SlideShare a Scribd company logo
1 of 95
Download to read offline
PHẠM THẾ HƯNG CHIA SẺ VỀ VIỆC HỌC VĂN
PHẦN 1 - PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP 1
NHIỀU NĂM KINH NGHIỆM LÀM HỌC SINH GIỎI VĂN PHỔ THÔNG 2
KỸ THUẬT TỰ HỌC 12
NHỮNG SAI LẦM KHI SỬ DỤNG SƠ ĐỒ TƯ DUY 16
TIPS GHI NHỚ VÀ 8 CẤU TRÚC XÂY DỰNG LUẬN ĐIỂM CHO BÀI VĂN 18
CÁCH ĐỂ KHÔNG BỊ BÍ MỞ BÀI 25
LÀM SAO ĐỂ VIẾT VĂN KHÔNG BỊ “LỦNG CỦNG” 28
LÀM SAO ĐỂ KHÔNG PHẢI HỌC THUỘC CẢ BÀI PHÂN TÍCH TÁC PHẨM 30
CÁCH DÙNG TỪ VÀ BIỆN PHÁP TU TỪ 32
LÀM SAO ĐỂ SẮP XẾP CÁC Ý TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN MỘT CÁCH LOGIC
HƠN 35
ĐỌC GÌ ĐỂ GIỎI VĂN? 38
MUỐN VIẾT VĂN MẶN THÌ SỐNG PHẢI MẶN 41
PHẦN 2 - NGHỊ LUẬN VĂN HỌC 44
MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT CÓ NHẤT THIẾT PHẢI ĐẸP KHÔNG? 44
TÍNH LẠ HÓA & TÍNH HÌNH TƯỢNG TRONG VĂN HỌC 49
BÀI THƠ “TRUYỆN CỔ TÍCH VỀ LOÀI NGƯỜI” 54
BÀI VĂN GIÚP TÔI ĐẠT GIẢI NHẤT QUỐC GIA 2014 58
PHẦN 3 - NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 69
ĐỀ VĂN VỀ SỰ CẢM THÔNG CỦA CON CÁI VỚI CHA MẸ 69
NẾU KÝ ỨC BỊ CAN THIỆP 74
CHỮA ĐỀ | NGHỊ LUẬN VỀ LỐI SỐNG 79
DÀN Ý | TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU? 81
DÀN Ý | “VẺ BỀ NGOÀI QUAN TRỌNG ĐẾN THẾ SAO?!?” 83
DÂN VĂN HAY KHÔNG PHẢI DÂN VĂN? 85
PHẦN 4 - TẢN VĂN, VĂN BIỂU CẢM 90
CHUYÊN VĂN CÀ KHỊA NGƯỜI TA NHƯ THẾ NÀO? 90
BÀ NGOẠI 92
BÀ NỘI 95
PHẦN 1 - PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP
NHIỀU NĂM KINH NGHIỆM LÀM HỌC SINH GIỎI VĂN PHỔ THÔNG
Bài này tôi sẽ tóm lược và phân tích lại quá trình tôi chinh phục môn Văn thời đi học phổ
thông. Quá trình này có thể chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn tôi là
một học sinh có năng khiếu văn học. Gọi là năng khiếu bởi vì tôi thấy mình chủ yếu học
dựa vào năng khiếu ngôn ngữ, không rèn luyện gì nhiều. Giai đoạn này rất dài, chiếm phải
đến 3/ 4 hành trình, từ lớp 7 đến khoảng đầu lớp 11. Giai đoạn 2 mới thực sự là việc học
có đầu tư, có phương pháp, nâng tầm lên học sinh giỏi. Trước đó tôi không thừa nhận
mình là học sinh giỏi.
Học Sinh Có Năng Khiếu
Nói là tôi chinh phục môn Văn, nhưng ở thời điểm bắt đầu là môn Văn chinh phục tôi mới
đúng. Cuối năm lớp 6 trường cấp 2 thi tuyển đội học sinh giỏi đi thi cấp thành phố, tôi
đăng ký thi Toán. Nhưng chỉ được 2/20 điểm. Là bởi vì 80% bài thi không phải cái được
học trên lớp, tôi còn không hiểu đề thi hỏi cái gì chứ đừng nói là tìm được cách làm.
Thật ra cũng chẳng buồn bã gì. Thi không được thì thôi, mình làm một học sinh bình
thường như trước nay vẫn thế. Đi học, viết thư cưa cẩm bạn nữ xinh xắn dịu dàng trong
lớp. Sến súa với nhau theo kiểu thiếu niên cấp 2 mới dạy thì, yêu đương con nít, tình yêu
bọ xít.
Sau đó một sự biến diễn ra, đưa tôi từ con đường quậy phá trở về chánh đạo. Tôi liên tiếp
được 2 điểm 9 Văn thi giữa kỳ và cuối kỳ. Đến nỗi cô chủ nhiệm lớp 7 là một người rất khó
tính, thường ngày vẫn hay phê phán tôi là quá lắm mồm, gây mất trật tự trong giờ học,
bỗng nhiên lại nêu gương tôi như một trường hợp biết cải tà quy chính, phục hồi nhân
phẩm. Không theo cái thấp hèn, chỉ theo cái chuẩn mực. Sự thật thì không hẳn như thế,
nhưng mấy khi có công cụ tốt đến vậy để làm tư tưởng với lũ giặc tuổi mới lớn?
Quang trọng là hai bài thi đó như thế nào? Từ năm lớp 7 nên tôi cũng không nhớ rõ lắm.
Đại khái như sau:
Bài thứ nhất là phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh. Đây là một đề thi “trúng
tủ”, vì bằng cách nào đó tôi đã học khá kỹ bài thơ này. Thuộc rất chính xác cả tác phẩm và
những phần phân tích. Kết hợp vào khả năng ngôn ngữ và một chút nhạy bén về phân
tích, liên hệ tình bà cháu… Bài viết giống như tự mình viết ra, tự mình phân tích được,
chứ không giống như kiểu đọc chép vẫn thường thấy. Tất nhiên đề kiểm tra không chỉ có
mỗi câu đó, nhưng đại để tôi đã được 9.
Bài thứ hai mới là bài quan trọng hơn. Bài viết văn viết về mẹ này sau đó còn được cô Hiệu
trưởng cho đọc tại cuộc họp phụ huynh của tất cả các lớp trong trường, nhằm PR về giá trị
nhân văn trong giáo dục học trò của nhà trường. Một bài văn gây tiếng vang. (Còn mẹ tôi
thì vẫn hậm hực và tiếc vì lần họp phụ huynh đó tôi đã quên không báo cáo với mẹ lịch
họp. Làm mẹ tôi không được đi nghe bài văn gây tiếng vang viết để ca tụng mình. Làm lỡ
mất khoảnh khắc tự hào trước toàn thể các phụ huynh khác của mẹ).
Bài này có 2 điểm đặc biệt: Một là cấu trúc không theo dạng Mở bài – Thân bài – Kết bài
thường thấy đến mức bắt buộc của các bài tập làm văn. Chưa kể là lại còn là một bài tập
làm văn thi học kỳ.
Tôi đã lấy một cấu trúc bài văn ở trong Hạt giống tâm hồn để mô-li-phê lại. Tất nhiên, tôi
mới đọc bài đó có một lần nên chỉ sao chép tương đối. Cấu trúc của bài đó kiểu như:
“Khi ta chào đời, chúng ta khóc và mẹ mỉm cười.
Khi chúng ta một tuổi, chúng ta khóc và mẹ vừa đun cháo, vừa dỗ dành chúng ta.
Khi ta 5 tuổi, chúng ta ngã trầy đầu gối và lại khóc, mẹ xuýt xoa và vỗ về chúng ta.
Khi ta 15 tuổi, chúng ta đòi không gian riêng và muốn mẹ để chúng ta yên chỉ vì mẹ quan
tâm đến một vài người bạn của chúng ta.
Khi ta 25 tuổi, chúng ta lao vào những cuộc vui và những hoài bão lớn lao. Còn mẹ vẫn lo
việc chúng ta thức khuya hay uống đồ uống có cồn.
Khi ta 45 tuổi, chúng ta lo lắng cho con cái của mình, còn mẹ lo lắng cho chúng ta.
Khi ta 55 tuổi, chúng ta ước rằng mình đã dành nhiều thời gian bên mẹ hơn.
Khi ta 65 tuổi, mẹ ra đi, chúng ta khóc và mẹ lại mỉm cười.
…”
Đại khái như vậy. Sau đó tôi cũng không “nghị luận” mấy về tình mẫu tử. Không nói lý lẽ
thế này thế kia. Tôi đi thẳng vào những lần tôi làm mẹ buồn… Chúng ta ai cũng đều có
những lúc như thế. Cũng như đều có tình cảm yêu thương và được mẹ yêu thương. Một nội
dung không thể dễ liên hệ hơn, làm cho bài văn sinh động.
Ngoài ra, Hạt giống tâm hồn chính là do mẹ tôi mua và thuyết phục tôi đọc. Mẹ tôi là
người có công đưa tôi đến với niềm đam mê sách, mặc dù mẹ không đọc sách mấy, vì
không có thời gian.
Lúc nghĩ đến việc dùng cấu trúc này, tôi cũng đã nghĩ rằng nếu tôi đã đọc được Hạt giống
tâm hồn thì các cô giáo dạy Văn chắc cũng đọc được, nên cũng chưa hẳn là đã gây bất ngờ.
Nhưng có lẽ các cô chưa đọc, hoặc phần sáng tạo của tôi vẫn đủ mượt mà, nên vẫn thành
công mỹ mãn. Phá bỏ cấu trúc mở – thân – kết trong bài thi cuối kỳ, vào năm học lớp 7,
vào lúc tập làm văn chưa được sáng tạo nhiều như bây giờ, không phải một quyết định dễ
dàng đâu.
Một bài nghị luận văn học, một bài nghị luận xã hội, tôi được đặc cách vào học đội tuyển
Ngữ Văn của trường giữa năm lớp 7.
Quá trình học sau đó không có gì đáng nhớ ngoài việc tôi bắt đầu làm quen với việc học
cùng một đám con gái suốt từ đó về sau. Quá trình học từ năm lớp 7 đến hết lớp 9 thật ra
không có gì đáng nói. Hoàn toàn đi theo các chỉ dẫn và nhiệm vụ từ các giáo viên. Đến nỗi
đi thi lớp 8 như thế nào để được gọi sang trường Lương Thế Vinh (một kiểu chuyên cấp 2)
cũng không nhớ nữa. Học lớp 9 ở bên đó để tiếp tục luyện gà nòi đi thi cấp tỉnh.
Việc học chỉ bắt đầu có sự chủ động khi tôi đỗ vào Chuyên Thái Bình. Cô giáo chủ nhiệm,
cũng là “coach” của đội tuyển Văn khóa chúng tôi – cô Hiền – là một người cực kỳ đề cao
logic. Nếu là một cô giáo khác mà không phải cô Hiền thì chắc tôi bị loại từ lâu chứ không
có cơ hội mà ngồi ở đội tuyển. Cô Hiền đặt niềm tin ở tôi còn nhiều hơn tôi tin chính mình.
Giọng Điệu
Quay trở lại chuyện học. Năm lớp 10, cùng với tinh thần lãng mạn của “tuổi thần teen” và
sự thẩm thấu Hạt giống tâm hồn, tôi bắt đầu cảm nhận thực sự sức mạnh của văn học. Đây
là năm tôi thí nghiệm “giọng điệu”.
Nhìn chung để viết văn hay thì có rất nhiều yếu tố. Chưa kể là mỗi người còn hay theo một
kiểu khác nhau. Tôi thu thập các phẩm chất của mình bắt đầu với việc thí nghiệm giọng
điệu. Và vì là thí nghiệm nên số sản phẩm mẫu lỗi nhiều vô kể, bao gồm cả những thứ quái
thai được sinh ra.
Việc thử nghiệm này hoàn toàn tự phát chứ bấy giờ không có ý đồ gì. Tôi đọc một nhà văn,
một nhà phê bình, sau đó thích thú với ai thì tôi sẽ tìm “nhập vai” người đó và viết theo
cái giọng của họ. Tất nhiên là không thể hay được, nhưng cũng đáng để thử nghiệm.
“Giọng điệu” là thói quen diễn đạt, là các kiểu tu từ hay dùng, là thể hiện tính cách, tâm tư
tình cảm riêng, khám phá riêng của mình vào cách nhìn nhận, phân tích và diễn đạt. Ở
môn Văn, nếu như các kỳ thi đại trà như thi tốt nghiệp hay thi Đại học, người ta thi theo
Cái Chuẩn; thì thi học sinh giỏi Văn hầu như thi theo Cái Khác Biệt. Cho nên giọng điệu trở
nên quan trọng, nó là cái đầu tiên làm nên sự khác biệt.
Còn những thứ quái thai sinh ra từ các thí nghiệm của tôi thì giờ chỉ có cô giáo tôi may ra
thì nhớ, chứ tôi cũng không dám đọc lại lần thứ hai.
Tóm lại là, khi thử bắt chước theo những nhà diễn đạt tài ba (gồm cả nhà văn và nhà phê
bình), chúng ta sẽ đọc nhiều hơn và chắt lọc được nhiều hơn. Đọc nhiều hơn cho ta vốn để
viết. Thứ đến là chúng ta có thể bắt chước theo những cách diễn đạt, những kiểu ví von,
phân tích, đánh giá độc đáo đặc sắc của họ. Dần dần dùng nhiều thì biến thành của mình
bằng cách đưa thêm những cái riêng vào. Không ai tự nhiên nghĩ ra cái mới từ hư không.
Học nói bình thường cũng thế. Trẻ con đầu tiên phải bắt chước, sau đó mới tự nói. Lúc đầu
nói thì ngờ nghệch lung tung, sau đó mới nói trôi chảy, rồi mới đến việc diễn đạt ra cái
mình nghĩ. Hình như học ngoại ngữ cũng theo quá trình này.
Về bản chất thì ai cũng có giọng điệu riêng, nhưng giọng riêng độc đáo và đặc sắc thì
không dễ. Đó là cái phải rèn luyện, không dựa trên năng khiếu. Giọng điệu của tôi là logic,
đơn giản hóa, cắt nghĩa và dựa trên điểm nhấn.
Lí Luận Văn Học
Sau khi thử nghiệm đủ các thể loại giọng văn, múa may quay cuồng chán chê, tôi nhận ra
một mệnh đề quan trọng: cái chúng tôi làm không phải là SÁNG TÁC VĂN HỌC mà là
NGHỊ LUẬN VĂN HỌC.
Sáng tác văn học thì “hoa tay thảo những nét như phượng múa rồng bay”. Sáng tác văn
học là Hoài Thanh Hoài Chân viết phê bình mà như những người nghệ sĩ sáng tạo. Sáng
tác văn học là bay bổng diệu kỳ, mượt mà truyền cảm.
Nghị luận văn học thì khác. Tuy vẫn có “chất văn” nhưng nó là gia vị thôi. Cái cốt lõi của
nó là khoa học nghiên cứu, phân tích về các đối tượng của văn học: tác giả, tác phẩm, văn
bản, trào lưu, phong cách, tu từ, thi pháp,… Tất cả đều là khoa học. Mà khoa học thì phải
logic, rõ ràng, chính xác, hệ thống, có đặt vấn đề, phân tích, tổng kết, đánh giá… Tất cả
những cái đó mới thực sự là học văn chứ không phải như người ta vẫn cứ tưởng rằng học
sinh giỏi văn là cứ phải “tâm hồn treo ngược ở cành cây”, phải xuất thần vung bút làm
sống dậy nỗi thống khổ của nhân loại. Đấy là việc của nhà văn, còn việc của chúng tôi, là
phân tích, cắt nghĩa, đánh giá, tổng kết,… nó. Như một nhà hóa học thí nghiệm, phân tích,
đánh giá, tổng kết một loại vật chất; một nhà sinh vật nghiên cứu con sâu trong quá trình
nó thành con bướm.
Việc tôi thực sự nhìn ra luận điểm này có 2 nguyên nhân: Một là do cô giáo tôi là một
người cực kỳ chú trọng lí luận văn học. Thời lượng học lý luận của đội là nhiều nhất trong
tất cả các nhóm chuyên đề. Thứ 2 chính là việc tôi tiếp cận được sách của một số nhà
nghiên cứu văn học như TS Nguyễn Văn Dân, GS Hoàng Ngọc Hiến,… vân vân.
Rất may là khoa học cũng hợp với phong cách tư duy và viết của tôi. Không thì cũng mệt.
Tóm lại, lí luận văn học là cốt lõi. Từ lí luận thì đi vào phân tích, bình luận văn bản, tác
phẩm mới logic, mới sáng rõ, mới là của mình. Chứ không thì cứ đi học phân tích của
người khác, hoặc phân tích theo kiểu cảm tính. Hoặc là không có gì đặc sắc, nói toàn
những chuyện ai cũng biết rồi. Hoặc là nói liên thiên lan man xong diễn xuôi tác phẩm,
khen tác giả hết cái này đến cái kia rồi kết lại là: tác phẩm hay ghê, hay ghê á! Hay! Toẹt
zời!
Lí luận thì rộng lắm. Gợi ý sách cho các bạn đọc thì chắc chả ai đọc. Giờ thi học sinh giỏi
cũng ít. Nhưng lí luận là cái cần cho cả học sinh thi đại học bình thường. Để tiết kiệm công
sức học của các bạn thôi, chứ cũng chẳng phải cứ muốn bài văn điểm 9 10 mới cần dùng.
Cũng như Toán, đôi khi Văn cũng có một vài “công thức”. Chỉ có điều nó không chính xác.
Vì nó là khoa học xã hội.
Sự Khác Biệt Giữa Văn Thi Học Sinh Giỏi Và Văn Thi Đại Học
Ở đây tôi không chỉ cách để đạt giải học sinh giỏi, tôi chỉ đang kể kinh nghiệm của mình.
Cách tôi là có thể bạn không làm được. Cách bạn là có thể nếu vào tôi thì lại không hiệu
quả. Vì vậy hi vọng người đọc có sự chọn lọc, để rút ra cái gì là có giá trị cho mình.
Cách luyện để thi học sinh giỏi và để thi đại học có nhiều cái giống nhau, vì đều là phương
pháp học tập. Điểm giống nhau tôi sẽ phân tích kỹ và triển khai thành nhiều bài sau bài
này, để mọi người cùng áp dụng xem cái nào hợp với mình. Còn ở đây chỉ nói điểm khác
nhau (chỉ ở môn Văn thôi nhé, môn khác tôi mù tịt).
Thi đại học là thi để đạt tiêu chuẩn. Thì học sinh giỏi là thi để phô diễn những thứ ngoài
tiêu chuẩn.
Khi thi đại học, đề bài đưa ra, bạn viết đủ tiêu chí, bạn đạt đủ tiêu chuẩn, bạn giành điểm.
Đạt càng nhiêu tiêu chuẩn, bạn giành càng nhiều điểm. Giáo viên họ chấm rất nhanh, vì
biểu điểm đã có sẵn, đạt chuẩn thì cho điểm, không đạt thì không cho. Không phải họ
chấm không kỹ, mà vì chiếu theo chuẩn, nên có thể chấm tương đối nhanh.
Khi thi học sinh giỏi, nếu bạn cố gắng viết theo tiêu chuẩn, thì bài của bạn sẽ chìm khuất
trong khoảng 90% những bài viết cũng đang cố gắng viết cho thật đúng, thật đủ. Mà
những cái phân tích thật đúng thật đủ đó, thì giám khảo họ làm nghề mấy chục năm, học
đọc còn thuộc hơn bạn. Bạn mới học nên cảm thấy nó mới thôi.
Do đó, những cái mà ai cũng biết, ai cũng sẽ nói, hay cái tiêu chuẩn, thì không cần đi sâu
làm gì, nói ít thôi. Điểm qua cơ bản cho đủ là được. Nói chuyện với người thông minh, thì
không cần phải nói hết mọi thứ. Nói một hiểu mười. Đấy là tôn trọng người ta và tiết kiệm
thời gian và công sức ghi nhớ của mình.
80% bài viết là những cái mà các thí sinh khác đều viết. Vì vậy 20% còn lại mới là cái
quan trọng. (Nhưng phải nhớ, phải có 80% làm nền, thì 20% mới nổi bật lên được, như là
trời đêm thì mới nhìn thấy sao).
Cho nên thi học sinh giỏi là đoán xem 80% mọi người sẽ viết cái gì. Sau đó lại tìm hiểu
xem họ không thể viết được, hoặc sẽ rất ít người viết được cái gì. Đó chính là 20% quan
trọng.
Không cần phải đến lúc biết đề bài mới bắt đầu đoán. Ngay từ lúc ôn thi, nhìn vào đồng đội
của mình là có thể tìm ra được khoảng 10% rồi. Có những thứ họ sẽ không bao giờ viết
được. Có những thứ họ sẽ rất ít khi hoặc hiếm người viết được.
Thứ-họ-không-bao-giờ-viết-được bao gồm chính là cái giọng văn đặc trưng, có rèn dũa,
điều chỉnh, luyện tập của bản thân mình. Cái giọng đó đã là của mình, thì khó ai có thể viết
được. Chỉ có làm sao cho giọng của mình “nổi bật” lên là cái cần phải đầu tư vào luyện. Khi
viết sẽ được đánh giá là “có cá tính”. Đôi khi nổi bật không nhất thiết là phải mượt mà và
hay. Ngoài giọng điệu còn có sở trường về khả năng phân tích, năng lực diễn đạt hoặc đồng
cảm, thấu cảm,… Nói chung là những tố chất khó bị sao chép ở mỗi người.
Thứ-họ-rất-ít-khi-viết-được thì với mỗi người có lẽ lại cũng sẽ rất khác nhau. Hướng mà
tôi làm đó là “hàn lâm hóa”. Đại để có 2 cách để hàn lâm hóa. Đó là thường xuyên nâng cao
quan điểm lên thay cho việc đi vào phân tích quá sâu tác phẩm. Chỉ phân tích sâu những
chỗ đắt, nhưng cũng là để từ đó nâng cao quan điểm lên. Mà phải nâng cao, vĩ mô hóa vấn
đề lên thì mới xứng “tầm học sinh giỏi”.
Muốn nâng cao được, phải học lý luận cho chắc và cho kỹ.
Cách thứ 2 để hàn lâm hóa là sử dụng thuật ngữ. Thuật ngữ mà biết được cả gốc tiếng Anh,
tiếng Pháp hay tiếng Trung của nó thì tốt. Một là mình hiểu sâu, hiểu được bản chất của
vấn đề qua cách thuật ngữ đó hình thành. Hai là khi viết mình đưa vào nó ngầu hơn, chất
hơn.
Thuật ngữ thì nhiều vô biên, nhưng mình chỉ chọn tìm hiểu những thuật ngữ mà hay liên
quan đến các vấn đề nghị luận mà mình gặp thôi. Những vấn đề mà người ta đưa ra với
tầm học sinh cấp 3 thì cũng không chuyên sâu. Thuật ngữ mà không quá chuyên sâu thì
vừa dễ học, vừa dễ dùng, dễ liên hệ. Học 1 thuật ngữ, dùng 3 hoàn cảnh. Loanh quanh thì
cấp 3 cũng chỉ toàn chuyện nhà văn thế này nghệ thuật thế kia. Chủ nghĩa hiện thực chủ
nghĩa lãng mạn,… Toàn những chủ nghĩa rõ ràng, minh bạch, không rối rắm và lại khá
“tuân thủ” những quy luật chung của lí luận văn học.
Việc “hàn lâm hóa” thực ra đến từ một gợi ý từ cô giáo và các bạn học cùng với tôi. Mọi
người nhìn vào mấy quyển sách của tôi và nhận xét: “Hưng nó có thể đọc những thứ mà
các bạn không tiếp thu được”. Thật ra các bạn vẫn tiếp thu được thôi, nó có phải sách
thánh hay tiếng nước ngoài đâu, nhưng mà các bạn không thích đọc. Các bạn tôi họ có
phong cách viết khác, nên họ đọc các loại sách khác. Tôi đọc ít hơn họ. Vì không phải chỗ
sách đó tôi đọc hết 100%. Tôi chỉ đọc những chỗ tôi hiểu, thấy hay và có thể rút ra cái gì
đó để đưa vào bài hoặc vào đầu mình. Nhưng việc mọi người nhận xét là Hưng đọc được
những thứ các bạn không tiếp thu được khiến tôi có 1 liên tưởng: Nếu thế thì đó chính là
cái làm nên sự khác biệt của mình, nói những cái mà có vẻ khó tiếp thu, có vẻ cao siêu.
Lướt qua chỗ dễ, xoáy vào chỗ khó. Giải thích ít lại, bình luận và khái quát nhiều hơn.
Nghị Luận Xã Hội
Từ đầu đến giờ nói về nghị luận văn học là chủ yếu. Nghị luận xã hội tôi ít đề cập, vì có vẻ
như với tôi nó ít cần đầu tư hơn.
Nguyên tắc cho nghị luận xã hội có lẽ cũng giống như nghị luận văn học thôi. Vì đều là thi
học sinh giỏi mà. Nghĩ xem 80% thí sinh sẽ viết gì? 20% còn lại là gì? Hay là: Họ sẽ
KHÔNG viết gì?
Tôi nhớ đề thi quốc gia của chúng tôi năm đó là: Sống là tỏa sáng!
Có 1 thứ tôi đoán trước được: Hầu hết mọi người sẽ viết theo kiểu “trung dung”, tích cực
thế này, tiêu cực thế kia, cái gì cũng có hai mặt, bla bla bla… Tóm lại là giọng văn đạo mạo
thản nhiên, bình tâm mà luận thiên hạ… Chắc chắn ít nhất phải 70% bài thi sẽ có giọng
đó, nên tôi không viết nữa.
Tôi viết là nếu ngày mai phải chết, thì hôm nay tôi sẽ tỏa sáng. Tôi viết là tôi không cần
sống lâu để làm gì cả, cái tôi cần là bất tử. Muốn được bất tử, thì người ta phải nhớ đến
mình bằng những gì mình đóng góp cho nhân loại này.
Trong bài đó, từ tôi chắc chắn là từ xuất hiện nhiều nhất. Tôi vốn chưa bao giờ quên cái
mô hình Giải thích – Bình luận – Mở rộng, Phản biện của cô giáo tôi. Nhưng mà hôm đó tôi
không còn nhớ là dàn ý của mình đã như thế nào nữa, tôi viết như thể muốn bùng cháy.
Sau đó khi ra khỏi phòng thi tôi cũng lo toát mồ hôi là vì sao mình viết câu 2 logic, sáng tỏ
đến thế mà câu 1 nói liên thiên cái gì vậy?!?!?!
Nhưng mà sau đó hội phụ huynh đội tuyển đưa cả đoàn WhitePalace ăn một bữa no nê thế
là lại yên tâm. Không yên tâm thì cũng chả làm gì được nữa. Thi xong rồi thì về ôn thi đại
học tiếp kẻo không có giải thì móm.
Tạm Hết
Trên đây là những trải nghiệm trong cuộc đời học sinh giỏi mà tôi ghi chép nhanh lại.
Chưa đầy đủ hết những cứ tạm thời thế đã.
Về chuyện học sinh giỏi, tôi nghĩ rằng có ưu điểm và nhược điểm. Học hay không là tùy
người, tùy điều kiện, tùy hoàn cảnh,… Nhưng tôi nghĩ với bối cảnh hiện tại nói chung trên
diện rộng, nên đưa học sinh giỏi ra khỏi hệ thống thi chính thức hay quyết định thành tích
của nhà trường. Chỉ để nó như là một sân chơi thôi, hạn chế gắn lợi ích sát sườn vào nó.
Các bạn học sinh không nên “theo đuổi” nó. Cánh cổng đại học hiện nay đã rộng mở hơn
với sự tự chủ từ các trường Đại học. Còn những danh tiếng, giải thưởng, thì hãy xem nó
như đi thi Đường lên đỉnh Olympia – một cuộc chơi, một sở thích hơn là nhiệm vụ hay con
đường.
Nếu cảm thấy yêu thích và đam mê một môn khoa học, có khả năng vươn tới đỉnh cao
trong môn đó, thì đầu tư cho nó là hoàn toàn chính đáng. Còn nếu muốn cố gắng chỉ vì
danh hiệu hay giải thưởng thì có lẽ không nên, không cần thiết. Để thời gian trau dồi
những thứ quan trọng khác.
KỸ THUẬT TỰ HỌC
Không ai không có mong muốn học tập hiệu quả hơn, tiến bộ nhanh hơn, đạt được những
mục tiêu học tập của mình: Thi đỗ trường THPT hoặc Đại học mình mơ ước, có điểm cao,
đi du học,... Tuy nhiên trên con đường đó có người tiến rất nhanh, có bạn lại loay hoay mãi
vẫn cảm thấy năng lực của mình không đủ, phải bù lại bằng cách siêng năng hơn nữa. Tuy
ban đầu chưa giỏi ngay, nhưng ai cũng kỳ vọng nỗ lực của mình sẽ được đền đáp.
Thế nhưng, một mình nỗ lực thôi là chưa đủ. Có phải mỗi khi nhận về một kết quả không
tốt, bạn đều tự hỏi mình rằng: Có lẽ mình vẫn chưa đủ chăm chỉ, chưa đủ kỉ luật? Chưa
được như các bạn khác, vì thế nên mình chưa thành công? Mình cần phải chăm chỉ hơn
nữa!! Nhất định thế!!!
Đôi khi không phải lúc nào cũng là do thiếu chăm chỉ. Mà còn do thiếu phương pháp. Hi
vọng một vài chia sẻ dưới đây có thể giúp các bạn đạt hiệu quả cao hơn nữa khi tự học.
1. Động lực học
Đề tài đăng bài phổ biến nhất của group mình chắc chắn là tìm nhóm tự học. Cùng nhau
bật cam tắt mic, để thấy rằng mọi người đang học cùng mình, lấy động lực và kỉ luật để tự
học. Đây là một tinh thần tuyệt vời, tạo ra phần nào sự giám sát, yếu tố thúc đẩy hành
động.
Tuy nhiên, dù sao nó vẫn là một động lực "từ bên ngoài". Bạn hoàn toàn có thể ngồi đó và
lẩm nhẩm một vài từ tiếng Anh, làm một vài bài tập Lý Hóa,... Nhưng kể cả có đạt đến một
số lượng nào đó, chưa chắc bạn đã đạt được chất lượng.
Vì kiến thức, kỹ năng là hoạt động cá nhân, cũng giống như đi vệ sinh, bạn không thể "ủy
quyền" cho người khác học thay được. Bạn cứ làm, nhưng không tự rút ra những kinh
nghiệm khi giải bài tập, chỉ giải cốt cho nhiều đề; không dùng từ mới học được như thể nó
là của mình, đặt câu và ghim nó để sử dụng, chỉ học cốt cho được nhiều từ, thì kiến thức và
kỹ năng không bao giờ đọng lại. Bạn đang bỏ mọi thứ vào một cái giỏ không đáy.
Động lực học phải bắt đầu "từ bên trong". Vì sao bạn lười, vì bạn không thật sự muốn làm
từ trong thâm tâm. Vì sao một bạn nam có thể chơi bóng hàng giờ mà không hề "cảm
thấy" mệt mỏi, vì cậu ta yêu bóng đá từ trong thâm tâm. Vì sao một bạn nữ có thể dành cả
nửa ngày để shopping mà không mệt mỏi? Vì bạn đó yêu thích việc ngắm nghía, ướm thử,
xem xét, bàn luận... về quần áo, đồ trang điềm, đồ dùng, gối ôm,...
Bạn không thể yêu thích tất cả các môn học. Nhưng bạn có thể yêu thích những mục đích
thật sự khi học chúng. Mục đích thật sự không phải là đạt điểm cao, tiến bộ. Mà mục đích
thật sự là thi đỗ vào ngôi trường mơ ước, sống và trải nghiệm môi trường mơ ước, hoặc
một tương lai xa hơn, tùy ở bạn. Nhưng mục đích thật sự đó mới là động lực "bên trong".
Hãy tưởng tượng ra mục đích đó một cách càng chi tiết càng tốt.
Có được mục đích từ "bên trong", bạn mới thật sự làm việc và giải quyết các vấn đề một
cách vì chính mình. Bạn mới thật sự tìm tòi giải pháp cho kiến thức và kỹ năng của mình
một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu tối đa nhất. Và khi đã chủ động rồi thì
bạn tham gia các group học chung mới thật sự hiệu quả.
2. Kế hoạch học tập
Mục đích vẽ ra không thôi thì nó chỉ là trí tưởng tượng. Ba ngày sau là bạn lại quên tuột
cho mà coi. Cho nên hình dung được mục đích xong bạn phải lên kế hoạch cho nó ngay.
Thức trắng đêm để làm kế hoạch cũng phải làm, không được để nó trôi mất.
Kế hoạch bắt đầu từ các mục tiêu. Nếu 1 năm nữa tôi phải đạt 9 điểm, thì 6 tháng nữa phải
đạt mấy điểm, 3 tháng nữa là mấy điểm. Chia nhỏ mục tiêu lớn ra chính là cách để không
cảm thấy quá nặng nề khi học. Sau mỗi mốc điểm đã đặt ra, bạn có thể tự thưởng cho
mình. Hãy kiên nhẫn.
Kế hoạch càng chi tiết thì khả năng giám sát của nó càng cao. Chính kế hoạch của bạn mới
là thứ giám sát bạn trước tiên, chứ không phải bạn bè trên group chat. Kế hoạch bị chậm
tiến độ thì bạn phải làm bù. Kế hoạch nhanh hơn thì bạn đang làm tốt, hãy cải thiện tiếp để
tốt hơn.
3. Cải thiện kỹ thuật
Khi đã có 2 cái trên rồi thì kỹ thuật học mới thực sự phát huy tác dụng. Đừng mong kỹ
thuật giải quyết được hết vấn đề. Một số kỹ thuật tiêu biểu gồm:
a, Sơ đồ tư duy của Tony Buzan: Các bạn có thể đã biết rồi hoặc chưa biết thì tự tìm. Đây là
kỹ thuật về kiến thức. Dùng để ghi nhớ và thấu hiểu kiến thức một cách bản chất, chắc
chắn và lâu dài hơn. Cũng như để quá trình ôn tập lại trở nên tiết kiệm hơn đáng kể. (Anh
đã có một bài về Những sai lầm khi sử dụng SĐTD rồi, có thể bấm vào nick anh để xem lại
bài cũ trong group)
b, Hệ ghi nhớ (cũng của Tony Buzan): Dùng để ghi nhớ kiến thức một cách nhanh chóng
và lâu dài. Tất nhiên phải qua luyện tập, càng thuần thục thì mới càng nhớ nhanh nhớ
nhiều nhớ lâu. Chứ không có chuyện không làm mà đòi có ăn. (Anh cũng đã có một bài về
cái này rồi, tiêu đề là "Tips ghi nhớ...")
c, Phương pháp Power Point: Đây là phương pháp xuyên suốt 2 cái trên, nhưng còn xuyên
suốt cả việc làm bài văn nghị luận. Cái này thì chưa có bài cũ, nhưng đã được nhắc đến
nhiều. Cách thực hành tốt nhất nó, là nếu đang học cái gì, hãy dạy lại chính cái đó cho một
đứa lớp dưới.
d, Phương pháp Luyện tập có ý đồ: Không phải các bạn làm càng nhiều bài tập càng tốt,
mà làm để rút ra kinh nghiệm, rút ra nhận thức của riêng mình. Ví dụ với môn văn thì
không phải làm càng nhiều đề càng tốt, mà viết đi viết lại 1 đề bài và cải tiến, rút kinh
nghiệm đến khi mình ưng ý thì thôi. Với các môn tự nhiên thì là làm các chuyên đề. Trong
mỗi chuyên đề phải tự đúc rút ra nhận thức, kinh nghiệm với mỗi dạng bài, kiểu bài,...
Phương pháp này có thể học theo nhóm. Nhận xét chéo lẫn nhau. Lúc này thì trí tuệ đám
