, đại dương, biển, bờ biển, nước sạch và đa dạng sinh học với 19 chỉ tiêu cụ thể: (20) phát thải khí nhà kính; (21) mức độ tiêu thụ các chất gây hại tầng ozone; (22) nông độ các chất gây ô nhiễm không khí ở khu vực đô thị; (23) đất canh tác và diện tích cây lâu năm; (24) sử dụng phân hóa học; (25) sử dụng thuốc trừ sâu; (26) tỷ lệ che phủ rừng; (27) cường độ khai thác gỗ; (28) đất bị sa mạc hóa; (29) diện tích thành thị chính thức và không chính thức; (30) mật độ tảo trong biển; (31) phần trăm dân số sông sở vùng duyên hải; (32) sản lượng đánh bắt hàng năm; (33) mức khai thác nguồn nước ngầm và nước mặt trên tổng trữ lượng nước; (34) hàm lượng BOD trong nước; (35) nông fđộ coliform trong nước sạch; (36) diện
  • 31. tích hệ sinh thái chủ yếu được lựa chọn; (37) diện tích khu bảo tồn so với tổng diện tích; (38) sự đa dạng của giống loài được lựa chọn. (iii) Bền vững về mặt kinh tế: Bao gồm 2 chủ đề về tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, xu hướng sản xuất và tiêu dùng với 14 chỉ tiêu cụ thể: (39) GDP bình quân đầu người; (40) tỷ lệ đầu tư trong GDP; (41) cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ; (42) tỷ lệ nợ trong GNI; (43) tổng viện trợ ODA hoặc nhận viện trợ ODA so với GNI; (44) mức độ sử dụng nguyên vật liệu: (45) tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người hàng năm; (46) tỷ lệ tiêu dùng nguồn năng lượng có thể tái sinh; (47) mức dộ sử dụng năng lượng; (48) chất thải rắn của công nghiệp và đô thị; (49) chất thải độc hại; (50) chất thải phóng xạ; (51) chất thải tái sinh; (52) khoảng cách đi lại tính trên đầu người theo phương tiện vận tải. (iv) Thể chế phát triển bền vững: Bao gồm 2 chủ đề là khung thể chế và năng lực thể chế, được cụ thể hóa thành 6 chỉ tiêu: (53) chiến lược phát triển bền vững quốc gia; (54) thực thi các công ước quốc tế đã ký; (55) số lượng người truy cập internet/1000 dân; (56) đường điện thoại chính/1000 dân; (57) đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tính theo % của GDP; (58) thiệt hại về người và của do các thảm họa thiên nhiên. 2.3.3 Nguyên tắc phát triển bền vững 2.3.3.1 Những nguyên tắc chung Phát triển bền vững ở mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu có thể trở thành hiện thực thông qua việc xây dựng xã hội phát triển bền vững. Đây là một xã hội biết kết hợp hài hoà việc phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo vệ môi trường. Trong cuốn “Cứu lấy Trái đất” xuất bản năm 1991, 2000 nhà khoa học hàng đầu tập hợp trong ba tổ chức là Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) và Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã nêu lên hệ thống 9 nguyên tắc cơ bản để xây dựng một xã hội bền vững. Đó là các nguyên tắc: Nguyên tắc 1: Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng
  • 32. Đây là nguyên tắc vô cùng quan trọng, nói nên trách nhiệm phải quan tâm đến mọi người xung quanh và các hình thái khác nhau của cuộc sống, điều đó có nghĩa là sự phát triển của nước này không làm phương hại đến quyền lợi của những nước khác, cũng như sự phát triển của thế hệ hiện nay không gây tổn hại tới thế hệ mai sau. Nguyên tắc 2: Nâng cao chất lượng cuộc sống của con người Mục đích cơ bản của sự phát triển là cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Mỗi dân tộc có những mục tiêu khác nhau trong sự phát triển, nhưng lại có một số điểm thống nhất. Đó là mục tiêu xây dựng cuộc sống lành mạnh, có một nền giáo dục tốt, có đủ tài nguyên để đảm bao cuộc sống không những cho riêng mình mà cho cả thế hê mai sau, có quyền tự do bình đẳng, được đảm bảo an toàn và không bạo lực, mỗi thành viên trong xã hội đều mong có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Nguyên tắc 3: Bảo vệ sức sống và tính đa dạng sinh học của Trái đất Phát triển trên cơ sở bảo vệ đòi hỏi phải song hành với những hành động thích hợp, thận trọng để bảo tồn chức năng và tính đa dạng của các hệ sinh thái trên Trái đất được tập hợp thành sinh quyển và các hệ thống nuôi dưỡng sự sống con người. Chính hệ thống này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều chỉnh khí hậu, cân bằng nước và làm cho không khí trong lành, điều hòa