SlideShare a Scribd company logo
~ 1 ~
Mùa hè lại đến gợi bao nhớ thương
Từ ngày tôi vắng xa ngôi trường
Ngôi trường ngày xưa hàng cây vẫn xanh
Đã cùng tôi tháng năm buồn vui
Ngôi trường của tôi qua nắng mưa bao mùa
Cho đàn em thơ vươn lên trong ngày mới
Ngôi trường của tôi như chiếc nôi êm đềm
Tháng ngày nhẹ đưa như câu ca mẹ ru.
Nay không còn áo trắng của ngày xưa
Trên con đường chân quen bước chiều mưa
Tôi đi tìm tuổi thơ trên lối về
Phượng rơi trên tóc mềm nhẹ nhàng và hồn nhiên
Sân trường giờ đây còn ai nhớ ai
Bạn bè xưa đã đi phương nào
Thêm một hè sang phượng rơi thắm tươi
Thấy lòng sao vấn vương ngày xưa……
~ 2 ~
Vậy là một mùa hè nữa lại đến. Cách đây 50 năm ,vào ngày 9/10/1967 cái tên
TRUNG TÂM GIÁO DỤC HỒNG BÀNG đã chính thức hiện diện trên các bảng tên vải
và bảng tên mica đủ màu của học sinh trong trường .
Đây là ngôi trường hiếm hoi mà nhiều người đã trải qua thời học sinh suốt 12 năm trời,
từ lớp mẫu giáo cho tới lớp 12 . Ngôi trường không đông học sinh lắm , cứ lớp các anh
chị lớn nhất lên 1 lớp thì sẽ có thêm 1 cấp lớp nhỏ nhất ra đời .
Tạm biệt mái trường khi chúng tôi mới 17-18 tuổi, giờ đây gặp lại đã là tuổi hoa niên, là
ông, là bà.Có người đi suốt 40 năm vằng vặc, hôm nay mới trở về gặp lại thầy xưa, bạn
cũ. Kẻ ở phương xa, có người ở lại quê hương, người còn người mất… vậy mà tất cả
vui buồn , kỷ niệm của cái thời cắp sách đến trường chưa bao giờ làm cho mỗi người
chúng ta , học sinh Hồng Bàng , cảm thấy bâng khuâng , nhớ nhung luyến tiếc nhiều
đến thế ...
Chỉ hai chữ HỒNG BÀNG thôi , vậy mà sau nhiều năm chia xa mỗi người mỗi nơi mọi
người vẫn tìm về với nhau , nhắc cho nhau mình đã từng học chung trường chung lớp ,
từng cùng hợp ca cùng bán báo , từng rủ nhau bỏ học cúp cua ,từng ...từng …Học trò
của ngày xưa mỗi lần có dịp đều đi ngang ngôi trường cũ tìm lại chút hoài niệm, nhưng
trường xưa vẫn còn đó ....... giờ chỉ còn thiếu người xưa ........
Đặc san kỷ niệm 50 năm ra mắt như là một gạch nối giữa chúng ta với ngôi trường cũ
đầy thân thương . Biết bao kỷ niệm đến với chúng ta khi nhìn lại hình ảnh cũ của ngôi
trường thân yêu , hay khi bắt gặp cái tên thân thiết của bạn bè sau bao nhiêu năm chưa
được gặp lại, hay khi đọc lại bài viết kể chuyện xưa về bạn bè , về Thầy Cô…. Những
hồi tưởng , những bài viết của những đứa trò nhỏ ngày nào giờ thì ...hết nhỏ rồi nhưng
văn chương vẫn rất học trò .. Cám ơn bạn bè , cám ơn Thầy Cô đã có những bài viết
thật hay , thật xúc động ... Nhưng chắc cũng còn nhiều thiếu sót lắm , hãy mĩm cười vì
hai chữ HỒNG BÀNG nghen….
~ 3 ~
Trường Trung Học Cơ Sở Hồng Bàng Quận 5 được người Pháp khởi công xây dựng từ
ngày 7/6/1933 để làm trường nội trú cho trẻ em con lai Pháp,sau đó trường chuyển
thành 1 nhánh của trường Jean Jacques Rousseau tại Chợ Lớn ( Jean Jacques
Rousseau tiền thân là trường Chasseloup Laubat - Trung Học Phổ Thông Lê Quý Đôn
Quận 3 ngày nay) Tới năm 1967 người Pháp bàn giao lại cho chính phủ Việt Nam thời
bấy giờ và trường trở thành Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng.
Trường mình được mang tên thành Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng kể từ đó, năm
1967 nhận học sinh từ lớp Một tới lớp Năm, các năm sau đó mỗi năm nhận lớp Một
mới cho đến năm 1975 tính ra tổng cộng có 12 khối lớp. Học hết bậc tiểu học lên Đệ
thất mỗi hs được phát một bảng tên bằng nhựa đeo trên áo, mỗi cấp lớp là một màu
khác nhau. Vậy là có lần lượt các màu theo thứ tự từ lớn đến nhỏ: Vàng(75), Xanh
dương(76), Xanh lá cây(77), Đỏ(78), Tím(79), Hồng (80) và Nâu(81). Năm 1975, khóa
HB 81 tức là bảng Nâu đang học Đệ thất cũng là khối lớp cuối cùng "có màu", còn 5
khối lớp sau đó (HB82 đến HB86) thì đang học tiểu học nên thật tiếc là "không có
màu".
Sau 1975, phần lớn học sinh cũ Hồng Bàng vẫn tiếp tục học cho tới hết lớp 9, một số
thì ra đi, một số chuyển trường, lại có một số bạn từ trường khác chuyển đến. Dù vậy,
anh chị em thuộc 12 khối lớp Hồng Bàng chúng ta cùng nhau học hành và lớn lên dưới
mái trường Hồng Bàng yêu dấu, cùng hưởng một phong cách giáo dục, một môi trường
học tập như nhau nên thật sự có nhiều gắn bó với nhau.
~ 4 ~
Trường Hồng Bàng vừa được công nhận là một ngôi trường có kiến trúc đẹp ở Saigon ,
là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố. Đó là niềm tự hào của tập thể thầy cô
giáo cùng toàn thể học sinh trường Hồng Bàng.
“
Theo ghi nhận, tường, cột, kèo,… của khu A Trường THCS Hồng Bàng (mặt tiền
đường Hồng Bàng) hiện nay vẫn nguyên vẹn về mặt kiến trúc. Vườn hoa trước trường
cũng được giữ theo thiết kế khởi thủy hàng chục năm về trước.
~ 5 ~
Nhiều du khách nước ngoài khi đi ngang qua trường tỏ vẻ thích thú, xin phép vào chụp
ảnh.Nằm giữa thành phố đất chật người đông vẫn còn có những ngôi trường kiến trúc
cổ kính trong khuôn viên rợp mát cây xanh như Trường THCS Hồng Bàng.
Khu A của trường gồm 2 tầng lầu nhìn từ khuôn viên chính mặt tiền đường Hồng Bàng.
Hành lang đón từng tia nắng sớm, từng ngọn gió mát qua những khung cửa sổ cao
rộng.
Xin được lưu lại đây hình ảnh của một thời Áo Trắng Jupe xanh Hồng Bàng để còn một
chút nhớ chút thương quảng đời thư sinh dễ thương đó.
~ 6 ~
Giám đốc đầu tiên là Thầy Nguyễn Khánh Hải , sau đó lần lượt thay đổi các Thầy
Nguyễn Ngọc Quang , Thầy Từ Chấn Sâm và Thầy Lâm Võ Huỳnh. Năm 1975 ,Cô
Nguyễn Thị Kiếm và Cô Bùi Thị Mạnh làm hiệu trưởng . Từ niên khóa 1976-1977 học
sinh của trường được chia thành 3 cấp , cấp Một ( Tiểu học) được chuyển sang
Trường Tiểu học Minh Đạo , học sinh cấp hai ( lớp 6-9) được giữ lại và trường được
đổi tên thành Trường Phổ Thông Cơ Sở Hồng Bàng . Học sinh cấp ba được chuyển
sang Trường Trung Học Phổ Thông Hùng Vương .
~ 7 ~
Hy vọng những người bạn cũ, một phút tình cờ sẽ tìm lại nơi đây những tình cảm dấu
yêu ngày nào.
~ 8 ~
Bãi cát nhảy xa, nhảy xà, thảy tạ ngay đó ... hít thở không khí trong lành ....
Giờ ra chơi
~ 9 ~
Đây là hình chỗ cây vú sữa ngày xưa, ngay góc đó có cái sân khấu dành để tổ chức lễ
phát thưởng cuối năm, tổ chức văn nghệ.
Dù đã trải qua nửa thế kỷ thăng trầm, trong lòng mỗi người chúng ta vẫn luôn thương
nhớ về trường xưa, nơi đã cất giữ đầy ắp những kỷ niệm thời thơ ấu.
~ 10 ~
Lớp học ngày xưa
~ 11 ~
Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng
Giáo viên Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng
23- 01 -1971
~ 12 ~
Cô Tiết, Cô Nguê, Cô Tốt, Cô , Hơn, Cô Thu Ba, Cô Mỹ Lệ, Cô Nga Trần
Cô Huệ (lớn), Cô Siêng, Cô Nhuần, cô Nhân – 1973
~ 13 ~
Cô Lê Thị Tiết và Cô Trần Thị Kim Nguê 1973 Cô Ánh và Cô Tiết
~ 14 ~
Từ trái Cô Siêng, Bé Tiết Trinh con cô Siêng cô Nhuần, cô Nga Trần, cô Nguê và cô
Thu Ba 1973
Thầy Tòng, cô Nhuần, cô Thạch
~ 15 ~
Các em h/s HB thân mến,
Nhân dịp các em quy tụ về đây làm lễ kỷ niệm 50 năm của trường,cô xin gửi đến các
em tâm tình của một cô giáo từ khi được thuyên chuyển về mái trường thân yêu này
như món quà tham dự ngày lễ.
Tốt nghiệp ĐHSP Triết từ năm 1967 nhưng cô đã đứng trên bục giảng từ năm 1964.
Tốt nghiệp xong là được điều về giảng dạy môn Triết lớp 12 tại các trường Trung học
đệ nhị cấp Vĩnh Long, Bến Lức (Long An), Mạc Đĩnh Chi (Phú Lâm). Lúc đó môn Triết
là một trong các môn thi lấy bằng Tú Tài 2(giống như tốt nghiệp PTTH) thay môn Văn
khi thi Tú Tài 1.Vì nó quan trọng như vậy nên mỗi ngày khi cô đi chấm thi,má cô thường
dặn :"chấm rộng tay nha con, tụi nó mà rớt Tú Tài 2,bị bắt lính,rủi chết ngoài chiến
trường thì tội lắm đa"Lúc bấy giờ bằng Tú Tài 2 còn rất quan trọng.
Mãi đến năm 1974,cô mới được chuyển về Trung Tâm
Giáo Dục Hồng Bàng.Ở trường nào thì cô giáo vẫn là
cô giáo,chức năng duy nhất là thương yêu và dạy dỗ
học sinh.Cô dùng chữ dạy dỗ mà không nói truyền thụ
kiến thức vì hai việc đó không giống nhau.
Khi về mái trường này, cô có cảm giác là các em ở
đây sung sướng hơn học sinh ở những nơi cô đã dạy
qua.Cô nói diễu với bạn:"Dạy ở đây vui như đi đám
cưới vì lúc nào cũng thấy các em đầy đủ, tươm
tất,hạnh phúc... Không có gì làm mình phải bận lòng lo
lắng cho cuộc sống của các em". Chân thành nghĩ một
cách ích kỷ,cô thấy hai vai mình nhẹ đi và tâm tư
thanh thản.
Nhưng biến cố lịch sử đã xảy ra, một cuộc đổi đời lớn
lao cho cả miền Nam trong đó có thầy trò trường
ta.Thầy thì phải xếp lưu dụng loại 1, loại 2 hoặc 3( là
buộc thôi việc).Trò thì chịu biến động gia đình đủ mọi
kiểu.
Thầy Cô được lưu dụng thì đi học tập chính trị,học tập hè(cô nhớ má cô mất vào lúc
đó)...Ai cũng chao đão nhưng cô vẫn tâm sự với đồng nghiệp, nểu được giữ lại thì
nhiệm vụ giáo dục vẫn còn,trước mắt chúng ta là học sinh của mình,là đối tượng chính
của đời một thầy cô giáo.
Thầy Cô lại phải đứng trước khó khăn của học trò mình.Cô nói với bạn bè:"Phải tăng
cường tình thương với học trò hơn vì các em không còn ngồi trong lớp dễ dàng như
trước...
~ 16 ~
Tiếp nhận một số h/s từ trường Bác Ái chuyển qua vì tư thục đó đóng cửa; nhìn các em
hớt hải, bỡ ngỡ bước vào cổng TTGDHB, cô thấy động lòng vì trẻ em mà đổi trường là
một biến cố Tâm lý.
Chưa kịp bình tâm thì đến biến động của chính TTGDHB.Vốn là một trường đa cấp từ
mẫu giáo đến cấp 1, cấp 2 và cấp 3.Nay có chủ trương tách mẫu giáo đi về trường Bà
Triệu, tách tiểu học (cấp 1) đưa về trường Minh Đạo.
Ngày đưa thầy cô và học sinh mẫu giáo và tiểu học rời trường,các thầy cô ở lại bồi hồi
quyến luyến...
Khai giảng năm học 1976-1977 lần đầu tiên tổ chức rước học sinh Minh Đạo về lại cấp
2 Hồng Bàng, lại mừng mừng, tủi tủi...
Đến niên khóa 1978-1979 lại tách cấp 3 đi về trường Hùng Vương.
Nhìn lại h/s Hồng Bàng ta, chịu biến động liên miên. Ổn định và có phước nhất là
những em học lớp 10 năm 1975 là được học trọn 11-12 năm dưới mái trường này.Số
còn lại,lúc thì rời trường về Minh Đạo,lúc được về đây 4 năm rồi lại rời trường qua
Hùng Vương... Với tấm lòng của một nhà giáo, thầy cô chúng tôi có chút gì đó thương
cảm , buâng khuâng.May mắn là lúc nào các em đi cũng có thầy cô trường ta đi theo!!!
Ngày nay các em làm kỷ niệm 50 năm
của trường Hồng Bàng,các em có biết là
tên Hồng Bàng cũng suýt nữa không
còn.Có chủ trương chung là đổi tên các
trường.Thầy cô bàn bạc rồi nhờ các anh
Quân Quản dẫn BĐ H lên Sở GD xin giữ
lại tên trường . BĐH lúc đó có thầy
Huỳnh,cô Diệp,cô Bích Đào ...và cô.Vừa
đi vừa lo, không biết làm vậy có đúng
chính sách không?
Hiện nay, hằng năm trường ta đều làm
giỗ Tổ Hùng Vương...Có ai nghĩ nếu
không giữ được tên Hồng Bàng thì có
làm được giỗ Tổ không?
Trong chương trình học, cô hoàn toàn tán
thành phải Giáo dục đủ 5 hoạt động cho
học sinh:Trí, Đức, Thể, Mỹ, Lao.Nhưng
GD lao động bấy giờ đối với miền Nam là rất mới mẻ, Thầy Cô chưa có kinh nghiệm
nên do Phường hướng dẫn.Lúc bấy giờ trước trường ta có cái đường rầy xe lửa (có
em nào còn nhớ không),dân chúng cứ ra đó làm cầu tiêu lộ thiên.Phường nói các thầy
cô dẫn các em ra quét dọn.Mọi người chới với,tụm năm tụm ba bàn bạc và mất ngủ...
Cuối cùng cử cô và các thầy cô nữa qua Phường,đành xuống nước năn nỉ: "học trò của
tụi tôi nhỏ quá, hốt phân xong về trường không có xà bông làm sao rửa tay, rủi các em
bị lây kiết lỵ, thổ tả thì phải làm sao?Phường có Hợp tác xã,các anh cho học trò tui qua
đó quét dọn,cân đường,cân đậu,đóng gói...Cũng được mà..."(xin mà có nước mắt nữa
nha) Lần đó đoàn du thuyết thành công.Trong đoàn du thuyết ,cô muốn nhắc đến một
người đã khuất, rất tâm huyết trong các lần đi xin xỏ là cô Trương Ngọc Diệp...
~ 17 ~
Nhờ vậy mà sau nầy các em cấp2 chỉ lao động quét lớp , quét sân trường.Các em lớp
lớn cấp 3 đi cân và gói đường đậu.Sau đó phải nhớ ơn một phụ huynh là kỷ sư Lương
Học Sanh đã giúp đỡ các em cách dập đinh dù(punaises) và nhờ cô Kiếm là hiệu
trưởng quen sở Lâm nghiệp xin cho các em ương cây dầu, cây sao coi như lao động...
Ở đây có em nào còn nhớ không? Hú hồn!!!
Các em thân mến,trong đời làm cô giáo của mình, đến giờ đã ở tuổi xế chiều,cô thật sự
không có gì phải ân hận trong nhiệm vụ của mình,dù lúc đứng lớp hay lúc quản lý
trường.Bao nhiêu năm,cô thực hiện được tôn chỉ của đời mình là "phải yêu thương học
sinh hết lòng,càng nhiều càng tốt".Cô tự thấy hình như cô chưa từng hờn giận các em.
Lỗi lầm của các em, chưa bao giờ cô thấy lớn lao hay cố ý làm trầm trọng ra.Có thể
trích dẫn lời của ông Hồ Thiệu Hùng từng là trưởng phòng gd và giám đốc Sở
GD"đừng hỏi chị Mạnh về lỗi của GV của chỉ, giáo viên của chị không ai xấu hết;đừng
hỏi lỗi của h/s của trường HB,h/s của chỉ không có em nào lỗi cả,chỉ không nói
đâu!?Các đ/c muốn biết cứ tự đi tìm"
Không phải cô nói láo mà tại vì đối với cô , lỗi nào
cũng có lý do để tha thứ cả.
Học sinh cá biệt ư ?Cô giáo cứ đưa lên phòng cô,cô
chưa từng bắt em ấy quỳ hay úp mặt vào vách.Cô
cho em ngồi và nhẹ nhàng nói chuyện với em.(Cô