đông sẽ phát huy hiểu quả nè.
Các bạn có mục đích mạnh mẽ, có kế hoạch cụ thể rồi trong quá trình làm việc có lẽ các
bạn cũng sẽ tự đúc kết ra phương pháp phù hợp nhất với mình, chứ không nhất thiết là
phải theo một phương pháp nào.
Ví dụ như anh thấy có nhóm thức từ 2h, 4h sáng. Có một số người học tốt nhất khi yên
tĩnh. Nhưng một số khác lại tập trung cao nhất khi có tiếng nhạc nhẹ bên cạnh. Quan
trọng là ở sóng não. Nếu lúc 2h 4h mà các bạn còn buồn ngủ, thì có học mấy nó cũng
không vào. Não nó chỉ tiếp thu tốt nhất khi hoàn toàn tỉnh táo, sáng khoái. Khi đó 1h học
bằng 3-4h học vào lúc buồn ngủ, ủ ê. Thiếu ngủ cũng khiến não căng thẳng, giảm khả
năng. Lúc đó nó làm việc 3-4h có khi không bằng hiệu suất của nửa giờ tỉnh táo. Đừng để
thiếu ngủ.
Các phương pháp trên anh nói cơ bản còn sơ sài, nhưng vì bài dài rồi. Quá nhiều thông tin
khiến não bạn không tiếp thu được hết mà chỉ thêm rối thôi. Bao giờ anh mở group học,
có điều kiện kèm cặp training thì tính sau.
Tạm hết.
NHỮNG SAI LẦM KHI SỬ DỤNG SƠ ĐỒ TƯ DUY
Sơ đồ tư duy đã không còn xa lạ với các bạn học sinh, sinh viên và những người làm công
việc tư duy sáng tạo. Đối với việc học tập, công cụ này là một phương pháp tái tổng hợp và
(qua đó) ghi nhớ kiến thức một cách có hệ thống, vững chắc.
Kiến thức chỉ là của chúng ta, khi chúng ta tự xử lý hoặc tự tái xử lý chúng sau khi tiếp thu
từ bên ngoài (thầy cô, sách vợ hoặc internet).
Và để thực sự xử lý các thông tin – kiến thức đã tiếp thu, sơ đồ tư duy là công cụ cần thiết.
Tuy nhiên hiện nay, cách sử dụng sơ đồ tư duy của phần đông các bạn học sinh, thậm chí
thầy cô, có những nhầm lẫn, dẫn đến không phát huy được hiệu quả của công cụ này.
Trước tiên hãy cùng điểm lại 7 bước của Tony Buzan – người phát minh ra Sơ Đồ Tư Duy:
1. Bắt đầu từ giữa tờ giấy và vẽ lan ra phía các lề – mép.
2. Vẽ một hình ảnh thể hiện ý tưởng chủ đạo.
3. Sử dụng nhiều màu sắc
4. Liên kết các nhánh với hình ảnh trung tâm, phân cấp các nhánh thông tin
5. Vẽ các nét cong, thay vì nét thẳng
6. Chỉ viết một từ/ cụm từ ngắn trên mỗi dòng
7. Sử dụng hình ảnh càng nhiều càng tốt
Sai lầm phổ biến diễn ra khi chúng ta không thực hiện 2 nguyên tắc cuối cùng. Chúng ta
thấy không hề ít những sơ đồ tư duy quá nhiều chữ. Nhưng rồi lại cho đó là “dày dặn
thông tin” và lấy làm quý báu. Thật sai lầm.
Việc đưa chi chít chữ vào sơ đồ tư duy chỉ chứng tỏ khả năng chắt lọc và phân cấp từ khóa
yếu kém. Cùng với đó, hệ quả sẽ là chúng ta lạm dụng chữ và bỏ qua việc biến chúng
thành hình ảnh (bước 7). Nếu bạn thấy sơ đồ gần nhất của mình chi chít chữ, lần tới hãy
nhớ gạt bớt từ ngữ thừa đi và vẽ minh họa nhiều hơn.
Một sai lầm khác tôi nhận thấy ở những người sử dụng mind map thiếu hiệu quả đó là: vẽ
1 lần, cố gắng chỉn chu hết sức và rồi ngồi học thuộc cái bản đồ. Cách làm này chẳng khác
gì bạn học thuộc vở ghi, chỉ là bạn đã ghi theo cách “hội họa” hơn.
Hãy nhớ, quá trình vẽ sơ đồ tư duy chính là quá trình chúng ta tái tổng hợp và tổ chức lại
thông tin. Điều chúng ta cần làm là VẼ càng nhiều càng tốt, chứ không phải XEM LẠI càng
nhiều càng tốt!Hãy vẽ thành nhiều lượt, nhiều bản thảo, đến khi bạn đã cảm thấy thông tin
được tổ chức đúng và hình ảnh minh họa được liên kết vững vàng. Bản thân quá trình vẽ
đó đã ghi thông tin vào bộ nhớ của chúng ta, thay vì học thuộc lòng. Và phải nhờ thế, sau
này khi xem lại, chúng ta mới “đánh thức” được trí nhớ!
TIPS GHI NHỚ VÀ 8 CẤU TRÚC XÂY DỰNG LUẬN ĐIỂM CHO BÀI VĂN
Gọi là tip ghi nhớ thật ra cũng chưa đúng lắm. Vì nó là Phương pháp Hệ Trí nhớ của Tony
Buzan. Lý thuyết trước nhé, xong thực hành bên dưới.
1. Bạn phải HIỂU nội dung mình cần học thuộc. Hãy chắc chắn là mình đã hiểu được nội
dung cần ghi nhớ. Nếu chỉ học vẹt mà không hiểu thì không nhớ được đâu.
2. Lọc ra các POWER POINT. Tức là các TỪ KHÓA trọng điểm có sức nặng, chứa nội dung
chính và có khả năng gợi lại những thông tin khác.
3. Biến các Power Point đó thành các HÌNH ẢNH. Chú ý: Các hình ảnh này càng HÀI
HƯỚC hoặc VÔ LÝ càng tốt. Và càng cảm nhận được bằng NHIỀU GIÁC QUAN càng tốt.
Nếu ai đó kể cho bạn chuyện 1 con cá to, bạn sẽ không nhớ, nhưng chuyện 1 con cá khổng
lồ cưỡi trên lưng Song Jong Ki thì bạn sẽ nhớ. Điểm mấu chốt đấy.
4. Lựa chọn và xây dựng các HỆ GHI NHỚ của mình. Hệ ghi nhớ là tất cả những danh sách
mà bạn đã có sẵn trong đầu. Ví dụ như danh sách các đồ vật trong phòng riêng của bạn,
danh sách các nghệ sĩ đẹp nhất của YG Entertainment. (Trong phần nâng cao, chúng ta sẽ
học cách xây dựng những danh sách ghi nhớ lên đến 10.000 thứ).
Hệ ghi nhớ là các móc treo để chúng ta treo những thông tin cần nhớ ở phần 3 vào và truy
cập lại, lấy lại chúng khi cần thiết. Giống như cách chia folder và tệp trong máy tính.
5. Liên kết nội dung cần nhớ (các power point) với các mục trong Hệ ghi nhớ theo nguyên
tắc: KỲ QUÁI tối đa, HÀI HƯỚC tối đa, ĐA GIÁC QUAN tối đa. Nói chung là bạn phải điên
điên một tí, à không phải một tí, điên điên kinh hoàng.
Oke, khi người chơi đã sẵn sàng, chúng ta bắt đầu đi tìm: Ai là người nhớ?
Chương trình đưa ra cho bạn 8 kiểu cấu trúc để xây dựng luận điểm cho một bài văn nghị
luận. Chúng tôi sẽ giúp bạn ghi nhớ nó. Nhưng trước tiên, 8 kiểu cấu trúc đó là: (đừng cố
ghi nhớ, hãy cứ đọc thôi)
1. Phân loại: Trình bày vấn đề theo cách phân loại nó thành các nhóm nhỏ, có thể vấn đề
đã tự bao gồm các thành phần, hoặc bạn phải tự chia theo cách của mình. Ví dụ: Nói về
chứng lười học thì có thể phân ra là lười do giỏi, lười do thiếu động lực, lười do thiếu áp
lực,...
2. Đánh giá: Là chia luận điểm theo kiểu: Ưu điểm và nhược điểm; Điểm cộng và điểm trừ;
Lợi ích và tác hại;... Ví dụ: Ưu điểm của lười, nhược điểm của lười,...
3. Thứ tự thời gian: Là chia theo một quá trình phát triển của vấn đề. Ví dụ như quá khứ,
hiện tại, tương lai hoặc trước - trong - sau,... Khi nào tính lười bắt đầu xuất hiện, khi nào
đạt đỉnh điểm, thoát ra như thế nào?
4. So sánh: Nói về điểm giống và điểm khác, từ những khác biệt lớn nhất, rõ ràng nhất,... Ví
dụ như lười so với người đã mất hết mục đích, không thiết tha gì
5. Chuỗi: Thường dùng cho các hiện tượng, vấn đề có sẵn ở dạng chuỗi, quy trình hoặc
diễn biến. Ví dụ như: hành trình vượt qua tâm lý lười biếng,...
6. Nhân - quả: Bàn luận theo kiểu đi tìm nguyên nhân, dự tính kết quả, hoặc đánh giá quan
hệ nhân quả của các vấn đề xã hội. Ví dụ: Nguyên nhân của lười, kết quả của lười...
7. Hỏi đáp: Chia vấn đề thành các câu hỏi từ khái quát đến cụ thể, rồi đi giải đáp từng câu
hỏi. Từ lời đáp của phần trước nảy ra câu hỏi của phần sau. Ví dụ: Phỏng vấn một người
lười
8. Vấn đề - Giải pháp: Phân tích bản chất, nguyên nhân và cơ chế trước, sau đó mới đưa ra
một giải pháp tổng thể. Ví dụ: Phân tích tính lười, người lười. Rồi mới đưa ra giải pháp từ
tạo động lực, tạo áp lực, dùng kế hoạch, dùng giám sát,...
Để cho dễ tiếp cận với nhiều người. Chúng ta sẽ sử dụng một Hệ ghi nhớ mà ai cũng có:
Hình ảnh hóa các con số từ 1-10. Đây là bước chúng ta tạo các “móc treo”.
Số 1 thường làm bạn tưởng tượng đến thứ gì? Cụ thể và cảm tính nhé? Tôi sẽ liên tưởng
đến huy chương vàng - #1. Hãy tưởng tượng một chiếc huy chương vàng chi tiết, lấp lánh,
sáng bóng, nhìn là muốn cắn và có mùi kim loại rõ ràng nhé.
Số 2 là một con ngỗng. Không thể khác được. Một con ngỗng kêu ông ổng và hung hãn.
Số 3 là một cái mông nằm ngang, nếu bạn để ý. Hãy nhớ, chúng ta phải HÀI HƯỚC.
Số 4 trông giống một con dao dựng đứng lên trời, sắc lẹm.
Số 5 giống chữ S, vì thế tôi hay liên tưởng nó đến superman.
Số 6 làm tôi nghĩ đến con xúc sắc. Gieo xúc sắc mà ra lục liên tục thì là thần bài rồi.
Số 7 giống cái lưỡi hái của Thần Chết. Cái lưỡi hái cùn nên nếu bị chém thì không chết
được nhưng vô cùng đau đớn.
Số 8 là cái còng tay, chắc ai cũng dễ dàng hình dung ra nó.
Oke, bây giờ chúng ta sẽ treo nội dung vào các móc bằng TRÍ TƯỞNG TƯỢNG và sự ĐIÊN
RỒ của mình. (Hãy nhớ, não không ghi nhớ những thứ bình thường, chỉ nhớ những thứ
độc đáo, kỳ lạ, hấp dẫn).
1. Từ khóa đầu tiên là “Phân loại”. Phân chính là shi.t. Số 1 là gì? Cái huy chương vàng. Bây
giờ hãy tưởng tượng lại một cái huy chương vàng gần nhất mà bạn thấy, nhưng to lớn như
một cái mâm. Ánh sáng vàng của nó thế nào? Mùi kim loại của nó ra sao? Phải dùng xe
đẩy mới di chuyển được nó. Bây giờ, chúng ta sẽ liên kết nó với cứ.t. Xin lỗi nếu hơi thô
thiển, nhưng phải quái dị thì mới dễ nhớ. Tôi sẽ thả cái huy chương bằng vàng to đùng kia
vào một bể “phân”, chất thải sẽ bắn tung tóe lên và bạn hãy tưởng tượng ra mùi hôi thối
của nó được khuếch tán ra sau cú thả. Bây giờ ai có thể nhảy xuống lấy tấm huy chương
lên thì tấm huy chương thuộc về người đó. Trong những người bạn quen thì liệu ai sẽ nhảy
xuống? Hãy tưởng tượng người đó nhảy xuống hố “phân” để kéo “huy chương #1” lên.
2. Từ khóa thứ hai là “Đánh giá”. Chúng ta cần liên kết nó với con ngỗng (số 2). Hãy tưởng
tượng ra một con ngỗng. Nó hơi giống vịt nhưng cổ dài hơn, lông trăng trắng nhờ nhờ bẩn
bẩn. Đặc biệt là nó vô cùng hung dữ và có răng. Nó kêu ông ổng và bắt đầu lao vào tấn
công bạn. Nó mổ chân bạn rất đau, bạn phải chạy nhưng nó không buông tha cho bạn. Rồi
bạn ngã xuống nhưng tay vơ được một vật gì đó dài dài nặng nặng. Đó là một ngọn “giá” đỗ
to như một cây gậy bóng chày. Bạn dùng nó để “đánh” lại con ngỗng. Cái hạt mầm ở đầu
cây giá đỗ khổng lồ như một chiếc chùy giúp bạn phang vào đầu con ngỗng. Bạn phải
“đánh” con “ngỗng” bằng “giá”.
3. Từ khóa thứ 3 là: “Thứ tự thời gian”. Và phải kết nối với “cái mông”. Thứ tự thời gian
nghe quá trừu tượng. Nên chúng ta sẽ liên hệ nó với cái đồng hồ. Tưởng tượng một cái
đồng hồ báo thức mà bạn nhớ nhất. Ok? Bây giờ gắn cho nó một cái mông. Mỗi sáng, thay
vì báo chuông, cái đồng hồ đó sẽ nhảy lên mặt bạn và chà cái mông của nó vào mặt bạn
cho đến khi bạn tỉnh dậy thì thôi.
4. Từ khóa thứ 4 là: So sánh. Chúng ta phải gắn nó với hình ảnh con dao của số 4. Hãy
tưởng tượng bạn có một chiếc bánh gato to bằng ngôi nhà của bạn. Có 2 người khổng lồ
đang ngồi chờ bạn dùng một con dao cũng siêu to khổng lồ chia miếng bánh đó cho họ.
Bạn phải vất vả lắm mới nâng được con dao lên. Khi cắt xuống chiếc bánh, đầu tiên là lớp
kem, sau đó đến vỏ bánh, sau đó đến phần gato. Nhưng khi vừa cắt xong, thì một người
khổng lồ hét lên khi so sánh thấy miếng của anh ta nhỏ hơn gã kia. Bạn lại cắt một ít từ
miếng to đẩy sang miếng nhỏ. Nhưng lần này đến lượt gã còn lại hét lên vì bạn đã cắt quá
nhiều. Cả 2 cứ liên tục so sánh rồi càng lúc càng tức giận với bạn, chỉ muốn đập bạn cái
bép vì thói so sánh ganh đua của chúng.
5. Từ khóa thứ 5 là: Chuỗi. Phải liên kết nó với Siêu Nhân. Hãy tưởng tượng ra Siêu Nhân.
Anh ta mặc bộ đồ bó với cơ bắp cuồn cuộn như thế nào? Mỗi bước chân vừa nặng trịch vừa
thanh thoát như thế nào? Cách anh ta ưỡn ngực ra mọi lúc ra sao? Oke chưa? Bây giờ
tưởng tượng ra anh ta thật ra lại là bê đê. Vẫn trông như vậy nhưng cổ đeo một CHUỖI
NGỌC TRAI. Tay anh ấy nhẹ nhàng mân mê chuỗi ngọc trai sáng loáng như mấy cô gái
nhà nghèo mới được đại gia giàu có mua cho thứ trang sức đắt tiền đầu tiên. Rồi Siêu nhân
làm dáng để khoe CHUỖI ngọc trai đó với chị em của mình là Người Dơi, Người Nhện và
Flash. Cũng đều là ổ LGBT.
6. Nhân - quả. Phải liên kết nó với cái xúc sắc. Thần bài. Nhân quả thì dễ liên tưởng đến
luật nhân quả. Luật nhân quả cho người đam mê bộ môn xúc sắc là “giờ ta chẳng còn chi,
mãi trắng tay mà thôi, đầu bạc răng long phũ phàng”. Hãy tưởng tượng chú Duy Mạnh đi
tu, giảng bài cho phật tử về luật nhân quả, trên tay chú lần lần 1 tràng hạt nhưng tràng hạt
đó được làm từ những con xúc sắc.
7. Hỏi - đáp: Chúng ta phải liên kết nó đến Lưỡi Hái Tử Thần. Hãy tưởng tượng ra lớp học
của bạn đang trong giờ kiểm tra miệng đầu giờ. Người kiểm tra là cô giáo khó tính nhất,
đáng sợ nhất mà bạn từng biết. Lần này, cô có một cái lưỡi hái tử thần bên cạnh. Xui xẻo
thay bạn là người lên kiểm tra. Cô hỏi bạn đã học bài cũ chưa? Bạn nói dạ rồi! Cô vung lưỡi
hái lên và bắt đầu câu hỏi thứ nhất. Cái lưỡi hái lạnh lẽo hình số 7toát ra luồng khí đen
buốt giá khiến cho bạn cứng họng. Cô đếm 3 2 1 và vút một cái, bạn thấy cái lưỡi hái lao
thẳng về phía mình. Xong bạn xỉu.
8. Giải pháp - vấn đề: Chúng ta phải liên kết nó đến Còng Số 8. Bạn hãy tưởng tượng lại
mình là nhân vật chính trong một bộ phim cách mạng hoặc phim võ lâm Trung Quốc. Đó
là cảnh bạn bị còng tay bởi một cái còng số 8 và bị quân lý áp GIẢI ra PHÁP trường. Bạn
không được đi giày dép mà phải đi chân đất. Cái còng tay có những lưỡi cưa nhỏ siết vào
tay bạn vừa lạnh lẽo vừa đau đớn. Bạn bị GIẢI lên PHÁP đàn, nơi đao phủ đã đợi sẵn để
hành quyết bạn. Nhưng rồi bạn vận công đúng vào lúc nguy hiểm nhất đánh bay tất cả,
tung chưởng loại bỏ toàn bộ đám lính và tự mình bắt tên pháp quan rồi đấm hắn không
trượt phát nào.
Oke. Đừng đọc lại phần trên. Hãy nghỉ 10 giây.
Sau 10 giây, bây giờ tôi sẽ hỏi bạn:
- Từ khóa số 5 là gì?
- Từ khóa số 2 là gì?
- Hãy kể ngược các nội dung trên từ 8 đến 1 nào: 8 là? 7 là? 6 là? 5 là? 4 là?...
Bạn đã cảm thấy việc ghi nhớ dễ dàng và thú vị hơn chưa?
Hãy nhớ kỹ, khi áp dụng phương pháp này, bạn phải tư duy thật kỳ quặc, hài hước, dị
thường vì não bộ sẽ không bao giờ ghi nhớ được cái nội dung bình thường, nhàm chán.
Bên cạnh đó là phải hiểu được các nội dung cần học trước. Bởi vì phương pháp chỉ giúp
bạn ghi nhớ từ khóa, chứ không ghi nhớ chính xác mọi ký tự được như máy vi tính.
Và dĩ nhiên, phải chọn lọc được các power point quan trọng.
Chúc các bạn thành công!
CÁCH ĐỂ KHÔNG BỊ BÍ MỞ BÀI
Vì sao mở bài là phần khó viết nhất? Vì sao mở bài là phần gây đắn đo nhiều nhất? Làm
thế nào để không bị rối và bí khi mở bài? Làm thế nào để không luẩn quẩn mất thời gian
với mở bài?
Chắc chắn là nhiều bạn làm văn bị vướng vào những câu hỏi này. Các bạn tìm kiếm mở bài
mẫu, cố gắng học thuộc để áp dụng theo, nhưng để tôi nói cho các bạn biết vì sao bạn đọc
bao nhiêu mở bài mẫu thì bạn vẫn cứ thấy lấn cấn, sao sao mà thôi.
Đó là vì phần mở bài chính là phần "lấy giọng" của bài văn. Hay nói chính xác hơn, cái
trọng điểm nhất, khó nhất của mở bài chính là giọng điệu chứ không phải nội dung.
Ai chả biết cấu trúc 3 phần của tất cả các mở bài trong cái zũ trụ này. Mở đầu - Chuyển
hướng - Đưa ra vấn đề. Người bay bổng thì mở đầu bằng thơ, người thích lý luận thì mở
đầu bằng lý luận, người trí nhớ tốt thì mở đầu bằng trích dẫn câu nói,... Một khi mà bí thì
chính là bí ở cái mở đầu này. Bí mở đầu thì viết liều, viết liều thì khó cho câu dẫn để
chuyển hướng về đưa ra vấn đề.
Bạn đọc một tỉ mở bài mẫu, nhưng mà đó là một tỉ giọng điệu khác nhau và nó vẫn không
phải cái giọng điệu của bạn. Thôi thì để cho nhanh cho tiện bạn học thuộc luôn cả giọng
điệu nào đó hợp hợp với mình. Sau cùng bạn cứ thấy lấn cấn, không hài lòng. Là bởi vì bạn
đã "diễn" bằng giọng điệu của người khác, hoặc của giáo viên, nên bạn thấy mình không
thể hiện được hết cái mà mình nghĩ, mình hiểu, mình nhớ.
Vậy bây giờ thế nào? Đơn giản thôi, hãy hình thành giọng điệu của mình.
Có giọng điệu riêng của mình rồi thì bạn sẽ không phải băn khoăn với việc nên chọn kiểu
mở bài gián tiếp hay trực tiếp, đi từ đâu dẫn về đâu,... Đơn giản, giọng của bạn như thế nào,
trường phái của bạn là gì, thì với mọi vấn đề đều dễ dàng bắt đầu.
Anh Độ Mixi bắt đầu stream đều "Hí anh em!" Nhưng mà không bị nhàm chán. Vì cái
giọng của ảnh như vậy rồi. Khi có cái chất giọng riêng rồi, thì bắt vào bất cứ vấn đề nào
cũng có thể nói được ngay thôi.
Làm sao để có giọng riêng?
Đầu tiên là bạn phải có một thế giới quan, một hệ giá trị vững chắc của riêng mình. Nó sẽ
là cái để chúng ta ngay lập tức đánh giá, phán đoán được 1 vấn đề. Dù nó thế giới quan có
không hoàn hảo, có thiên hướng về một phía, nhưng nó vẫn là chất riêng.
Với nghị luận xã hội thì đó là thế giới quan, quan điểm sống của bạn. Chẳng hạn với đề:
"Sống là tỏa sáng!", người quan điểm trầm ổn sẽ mở đầu theo kiểu: vũ trụ này là cân bằng,
ánh sáng là vận động, bóng tối là vĩnh viễn. Còn người theo quan điểm YOLO sẽ mở đầu
kiểu: Yo, đúng rồi, cháy lên anh em!!! Không có cách nào là đúng hay sai, vì đây là văn mà,
chỉ có ấn tượng hay kém ấn tượng.
Với nghị luận văn học thì đó là nền tảng kiến thức lý luận. Bạn có thể thích chủ nghĩa lãng
mạn, bạn có thể thích kiểu phê bình logic,... Nhưng đừng chọn tất cả các kiểu mở bài để
học vì nghĩ nó phong phú, hãy chọn kiểu đúng với cái giọng của mình.
Thứ hai, đó là hãy bắt chước giọng điệu của những cây viết bạn thích, không hẳn phải là
nhà văn hay nhà phê bình. Có thể là bất cứ ai viết lách, nói chuyện mà có giọng điệu khiến
bạn thích thú, muốn học theo. Nhưng đừng chỉ học một người. Hãy đọc và nghe nhiều
người. Quá trình chuyển từ việc tiếp thu cây bút này sang cây bút khác, dần dần tự những
điểm thích hợp với mình sẽ đọng lại. Sau cùng nó sẽ định hình giọng điệu của bạn.
Đây không chỉ là cách làm mở bài nhanh hơn, mà còn là cách làm cho bài văn của mình
trở nên khác biệt, nổi bật. Kể cả khi bạn không thế sáng tạo một chút nào về ý tưởng với
một đề văn quá đóng, cái giọng điệu khác biệt cũng đã làm nên sự nổi bật cho bài văn rồi.
LÀM SAO ĐỂ VIẾT VĂN KHÔNG BỊ “LỦNG CỦNG”
Hình như từ khóa “lủng củng” là từ được giáo viên dùng nhiều nhất để nhận xét về các bài
văn của chúng ta. Mọi người vẫn hiểu “lủng củng” là kiểu diễn đạt không thoát ý, loanh
quanh luẩn quẩn, chân nam đá chân chiêu, râu ông nội cắm vào cằm bà ngoại. Nhưng làm
sao giải quyết được nó?
Thật ra hiện tượng “lủng củng” hoàn toàn có thể giải quyết thông qua rèn luyện. Bản chất
của lủng củng là bạn viết theo mạch suy nghĩ của mình, nghĩ tới đâu viết tới đó.
Nhưng mạch suy nghĩ của chúng ta thì thường miên man vô tận, đang ngồi học tự nhiên
nghĩ đến cái mụn ở cằm, xong lại nghĩ chiều đi học về ăn gì ngon đây ta? Con méng kia
đang nói xấu gì mình ta? Vincenzo hết rồi huhu xem gì ta? Đại khái thế.
Mạch suy nghĩ khi tập trung có thể rõ ràng hơn, nhưng đó vẫn là mạch suy nghĩ của chúng
ta. Còn người đọc bài họ lại tiếp nhận thông tin theo mạch đọc, mạch suy nghĩ của họ. Nên
cái bạn cần không phải viết ra suy nghĩ của mình, mà là viết ra đế dẫn dắt suy nghĩ của
người đọc, viết theo cách dễ hiểu nhất cho người tiếp thu.
Muốn thế, trước tiên mạch suy nghĩ của chúng ta phải rõ ràng và mạch lạc. Muốn tư duy
logic, rõ ràng và mạch lạc thì kiến thức của bạn phải dựa trên các từ khóa (phương pháp
power point đã nói ở các bài trước) và tất nhiên, bạn thật sự hiểu vấn đề. Chứ không phải
bạn cứ học thuộc lòng lời người khác rồi “hót” lại trong bài viết như chú vẹt.
Cơ bản để viết không lủng củng có 2 điều kiện: Điều kiện cần là một tư duy mạch lạc, điều
kiện đủ là một kỹ năng diễn đạt mạch lạc.
1. Để có một tư duy mạch lạc:
- Thường xuyên đọc các tài liệu khoa học, phi hư cấu, gia tăng phông nền kiến thức: Triết
học; Tâm lý; Kinh tế; Lịch sử; Văn hóa;...
- Tiếp thu kiến thức dựa trên từ khóa và mối liên hệ giữa các từ khóa thay vì cố gắng học
thuộc lòng tất cả mọi thứ
- Thường xuyên đặt câu hỏi, đánh giá các vấn đề, phản biện, tìm kiếm giải pháp,...
2. Để có một kỹ năng diễn đạt mạch lạc:
- Đọc để nâng cao vốn ngôn ngữ, vốn từ, cách diễn đạt sinh động, hấp dẫn, không bị khô
cứng
- Hãy tập giảng lại những gì mình biết cho người khác, hoặc thuyết trình, tranh biện
- Viết một đề tài nhiều lần, đến khi đọc lại thấy hài lòng. Thay vì cố gắng viết được 1 lần
càng nhiều đề càng tốt mà không hề đọc lại, tìm lỗi và rút kinh nghiệm.
- Hãy đưa ra vấn đề/ thông điệp một cách ĐƠN GIẢN, tập trung vào TỪ KHÓA. Sau đó mới
giải thích nếu cần thiết.
- Đừng lan man từ điểm này sang điểm khác, cái lẽ ra chỉ được nhắc sau đó. Nếu trong lúc
viết, bạn thấy bài luận của mình gượng gạo, hãy dừng lại và xem xét lại dàn bài.
- Có thể bạn hiểu chính xác mình muốn nói điều gì, mọi thứ đều rõ ràng với bạn vì bạn đã
nghiên cứu và suy ngẫm nó rất nhiều, nhưng NGƯỜI KHÁC LẠI KHÔNG HIỂU GÌ MẤY. Do
đó mọi thứ cần rõ ràng cho người đọc.
LÀM SAO ĐỂ KHÔNG PHẢI HỌC THUỘC CẢ BÀI PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
Chăm chỉ học tập là thói quen rất tốt. Nhưng học tập thông minh mới là cách để cải thiện
nhanh, có hiệu quả hiệu suất và kết quả học tập. Không nên đổ hết mọi thất bại cho việc
“mình vẫn chưa đủ cố gắng, mình vẫn chưa đủ chăm chỉ”. Để thành công được thì “nhiệt
tình cách mạng” thôi là không đủ, phải có “phương pháp đấu tranh” hiệu quả.
Tình cờ tôi thấy một bài hạ quyết tâm học thuộc của một bạn nào đó lúc nãy, nên biên bài
này để góp cho các bạn phần nào bớt khổ sở khi học kiểu chú vẹt Rio.
Ít nhất, khi phải học thuộc nội dung của một tác phẩm, việc các bạn đã hiểu được cách
phân tích nó, sẽ giúp chúng ta bớt tốn thời gian và công sức hơn. Đa phần các bạn cố gắng
học thuộc lòng TẤT CẢ bài phân tích đều là vì bạn không hiểu vì sao lại phân tích như
vậy.
Một tác phẩm văn học thường có 4 lớp (như sơ đồ bên dưới). Việc đi từ lớp ngoài vào bên
trong chính là chúng ta đi phân tích tác phẩm. Lớp bên ngoài cung cấp cho chúng ta
những “manh mối” để tìm hiểu và hình dung về lớp trong ngay sát nó, và lại tiếp tục như
vậy. (Tất nhiên để phân tích được đôi khi thầy cô cũng dùng những dự liệu ngoài tác
phẩm. Nhưng chúng ta sẽ bàn sau, bởi vì gốc rễ của phân tích phải là từ văn bản đó, chứ
không phải tiểu sử nhà văn như kiểu mối tình đầu tên Cook).
Với mỗi tác phẩm mà các bạn đang học, hay thử phân lớp ra như vậy và phân tích
bằng-chính-khả-năng-phán-đoán-của-mình. Lần đầu làm được 10% là hơn 0% rồi, khi đã
quen các bạn sẽ cảm thấy mọi thứ dễ dàng hơn. Đừng bỏ cuộc. Khi tôi dạy các lớp gia sư
(hay online) của mình, tôi cũng cố gắng dạy các bạn hs kỹ năng này, chứ còn nhồi chữ vào
đầu các bạn đã có cô giáo trên lớp rồi.
Ngoài ra, để tóm tắt các tác phẩm văn học một cách dễ học hơn. Các bạn cũng có thể tự
nhặt ra, đánh dấu các điểm quan trọng trong tác phẩm. Trong đó:
Đối với thơ, các bạn cần nắm chắc: Nhân vật trữ tình; Mạch cảm xúc; Nghệ thuật thơ;
Phong cách nhà thơ.
Đối với truyện, các bạn cần nắm chắc: Cốt truyện - Tình huống; Hình tượng nhân vật;
Nghệ thuật kể chuyện.
Chi tiết những nội dung này thì thường phải tốn ít nhất vài bài giảng và luyện tập trong
vòng khoảng tối thiểu 6 tuần. Nhưng hi vọng một vài gợi ý đó có thể giúp các bạn lên kế
hoạch và quy hoạch kiến thức một cách dễ nuốt hơn.
Chúc may mắn.
CÁCH DÙNG TỪ VÀ BIỆN PHÁP TU TỪ
Trước hết phải nhìn nhận rằng, dùng từ và biện pháp tu từ chỉ là vấn đề về hình thức, về
cách diễn đạt. Nếu bạn không có nội dung, không có kiến thức vững chắc trước, thì bạn có
diễn đạt hoa lá cành, múa may đến đâu thì cuối cùng chỉ là lời sáo rỗng. Nó giống như các
bài phát biểu khai giảng, nói rất nhiều, có vẻ rất nghiêm trọng, nhưng chẳng có nội dung
gì và chỉ gây buồn ngủ.
1. Do đó, level đầu tiên cần đạt đến chính là ĐÚNG TỪ KHÓA. Bạn nói ra đúng từ khóa,
đúng thuật ngữ chính là cách dùng từ tốt đầu tiên. Từ khóa đúng và thống nhất là nền
móng cho lập luận vững chắc, sáng tỏ, mạch lạc. Bản thân việc từ khóa đúng, thống nhất
xuyên suốt cũng giúp mạch tư duy của bạn trong bài rõ ràng, không lan man, không lủng
củng.
(Phương pháp "từ khóa" - power point cũng là phương pháp xuyên suốt cách đào tạo của
mình, chắc sẽ giới thiệu riêng sau)
Mà để dùng được từ đúng, chính xác thì đương nhiên bạn phải học và hiểu rất cẩn thận,
chính xác các khái niệm, kiến thức. Học đến đâu chốt thật chắc đến đó, thà biết ít mà chắc
chắn còn hơn biết nhiều mà không chắc chắn, mơ hồ.
2. Cao hơn dùng từ ĐÚNG chắc chắn là level dùng từ TRÚNG. Mặc dù là 2 level nhưng
hoàn toàn có thể rèn luyện cùng lúc. Nếu dùng từ ĐÚNG là bạn học các kiến thức cơ bản
thật chắc, thì dùng từ TRÚNG luyện bằng cách: (1) đọc thật nhiều để nâng cao vốn từ, vốn
nhiều thì mới có cái để chọn mà TRÚNG và (2) chủ động suy ngẫm, trăn trở về các vấn đề.
Đọc thật nhiều không phải chỉ là đọc văn học nhé, đọc tất cả mọi thứ, nhưng tốt nhất là
những cái tiêu biểu của văn hóa đại chúng. Vì cái này còn bổ trợ cho cả các ví von, so sánh
khi dùng biện pháp tu từ. Còn chủ động suy ngẫm, trăn trở là mình không chỉ học cho
thuộc các vấn đề quan trọng, mà còn phân tích nhiều khía cạnh về nó, tìm ví dụ, thử ứng
dụng, để tìm ra cái trọng điểm, cái tính triết lý của nó. Kiểu như văn học phản ánh hiện
thực, thì phải hiểu phản ánh tức là "cái này để lại dấu ấn trong cái kia", giống như vết chân
trên nền cát.
Một yếu tố khác để dùng từ trúng là đừng dùng nhiều từ. Thậm chí là lược bỏ tối đa những
thành phần thừa trong câu. Thói quen lược bớt phần thừa này cũng là một yếu tố cần rèn
luyện để viết văn bớt dài dòng, cô đọng hơn, "chất" hơn. Bạn dùng ít từ mà từ có sức nặng,
một "power point", thì sẽ ấn tượng hơn 3-4 tính từ mà cùng 1 sắc thái nghĩa, đưa vào cốt
lấy nhiều, lấy cái luyến láy vô bổ.
3. Oke, sau khi đã làm chủ được từ khóa, chọn được từ đắt thì mới đến biện pháp tu từ.
Cũng như mình phải biết đi xe đạp, điều khiển xe an toàn, vào cua gọn gàng, luồn lách
chính xác thì mới đến chuyện bốc đầu bốc đí.t đươc.
Biện pháp tu từ thì các bạn đã được học quá nhiều rồi, phân tích nó phải đến cả vạn lần.
Nhưng có mấy lưu ý thế này:
Một là, biện pháp tu từ là để nhấn mạnh, tạo ấn tượng. Mà đã là nhấn mạnh, thì chỉ nhấn
mạnh những chỗ quan trọng trong bài, nhất là những cái phát kiến, sáng tạo riêng của
mình. Chứ bài văn mà chỗ nào cũng nhấn mạnh thì nó thành chiến lược "quả mít" vì đâu
đâu cũng là mũi nhọn. (Câu vừa rồi là biện pháp tu từ gì?). Đừng lạm dụng, nó sẽ thành
rườm rà, sáo rỗng, vô bổ.