dòng chảy, chu chuyển các yếu tố cơ bản, cấu tạo, tái tạo đất màu và phục hồi các hệ sinh thái. Bảo vệ tính đa dạng sinh học có nghĩa là bảo vệ tất cả các loại động vật, thực vật, vi sinh vật trên hành tinh của chúng ta và toàn bộ vốn gen di truyền có trong mỗi loài. Nguyên tắc 4: Hạn chế đến mức thấp nhất việc làm suy giảm các nguồn tài nguyên không tái tạo Tài nguyên không tái tạo như quặng, dầu, khí đốt, than đá... trong quá trình sử dụng sẽ bị biến đổi không thể bền vững được. Theo dự báo một số khoáng sản chủ yếu trên Trái đất với tốc độ khai thác và sử dụng hiện nay sẽ bị cạn kiệt trong tương lai gần, ví dụ khí đốt khoảng 30 năm, dầu mỏ khoảng 50 năm, than đá
  • 33. khoảng 150 - 200 năm... Trong khi loài người chưa tìm được các loại thay thế, cần phải sử dụng tài nguyên không tái tạo một cách hợp lý và tiết kiệm bằng nhiều cách như quay vòng, tái chế chất thải, sử dụng tối đa các thành phần có ích chứa trong từng loại tài nguyên, dùng tài nguyên tái tạo khác có thể được để thay thế chúng. Nguyên tắc 5: Giữ vững trong khả năng chịu đựng được của Trái đất Như đã biết, mức độ chịu đựng của Trái đất nói chung hay của một hê sinh thái nào đó, dù là tự nhiên hay nhân tạo, đều có giới hạn. Con người có thể mở rộng giới hạn đó bằng kỹ thuật truyền thống hay áp dụng công nghệ mới để thoả mãn nhu cầu của mình. Nhưng nếu không dựa trên quy luật phát triển nội tại của tự nhiên thì thường phải trả giá rất đắt bằng sự suy thoái, nghèo kiệt đa dạng sinh học hoặc suy giảm chức năng cung cấp tài nguyên của thiên nhiên. Sự bền vững sẽ không có được nếu dân số thế giới ngày càng tăng. Do dân số tăng, nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên ngày càng lớn vượt quá khả năng chịu đựng của Trái đất. Muốn tìm giải pháp đúng đắn để quản lý, sử dụng bền vững các tài nguyên, chúng ta phải tạo ra một dải an toàn giữa toàn bộ các tác động của con người với ranh giới ước lượng môi trường Trái đất có thể chịu đựng được. Nguyên tắc 6: Thay đổi thái độ và hành vi của con người Trước đây ngay cả hiện tại, nhiều người trong chúng ta không biết cách sống bền vững. Sự nghèo khổ buộc con người phải tìm mọi cách để tồn tại như: phá rừng làm nương rẫy, săn bắn chim thú... Những hoạt động đó xảy ra liên tục đã gây ra tác động xấu đến môi trường sinh thái làm nghèo kiệt quỹ đất, suy giảm nguồn tài nguyên. Nạn đói, nghèo khổ thường xuyên xảy ra với các nước có thu nhập thấp. Còn với các nước có thu nhập cao thì nhu cầu sử dụng tài nguyên ngày càng cao, ở đó họ dùng một cách lãng phí quá mức chịu đựng của thiên nhiên, nên đã làm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Vì vậy, con người nhất thiết phải thay đổi thái độ và hành vi của mình, không những để cho các cộng đồng biết sử dụng
  • 34. bền vững nguồn tài nguyên mà còn để thay đổi các chính sách hỗ trợ về kinh tế và buôn bán trên thế giới. Nguyên tắc 7: Để cho các cộng đồng tư quản lý môi trường của mình Môi trường là ngôi nhà chung không phải của riêng cá nhân, cộng đồng nào. Vì vậy việc cứu lấy Trái đất và xây dựng một cuộc sống bền vững phụ thuộc vào niềm tin và sự đóng góp của mỗi cá nhân. Khi nào nhân dân biết tự mình tổ chức cuộc sống bền vững trong cộng đồng của mình, họ sẽ có một sức sống manh mẽ cho dù cộng đồng của họ giàu hay nghèo, thành thị hay nông thôn. Một cộng đồng muốn được sống bền vững, thì trước hết phải quan tâm bảo vệ cuộc sống của chính mình và không làm ảnh hưởng đến môi trường của cộng đồng khác. Họ cần biết cách sử dụng tài nguyên của mình một cách tiết kiệm, bền vững và có ý thức về việc thải các chất thải độc hại và xử lý một cách an toàn. Họ phải tìm cách bao vệ hệ thống nuôi dưỡng sự sống và tính đa dạng của hệ sinh thái ở địa phương. Nguyên tắc 8: Xây dựng một khuôn mẫu quốc gia thống nhất, thuận lợi cho sự phát triển và bảo vệ Một xã hội muốn phát triển bền vững phải biết kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phải xây dựng được một sự đồng tâm nhất trí và đạo đức cuộc sống bền vững trong các cộng đồng. Các chính quyền Trung ương cũng như địa phương phải có cơ cấu thống nhất về quản lý môi trường, bảo vệ các dạng tài nguyên. Bên cạnh hệ thống quyền lực cũng cần phải có luật về bảo vệ môi trường một cách toàn diện. Vì luật là công cụ quan trọng để đảm bảo thực hiện những chính sách, đảm bảo một cuộc sống bền vững, bảo vệ và khuyến khích mọi người tuân theo pháp luật Nguyên tắc 9: Xây dựng một khối liên minh toàn câu trong việc bảo vệ môi trường Như đã nêu ở trên, muốn bảo vệ môi trường bền vững chúng ta không thể làm riêng lẻ được, mà phải có một sự liên minh giữa các nước. Bầu khí quyển và các đạ dương tác động qua lại lẫn nhau tạo ra khí hậu trên Trái đất. Nhiều con sông