nhớ bài học tâm lý mà cô đã học , phải biết dùng từ
ngữ yêu thương mới đi vào lòng người).Xong cô vào
bàn làm việc,em ấy cứ ngồi đó học bài;thuộc bài
xong thì đưa tập cho cô và trả bài,thuộc tốt thì cô
khen giỏi và về lớp...Cô không hề nghĩ là lòng yêu
thương của cô sẽ được đền đáp.Vậy mà các em có
thể hình dung không? Khi cô bịnh nặng phải vào
nằm bịnh viện thì h/s đòi cha mẹ dẫn đến thăm cô, không phải là h/s trong đội ngũ h/s
giỏi của trường mà cô chăm sóc như bảo vật,mà là một h/s cá biệt đó,cảm động chưa?
Có một lần trong buổi họp HĐGV,một giáo viên đứng lên trách cứ cô :"Em đã nói nó cá
biệt,chị phải đuổi,em không nhận nó đâu,sao chị cứ dùng dằng,chị đứng về phe nó hay
phe em". Cô ngạc nhiên:"Ủa, trong trường ta mà cô giáo và học trò là 2 phe đối địch
sao?". Một câu hỏi khiến GV giật mình, nghĩ lại và HS đó được cứu.Trong nguyên tắc
Sư Phạm, thầy cô là cha mẹ của học sinh,làm sao có 2 phe được.Viết đến đây cô sực
nhớ có lần nghe vị Đại Đức trụ trì một chùa nói với các đệ tử ,thầy đi tu chỉ vì sợ đi học
,sợ thầy cô giáo quá.Nghe video clip này khiến cô trằn trọc, thái độ dạy dỗ của thầy cô
ảnh hưởng đến cuộc sống của học sinh lớn biết bao nhiêu!!??
Các em thân mến, theo đây cô gởi lời cảm ơn các em,vì các em đã làm mảnh đất cho
cô "GIEO TRỒNG THƯƠNG YÊU". Không có các em, lòng thương yêu mà cô đã được
Thầy Cô của cô trao cho từ lúc bé,cô sẽ phải gieo trồng ở đâu? Khi cô gieo trồng
thương yêu nơi các em,cô sẽ được lớn lên hơn,cô sẽ càng ngày càng trưởng thành
sâu sắc hơn.
~ 18 ~
Đến đây cô cũng xin phép được cảm ơn những thầy cô của cô thời tiểu học và trung
học ở tỉnh lẻ Vĩnh Long , những người
đã yêu thương cô với cả tấm lòng
như cô Vân cô Hưng, thầy Bảo v.v...
Tình yêu thương được đạt đến đỉnh
cao như vậy sẽ xây dựng nên lòng
biết yêu thương của học trò.Rồi học
trò lại ban yêu thương cho thế hệ kế
tiếp v.v...
Cô suy nghĩ trường Sư Phạm nên đổi
tên là "trường dạy cách yêu thương",
làm thầy cô giáo mà không biết yêu
thương học trò thì thà đừng làm.
Một lần nữa xin phép cảm ơn các
Thầy Cô của tôi đã gieo rắc và tưới tẳm hạt giống yêu thương trong lòng tôi!!! để nó
làm kim chỉ nam suốt cuộc đời tôi.
Kính thưa quý đồng nghiệp,
Nghề giáo chúng ta muốn sản xuất ra các h/s đậu Tú tài (xưa) hoặc tốt nghiệp PTTH
(nay) hoặc các kỷ sư,bác sĩ thật là vất vả,khó khăn nhưng vẫn có cơ may làm được.
Nhưng muốn đào tạo được những con người thành NGƯỜI (viết hoa)(Thành Nhân
theo xưa) thì khó hơn trăm lần.Làm sao có HS sau khi ra đời trở thành người có tư
cách, biết tự trọng, biết trung thực, biết nhân hậu, biết giữ ân tình và nghĩa tình???Khó
lắm !!!
Tôi vẫn thường vui vẻ tự hào là đội ngũ giáo viên HB ta có làm được phần nào.Không
hiểu do chủ quan tôi nhận được ít thông tin về các em hay sao mà tôi chưa từng biết
trường hợp nào của HS/ HB ta mà phạm những sai lầm về Nhân Cách.
Ngoài những em đã thành công và trở về trường hôm nay,các anh chị đã biết tư cách
các em thế nào rồi.Tôi xin kể một kinh nghiệm mà bản thân tôi đã gặp"Có một em HS
đến tuổi NV QS,gia đình cũng khó khăn, không được đi học nữa,xong nghĩa vụ,em về
phục vụ Phường đội gần trường mình.Tôi may mắn gặp em và mỗi lần nhớ tới em là
lòng tôi tràn ngập niềm vui và sự hãnh diện.Vì có mẹ già nên ngoài giờ công tác ,em
chạy thêm xe ôm.Một hôm tình cờ tôi gọi xe,em nhìn ra tôi, thái độ hết mực cung kính,
hỏi thăm sức khỏe và nhắc các thầy cô.Đến nơi, tôi tự động gửi em tiền cao hơn bình
thường,em không nhận và nói"em có khó khăn nhưng em chưa được trả ơn thầy cô HB
ngày nào,nay gặp cô,sao em nhận tiền được"
Sau đó,em canh giờ để đưa tôi về nhà mà không nhận thù lao,trên đường cứ huyên
thuyên nhắc lúc đi học...Nhân lúc chung kết thi đua ngành GD, gặp em, tôi vui vẻ nói
hôm nay cô được tiền thưởng thi đua ,cô chia cho em, không nhận thì cô buồn
lắm.Cuối cùng ,em chịu nhận tiền để chia vui với tôi…..Tôi kể dông dài để các đồng
nghiệp cùng hãnh diện với tôi là HS /HB của chúng ta dù ở hoàn cảnh nào ,cương vị và
trình độ học vấn nào cũng rất đáng cho chúng ta tự hào.
~ 19 ~
Lý do vì sao, tôi cũng thầm hỏi hoài? Có lẽ vì phong cách mô phạm của chúng ta, cụ
thể như cô Bảy Tốt,cô Nhuần cô Tư Nga...hoặc vì những thầy cô đã yêu thương HS
của mình hết lòng như cô Nữ,cô Thu Ba, cô Nguê,cô Thu Hà,cô Phát,cô Kiển,cô
Thạch,cô Ngọc Lệ,cô Ngọc Liên,cô Thu Nga,cô Phương Mai..v.v... kể không hết....Hay
là vì mái trường cổ kính rêu phong khiến các em tự mình thấy cần phải như thế, lúc nào
cũng quyến luyến mái trường, quấn quýt thầy cô? Hay vì những hàng cây cổ thụ cao
vời vợi kia khiến tâm hồn của các em vươn cao lên, mở rộng ra chăng?
Không biết, chưa ai trả lời được cho tôi và tôi cũng chưa tự trả lời được. Nhưng các em
HS của trường ta dù thành công hoặc chưa thành công ( tức chưa được tiền tài, danh
vọng) thì hình như các em đều đã THÀNH NHÂN.
Vậy chúng ta còn gì nuối tiếc trong tuổi xế chiều này? Tôi vẫn thường nói đùa" nếu ai
hỏi tôi kiếp sau nếu được tái sinh thì sẽ làm gì? Tôi vui vẻ trả lời sẽ làm cô giáo nữa"(
nhưng không làm CBQL đâu nha)...
Làm cô giáo vui ngay từ lúc đứng trên bục giảng,nhìn những đôi mắt chăm chú, những
gương mặt rạng ngời...Vui tới lúc nhận những tin vui của các em như thi đậu nè, kết
bạn nè,công ăn việc làm nè....Các tốp học trò già còn khoe đang làm từ thiện nầy., xây
cầu cho quê nghèo nầy, khoe đang chăm sóc thầy nào cô nào nè; còn khoe cả chuyện
đang tập Thiền này,tu tập tịnh giới này..v.v...Học trò già khoe với cô giáo già!!! Có ai
được ấm áp bằng cô giáo già không????
Cho nên nếu tính tiền bạc thì nhà giáo chúng ta không có nhiều.Nhưng nếu tính những
yêu thương mà HS ta dành cho ta, những kính mến mà phụ huynh dành cho ta...Thì
chúng ta đã là nhà giàu đó chứ
Thật ra các bạn là những người đã cùng tôi trãi qua khó khăn,gian khổ,lo âu , vất vả
trong mái trường này.Nhớ lúc chúng ta đi móc bùn ở kinh Tàu Hũ , về nhà tắm 3 ngày
vẫn còn hôi. Nhớ lúc đi đào kinh ,khiêng đất ở Lê Minh Xuân...Trong bao nhiêu năm
tháng đó, có người vừa đi dạy vừa đạp xích lô, có người bán trà đá ở chợ, có người
bán cốc ổi..
Còn tôi , có những đêm mưa tầm tã vẫn chạy đi tìm cách cứu vãn cho GV bị xếp loại
3.Cũng có lúc phải tận dụng vai trò của gia đình để xin thêm chút gạo cho đồng nghiệp
đông con...
Hiện giờ còn lại chúng ta đây,cũng có những thầy cô đã ra đi vĩnh viễn như cô Bảy
Tốt,chị Nữ,chị Thu Ba,chị Ngọc Lệ,chị Ngọc Liên, anh Liêm, anh Minh...tôi nhắc đến
như gởi chút tâm hương của trường ta đến các vị đó.
Bây giờ HS /HB của chúng ta ra đời dù ở hoàn cảnh nào,dù ở trong nước hay hải ngoại
đều có lòng thương yêu nhau,đoàn kết với nhau.Vậy là chúng ta mãn nguyện rồi.
Tôi xin gởi lời kính chúc các đồng nghiệp của tôi luôn có thân thể khoẻ mạnh, có tâm
hồn an vui vì mình đã làm xong nhiệm vụ của mình, mình đã trao tình yêu thương cho
các em HS của mình để các em tiếp bước mình, gieo hạt yêu thương khắp mọi nơi.
Cô Bùi thị Mạnh 07/2017
~ 20 ~
Hình các Thầy Cô với Hiệu trưởng Từ Chấn Sâm
Hình chụp hè 1977
~ 21 ~
Thầy Cô thuộc Tổ Văn Phòng 1971
Ban Điều Hành Học sinh Hồng Bàng 1973
~ 22 ~
Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỷ niệm, kỷ niệm thân yêu ơi sẽ còn nhớ mãi
tiếng Thầy Cô, bạn bè mến thương ơi,sẽ còn nhớ những lúc giận hờn , nhớ những lúc
quậy phá , những lúc mong chờ được nghĩ tiết hay là những giờ giải lao , giật mình thời
gian qua nhanh đến lạ. Bao năm dưới mái trường , giờ đây chỉ còn là những kỷ niệm
trong ký ức , kỷ niệm trong những giấc mơ … Thầy Cô kính yêu, và lớp học, bảng đen,
phấn trắng, làm sao níu kéo được tuổi thơ học trò đây.!???
Mỗi năm có Xuân , Hạ , Thu , Đông lặp đi và lặp lại nhưng giữa sân trường bây giờ chỉ
còn sót lại những tiếng chim , băng đá và cả sự nhớ nhung, luyến tiếc.... Khi giờ đây ,
ngồi ngẫm nghĩ đến thời học trò thì lại thấy hình ảnh bạn
bè , bao nhiêu điều đáng nói, những chuyện ngày xưa ,
hãy cất giữ cho riêng mình một thời học trò tinh khôi, áo
trắng , một thời cắp sách đến trường.
Khi chúng em ra đi khỏi mái trường mà Thầy Cô đã cố
gắng uốn nắn chúng em thành người tốt để khi bước ra
khỏi thời học sinh sẽ có kỹ năng tốt hơn .Sau khi tốt nghiệp
mỗi chúng em sẽ có 1 hướng đi riêng và lúc đó chúng em
cảm thấy vừa buồn vừa vui khi không khỏi nao lòng xóa đi
những lỗi lầm mình đã mắc, những ngây thơ, khờ dại đã
qua.... Để giờ đây khi lỗi lầm hay những sai trái sẽ không
được Thầy Cô la mắng để sửa lại.
Với chúng em, mỗi kỷ niệm là một trang vở tươi đẹp, mỗi
nụ cười là một nấc thang. Hãy sống như những gì ta có,
hãy nghĩ về những gì ta đã trải qua, bằng cảm xúc của
chính mình, và bằng những yêu thương, nồng nàn, chân
thành nhất.
Thời gian - cách biệt, sẽ chẳng là gì nếu ta mãi nghĩ về nhau, mãi trân trọng, yêu
thương hoài niệm cũ. Và biết đâu, nó sẽ là cầu nối để ta lắng nghe nhịp đập của lòng
mình, nghe được tiếng ngày xưa, dịu dàng, man mác.
Nói sao hết những kỷ niệm. ….nghe khóe mắt rưng rưng khi nghe những bài hát về
thời học sinh.... Chúng em tuy ở xa mái trường nhưng sẽ không thể nào quên được
ngôi trường Hồng Bàng và Thầy Cô đã dạy dỗ chúng em trưởng thành hơn và sẽ mãi
mãi lưu lại những kỷ niệm tuyệt đẹp ... của thời học sinh !.
Con cám ơn Cô Mạnh đã viết 1 bài thật cảm động ,để hồi tưởng lại những ngày con đi
học dưới mái trường thân thương.Con Kính chúc Cô sức khoẻ dồi dào, để những lần
họp mặt sau thầy trò vẫn còn có dịp gặp lại nhau.
Lavender HB-83 -6/30/2017
~ 23 ~
Thầy Lê Thanh Liêm tốt nghiệp ĐH Sư Phạm tại Đà Lạt Thầy đã xuất bản sách giáo
khoa về triết trong khi Thầy dạy ở Trường Petrus Ký.Sau đó Thầy dạy môn Việt Văn
Trường Petrus Ký vì môn triết bị hủy bỏ và rồi Thầy chuyển qua dạy môn Sử tại Trường
Hồng Bàng.
Dáng người Thầy nhỏ, Thầy bị cận thị nặng nên đeo kính gọng đen thật dầy, tóc Thầy
quăn, bồng bềnh.Thấy thích đi lại trong lớp lúc giảng bài, tay Thầy mân mê cục phấn
trắng, giọng của Thầy lúc giảng bài to và lưu loát, lôi cuốn từng ánh mắt của học trò.
Tôi rất thích giờ Sử của Thầy, Thầy giảng rất hăng say như đưa cả bọn chúng tôi đi vào
những trang lịch sử rất hào hùng...
Cô Long vợ Thầy cũng là giáo sư dạy
môn triết tại Trường Trung học Nguyễn
An Ninh, cô qua đời vì bị bịnh ung thư
năm 1976, Thầy Liêm đã gà trống nuôi
4 đứa con.
Cô Út em của Thầy đã mang 3 đứa
con lớn của Thầy trong cuộc hành
trình qua Pulau Bidong đến USA. Cô
con gái út của Thầy lúc đó còn nhỏ 8t
nên Thầy giữ lại với Thầy.
Thầy mất tại Saigon ngày 24/6/1989 vì
bịnh gan.
Sau khi Thầy mất , Cô Út đã trông nom và dạy dỗ cháu mình trở thành những người
thành công trong xã hội.
Con trai lớn của Thầy Kỹ Sư Cơ Khí tại Đại Học UCLA
Cô gái kế là Bác Si Nha Khoa tại Đại Học UCLA. Emily Letran rất giỏi và thành công
trong công việc mở 3,4 văn phòng Nha Khoa
Con trai thứ ba khoa Học Điện Toán tại Đại Học Riverside
Cô con gái út của Thầy sau khi Thầy mất được các Anh Chị bảo trợ sang ....
Đối với lứa tuổi của chúng ta ngày nay chuyện hồi tưởng lại quá khứ là chuyện thường
tình. Hôm nay nhân dịp có cuốn đặc san , tôi có dịp nhớ lại người thầy giáo năm xưa đã
để lại nhiều kỷ niệm trong những năm tôi học bậc trung học.
Lavender-HB83-6/2/2017
~ 24 ~
Theo yêu cầu của các bạn Thủy Đào, Thủy Đỗ, Yến Anh Trần và em Sao Mai, tác giả
xin chép lại đây bài luận văn đã làm lúc 12 tuổi, đăng trên báo Thiếu Nhi ngày
12.12.1971 do "quan Ngự Sử" Mỹ Hạnh Nguyễn có công tìm lại được. Vừa chép lại,
vừa thấy thương nhớ cô Trương Ngọc Diệp, người đã dạy dỗ và chấm điểm bài luận
này, nay không còn nữa, cũng nhớ vô cùng "những ngày xưa thân ái " với thầy cô, bạn
bè và em út ở Hồng Bàng hơn 40 năm trước....
Đề bài: Em có lần làm một việc quấy khiến em ân hận mãi. Hãy thuật lại.
Thuở ấu thơ, em đã gây ra một lỗi lầm tày trời mà lương tâm em vẫn còn cắn rứt đến
ngày nay.Vì không anh em, mỗi ngày em thường chơi đùa với đứa em họ, trạc mười
một tuổi. Minh, tên đứa em họ, đặc biệt tuy là con trai nhưng rất sợ ma, yếu tim! Minh
trái ngược hẳn với em, tuy là con gái nhưng phá phách không ai bằng. Có lẽ vì thế nên
em đã nhiều lần bày trò tinh quái khiến Minh la ỏm tỏi.
Một buỗi chiều kia, em trông thấy một cái mặt nạ sọ người được bày bán ở quán " Bà
Hai ăn trầu". Một ý nghĩ táo bạo lướt qua đầu em, em mua chiếc mặt nạ đem về nhà.
Chiều hôm đó, ba má em đều đi vắng, chỉ có Minh và em ở nhà. Mây mù giăng mắc
khắp bầu trời. Khu vườn nhà em âm u, không một ánh sáng. Chúng em bách bộ trong
vườn cây. Đến gốc cây xoài, em dừng lại nhìn con diều bị mắc vào cành cây. Em thách
đố Minh, nếu lấy được con diều, thì em sẽ thưởng cho một cây súng cao su. Bản tính
háo thắng, Minh nhận lời. Em vào nhà sau, hẹn mười phút nữa sẽ trở ra.Trong lúc ấy,