Hai là, biện pháp tu từ không phải chỉ dành để diễn đạt cho sinh động, mà còn có thể dùng
để giải thích. Giải thích là làm cho cái khó hiểu trừu tượng trở thành cái dễ hiểu, sáng tỏ.
Thế thì phần sau mới dễ bàn luận. Hơn nữa tập dùng tu từ để giải thích, để đơn giản hóa
vấn đề là cách tốt để bạn luyện tập làm chủ các biện pháp tu từ, không sa vào hoa lá cành,
vô duyên. Kiểu như so sánh cái đẹp trong văn học với Tây Thi, là cái đẹp đến từ sự tưởng
tượng. Không ai trông thấy cụ thể Tây Thi thế nào, nên mỗi người sẽ tưởng tượng theo ý
mình, và do đó vẻ đẹp Tây Thi vừa huyền thoại, vừa phong phú, luôn luôn hấp dẫn. Hình
tượng văn học cũng thế, mỗi người sẽ có một hình dung, tưởng tượng, cho nên rất phong
phú.
Ba là, khi sử dụng biện pháp tu từ thì bạn nên chọn những biện pháp mà hỗ trợ tốt cho
giọng văn, phong cách viết của bạn. Chẳng hạn tôi thích viết ngắn gọn, súc tích, cô đọng
thì tôi sẽ thích ẩn dụ hơn so sánh, tôi sẽ ít dùng điệp cấu trúc câu. Hoặc tôi sẽ chỉ dùng
điệp ngữ, điệp cấu trúng khi cần nhấn mạnh một power point lớn của bài viết.
Bốn là, cao thủ của sử dụng biện pháp tu từ là một biện pháp lớn xuyên suốt cả bài văn.
Kiểu như bạn đã nhân hóa thơ là một mỹ nhân, thì ở những luận điểm quan trọng, bạn
phải nói về thơ như là nói về một cô gái. Bạn phải gọi là nàng, phải nói về "dung nhan của
nàng" chứ không gọi là "hình thức của thơ", gọi là "nội tâm của nàng" thay vì "nội dung
thơ". Tất nhiên, phải phù hợp với phong cách viết của bạn nữa.
Năm là, muốn dùng biện pháp tu từ thì bạn phải có khả năng liên tưởng phong phú. Muốn
liên tưởng được phong phú thì phải có hiểu biết rộng, phong phú trên nhiều lĩnh vực, phổ
biến nhất là triết học, xã hội học, rộng ra là kinh tế, tâm lý, thậm chí vật lý, hóa học. Kiểu
như: mỗi nhà văn sẽ có một nhãn quan nhạy bén riêng về một mảng đề tài, nhãn quan đó
sẽ "xúc tác" với một tình huống, hoặc một hình mẫu thực tế, để "kết tủa" ra thành hình
tượng. Do đó hình tượng có thể bắt nguồn từ hình mẫu, nhưng nó không thể đánh đồng
với hình mẫu. Và như thế cũng có nghĩa là, bạn phải hiểu thật chắc chắn các vấn đề mà bạn
muốn dùng biện pháp tu từ để diễn đạt. Vì nếu không thì sẽ thành diễn đạt sai, hoặc thừa
thãi, vô duyên.
Tóm lại, hãy nắm thật chắc chắn các kiến thức, thậm chí đào sâu suy ngẫm về các nội dung
quan trọng; đọc và tiếp thu tri thức từ nhiều nguồn phong phú, tăng vốn từ, tăng vốn
tưởng tượng; phải tìm ra một giọng điệu cho mình để việc diễn đạt nói chung và tu từ nói
riêng thống nhất, duyên dáng.
LÀM SAO ĐỂ SẮP XẾP CÁC Ý TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN MỘT CÁCH LOGIC HƠN
Thật ra đây cũng là vấn đề mà tôi phải đối mặt trong suốt giai đoạn từ cấp 2 cho đến tận
lớp 11. Dù có lập dàn ý trước khi viết, giải thích đề bài trước khi bàn luận, hít thở rất sâu
khi viết để cố gắng tránh né,... cuối cùng vẫn có cảm giác rằng mình chân trái đá vào chân
phải, đang cái nọ lại xọ cái kia.
Tuy nhiên không phải vì tôi mất thời gian khá lâu để tìm ra cách giải quyết mà vấn đề này
nghiêm trọng. Thật ra không quá khó để khắc phục.
1. Thứ nhất việc bạn không phân tách rạch ròi được ý là vì trong tư duy hoặc kiến thức của
bạn không rạch ròi được ý. Do kiến thức bị nông, hoặc tư duy chưa sắc.
Để khắc phục chuyện này, phải nắm chắc được các từ khóa. Hay gọi là phương pháp power
point. Từ khóa của đề bài và từ khóa của kiến thức.
Giải thích đề bài phải chốt được từ khóa trung tâm và từ khóa vệ tinh. Nhất là mối quan hệ
giữa các từ khóa đó, vì mỗi từ khóa là một vấn đề trong đề bài. Người ra đề diễn đạt vấn đề
bằng hình ảnh, bằng ví von, thì mình phải "quy đổi" nó về các từ khóa, các thuật ngữ chính
xác trong phần giải thích.
Chẳng hạn hồi trước có đề văn "Đánh thức tiềm lực Việt Nam" thì phải quy đổi ra, tiềm lực
có mấy tiềm lực? Tiềm lực tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực vị trí địa chiến lược, tiềm lực
con người,... trong đó cái nào là tiềm lực quan trọng nhất, tiềm lực nào quyết định những
cái còn lại? Dĩ nhiên là con người. Tư duy sáng tỏ như thế thì bạn cứ việc triển khai ra thôi.
Và dĩ nhiên xoáy sâu phải vào tiềm lực con người: tiềm lực từ trí tuệ, tài năng, tiềm lực từ ý
chí, thái độ,...
Chính phần Giải thích đề nó định hình luôn các luận điểm cho mình đó. Mỗi luận điểm là
một từ khóa. Dĩ nhiên, các vấn đề liên kết đến nhau, mình vẫn phải nhắc đến, nhưng nắm
được power point của mỗi luận điểm rồi, thì sẽ chủ động không để xiên xẹo.
2. Thứ hai, việc viết ý nọ chèn vào ý kia nhiều khi còn là do thói quen lập luận quá tham.
Đang nói cái này lại muốn nói cái kia, hoặc do dòng suy nghĩ của bạn làm chủ bạn, thay vì
bạn làm chủ dòng suy nghĩ của mình. Bình thường trong một ngày suy nghĩ của mình nó
cũng chạy lung tung thế mà. Đang ngồi trong lớp thì sờ tóc, lại nghĩ là ui nay tóc mình đẹp
quá ta. Tóc đẹp lại nhớ ui tôi cắt tóc hôm trước tay mềm quá ta. Ui đàn ông tay mềm thì
dịu dàng quá ta. Xong lại xiên tiếp sang Song Jong Ki tay có mềm không ta?
Cho nên bạn để cho dòng suy nghĩ làm chủ mình thì sẽ viết xiên xẹo. Mà bạn muốn làm
chủ dòng suy nghĩ, thì bạn phải chốt từ khóa như trên, dĩ nhiên. Quan trọng hơn là, tập
viết đi viết lại một đề, cho đến khi mọi thứ thật sự sáng tỏ, logic. Vì nó là kỹ năng, nên bạn
phải làm đi làm lại một đề. Nhớ đó, một đề thôi, đừng có tham làm nhiều đề. Nhưng làm
đến khi đọc lại thấy ưng ý thì mới thôi, hoặc nhờ người khác đánh giá giùm đến khi ưng ý
mới thôi.
3. Thứ 3, trong dài hạn, bạn phải đọc thêm nhiều cả về lí luận văn học và các ngành khoa
học khác như triết học, tâm lý, kinh tế, ... để nhằm hai mục đích: Một là tăng vốn từ, vốn
kiến thức. Phải có vốn thì bạn mới có từ khóa mà dùng, và chốt được đúng từ khóa cần
dùng. Hai là học cách trình bày vấn đề, lập luận vấn đề của các tác giả viết sách. Bạn nghĩ
họ viết quyển sách liền một mạch là xong à? Không, họ phải viết đi viết lại có khi đến cả
trăm bản thảo. Họ làm một "bài văn" cỡ lớn không dưới một chục lần để có cái cho bạn
đọc. Cho nên bạn chắc chắn có thể học cả cái hay và cái dở từ họ.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tập bằng cách "dạy" lại vấn đề mà mình đã học được cho một
bạn, một bạn khóa dưới. Dạy lại nội dung chính là một cách để mình học, ghi nhớ và suy
ngẫm về vấn đề rất hiệu quả. Nhất là trong chuyện chốt được những từ khóa quan trọng
của vấn đề đó.
Bạn đừng sợ là mình không hiểu sâu mà đòi dạy ai. Đừng nghĩ nhiều thế, đơn giản là mình
giảng giải lại cho một người chưa biết. Nếu bạn giảng giải lại cho một đứa lớp 4 hiểu được
vấn đề của môn học ở lớp 9, thì chứng tỏ khả năng truyền đạt và độ hiểu vấn đề của bạn đã
tốt. Còn dạy không được cũng chả sao, trong quá trình dạy đó chính mình cũng sẽ hiểu rõ
vấn đề hơn nhiều đó.
Nếu các cách trên vấn chưa được, hãy nói với tôi để tôi đưa thêm phương án.
ĐỌC GÌ ĐỂ GIỎI VĂN?
Đọc và viết là vòng luân hồi để nâng cao kỹ năng văn vở. Đọc xong viết, viết xong đọc.
Không đọc thì không có gì để viết, không viết thì cái mình đọc chỉ là đồ đi mượn, thông tin
không được xử lý qua não mình. Nó không thành kiến thức của mình. Bài này định hướng
đọc.
Vậy đọc thì đọc cái gì? Đọc thế nào? Đọc từ đâu đến đâu?
1. Hãy đọc những chủ đề mình thích.
Đọc Doraemon cũng có vô số vấn đề nhân văn để vận dụng vào bài. Thậm chí vô cùng thiết
thực, vì mỗi bảo bối chính là một ẩn dụ về cuộc sống nếu bạn biết liên hệ. Đọc cái chủ đề
mình thích thì sẽ dễ đọc được nhiều, dễ tiếp thu, gắn bó với phong cách tư duy và phong
cách viết của mình. Liên hệ đến Doraemon hay cái gì không quan trọng bằng việc làm rõ
được vấn đề. Thậm chí dùng Doraemon mà luận giải được mọi vấn đề trong cuộc sống thì
bài viết càng thú vị chứ sao. Chưa thấy bài văn nổi tiếng điểm cao nào dùng Doreamon
luận thiên hạ cả. Cứ phải Tây Du Ký với Hamlet nhức đầu. Dùng cái đao to búa lớn để nói
chuyện đao to búa lớn thì ai chả nói được. Chả có gì mới mẻ sáng tạo cả.
Tất nhiên, để cho dễ thẩm thấu và dễ dùng thì các bạn có thể chọn những thứ gần với văn
hóa đại chúng. Mình không nói chỉ có sách nhé, hãy đọc từ nhiều nguồn và chắt lọc. Harry
Potter, Thủy Hử, Spiderum,... Vì văn hóa đại chúng mới là thứ người đọc bài của bạn dễ
hiểu. Chứ một nội dung quá lạ thì lại mất công giải thích, trình bày lại, cũng như khó tạo
được sự đồng cảm. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - ví dụ kinh điển của nghị luận xã hội - là
một biểu tưởng văn hóa đại chúng.
2. Những thứ cần lưu ý hơn một chút
a. Lí luận văn học
Thật ra cái này cần vì chúng ta vẫn còn đang thi nghị luận văn học thôi. Lý luận văn học
hiện tại thì toàn giáo trình cho cao đẳng và đại học, nên các bạn là học sinh cũng khó thẩm
thấu. Mình đang chuẩn bị cho ra vlog đơn giản hóa lí luận để các bạn học sinh dễ tiếp thu
và chỉ cần học những cái cần thiết cho hiểu biết thông thường. Hi vọng mình đủ rảnh để
cho ra video sớm.
Có lí luận là để các bạn không phải học thuộc những bài phân tích dài dòng mà vốn dĩ
không thể học thuộc được. Đồng thời để tự có phân tích, phán đoán của riêng mình, thì
viết mới tốt. Và dĩ nhiên, để có thời gian mà đọc cái khác.
b. Một số kiến thức "công dân toàn cầu"
- Tâm lý học: Cái này có nhiều sách thường thức, được viết dễ hiểu cho mọi người. Tâm lý
cũng thú vị nên chắc các bạn tự tìm thoải mái.
- Kinh tế học: Kinh tế học cung cấp cho các bạn nhãn quan thực tế để phán đoán và đánh
giá các vấn đề xã hội, cũng như con người. Bạn sẽ nhìn thế giới rất khác, bớt đạo đức hóa
mọi thứ đi. Mà muốn đọc kinh tế học thì chọn quyển: "Đô la hay lá nho? - Economic
naked"
- Triết học: Cái này với học sinh thì khó nuốt, có quyển Plato và con thú mỏ vịt bước vào
quán bar... Triết học qua truyện cười, dễ hiểu dễ đọc cho lứa tuổi từ 12 trở lên. Hoặc đọc dự
án Triết học tuổi trẻ
- Văn mẫu, nhưng mà là văn mẫu IELTS
- Spiderum: Một phiên bản Reddit của Việt Nam nhưng nội dung kiểu được chắt lọc hơn
chứ không có thiên hướng tự do như Reddit. Nói chung trang này giờ cũng nổi tiếng rồi.
Đọc cũng khá, nhiều tác giả thú vị.
Kể ra thì nhiều vô cùng để đọc hết. Mà kiến thức và tư duy thì nó luôn luôn tiến lên. Có
những lĩnh vực cũng muốn giới thiệu cho các bạn nhưng mình còn chưa đọc thì không biết
nói thế nào. Kiểu như mấy quyển về nhân loại - lịch sử như: Homo Sapiens, Homo Deus,...
rồi sách về văn minh - văn hóa... cái đó tăng phông kiến thức cực nhanh.
Thật ra có đọc nhiều đến đâu các bạn cũng sẽ thấy là chỉ có 20% từ khóa cốt lõi chiếm
80% nội dung. Còn lại sẽ là những thứ mà mình có thể tra cứu sau, khi cần thiết. 20% đó
chính là các power point. Phương pháp power point thật sự xuyên suốt cả việc tiếp thu
kiến thức này, cũng như việc trình bày, viết lách, thuyết trình,...
Nói chung là xuất bản mồm thì bao giờ cũng dễ hơn xuất bản viết. Cho nên mình mới ấp ủ
làm vlog chứ ngồi soạn thảo kinh nghiệm như này mệt mà đau mắt.
Các bạn tiếp tục đặt câu hỏi mình sẽ cố gắng biết đến đâu trả lời đến đó. Mỗi người giúp
nhau một chút.
MUỐN VIẾT VĂN MẶN THÌ SỐNG PHẢI MẶN
Câu này mình học lỏm từ dân content marketing. Thấy cũng đúng với việc làm văn nói
riêng. Nên là từ đó nó là của mình. Vậy thì sống mặn là gì và làm sao để sống mặn?
Sống mặn là sống có chất. Cơm rau sơ sài người ta thường gọi là bữa ăn không có chất.
Chất của bữa ăn là đạm, béo, xơ, vi,.. Còn chất của cuộc sống là hỉ, nộ, ái, ố,...
Chất, bên cạnh yếu tố về diện - đủ chất, còn có yếu tố về lượng - sự tinh khiết. Hay gọi là
chất lượng của chất. Ăn đủ chất tương ứng với sống đủ rộng. Ăn các món giàu chất, chất
tinh khiết, tinh luyện, heo-thì (healthy), ne-trùa (nature) thì tương ứng với sống có chiều
sâu, sống với sự tự ý thức, tự suy ngẫm, chiêm nghiệm cao. Ngoài chiều rộng và chiều sâu,
cuộc đời còn có thể có chiều cao, là sự hiếm có. Cuộc đời hiếm có là cuộc đời với những trải
nghiệm của số cực ít, số hiếm, tỉ phú thế giới, thiên tài nhân loại.
Đầu tiên nói về chiều rộng của cuộc sống. Chiều rộng này có lẽ lại có thể chia ra thành 2
thước đo. Cũng như khi bạn chơi game, đó là số lượng màn chơi, bản đồ và mức độ khó của
màn chơi. Tương ứng với số lượng phạm vi mình trải nghiệm và mức độ thử thách, độ khó
của từng trải nghiệm. Phạm vi - như các cụ nói - là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”.
Đi nhiều, thấy nhiều, làm nhiều thì sống nhiều. Nhãn quan của người đã giao tiếp với
nhiều nền văn hóa tự nhiên sẽ khác nhãn quan của người chỉ quanh quẩn một nơi một
chốn. Nhưng ngoài phạm vi ra còn phải có độ khó. Mỗi thứ biết một tí, nhưng biết không
đến nơi đến chốn; đó là thực trạng của những người bất kể chuyện gì cũng có thể bàn luận
như mình hiểu biết nhiều lắm. Đọc nhiều, nhưng toàn đọc mục lục, đọc phần tóm tắt, thì
cũng có thể BIẾT được cuốn sách đó viết gì, nhưng rõ là không thể HIỂU nó viết gì, càng
không thể DÙNG cái đọc được vào việc gì. Vậy thì đọc xong ngoài để khoe ra, chẳng được
tích sự gì, lại thành ra là lãng phí thời gian. Đọc càng nhiều theo kiểu này, thì càng phí.
Thậm chí, lại hình thành thói quen xét đoán mọi chuyện theo cái lăng kính của riêng
mình, không chịu tiếp thu góc nhìn mới. Càng đọc càng mụ mị đầu óc, cùn mòn con người.
Với những việc khác cũng vậy, không dám chấp nhận thử thách, thử sức cái mới, cái khó,
thì con người càng ngày càng tụt lùi đi. Rõ ràng cũng thể hiện ra ngoài là đi nhiều thấy
nhiều, nhưng chẳng tiếp thu, chẳng đọng lại được gì CÓ GIÁ TRỊ. Thời thế mới tạo anh
hùng, lửa mới thử vàng.
Sống mặn là sống sâu. Nếu chiều rộng là hành động khách quan, thì chiều sâu là nội tâm
chủ quan. Bao gồm thế giới quan và nhân sinh quan. Thế giới quan là cách nhận thức về
đời sống, về chính mình. Mỗi giây mỗi phút đều tự ý thức, suy ngẫm, chiêm nghiệm về mọi
việc xảy ra. Từ đó cảm nhận cuộc sống có chiều sâu, không bỏ lỡ một giây tồn tại nào
trong cuộc đời tuy đau khổ nhưng đầy quý giá này. Bởi vì đau khổ cũng có giá trị của khổ
đau. Từ thế giới quan hình thành nhân sinh quan, cái gì là giá trị, cuộc đời mình nên sống
như thế nào, mình khao khát điều gì, ghét bỏ cái gì, theo đuổi cái gì, xây đắp cái gì? Sống
nhiệt huyết nhưng bình tĩnh, tận hưởng nhưng quyết liệt. Để cả một đời không phải sống
hoài, sống phí. Ngoài thế giới trước mắt, sống sâu còn là khám phá vũ trụ bên trong bản
thân mình. Đó là thế giới còn bí ẩn và gây bất ngờ cho chúng ta nhiều hơn vũ trụ ngoài
kia. Bởi vì vũ trụ hình thành sau vụ nổ Big Bang thì chỉ có một, còn vũ trụ trong tâm hồn
thì mỗi người lại một khác.
Văn muốn mặn thì phải cố gắng sống mặn trước đã.
PHẦN 2 - NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT CÓ NHẤT THIẾT PHẢI ĐẸP KHÔNG?
(Đây là tiểu luận tôi thực hiện trong Môn “Văn học và các loại hình nghệ thuật”. - PTH)
“Một tác phẩm nghệ thuật có nhất thiết phải đẹp không?”. Nếu như có thể trả lời câu hỏi ấy
vào hồi thế kỉ XIX, nếu như chúng ta đang thảo luận chủ đề này vào hồi mà chủ nghĩa hiện
đại vẫn còn chưa ra đời, thì thật dễ cho chúng ta biết mấy. Cái công tác thực thi nghệ thuật
từ chủ nghĩa hiện đại đến nay đã làm cho câu hỏi tưởng như chưa bao giờ là một mối hoài
nghi trên đây, lại trở nên đầy triết học. Các giới hạn đã được thách thức và mở rộng đến nỗi
mà để trả lời câu hỏi ấy, chúng ta lại phải bắt đầu… bằng những câu hỏi khác. Rồi những
câu hỏi khác lại kéo theo những câu hỏi khác nữa. Cứ như vậy trở xuống toàn là câu hỏi.
Nhưng vì đây không phải một tiểu luận triết học, nên người viết vẫn mạnh dạn thừa nhận
những giả thuyết mà mình tin là đúng, để làm tiền đề cho lập luận.
Những câu hỏi khác nói ở trên kia, bắt đầu từ - thứ nhất - Thế nào là đẹp?. Và thứ hai, do
tồn tại câu hỏi thứ nhất mà nảy sinh, là: Thế nào là một tác phẩm nghệ thuật? Hãy bắt đầu
lần lượt.
Thế nào là đẹp? “Đẹp” thường được hiểu theo 2 cấp độ nghĩa. Nghĩa rộng là chỉ cái thẩm
mỹ nói chung. Nghĩa hẹp chỉ một phạm trù thẩm mỹ cơ bản, xếp ngang hàng với: cái cao
cả, cái bi, cái hài,… Ở đây chúng ta hiểu theo nghĩa rộng. “Đẹp” tức là (có) tính thẩm mỹ.
Nhưng thế nào là có tính thẩm mỹ? Một vật, một việc, một người thế nào thì thẩm mỹ?
Một sự vật, hiện tượng trở thành đối tượng thẩm mỹ khi và chỉ khi nó gây ra khoái cảm
thẩm mỹ . Có 2 điều kiện để tạo ra khoái cảm thẩm mỹ:
Một là bản thân đối tượng phải có phẩm chất thẩm mỹ về mặt hình thức. “Hình thức” ở đây
được hiểu theo nghĩa rộng. Một người “tốt tính” đến đâu thì cũng phải cần những hành
động thực tế để làm “hình thức” cho sự tốt bụng, trắc ẩn của mình, chứ không thể không
có biểu hiện, bằng cớ gì mà vẫn được coi là, công nhận là tốt, là “đẹp”. Những phẩm chất
thẩm mỹ trước nay cũng đã được thống nhất trên một số tiêu chuẩn là sự hài hòa, sự hoàn
thiện, sức sống,…
Hai là đối tượng phải nằm trong quá trình tri giác, thưởng thức của con người. Đối với lỗ
tai không hiểu âm nhạc, thì sự phong phú, tinh tế của bản nhạc cũng chỉ là chuỗi âm
thanh không hơn. Quan điểm cho rằng cái đẹp có tính dân tộc, tính lịch sử, thực chất cũng
không ra khỏi khía cạnh này. Tức là chỉ xét cái đẹp trong điều kiện thưởng thức, chỉ xét
một nửa của cái thẩm mỹ.
Tiếp theo, chúng ta cần xem xét câu hỏi thứ hai: thế nào là một tác phẩm nghệ thuật? Trả
lời câu hỏi này là cơ sở để làm sáng tỏ xem nó có “phải đẹp” hay không, hay “đẹp” có phải
một giá trị mang tính quyết định đối với nó hay không?
“Có tác phẩm trưng bày một đống cát, trong đó trộn lẫn cả vỏ lạc, có khi là đem một số
mảnh sắt vụn hàn nối lại với nhau; […] Một nhà nghệ sĩ nổi tiếng đem cái bô đựng nước
giải của ông ta ra triển lãm rồi cũng gọi là tác phẩm nghệ thuật. Một ông nhạc sĩ ngồi im
lặng trong 4 phút 33 giây, hoàn toàn không động đậy gì cả, cũng được gọi là tác phẩm nghệ
thuật. Một số nghệ sĩ đem sơn dầu phết lên cơ thể rồi đứng trong phòng triển lãm, cũng
gọi là tác phẩm nghệ thuật” (Lý Trạch Hậu). Những thực tiễn này đã khiến một số nhà mỹ
học đề nghị lý luận cho rằng cái gì thông lệ được coi là nghệ thuật hoặc được “giới nghệ
thuật” coi là nghệ thuật thì nó là nghệ thuật. Đối với những tác phẩm được dẫn ra trên đây,
chúng ta còn hồ nghi liệu rằng giá trị của chúng có thể là gì, chứ chưa nói đến việc “đẹp” có
phải là một thang giá trị có thể dùng để đánh giá chúng hay không. Câu trả lời cuối cùng
chưa thể xuất hiện, chúng ta phải nhìn vào nó như một quá trình – quá trình phát triển
của các tác phẩm nghệ thuật.
Từ thời trung đại trở về trước, nghệ thuật chưa tồn tại độc lập với các hoạt động tinh thần
khác của xã hội con người. Những sản phẩm mang tính thẩm mỹ của các lĩnh vực như kiến
trúc, tôn giáo, chính trị, triết học,… bản thân nó ra đời mang mục đích thực dụng – mục
đích phi nghệ thuật. Kim Tự Tháp của Ai Cập cổ đại, đồ đồng xanh thời n Chu, kiến trúc và
tranh nhà thờ châu u, tượng Phật và tranh Phật trên tường của Ấn Độ và Trung Quốc,…
đều là những sản phẩm như vậy. Qua thời gian, mục đích thực dụng bị thải loại hoặc mờ
nhạt đi qua biến động lịch sử xã hội. Càng về thời hiện đại, nghệ thuật càng có được chỗ
đứng độc lập của nó. Cho đến khi các tác phẩm nghệ thuật đã đạt đến “cảnh giới” của
những ví dụ trên kia của Lý Trạch Hậu và vẫn tiếp tục tiến xa hơn nữa.
Theo quá trình đó, các tiêu chuẩn tạo nên phẩm chất thẩm mỹ cũng được đưa từ giới hạn
này đến giới hạn khác và đến… không giới hạn. Từ chỗ giá trị thẩm mỹ là thứ đi kèm theo
giá trị thực dụng, đến giai đoạn giá trị thẩm mỹ có vai trò trọng tâm nhưng vẫn song hành
cùng hệ giá trị khác – điển hình là giá trị đạo đức và nhân sinh (Một tác phẩm nghệ thuật
bên cạnh phẩm chất thẩm mỹ hình thức còn phải có “trách nhiệm” truyền tải những thông
điệp có ý nghĩa). Và trong giai đoạn tiếp theo của nghệ thuật, không chỉ phẩm chất nội
dung bị vượt qua mà chính tiêu chuẩn về phẩm chất hình thức cũng bị hoài nghi. Nghệ
thuật đi từ điều kiện thứ nhất của cái đẹp – phẩm chất thẩm mỹ tự nó – đến điều kiện thứ
hai – quá trình tri giác và thưởng thức thẩm mỹ của con người. Cụ thể của diễn biến đó
như thế nào, hãy cùng đi qua một vài tác phẩm cụ thể.
1. Tác phẩm “Đài phun nước” của Marcel Duchamp
Marcel Duchamp là một họa sĩ, nhà điêu khắc người Pháp (sau nhập tịch Hoa Kỳ). Các tác
phẩm của ông có liên kết với phong trào Dada và nghệ thuật ấn tượng. Mùa xuân năm
1917, Duchamp đem một chiếc bồn tiểu bằng sứ đến một triển lãm do Hội Nghệ sĩ Độc lập
tổ chức tại New York và đặt tên cho nó là “Đài phun nước” (Fountain). Ông ký “R. Mutt”
bên thành chiếc bồn tiểu đó. Tờ báo Blind Man bình luận để bênh vực tác phẩm trước sự
phản đối của ban tổ chức triển lãm: “Cho dù Mr. Mutt có tự mình làm ra cái bồn tiểu này
không cũng không quan trọng. Ông ấy ĐÃ CHỌN nó. Ông ấy đã lấy một món thông thường
của đời sống, đặt lại nó dưới một cái tên mới, một nhãn quan mới, khiến giá trị sử dụng
của nó biến mất. Ông ấy đã tạo nên một tư tưởng mới cho cái vật ấy”.
Điều đầu tiên ta thấy ở đây, như chính nhận xét của tờ báo, Duchamp đã “khiến giá trị sử
dụng của nó biến mất”. Rõ ràng quy luật phát triển này của nghệ thuật đã được thừa nhận:
khi giá trị sử dụng nhường chỗ cho giá trị thẩm mỹ để trở thành thứ yếu, thậm chí biến
mất, như trường hợp của các cổ vật chẳng hạn. Biết đâu một cái bình lùn miệng rộng nào
đó từ thời Tần Thủy Hoàng được trưng bày ngày nay chẳng qua cũng chỉ là cái bô. Nhưng
vì nó được trang trí đẹp mắt mà vẫn được người ta “thưởng thức”. Chắc hẳn người ta vẫn
sẵn sàng trưng bày nó hơn là trưng bày cái mang chức năng sử dụng tương tự của thời
hiện đại mà Marcel Duchamp mang đến. Tác phẩm của nhà nghệ sĩ người Pháp chính là
thách thức đầu tiên cho giới hạn về hệ giá trị khi tri giác nghệ thuật. Liệu chúng ta sẽ dựa
trên phẩm chất thẩm mỹ của nó hay dựa trên định kiến của chúng ta về giá trị thực dụng
của nó – một yếu tố phi nghệ thuật – để xác định nó có phải là một tác phẩm nghệ thuật
hay không?
Nếu chỉ dựa trên thuần túy phẩm chất thẩm mỹ trong hình thức, không thể phủ nhận cái
bồn tiểu trên đây không hề có “phẩm chất”. Nó cũng được thiết kế với những đường nét
mềm mại, sự đối xứng cân đối và màu sắc hài hòa. Bênh cạnh cái giá trị thực dụng, người
làm ra nó cũng đã chú ý đến giá trị thẩm mỹ của nó. Điều Duchamp làm chính là tách “sản
phẩm” ấy khỏi giá trị thực dụng để hướng sự tri giác của người xem vào giá trị thẩm mỹ
của “tác phẩm” nói riêng và của nghệ thuật nói chung. Và để thực hành nghệ thuật, thì lạ
hóa là thủ pháp không thể thiếu.
Dưới cách nhìn truyền thống, tác phẩm của Marcel Duchamp chẳng thể nào coi là đẹp.
Nhưng thực chất, nó chỉ khước từ cách tri giác thẩm mỹ đã thành lối mòn. Bản thân cách
đặt tên của tác giả đã hàm chứa một thông điệp: cái thẩm mỹ phải được quan sát trong
môi trường của riêng nó, không chịu sự chi phối của giá trị phi thẩm mỹ. Và trong mỗi đối
tượng đều sẽ có tính thẩm mỹ của riêng nó nếu chúng ta biết tri giác đúng cách. Bằng cách
tri giác mới hơn, đột phá hơn, cái bồn tiểu cũng có thể trở thành đài phun nước.
Vậy tác phẩm nghệ thuật có nhất thiết phải đẹp không? Từ cái bồn tiểu của Marcel
Duchamp, chúng ta rút ra một nhận xét thứ nhất: tác phẩm nghệ thuật chưa thể thiếu cái
đẹp, nhưng đó không chỉ là cái đẹp của bất cứ một giới hạn nào ngoài giới hạn của khoái
cảm thẩm mỹ.
2. Tác phẩm “Bố cục số 8” của Kandinsky
Tiếp nối quan điểm hoài nghi hệ giá trị truyền thống trong tri nhận nghệ thuật, rằng tác
phẩm nghệ thuật phải có chức năng truyền đạt một “thông điệp vị nhân sinh”, phải “thực
dụng” – hiểu theo nghĩa rộng - bức tranh trên đây có thể làm thất vọng những người tìm
đến với nghệ thuật vì muốn đạt đến một nhãn quan về cái thiện, về cuộc đời hoặc về con
người.
Không chỉ thế, tác phẩm này còn thách thức cả tiêu chuẩn về “hình thức” của tác phẩm
nghệ thuật. “Bố cục số 8” của Kandinsky không hề cho thấy nỗ lực nào của nhà họa sĩ
trong việc tạo ra sự hài hòa, hoàn thiện hay tương ứng với một thị hiếu thẩm mỹ nào của
lịch sử - xã hội. Hay nói chính xác hơn là tác giả dụng ý dụng công gạt bỏ tất cả các tiêu
chuẩn về một “hình thức đẹp”. Qua đó, “đẹp” hay “không đẹp” không còn là hệ giá trị để
đánh giá, hay thậm chí là mô tả tác phẩm này.
Thay vào đó, “Bố cục số 8” cùng với những tác phẩm nghệ thuật hiện đại đã cùng nhau tạo
ra sự mở rộng giá trị cho nghệ thuật. Rời bỏ các quan niệm cũ về nghệ thuật, trên cả nội
dung hay hình thức, các tác phẩm nghệ thuật hiện đại lấy nền tảng là sự kích thích tri giác
thẩm mỹ, kích thích “tầm đón nhận” của khán – độc giả. Mục đích của sự sáng tạo đã đi từ
các “thông điệp” di chuyển sang những “cách thấy”.
Như vậy, tác phẩm nghệ thuật có nhất thiết phải đẹp không? Không hoàn toàn. Khi bản
thân tác phẩm chỉ là bước đầu tiên, sơ khởi cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật, thì nó có
thể không theo bất kỳ chuẩn mực nào về cái đẹp, nhưng chắc chắn nó phải có tác động vào
quá trình tri giác thẩm mỹ, thưởng thức thẩm mỹ.
TÍNH LẠ HÓA & TÍNH HÌNH TƯỢNG TRONG VĂN HỌC
(Đây là bài kiểm tra điều kiện trong Học phần: Tác phẩm & Thể loại văn học.-PTH)
ĐỀ BÀI: Có ý kiến cho rằng: “Đặc trưng quan trọng nhất của ngôn từ trong văn bản văn
học là tính lạ hóa”. Lại có quan niệm cho rằng: “Tính hình tượng là điểm khu biệt ngôn từ
văn học với ngôn từ đời sống”.
Quan điểm của anh/chị như thế nào?
Về khái niệm “tính lạ hóa” và “tính hình tượng”
Lạ hóa là “Toàn bộ những thủ pháp nghệ thuật (nghịch dị, ngịch lí,…) được dùng để đạt
được đến một kết quả nghệ thuật, theo đó, hiện tượng được miêu tả hiện ra không phải
như đã quen biết, hiển nhiên mà như một cái gì mới mẻ, chưa quen, “khác lạ”.
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf
Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf

More Related Content

Featured

2024 State of Marketing Report – by Hubspot
2024 State of Marketing Report – by Hubspot2024 State of Marketing Report – by Hubspot
2024 State of Marketing Report – by HubspotMarius Sescu
 
Everything You Need To Know About ChatGPT
Everything You Need To Know About ChatGPTEverything You Need To Know About ChatGPT
Everything You Need To Know About ChatGPTExpeed Software
 
Product Design Trends in 2024 | Teenage Engineerings
Product Design Trends in 2024 | Teenage EngineeringsProduct Design Trends in 2024 | Teenage Engineerings
Product Design Trends in 2024 | Teenage EngineeringsPixeldarts
 
How Race, Age and Gender Shape Attitudes Towards Mental Health
How Race, Age and Gender Shape Attitudes Towards Mental HealthHow Race, Age and Gender Shape Attitudes Towards Mental Health
How Race, Age and Gender Shape Attitudes Towards Mental HealthThinkNow
 
AI Trends in Creative Operations 2024 by Artwork Flow.pdf
AI Trends in Creative Operations 2024 by Artwork Flow.pdfAI Trends in Creative Operations 2024 by Artwork Flow.pdf
AI Trends in Creative Operations 2024 by Artwork Flow.pdfmarketingartwork
 
PEPSICO Presentation to CAGNY Conference Feb 2024
PEPSICO Presentation to CAGNY Conference Feb 2024PEPSICO Presentation to CAGNY Conference Feb 2024
PEPSICO Presentation to CAGNY Conference Feb 2024Neil Kimberley
 
Content Methodology: A Best Practices Report (Webinar)
Content Methodology: A Best Practices Report (Webinar)Content Methodology: A Best Practices Report (Webinar)
Content Methodology: A Best Practices Report (Webinar)contently
 
How to Prepare For a Successful Job Search for 2024
How to Prepare For a Successful Job Search for 2024How to Prepare For a Successful Job Search for 2024
How to Prepare For a Successful Job Search for 2024Albert Qian
 
Social Media Marketing Trends 2024 // The Global Indie Insights
Social Media Marketing Trends 2024 // The Global Indie InsightsSocial Media Marketing Trends 2024 // The Global Indie Insights
Social Media Marketing Trends 2024 // The Global Indie InsightsKurio // The Social Media Age(ncy)
 
Trends In Paid Search: Navigating The Digital Landscape In 2024
Trends In Paid Search: Navigating The Digital Landscape In 2024Trends In Paid Search: Navigating The Digital Landscape In 2024
Trends In Paid Search: Navigating The Digital Landscape In 2024Search Engine Journal
 
5 Public speaking tips from TED - Visualized summary
5 Public speaking tips from TED - Visualized summary5 Public speaking tips from TED - Visualized summary
5 Public speaking tips from TED - Visualized summarySpeakerHub
 
ChatGPT and the Future of Work - Clark Boyd
ChatGPT and the Future of Work - Clark Boyd ChatGPT and the Future of Work - Clark Boyd
ChatGPT and the Future of Work - Clark Boyd Clark Boyd
 
Getting into the tech field. what next
Getting into the tech field. what next Getting into the tech field. what next
Getting into the tech field. what next Tessa Mero
 
Google's Just Not That Into You: Understanding Core Updates & Search Intent
Google's Just Not That Into You: Understanding Core Updates & Search IntentGoogle's Just Not That Into You: Understanding Core Updates & Search Intent
Google's Just Not That Into You: Understanding Core Updates & Search IntentLily Ray
 