  • 35. lớn là chung của nhiều quốc gia. Vì vậy, bảo vệ sự trong sạch của dòng sông, của biển, của bầu khí quyển là trách nhiệm của nhiều nước. Sự bền vững trong mỗi nước luôn luôn phụ thuộc vào các hiệp ước quốc tế để quản lý các nguồn tài nguyên chủ yếu. Các quốc gia cần tích cực tham gia ký kết và thực hiện các công ước CITES, công ước bảo vệ tầng ozone, công ước RAMSA, công ước luật biển UNCLOS 1982,… 2.3.3.2 Nguyên tắc công bằng giữa các thế hệ Để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững, mỗi quốc gia và toàn thế giới phải thiết lập hai nền tảng công bằng sau đây: (i) Công bằng trong cùng một thế hệ: Phát triển bền vững cho phép gia tăng mức sống của thế hệ hiện tại, trong đó đặc biệt chú ý tới cuộc sống của những người nghèo. Phải thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của những người tiêu dùng khác nhau trong quá trình sử dụng các hàng hóa và dịch vụ môi trường. Phải có cơ chế đền bù thỏa đáng giữa những người gây ngoại ứng tiêu cực và những người chịu thiệt hại trong một quốc gia và giữa các quốc gia, giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Đồng thời, phải tôn trọng quyền được sống của các loài trên Trái đất. (ii) Công bằng liên thế hệ: Phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo tối thiểu hóa những ảnh hưởng của hoạt động kinh tế đến tài nguyên thiên nhiên và khả năng hấp thụ chất thải của môi trường. Nếu các nguồn lực dùng để phát triển kinh tế - xã hội gọi là tư bản thì điều kiện để phát triển bền vững là phải có sự chuyển giao tư bản giữa các thế hệ. Đảm bảo cho các thế hệ tương lai được thừa hưởng một lượng vốn tư bản không ít hơn những gì mà thế hệ hiện tại đang có. 2.3.4. Các phương thức thực hiện phát triển bền vững Phát triển bền vững và kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn có quan hệ mật thiết với nhau; trong đó kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là cách thức, phương thức thực hiện phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên môi trường bị suy thoái, suy giảm, suy kiệt và biến đổi khí hậu. Do vậy, tiếp cận phát triển bền vững cũng là tiếp cận của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với tâm điểm là duy trì nền tảng tự
  • 36. nhiên cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của con người trên Trái đất. Theo các kết quả nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP, 2011), Ngân hàng Thế giới (World Bank, 2012), Georgeson, Maslin và Poesinouw (2017), có thể hiểu về mối quan hệ giữa phát triển bền vững và kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như sau: Hình 2.4. Mối quan hệ giữa phát triển bền vững và kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (Nguồn: Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường) Từ sơ đồ trên cho thấy, các gói kích thích xanh là chất xúc tác để thực hiện tăng trưởng xanh; tiếp theo, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn tương hỗ với nhau, cùng đóng góp vào việc xây dựng kinh tế xanh; kinh tế xanh chính là nền tảng để hướng tới phát triển bền vững. Chương trinh Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhấn mạnh rằng việc thực hiện tăng trưởng xanh, rồi kinh tế xanh chính là con đường nhất thiết phải trải qua để tiến tới phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi và các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Các nhà nghiên cứu Georgeson, Maslin và Poessinouw (2017), sau khi phân tích nhiều cách nhìn nhận khác nhau