em vào nhà mang cái mặt nạ sọ người trắng dã với đôi mắt sâu oắm vào mặt. Đoạn,
em chạy đi lấy cái mền đen ra ngoài vườn. "Trang bị" xong, em từ từ tiến ra cây xoài.
Thấy Minh đã leo lên được trên cây và giơ tay sắp sờ đến con diều, em mừng thầm.
Em giả tiếng hú ghê rợn của ma quái, đưa hai tay lên cao run lẩy bẩy. Minh la lên một
tiếng hãi hùng, rồi đớ lưỡi, hai mắt trợn tròn nhìn chằm chặp vào em. Minh sợ hãi từ từ
tụt xuống thân cây. Em chạy nhanh đến, tay càng ngày càng run mạnh với những tấm
vé số xếp thành móng nhọn gắn vào mười đầu ngón tay. Còn đến 2 nấc cây nữa, Minh
mới có thể nhảy xuống đất. Nhưng, trong lúc quýnh quá, Minh phóng đại xuống bất
chấp cả hiểm nguy. Oái oăm thay, Minh bị vướng phải cành nhọn hoắt từ cây bên cạnh
chĩa sang, té sóng soài trên mặt đất, ôm chân kêu la thảm thương.
Đến lúc đó, không còn tự chủ được nữa, em gỡ mặt nạ ra, chạy đến nhìn Minh khóc
nức nở. Sau đó, Minh được chở đi bệnh viện cứu cấp. Trên giường bệnh, Minh nhận lỗi
tự mình trèo cây trước mặt mọi người. Trước cử chỉ cao thượng của Minh, em vô cùng
xấu hổ với hành động ngu xuẩn của mình.
Để lương tâm đỡ cắn rứt phần nào, sau đó, em đã thú tội cùng ba má. Những ngọn roi
mây vun vút quất lên mình em lúc đó không làm cho em đau đớn bằng hình ảnh Minh
phải chịu tật nguyền một bên chân khi trở về sau hai tháng điều trị.
Nguyễn Thanh Vân 5/12/2015
~ 25 ~
Vậy là từ nay mình không còn thầy Trí nữa. Thầy với cái bớt trên trán giống hệt
Gorbachev, được học trò nhớ nhiều với chức danh Tổng giám thị nhiều hơn là thầy dạy
Toán. Cả thầy và trò theo vận nước nổi trôi, kẻ dạt ra nước ngoài kiếm sống, người ở
lại trong nước, có người thành công , có người thất bại, có người hẩm hiu số phận bạc
bẽo....
Thầy đã không còn đứng trên
bục giảng nữa từ khi đặt chân
đến Mỹ nhưng học trò vẫn nhớ
thầy với những kỷ niệm xưa:
Nào là cái compa bằng gỗ đặc
biệt của thầy đề vẽ vòng tròn
trên bảng nhưng lại ít khi dùng;
vì thầy có nghề tự vẽ bằng tay
không, cũng tròn không kém.
Nào là cái thước cây dài để trị
mấy đứa cứng đầu. Thầy còn có
tài liệng phấn trúng phóc đầu
đứa nào ngồi dưới nói chuyện.
Mình được thầy xem là học trò cưng, chẳng phải thông minh gì, nhưng được cái siêng
năng và "ngoan" nên chẳng"quậy" thầy cô bao giờ. Ai đời trò phải đi thăm thầy, vây mà
khi có dịp về VN , thầy lại đến nhà thăm trò rất bất ngờ: thầy te te đi vào cổng vào thẳng
trong nhà hỏi "con Thủy đâu rồi?" Mình chưa kịp nhìn ra ai đã được thầy ôm cái đầu
vào lòng :"biết thầy là ai không?" Mình xung phong làm "Honda ôm" chở thầy đi một
vòng xem thành phố. Mấy hôm sau hô hào được mấy người Hồng Bàng còn sót lại,
cùng anh Thiều và Vân đãi thầy bữa cơm chay. Cuối ngày thầy nói lần sau cứ đãi mặn ,
chỉ mình thầy ăn chay thôi, vì thầy để ý hình như tụi học trò của thầy chưa đứa nào
chuẩn bị.. "tu " được... Qua Mỹ cũng chỉ thăm thầy được một lần. Ai cũng có lý do bận
bịu kiếm sống và lo cho gia đình...Biết tin thầy mất mà cũng không đi thăm thầy lần cuối
được. Cám ơn các bạn bên Cali đã thay mặt toàn thể dân Hồng Bàng tiễn đưa thầy.
Mong thầy nơi vĩnh hằng tha lỗi cho tụi em , là một cặp từ Hồng Bàng ra cả , vậy mà
không đủ sức mạnh để dẹp hết những cái lý do này lý do kia để đi thăm thầy...
Đào Thu Thủy – HB76
Khi tóc thầy bạc tóc em vẫn còn xanh
Khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã lớn khôn rồi
Thời gian trôi nhanh mau
Một con đò sang ngang
Ôi lòng thấy mênh mang…..
~ 26 ~
Hồi mình học lớp 7 , thì cũng là năm đầu tiên Thầy về dạy ở trường Hồng Bàng này .
Thầy nhỏ người , ốm , gương mặt xương xương , khắc khổ ... Hồi đó còn nhỏ , không
biết , chứ bây giờ lớn rồi , mình cứ hình dung ra như vầy : cho Thầy đeo một cái kính
cận gọng đen tròn vào , thì nhìn Thầy sẽ giống hệt như cố nhạc sĩ Trinh Công Sơn lúc
sinh thời vậy ! Khác một chút xíu về mái tóc , tóc Thầy hơi quăn , hơi dợn sóng một
chút ! Mà tóc như vậy thì lại rất hợp với một tâm hồn
nghệ sĩ như Thầy , hợp với môn học mà Thầy sẽ dạy
mình năm đó : môn Văn !
Thầy " chào sân " cả lớp với giọng .....trọ trẹ kiểu " Huế
thương " rất khó nghe , nhưng cực kỳ trầm ấm ! Do vậy ,
cả lớp mình bình thường rất ồn ào , rất ....quậy , bỗng trở
nên ....ngoan ngoãn lắng nghe Thầy giảng bài .... ,! Lắng
nghe mà còn ....chữ được ....chữ mất , huống gì ồn ào
làm sao hiêu nổi Thầy đang giảng gì hay nói gì .....! Thầy
giảng bài hay quá , năm đó lại được học về Văn học dân
gian , nên tha hồ mà nghe Thầy kể chuyện cổ tích , nào
là Thạch Sanh và Lý Thông , Tấm và Cám .... Giọng
Thầy trọ qua ....trẹ lại .....(!) rất đặc biệt , nên Thầy giảng
nói thật chậm rãi , từng tiếng , từng tiếng ...cho cả lớp
mình hiểu .... Giờ Văn của Thầy , đâm ra , lại được học
trò trông đợi nhứt trong các môn học . Thầy hiền lành
lắm , nói năng từ tốn , không bao giờ lớn tiếng với ai ,
Thầy cũng ít cười , nói chung nhìn bên ngoài , thì thấy Thầy hơi ...lạnh lạnh .... Có lần
tiết Văn đã trôi qua lâu rồi mà không thấy Thầy tới lớp , cả lớp đang lao xao ...thì có tin
Thầy đang bịnh , sẽ nghỉ dạy hôm đó . Tự nhiên mình thấy rất buồn , vì mình luôn luôn
trông chờ mong ngóng đến giờ Văn , để nghe Thầy kể chuyện , giảng bài .... Mình bỗng
dưng ....thông minh đột xuất ....khi lên tiếng rủ cả lớp đi thăm Thầy . Ai nấy đều đồng
lòng hưởng ứng ngay ! Té ra Thầy ở ngay trong trường , do độc thân , nên được bố trí
ở trong một phòng hầm của toà nhà cao cẳng , có những cửa sổ vòm cong cong , hơi
quẹo ra sau , gần cái miếu . Không biết các bạn còn nhớ cái miếu này không , chứ
mình thì nhớ ...do có cái miếu nằm ngay trước cửa căn " nhà hầm " của Thầy , nên
mình đã thấy hơi ....rét rét ...ở trong lòng , đồng thời cũng thấy rất thương Thầy vì thấy
Thầy ở đây , một căn nhà hầm tối tăm , âm u , lạnh lẽo ...có một mình ... Cả lớp kéo
nhau vào ...chật hết nhà Thầy , Thầy ngồi dậy " tiếp " đoàn học trò nhỏ , vẻ tiều tuỵ , hơi
mệt mỏi .,. Thầy cười , nhưng nụ cười không tươi lắm . Minh ngồi xa xa , không gần
như các bạn , lặng lẽ ngắm nhìn Thầy , không tíu ta tíu tít , lao xao hỏi thăm Thầy
...như.....tụi nó , mà chỉ ngồi nghe Thầy và các bạn nói chuyện với nhau.Đại khái , tụi
bạn mình , tuy ....còn nhỏ , nhưng cũng biết nói chuyện .....xã giao ...lắm , tụi nó hỏi
thăm Thầy bị bịnh gì , bị hồi nào , đã uống thuốc gì chưa......
~ 27 ~
Đại khái là những câu hỏi thông thường nhứt của một người khoẻ mạnh đi thăm một
người bịnh ! Té ra là Thầy chỉ bị ....cảm thông thường ( bây giờ hay gọi là bị ....Tai Mũi
Họng ...) , đã uống thuốc rồi và chuẩn bị ....ăn cháo !
Giọng Thầy nghe yếu ớt , nhỏ nhẹ , khác hẳn giọng giảng bài rõ ràng trên lớp ! Nghe
Thầy chuẩn bị ăn cháo , tụi bạn liền lăng xăng lấy chén , múc cháo trắng ra chén , rồi lại
lắy đường cho Thầy bỏ vô chén ....
Nói chung là tụi nó xúm nhau vô .....chăm sóc Thầy rất mực ....chu đáo và thương yêu .
Thầy cảm động lắm , ngồi trên võng , tụi mình xúm quanh , tay Thầy cầm chén cháo .
Thầy ăn vài muỗng rồi ngừng ( sau này mình nghĩ lại , nếu mình ăn cái gì mà có ....mấy
chục cặp mắt nhìn chăm chăm vô cái chén của mình thì ....làm sao mà ...tự nhiên cho
được chứ ! ) Thầy ngó quanh , rồi , Thầy ngừng lại khi gặp ánh mắt của mình .... Thầy
giơ cao cái chén cháo trắng ra , nói : " cháo HOA nè , các em , là loại cháo nấu lâu ,
hầm nhừ , hạt gạo nở ra như một cái
hoa ". Mình biết Thầy giảng giải chung
chung , nhưng muốn trả lời riêng cho
mình thôi , vì hôm trước , học truyện
Tấm Cám , tới câu : " đừng ăn cơm
hẩm , cháo hoa nhà người " mình đã
giơ tay hỏi Thầy " cháo hoa là cháo gì aj
" thì chuông đã leng keng hết giơ rồi .
Nghe câu Thầy giảng về cháo hoa ,
mình cảm động lắm , gật đầu với Thầy
và trả lời Thầy bằng ....mắt : dạ , em vô
cùng cảm ơn Thầy ! Thương Thầy bịnh
, thấy Thầy ...yếu đuối , mình muốn đến
nắm bàn tay Thầy , hay ôm Thầy một
cái , nhưng cũng không dám .....Không
phải sợ Thầy ...nhưng tụi mình hồi đó
ngoan ngoãn , nhút nhát lắm , muốn ,
nhưng lại rụt rè không bạo dạn làm điều mình muốn !
Năm đó mình học giỏi môn Văn lắm , được Thầy cử đại diện lớp đi thi học sinh giỏi văn
toàn trường ... Nhưng do là lớp 7 , không phải là lớp 9 , nên kỳ thi giỏi văn này chỉ như
một lần " cọ xát " cho biết , chuẩn bị cho lớp 9 sẽ là những kỳ thi " hoành tráng " hơn ,
cấp độ cao hơn mà thôi ! Thầy " cưng " mình lắm , dĩ nhiên , vì mình học giỏi môn của
Thầy , vì mình luôn mong đợi mọi giờ học khác trôi qua thật nhanh ...để mau chóng tới
giờ Văn , được nghe Thầy ...trọ trẹ giảng bài rành mạch , dễ hiểu , giọng Thầy trầm ấm
cuốn hút biết bao , Thầy vừa giảng bài vừa kể chuyện , nên tiết học không bao giờ khô
khan , chán ngắt ...
Ba mươi lăm năm sau .... Giữa chợ ....đời , Thầy và trò gặp nhau . Mình hỏi Thầy ,
giọng hơi run run ...: Thầy còn nhớ em không Thầy ? ... Lòng không hy vọng ..( !)
~ 28 ~
Thầy hơi ....nhíu mày ....nhăn trán một chút , một chút thôi , chừng ... 5 giây ...: A ,
Phụng Kiều , Nguyễn thị Phụng Kiều ...! Cũng cái giọng nói ...trọ trẹ ngày xưa ấy , Thầy
nói tên mình đúng chóc , mình vui sướng muốn ..trào nước mắt ! Thầy hay thiệt ! Từ lúc
mình là một con bé tuổi 13 , đến nay đã gần 50 , mà Thầy vẫn nhìn ra mình .
Thương Thầy thật nhiều ! Thầy trò gặp nhau chuyện trò tíu tít .... Lần gặp Thầy vào
tháng năm vừa rồi là lần gặp thư hai , lần này mình đã .....dũng cảm xin Thầy " Thầy ,
cho em ....ôm Thầy một cái , có được không Thầy ? " Đương nhiên là được , mình ôm
choàng Thầy , Thầy vẫn ốm y như ngày xưa , vẫn gương mặt xương xương , khắc khổ
nghiêm nghị , ít cười . Mình thật cảm động , hạnh phúc vì được gặp lại người Thầy khi
xưa , được ôm Thầy trong vô vàn cảm xúc !
Thầy hỏi thăm con cái của mình , khi biết bé Su năm nay học lớp 9 , Thầy kêu cho bé
Su vào lớp học thêm môn Văn của Thầy để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 sắp tới , khỏi
phải nói , mình mừng quá chừng , vì bé Su sẽ được Thầy giảng dạy , còn gì bằng ! Má
bé Su thèm vô cùng , một buổi học , được
ngồi khoanh tay nghe Thầy giảng y như
ngày xưa , mà có được đâu !
Tháng Chín , lớp học thêm của Thầy mới
khai giảng . ngày đầu tiên đưa bé đến lớp ,
mình lại được gặp Thầy . Thầy trò tay bắt
mặt mừng , mình lại nắm cánh tay Thầy ,
nói chuyện với Thầy , lòng mừng vui thật
sự , không chút màu mè , khách sáo ....
Buổi học thứ hai , trên đường đưa bé Su
đến lớp của Thầy , hai mẹ con đang nói
chuyện ríu rít , bỗng bé Su nói " má , má ,
Thầy nói với cả lớp con là ...bạn nào
nghèo , không có tiền đóng , cứ nói cha mẹ lên gặp Thầy một lần , Thầy sẽ miễn học
phí cho bạn đó luôn đó má ". Mình nghe mà cảm động quá chừng ! Thầy ơi , Thầy đúng
là một người Thầy đúng nghĩa ! Cái TÂM được đặt lên hàng đầu , không phải là chữ
TIỀN trong vòng xoáy áo cơm ....Ngành giáo dục sẽ phát triển , nếu Thầy cô nào cũng
thưong yêu học trò , tận tâm với nghề , như Thầy vậy !
Em cảm ơn Thầy vô cùng , một ngày nào đó , em sẽ lại xin Thầy , để được ôm Thầy
một cái ôm thương yêu , kính trọng , Thầy ơi !
Kính tặng Thầy TRẦN CHIẾN
Phụng Kiều - HB83 - 10/9/14
Bài học làm người em vẫn nhớ ghi
Công cha nghĩa mẹ ơn thầy.
~ 29 ~
Còn nhớ cách đây không lâu khi mới vào FB TTGDHB tôi có từng hỏi nếu ai biết được
tin tức của Thầy? Lúc đó Tước Huỳnh cho biết Thầy không còn ở Sài Gòn nữa mà đã
trở về quê để sống. Nghe xong lòng tôi chùng lại , tôi tưởng tượng đến hình ảnh của
người nhạc sỹ không gặp thời lững thững trở về quê trong bóng hoàng hôn của đời
người ! Lúc đó tôi tự nhủ lòng sẽ có một ngày về VN , nhất định tôi sẽ tìm đến thăm
Thầy và sẽ cùng thầy ôn lại những kỷ niệm của ngày xưa , những ngày mà tôi đã được
hoạt động văn nghệ cùng Thầy dưới mái trường thân yêu Hồng Bàng .
Vào những năm 73,74,75 khi đang còn ở những năm cuối của bậc trung học tôi đã đến
với Thầy , không ! Đúng ra phải nói là Thầy đã đến với chúng tôi, với ban văn nghệ
trường như làn gió mát mẻ mang theo những hạt mưa đầu mùa tưới lên khu vườn khô
cằn đầy cỏ dại để rồi sau đó khi mùa xuân đến khu vườn khô cằn đã nở rộ những bông
hoa muôn sắc muôn
màu thắm tươi . Hiệu
Đoàn Ca ra đời . Mẹ Âu
Cơ , Mẹ Trùng Dương ,
Hè Về ..v.v.. đã điểm tô
thêm sắc màu cho
những ngày lễ hội lớn
hàng năm trong trường .
Ban Hợp Xướng được
thành lập , những lớp
nhạc cụ đàn guitar ,
mandoline , đàn tranh
ngày càng nhiều thêm
học sinh ghi danh học .
Ban Hợp Xướng đi trình
diễn nhiều hơn , được
sánh vai với các trường đàn anh đàn chị trong những buồn sinh hoạt liên trường . Rồi
cả nước biết đến TTGDHB khi được lên đài truyền hình số 9.
Thầy Trương Hữu Lang, thầy có dáng dấp hơi nhà quê ( theo tôi ) so với mấy ông bà
thầy Tây Đầm mà tôi đã từng học qua . Thầy hơi thấp người , đeo kính cận , dưới cằm
có nốt ruồi to và sợi lông . Tay Thầy lúc nào cũng xách theo cái cặp trông Thầy giống