Time Management & Productivity - Best Practices
Time Management & Productivity -  Best PracticesTime Management & Productivity -  Best Practices
Time Management & Productivity - Best PracticesVit Horky
 
The six step guide to practical project management
The six step guide to practical project managementThe six step guide to practical project management
The six step guide to practical project managementMindGenius
 
Beginners Guide to TikTok for Search - Rachel Pearson - We are Tilt __ Bright...
Beginners Guide to TikTok for Search - Rachel Pearson - We are Tilt __ Bright...Beginners Guide to TikTok for Search - Rachel Pearson - We are Tilt __ Bright...
Beginners Guide to TikTok for Search - Rachel Pearson - We are Tilt __ Bright...RachelPearson36
 

Featured (20)

2024 State of Marketing Report – by Hubspot
2024 State of Marketing Report – by Hubspot2024 State of Marketing Report – by Hubspot
2024 State of Marketing Report – by Hubspot
 
Everything You Need To Know About ChatGPT
Everything You Need To Know About ChatGPTEverything You Need To Know About ChatGPT
Everything You Need To Know About ChatGPT
 
Product Design Trends in 2024 | Teenage Engineerings
Product Design Trends in 2024 | Teenage EngineeringsProduct Design Trends in 2024 | Teenage Engineerings
Product Design Trends in 2024 | Teenage Engineerings
 
How Race, Age and Gender Shape Attitudes Towards Mental Health
How Race, Age and Gender Shape Attitudes Towards Mental HealthHow Race, Age and Gender Shape Attitudes Towards Mental Health
How Race, Age and Gender Shape Attitudes Towards Mental Health
 
AI Trends in Creative Operations 2024 by Artwork Flow.pdf
AI Trends in Creative Operations 2024 by Artwork Flow.pdfAI Trends in Creative Operations 2024 by Artwork Flow.pdf
AI Trends in Creative Operations 2024 by Artwork Flow.pdf
 
Skeleton Culture Code
Skeleton Culture CodeSkeleton Culture Code
Skeleton Culture Code
 
PEPSICO Presentation to CAGNY Conference Feb 2024
PEPSICO Presentation to CAGNY Conference Feb 2024PEPSICO Presentation to CAGNY Conference Feb 2024
PEPSICO Presentation to CAGNY Conference Feb 2024
 
Content Methodology: A Best Practices Report (Webinar)
Content Methodology: A Best Practices Report (Webinar)Content Methodology: A Best Practices Report (Webinar)
Content Methodology: A Best Practices Report (Webinar)
 
How to Prepare For a Successful Job Search for 2024
How to Prepare For a Successful Job Search for 2024How to Prepare For a Successful Job Search for 2024
How to Prepare For a Successful Job Search for 2024
 
Social Media Marketing Trends 2024 // The Global Indie Insights
Social Media Marketing Trends 2024 // The Global Indie InsightsSocial Media Marketing Trends 2024 // The Global Indie Insights
Social Media Marketing Trends 2024 // The Global Indie Insights
 
Trends In Paid Search: Navigating The Digital Landscape In 2024
Trends In Paid Search: Navigating The Digital Landscape In 2024Trends In Paid Search: Navigating The Digital Landscape In 2024
Trends In Paid Search: Navigating The Digital Landscape In 2024
 
5 Public speaking tips from TED - Visualized summary
5 Public speaking tips from TED - Visualized summary5 Public speaking tips from TED - Visualized summary
5 Public speaking tips from TED - Visualized summary
 
ChatGPT and the Future of Work - Clark Boyd
ChatGPT and the Future of Work - Clark Boyd ChatGPT and the Future of Work - Clark Boyd
ChatGPT and the Future of Work - Clark Boyd
 
Getting into the tech field. what next
Getting into the tech field. what next Getting into the tech field. what next
Getting into the tech field. what next
 
Google's Just Not That Into You: Understanding Core Updates & Search Intent
Google's Just Not That Into You: Understanding Core Updates & Search IntentGoogle's Just Not That Into You: Understanding Core Updates & Search Intent
Google's Just Not That Into You: Understanding Core Updates & Search Intent
 
How to have difficult conversations
How to have difficult conversations How to have difficult conversations
How to have difficult conversations
 
Introduction to Data Science
Introduction to Data ScienceIntroduction to Data Science
Introduction to Data Science
 
Time Management & Productivity - Best Practices
Time Management & Productivity -  Best PracticesTime Management & Productivity -  Best Practices
Time Management & Productivity - Best Practices
 
The six step guide to practical project management
The six step guide to practical project managementThe six step guide to practical project management
The six step guide to practical project management
 
Beginners Guide to TikTok for Search - Rachel Pearson - We are Tilt __ Bright...
Beginners Guide to TikTok for Search - Rachel Pearson - We are Tilt __ Bright...Beginners Guide to TikTok for Search - Rachel Pearson - We are Tilt __ Bright...
Beginners Guide to TikTok for Search - Rachel Pearson - We are Tilt __ Bright...
 