  • 37. trên thế giới về các thuật ngữ trên, cũng khẳng định trình tự phát triển là từ tăng trưởng xanh, đến kinh tế xanh và đích cuối cùng là phát triển bền vững. Vẫn trong bối cảnh bao trùm là kinh tế thế giới thay đổi và biến đổi khí hậu, những năm gần đây kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia quan tâm khi áp lực từ cạn kiệt tài nguyên và rác thải gia tăng đang ngày càng lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cuộc sống của con người. Có thể nói, kinh tế tuần hoàn tương hỗ với tăng trưởng xanh, để cùng hướng tới xây dựng kinh tế xanh, và xa hơn là phát triển bền vững. Ngoài tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, những khái niệm khác như kinh tế biển xanh, kinh tế số, kinh tế hiệu quả, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và cả những khái niệm mà hiện nay chưa được định rõ, sẽ được chú ý và khẳng định được sự cần thiết của mình trong các bối cảnh mới, trước những thách thức mới. Các khái niệm này cũng tương hỗ với tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn để đóng góp vào việc xây dựng kinh tế xanh. Chẳng hạn, khái niệm kinh tế biển xanh gần đây mới xuất hiện, khi vai trò của biển với các nền kinh tế ngày càng được chú ý. Một cách hình tượng, có thể coi tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn như là những “viên gạch” tương hỗ và bổ sung cho nhau, làm nên “nền móng” là kinh tế xanh. Từ nền đó, “ngôi nhà” phát triển bền vững mới được xây dựng. Nếu như không có nền móng vững chắc, “ngôi nhà” phát triển bền vững không thể được hình thành. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng số lượng “viên gạch” cần có để xây dựng nền móng kinh tế xanh có thể khác nhau do đặc điểm riêng có của từng quốc gia, quy mô của nền kinh tế, cũng như các lựa chọn, ưu tiên xây dựng của các nhà lãnh đạo và nhà quản lý. Bản thân các “viên gạch” này cũng có thể có giao thoa với nhau ở một số khía cạnh. Nền móng kinh tế xanh khác với nền móng của các ngôi nhà hữu hình thông thường, đó là nó vẫn có thể được mở rộng liên tục. Ví dụ, một quốc gia có thể ưu tiên xây dựng kinh tế xanh thông qua các chính sách về tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, rồi tùy vào yêu cầu thay đổi của nền
  • 38. kinh tế-xã hội họ có thể bổ sung thêm các “viên gạch” kinh tế biển xanh, kinh tế số sau đó. 2.3.4.1. Kinh tế xanh Tính tất yếu chuyển từ “nâu” sang “xanh” Khái niệm “kinh tế nâu” đề cập tới quan điểm phát triển rất phổ biến trước đây, đó là phát triển kinh tế trước và xử lý ô nhiễm sau. “Nâu” ở đây để chỉ ô nhiễm môi trường và không hiệu quả về mặt sử dụng tài nguyên. Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) định nghĩa kinh tế nâu là “nền kinh tế dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch, bỏ qua các vấn đề xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên”. Trên thực tế, quan điểm của kinh tế nâu đã gây ra những tổn hại to lớn cho môi trường, như ô nhiễm không khí, nguồn nước, đại dương, suy thoái đất, mất rừng, suy giảm đa dạng sinh học, gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, SO2, CH4,… và biến đổi khí hậu diễn ra với quy mô toàn cầu. Các hệ quả này đã quay trở lại đe dọa cuộc sống con người và gây ra tổn thất nặng nề cho hoạt động kinh tế. “Kinh tế xanh” là khái niệm đối lập với kinh tế nâu. “Xanh” ở đây mang nghĩa là tốt cho môi trường và cả con người. Việc từ bỏ kinh tế nâu và hướng tới kinh tế xanh là tất yếu, bởi các lý do chính sau đây: Thứ nhất, bản thân việc các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt và hệ sinh thái bị xuống cấp là bằng chứng cho thấy cách thức phát triển của kinh tế nâu là không bền vững. Nếu không có sự thay đổi, các quốc gia sẽ phải đánh đổi phần lớn lợi ích từ phát triển kinh tế cho các chi phí môi trường và xã hội, do đó không thể đạt được sự phát triển bền vững; Thứ hai, việc thay đổi này còn để thích ứng với những sự thay đổi của kinh tế thế giới trong giai đoạn mới, như việc giá nhân công không còn chiếm tỉ trọng cao trong giá thành sản phẩm, mà yếu tố công nghệ mới đóng vai trò quyết đinh, hay số lượng việc làm “nâu” (việc làm trong các ngành gây ô nhiễm) giảm đi nhanh chóng, trong khi xuất hiện ngày càng nhiều việc làm “xanh” (như sản xuất năng lượng tái tạo, các việc làm giúp phục hồi hệ sinh thái,…) và rộng hơn là