nhà giáo hơn là nhạc sỹ . Thoạt đầu tôi cũng nghĩ vậy nhưng gần thầy làm việc chung
lâu ngày tôi mới nhận ra trong con người nhà giáo đó là cả một tâm hồn nghệ sỹ.Thầy
rất hiền lành không hề la mắng bất cứ ai .
Có một lần tôi được Thầy dẫn đi ăn mì trong Đồng Khánh Chợ Lớn , hôm đó có cả thầy
Huỳnh . Trong lúc ăn thầy Huỳnh nhìn tôi cười rồi nói : " là học trò cưng của anh hả ! "
Thầy nhìn tôi cười rồi trã lời: "đúng rồi , nhưng nó không hề học với tôi một lớp nhạc
nào hết " .
~ 30 ~
Khỏi cần nói cũng biết là tôi sung sướng biết bao: được ăn rồi còn được làm học trò
cưng nữa. Không cưng sao Thầy giao cho chiếc đũa để điều khiển ban Hợp Xướng
mỗi lần trình diễn ? Tôi thì có tài cáng gì? !
Vào năm 1975, rồi thì tôi cũng xong bậc trung học cũng rời trường như các bạn , nhưng
tôi đã vào đời với trái tim nát tan vỡ vụn . Trường đời đâu phải là trường học, chưa một
lần trở về trường và từ đó tôi cũng biệt tin Thầy !
Hôm nay ngự sữ Mỹ Hạnh báo tin về Thầy, tôi lặng người .Trời ơi đây đâu phải là tin
mà tôi muốn biết !
Thầy ơi dẫu biết rằng: " nhân sinh tự cổ Thuỳ vô tử " nhưng sao Thầy không rán chờ
em thêm chút nữa cho em được thỏa lòng , ngày ấy cũng đâu còn bao xa ...!
Mùa Lễ Tạ Ơn đã qua, trong danh sách cảm tạ của tôi không có tên Thầy . Thật mĩa
mai vậy mà tôi đã từng hãnh diện là " học trò cưng " của Thầy ! Xin Thầy tha thứ và nếu
được xin Thầy hãy nhận nơi em một lời
tạ tội dù muộn màng ...
" Chiều nay sương khói lên khơi
Thuỳ dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha dáng trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người ..."
( Thuyền viễn xứ )
Thuyền Thầy đã nhổ neo lên đường , quê hương của Thầy đã không giữ được bước
chân người nhạc sỹ . Thầy lại ra đi, lần viễn xứ này thì đến bao giờ mới gặp lại ? Xin
cầu chúc cho Thầy đến được nơi mà Thầy muốn đến Ở đó chắc không có khổ đau mà
chỉ có thơ với nhạc? Vĩnh biệt Thầy, tác giả của Mẹ Âu Cơ , Mẹ Trùng Dương ....và
HIỆU ĐOÀN CA HỒNG BÀNG !
Cường Nguyễn - HB75 -15/12/2015
Dù cho tung cánh muôn phương
Ơn thầy, nghĩa bạn, tình trường không quên…..
~ 31 ~
Các bạn Hồng Bàng, các bạn còn nhớ thầy Lang dạy nhạc không?
Tháng giêng năm 2015
Ngày cận Tết có lẽ cũng cận ngày giỗ của thầy, con xin cúi đầu thắp nén hương lòng
dâng lên thầy của con.
Thầy ơi, đã hơn 25 năm qua, cây đàn tranh
ngày nào đã bị bỏ quên ở một góc nhà. Những
ngày đầu nơi xứ người, ai cũng vậy, hoàn
cảnh mới gian nan và nhiều xáo trộn. Tiếng
đàn tranh nghe buồn quá ! Cho nên con đã cố
không nghe và càng không thể chơi đàn. Hôm
nay, tuổi đời đã dài, khó khăn đã qua, cuộc
sống đã ổn, có lẽ một ngày nào đó, con sẽ
thèm nghe và muốn chơi lại những bài nhạc
mà thầy đã dạy cho con ngày xưa. Chắc chắn
âm giai của Bến Xuân, Lòng Mẹ, Trống Cơm,
Em Bé Quê, Bà Mẹ Quê, Giọt Mưa Thu, Lý
Chim Quyên, Hát Hội Trăng Rằm, Khúc Hát
Ân Tình …vv…sẽ đem con về một tuổi thơ đẹp
và bình yên.
Ngày 20 tháng 11 năm 2013
Mùa thu có chị bạn về VN thăm gia đình, tôi gửi chị mang cho thầy một it' quà. Vì thầy ở
quê, nên như mọi lần, tôi gửi qua địa chỉ nhà của con trai thầy ở Sàigòn. Chị bạn qua
lại, tôi hỏi xem chị có gặp được con trai thầy không. Chị xin lỗi vì thời gian có hạn nên
chị nhờ người anh của chị liên lạc dùm. Ngày cuối tuần, tôI gọi điện thoại và con trai
thầy bắt ma’y. Em đã nhận được quà và cũng định gọi cho con, nhưng lưỡng lự vì
không biết nói sao. Bởi…thầy đã không còn nữa ! Thầy mất gần một năm - mất hôm
trước Tết. Nói chuyện xong, gác máy, tôi yên lặng hồi lâu mới biết đau, biết khóc. Tôi
mở tủ mang ra cuốn lưu bút cũ, lật và trân trọng lại từng dòng thầy đã viết cho tôi. Tôi
xuống dưới nhà trầm ngâm bên cây đàn tranh treo trên tường ... Tôi mơ được nghe lại,
được cùng thầy song tấu những cung đàn năm xưa. Dù biết trước sẽ có ngày này,
ngày thầy vĩnh viễn ra đi vì thầy đã đau bệnh lâu rồi. Và tôi hiểu, ra đi là điều nhẹ nhàng
cho thầy !
…Hôm nay là ngày nhà giáo, con nhớ và tri ơn thầy.
Tháng 10 năm 2010
~ 32 ~
Con viết những dòng này cho thầy khi thầy trò mình gặp lại nhau sau hơn 20 năm xa
cách…
Tôi học đàn tranh với thầy khi tôi đang học lớp hai ở trường Hồng Bàng. Xuất thân là
một giảng viên trường Quốc Gia Âm Nhạc, thầy nhận dạy nhạc bán thời gian tại ngôi
trường trung tiểu học của tôi. Thầy dạy ba loại đàn khác nhau: đàn guitar, đàn
mandoline và đàn tranh. Khi đó tôi còn quá nhỏ để chọn lựa học loại đàn nào nên ba
mẹ tôi đã ghi danh cho tôi học đàn tranh. Ba mẹ nói con gái chơi đàn tranh dáng điệu
ngồi trông hay hơn. Thế là tôi làm quen với cây đàn và được thầy chỉ dạy từ đó. Rồi có
nhiều thay đổi tôi phải bỏ dở việc học
đàn. Lâu lắm sau đó… mẹ tôi gặp lại
thầy. Mẹ tôi vốn cũng là một giáo viên,
nên thầy và mẹ là hai đồng nghiệp. Gặp
lại, thầy hỏi mẹ cho tôi đươc học đàn trở
lại. Thầy nói bỏ học nửa chừng như vậy
uổng quá vì tôi có năng khiếu. Mẹ tôi trả
lời là gia đình đang khó khăn, biết làm sao. Thầy lại tiếp tục khuyến khích. Cuối cùng
thầy nói thầy sẽ xem tôi như con (dù rằng thầy đã có 9 người con) và sẽ dạy cho tôi
không lấy tiền. Thầy bảo khi nào tôi thành tài, rồi sẽ hay. Cảm động trước tình nghĩa
của một người bạn đồng nghiệp, mẹ tôi xiêu lòng. Thế là tôi lại được tiếp tục đi học đàn
trở lại . Lần này tôi học ngay tại nhà thầy. Thầy ở trọ những nơi khác nhau, tôi cũng
ráng đạp xe đi đến học. Nói thiệt, lúc đó tôi chưa biết cảm thụ âm nhạc, nên đi học mà
lười tâp đàn lắm. Vậy mà gặp ba mẹ, thầy cứ khen là tôi học chăm, nhiều tiến bộ. Nghĩ
lại thật là xấu hổ. Nhớ mỗi lần được học bài mới là tôi ỳ ạch chép bài xuống. Phải ngồi
kẽ từng khung nhạc rồi lại nắn nót với từng nốt nhạc. Tôi bây giờ vẫn còn giữ một vài
tập nhạc đó. Chúng đã cũ mềm và nhăn nheo hết. Cũng có khi việc học đàn bị gián
đoạn, khi ngắn hạn, lúc dài hạn. Ðó là những khi tôi đau bệnh hay bận bịu với những
lần học thi. Biết tôi sẽ đi nước ngoài, thầy ân cần bảo tôi ráng trao giồi hầu có thể đem
tiếng đàn cống hiến cho cộng đồng hải ngoại. Lúc đó tôi thấy xa vời quá, nhưng không
dám trả lời. Cứ thế, tôi đeo đuổi việc học đàn cho tới ngày cuối cùng. Ngày tôi đi, thầy
có tiễn mẹ con tôi ra sân bay. Hành trang âm nhạc tôi mang theo là hai cây đàn tranh
cẩn xà cừ mà thầy đã lặn lội dẫn tôi đi mua.
Thầy tôi không phải là người Sàigòn. Quê thầy ở Cái Bè, vợ thầy và các con (khi còn
nhỏ) đều sống ở quê. Chỉ có một mình thầy lên Sàigòn, học Quốc Gia Âm Nhạc, ra
trường và được giữ lại thành phố để dạy. Thầy thường về quê thăm nhà lắm. Thỉnh
thoảng thầy xin ba mẹ cho tôi được về quê thầy chơi, nhưng ba mẹ chưa cho tôi đi lần
nào cả. Vì là người của giới nghệ sĩ, nên thầy thường bầu bạn với rượu. Nhưng rượu
nhiều quá, chỉ mang bệnh vào thân. Ngày tôi chưa rời Viêt nam, thầy đã một lần bị tai
biến mạch máu não. Lần đó thầy được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Cô phải lên Sài
gòn để nuôi bệnh thầy. Nhờ Ơn Trên, thầy qua khỏi và trở lại bình thường. Sau đó thầy
cố gắng đưa hai con trai lên Sài gòn, cho học âm nhạc, mong mỏi các em sẽ nối nghiệp
thầy.
~ 33 ~
Tôi rời Việt nam không bao lâu thì lại hay tin thầy bị tai biến mạch máu não lần thứ hai.
Lần này nặng hơn lần trước rất nhiều. Tỉnh lại, thầy không nói được, và đi đứng rất khó
khăn.
Tội nghiệp từ đó …thầy vĩnh viễn xa
lìa thế giới âm nhạc. Gia đình đem
thầy về quê nuôi. Còn tôi, như bao
lớp lớp học trò cũ của thầy, đã tung
cánh bay xa ngàn xa…Tôi không thể
nối nghiệp âm nhạc của thầy như
thầy kỳ vọng. Vài năm sau đó, mẹ tôi
có về gặp lại thầỵ. Trở qua, mẹ cho
hay rằng thầy rất yếu. Nói năng và đi
đứng rất khó khăn. Tôi đau lòng !
Tháng bảy năm 2010 tôi trở về thăm
quê hương…
Vừa về được vài ngày, người em rể
rủ gia đình chúng tôi đi chơi thăm
vườn trái cây ở Cái Bè. Nghe Cái Bè,
tôi giật mình. Ðó là quê của thầy tôi. Nhưng Cái Bè sông nước mênh mông, biết tìm
thầy ở đâu ? Tôi ráng lục lọi và kiếm ra được số điện thoại nhà của con trai lớn của
thầy đang sinh sống ở Sàigòn. Tôi gọi…thật may mắn, vẫn đúng số. Em còn nhớ tôi.
Tôi nói là tôi sẽ đi Cái Bè và rất muốn thăm thầy, nhưng em không biết làm sao mà chỉ
cho tôi cách để đi. Em nói khi nào đến Cái Bè, tôi gọi em rồi em sẽ nói chuyện với
người tài xế để chỉ cho họ. Lần đầu tiên được đi xuồng trên sông rạch, tôi thích lắm.
Tận mắt thấy vườn trái cây, có cam, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng…chúng tôi đều
mê mẩn và ăn thỏa thích. Lúc đó tôi đang ở nhà cô Tư của người em rể tôi. Tôi đánh
bạo hỏi vòng vòng người nhà cô Tư xem họ có biết tên thầy tôi hay không ? Thật bất
ngờ quá, có người biết. Con gái út của thầy (tên Vân) là dâu của gia đình cô Bảy (của
người em rể tôi). Và gia đình cô Bảy là nơi phái đoàn của tôi sẽ dừng lại sau cùng.
Thiệt là Trời thương và trái đất tròn phải không ? Khi đến gia đình cô Bảy, tôi gặp Vân.
Em mừng lắm. Em sắp xếp cho tôi qua phà và đến tận nhà thầy sau khi ăn bữa trưa
xong. Vân nói, khi em gọi điện thoại về nói tôi đã đến, thầy hiểu được vấn đề. Thầy bảo
cô đi tìm tấm hình của gia đình tôi. Tấm hình mà tôi đã gửi mẹ tôi mang về mấy năm
trước. Thầy muốn xem có phải đó là tôi. Thầy có nhiều học trò lắm, biết đâu tên lại
trùng tên. Xem xong, thầy cất tấm hình vào túi áo và nằm chờ. Khi còn ở nhà cô Bảy,
nói chuyện với Vân, tôi nhắc lại công lao ngày xưa thầy dạy nhạc không lấy tiền, tôi và
em đã khóc rất nhiều. Em dặn tôi khi gặp thầy…cố gắng đừng khóc, có thể làm thầy
xúc động và mệt tim. Nhớ lời em dặn, tôi lau khô dòng nước mắt và tự nhủ mình sẽ
không khóc nữa. Phải cố vui lên vì thầy trò tôi sẽ được gặp nhau. Khoảng 3 giờ chiều,
xe chở tôi đến cổng nhà thầy. Tôi bước vào chào cô và các em. Nghe tiếng tôi, đang
nằm ở chiếc giường kê ở phòng ngoài, thầy bảo người con gái lớn đỡ thầy ngồi dậy.
Thầy đang ở trước mặt tôi...ốm nhom, gầy như que củi. Răng rụng gần hết. Tay chân
khều khào, không tự chủ được. Thầy nhận ra tôi ngay, đôi mắt ngời sáng.
~ 34 ~
Cô nói hôm rày thầy khoẻ nhiều, chứ thời gian trước không được như vậy. Gia đình
tưởng thầy mất hồi Tết rồi. Thầy nói gì đó, tôi không hiểu. Cô phải thông dịch lại cho tôi.
Thầy nói là thầy rất mừng vì tôi đến được đây với thầy.
Thầy ráng cho tay vào túi áo, lấy tấm hình
ra, xem và ngắm tôi. Nước mắt tôi trào ra,
nhưng tôi không dám khóc. Tôi phải ráng
cười cho thầy vui. Tôi nắm tay thầy, vỗ về
và nói tấm hình đúng là của gia đình tôi.
Các con tôi bây giờ lớn hơn rất nhiều rồi.
Thầy lại hỏi sao nhà tôi và các con không
đến ? Cô lại thông dịch. Tôi trả lời vì có
một xe gắn máy nên không chở hết cả gia
đình được. Nhà tôi và các con đang chơi
ở nhà Vân - con gái út của thầy. Nhìn lên,
trên đầu giường có treo tấm hình thầy hồi
còn trẻ, nhìn thầy rất hoành tráng với ban
nhạc dân tộc.
Thầy là người nhạc trưởng đang điều
khiển cả dàn nhạc.Ðịnh mệnh trớ trêu cho
một người tài hoa như thầy. Tôi ngậm
ngùi. Nói chuyện với cô, và các em được
gần một tiếng đồng hồ, xem chừng thầy
đã mệt. Tôi xin phép phải ra về vì mọi
người còn đợi tôi bên kia sông. Cô sai
mấy em ra vườn hái bưởi và chôm chôm
cho tôi. Tôi cảm động đến nghẹn lời. Cô
nói có học trò nào đến thăm, thầy đều dặn
chuẩn bị đồ ăn, thức uống và phải ra vườn hái trái cây. Xe gắn máy con của thầy đã nổ
máy, tôi bịn rịn cúi đầu chào thầy cô và bước ra…khệ nệ với mấy giỏ trái cây trên tay.
Thầy tôi năm nay đã 72 tuổi và cô cũng 70 tuổi rồi. Biết lần sau tôi về, tôi có còn được
đến Cái Bè để thăm thầy và cô nữa không ?
Ký ức về thầy kính yêu và về ngôi học đường đầu đời.
Minh Uyên-HB83- 12/31/2015
Công cha nghĩa mẹ ơn thầy
Mười hai năm học đong đầy tình thương
~ 35 ~
~ 36 ~
Bút tích của Thầy Trương Hữu Lang
~ 37 ~
Cuộc đối thoại giữa Thầy Trương Hữu Lang và học trò Cường
Cường : " Thầy ơi cứu em ...! "
Thầy : Thầy cười hiền lành trong ánh sáng lung linh : Em cần Thầy giúp gì ?
Cường: Thưa Thầy số là lúc đi vượt biển em có mang theo quyển tập nhạc của Thầy
nhưng vì nước biển tràn vào tàu làm tập nhạc ướt rã ….
Thầy: không sao đâu , miễn em còn nguyên vẹn hình hài là được rồi .
Cường: Nhưng thưa Thầy bây giờ em mới gặp rắc rối . Số là các em nhỏ trong ban
văn nghệ đang dựng lại bài Hiệu Đoàn Ca cần em đóng góp mà em thì quên gần hết
ráo rồi .
Thầy: Sao em không hỏi thử các bạn coi
ai còn nhớ gì thêm ?
Cường: Thưa Thầy có ạ , nhưng mấy
thằng bạn nối khố của em cứ lắc đầu
nguầy nguậy . Phát râu thì mãi lo tậu
nhà tậu cửa dù đã có 3,4 căn . Phúc dối
thì vẫn bù đầu bù cổ với đám quần hồng
. Hoàng tây lai ( Thủy Tinh ) thì từ ngày
lên bờ cưới được vợ đẹp đến giờ cứ hú
hí ca hát suốt ngày không còn ngó
ngàng gì đến thần dân nghêu sò ốc hến
nữa ,thì xá gì đến bài Hiệu Đoàn Ca .
Hỏi Thiều Đào thì hắn cứ thở dài , tao không biết tao không nhớ gì hết , lực bất tòng