Phạm Thế Hưng chia sẻ về việc học Văn - Copy.pdf

  • 1. PHẠM THẾ HƯNG CHIA SẺ VỀ VIỆC HỌC VĂN PHẦN 1 - PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP 1 NHIỀU NĂM KINH NGHIỆM LÀM HỌC SINH GIỎI VĂN PHỔ THÔNG 2 KỸ THUẬT TỰ HỌC 12 NHỮNG SAI LẦM KHI SỬ DỤNG SƠ ĐỒ TƯ DUY 16 TIPS GHI NHỚ VÀ 8 CẤU TRÚC XÂY DỰNG LUẬN ĐIỂM CHO BÀI VĂN 18 CÁCH ĐỂ KHÔNG BỊ BÍ MỞ BÀI 25 LÀM SAO ĐỂ VIẾT VĂN KHÔNG BỊ “LỦNG CỦNG” 28 LÀM SAO ĐỂ KHÔNG PHẢI HỌC THUỘC CẢ BÀI PHÂN TÍCH TÁC PHẨM 30 CÁCH DÙNG TỪ VÀ BIỆN PHÁP TU TỪ 32 LÀM SAO ĐỂ SẮP XẾP CÁC Ý TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN MỘT CÁCH LOGIC HƠN 35 ĐỌC GÌ ĐỂ GIỎI VĂN? 38 MUỐN VIẾT VĂN MẶN THÌ SỐNG PHẢI MẶN 41 PHẦN 2 - NGHỊ LUẬN VĂN HỌC 44 MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT CÓ NHẤT THIẾT PHẢI ĐẸP KHÔNG? 44 TÍNH LẠ HÓA & TÍNH HÌNH TƯỢNG TRONG VĂN HỌC 49 BÀI THƠ “TRUYỆN CỔ TÍCH VỀ LOÀI NGƯỜI” 54 BÀI VĂN GIÚP TÔI ĐẠT GIẢI NHẤT QUỐC GIA 2014 58 PHẦN 3 - NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 69 ĐỀ VĂN VỀ SỰ CẢM THÔNG CỦA CON CÁI VỚI CHA MẸ 69 NẾU KÝ ỨC BỊ CAN THIỆP 74 CHỮA ĐỀ | NGHỊ LUẬN VỀ LỐI SỐNG 79 DÀN Ý | TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU? 81 DÀN Ý | “VẺ BỀ NGOÀI QUAN TRỌNG ĐẾN THẾ SAO?!?” 83 DÂN VĂN HAY KHÔNG PHẢI DÂN VĂN? 85 PHẦN 4 - TẢN VĂN, VĂN BIỂU CẢM 90 CHUYÊN VĂN CÀ KHỊA NGƯỜI TA NHƯ THẾ NÀO? 90 BÀ NGOẠI 92 BÀ NỘI 95
  • 2. PHẦN 1 - PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP NHIỀU NĂM KINH NGHIỆM LÀM HỌC SINH GIỎI VĂN PHỔ THÔNG Bài này tôi sẽ tóm lược và phân tích lại quá trình tôi chinh phục môn Văn thời đi học phổ thông. Quá trình này có thể chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn tôi là một học sinh có năng khiếu văn học. Gọi là năng khiếu bởi vì tôi thấy mình chủ yếu học dựa vào năng khiếu ngôn ngữ, không rèn luyện gì nhiều. Giai đoạn này rất dài, chiếm phải đến 3/ 4 hành trình, từ lớp 7 đến khoảng đầu lớp 11. Giai đoạn 2 mới thực sự là việc học có đầu tư, có phương pháp, nâng tầm lên học sinh giỏi. Trước đó tôi không thừa nhận mình là học sinh giỏi. Học Sinh Có Năng Khiếu Nói là tôi chinh phục môn Văn, nhưng ở thời điểm bắt đầu là môn Văn chinh phục tôi mới đúng. Cuối năm lớp 6 trường cấp 2 thi tuyển đội học sinh giỏi đi thi cấp thành phố, tôi đăng ký thi Toán. Nhưng chỉ được 2/20 điểm. Là bởi vì 80% bài thi không phải cái được học trên lớp, tôi còn không hiểu đề thi hỏi cái gì chứ đừng nói là tìm được cách làm. Thật ra cũng chẳng buồn bã gì. Thi không được thì thôi, mình làm một học sinh bình thường như trước nay vẫn thế. Đi học, viết thư cưa cẩm bạn nữ xinh xắn dịu dàng trong lớp. Sến súa với nhau theo kiểu thiếu niên cấp 2 mới dạy thì, yêu đương con nít, tình yêu bọ xít. Sau đó một sự biến diễn ra, đưa tôi từ con đường quậy phá trở về chánh đạo. Tôi liên tiếp được 2 điểm 9 Văn thi giữa kỳ và cuối kỳ. Đến nỗi cô chủ nhiệm lớp 7 là một người rất khó tính, thường ngày vẫn hay phê phán tôi là quá lắm mồm, gây mất trật tự trong giờ học,
  • 3. bỗng nhiên lại nêu gương tôi như một trường hợp biết cải tà quy chính, phục hồi nhân phẩm. Không theo cái thấp hèn, chỉ theo cái chuẩn mực. Sự thật thì không hẳn như thế, nhưng mấy khi có công cụ tốt đến vậy để làm tư tưởng với lũ giặc tuổi mới lớn? Quang trọng là hai bài thi đó như thế nào? Từ năm lớp 7 nên tôi cũng không nhớ rõ lắm. Đại khái như sau: Bài thứ nhất là phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh. Đây là một đề thi “trúng tủ”, vì bằng cách nào đó tôi đã học khá kỹ bài thơ này. Thuộc rất chính xác cả tác phẩm và những phần phân tích. Kết hợp vào khả năng ngôn ngữ và một chút nhạy bén về phân tích, liên hệ tình bà cháu… Bài viết giống như tự mình viết ra, tự mình phân tích được, chứ không giống như kiểu đọc chép vẫn thường thấy. Tất nhiên đề kiểm tra không chỉ có mỗi câu đó, nhưng đại để tôi đã được 9. Bài thứ hai mới là bài quan trọng hơn. Bài viết văn viết về mẹ này sau đó còn được cô Hiệu trưởng cho đọc tại cuộc họp phụ huynh của tất cả các lớp trong trường, nhằm PR về giá trị nhân văn trong giáo dục học trò của nhà trường. Một bài văn gây tiếng vang. (Còn mẹ tôi thì vẫn hậm hực và tiếc vì lần họp phụ huynh đó tôi đã quên không báo cáo với mẹ lịch họp. Làm mẹ tôi không được đi nghe bài văn gây tiếng vang viết để ca tụng mình. Làm lỡ mất khoảnh khắc tự hào trước toàn thể các phụ huynh khác của mẹ). Bài này có 2 điểm đặc biệt: Một là cấu trúc không theo dạng Mở bài – Thân bài – Kết bài thường thấy đến mức bắt buộc của các bài tập làm văn. Chưa kể là lại còn là một bài tập làm văn thi học kỳ. Tôi đã lấy một cấu trúc bài văn ở trong Hạt giống tâm hồn để mô-li-phê lại. Tất nhiên, tôi mới đọc bài đó có một lần nên chỉ sao chép tương đối. Cấu trúc của bài đó kiểu như: “Khi ta chào đời, chúng ta khóc và mẹ mỉm cười. Khi chúng ta một tuổi, chúng ta khóc và mẹ vừa đun cháo, vừa dỗ dành chúng ta. Khi ta 5 tuổi, chúng ta ngã trầy đầu gối và lại khóc, mẹ xuýt xoa và vỗ về chúng ta.
  • 4. Khi ta 15 tuổi, chúng ta đòi không gian riêng và muốn mẹ để chúng ta yên chỉ vì mẹ quan tâm đến một vài người bạn của chúng ta. Khi ta 25 tuổi, chúng ta lao vào những cuộc vui và những hoài bão lớn lao. Còn mẹ vẫn lo việc chúng ta thức khuya hay uống đồ uống có cồn. Khi ta 45 tuổi, chúng ta lo lắng cho con cái của mình, còn mẹ lo lắng cho chúng ta. Khi ta 55 tuổi, chúng ta ước rằng mình đã dành nhiều thời gian bên mẹ hơn. Khi ta 65 tuổi, mẹ ra đi, chúng ta khóc và mẹ lại mỉm cười. …” Đại khái như vậy. Sau đó tôi cũng không “nghị luận” mấy về tình mẫu tử. Không nói lý lẽ thế này thế kia. Tôi đi thẳng vào những lần tôi làm mẹ buồn… Chúng ta ai cũng đều có những lúc như thế. Cũng như đều có tình cảm yêu thương và được mẹ yêu thương. Một nội dung không thể dễ liên hệ hơn, làm cho bài văn sinh động. Ngoài ra, Hạt giống tâm hồn chính là do mẹ tôi mua và thuyết phục tôi đọc. Mẹ tôi là người có công đưa tôi đến với niềm đam mê sách, mặc dù mẹ không đọc sách mấy, vì không có thời gian. Lúc nghĩ đến việc dùng cấu trúc này, tôi cũng đã nghĩ rằng nếu tôi đã đọc được Hạt giống tâm hồn thì các cô giáo dạy Văn chắc cũng đọc được, nên cũng chưa hẳn là đã gây bất ngờ. Nhưng có lẽ các cô chưa đọc, hoặc phần sáng tạo của tôi vẫn đủ mượt mà, nên vẫn thành công mỹ mãn. Phá bỏ cấu trúc mở – thân – kết trong bài thi cuối kỳ, vào năm học lớp 7, vào lúc tập làm văn chưa được sáng tạo nhiều như bây giờ, không phải một quyết định dễ dàng đâu. Một bài nghị luận văn học, một bài nghị luận xã hội, tôi được đặc cách vào học đội tuyển Ngữ Văn của trường giữa năm lớp 7. Quá trình học sau đó không có gì đáng nhớ ngoài việc tôi bắt đầu làm quen với việc học cùng một đám con gái suốt từ đó về sau. Quá trình học từ năm lớp 7 đến hết lớp 9 thật ra
  • 5. không có gì đáng nói. Hoàn toàn đi theo các chỉ dẫn và nhiệm vụ từ các giáo viên. Đến nỗi đi thi lớp 8 như thế nào để được gọi sang trường Lương Thế Vinh (một kiểu chuyên cấp 2) cũng không nhớ nữa. Học lớp 9 ở bên đó để tiếp tục luyện gà nòi đi thi cấp tỉnh. Việc học chỉ bắt đầu có sự chủ động khi tôi đỗ vào Chuyên Thái Bình. Cô giáo chủ nhiệm, cũng là “coach” của đội tuyển Văn khóa chúng tôi – cô Hiền – là một người cực kỳ đề cao logic. Nếu là một cô giáo khác mà không phải cô Hiền thì chắc tôi bị loại từ lâu chứ không có cơ hội mà ngồi ở đội tuyển. Cô Hiền đặt niềm tin ở tôi còn nhiều hơn tôi tin chính mình. Giọng Điệu Quay trở lại chuyện học. Năm lớp 10, cùng với tinh thần lãng mạn của “tuổi thần teen” và sự thẩm thấu Hạt giống tâm hồn, tôi bắt đầu cảm nhận thực sự sức mạnh của văn học. Đây là năm tôi thí nghiệm “giọng điệu”. Nhìn chung để viết văn hay thì có rất nhiều yếu tố. Chưa kể là mỗi người còn hay theo một kiểu khác nhau. Tôi thu thập các phẩm chất của mình bắt đầu với việc thí nghiệm giọng điệu. Và vì là thí nghiệm nên số sản phẩm mẫu lỗi nhiều vô kể, bao gồm cả những thứ quái thai được sinh ra. Việc thử nghiệm này hoàn toàn tự phát chứ bấy giờ không có ý đồ gì. Tôi đọc một nhà văn, một nhà phê bình, sau đó thích thú với ai thì tôi sẽ tìm “nhập vai” người đó và viết theo cái giọng của họ. Tất nhiên là không thể hay được, nhưng cũng đáng để thử nghiệm. “Giọng điệu” là thói quen diễn đạt, là các kiểu tu từ hay dùng, là thể hiện tính cách, tâm tư tình cảm riêng, khám phá riêng của mình vào cách nhìn nhận, phân tích và diễn đạt. Ở môn Văn, nếu như các kỳ thi đại trà như thi tốt nghiệp hay thi Đại học, người ta thi theo Cái Chuẩn; thì thi học sinh giỏi Văn hầu như thi theo Cái Khác Biệt. Cho nên giọng điệu trở nên quan trọng, nó là cái đầu tiên làm nên sự khác biệt.
  • 6. Còn những thứ quái thai sinh ra từ các thí nghiệm của tôi thì giờ chỉ có cô giáo tôi may ra thì nhớ, chứ tôi cũng không dám đọc lại lần thứ hai. Tóm lại là, khi thử bắt chước theo những nhà diễn đạt tài ba (gồm cả nhà văn và nhà phê bình), chúng ta sẽ đọc nhiều hơn và chắt lọc được nhiều hơn. Đọc nhiều hơn cho ta vốn để viết. Thứ đến là chúng ta có thể bắt chước theo những cách diễn đạt, những kiểu ví von, phân tích, đánh giá độc đáo đặc sắc của họ. Dần dần dùng nhiều thì biến thành của mình bằng cách đưa thêm những cái riêng vào. Không ai tự nhiên nghĩ ra cái mới từ hư không. Học nói bình thường cũng thế. Trẻ con đầu tiên phải bắt chước, sau đó mới tự nói. Lúc đầu nói thì ngờ nghệch lung tung, sau đó mới nói trôi chảy, rồi mới đến việc diễn đạt ra cái mình nghĩ. Hình như học ngoại ngữ cũng theo quá trình này. Về bản chất thì ai cũng có giọng điệu riêng, nhưng giọng riêng độc đáo và đặc sắc thì không dễ. Đó là cái phải rèn luyện, không dựa trên năng khiếu. Giọng điệu của tôi là logic, đơn giản hóa, cắt nghĩa và dựa trên điểm nhấn. Lí Luận Văn Học Sau khi thử nghiệm đủ các thể loại giọng văn, múa may quay cuồng chán chê, tôi nhận ra một mệnh đề quan trọng: cái chúng tôi làm không phải là SÁNG TÁC VĂN HỌC mà là NGHỊ LUẬN VĂN HỌC. Sáng tác văn học thì “hoa tay thảo những nét như phượng múa rồng bay”. Sáng tác văn học là Hoài Thanh Hoài Chân viết phê bình mà như những người nghệ sĩ sáng tạo. Sáng tác văn học là bay bổng diệu kỳ, mượt mà truyền cảm. Nghị luận văn học thì khác. Tuy vẫn có “chất văn” nhưng nó là gia vị thôi. Cái cốt lõi của nó là khoa học nghiên cứu, phân tích về các đối tượng của văn học: tác giả, tác phẩm, văn bản, trào lưu, phong cách, tu từ, thi pháp,… Tất cả đều là khoa học. Mà khoa học thì phải
  • 7. logic, rõ ràng, chính xác, hệ thống, có đặt vấn đề, phân tích, tổng kết, đánh giá… Tất cả những cái đó mới thực sự là học văn chứ không phải như người ta vẫn cứ tưởng rằng học sinh giỏi văn là cứ phải “tâm hồn treo ngược ở cành cây”, phải xuất thần vung bút làm sống dậy nỗi thống khổ của nhân loại. Đấy là việc của nhà văn, còn việc của chúng tôi, là phân tích, cắt nghĩa, đánh giá, tổng kết,… nó. Như một nhà hóa học thí nghiệm, phân tích, đánh giá, tổng kết một loại vật chất; một nhà sinh vật nghiên cứu con sâu trong quá trình nó thành con bướm. Việc tôi thực sự nhìn ra luận điểm này có 2 nguyên nhân: Một là do cô giáo tôi là một người cực kỳ chú trọng lí luận văn học. Thời lượng học lý luận của đội là nhiều nhất trong tất cả các nhóm chuyên đề. Thứ 2 chính là việc tôi tiếp cận được sách của một số nhà nghiên cứu văn học như TS Nguyễn Văn Dân, GS Hoàng Ngọc Hiến,… vân vân. Rất may là khoa học cũng hợp với phong cách tư duy và viết của tôi. Không thì cũng mệt. Tóm lại, lí luận văn học là cốt lõi. Từ lí luận thì đi vào phân tích, bình luận văn bản, tác phẩm mới logic, mới sáng rõ, mới là của mình. Chứ không thì cứ đi học phân tích của người khác, hoặc phân tích theo kiểu cảm tính. Hoặc là không có gì đặc sắc, nói toàn những chuyện ai cũng biết rồi. Hoặc là nói liên thiên lan man xong diễn xuôi tác phẩm, khen tác giả hết cái này đến cái kia rồi kết lại là: tác phẩm hay ghê, hay ghê á! Hay! Toẹt zời! Lí luận thì rộng lắm. Gợi ý sách cho các bạn đọc thì chắc chả ai đọc. Giờ thi học sinh giỏi cũng ít. Nhưng lí luận là cái cần cho cả học sinh thi đại học bình thường. Để tiết kiệm công sức học của các bạn thôi, chứ cũng chẳng phải cứ muốn bài văn điểm 9 10 mới cần dùng. Cũng như Toán, đôi khi Văn cũng có một vài “công thức”. Chỉ có điều nó không chính xác. Vì nó là khoa học xã hội. Sự Khác Biệt Giữa Văn Thi Học Sinh Giỏi Và Văn Thi Đại Học
  • 8. Ở đây tôi không chỉ cách để đạt giải học sinh giỏi, tôi chỉ đang kể kinh nghiệm của mình. Cách tôi là có thể bạn không làm được. Cách bạn là có thể nếu vào tôi thì lại không hiệu quả. Vì vậy hi vọng người đọc có sự chọn lọc, để rút ra cái gì là có giá trị cho mình. Cách luyện để thi học sinh giỏi và để thi đại học có nhiều cái giống nhau, vì đều là phương pháp học tập. Điểm giống nhau tôi sẽ phân tích kỹ và triển khai thành nhiều bài sau bài này, để mọi người cùng áp dụng xem cái nào hợp với mình. Còn ở đây chỉ nói điểm khác nhau (chỉ ở môn Văn thôi nhé, môn khác tôi mù tịt). Thi đại học là thi để đạt tiêu chuẩn. Thì học sinh giỏi là thi để phô diễn những thứ ngoài tiêu chuẩn. Khi thi đại học, đề bài đưa ra, bạn viết đủ tiêu chí, bạn đạt đủ tiêu chuẩn, bạn giành điểm. Đạt càng nhiêu tiêu chuẩn, bạn giành càng nhiều điểm. Giáo viên họ chấm rất nhanh, vì biểu điểm đã có sẵn, đạt chuẩn thì cho điểm, không đạt thì không cho. Không phải họ chấm không kỹ, mà vì chiếu theo chuẩn, nên có thể chấm tương đối nhanh. Khi thi học sinh giỏi, nếu bạn cố gắng viết theo tiêu chuẩn, thì bài của bạn sẽ chìm khuất trong khoảng 90% những bài viết cũng đang cố gắng viết cho thật đúng, thật đủ. Mà những cái phân tích thật đúng thật đủ đó, thì giám khảo họ làm nghề mấy chục năm, học đọc còn thuộc hơn bạn. Bạn mới học nên cảm thấy nó mới thôi. Do đó, những cái mà ai cũng biết, ai cũng sẽ nói, hay cái tiêu chuẩn, thì không cần đi sâu làm gì, nói ít thôi. Điểm qua cơ bản cho đủ là được. Nói chuyện với người thông minh, thì không cần phải nói hết mọi thứ. Nói một hiểu mười. Đấy là tôn trọng người ta và tiết kiệm thời gian và công sức ghi nhớ của mình. 80% bài viết là những cái mà các thí sinh khác đều viết. Vì vậy 20% còn lại mới là cái quan trọng. (Nhưng phải nhớ, phải có 80% làm nền, thì 20% mới nổi bật lên được, như là trời đêm thì mới nhìn thấy sao).
  • 9. Cho nên thi học sinh giỏi là đoán xem 80% mọi người sẽ viết cái gì. Sau đó lại tìm hiểu xem họ không thể viết được, hoặc sẽ rất ít người viết được cái gì. Đó chính là 20% quan trọng. Không cần phải đến lúc biết đề bài mới bắt đầu đoán. Ngay từ lúc ôn thi, nhìn vào đồng đội của mình là có thể tìm ra được khoảng 10% rồi. Có những thứ họ sẽ không bao giờ viết được. Có những thứ họ sẽ rất ít khi hoặc hiếm người viết được. Thứ-họ-không-bao-giờ-viết-được bao gồm chính là cái giọng văn đặc trưng, có rèn dũa, điều chỉnh, luyện tập của bản thân mình. Cái giọng đó đã là của mình, thì khó ai có thể viết được. Chỉ có làm sao cho giọng của mình “nổi bật” lên là cái cần phải đầu tư vào luyện. Khi viết sẽ được đánh giá là “có cá tính”. Đôi khi nổi bật không nhất thiết là phải mượt mà và hay. Ngoài giọng điệu còn có sở trường về khả năng phân tích, năng lực diễn đạt hoặc đồng cảm, thấu cảm,… Nói chung là những tố chất khó bị sao chép ở mỗi người. Thứ-họ-rất-ít-khi-viết-được thì với mỗi người có lẽ lại cũng sẽ rất khác nhau. Hướng mà tôi làm đó là “hàn lâm hóa”. Đại để có 2 cách để hàn lâm hóa. Đó là thường xuyên nâng cao quan điểm lên thay cho việc đi vào phân tích quá sâu tác phẩm. Chỉ phân tích sâu những chỗ đắt, nhưng cũng là để từ đó nâng cao quan điểm lên. Mà phải nâng cao, vĩ mô hóa vấn đề lên thì mới xứng “tầm học sinh giỏi”. Muốn nâng cao được, phải học lý luận cho chắc và cho kỹ. Cách thứ 2 để hàn lâm hóa là sử dụng thuật ngữ. Thuật ngữ mà biết được cả gốc tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Trung của nó thì tốt. Một là mình hiểu sâu, hiểu được bản chất của vấn đề qua cách thuật ngữ đó hình thành. Hai là khi viết mình đưa vào nó ngầu hơn, chất hơn. Thuật ngữ thì nhiều vô biên, nhưng mình chỉ chọn tìm hiểu những thuật ngữ mà hay liên quan đến các vấn đề nghị luận mà mình gặp thôi. Những vấn đề mà người ta đưa ra với tầm học sinh cấp 3 thì cũng không chuyên sâu. Thuật ngữ mà không quá chuyên sâu thì
  • 10. vừa dễ học, vừa dễ dùng, dễ liên hệ. Học 1 thuật ngữ, dùng 3 hoàn cảnh. Loanh quanh thì cấp 3 cũng chỉ toàn chuyện nhà văn thế này nghệ thuật thế kia. Chủ nghĩa hiện thực chủ nghĩa lãng mạn,… Toàn những chủ nghĩa rõ ràng, minh bạch, không rối rắm và lại khá “tuân thủ” những quy luật chung của lí luận văn học. Việc “hàn lâm hóa” thực ra đến từ một gợi ý từ cô giáo và các bạn học cùng với tôi. Mọi người nhìn vào mấy quyển sách của tôi và nhận xét: “Hưng nó có thể đọc những thứ mà các bạn không tiếp thu được”. Thật ra các bạn vẫn tiếp thu được thôi, nó có phải sách thánh hay tiếng nước ngoài đâu, nhưng mà các bạn không thích đọc. Các bạn tôi họ có phong cách viết khác, nên họ đọc các loại sách khác. Tôi đọc ít hơn họ. Vì không phải chỗ sách đó tôi đọc hết 100%. Tôi chỉ đọc những chỗ tôi hiểu, thấy hay và có thể rút ra cái gì đó để đưa vào bài hoặc vào đầu mình. Nhưng việc mọi người nhận xét là Hưng đọc được những thứ các bạn không tiếp thu được khiến tôi có 1 liên tưởng: Nếu thế thì đó chính là cái làm nên sự khác biệt của mình, nói những cái mà có vẻ khó tiếp thu, có vẻ cao siêu. Lướt qua chỗ dễ, xoáy vào chỗ khó. Giải thích ít lại, bình luận và khái quát nhiều hơn. Nghị Luận Xã Hội Từ đầu đến giờ nói về nghị luận văn học là chủ yếu. Nghị luận xã hội tôi ít đề cập, vì có vẻ như với tôi nó ít cần đầu tư hơn. Nguyên tắc cho nghị luận xã hội có lẽ cũng giống như nghị luận văn học thôi. Vì đều là thi học sinh giỏi mà. Nghĩ xem 80% thí sinh sẽ viết gì? 20% còn lại là gì? Hay là: Họ sẽ KHÔNG viết gì? Tôi nhớ đề thi quốc gia của chúng tôi năm đó là: Sống là tỏa sáng! Có 1 thứ tôi đoán trước được: Hầu hết mọi người sẽ viết theo kiểu “trung dung”, tích cực thế này, tiêu cực thế kia, cái gì cũng có hai mặt, bla bla bla… Tóm lại là giọng văn đạo mạo
  • 11. thản nhiên, bình tâm mà luận thiên hạ… Chắc chắn ít nhất phải 70% bài thi sẽ có giọng đó, nên tôi không viết nữa. Tôi viết là nếu ngày mai phải chết, thì hôm nay tôi sẽ tỏa sáng. Tôi viết là tôi không cần sống lâu để làm gì cả, cái tôi cần là bất tử. Muốn được bất tử, thì người ta phải nhớ đến mình bằng những gì mình đóng góp cho nhân loại này. Trong bài đó, từ tôi chắc chắn là từ xuất hiện nhiều nhất. Tôi vốn chưa bao giờ quên cái mô hình Giải thích – Bình luận – Mở rộng, Phản biện của cô giáo tôi. Nhưng mà hôm đó tôi không còn nhớ là dàn ý của mình đã như thế nào nữa, tôi viết như thể muốn bùng cháy. Sau đó khi ra khỏi phòng thi tôi cũng lo toát mồ hôi là vì sao mình viết câu 2 logic, sáng tỏ đến thế mà câu 1 nói liên thiên cái gì vậy?!?!?! Nhưng mà sau đó hội phụ huynh đội tuyển đưa cả đoàn WhitePalace ăn một bữa no nê thế là lại yên tâm. Không yên tâm thì cũng chả làm gì được nữa. Thi xong rồi thì về ôn thi đại học tiếp kẻo không có giải thì móm. Tạm Hết Trên đây là những trải nghiệm trong cuộc đời học sinh giỏi mà tôi ghi chép nhanh lại. Chưa đầy đủ hết những cứ tạm thời thế đã. Về chuyện học sinh giỏi, tôi nghĩ rằng có ưu điểm và nhược điểm. Học hay không là tùy người, tùy điều kiện, tùy hoàn cảnh,… Nhưng tôi nghĩ với bối cảnh hiện tại nói chung trên diện rộng, nên đưa học sinh giỏi ra khỏi hệ thống thi chính thức hay quyết định thành tích của nhà trường. Chỉ để nó như là một sân chơi thôi, hạn chế gắn lợi ích sát sườn vào nó. Các bạn học sinh không nên “theo đuổi” nó. Cánh cổng đại học hiện nay đã rộng mở hơn với sự tự chủ từ các trường Đại học. Còn những danh tiếng, giải thưởng, thì hãy xem nó
  • 12. như đi thi Đường lên đỉnh Olympia – một cuộc chơi, một sở thích hơn là nhiệm vụ hay con đường. Nếu cảm thấy yêu thích và đam mê một môn khoa học, có khả năng vươn tới đỉnh cao trong môn đó, thì đầu tư cho nó là hoàn toàn chính đáng. Còn nếu muốn cố gắng chỉ vì danh hiệu hay giải thưởng thì có lẽ không nên, không cần thiết. Để thời gian trau dồi những thứ quan trọng khác. KỸ THUẬT TỰ HỌC Không ai không có mong muốn học tập hiệu quả hơn, tiến bộ nhanh hơn, đạt được những mục tiêu học tập của mình: Thi đỗ trường THPT hoặc Đại học mình mơ ước, có điểm cao, đi du học,... Tuy nhiên trên con đường đó có người tiến rất nhanh, có bạn lại loay hoay mãi vẫn cảm thấy năng lực của mình không đủ, phải bù lại bằng cách siêng năng hơn nữa. Tuy ban đầu chưa giỏi ngay, nhưng ai cũng kỳ vọng nỗ lực của mình sẽ được đền đáp. Thế nhưng, một mình nỗ lực thôi là chưa đủ. Có phải mỗi khi nhận về một kết quả không tốt, bạn đều tự hỏi mình rằng: Có lẽ mình vẫn chưa đủ chăm chỉ, chưa đủ kỉ luật? Chưa được như các bạn khác, vì thế nên mình chưa thành công? Mình cần phải chăm chỉ hơn nữa!! Nhất định thế!!! Đôi khi không phải lúc nào cũng là do thiếu chăm chỉ. Mà còn do thiếu phương pháp. Hi vọng một vài chia sẻ dưới đây có thể giúp các bạn đạt hiệu quả cao hơn nữa khi tự học. 1. Động lực học Đề tài đăng bài phổ biến nhất của group mình chắc chắn là tìm nhóm tự học. Cùng nhau bật cam tắt mic, để thấy rằng mọi người đang học cùng mình, lấy động lực và kỉ luật để tự
  • 13. học. Đây là một tinh thần tuyệt vời, tạo ra phần nào sự giám sát, yếu tố thúc đẩy hành động. Tuy nhiên, dù sao nó vẫn là một động lực "từ bên ngoài". Bạn hoàn toàn có thể ngồi đó và lẩm nhẩm một vài từ tiếng Anh, làm một vài bài tập Lý Hóa,... Nhưng kể cả có đạt đến một số lượng nào đó, chưa chắc bạn đã đạt được chất lượng. Vì kiến thức, kỹ năng là hoạt động cá nhân, cũng giống như đi vệ sinh, bạn không thể "ủy quyền" cho người khác học thay được. Bạn cứ làm, nhưng không tự rút ra những kinh nghiệm khi giải bài tập, chỉ giải cốt cho nhiều đề; không dùng từ mới học được như thể nó là của mình, đặt câu và ghim nó để sử dụng, chỉ học cốt cho được nhiều từ, thì kiến thức và kỹ năng không bao giờ đọng lại. Bạn đang bỏ mọi thứ vào một cái giỏ không đáy. Động lực học phải bắt đầu "từ bên trong". Vì sao bạn lười, vì bạn không thật sự muốn làm từ trong thâm tâm. Vì sao một bạn nam có thể chơi bóng hàng giờ mà không hề "cảm thấy" mệt mỏi, vì cậu ta yêu bóng đá từ trong thâm tâm. Vì sao một bạn nữ có thể dành cả nửa ngày để shopping mà không mệt mỏi? Vì bạn đó yêu thích việc ngắm nghía, ướm thử, xem xét, bàn luận... về quần áo, đồ trang điềm, đồ dùng, gối ôm,... Bạn không thể yêu thích tất cả các môn học. Nhưng bạn có thể yêu thích những mục đích thật sự khi học chúng. Mục đích thật sự không phải là đạt điểm cao, tiến bộ. Mà mục đích thật sự là thi đỗ vào ngôi trường mơ ước, sống và trải nghiệm môi trường mơ ước, hoặc một tương lai xa hơn, tùy ở bạn. Nhưng mục đích thật sự đó mới là động lực "bên trong". Hãy tưởng tượng ra mục đích đó một cách càng chi tiết càng tốt. Có được mục đích từ "bên trong", bạn mới thật sự làm việc và giải quyết các vấn đề một cách vì chính mình. Bạn mới thật sự tìm tòi giải pháp cho kiến thức và kỹ năng của mình một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu tối đa nhất. Và khi đã chủ động rồi thì bạn tham gia các group học chung mới thật sự hiệu quả. 2. Kế hoạch học tập
  • 14. Mục đích vẽ ra không thôi thì nó chỉ là trí tưởng tượng. Ba ngày sau là bạn lại quên tuột cho mà coi. Cho nên hình dung được mục đích xong bạn phải lên kế hoạch cho nó ngay. Thức trắng đêm để làm kế hoạch cũng phải làm, không được để nó trôi mất. Kế hoạch bắt đầu từ các mục tiêu. Nếu 1 năm nữa tôi phải đạt 9 điểm, thì 6 tháng nữa phải đạt mấy điểm, 3 tháng nữa là mấy điểm. Chia nhỏ mục tiêu lớn ra chính là cách để không cảm thấy quá nặng nề khi học. Sau mỗi mốc điểm đã đặt ra, bạn có thể tự thưởng cho mình. Hãy kiên nhẫn. Kế hoạch càng chi tiết thì khả năng giám sát của nó càng cao. Chính kế hoạch của bạn mới là thứ giám sát bạn trước tiên, chứ không phải bạn bè trên group chat. Kế hoạch bị chậm tiến độ thì bạn phải làm bù. Kế hoạch nhanh hơn thì bạn đang làm tốt, hãy cải thiện tiếp để tốt hơn. 3. Cải thiện kỹ thuật Khi đã có 2 cái trên rồi thì kỹ thuật học mới thực sự phát huy tác dụng. Đừng mong kỹ thuật giải quyết được hết vấn đề. Một số kỹ thuật tiêu biểu gồm: a, Sơ đồ tư duy của Tony Buzan: Các bạn có thể đã biết rồi hoặc chưa biết thì tự tìm. Đây là kỹ thuật về kiến thức. Dùng để ghi nhớ và thấu hiểu kiến thức một cách bản chất, chắc chắn và lâu dài hơn. Cũng như để quá trình ôn tập lại trở nên tiết kiệm hơn đáng kể. (Anh đã có một bài về Những sai lầm khi sử dụng SĐTD rồi, có thể bấm vào nick anh để xem lại bài cũ trong group) b, Hệ ghi nhớ (cũng của Tony Buzan): Dùng để ghi nhớ kiến thức một cách nhanh chóng và lâu dài. Tất nhiên phải qua luyện tập, càng thuần thục thì mới càng nhớ nhanh nhớ nhiều nhớ lâu. Chứ không có chuyện không làm mà đòi có ăn. (Anh cũng đã có một bài về cái này rồi, tiêu đề là "Tips ghi nhớ...")
  • 15. c, Phương pháp Power Point: Đây là phương pháp xuyên suốt 2 cái trên, nhưng còn xuyên suốt cả việc làm bài văn nghị luận. Cái này thì chưa có bài cũ, nhưng đã được nhắc đến nhiều. Cách thực hành tốt nhất nó, là nếu đang học cái gì, hãy dạy lại chính cái đó cho một đứa lớp dưới. d, Phương pháp Luyện tập có ý đồ: Không phải các bạn làm càng nhiều bài tập càng tốt, mà làm để rút ra kinh nghiệm, rút ra nhận thức của riêng mình. Ví dụ với môn văn thì không phải làm càng nhiều đề càng tốt, mà viết đi viết lại 1 đề bài và cải tiến, rút kinh nghiệm đến khi mình ưng ý thì thôi. Với các môn tự nhiên thì là làm các chuyên đề. Trong mỗi chuyên đề phải tự đúc rút ra nhận thức, kinh nghiệm với mỗi dạng bài, kiểu bài,... Phương pháp này có thể học theo nhóm. Nhận xét chéo lẫn nhau. Lúc này thì trí tuệ đám đông sẽ phát huy hiểu quả nè. Các bạn có mục đích mạnh mẽ, có kế hoạch cụ thể rồi trong quá trình làm việc có lẽ các bạn cũng sẽ tự đúc kết ra phương pháp phù hợp nhất với mình, chứ không nhất thiết là phải theo một phương pháp nào. Ví dụ như anh thấy có nhóm thức từ 2h, 4h sáng. Có một số người học tốt nhất khi yên tĩnh. Nhưng một số khác lại tập trung cao nhất khi có tiếng nhạc nhẹ bên cạnh. Quan trọng là ở sóng não. Nếu lúc 2h 4h mà các bạn còn buồn ngủ, thì có học mấy nó cũng không vào. Não nó chỉ tiếp thu tốt nhất khi hoàn toàn tỉnh táo, sáng khoái. Khi đó 1h học bằng 3-4h học vào lúc buồn ngủ, ủ ê. Thiếu ngủ cũng khiến não căng thẳng, giảm khả năng. Lúc đó nó làm việc 3-4h có khi không bằng hiệu suất của nửa giờ tỉnh táo. Đừng để thiếu ngủ.
  • 16. Các phương pháp trên anh nói cơ bản còn sơ sài, nhưng vì bài dài rồi. Quá nhiều thông tin khiến não bạn không tiếp thu được hết mà chỉ thêm rối thôi. Bao giờ anh mở group học, có điều kiện kèm cặp training thì tính sau. Tạm hết. NHỮNG SAI LẦM KHI SỬ DỤNG SƠ ĐỒ TƯ DUY Sơ đồ tư duy đã không còn xa lạ với các bạn học sinh, sinh viên và những người làm công việc tư duy sáng tạo. Đối với việc học tập, công cụ này là một phương pháp tái tổng hợp và (qua đó) ghi nhớ kiến thức một cách có hệ thống, vững chắc. Kiến thức chỉ là của chúng ta, khi chúng ta tự xử lý hoặc tự tái xử lý chúng sau khi tiếp thu từ bên ngoài (thầy cô, sách vợ hoặc internet). Và để thực sự xử lý các thông tin – kiến thức đã tiếp thu, sơ đồ tư duy là công cụ cần thiết. Tuy nhiên hiện nay, cách sử dụng sơ đồ tư duy của phần đông các bạn học sinh, thậm chí thầy cô, có những nhầm lẫn, dẫn đến không phát huy được hiệu quả của công cụ này. Trước tiên hãy cùng điểm lại 7 bước của Tony Buzan – người phát minh ra Sơ Đồ Tư Duy: 1. Bắt đầu từ giữa tờ giấy và vẽ lan ra phía các lề – mép. 2. Vẽ một hình ảnh thể hiện ý tưởng chủ đạo.
  • 17. 3. Sử dụng nhiều màu sắc 4. Liên kết các nhánh với hình ảnh trung tâm, phân cấp các nhánh thông tin 5. Vẽ các nét cong, thay vì nét thẳng 6. Chỉ viết một từ/ cụm từ ngắn trên mỗi dòng 7. Sử dụng hình ảnh càng nhiều càng tốt Sai lầm phổ biến diễn ra khi chúng ta không thực hiện 2 nguyên tắc cuối cùng. Chúng ta thấy không hề ít những sơ đồ tư duy quá nhiều chữ. Nhưng rồi lại cho đó là “dày dặn thông tin” và lấy làm quý báu. Thật sai lầm. Việc đưa chi chít chữ vào sơ đồ tư duy chỉ chứng tỏ khả năng chắt lọc và phân cấp từ khóa yếu kém. Cùng với đó, hệ quả sẽ là chúng ta lạm dụng chữ và bỏ qua việc biến chúng thành hình ảnh (bước 7). Nếu bạn thấy sơ đồ gần nhất của mình chi chít chữ, lần tới hãy nhớ gạt bớt từ ngữ thừa đi và vẽ minh họa nhiều hơn. Một sai lầm khác tôi nhận thấy ở những người sử dụng mind map thiếu hiệu quả đó là: vẽ 1 lần, cố gắng chỉn chu hết sức và rồi ngồi học thuộc cái bản đồ. Cách làm này chẳng khác gì bạn học thuộc vở ghi, chỉ là bạn đã ghi theo cách “hội họa” hơn. Hãy nhớ, quá trình vẽ sơ đồ tư duy chính là quá trình chúng ta tái tổng hợp và tổ chức lại thông tin. Điều chúng ta cần làm là VẼ càng nhiều càng tốt, chứ không phải XEM LẠI càng
  • 18. nhiều càng tốt!Hãy vẽ thành nhiều lượt, nhiều bản thảo, đến khi bạn đã cảm thấy thông tin được tổ chức đúng và hình ảnh minh họa được liên kết vững vàng. Bản thân quá trình vẽ đó đã ghi thông tin vào bộ nhớ của chúng ta, thay vì học thuộc lòng. Và phải nhờ thế, sau này khi xem lại, chúng ta mới “đánh thức” được trí nhớ! TIPS GHI NHỚ VÀ 8 CẤU TRÚC XÂY DỰNG LUẬN ĐIỂM CHO BÀI VĂN Gọi là tip ghi nhớ thật ra cũng chưa đúng lắm. Vì nó là Phương pháp Hệ Trí nhớ của Tony Buzan. Lý thuyết trước nhé, xong thực hành bên dưới. 1. Bạn phải HIỂU nội dung mình cần học thuộc. Hãy chắc chắn là mình đã hiểu được nội dung cần ghi nhớ. Nếu chỉ học vẹt mà không hiểu thì không nhớ được đâu. 2. Lọc ra các POWER POINT. Tức là các TỪ KHÓA trọng điểm có sức nặng, chứa nội dung chính và có khả năng gợi lại những thông tin khác. 3. Biến các Power Point đó thành các HÌNH ẢNH. Chú ý: Các hình ảnh này càng HÀI HƯỚC hoặc VÔ LÝ càng tốt. Và càng cảm nhận được bằng NHIỀU GIÁC QUAN càng tốt. Nếu ai đó kể cho bạn chuyện 1 con cá to, bạn sẽ không nhớ, nhưng chuyện 1 con cá khổng lồ cưỡi trên lưng Song Jong Ki thì bạn sẽ nhớ. Điểm mấu chốt đấy. 4. Lựa chọn và xây dựng các HỆ GHI NHỚ của mình. Hệ ghi nhớ là tất cả những danh sách mà bạn đã có sẵn trong đầu. Ví dụ như danh sách các đồ vật trong phòng riêng của bạn,
  • 19. danh sách các nghệ sĩ đẹp nhất của YG Entertainment. (Trong phần nâng cao, chúng ta sẽ học cách xây dựng những danh sách ghi nhớ lên đến 10.000 thứ). Hệ ghi nhớ là các móc treo để chúng ta treo những thông tin cần nhớ ở phần 3 vào và truy cập lại, lấy lại chúng khi cần thiết. Giống như cách chia folder và tệp trong máy tính. 5. Liên kết nội dung cần nhớ (các power point) với các mục trong Hệ ghi nhớ theo nguyên tắc: KỲ QUÁI tối đa, HÀI HƯỚC tối đa, ĐA GIÁC QUAN tối đa. Nói chung là bạn phải điên điên một tí, à không phải một tí, điên điên kinh hoàng. Oke, khi người chơi đã sẵn sàng, chúng ta bắt đầu đi tìm: Ai là người nhớ? Chương trình đưa ra cho bạn 8 kiểu cấu trúc để xây dựng luận điểm cho một bài văn nghị luận. Chúng tôi sẽ giúp bạn ghi nhớ nó. Nhưng trước tiên, 8 kiểu cấu trúc đó là: (đừng cố ghi nhớ, hãy cứ đọc thôi) 1. Phân loại: Trình bày vấn đề theo cách phân loại nó thành các nhóm nhỏ, có thể vấn đề đã tự bao gồm các thành phần, hoặc bạn phải tự chia theo cách của mình. Ví dụ: Nói về chứng lười học thì có thể phân ra là lười do giỏi, lười do thiếu động lực, lười do thiếu áp lực,... 2. Đánh giá: Là chia luận điểm theo kiểu: Ưu điểm và nhược điểm; Điểm cộng và điểm trừ; Lợi ích và tác hại;... Ví dụ: Ưu điểm của lười, nhược điểm của lười,...
  • 20. 3. Thứ tự thời gian: Là chia theo một quá trình phát triển của vấn đề. Ví dụ như quá khứ, hiện tại, tương lai hoặc trước - trong - sau,... Khi nào tính lười bắt đầu xuất hiện, khi nào đạt đỉnh điểm, thoát ra như thế nào? 4. So sánh: Nói về điểm giống và điểm khác, từ những khác biệt lớn nhất, rõ ràng nhất,... Ví dụ như lười so với người đã mất hết mục đích, không thiết tha gì 5. Chuỗi: Thường dùng cho các hiện tượng, vấn đề có sẵn ở dạng chuỗi, quy trình hoặc diễn biến. Ví dụ như: hành trình vượt qua tâm lý lười biếng,... 6. Nhân - quả: Bàn luận theo kiểu đi tìm nguyên nhân, dự tính kết quả, hoặc đánh giá quan hệ nhân quả của các vấn đề xã hội. Ví dụ: Nguyên nhân của lười, kết quả của lười... 7. Hỏi đáp: Chia vấn đề thành các câu hỏi từ khái quát đến cụ thể, rồi đi giải đáp từng câu hỏi. Từ lời đáp của phần trước nảy ra câu hỏi của phần sau. Ví dụ: Phỏng vấn một người lười 8. Vấn đề - Giải pháp: Phân tích bản chất, nguyên nhân và cơ chế trước, sau đó mới đưa ra một giải pháp tổng thể. Ví dụ: Phân tích tính lười, người lười. Rồi mới đưa ra giải pháp từ tạo động lực, tạo áp lực, dùng kế hoạch, dùng giám sát,... Để cho dễ tiếp cận với nhiều người. Chúng ta sẽ sử dụng một Hệ ghi nhớ mà ai cũng có: Hình ảnh hóa các con số từ 1-10. Đây là bước chúng ta tạo các “móc treo”.
  • 21. Số 1 thường làm bạn tưởng tượng đến thứ gì? Cụ thể và cảm tính nhé? Tôi sẽ liên tưởng đến huy chương vàng - #1. Hãy tưởng tượng một chiếc huy chương vàng chi tiết, lấp lánh, sáng bóng, nhìn là muốn cắn và có mùi kim loại rõ ràng nhé. Số 2 là một con ngỗng. Không thể khác được. Một con ngỗng kêu ông ổng và hung hãn. Số 3 là một cái mông nằm ngang, nếu bạn để ý. Hãy nhớ, chúng ta phải HÀI HƯỚC. Số 4 trông giống một con dao dựng đứng lên trời, sắc lẹm. Số 5 giống chữ S, vì thế tôi hay liên tưởng nó đến superman. Số 6 làm tôi nghĩ đến con xúc sắc. Gieo xúc sắc mà ra lục liên tục thì là thần bài rồi. Số 7 giống cái lưỡi hái của Thần Chết. Cái lưỡi hái cùn nên nếu bị chém thì không chết được nhưng vô cùng đau đớn. Số 8 là cái còng tay, chắc ai cũng dễ dàng hình dung ra nó. Oke, bây giờ chúng ta sẽ treo nội dung vào các móc bằng TRÍ TƯỞNG TƯỢNG và sự ĐIÊN RỒ của mình. (Hãy nhớ, não không ghi nhớ những thứ bình thường, chỉ nhớ những thứ độc đáo, kỳ lạ, hấp dẫn). 1. Từ khóa đầu tiên là “Phân loại”. Phân chính là shi.t. Số 1 là gì? Cái huy chương vàng. Bây giờ hãy tưởng tượng lại một cái huy chương vàng gần nhất mà bạn thấy, nhưng to lớn như một cái mâm. Ánh sáng vàng của nó thế nào? Mùi kim loại của nó ra sao? Phải dùng xe đẩy mới di chuyển được nó. Bây giờ, chúng ta sẽ liên kết nó với cứ.t. Xin lỗi nếu hơi thô thiển, nhưng phải quái dị thì mới dễ nhớ. Tôi sẽ thả cái huy chương bằng vàng to đùng kia vào một bể “phân”, chất thải sẽ bắn tung tóe lên và bạn hãy tưởng tượng ra mùi hôi thối của nó được khuếch tán ra sau cú thả. Bây giờ ai có thể nhảy xuống lấy tấm huy chương lên thì tấm huy chương thuộc về người đó. Trong những người bạn quen thì liệu ai sẽ nhảy xuống? Hãy tưởng tượng người đó nhảy xuống hố “phân” để kéo “huy chương #1” lên.
  • 22. 2. Từ khóa thứ hai là “Đánh giá”. Chúng ta cần liên kết nó với con ngỗng (số 2). Hãy tưởng tượng ra một con ngỗng. Nó hơi giống vịt nhưng cổ dài hơn, lông trăng trắng nhờ nhờ bẩn bẩn. Đặc biệt là nó vô cùng hung dữ và có răng. Nó kêu ông ổng và bắt đầu lao vào tấn công bạn. Nó mổ chân bạn rất đau, bạn phải chạy nhưng nó không buông tha cho bạn. Rồi bạn ngã xuống nhưng tay vơ được một vật gì đó dài dài nặng nặng. Đó là một ngọn “giá” đỗ to như một cây gậy bóng chày. Bạn dùng nó để “đánh” lại con ngỗng. Cái hạt mầm ở đầu cây giá đỗ khổng lồ như một chiếc chùy giúp bạn phang vào đầu con ngỗng. Bạn phải “đánh” con “ngỗng” bằng “giá”. 3. Từ khóa thứ 3 là: “Thứ tự thời gian”. Và phải kết nối với “cái mông”. Thứ tự thời gian nghe quá trừu tượng. Nên chúng ta sẽ liên hệ nó với cái đồng hồ. Tưởng tượng một cái đồng hồ báo thức mà bạn nhớ nhất. Ok? Bây giờ gắn cho nó một cái mông. Mỗi sáng, thay vì báo chuông, cái đồng hồ đó sẽ nhảy lên mặt bạn và chà cái mông của nó vào mặt bạn cho đến khi bạn tỉnh dậy thì thôi. 4. Từ khóa thứ 4 là: So sánh. Chúng ta phải gắn nó với hình ảnh con dao của số 4. Hãy tưởng tượng bạn có một chiếc bánh gato to bằng ngôi nhà của bạn. Có 2 người khổng lồ đang ngồi chờ bạn dùng một con dao cũng siêu to khổng lồ chia miếng bánh đó cho họ. Bạn phải vất vả lắm mới nâng được con dao lên. Khi cắt xuống chiếc bánh, đầu tiên là lớp kem, sau đó đến vỏ bánh, sau đó đến phần gato. Nhưng khi vừa cắt xong, thì một người khổng lồ hét lên khi so sánh thấy miếng của anh ta nhỏ hơn gã kia. Bạn lại cắt một ít từ miếng to đẩy sang miếng nhỏ. Nhưng lần này đến lượt gã còn lại hét lên vì bạn đã cắt quá nhiều. Cả 2 cứ liên tục so sánh rồi càng lúc càng tức giận với bạn, chỉ muốn đập bạn cái bép vì thói so sánh ganh đua của chúng.
  • 23. 5. Từ khóa thứ 5 là: Chuỗi. Phải liên kết nó với Siêu Nhân. Hãy tưởng tượng ra Siêu Nhân. Anh ta mặc bộ đồ bó với cơ bắp cuồn cuộn như thế nào? Mỗi bước chân vừa nặng trịch vừa thanh thoát như thế nào? Cách anh ta ưỡn ngực ra mọi lúc ra sao? Oke chưa? Bây giờ tưởng tượng ra anh ta thật ra lại là bê đê. Vẫn trông như vậy nhưng cổ đeo một CHUỖI NGỌC TRAI. Tay anh ấy nhẹ nhàng mân mê chuỗi ngọc trai sáng loáng như mấy cô gái nhà nghèo mới được đại gia giàu có mua cho thứ trang sức đắt tiền đầu tiên. Rồi Siêu nhân làm dáng để khoe CHUỖI ngọc trai đó với chị em của mình là Người Dơi, Người Nhện và Flash. Cũng đều là ổ LGBT. 6. Nhân - quả. Phải liên kết nó với cái xúc sắc. Thần bài. Nhân quả thì dễ liên tưởng đến luật nhân quả. Luật nhân quả cho người đam mê bộ môn xúc sắc là “giờ ta chẳng còn chi, mãi trắng tay mà thôi, đầu bạc răng long phũ phàng”. Hãy tưởng tượng chú Duy Mạnh đi tu, giảng bài cho phật tử về luật nhân quả, trên tay chú lần lần 1 tràng hạt nhưng tràng hạt đó được làm từ những con xúc sắc. 7. Hỏi - đáp: Chúng ta phải liên kết nó đến Lưỡi Hái Tử Thần. Hãy tưởng tượng ra lớp học của bạn đang trong giờ kiểm tra miệng đầu giờ. Người kiểm tra là cô giáo khó tính nhất, đáng sợ nhất mà bạn từng biết. Lần này, cô có một cái lưỡi hái tử thần bên cạnh. Xui xẻo thay bạn là người lên kiểm tra. Cô hỏi bạn đã học bài cũ chưa? Bạn nói dạ rồi! Cô vung lưỡi hái lên và bắt đầu câu hỏi thứ nhất. Cái lưỡi hái lạnh lẽo hình số 7toát ra luồng khí đen buốt giá khiến cho bạn cứng họng. Cô đếm 3 2 1 và vút một cái, bạn thấy cái lưỡi hái lao thẳng về phía mình. Xong bạn xỉu.
  • 24. 8. Giải pháp - vấn đề: Chúng ta phải liên kết nó đến Còng Số 8. Bạn hãy tưởng tượng lại mình là nhân vật chính trong một bộ phim cách mạng hoặc phim võ lâm Trung Quốc. Đó là cảnh bạn bị còng tay bởi một cái còng số 8 và bị quân lý áp GIẢI ra PHÁP trường. Bạn không được đi giày dép mà phải đi chân đất. Cái còng tay có những lưỡi cưa nhỏ siết vào tay bạn vừa lạnh lẽo vừa đau đớn. Bạn bị GIẢI lên PHÁP đàn, nơi đao phủ đã đợi sẵn để hành quyết bạn. Nhưng rồi bạn vận công đúng vào lúc nguy hiểm nhất đánh bay tất cả, tung chưởng loại bỏ toàn bộ đám lính và tự mình bắt tên pháp quan rồi đấm hắn không trượt phát nào. Oke. Đừng đọc lại phần trên. Hãy nghỉ 10 giây. Sau 10 giây, bây giờ tôi sẽ hỏi bạn: - Từ khóa số 5 là gì? - Từ khóa số 2 là gì? - Hãy kể ngược các nội dung trên từ 8 đến 1 nào: 8 là? 7 là? 6 là? 5 là? 4 là?... Bạn đã cảm thấy việc ghi nhớ dễ dàng và thú vị hơn chưa? Hãy nhớ kỹ, khi áp dụng phương pháp này, bạn phải tư duy thật kỳ quặc, hài hước, dị thường vì não bộ sẽ không bao giờ ghi nhớ được cái nội dung bình thường, nhàm chán. Bên cạnh đó là phải hiểu được các nội dung cần học trước. Bởi vì phương pháp chỉ giúp bạn ghi nhớ từ khóa, chứ không ghi nhớ chính xác mọi ký tự được như máy vi tính. Và dĩ nhiên, phải chọn lọc được các power point quan trọng. Chúc các bạn thành công!
  • 25. CÁCH ĐỂ KHÔNG BỊ BÍ MỞ BÀI Vì sao mở bài là phần khó viết nhất? Vì sao mở bài là phần gây đắn đo nhiều nhất? Làm thế nào để không bị rối và bí khi mở bài? Làm thế nào để không luẩn quẩn mất thời gian với mở bài? Chắc chắn là nhiều bạn làm văn bị vướng vào những câu hỏi này. Các bạn tìm kiếm mở bài mẫu, cố gắng học thuộc để áp dụng theo, nhưng để tôi nói cho các bạn biết vì sao bạn đọc bao nhiêu mở bài mẫu thì bạn vẫn cứ thấy lấn cấn, sao sao mà thôi. Đó là vì phần mở bài chính là phần "lấy giọng" của bài văn. Hay nói chính xác hơn, cái trọng điểm nhất, khó nhất của mở bài chính là giọng điệu chứ không phải nội dung. Ai chả biết cấu trúc 3 phần của tất cả các mở bài trong cái zũ trụ này. Mở đầu - Chuyển hướng - Đưa ra vấn đề. Người bay bổng thì mở đầu bằng thơ, người thích lý luận thì mở đầu bằng lý luận, người trí nhớ tốt thì mở đầu bằng trích dẫn câu nói,... Một khi mà bí thì chính là bí ở cái mở đầu này. Bí mở đầu thì viết liều, viết liều thì khó cho câu dẫn để chuyển hướng về đưa ra vấn đề. Bạn đọc một tỉ mở bài mẫu, nhưng mà đó là một tỉ giọng điệu khác nhau và nó vẫn không phải cái giọng điệu của bạn. Thôi thì để cho nhanh cho tiện bạn học thuộc luôn cả giọng điệu nào đó hợp hợp với mình. Sau cùng bạn cứ thấy lấn cấn, không hài lòng. Là bởi vì bạn đã "diễn" bằng giọng điệu của người khác, hoặc của giáo viên, nên bạn thấy mình không thể hiện được hết cái mà mình nghĩ, mình hiểu, mình nhớ.
  • 26. Vậy bây giờ thế nào? Đơn giản thôi, hãy hình thành giọng điệu của mình. Có giọng điệu riêng của mình rồi thì bạn sẽ không phải băn khoăn với việc nên chọn kiểu mở bài gián tiếp hay trực tiếp, đi từ đâu dẫn về đâu,... Đơn giản, giọng của bạn như thế nào, trường phái của bạn là gì, thì với mọi vấn đề đều dễ dàng bắt đầu. Anh Độ Mixi bắt đầu stream đều "Hí anh em!" Nhưng mà không bị nhàm chán. Vì cái giọng của ảnh như vậy rồi. Khi có cái chất giọng riêng rồi, thì bắt vào bất cứ vấn đề nào cũng có thể nói được ngay thôi. Làm sao để có giọng riêng? Đầu tiên là bạn phải có một thế giới quan, một hệ giá trị vững chắc của riêng mình. Nó sẽ là cái để chúng ta ngay lập tức đánh giá, phán đoán được 1 vấn đề. Dù nó thế giới quan có không hoàn hảo, có thiên hướng về một phía, nhưng nó vẫn là chất riêng. Với nghị luận xã hội thì đó là thế giới quan, quan điểm sống của bạn. Chẳng hạn với đề: "Sống là tỏa sáng!", người quan điểm trầm ổn sẽ mở đầu theo kiểu: vũ trụ này là cân bằng, ánh sáng là vận động, bóng tối là vĩnh viễn. Còn người theo quan điểm YOLO sẽ mở đầu kiểu: Yo, đúng rồi, cháy lên anh em!!! Không có cách nào là đúng hay sai, vì đây là văn mà, chỉ có ấn tượng hay kém ấn tượng. Với nghị luận văn học thì đó là nền tảng kiến thức lý luận. Bạn có thể thích chủ nghĩa lãng mạn, bạn có thể thích kiểu phê bình logic,... Nhưng đừng chọn tất cả các kiểu mở bài để học vì nghĩ nó phong phú, hãy chọn kiểu đúng với cái giọng của mình.
  • 27. Thứ hai, đó là hãy bắt chước giọng điệu của những cây viết bạn thích, không hẳn phải là nhà văn hay nhà phê bình. Có thể là bất cứ ai viết lách, nói chuyện mà có giọng điệu khiến bạn thích thú, muốn học theo. Nhưng đừng chỉ học một người. Hãy đọc và nghe nhiều người. Quá trình chuyển từ việc tiếp thu cây bút này sang cây bút khác, dần dần tự những điểm thích hợp với mình sẽ đọng lại. Sau cùng nó sẽ định hình giọng điệu của bạn. Đây không chỉ là cách làm mở bài nhanh hơn, mà còn là cách làm cho bài văn của mình trở nên khác biệt, nổi bật. Kể cả khi bạn không thế sáng tạo một chút nào về ý tưởng với một đề văn quá đóng, cái giọng điệu khác biệt cũng đã làm nên sự nổi bật cho bài văn rồi. LÀM SAO ĐỂ VIẾT VĂN KHÔNG BỊ “LỦNG CỦNG” Hình như từ khóa “lủng củng” là từ được giáo viên dùng nhiều nhất để nhận xét về các bài văn của chúng ta. Mọi người vẫn hiểu “lủng củng” là kiểu diễn đạt không thoát ý, loanh quanh luẩn quẩn, chân nam đá chân chiêu, râu ông nội cắm vào cằm bà ngoại. Nhưng làm sao giải quyết được nó? Thật ra hiện tượng “lủng củng” hoàn toàn có thể giải quyết thông qua rèn luyện. Bản chất của lủng củng là bạn viết theo mạch suy nghĩ của mình, nghĩ tới đâu viết tới đó.
  • 28. Nhưng mạch suy nghĩ của chúng ta thì thường miên man vô tận, đang ngồi học tự nhiên nghĩ đến cái mụn ở cằm, xong lại nghĩ chiều đi học về ăn gì ngon đây ta? Con méng kia đang nói xấu gì mình ta? Vincenzo hết rồi huhu xem gì ta? Đại khái thế. Mạch suy nghĩ khi tập trung có thể rõ ràng hơn, nhưng đó vẫn là mạch suy nghĩ của chúng ta. Còn người đọc bài họ lại tiếp nhận thông tin theo mạch đọc, mạch suy nghĩ của họ. Nên cái bạn cần không phải viết ra suy nghĩ của mình, mà là viết ra đế dẫn dắt suy nghĩ của người đọc, viết theo cách dễ hiểu nhất cho người tiếp thu. Muốn thế, trước tiên mạch suy nghĩ của chúng ta phải rõ ràng và mạch lạc. Muốn tư duy logic, rõ ràng và mạch lạc thì kiến thức của bạn phải dựa trên các từ khóa (phương pháp power point đã nói ở các bài trước) và tất nhiên, bạn thật sự hiểu vấn đề. Chứ không phải bạn cứ học thuộc lòng lời người khác rồi “hót” lại trong bài viết như chú vẹt. Cơ bản để viết không lủng củng có 2 điều kiện: Điều kiện cần là một tư duy mạch lạc, điều kiện đủ là một kỹ năng diễn đạt mạch lạc. 1. Để có một tư duy mạch lạc: - Thường xuyên đọc các tài liệu khoa học, phi hư cấu, gia tăng phông nền kiến thức: Triết học; Tâm lý; Kinh tế; Lịch sử; Văn hóa;... - Tiếp thu kiến thức dựa trên từ khóa và mối liên hệ giữa các từ khóa thay vì cố gắng học thuộc lòng tất cả mọi thứ - Thường xuyên đặt câu hỏi, đánh giá các vấn đề, phản biện, tìm kiếm giải pháp,... 2. Để có một kỹ năng diễn đạt mạch lạc:
  • 29. - Đọc để nâng cao vốn ngôn ngữ, vốn từ, cách diễn đạt sinh động, hấp dẫn, không bị khô cứng - Hãy tập giảng lại những gì mình biết cho người khác, hoặc thuyết trình, tranh biện - Viết một đề tài nhiều lần, đến khi đọc lại thấy hài lòng. Thay vì cố gắng viết được 1 lần càng nhiều đề càng tốt mà không hề đọc lại, tìm lỗi và rút kinh nghiệm. - Hãy đưa ra vấn đề/ thông điệp một cách ĐƠN GIẢN, tập trung vào TỪ KHÓA. Sau đó mới giải thích nếu cần thiết. - Đừng lan man từ điểm này sang điểm khác, cái lẽ ra chỉ được nhắc sau đó. Nếu trong lúc viết, bạn thấy bài luận của mình gượng gạo, hãy dừng lại và xem xét lại dàn bài. - Có thể bạn hiểu chính xác mình muốn nói điều gì, mọi thứ đều rõ ràng với bạn vì bạn đã nghiên cứu và suy ngẫm nó rất nhiều, nhưng NGƯỜI KHÁC LẠI KHÔNG HIỂU GÌ MẤY. Do đó mọi thứ cần rõ ràng cho người đọc. LÀM SAO ĐỂ KHÔNG PHẢI HỌC THUỘC CẢ BÀI PHÂN TÍCH TÁC PHẨM Chăm chỉ học tập là thói quen rất tốt. Nhưng học tập thông minh mới là cách để cải thiện nhanh, có hiệu quả hiệu suất và kết quả học tập. Không nên đổ hết mọi thất bại cho việc “mình vẫn chưa đủ cố gắng, mình vẫn chưa đủ chăm chỉ”. Để thành công được thì “nhiệt tình cách mạng” thôi là không đủ, phải có “phương pháp đấu tranh” hiệu quả. Tình cờ tôi thấy một bài hạ quyết tâm học thuộc của một bạn nào đó lúc nãy, nên biên bài này để góp cho các bạn phần nào bớt khổ sở khi học kiểu chú vẹt Rio.
  • 30. Ít nhất, khi phải học thuộc nội dung của một tác phẩm, việc các bạn đã hiểu được cách phân tích nó, sẽ giúp chúng ta bớt tốn thời gian và công sức hơn. Đa phần các bạn cố gắng học thuộc lòng TẤT CẢ bài phân tích đều là vì bạn không hiểu vì sao lại phân tích như vậy. Một tác phẩm văn học thường có 4 lớp (như sơ đồ bên dưới). Việc đi từ lớp ngoài vào bên trong chính là chúng ta đi phân tích tác phẩm. Lớp bên ngoài cung cấp cho chúng ta những “manh mối” để tìm hiểu và hình dung về lớp trong ngay sát nó, và lại tiếp tục như vậy. (Tất nhiên để phân tích được đôi khi thầy cô cũng dùng những dự liệu ngoài tác phẩm. Nhưng chúng ta sẽ bàn sau, bởi vì gốc rễ của phân tích phải là từ văn bản đó, chứ không phải tiểu sử nhà văn như kiểu mối tình đầu tên Cook). Với mỗi tác phẩm mà các bạn đang học, hay thử phân lớp ra như vậy và phân tích bằng-chính-khả-năng-phán-đoán-của-mình. Lần đầu làm được 10% là hơn 0% rồi, khi đã quen các bạn sẽ cảm thấy mọi thứ dễ dàng hơn. Đừng bỏ cuộc. Khi tôi dạy các lớp gia sư (hay online) của mình, tôi cũng cố gắng dạy các bạn hs kỹ năng này, chứ còn nhồi chữ vào đầu các bạn đã có cô giáo trên lớp rồi. Ngoài ra, để tóm tắt các tác phẩm văn học một cách dễ học hơn. Các bạn cũng có thể tự nhặt ra, đánh dấu các điểm quan trọng trong tác phẩm. Trong đó: Đối với thơ, các bạn cần nắm chắc: Nhân vật trữ tình; Mạch cảm xúc; Nghệ thuật thơ; Phong cách nhà thơ.
  • 31. Đối với truyện, các bạn cần nắm chắc: Cốt truyện - Tình huống; Hình tượng nhân vật; Nghệ thuật kể chuyện. Chi tiết những nội dung này thì thường phải tốn ít nhất vài bài giảng và luyện tập trong vòng khoảng tối thiểu 6 tuần. Nhưng hi vọng một vài gợi ý đó có thể giúp các bạn lên kế hoạch và quy hoạch kiến thức một cách dễ nuốt hơn. Chúc may mắn. CÁCH DÙNG TỪ VÀ BIỆN PHÁP TU TỪ Trước hết phải nhìn nhận rằng, dùng từ và biện pháp tu từ chỉ là vấn đề về hình thức, về cách diễn đạt. Nếu bạn không có nội dung, không có kiến thức vững chắc trước, thì bạn có diễn đạt hoa lá cành, múa may đến đâu thì cuối cùng chỉ là lời sáo rỗng. Nó giống như các bài phát biểu khai giảng, nói rất nhiều, có vẻ rất nghiêm trọng, nhưng chẳng có nội dung gì và chỉ gây buồn ngủ. 1. Do đó, level đầu tiên cần đạt đến chính là ĐÚNG TỪ KHÓA. Bạn nói ra đúng từ khóa, đúng thuật ngữ chính là cách dùng từ tốt đầu tiên. Từ khóa đúng và thống nhất là nền móng cho lập luận vững chắc, sáng tỏ, mạch lạc. Bản thân việc từ khóa đúng, thống nhất xuyên suốt cũng giúp mạch tư duy của bạn trong bài rõ ràng, không lan man, không lủng củng.
  • 32. (Phương pháp "từ khóa" - power point cũng là phương pháp xuyên suốt cách đào tạo của mình, chắc sẽ giới thiệu riêng sau) Mà để dùng được từ đúng, chính xác thì đương nhiên bạn phải học và hiểu rất cẩn thận, chính xác các khái niệm, kiến thức. Học đến đâu chốt thật chắc đến đó, thà biết ít mà chắc chắn còn hơn biết nhiều mà không chắc chắn, mơ hồ. 2. Cao hơn dùng từ ĐÚNG chắc chắn là level dùng từ TRÚNG. Mặc dù là 2 level nhưng hoàn toàn có thể rèn luyện cùng lúc. Nếu dùng từ ĐÚNG là bạn học các kiến thức cơ bản thật chắc, thì dùng từ TRÚNG luyện bằng cách: (1) đọc thật nhiều để nâng cao vốn từ, vốn nhiều thì mới có cái để chọn mà TRÚNG và (2) chủ động suy ngẫm, trăn trở về các vấn đề. Đọc thật nhiều không phải chỉ là đọc văn học nhé, đọc tất cả mọi thứ, nhưng tốt nhất là những cái tiêu biểu của văn hóa đại chúng. Vì cái này còn bổ trợ cho cả các ví von, so sánh khi dùng biện pháp tu từ. Còn chủ động suy ngẫm, trăn trở là mình không chỉ học cho thuộc các vấn đề quan trọng, mà còn phân tích nhiều khía cạnh về nó, tìm ví dụ, thử ứng dụng, để tìm ra cái trọng điểm, cái tính triết lý của nó. Kiểu như văn học phản ánh hiện thực, thì phải hiểu phản ánh tức là "cái này để lại dấu ấn trong cái kia", giống như vết chân trên nền cát. Một yếu tố khác để dùng từ trúng là đừng dùng nhiều từ. Thậm chí là lược bỏ tối đa những thành phần thừa trong câu. Thói quen lược bớt phần thừa này cũng là một yếu tố cần rèn luyện để viết văn bớt dài dòng, cô đọng hơn, "chất" hơn. Bạn dùng ít từ mà từ có sức nặng, một "power point", thì sẽ ấn tượng hơn 3-4 tính từ mà cùng 1 sắc thái nghĩa, đưa vào cốt lấy nhiều, lấy cái luyến láy vô bổ.