tâm lực bất tòng tâm ...cho nên em mới cầu cứu đến Thầy .
Thầy: Nhưng mà lâu quá rồi thầy cũng đâu còn nhớ . Em cứ phịa đại đi thầy không
giận đâu và tụi nhỏ chắc cũng không biết .
Cường:Không được đâu Thầy ạ . Tụi nhỏ bây giờ giỏi lắm vả lại làm lớn đâu được làm
láo hơn nữa em còn từng là trưởng ban văn nghệ mà .
Thầy: Thì ngày xưa thầy đã từng giao cho em cây đũa để gõ nhịp cho tụi nhỏ hát rồi
còn gì . Lúc đó em cũng đâu có gõ đúng và tụi nhỏ cũng đâu có biết gì , bây giờ cũng
cứ thế mà làm .
Cường:Nhưng , nhưng ...thưa Thầy !
Thầy: Thôi đừng làm phiền thầy nữa để thầy còn nghiên kíu soạn thêm vài bài nhạc "
Rap " mang sang Úc cho Tước Huỳnh và Mỹ Hạnh ...Rap chơi . Bái bai ...
Cường: Ơ ơ...thưa thầy .....
Giựt mình có tiếng bà Boss gọi ! Thì ra là mình chiêm bao ……
Nguyễn Quốc Cường -HB75
~ 38 ~
Vì bản gốc không còn nên được ghi lại theo trí nhớ của 1 số Anh Chị của TTGD Hồng
Bàng .
https://www.youtube.com/watch?v=UH1lY8n11Is
~ 39 ~
~ 40 ~
~ 41 ~
~ 42 ~
~ 43 ~
Năm tôi học lớp 7, Thầy Thảo chuyển về trường Hồng Bàng của tôi. Thầy xuất hiện lần
đầu tiên ở cửa lớp với nụ cười chan hòa. Để tập giáo án lên bàn, Thầy hướng về cả
lớp:
- Năm nay Thầy sẽ dạy các con môn Lý.Thầy mong các con sẽ cùng hợp tác với thầy
thật nhiệt tình. Làm như vậy các con vừa học tốt, lại vừa giúp thầy dạy tốt. Các con
đồng ý không ?
Tiếng " các con " Thầy nói sao nghe vừa nghiêm trang vừa thân ái, cả lớp đồng ý ầm
lên vui vẻ lắm! Bài học vật lý đầu tiên trong đời đã được thầy mở ra cho chúng tôi bằng
cách giảng rõ ràng, dễ hiểu. Lớp 7P3 nghịch phá nhất trường, hôm ấy lại rất ngoan, im
lặng nghe giảng và chép bài đầy chăm chú . Gần hết tiết, Thầy căn dặn:
- Có gì không hiểu, các con cứ hỏi Thầy. Kiến thức vật lý như những bậc thang, mà các
con đang bắt đầu đi lên từng bậc. Nếu để hẫng một bậc thì các con sẽ ...
Thắng Cận ngồi phía dưới bỗng hét lên thật to: " Sẽ té ! " , làm cả lớp - và Thầy nữa -
cười ồ .
Thầy cười bao dung , nhìn Thắng :
- Bạn của các con đã nói đúng.Nếu đã vấp té
thì e rằng sẽ khó bước lên những bậc thang
cao hơn. Do đó Thầy muốn các con không
được bỏ qua những gì chưa hiểu tường tận.
Tiết học đầu tiên ấy đã gây ấn tượng rất sâu
sắc trong mỗi chúng tôi. Từ đó chúng tôi đâm
ra mê học môn Lý, ngược lại Thầy cũng dạy
hết sức nhiệt tình. Thầy thường xuyên “ hy
sinh” giờ ra chơi chỉ để giảng giải thêm cho 1
bạn nào đó.
Thời ấy kinh tế hết sức khó khăn. Đến viết bi cũng phải đi bơm lại mỗi khi hết mực.
Nghe anh tôi chỉ trên đường Nguyễn Chí Thanh có ông sửa viết, bơm mực tốt lắm, tôi
liền đạp xe thẳng hướng ngã sáu. Từ xa xa , tôi đã thấy 1 cái bàn nhỏ, bên hông có tấm
bảng màu vàng to tướng " Bơm mực viết Bic ". Tôi đến gần rụt rè gọi : “ Bác ơi, bơm
cho con cây viết, thì từ dưới vành nón lá, 1 đôi mắt ngẩng lên làm tôi giật thót người.
Đôi mắt ấy là của thầy tôi, đôi mắt lúc nào cũng biểu lộ nụ cười và niềm lạc quan yêu
đời. Tôi định " Thưa Thầy ", nhưng lại chợt nghĩ " mới học có 1 tuần , có lẽ thầy còn
chưa nhớ hết mặt học sinh, đừng kêu Thầy làm Thầy ngượng ". Thế là tôi dọn 1 gương
mặt tỉnh bơ, lễ phép:
- Con đang viết thì hết mực, có lẽ “bi” còn tốt, bác bơm mực dùm con!
Thầy tủm tỉm cười:
- Được rồi, con để đó, mai lấy!
~ 44 ~
Tôi còn tần ngần chưa về, đứng nhìn mãi cái áo sơ mi xanh cũ, loang lổ những vết mực
đủ màu mà thầy đang mặc.
Cả cái nón lá vành te tua cũng cũ, ra sức che cho thầy những tia nắng chực soi vào
mặt. Thầy ngồi đó, giữa những cây viết hư hỏng nằm lăn lóc và 2 bàn tay thầy , giống
như chiếc áo, cũng lấm lem đủ những màu mực. Ôi ! Thầy tôi !
Sáng hôm sau có giờ Lý, tôi hồi hộp chờ mong tiếng chuông, nhưng lại tránh né ánh
mắt của Thầy khi Thầy giảng bài. Trong bài học hôm ấy có phần thực hành. Thầy bày
giáo cụ trực quan lên bàn và chúng tôi lại say
mê đi vào bài giảng. Khi chuông vừa reo, tôi
chuẩn bị nhảy ra sân chơi thì Thầy đã đi đến chỗ
tôi:
- Cây viết của con nè! Thầy không lấy tiền đâu,
con để tiền đó chút nữa ăn cà rem. Lần sau phải
kêu bằng Thầy thì Thầy mới sửa viết cho, nhớ
chưa?
Tôi li nhí cảm ơn Thầy mà mặt đỏ bừng.
Đã hơn 20 năm rồi, chẳng biết bây giờ Thầy có
còn dạy học hay không? Ôi! Ước chi con lại được khoanh tay nghe Thầy giảng bài, lại
được thỉnh thoảng nhìn thấy một vết phấn lem trên trán Thầy, như đã tình cờ nhìn thấy
những vết mực đủ màu trên áo Thầy buổi chiều hôm ấy .
Nguyễn Thị Phụng Kiều - HB83.
Những điều thầy dạy con hoài khắc tâm
Nhớ tóc thầy điểm hoa râm
Cùng lời chỉ dạy âm thầm con mang
Ai quên đi chuyến đò ngang
Quên sao người lái thuyền sang bến đời
~ 45 ~
Cơn mưa chiều thật lớn đổ xuống SG , đúng lúc cả đám đã hẹn nhau đi Biên Hoà để
"ăn " lễ 20/11 cùng thầy Thảo . Mưa mặc mưa , gió mặc gió , đã quyết , là ...lên đường
Sau hơn hai tiếng đồng hồ vui như ...Tết ở trên xe , cuối cùng , cũng đến nơi . Đích
thân thầy Thảo ra kéo cửa rào cho xe chạy vào , đám học trò lau nhau nhảy xuống xe ,
tíu tít mừng rỡ , ôm Thầy , khen Thầy ....đẹp trai quá chừng ! Thầy cười ...móm mém ,
tủm tỉm , hiền hậu y như ....hồi xưa , không nói một câu , mắt rưng rưng đỏ ....
Chưa kịp vào nhà , đứa nào đứa nấy lăng xăng tự ....giới thiệu tên mình , sợ Thầy
không biết mình là ai . Mà quả thiệt , Thầy cũng không biết ai là ai hết , chỉ biết mỗi
mình Dung Huỳnh ( hì hì ) Thầy chỉ Dung Huỳnh , nói : Dung , làm bác sĩ nè ! Cả đám "
ồ ! " lên ra cái điều ganh tỵ lắm đó nhe ! Hoa hậu ...top 6 , mặc áo cam , liếng thoắng
giới thiệu : con là Kim Hồng nè Thầy , con học với Thầy năm lớp 7 đó , Thầy hông nhớ
con hả ? Đây là bạn Kim Phượng , cũng
học với Thầy năm lớp 7, còn đây là
bạn Thủy , học chung với con bên Hùng
vương , chứ không có học HB mình ... "
Giang hồ Bàn cờ " cũng lên tiếng : con
là Thuận , con "phát hiện " ra là Thầy
còn chủ nhiệm con năm lớp 8 nữa đó
Thầy . Thầy quay sang người cuối cùng
của ...top 6 ... Dạ con là Kiều nè Thầy ,
Phụng Kiều ... Thầy cười , không nói gì ,
Thầy nhớ hay quên cũng chẳng biết !
Cả đám kéo nhau vào bộ Salon nhà
Thầy , " bắt " Thầy ngồi giữa cho bằng
được mới chịu ! Thầy xúc động quá ,nói
giọng run run :
- Mấy ngày nay Thầy có quá nhiều xúc cảm trong lòng , Thầy đi chợ , ngang qua các
trường học , thấy làm lễ 20/11 mà nhớ hồi còn đi dạy ở HB , nhớ quá , nhớ quá ....
Chắc Thầy không bao giờ ngờ , có một đám học trò ...CỔ... xưa lơ xưa lắc , ( phải dùng
từ Cổ thay thế cho từ Cũ mới được ! ) hơn 34 năm , nay về tận nơi xa xôi này để thăm
lại Thầy mình , dù cho Thầy không nhớ tên ai , không biết dạy năm nào ... Có sao đâu !
Thầy là người đưa đò tận tuỵ , làm sao nhớ nổi từng người khách qua sông ?
Nhưng chúng con làm sao quên được một người Thầy hiền lành , tận tâm , thương yêu
học trò như con cái của mình , nụ cười luôn ...thường trực trên môi , lúc nào cũng gọi :
" các con " , trìu mến !
Bởi vậy , mới có một buổi chiều hôm nay , các " lão học trò " của Thầy đã hẹn hò nhau
lên thăm lại Thầy xưa , và cùng nhau " ĂN " lễ 20/11 ...muộn cùng Thầy ! Oa !
~ 46 ~
Thức ăn cũng thịnh soạn ra phết ! Quýt , ngọt ơi là ngọt , chuối già vừa chín tói thơm
lừng và một bịch bắp rang bơ thật hấp dẫn ! Cô còn nhờ anh Tài xế trèo hái dùm một
chùm NHÃN thiệt ...bự trên cây nhãn sát rào nhà Thầy .
Nhãn hơi mỏng cơm , nhưng ngọt lịm , làm cả đám mê quá chừng ... Cô tiếc không có
anh chàng bạn học nào đi theo , để Cô nhờ hái cho mỗi đứa một vài ...ký đem về SG ! (
tiếc thiệt ! )
Thầy hát tặng cho học trò bài " Bông
hồng cài áo " giọng Thầy yếu , lạc giọng ,
nhưng xúc cảm thì tràn trề ! Có đôi lúc ,
chúng con thấy Thầy nghẹn ngào , rưng
rưng buồn ! Ngày xưa , khi lũ học trò " ẹo
ẹo " làm biếng học , Thầy phải ...dụ bằng
một bài hát , rồi mới dạy tiếp ... ÔI , Thầy
tôi !
Thầy nói cám ơn các học trò đã tặng tiền
cho Thầy vừa rồi , các học trò ở nước
ngoài cũng gởi về nhiều lắm , Thầy mua
sữa quá chừng , nhờ uống sữa nhiều ,
mà nay Thầy ...khá khá lên rồi đó , thấy
hông ? ( hì hì ) .Các ...cụ ...học trò nhao nhao : dạ đúng rồi , so với cái hình tụi con đưa
trên FB hồi tháng 4 ...thì hôm nay , trông Thầy đã ...khá hơn rất nhiều , Thầy thấy khoẻ
mạnh và tươi tắn , hồng hào hơn nhiều lắm ! Miệng nói tay ...tìm , giang hồ Bàn cờ đưa
ngay cho Thầy xem lại cái hình Thầy cách đây 6 tháng , thấy hình , Thầy chợt nhớ ra ,
Cô cũng chạy vào buồng , đem ra 2 tờ giấy A4 gấp làm tư . Thì ra đó là truyện ngắn "
Những vết mực lem " và bài thơ viết sau buổi đi thăm Thầy , đăng trên FB , cạnh tấm
hình Thầy , của thi sĩ ...( thích dầm mưa ) PK ...Con gái Thầy tình cờ đọc được và in ra
cho Thầy giữ làm kỷ niệm ! Thầy và Cô bữa nay mới biết mặt ...tác giả , nhìn tác giả vô
cùng ...trìu mến , làm tác giả cũng vô cùng ...mắc cỡ , cứ cười cười hoài , mà chả biết
....nói năng chi ! Hihihi
Trời lại mưa nữa và sụp tối , đã đến lúc phải nói lời tạm biệt thôi ! Cả đám lại ...lí la lí
lắc ..."bắt " Thầy chụp hình chung đủ kiểu , đủ máy .. Thầy vui lắm , chả thấy phiền hà
gì , có mấy khi được học trò thương mình , nhớ mình mà tới ...chụp hình chung với
mình đâu !
Chia tay bịn rịn ...nhưng không buồn chút nào , vì thấy sức khoẻ Thầy khá hơn nhiều ,
thần sắc hân hoan , đáng mừng ! Hứa với Thầy sẽ ...tao ngộ Thầy , một ngày ....nào đó
...chưa biết ngày nào ! Thầy vui , gật đầu liền !
Trong giây phút ...chia tay
Qua cửa xe , Thầy vẫy tay
Cựu học trò ...bái bai...
Gặp lại nhé ...một ngày ...!
Phụng Kiều-HB83
~ 47 ~
Có một ngôi trường gắn bó với tuổi thơ tôi suốt 9 năm dài, mà mỗi khi nhắc tên, tôi lại
thấy tràn ngập niềm thương nhớ bâng khuâng… Hồng Bàng ơi!
Trường tôi kiến trúc theo lối Pháp, với 2 dãy phòng đối xứng nhau qua 1 cái sân rộng
thênh thang. Do lối kiến trúc Pháp, nên mỗi dãy chỉ có 1 trệt 1 lầu, mái ngói đỏ rêu
phong. Riêng dãy trong, còn có tầng hầm, chứa bàn ghế long chân sứt ốc, gãy gọng,
mà chúng tôi vẫn qua lại, nhìn ngó rất sợ sệt vì chúng tối om om !!! Bao nhiêu là câu
chuyện thêu dệt xoay quanh những phòng hầm bí ẩn đó: nào là ma quỷ đầy trong đó,
đứa nào làm biếng học , sẽ bị nhốt xuống hầm chơi với ma (!). Cũng có nhiều căn
phòng hầm được dùng làm nơi trú ngụ cho vài thầy cô giáo độc thân, hoặc cho gia đình
người lao công cả đời sống và làm việc trong trường. Các phòng học có vòm cửa sổ
cong cong, mở toang cửa ra, chúng tôi có thể ngồi vắt vẻo trên thành,nhìn xuống sân
trường. Trường rộng thênh thang,chỉ có 2 dãy phòng với rất ít lớp học, nên không gian
thóang đãng vô cùng !
Đặc biệt, trường có nhiều cây sao, cây dầu cổ thụ hàng
chục hàng trăm năm, cứng cáp vút thẳng lên trời. Từ
cửa sổ lớp học nào, chúng tôi cũng có thể phóng tầm
mắt ra sân, nhìn cây rì rào, nhìn lá vẫy tay trong gió. Khi
có gió lớn, những trái chò thi nhau xoay tít bay bay.
Hàng nghìn chiếc chong chóng tí hon xinh xắn đáp
xuống sân trường nhẹ nhàng tạo nên 1 cảnh tượng
tuyệt vời không thể thấy được ở bất cứ trường nào khác
Những trái chò còn đi vào bài văn tả sân trường của tôi,
được cô Hiếu đọc cho cả lớp nghe vào 1 buổi chiều xa
xưa. Nhắc đến chiều, tôi lại nhớ đến những buổi chiều
trong sân trường. Do yên tĩnh nên chiều xuống, sân
trường mang màu xám hơi âm u … Cây nhiều cũng tạo
nên bức tranh “ Chiều “ đặc trưng của Hồng Bàng , mà
tông màu còn nhuốm màu rờn rợn (??) Lá cây xào xạc dưới sân hàng lớp, trời hơi
thẫm lại, sân trường không 1 bóng người.
Chả thế mà có 1 câu chuyện lan truyền trong đám trẻ chúng tôi : bà Mười đang quét
sân thì thấy 1 ông Linh Mục tay cầm Kinh Thánh , nhìn bà , buồn rười rượi.
Bà nói : “Ông đừng phá tôi, để tôi làm việc.”, nhìn lên thì ông đã biến mất. Bà Mười là
lao công già nhất lúc bấy giờ, bà hay la học sinh choe chóe nhưng bà không phải là
người hung dữ, chẳng qua, lũ học trò bé xíu chúng tôi cũng nghịch ngợm quá đi thôi !
Bà Mười còn là người duy nhất giật dây chuông vào giờ ra chơi.
~ 48 ~
Cái chuông này nhỏ bé nhưng tiếng vang vô cùng ! Nó băng qua cái sân rộng thênh
thang “leng keng, leng keng, leng keng …” rộn rã đến mỗi lớp, đưa lũ học trò chân sáo
nhảy ra khỏi lớp học gò bó, tung tăng xuống sân cùng bao trò chơi …
Cái chuông này xưa lắc xưa lơ , cổ điển chỉ riêng trường HB là còn sử dụng mà thôi!
Tiếng chuuông này sinh động, reo vui, hơn hẳn tiếng chuông điện ảm đạm, chán ngắt !
Khi bà Mười bệnh, người khác giựt dây chuông là chúng tôi biết liền ! Vì không biết
cách giật dây, tiếng “ leng keng” nghe ngập ngừng, nhỏ xíu, rời rạc, như một cô gái e
thẹn, ậm ừ trong miệng mà không nói nổi một câu !
Thỉnh thỏang chúng tôi nổi cơn nghịch ngợm, vói lên giật thử dây chuông. Chuông kêu
eo éo rồi tắt hẳn, còn chúng tôi thì co giò bỏ chạy, trước cơn thịnh nộ của bà Mười - ăn
trầu. Bà là người độc quyền giật dây chuông cho học trò ra chơi và vào học. Bà gắn
liền với HBàng như máu và tim. Nhắc đến HB, không ai quên được bà Mười và cái