  • 33. 3. Oke, sau khi đã làm chủ được từ khóa, chọn được từ đắt thì mới đến biện pháp tu từ. Cũng như mình phải biết đi xe đạp, điều khiển xe an toàn, vào cua gọn gàng, luồn lách chính xác thì mới đến chuyện bốc đầu bốc đí.t đươc. Biện pháp tu từ thì các bạn đã được học quá nhiều rồi, phân tích nó phải đến cả vạn lần. Nhưng có mấy lưu ý thế này: Một là, biện pháp tu từ là để nhấn mạnh, tạo ấn tượng. Mà đã là nhấn mạnh, thì chỉ nhấn mạnh những chỗ quan trọng trong bài, nhất là những cái phát kiến, sáng tạo riêng của mình. Chứ bài văn mà chỗ nào cũng nhấn mạnh thì nó thành chiến lược "quả mít" vì đâu đâu cũng là mũi nhọn. (Câu vừa rồi là biện pháp tu từ gì?). Đừng lạm dụng, nó sẽ thành rườm rà, sáo rỗng, vô bổ. Hai là, biện pháp tu từ không phải chỉ dành để diễn đạt cho sinh động, mà còn có thể dùng để giải thích. Giải thích là làm cho cái khó hiểu trừu tượng trở thành cái dễ hiểu, sáng tỏ. Thế thì phần sau mới dễ bàn luận. Hơn nữa tập dùng tu từ để giải thích, để đơn giản hóa vấn đề là cách tốt để bạn luyện tập làm chủ các biện pháp tu từ, không sa vào hoa lá cành, vô duyên. Kiểu như so sánh cái đẹp trong văn học với Tây Thi, là cái đẹp đến từ sự tưởng tượng. Không ai trông thấy cụ thể Tây Thi thế nào, nên mỗi người sẽ tưởng tượng theo ý mình, và do đó vẻ đẹp Tây Thi vừa huyền thoại, vừa phong phú, luôn luôn hấp dẫn. Hình tượng văn học cũng thế, mỗi người sẽ có một hình dung, tưởng tượng, cho nên rất phong phú. Ba là, khi sử dụng biện pháp tu từ thì bạn nên chọn những biện pháp mà hỗ trợ tốt cho giọng văn, phong cách viết của bạn. Chẳng hạn tôi thích viết ngắn gọn, súc tích, cô đọng
  • 34. thì tôi sẽ thích ẩn dụ hơn so sánh, tôi sẽ ít dùng điệp cấu trúc câu. Hoặc tôi sẽ chỉ dùng điệp ngữ, điệp cấu trúng khi cần nhấn mạnh một power point lớn của bài viết. Bốn là, cao thủ của sử dụng biện pháp tu từ là một biện pháp lớn xuyên suốt cả bài văn. Kiểu như bạn đã nhân hóa thơ là một mỹ nhân, thì ở những luận điểm quan trọng, bạn phải nói về thơ như là nói về một cô gái. Bạn phải gọi là nàng, phải nói về "dung nhan của nàng" chứ không gọi là "hình thức của thơ", gọi là "nội tâm của nàng" thay vì "nội dung thơ". Tất nhiên, phải phù hợp với phong cách viết của bạn nữa. Năm là, muốn dùng biện pháp tu từ thì bạn phải có khả năng liên tưởng phong phú. Muốn liên tưởng được phong phú thì phải có hiểu biết rộng, phong phú trên nhiều lĩnh vực, phổ biến nhất là triết học, xã hội học, rộng ra là kinh tế, tâm lý, thậm chí vật lý, hóa học. Kiểu như: mỗi nhà văn sẽ có một nhãn quan nhạy bén riêng về một mảng đề tài, nhãn quan đó sẽ "xúc tác" với một tình huống, hoặc một hình mẫu thực tế, để "kết tủa" ra thành hình tượng. Do đó hình tượng có thể bắt nguồn từ hình mẫu, nhưng nó không thể đánh đồng với hình mẫu. Và như thế cũng có nghĩa là, bạn phải hiểu thật chắc chắn các vấn đề mà bạn muốn dùng biện pháp tu từ để diễn đạt. Vì nếu không thì sẽ thành diễn đạt sai, hoặc thừa thãi, vô duyên. Tóm lại, hãy nắm thật chắc chắn các kiến thức, thậm chí đào sâu suy ngẫm về các nội dung quan trọng; đọc và tiếp thu tri thức từ nhiều nguồn phong phú, tăng vốn từ, tăng vốn tưởng tượng; phải tìm ra một giọng điệu cho mình để việc diễn đạt nói chung và tu từ nói riêng thống nhất, duyên dáng.
  • 35. LÀM SAO ĐỂ SẮP XẾP CÁC Ý TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN MỘT CÁCH LOGIC HƠN Thật ra đây cũng là vấn đề mà tôi phải đối mặt trong suốt giai đoạn từ cấp 2 cho đến tận lớp 11. Dù có lập dàn ý trước khi viết, giải thích đề bài trước khi bàn luận, hít thở rất sâu khi viết để cố gắng tránh né,... cuối cùng vẫn có cảm giác rằng mình chân trái đá vào chân phải, đang cái nọ lại xọ cái kia. Tuy nhiên không phải vì tôi mất thời gian khá lâu để tìm ra cách giải quyết mà vấn đề này nghiêm trọng. Thật ra không quá khó để khắc phục. 1. Thứ nhất việc bạn không phân tách rạch ròi được ý là vì trong tư duy hoặc kiến thức của bạn không rạch ròi được ý. Do kiến thức bị nông, hoặc tư duy chưa sắc. Để khắc phục chuyện này, phải nắm chắc được các từ khóa. Hay gọi là phương pháp power point. Từ khóa của đề bài và từ khóa của kiến thức. Giải thích đề bài phải chốt được từ khóa trung tâm và từ khóa vệ tinh. Nhất là mối quan hệ giữa các từ khóa đó, vì mỗi từ khóa là một vấn đề trong đề bài. Người ra đề diễn đạt vấn đề bằng hình ảnh, bằng ví von, thì mình phải "quy đổi" nó về các từ khóa, các thuật ngữ chính xác trong phần giải thích. Chẳng hạn hồi trước có đề văn "Đánh thức tiềm lực Việt Nam" thì phải quy đổi ra, tiềm lực có mấy tiềm lực? Tiềm lực tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực vị trí địa chiến lược, tiềm lực con người,... trong đó cái nào là tiềm lực quan trọng nhất, tiềm lực nào quyết định những cái còn lại? Dĩ nhiên là con người. Tư duy sáng tỏ như thế thì bạn cứ việc triển khai ra thôi.
  • 36. Và dĩ nhiên xoáy sâu phải vào tiềm lực con người: tiềm lực từ trí tuệ, tài năng, tiềm lực từ ý chí, thái độ,... Chính phần Giải thích đề nó định hình luôn các luận điểm cho mình đó. Mỗi luận điểm là một từ khóa. Dĩ nhiên, các vấn đề liên kết đến nhau, mình vẫn phải nhắc đến, nhưng nắm được power point của mỗi luận điểm rồi, thì sẽ chủ động không để xiên xẹo. 2. Thứ hai, việc viết ý nọ chèn vào ý kia nhiều khi còn là do thói quen lập luận quá tham. Đang nói cái này lại muốn nói cái kia, hoặc do dòng suy nghĩ của bạn làm chủ bạn, thay vì bạn làm chủ dòng suy nghĩ của mình. Bình thường trong một ngày suy nghĩ của mình nó cũng chạy lung tung thế mà. Đang ngồi trong lớp thì sờ tóc, lại nghĩ là ui nay tóc mình đẹp quá ta. Tóc đẹp lại nhớ ui tôi cắt tóc hôm trước tay mềm quá ta. Ui đàn ông tay mềm thì dịu dàng quá ta. Xong lại xiên tiếp sang Song Jong Ki tay có mềm không ta? Cho nên bạn để cho dòng suy nghĩ làm chủ mình thì sẽ viết xiên xẹo. Mà bạn muốn làm chủ dòng suy nghĩ, thì bạn phải chốt từ khóa như trên, dĩ nhiên. Quan trọng hơn là, tập viết đi viết lại một đề, cho đến khi mọi thứ thật sự sáng tỏ, logic. Vì nó là kỹ năng, nên bạn phải làm đi làm lại một đề. Nhớ đó, một đề thôi, đừng có tham làm nhiều đề. Nhưng làm đến khi đọc lại thấy ưng ý thì mới thôi, hoặc nhờ người khác đánh giá giùm đến khi ưng ý mới thôi. 3. Thứ 3, trong dài hạn, bạn phải đọc thêm nhiều cả về lí luận văn học và các ngành khoa học khác như triết học, tâm lý, kinh tế, ... để nhằm hai mục đích: Một là tăng vốn từ, vốn kiến thức. Phải có vốn thì bạn mới có từ khóa mà dùng, và chốt được đúng từ khóa cần dùng. Hai là học cách trình bày vấn đề, lập luận vấn đề của các tác giả viết sách. Bạn nghĩ
  • 37. họ viết quyển sách liền một mạch là xong à? Không, họ phải viết đi viết lại có khi đến cả trăm bản thảo. Họ làm một "bài văn" cỡ lớn không dưới một chục lần để có cái cho bạn đọc. Cho nên bạn chắc chắn có thể học cả cái hay và cái dở từ họ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tập bằng cách "dạy" lại vấn đề mà mình đã học được cho một bạn, một bạn khóa dưới. Dạy lại nội dung chính là một cách để mình học, ghi nhớ và suy ngẫm về vấn đề rất hiệu quả. Nhất là trong chuyện chốt được những từ khóa quan trọng của vấn đề đó. Bạn đừng sợ là mình không hiểu sâu mà đòi dạy ai. Đừng nghĩ nhiều thế, đơn giản là mình giảng giải lại cho một người chưa biết. Nếu bạn giảng giải lại cho một đứa lớp 4 hiểu được vấn đề của môn học ở lớp 9, thì chứng tỏ khả năng truyền đạt và độ hiểu vấn đề của bạn đã tốt. Còn dạy không được cũng chả sao, trong quá trình dạy đó chính mình cũng sẽ hiểu rõ vấn đề hơn nhiều đó. Nếu các cách trên vấn chưa được, hãy nói với tôi để tôi đưa thêm phương án. ĐỌC GÌ ĐỂ GIỎI VĂN? Đọc và viết là vòng luân hồi để nâng cao kỹ năng văn vở. Đọc xong viết, viết xong đọc. Không đọc thì không có gì để viết, không viết thì cái mình đọc chỉ là đồ đi mượn, thông tin không được xử lý qua não mình. Nó không thành kiến thức của mình. Bài này định hướng đọc. Vậy đọc thì đọc cái gì? Đọc thế nào? Đọc từ đâu đến đâu?
  • 38. 1. Hãy đọc những chủ đề mình thích. Đọc Doraemon cũng có vô số vấn đề nhân văn để vận dụng vào bài. Thậm chí vô cùng thiết thực, vì mỗi bảo bối chính là một ẩn dụ về cuộc sống nếu bạn biết liên hệ. Đọc cái chủ đề mình thích thì sẽ dễ đọc được nhiều, dễ tiếp thu, gắn bó với phong cách tư duy và phong cách viết của mình. Liên hệ đến Doraemon hay cái gì không quan trọng bằng việc làm rõ được vấn đề. Thậm chí dùng Doraemon mà luận giải được mọi vấn đề trong cuộc sống thì bài viết càng thú vị chứ sao. Chưa thấy bài văn nổi tiếng điểm cao nào dùng Doreamon luận thiên hạ cả. Cứ phải Tây Du Ký với Hamlet nhức đầu. Dùng cái đao to búa lớn để nói chuyện đao to búa lớn thì ai chả nói được. Chả có gì mới mẻ sáng tạo cả. Tất nhiên, để cho dễ thẩm thấu và dễ dùng thì các bạn có thể chọn những thứ gần với văn hóa đại chúng. Mình không nói chỉ có sách nhé, hãy đọc từ nhiều nguồn và chắt lọc. Harry Potter, Thủy Hử, Spiderum,... Vì văn hóa đại chúng mới là thứ người đọc bài của bạn dễ hiểu. Chứ một nội dung quá lạ thì lại mất công giải thích, trình bày lại, cũng như khó tạo được sự đồng cảm. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký - ví dụ kinh điển của nghị luận xã hội - là một biểu tưởng văn hóa đại chúng. 2. Những thứ cần lưu ý hơn một chút a. Lí luận văn học Thật ra cái này cần vì chúng ta vẫn còn đang thi nghị luận văn học thôi. Lý luận văn học hiện tại thì toàn giáo trình cho cao đẳng và đại học, nên các bạn là học sinh cũng khó thẩm
  • 39. thấu. Mình đang chuẩn bị cho ra vlog đơn giản hóa lí luận để các bạn học sinh dễ tiếp thu và chỉ cần học những cái cần thiết cho hiểu biết thông thường. Hi vọng mình đủ rảnh để cho ra video sớm. Có lí luận là để các bạn không phải học thuộc những bài phân tích dài dòng mà vốn dĩ không thể học thuộc được. Đồng thời để tự có phân tích, phán đoán của riêng mình, thì viết mới tốt. Và dĩ nhiên, để có thời gian mà đọc cái khác. b. Một số kiến thức "công dân toàn cầu" - Tâm lý học: Cái này có nhiều sách thường thức, được viết dễ hiểu cho mọi người. Tâm lý cũng thú vị nên chắc các bạn tự tìm thoải mái. - Kinh tế học: Kinh tế học cung cấp cho các bạn nhãn quan thực tế để phán đoán và đánh giá các vấn đề xã hội, cũng như con người. Bạn sẽ nhìn thế giới rất khác, bớt đạo đức hóa mọi thứ đi. Mà muốn đọc kinh tế học thì chọn quyển: "Đô la hay lá nho? - Economic naked" - Triết học: Cái này với học sinh thì khó nuốt, có quyển Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar... Triết học qua truyện cười, dễ hiểu dễ đọc cho lứa tuổi từ 12 trở lên. Hoặc đọc dự án Triết học tuổi trẻ - Văn mẫu, nhưng mà là văn mẫu IELTS
  • 40. - Spiderum: Một phiên bản Reddit của Việt Nam nhưng nội dung kiểu được chắt lọc hơn chứ không có thiên hướng tự do như Reddit. Nói chung trang này giờ cũng nổi tiếng rồi. Đọc cũng khá, nhiều tác giả thú vị. Kể ra thì nhiều vô cùng để đọc hết. Mà kiến thức và tư duy thì nó luôn luôn tiến lên. Có những lĩnh vực cũng muốn giới thiệu cho các bạn nhưng mình còn chưa đọc thì không biết nói thế nào. Kiểu như mấy quyển về nhân loại - lịch sử như: Homo Sapiens, Homo Deus,... rồi sách về văn minh - văn hóa... cái đó tăng phông kiến thức cực nhanh. Thật ra có đọc nhiều đến đâu các bạn cũng sẽ thấy là chỉ có 20% từ khóa cốt lõi chiếm 80% nội dung. Còn lại sẽ là những thứ mà mình có thể tra cứu sau, khi cần thiết. 20% đó chính là các power point. Phương pháp power point thật sự xuyên suốt cả việc tiếp thu kiến thức này, cũng như việc trình bày, viết lách, thuyết trình,... Nói chung là xuất bản mồm thì bao giờ cũng dễ hơn xuất bản viết. Cho nên mình mới ấp ủ làm vlog chứ ngồi soạn thảo kinh nghiệm như này mệt mà đau mắt. Các bạn tiếp tục đặt câu hỏi mình sẽ cố gắng biết đến đâu trả lời đến đó. Mỗi người giúp nhau một chút. MUỐN VIẾT VĂN MẶN THÌ SỐNG PHẢI MẶN Câu này mình học lỏm từ dân content marketing. Thấy cũng đúng với việc làm văn nói riêng. Nên là từ đó nó là của mình. Vậy thì sống mặn là gì và làm sao để sống mặn?
  • 41. Sống mặn là sống có chất. Cơm rau sơ sài người ta thường gọi là bữa ăn không có chất. Chất của bữa ăn là đạm, béo, xơ, vi,.. Còn chất của cuộc sống là hỉ, nộ, ái, ố,... Chất, bên cạnh yếu tố về diện - đủ chất, còn có yếu tố về lượng - sự tinh khiết. Hay gọi là chất lượng của chất. Ăn đủ chất tương ứng với sống đủ rộng. Ăn các món giàu chất, chất tinh khiết, tinh luyện, heo-thì (healthy), ne-trùa (nature) thì tương ứng với sống có chiều sâu, sống với sự tự ý thức, tự suy ngẫm, chiêm nghiệm cao. Ngoài chiều rộng và chiều sâu, cuộc đời còn có thể có chiều cao, là sự hiếm có. Cuộc đời hiếm có là cuộc đời với những trải nghiệm của số cực ít, số hiếm, tỉ phú thế giới, thiên tài nhân loại. Đầu tiên nói về chiều rộng của cuộc sống. Chiều rộng này có lẽ lại có thể chia ra thành 2 thước đo. Cũng như khi bạn chơi game, đó là số lượng màn chơi, bản đồ và mức độ khó của màn chơi. Tương ứng với số lượng phạm vi mình trải nghiệm và mức độ thử thách, độ khó của từng trải nghiệm. Phạm vi - như các cụ nói - là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Đi nhiều, thấy nhiều, làm nhiều thì sống nhiều. Nhãn quan của người đã giao tiếp với nhiều nền văn hóa tự nhiên sẽ khác nhãn quan của người chỉ quanh quẩn một nơi một chốn. Nhưng ngoài phạm vi ra còn phải có độ khó. Mỗi thứ biết một tí, nhưng biết không đến nơi đến chốn; đó là thực trạng của những người bất kể chuyện gì cũng có thể bàn luận như mình hiểu biết nhiều lắm. Đọc nhiều, nhưng toàn đọc mục lục, đọc phần tóm tắt, thì cũng có thể BIẾT được cuốn sách đó viết gì, nhưng rõ là không thể HIỂU nó viết gì, càng không thể DÙNG cái đọc được vào việc gì. Vậy thì đọc xong ngoài để khoe ra, chẳng được tích sự gì, lại thành ra là lãng phí thời gian. Đọc càng nhiều theo kiểu này, thì càng phí. Thậm chí, lại hình thành thói quen xét đoán mọi chuyện theo cái lăng kính của riêng mình, không chịu tiếp thu góc nhìn mới. Càng đọc càng mụ mị đầu óc, cùn mòn con người. Với những việc khác cũng vậy, không dám chấp nhận thử thách, thử sức cái mới, cái khó,
  • 42. thì con người càng ngày càng tụt lùi đi. Rõ ràng cũng thể hiện ra ngoài là đi nhiều thấy nhiều, nhưng chẳng tiếp thu, chẳng đọng lại được gì CÓ GIÁ TRỊ. Thời thế mới tạo anh hùng, lửa mới thử vàng. Sống mặn là sống sâu. Nếu chiều rộng là hành động khách quan, thì chiều sâu là nội tâm chủ quan. Bao gồm thế giới quan và nhân sinh quan. Thế giới quan là cách nhận thức về đời sống, về chính mình. Mỗi giây mỗi phút đều tự ý thức, suy ngẫm, chiêm nghiệm về mọi việc xảy ra. Từ đó cảm nhận cuộc sống có chiều sâu, không bỏ lỡ một giây tồn tại nào trong cuộc đời tuy đau khổ nhưng đầy quý giá này. Bởi vì đau khổ cũng có giá trị của khổ đau. Từ thế giới quan hình thành nhân sinh quan, cái gì là giá trị, cuộc đời mình nên sống như thế nào, mình khao khát điều gì, ghét bỏ cái gì, theo đuổi cái gì, xây đắp cái gì? Sống nhiệt huyết nhưng bình tĩnh, tận hưởng nhưng quyết liệt. Để cả một đời không phải sống hoài, sống phí. Ngoài thế giới trước mắt, sống sâu còn là khám phá vũ trụ bên trong bản thân mình. Đó là thế giới còn bí ẩn và gây bất ngờ cho chúng ta nhiều hơn vũ trụ ngoài kia. Bởi vì vũ trụ hình thành sau vụ nổ Big Bang thì chỉ có một, còn vũ trụ trong tâm hồn thì mỗi người lại một khác. Văn muốn mặn thì phải cố gắng sống mặn trước đã.
  • 43. PHẦN 2 - NGHỊ LUẬN VĂN HỌC MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT CÓ NHẤT THIẾT PHẢI ĐẸP KHÔNG? (Đây là tiểu luận tôi thực hiện trong Môn “Văn học và các loại hình nghệ thuật”. - PTH) “Một tác phẩm nghệ thuật có nhất thiết phải đẹp không?”. Nếu như có thể trả lời câu hỏi ấy vào hồi thế kỉ XIX, nếu như chúng ta đang thảo luận chủ đề này vào hồi mà chủ nghĩa hiện đại vẫn còn chưa ra đời, thì thật dễ cho chúng ta biết mấy. Cái công tác thực thi nghệ thuật từ chủ nghĩa hiện đại đến nay đã làm cho câu hỏi tưởng như chưa bao giờ là một mối hoài nghi trên đây, lại trở nên đầy triết học. Các giới hạn đã được thách thức và mở rộng đến nỗi mà để trả lời câu hỏi ấy, chúng ta lại phải bắt đầu… bằng những câu hỏi khác. Rồi những câu hỏi khác lại kéo theo những câu hỏi khác nữa. Cứ như vậy trở xuống toàn là câu hỏi. Nhưng vì đây không phải một tiểu luận triết học, nên người viết vẫn mạnh dạn thừa nhận những giả thuyết mà mình tin là đúng, để làm tiền đề cho lập luận. Những câu hỏi khác nói ở trên kia, bắt đầu từ - thứ nhất - Thế nào là đẹp?. Và thứ hai, do tồn tại câu hỏi thứ nhất mà nảy sinh, là: Thế nào là một tác phẩm nghệ thuật? Hãy bắt đầu lần lượt. Thế nào là đẹp? “Đẹp” thường được hiểu theo 2 cấp độ nghĩa. Nghĩa rộng là chỉ cái thẩm mỹ nói chung. Nghĩa hẹp chỉ một phạm trù thẩm mỹ cơ bản, xếp ngang hàng với: cái cao cả, cái bi, cái hài,… Ở đây chúng ta hiểu theo nghĩa rộng. “Đẹp” tức là (có) tính thẩm mỹ. Nhưng thế nào là có tính thẩm mỹ? Một vật, một việc, một người thế nào thì thẩm mỹ? Một sự vật, hiện tượng trở thành đối tượng thẩm mỹ khi và chỉ khi nó gây ra khoái cảm thẩm mỹ . Có 2 điều kiện để tạo ra khoái cảm thẩm mỹ:
  • 44. Một là bản thân đối tượng phải có phẩm chất thẩm mỹ về mặt hình thức. “Hình thức” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng. Một người “tốt tính” đến đâu thì cũng phải cần những hành động thực tế để làm “hình thức” cho sự tốt bụng, trắc ẩn của mình, chứ không thể không có biểu hiện, bằng cớ gì mà vẫn được coi là, công nhận là tốt, là “đẹp”. Những phẩm chất thẩm mỹ trước nay cũng đã được thống nhất trên một số tiêu chuẩn là sự hài hòa, sự hoàn thiện, sức sống,… Hai là đối tượng phải nằm trong quá trình tri giác, thưởng thức của con người. Đối với lỗ tai không hiểu âm nhạc, thì sự phong phú, tinh tế của bản nhạc cũng chỉ là chuỗi âm thanh không hơn. Quan điểm cho rằng cái đẹp có tính dân tộc, tính lịch sử, thực chất cũng không ra khỏi khía cạnh này. Tức là chỉ xét cái đẹp trong điều kiện thưởng thức, chỉ xét một nửa của cái thẩm mỹ. Tiếp theo, chúng ta cần xem xét câu hỏi thứ hai: thế nào là một tác phẩm nghệ thuật? Trả lời câu hỏi này là cơ sở để làm sáng tỏ xem nó có “phải đẹp” hay không, hay “đẹp” có phải một giá trị mang tính quyết định đối với nó hay không? “Có tác phẩm trưng bày một đống cát, trong đó trộn lẫn cả vỏ lạc, có khi là đem một số mảnh sắt vụn hàn nối lại với nhau; […] Một nhà nghệ sĩ nổi tiếng đem cái bô đựng nước giải của ông ta ra triển lãm rồi cũng gọi là tác phẩm nghệ thuật. Một ông nhạc sĩ ngồi im lặng trong 4 phút 33 giây, hoàn toàn không động đậy gì cả, cũng được gọi là tác phẩm nghệ thuật. Một số nghệ sĩ đem sơn dầu phết lên cơ thể rồi đứng trong phòng triển lãm, cũng gọi là tác phẩm nghệ thuật” (Lý Trạch Hậu). Những thực tiễn này đã khiến một số nhà mỹ học đề nghị lý luận cho rằng cái gì thông lệ được coi là nghệ thuật hoặc được “giới nghệ thuật” coi là nghệ thuật thì nó là nghệ thuật. Đối với những tác phẩm được dẫn ra trên đây, chúng ta còn hồ nghi liệu rằng giá trị của chúng có thể là gì, chứ chưa nói đến việc “đẹp” có phải là một thang giá trị có thể dùng để đánh giá chúng hay không. Câu trả lời cuối cùng
  • 45. chưa thể xuất hiện, chúng ta phải nhìn vào nó như một quá trình – quá trình phát triển của các tác phẩm nghệ thuật. Từ thời trung đại trở về trước, nghệ thuật chưa tồn tại độc lập với các hoạt động tinh thần khác của xã hội con người. Những sản phẩm mang tính thẩm mỹ của các lĩnh vực như kiến trúc, tôn giáo, chính trị, triết học,… bản thân nó ra đời mang mục đích thực dụng – mục đích phi nghệ thuật. Kim Tự Tháp của Ai Cập cổ đại, đồ đồng xanh thời n Chu, kiến trúc và tranh nhà thờ châu u, tượng Phật và tranh Phật trên tường của Ấn Độ và Trung Quốc,… đều là những sản phẩm như vậy. Qua thời gian, mục đích thực dụng bị thải loại hoặc mờ nhạt đi qua biến động lịch sử xã hội. Càng về thời hiện đại, nghệ thuật càng có được chỗ đứng độc lập của nó. Cho đến khi các tác phẩm nghệ thuật đã đạt đến “cảnh giới” của những ví dụ trên kia của Lý Trạch Hậu và vẫn tiếp tục tiến xa hơn nữa. Theo quá trình đó, các tiêu chuẩn tạo nên phẩm chất thẩm mỹ cũng được đưa từ giới hạn này đến giới hạn khác và đến… không giới hạn. Từ chỗ giá trị thẩm mỹ là thứ đi kèm theo giá trị thực dụng, đến giai đoạn giá trị thẩm mỹ có vai trò trọng tâm nhưng vẫn song hành cùng hệ giá trị khác – điển hình là giá trị đạo đức và nhân sinh (Một tác phẩm nghệ thuật bên cạnh phẩm chất thẩm mỹ hình thức còn phải có “trách nhiệm” truyền tải những thông điệp có ý nghĩa). Và trong giai đoạn tiếp theo của nghệ thuật, không chỉ phẩm chất nội dung bị vượt qua mà chính tiêu chuẩn về phẩm chất hình thức cũng bị hoài nghi. Nghệ thuật đi từ điều kiện thứ nhất của cái đẹp – phẩm chất thẩm mỹ tự nó – đến điều kiện thứ hai – quá trình tri giác và thưởng thức thẩm mỹ của con người. Cụ thể của diễn biến đó như thế nào, hãy cùng đi qua một vài tác phẩm cụ thể. 1. Tác phẩm “Đài phun nước” của Marcel Duchamp
  • 46. Marcel Duchamp là một họa sĩ, nhà điêu khắc người Pháp (sau nhập tịch Hoa Kỳ). Các tác phẩm của ông có liên kết với phong trào Dada và nghệ thuật ấn tượng. Mùa xuân năm 1917, Duchamp đem một chiếc bồn tiểu bằng sứ đến một triển lãm do Hội Nghệ sĩ Độc lập tổ chức tại New York và đặt tên cho nó là “Đài phun nước” (Fountain). Ông ký “R. Mutt” bên thành chiếc bồn tiểu đó. Tờ báo Blind Man bình luận để bênh vực tác phẩm trước sự phản đối của ban tổ chức triển lãm: “Cho dù Mr. Mutt có tự mình làm ra cái bồn tiểu này không cũng không quan trọng. Ông ấy ĐÃ CHỌN nó. Ông ấy đã lấy một món thông thường của đời sống, đặt lại nó dưới một cái tên mới, một nhãn quan mới, khiến giá trị sử dụng của nó biến mất. Ông ấy đã tạo nên một tư tưởng mới cho cái vật ấy”. Điều đầu tiên ta thấy ở đây, như chính nhận xét của tờ báo, Duchamp đã “khiến giá trị sử dụng của nó biến mất”. Rõ ràng quy luật phát triển này của nghệ thuật đã được thừa nhận: khi giá trị sử dụng nhường chỗ cho giá trị thẩm mỹ để trở thành thứ yếu, thậm chí biến mất, như trường hợp của các cổ vật chẳng hạn. Biết đâu một cái bình lùn miệng rộng nào đó từ thời Tần Thủy Hoàng được trưng bày ngày nay chẳng qua cũng chỉ là cái bô. Nhưng vì nó được trang trí đẹp mắt mà vẫn được người ta “thưởng thức”. Chắc hẳn người ta vẫn sẵn sàng trưng bày nó hơn là trưng bày cái mang chức năng sử dụng tương tự của thời hiện đại mà Marcel Duchamp mang đến. Tác phẩm của nhà nghệ sĩ người Pháp chính là thách thức đầu tiên cho giới hạn về hệ giá trị khi tri giác nghệ thuật. Liệu chúng ta sẽ dựa trên phẩm chất thẩm mỹ của nó hay dựa trên định kiến của chúng ta về giá trị thực dụng của nó – một yếu tố phi nghệ thuật – để xác định nó có phải là một tác phẩm nghệ thuật hay không? Nếu chỉ dựa trên thuần túy phẩm chất thẩm mỹ trong hình thức, không thể phủ nhận cái bồn tiểu trên đây không hề có “phẩm chất”. Nó cũng được thiết kế với những đường nét mềm mại, sự đối xứng cân đối và màu sắc hài hòa. Bênh cạnh cái giá trị thực dụng, người làm ra nó cũng đã chú ý đến giá trị thẩm mỹ của nó. Điều Duchamp làm chính là tách “sản
  • 47. phẩm” ấy khỏi giá trị thực dụng để hướng sự tri giác của người xem vào giá trị thẩm mỹ của “tác phẩm” nói riêng và của nghệ thuật nói chung. Và để thực hành nghệ thuật, thì lạ hóa là thủ pháp không thể thiếu. Dưới cách nhìn truyền thống, tác phẩm của Marcel Duchamp chẳng thể nào coi là đẹp. Nhưng thực chất, nó chỉ khước từ cách tri giác thẩm mỹ đã thành lối mòn. Bản thân cách đặt tên của tác giả đã hàm chứa một thông điệp: cái thẩm mỹ phải được quan sát trong môi trường của riêng nó, không chịu sự chi phối của giá trị phi thẩm mỹ. Và trong mỗi đối tượng đều sẽ có tính thẩm mỹ của riêng nó nếu chúng ta biết tri giác đúng cách. Bằng cách tri giác mới hơn, đột phá hơn, cái bồn tiểu cũng có thể trở thành đài phun nước. Vậy tác phẩm nghệ thuật có nhất thiết phải đẹp không? Từ cái bồn tiểu của Marcel Duchamp, chúng ta rút ra một nhận xét thứ nhất: tác phẩm nghệ thuật chưa thể thiếu cái đẹp, nhưng đó không chỉ là cái đẹp của bất cứ một giới hạn nào ngoài giới hạn của khoái cảm thẩm mỹ. 2. Tác phẩm “Bố cục số 8” của Kandinsky Tiếp nối quan điểm hoài nghi hệ giá trị truyền thống trong tri nhận nghệ thuật, rằng tác phẩm nghệ thuật phải có chức năng truyền đạt một “thông điệp vị nhân sinh”, phải “thực dụng” – hiểu theo nghĩa rộng - bức tranh trên đây có thể làm thất vọng những người tìm đến với nghệ thuật vì muốn đạt đến một nhãn quan về cái thiện, về cuộc đời hoặc về con người. Không chỉ thế, tác phẩm này còn thách thức cả tiêu chuẩn về “hình thức” của tác phẩm nghệ thuật. “Bố cục số 8” của Kandinsky không hề cho thấy nỗ lực nào của nhà họa sĩ trong việc tạo ra sự hài hòa, hoàn thiện hay tương ứng với một thị hiếu thẩm mỹ nào của lịch sử - xã hội. Hay nói chính xác hơn là tác giả dụng ý dụng công gạt bỏ tất cả các tiêu
  • 48. chuẩn về một “hình thức đẹp”. Qua đó, “đẹp” hay “không đẹp” không còn là hệ giá trị để đánh giá, hay thậm chí là mô tả tác phẩm này. Thay vào đó, “Bố cục số 8” cùng với những tác phẩm nghệ thuật hiện đại đã cùng nhau tạo ra sự mở rộng giá trị cho nghệ thuật. Rời bỏ các quan niệm cũ về nghệ thuật, trên cả nội dung hay hình thức, các tác phẩm nghệ thuật hiện đại lấy nền tảng là sự kích thích tri giác thẩm mỹ, kích thích “tầm đón nhận” của khán – độc giả. Mục đích của sự sáng tạo đã đi từ các “thông điệp” di chuyển sang những “cách thấy”. Như vậy, tác phẩm nghệ thuật có nhất thiết phải đẹp không? Không hoàn toàn. Khi bản thân tác phẩm chỉ là bước đầu tiên, sơ khởi cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật, thì nó có thể không theo bất kỳ chuẩn mực nào về cái đẹp, nhưng chắc chắn nó phải có tác động vào quá trình tri giác thẩm mỹ, thưởng thức thẩm mỹ. TÍNH LẠ HÓA & TÍNH HÌNH TƯỢNG TRONG VĂN HỌC (Đây là bài kiểm tra điều kiện trong Học phần: Tác phẩm & Thể loại văn học.-PTH) ĐỀ BÀI: Có ý kiến cho rằng: “Đặc trưng quan trọng nhất của ngôn từ trong văn bản văn học là tính lạ hóa”. Lại có quan niệm cho rằng: “Tính hình tượng là điểm khu biệt ngôn từ văn học với ngôn từ đời sống”. Quan điểm của anh/chị như thế nào? Về khái niệm “tính lạ hóa” và “tính hình tượng” Lạ hóa là “Toàn bộ những thủ pháp nghệ thuật (nghịch dị, ngịch lí,…) được dùng để đạt được đến một kết quả nghệ thuật, theo đó, hiện tượng được miêu tả hiện ra không phải như đã quen biết, hiển nhiên mà như một cái gì mới mẻ, chưa quen, “khác lạ”.