chuông cổ độc nhất vô nhị !
Chính giữa sân trường còn có nhà VS
độc đáo, hình chữ thập. Trước khi xây
trường HB, nơi đây là 1 Bệnh viện của
Pháp. Điều này giải thích cho kiến trúc
chữ thập của của nhà VS. Không ai
không 1 lần đặt chân vào đấy ! Lúc
nào nó cũng ẩm ướt , đọng nước , và
dù được dì Ti xịt nước , tẩy rửa cần
mẫn sau mỗi lần ra chơi, nó vẫn không
thóat khỏi “ mùi hương “ amoniac rất
đặc trưng vẫn vấn vương, lãng đãng
trong không khí. Cạnh nhà VS là cây
phượng già nua to lớn - duy nhất trong
trường. Nó cao, nhiều cành nhiều
nhánh, lá lúc nào cũng xanh um, đầy sức sống.
Chưa đến mùa hè, chỉ mới chớm thôi là cây đã lác đác nụ be bé. Từng chùm từng
chùm sinh sôi mãnh liệt ! Và khi những đốm lửa hoa đỏ rực trong sân, chúng tôi đều
háo hức xúm xít bên cây.
Hoa phượng xòe rộng như cánh bướm, đỏ nao lòng, có hoa còn lấm chấm những đốm
đỏ lạ lẫm.
Mấy đứa con trai trèo lên nóc nhà VS, lựa những chùm hoa đẹp nhất, thắm nhất , tươi
nhất, cho các bạn gái làm bướm. Hai cánh gắn vào 1 thân. Thêm 2 nhụy làm râu. Thế
là 1 con bướm phượng ra đời! Ép bướm hoa vào tập, lòng bỗng rung rinh… Mùa hè
đang tới, hoa phượng còn báo hiệu sự chia tay sắp tới ! Lưu bút chuyền tay nhau, ba
tháng hè dài ơi là dài !
~ 49 ~
Thầy cô của HB dạy rất giỏi và rất nghiêm khắc. Thầy Bảng bắt chúng tôi đọc cửu
chương từ 2 đến 9, đọc xuôi rồi đọc ngược làu làu như cháo chảy ( mà lúc đó chúng tôi
mới học lớp Ba ) rồi mới cho ngồi xuống. Thầy có 1 cây thước bảng dầy và dài, đánh
vô tay học trò nghe “ chát “ rất đanh thép. Nhờ vậy , lớp tôi học giỏi nhất năm đó. Đứa
nào cũng sợ cây thước bảng “ hỏi thăm” bàn tay bé bỏng của mình, nên chăm chỉ học
hành. Cô Huệ còn khó hơn ! Cô hay nhéo hông, hoặc nhéo tai lũ học trò làm biếng, ai
cũng sợ xanh mặt ! Không nên quên các thầy người Pháp : thầy Gérard da đen, thầy
Philips, thầy Tâm tóc muối tiêu người Pháp gốc Việt …
Các thầy cưng học trò VN bé xíu, nhỏ như búp bê. Những giờ học tiếng Pháp vui vẻ với
hoạt cảnh kịch ngắn (bằng tiếng Pháp - dĩ nhiên !) , các bài hát dân ca dễ thương, dễ
nhớ, về khu vườn của ba em (Dans le jardin mon père), về con chim sống ở rừng luôn
miệng “cúc cu, hibou , cúc cu , hibou…” làm chúng tôi thích thú. Cô Nhuần, thầy Thảo
hiền ơi là hiền, giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng mà nói gì tụi tôi cũng vâng lời răm rắp. Cô
Hiệu Trưởng thì dáng dấp sang trọng đài các, dịu dàng. Mỗi cuối tháng cô hay đi phát
phần thưởng và giấy khen cho 5 học sinh đầu lớp. Cô có vẻ uy nghi rõ rệt, dù lúc nào
cũng điềm tĩnh, ung dung.
Học trò HB, dù trai hay gái cũng xưng hô “Bồ và Tui” với nhau. Kiểu này cũng là đặc
trưng riêng cho học sinh HB. “Bồ, Tui” không quá suồng sã , cũng vừa đủ thân mật, gần
gũi nhau, mà không nghe chút gì xa cách.
Do ít lớp, ít học sinh nên chúng tôi biết mặt
nhau tất cả. Khi ra đường, gặp “dân HB” là
chào nhau dù có thể không biết tên nhau.
Tuổi học sinh của chúng tôi còn gắn liền
với “sân trước” của trường HB . Đó là
khỏang sân mặt tiền của trường, nhìn ra
đường HB, có cửa trước chỉ dành cho thầy
cô và phụ huynh ra vào. Tuy gọi là “sân”
nhưng đó là 1 khu vườn tuyệt đẹp, tuyệt
thơ mộng! Vẫn là nhiều hàng cây xoài, cây
chò cổ kính cao vời vợi ngút mắt, nhưng
dưới thấp còn những hàng rào cây kiểng
ngang bụng chúng tôi, mà người lao công
đã dầy công tỉa xén đều đặn.
Hàng rào cây lá xanh um này làm tươi mát sân trước bao quanh các thân cây xù xì
thành những hình chữ nhật vuông vức. Đặc biệt lũ con gái chúng tôi vào giờ chơi hay
rủ nhau tha thẩn ở sân trước. Nấm dại mọc nhiều. Có nấm màu đỏ chấm trắng, có nấm
màu nâu, nấm màu trắng, lâu lâu còn có cả nấm mèo. Nhưng lũ nấm dại là thường
xuyên thu hút chúng tôi hơn cả! Chúng xinh xắn như những cây dù màu, e thẹn nép
dưới gốc cây hay đám cỏ ẩm ướt, chúng nổi bật trên nền lá mục rêu phong, xếp lớp
dưới chân. Chúng tôi thi nhau phát hiện, nâng niu vẻ đẹp , màu đẹp của chúng trên tay.
~ 50 ~
Có nấm dày dặn, cầm chắc nịch như nấm đông cô nhưng màu tươi rói , đích thị là nấm
độc. Thỉnh thỏang cóc ếch còn nhảy “tách” dưới chân nhỏ bé của chúng tôi. Còn kiến,
kỳ nhông, tắc kè, bọ hung … thì nhiều khỏi nói.
Sân trước đúng là “vườn thượng uyển” của chúng
tôi - nơi có đầy cỏ dại lẫn cây xanh và nấm. Bầu
trời thì xanh biêng biếc, lũ chim bay về lích chích
hay véo von gọi nhau.
Trong vườn có duy nhất 1 cây xoài rừng cao ngút
mắt. Trái vàng ươm, chỉ nhìn và thèm thuồng mà
không bao giờ hái được. Chỉ có lũ chim có cánh là
gọi nhau í ới mỗi khi vào mùa xoài mà thôi .
Tôi còn nhớ một điều đặc biệt nữa ở trường mình :
đó là vào giờ ra chơi, học sinh được xếp hàng để
...uống sữa. Sữa tươi Foremos đàng hoàng chính
hiệu ! Ai cũng đem theo một cái bình đựng nước để
chứa ...sữa, vì không thể đứng một chỗ mà uống
từ từ cho hết ly sữa được phát , tốt nhứt là đổ hết
chỗ sữa phần mình vào bình và cứ từ từ mà
thưởng thức !
Khi chúng tôi học lớp 5 thì Sài gòn giải phóng.
Chương trình học cũng thay đổi, chúng tôi chỉ còn
được học tiếng Pháp như một môn ngoại ngữ mà thôi. Nhiều bạn khác ở các trường
khác chuyển về nhờ vậy mà thêm nhiều bạn, lớp học đông hơn, vui hơn.
Nề nếp của trường vẫn không thay đổi, học sinh vẫn ngoan ngoãn, quy củ, kính trọng
Thầy Cô, thân ái với bạn bè ... Các Thầy cô vẫn dạy hết lòng hết sức, thương yêu học
trò ... dù tôi nhớ rằng, thời ấy cuộc sống khó khăn lắm, tụi tôi thì vô tư như .....con nít (!)
có biết đâu Cha Mẹ, cũng như nhiều Thầy Cô mình, hằng ngày phải đau đầu với vấn đề
"cơm áo gạo tiền " muôn thuở “
Tụi tôi còn được tham gia "lao động " Đứa thì làm vệ sinh sân trường, đứa "hên" hơn
thì được đứng bán trong căng tin, thường là các bạn gái hay được phân công bán
hàng. Ra chơi, bán không hở tay, sau giờ chơi, thu gom tiền bạc nộp cho cô giáo trực,
xong giờ "lao động", có quyền ra về.
Năm tôi học lớp 9 thì xuất hiện một dãy phòng học cao 3 tầng kế bên tòa nhà hầm cuối
sân . Vì học sinh quá đông, phải xây thêm phòng học thôi ! Điều này không sai, nhưng
tòa nhà này, dù cao to, tiện lợi, đã phá vỡ cảnh quan thơ mộng, cổ kính của trường,
nằm lạc lõng ... như người anh em ... khác cha khác mẹ ... với hai dãy phòng có ngói
đỏ rêu phong, có vòm cửa sổ cong cong kiểu Pháp !
Sau khi chúng tôi học hết lớp 9, sang trường cấp 3 khác, thì trường đã có một cuộc "
đại trùng tu " , xây thêm nhiều dãy phòng học để thu nhận số lượng học sinh khổng lồ !
~ 51 ~
Thỉnh thoảng, chúng tôi có về thăm lại trường, dù tình cảm luôn dạt dào, dù tim vẫn
"yêu" Hồng Bàng tha thiết ... vẫn không khỏi ngậm ngùi nhìn một sân trường lạ hoắc,
nhiều phòng học, dãy lầu, nhưng vô hồn, lạnh lẽo !
Ôi ! Hồng Bàng thơ mộng xưa đâu rồi ? Những hàng cây cao vút, nhiều lá, nhiều bóng
râm, "nhuộm tím" cả trời chiều đâu rồi ? Học sinh đông đúc, làm nhộn nhịp sân trường
... nhưng không phải là hình bóng của chúng tôi xưa kia ....!
Thầy cô mới, trẻ trung, xinh đẹp, càng làm tôi nhớ da diết các Thầy Cô của mình,
nghiêm khắc mà hiền lành, như là Cha, là Mẹ ... dù cuộc sống vô vàn khó khăn, vẫn
yêu nghề yêu trẻ, vẫn giữ tư cách trên bục giảng mỗi ngày !
Hồng Bàng ơi, nói sao cho hết tình yêu của chúng tôi ? Tuổi thơ của mình đã may mắn
được Hồng Bàng dang tay ôm ấp, dạy dỗ, nâng niu, để khi lớn lên, chúng tôi bay xa
vào cuộc đời với trái tim tốt đẹp. Hồng Bàng ơi ! Mỗi khi nhớ về Người, tim tôi luôn tràn
ngập một cảm xúc nhẹ nhàng, một niềm vui mênh mang ... khó tả ... Giữa bầu trời trong
xanh, trong gió, trong nắng ... tôi như hãy còn nghe vang vang tiếng chuông "leng keng,
leng keng ..." thời thơ ấu tuyệt vời !
Phụng Kiều – HB83 -10/3/2014.
Trở lại sân trường
Nắng ngẩn ngơ nhìn ta xa lạ
Chùm phượng đỏ hôm nao
Giờ chỉ xanh màu lá
Vết chân xưa mưa nắng cũng nhoà!
Thời học trò đã xa
Tuổi thơ cũng vụt qua
Ta lặng lẽ bước đi trong niềm nhớ
Thầy cô bạn bè ơi!
Biết bao giờ gặp lại
Thời gian thì trôi mãi…..trôi xa!
~ 52 ~
“Thời gian qua mùa thu nay có khác
Bao chuyến đò qua chốn ấy sông sâu
Nghĩa thầy cô một đời không trả hết
Dẫu đời con qua mấy nhịp cầu ”.
Tháng 11 là mùa Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, tôi nhớ cô bạn thân
hiện sống ở Houston, Texas có lần nói với tôi, người
dân Mỹ đón mừng Lễ Tạ Ơn lớn lắm, có nhiều khi còn tổ
chức lớn hơn cả Giáng sinh.
Ở đất nước đa văn hóa mà tôi đang sống, xứ Gia Nã
Đaị bao dung hiền hòa, muà Lễ Tạ Ơn lại rơi vào tháng
10.
Chỉ mấy ngày trước thôi, trên mạng Face Book đều tràn
ngập hình ảnh và những lời chúc tri ân đến thầy cô giáo
của bạn bè khắp nơi, ngày Teacher's day của VN....liền
sau đó là lời tạ ơn trong mùa lễ khá đặc biệt này.
Lòng tôi đang nghĩ và muốn viết về một người Thầy, đúng hơn là một Cô giáo mà suốt
đời tôi không quên, người cô giáo lớp 5 (lớp Nhứt) và có lẽ là một trong những người
Thầy tôi thương nhứt.
Cô tên là Lê Kim Nữ, tuổi Quý Dậu, nhỏ hơn mẹ tôi 1t & nếu năm nay Cô còn sống thì
đã 84t. Năm Cô dạy chúng tôi lớp 5, vào khoảng 1973, Cô vẫn còn độc thân dù lúc đó
Cô đã hơn 40t. Theo ký ức của tôi, Cô không phải là cô giáo dễ tính, Cô cũng khó và
có phần nghiêm nghị. Có những việc đã qua, bao thế hệ học trò thì thầy cô giáo không
nhớ từng chi tiết. Nhưng đối với tôi, dù còn rất nhỏ ở cuối năm tiểu học nhưng vẫn như
mới xảy ra ngày hôm qua. Bạn bè chung lớp với tôi lúc đó, có nhiều bạn đi học có xe
hơi đưa đón, có tài xế (chauffer) riêng lái. , Vào một hôm, trời đổ mưa rất lớn, cổng
chính trường Hồng Bàng nằm trên đại lộ Hùng Vương Q.5 nhưng học sinh chúng tôi
thường đi bằng cổng phụ, nếu ở hướng Thuận Kiều lên thì đi ngã Lương Nhữ Học, các
anh chị & các bạn còn nhớ chứ hả. Tôi đi từ hướng Triệu Quang Phục, bên hông
trường Bà Triệu....ở đó đất thấp nên bị ngập nhiều.....xe Mobylette của mẹ tôi chạy đến
đó thì chết máy mẹ tôi phải xuống xe lội bộ bì bỏm dắt theo chiếc xe chết tiệt, lại thêm
tôi ngồi đong đưa trên đó......(Mẹ tôi dĩ nhiên bắt tôi phải ngồi yên ở băng sau để khỏi
phải ướt giày) Giờ nghĩ lại thấy thương Mẹ vô cùng vì hình như lúc đó vô tư lắm,
không biết lo đến sự gì.
~ 53 ~
Ngày hôm ấy, lớp tôi chỉ có
2 học sinh đi trễ là tôi và 1
bạn nữ khác mà đến bây giờ
tôi vẫn còn nhớ cả tên họ. 2
chúng tôi đi vào lớp 1 lượt,
cùng trễ như nhau nhưng Cô
Nữ chỉ rầy bạn ấy mà không
hề rầy tôi chỉ vì Cô dư biết
người bạn ấy đến trường
bằng xe hơi....
So vớí các bạn cùng lớp,
chiều cao của tôi lúc đó có
phần khiêm tốn nên dù xếp
hàng hay ngồi trong lớp học,
cũng đều được đứng đầu
dãy hay ngồi bàn đầu. Một ngày nọ, vào giờ Toán, tôi vẫn nhớ như in quyển sách Toán
lớp 5 thời đó, to và nặng ghê lắm, đặc biệt to hơn những quyển sách thông thường. Cô
Nữ hôm đó không đem sách, nên xuống bàn tôi mượn sách để dạy. Cô mượn tôi vì tôi
ngồi ngay trước mặt Cô...gần Cô nhứt.
Có thể có 1 số bạn bè gần xa đều biết tôi có 1 người anh trai duy nhứt không được
bình thường, từ nhỏ đã thấy có gì đó hơi lập dị.... và thường hay ăn hiếp hoặc đánh
tôi....(Anh trai thường thì thương em gái lắm chứ). Mỗi lần tôi méc ba mẹ thì ảnh lại bị
đòn nhưng chứng nào vẫn tật nấy. Ngày lại qua ngày vẫn tiếp diễn nên tôi sợ anh tôi bị
đòn nên không méc nữa nhưng lại viết ra giấy, giống như là nhật ký hay gì đó, kể khổ là
anh mình đã đối xử mình ra sao, giận ảnh thế nào....dưới ngòi viết và lối suy nghĩ của
một cô bé 10t. Viết rồi không dám đưa ba mẹ hay ai đọc, tôi đã ép vào quyển sách
Toán đó mà không nhớ. Cô Nữ mượn sách xong, dĩ nhiên là Cô đã tình cờ đọc hết
những tâm sự của tôi. Thế là hôm sau, Cô đã ân cần hỏi han: "Anh con làm sao, ăn
hiếp con thế nào....." với một giọng nói rất trìu mến âu lo......và hình như Cô cũng đặc
biệt thương tôi. Nhiều cô giáo thời đó cũng mở lớp dạy thêm ở nhà để tăng thu nhập.
Bạn bè lớp 5 của tôi cũng có nhiều người đến nhà Cô học thêm. Tôi biết có nhiều thầy
cô giáo, thương những đứa học trò học thêm với mình hơn và có phần thiên vị....nhưng
tôi không hề thấy đìều đó ở Cô Nữ dù tôi chưa học thêm với Cô giờ nào.
Tôi thương Cô như vậy mà năm đó, tôi bị Cô khẻ tay một cái đau điếng, đó cũng là lần
bị đòn duy nhứt trong suốt quãng đời đi học. Mỗi ngày chúng tôi đi học, đều phải có
một tấm bảng nhỏ cá nhân để khi thầy cô hỏi gì là cả lớp viết, giơ bảng lên để thầy cô
nhìn được ai đúng ai sai, một bạn nữ (tạm gọi là T) cũng thấp như tôi nên cũng ngồi
bàn đầu. Hôm đó T. quên đem bảng, mà ai quên đem thứ gì thì phải lên cho cô khẻ tay
cho chừa cái tật bê bối. T. mới nói với tôi là đã quên đem, thấy tôi không nói gì thì T.
nói tiếp: "Hồi đó học lớp 3, T có nhỏ bạn thân lắm, T quên đem bảng, nó cho T
mượn...." Không biết sao đầu óc non nớt của tôi lúc đó, tôi suy nghĩ là nếu tôi không
cho T mượn, vậy mình là bạn xấu hay sao......
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017
đặC san hb 2017

More Related Content

What's hot

LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016
LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016
LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016
Banmaischool
 
Nội san Ban Mai số 20 (11/2017): NGƯỜI THẦY TRONG TRÁI TIM EM
Nội san Ban Mai số 20 (11/2017): NGƯỜI THẦY TRONG TRÁI TIM EMNội san Ban Mai số 20 (11/2017): NGƯỜI THẦY TRONG TRÁI TIM EM
Nội san Ban Mai số 20 (11/2017): NGƯỜI THẦY TRONG TRÁI TIM EM
Banmaischool
 
BMSers Connection 8/2017:GẶP GỠ YÊU THƯƠNG
BMSers Connection 8/2017:GẶP GỠ YÊU THƯƠNGBMSers Connection 8/2017:GẶP GỠ YÊU THƯƠNG
BMSers Connection 8/2017:GẶP GỠ YÊU THƯƠNG
Banmaischool
 
So 8
So 8So 8
Số 2
Số 2Số 2
Số 2
Banmaischool
 
Bai van hay cho hs lop 3
Bai van hay cho hs lop 3Bai van hay cho hs lop 3
Bai van hay cho hs lop 3Hoang Trang
 
Noi san thang3.2016
Noi san thang3.2016    Noi san thang3.2016
Noi san thang3.2016
Banmaischool
 
Top 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quy
Top 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quyTop 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quy
Top 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quy
NhaMatDat
 
Nội san Ban Mai số 14 (tháng 9/2016): Chia sẻ & Yêu thương
Nội san Ban Mai số 14 (tháng 9/2016): Chia sẻ & Yêu thươngNội san Ban Mai số 14 (tháng 9/2016): Chia sẻ & Yêu thương
Nội san Ban Mai số 14 (tháng 9/2016): Chia sẻ & Yêu thương
Banmaischool
 
Tuan 23 ke lai buoi bieu dien nghe thuat
Tuan 23   ke lai buoi bieu dien nghe thuatTuan 23   ke lai buoi bieu dien nghe thuat
Tuan 23 ke lai buoi bieu dien nghe thuat
tieuhocvn .info
 
So 7
So 7So 7
So 1
So 1So 1
BMSers Connection số 22 (12/2017): TỰ HÀO BMSER
BMSers Connection số 22 (12/2017): TỰ HÀO BMSERBMSers Connection số 22 (12/2017): TỰ HÀO BMSER
BMSers Connection số 22 (12/2017): TỰ HÀO BMSER
Banmaischool
 
Kịch bản văn nghệ chào mừng 20
Kịch bản văn nghệ chào mừng 20Kịch bản văn nghệ chào mừng 20
Kịch bản văn nghệ chào mừng 20
thanhthoakt
 
Noi san thang11.2016
Noi san thang11.2016Noi san thang11.2016
Noi san thang11.2016
Banmaischool
 
Noi san thang4.2016 - I CAN DO IT
Noi san thang4.2016 - I CAN DO IT Noi san thang4.2016 - I CAN DO IT
Noi san thang4.2016 - I CAN DO IT
Banmaischool
 
So 6
So 6So 6
Nội san Ban Mai số 18 (Xuân 2017) - CÔNG CHA - NGHĨA MẸ - ƠN THẦY
Nội san Ban Mai số 18 (Xuân 2017) - CÔNG CHA - NGHĨA MẸ - ƠN THẦYNội san Ban Mai số 18 (Xuân 2017) - CÔNG CHA - NGHĨA MẸ - ƠN THẦY
Nội san Ban Mai số 18 (Xuân 2017) - CÔNG CHA - NGHĨA MẸ - ƠN THẦY
Banmaischool
 
So 8
So 8So 8
BMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO IT
BMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO ITBMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO IT
BMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO IT
Banmaischool
 

What's hot (20)

LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016
LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016
LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016
 
Nội san Ban Mai số 20 (11/2017): NGƯỜI THẦY TRONG TRÁI TIM EM
Nội san Ban Mai số 20 (11/2017): NGƯỜI THẦY TRONG TRÁI TIM EMNội san Ban Mai số 20 (11/2017): NGƯỜI THẦY TRONG TRÁI TIM EM
Nội san Ban Mai số 20 (11/2017): NGƯỜI THẦY TRONG TRÁI TIM EM
 
BMSers Connection 8/2017:GẶP GỠ YÊU THƯƠNG
BMSers Connection 8/2017:GẶP GỠ YÊU THƯƠNGBMSers Connection 8/2017:GẶP GỠ YÊU THƯƠNG
BMSers Connection 8/2017:GẶP GỠ YÊU THƯƠNG
 
So 8
So 8So 8
So 8
 
Số 2
Số 2Số 2
Số 2
 
Bai van hay cho hs lop 3
Bai van hay cho hs lop 3Bai van hay cho hs lop 3
Bai van hay cho hs lop 3
 
Noi san thang3.2016
Noi san thang3.2016    Noi san thang3.2016
Noi san thang3.2016
 
Top 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quy
Top 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quyTop 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quy
Top 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quy
 
Nội san Ban Mai số 14 (tháng 9/2016): Chia sẻ & Yêu thương
Nội san Ban Mai số 14 (tháng 9/2016): Chia sẻ & Yêu thươngNội san Ban Mai số 14 (tháng 9/2016): Chia sẻ & Yêu thương
Nội san Ban Mai số 14 (tháng 9/2016): Chia sẻ & Yêu thương
 
Tuan 23 ke lai buoi bieu dien nghe thuat
Tuan 23   ke lai buoi bieu dien nghe thuatTuan 23   ke lai buoi bieu dien nghe thuat
Tuan 23 ke lai buoi bieu dien nghe thuat
 
So 7
So 7So 7
So 7
 
So 1
So 1So 1
So 1
 
BMSers Connection số 22 (12/2017): TỰ HÀO BMSER
BMSers Connection số 22 (12/2017): TỰ HÀO BMSERBMSers Connection số 22 (12/2017): TỰ HÀO BMSER
BMSers Connection số 22 (12/2017): TỰ HÀO BMSER
 
Kịch bản văn nghệ chào mừng 20
Kịch bản văn nghệ chào mừng 20Kịch bản văn nghệ chào mừng 20
Kịch bản văn nghệ chào mừng 20
 
Noi san thang11.2016
Noi san thang11.2016Noi san thang11.2016
Noi san thang11.2016
 
Noi san thang4.2016 - I CAN DO IT
Noi san thang4.2016 - I CAN DO IT Noi san thang4.2016 - I CAN DO IT
Noi san thang4.2016 - I CAN DO IT
 
So 6
So 6So 6
So 6
 
Nội san Ban Mai số 18 (Xuân 2017) - CÔNG CHA - NGHĨA MẸ - ƠN THẦY
Nội san Ban Mai số 18 (Xuân 2017) - CÔNG CHA - NGHĨA MẸ - ƠN THẦYNội san Ban Mai số 18 (Xuân 2017) - CÔNG CHA - NGHĨA MẸ - ƠN THẦY
Nội san Ban Mai số 18 (Xuân 2017) - CÔNG CHA - NGHĨA MẸ - ƠN THẦY
 
So 8
So 8So 8
So 8
 
BMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO IT
BMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO ITBMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO IT
BMSers Connection 12 - Tháng 4/2016 - I CAN DO IT
 

Similar to đặC san hb 2017

ĐIểm báo 20 11
ĐIểm báo 20 11ĐIểm báo 20 11
ĐIểm báo 20 11lechi55
 
Tập thơ " Tình riêng" của Nhà thơ Phạm Duyến
Tập thơ " Tình riêng" của Nhà thơ Phạm DuyếnTập thơ " Tình riêng" của Nhà thơ Phạm Duyến
Tập thơ " Tình riêng" của Nhà thơ Phạm Duyến
Thi đàn Việt Nam
 
Điểm báo Ngày NGVN - 2010
Điểm báo Ngày NGVN - 2010Điểm báo Ngày NGVN - 2010
Điểm báo Ngày NGVN - 2010lechi55
 
Top 10-bai-van-mau-ta-thay-co-giao-ma-em-yeu-quy
Top 10-bai-van-mau-ta-thay-co-giao-ma-em-yeu-quyTop 10-bai-van-mau-ta-thay-co-giao-ma-em-yeu-quy
Top 10-bai-van-mau-ta-thay-co-giao-ma-em-yeu-quy
NhaMatDat
 
Bài phát biểu hs
Bài phát biểu hsBài phát biểu hs
Bài phát biểu hs
nguyenhungvietcctktp
 
GROW IN LOVE - Kỷ yếu lớp 5A1 (Khóa 2017 - 20220 - Ban Mai school
GROW IN LOVE - Kỷ yếu lớp 5A1 (Khóa 2017 - 20220 - Ban Mai schoolGROW IN LOVE - Kỷ yếu lớp 5A1 (Khóa 2017 - 20220 - Ban Mai school
GROW IN LOVE - Kỷ yếu lớp 5A1 (Khóa 2017 - 20220 - Ban Mai school
Banmaischool
 
Be giang ky nang nghe
Be giang ky nang ngheBe giang ky nang nghe
Be giang ky nang nghe
Thang Luu
 
Săn sóc sự học của các con
Săn sóc sự học của các conSăn sóc sự học của các con
Săn sóc sự học của các con
Luyến Kiều
 
AASS_Kỷ yếu Khối 9 Khóa 18-22
AASS_Kỷ yếu Khối 9 Khóa 18-22AASS_Kỷ yếu Khối 9 Khóa 18-22
AASS_Kỷ yếu Khối 9 Khóa 18-22
HnhTinhSch
 
Soạn bài: Tôi đi học - văn lớp 8
Soạn bài: Tôi đi học - văn lớp 8Soạn bài: Tôi đi học - văn lớp 8
Soạn bài: Tôi đi học - văn lớp 8
Dinh Phan
 
Thay co mai_truong
Thay co mai_truongThay co mai_truong
Thay co mai_truong
kanawan
 
Gioi thieu sach thang 11
Gioi thieu sach thang 11Gioi thieu sach thang 11
Gioi thieu sach thang 11Thuvien Nqd
 
Kế hoạch tuần 3 tháng 11 năm 2017 lớp gấu Misa (5 6 tuổi)
Kế hoạch tuần 3 tháng 11 năm 2017 lớp gấu Misa (5 6 tuổi)Kế hoạch tuần 3 tháng 11 năm 2017 lớp gấu Misa (5 6 tuổi)
Kế hoạch tuần 3 tháng 11 năm 2017 lớp gấu Misa (5 6 tuổi)
Non Mầm
 
Bài văn biểu cảm
Bài văn biểu cảmBài văn biểu cảm
Bài văn biểu cảm
Ngoc Ha Pham
 
Kim chỉ nam của học sinh
Kim chỉ nam của học sinhKim chỉ nam của học sinh
Kim chỉ nam của học sinh
Luyến Kiều
 
Ân tình thầy cô vietvanhoctro.vn
Ân tình thầy cô vietvanhoctro.vnÂn tình thầy cô vietvanhoctro.vn
Ân tình thầy cô vietvanhoctro.vn
NhaMatDat
 
KỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVE
KỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVEKỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVE
KỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVE
Đình Khoa
 
KỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVE
KỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVEKỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVE
KỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVE
Banmaischool
 

Similar to đặC san hb 2017 (20)

ĐIểm báo 20 11
ĐIểm báo 20 11ĐIểm báo 20 11
ĐIểm báo 20 11
 
Tập thơ " Tình riêng" của Nhà thơ Phạm Duyến
Tập thơ " Tình riêng" của Nhà thơ Phạm DuyếnTập thơ " Tình riêng" của Nhà thơ Phạm Duyến
Tập thơ " Tình riêng" của Nhà thơ Phạm Duyến
 
Điểm báo Ngày NGVN - 2010
Điểm báo Ngày NGVN - 2010Điểm báo Ngày NGVN - 2010
Điểm báo Ngày NGVN - 2010
 
Top 10-bai-van-mau-ta-thay-co-giao-ma-em-yeu-quy
Top 10-bai-van-mau-ta-thay-co-giao-ma-em-yeu-quyTop 10-bai-van-mau-ta-thay-co-giao-ma-em-yeu-quy
Top 10-bai-van-mau-ta-thay-co-giao-ma-em-yeu-quy
 
Bai gioi thieu sach ngocmai
Bai gioi thieu sach ngocmaiBai gioi thieu sach ngocmai
Bai gioi thieu sach ngocmai
 
Bài phát biểu hs
Bài phát biểu hsBài phát biểu hs
Bài phát biểu hs
 
GROW IN LOVE - Kỷ yếu lớp 5A1 (Khóa 2017 - 20220 - Ban Mai school
GROW IN LOVE - Kỷ yếu lớp 5A1 (Khóa 2017 - 20220 - Ban Mai schoolGROW IN LOVE - Kỷ yếu lớp 5A1 (Khóa 2017 - 20220 - Ban Mai school
GROW IN LOVE - Kỷ yếu lớp 5A1 (Khóa 2017 - 20220 - Ban Mai school
 
Be giang ky nang nghe
Be giang ky nang ngheBe giang ky nang nghe
Be giang ky nang nghe
 
Thay co
Thay coThay co
Thay co
 
Săn sóc sự học của các con
Săn sóc sự học của các conSăn sóc sự học của các con
Săn sóc sự học của các con
 
AASS_Kỷ yếu Khối 9 Khóa 18-22
AASS_Kỷ yếu Khối 9 Khóa 18-22AASS_Kỷ yếu Khối 9 Khóa 18-22
AASS_Kỷ yếu Khối 9 Khóa 18-22
 
Soạn bài: Tôi đi học - văn lớp 8
Soạn bài: Tôi đi học - văn lớp 8Soạn bài: Tôi đi học - văn lớp 8
Soạn bài: Tôi đi học - văn lớp 8
 
Thay co mai_truong
Thay co mai_truongThay co mai_truong
Thay co mai_truong
 
Gioi thieu sach thang 11
Gioi thieu sach thang 11Gioi thieu sach thang 11
Gioi thieu sach thang 11
 
Kế hoạch tuần 3 tháng 11 năm 2017 lớp gấu Misa (5 6 tuổi)
Kế hoạch tuần 3 tháng 11 năm 2017 lớp gấu Misa (5 6 tuổi)Kế hoạch tuần 3 tháng 11 năm 2017 lớp gấu Misa (5 6 tuổi)
Kế hoạch tuần 3 tháng 11 năm 2017 lớp gấu Misa (5 6 tuổi)
 
Bài văn biểu cảm
Bài văn biểu cảmBài văn biểu cảm
Bài văn biểu cảm
 
Kim chỉ nam của học sinh
Kim chỉ nam của học sinhKim chỉ nam của học sinh
Kim chỉ nam của học sinh
 
Ân tình thầy cô vietvanhoctro.vn
Ân tình thầy cô vietvanhoctro.vnÂn tình thầy cô vietvanhoctro.vn
Ân tình thầy cô vietvanhoctro.vn
 
KỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVE
KỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVEKỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVE
KỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVE
 
KỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVE
KỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVEKỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVE
KỶ YẾU 5A4 (khóa 2015-2020): GROW IN LOVE
 

đặC san hb 2017

  • 1. ~ 1 ~ Mùa hè lại đến gợi bao nhớ thương Từ ngày tôi vắng xa ngôi trường Ngôi trường ngày xưa hàng cây vẫn xanh Đã cùng tôi tháng năm buồn vui Ngôi trường của tôi qua nắng mưa bao mùa Cho đàn em thơ vươn lên trong ngày mới Ngôi trường của tôi như chiếc nôi êm đềm Tháng ngày nhẹ đưa như câu ca mẹ ru. Nay không còn áo trắng của ngày xưa Trên con đường chân quen bước chiều mưa Tôi đi tìm tuổi thơ trên lối về Phượng rơi trên tóc mềm nhẹ nhàng và hồn nhiên Sân trường giờ đây còn ai nhớ ai Bạn bè xưa đã đi phương nào Thêm một hè sang phượng rơi thắm tươi Thấy lòng sao vấn vương ngày xưa……
  • 2. ~ 2 ~ Vậy là một mùa hè nữa lại đến. Cách đây 50 năm ,vào ngày 9/10/1967 cái tên TRUNG TÂM GIÁO DỤC HỒNG BÀNG đã chính thức hiện diện trên các bảng tên vải và bảng tên mica đủ màu của học sinh trong trường . Đây là ngôi trường hiếm hoi mà nhiều người đã trải qua thời học sinh suốt 12 năm trời, từ lớp mẫu giáo cho tới lớp 12 . Ngôi trường không đông học sinh lắm , cứ lớp các anh chị lớn nhất lên 1 lớp thì sẽ có thêm 1 cấp lớp nhỏ nhất ra đời . Tạm biệt mái trường khi chúng tôi mới 17-18 tuổi, giờ đây gặp lại đã là tuổi hoa niên, là ông, là bà.Có người đi suốt 40 năm vằng vặc, hôm nay mới trở về gặp lại thầy xưa, bạn cũ. Kẻ ở phương xa, có người ở lại quê hương, người còn người mất… vậy mà tất cả vui buồn , kỷ niệm của cái thời cắp sách đến trường chưa bao giờ làm cho mỗi người chúng ta , học sinh Hồng Bàng , cảm thấy bâng khuâng , nhớ nhung luyến tiếc nhiều đến thế ... Chỉ hai chữ HỒNG BÀNG thôi , vậy mà sau nhiều năm chia xa mỗi người mỗi nơi mọi người vẫn tìm về với nhau , nhắc cho nhau mình đã từng học chung trường chung lớp , từng cùng hợp ca cùng bán báo , từng rủ nhau bỏ học cúp cua ,từng ...từng …Học trò của ngày xưa mỗi lần có dịp đều đi ngang ngôi trường cũ tìm lại chút hoài niệm, nhưng trường xưa vẫn còn đó ....... giờ chỉ còn thiếu người xưa ........ Đặc san kỷ niệm 50 năm ra mắt như là một gạch nối giữa chúng ta với ngôi trường cũ đầy thân thương . Biết bao kỷ niệm đến với chúng ta khi nhìn lại hình ảnh cũ của ngôi trường thân yêu , hay khi bắt gặp cái tên thân thiết của bạn bè sau bao nhiêu năm chưa được gặp lại, hay khi đọc lại bài viết kể chuyện xưa về bạn bè , về Thầy Cô…. Những hồi tưởng , những bài viết của những đứa trò nhỏ ngày nào giờ thì ...hết nhỏ rồi nhưng văn chương vẫn rất học trò .. Cám ơn bạn bè , cám ơn Thầy Cô đã có những bài viết thật hay , thật xúc động ... Nhưng chắc cũng còn nhiều thiếu sót lắm , hãy mĩm cười vì hai chữ HỒNG BÀNG nghen….
  • 3. ~ 3 ~ Trường Trung Học Cơ Sở Hồng Bàng Quận 5 được người Pháp khởi công xây dựng từ ngày 7/6/1933 để làm trường nội trú cho trẻ em con lai Pháp,sau đó trường chuyển thành 1 nhánh của trường Jean Jacques Rousseau tại Chợ Lớn ( Jean Jacques Rousseau tiền thân là trường Chasseloup Laubat - Trung Học Phổ Thông Lê Quý Đôn Quận 3 ngày nay) Tới năm 1967 người Pháp bàn giao lại cho chính phủ Việt Nam thời bấy giờ và trường trở thành Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng. Trường mình được mang tên thành Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng kể từ đó, năm 1967 nhận học sinh từ lớp Một tới lớp Năm, các năm sau đó mỗi năm nhận lớp Một mới cho đến năm 1975 tính ra tổng cộng có 12 khối lớp. Học hết bậc tiểu học lên Đệ thất mỗi hs được phát một bảng tên bằng nhựa đeo trên áo, mỗi cấp lớp là một màu khác nhau. Vậy là có lần lượt các màu theo thứ tự từ lớn đến nhỏ: Vàng(75), Xanh dương(76), Xanh lá cây(77), Đỏ(78), Tím(79), Hồng (80) và Nâu(81). Năm 1975, khóa HB 81 tức là bảng Nâu đang học Đệ thất cũng là khối lớp cuối cùng "có màu", còn 5 khối lớp sau đó (HB82 đến HB86) thì đang học tiểu học nên thật tiếc là "không có màu". Sau 1975, phần lớn học sinh cũ Hồng Bàng vẫn tiếp tục học cho tới hết lớp 9, một số thì ra đi, một số chuyển trường, lại có một số bạn từ trường khác chuyển đến. Dù vậy, anh chị em thuộc 12 khối lớp Hồng Bàng chúng ta cùng nhau học hành và lớn lên dưới mái trường Hồng Bàng yêu dấu, cùng hưởng một phong cách giáo dục, một môi trường học tập như nhau nên thật sự có nhiều gắn bó với nhau.
  • 4. ~ 4 ~ Trường Hồng Bàng vừa được công nhận là một ngôi trường có kiến trúc đẹp ở Saigon , là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố. Đó là niềm tự hào của tập thể thầy cô giáo cùng toàn thể học sinh trường Hồng Bàng. “ Theo ghi nhận, tường, cột, kèo,… của khu A Trường THCS Hồng Bàng (mặt tiền đường Hồng Bàng) hiện nay vẫn nguyên vẹn về mặt kiến trúc. Vườn hoa trước trường cũng được giữ theo thiết kế khởi thủy hàng chục năm về trước.
  • 5. ~ 5 ~ Nhiều du khách nước ngoài khi đi ngang qua trường tỏ vẻ thích thú, xin phép vào chụp ảnh.Nằm giữa thành phố đất chật người đông vẫn còn có những ngôi trường kiến trúc cổ kính trong khuôn viên rợp mát cây xanh như Trường THCS Hồng Bàng. Khu A của trường gồm 2 tầng lầu nhìn từ khuôn viên chính mặt tiền đường Hồng Bàng. Hành lang đón từng tia nắng sớm, từng ngọn gió mát qua những khung cửa sổ cao rộng. Xin được lưu lại đây hình ảnh của một thời Áo Trắng Jupe xanh Hồng Bàng để còn một chút nhớ chút thương quảng đời thư sinh dễ thương đó.
  • 6. ~ 6 ~ Giám đốc đầu tiên là Thầy Nguyễn Khánh Hải , sau đó lần lượt thay đổi các Thầy Nguyễn Ngọc Quang , Thầy Từ Chấn Sâm và Thầy Lâm Võ Huỳnh. Năm 1975 ,Cô Nguyễn Thị Kiếm và Cô Bùi Thị Mạnh làm hiệu trưởng . Từ niên khóa 1976-1977 học sinh của trường được chia thành 3 cấp , cấp Một ( Tiểu học) được chuyển sang Trường Tiểu học Minh Đạo , học sinh cấp hai ( lớp 6-9) được giữ lại và trường được đổi tên thành Trường Phổ Thông Cơ Sở Hồng Bàng . Học sinh cấp ba được chuyển sang Trường Trung Học Phổ Thông Hùng Vương .
  • 7. ~ 7 ~ Hy vọng những người bạn cũ, một phút tình cờ sẽ tìm lại nơi đây những tình cảm dấu yêu ngày nào.
  • 8. ~ 8 ~ Bãi cát nhảy xa, nhảy xà, thảy tạ ngay đó ... hít thở không khí trong lành .... Giờ ra chơi
  • 9. ~ 9 ~ Đây là hình chỗ cây vú sữa ngày xưa, ngay góc đó có cái sân khấu dành để tổ chức lễ phát thưởng cuối năm, tổ chức văn nghệ. Dù đã trải qua nửa thế kỷ thăng trầm, trong lòng mỗi người chúng ta vẫn luôn thương nhớ về trường xưa, nơi đã cất giữ đầy ắp những kỷ niệm thời thơ ấu.
  • 10. ~ 10 ~ Lớp học ngày xưa
  • 11. ~ 11 ~ Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng Giáo viên Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng 23- 01 -1971
  • 12. ~ 12 ~ Cô Tiết, Cô Nguê, Cô Tốt, Cô , Hơn, Cô Thu Ba, Cô Mỹ Lệ, Cô Nga Trần Cô Huệ (lớn), Cô Siêng, Cô Nhuần, cô Nhân – 1973
  • 13. ~ 13 ~ Cô Lê Thị Tiết và Cô Trần Thị Kim Nguê 1973 Cô Ánh và Cô Tiết
  • 14. ~ 14 ~ Từ trái Cô Siêng, Bé Tiết Trinh con cô Siêng cô Nhuần, cô Nga Trần, cô Nguê và cô Thu Ba 1973 Thầy Tòng, cô Nhuần, cô Thạch
  • 15. ~ 15 ~ Các em h/s HB thân mến, Nhân dịp các em quy tụ về đây làm lễ kỷ niệm 50 năm của trường,cô xin gửi đến các em tâm tình của một cô giáo từ khi được thuyên chuyển về mái trường thân yêu này như món quà tham dự ngày lễ. Tốt nghiệp ĐHSP Triết từ năm 1967 nhưng cô đã đứng trên bục giảng từ năm 1964. Tốt nghiệp xong là được điều về giảng dạy môn Triết lớp 12 tại các trường Trung học đệ nhị cấp Vĩnh Long, Bến Lức (Long An), Mạc Đĩnh Chi (Phú Lâm). Lúc đó môn Triết là một trong các môn thi lấy bằng Tú Tài 2(giống như tốt nghiệp PTTH) thay môn Văn khi thi Tú Tài 1.Vì nó quan trọng như vậy nên mỗi ngày khi cô đi chấm thi,má cô thường dặn :"chấm rộng tay nha con, tụi nó mà rớt Tú Tài 2,bị bắt lính,rủi chết ngoài chiến trường thì tội lắm đa"Lúc bấy giờ bằng Tú Tài 2 còn rất quan trọng. Mãi đến năm 1974,cô mới được chuyển về Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng.Ở trường nào thì cô giáo vẫn là cô giáo,chức năng duy nhất là thương yêu và dạy dỗ học sinh.Cô dùng chữ dạy dỗ mà không nói truyền thụ kiến thức vì hai việc đó không giống nhau. Khi về mái trường này, cô có cảm giác là các em ở đây sung sướng hơn học sinh ở những nơi cô đã dạy qua.Cô nói diễu với bạn:"Dạy ở đây vui như đi đám cưới vì lúc nào cũng thấy các em đầy đủ, tươm tất,hạnh phúc... Không có gì làm mình phải bận lòng lo lắng cho cuộc sống của các em". Chân thành nghĩ một cách ích kỷ,cô thấy hai vai mình nhẹ đi và tâm tư thanh thản. Nhưng biến cố lịch sử đã xảy ra, một cuộc đổi đời lớn lao cho cả miền Nam trong đó có thầy trò trường ta.Thầy thì phải xếp lưu dụng loại 1, loại 2 hoặc 3( là buộc thôi việc).Trò thì chịu biến động gia đình đủ mọi kiểu. Thầy Cô được lưu dụng thì đi học tập chính trị,học tập hè(cô nhớ má cô mất vào lúc đó)...Ai cũng chao đão nhưng cô vẫn tâm sự với đồng nghiệp, nểu được giữ lại thì nhiệm vụ giáo dục vẫn còn,trước mắt chúng ta là học sinh của mình,là đối tượng chính của đời một thầy cô giáo. Thầy Cô lại phải đứng trước khó khăn của học trò mình.Cô nói với bạn bè:"Phải tăng cường tình thương với học trò hơn vì các em không còn ngồi trong lớp dễ dàng như trước...
  • 16. ~ 16 ~ Tiếp nhận một số h/s từ trường Bác Ái chuyển qua vì tư thục đó đóng cửa; nhìn các em hớt hải, bỡ ngỡ bước vào cổng TTGDHB, cô thấy động lòng vì trẻ em mà đổi trường là một biến cố Tâm lý. Chưa kịp bình tâm thì đến biến động của chính TTGDHB.Vốn là một trường đa cấp từ mẫu giáo đến cấp 1, cấp 2 và cấp 3.Nay có chủ trương tách mẫu giáo đi về trường Bà Triệu, tách tiểu học (cấp 1) đưa về trường Minh Đạo. Ngày đưa thầy cô và học sinh mẫu giáo và tiểu học rời trường,các thầy cô ở lại bồi hồi quyến luyến... Khai giảng năm học 1976-1977 lần đầu tiên tổ chức rước học sinh Minh Đạo về lại cấp 2 Hồng Bàng, lại mừng mừng, tủi tủi... Đến niên khóa 1978-1979 lại tách cấp 3 đi về trường Hùng Vương. Nhìn lại h/s Hồng Bàng ta, chịu biến động liên miên. Ổn định và có phước nhất là những em học lớp 10 năm 1975 là được học trọn 11-12 năm dưới mái trường này.Số còn lại,lúc thì rời trường về Minh Đạo,lúc được về đây 4 năm rồi lại rời trường qua Hùng Vương... Với tấm lòng của một nhà giáo, thầy cô chúng tôi có chút gì đó thương cảm , buâng khuâng.May mắn là lúc nào các em đi cũng có thầy cô trường ta đi theo!!! Ngày nay các em làm kỷ niệm 50 năm của trường Hồng Bàng,các em có biết là tên Hồng Bàng cũng suýt nữa không còn.Có chủ trương chung là đổi tên các trường.Thầy cô bàn bạc rồi nhờ các anh Quân Quản dẫn BĐ H lên Sở GD xin giữ lại tên trường . BĐH lúc đó có thầy Huỳnh,cô Diệp,cô Bích Đào ...và cô.Vừa đi vừa lo, không biết làm vậy có đúng chính sách không? Hiện nay, hằng năm trường ta đều làm giỗ Tổ Hùng Vương...Có ai nghĩ nếu không giữ được tên Hồng Bàng thì có làm được giỗ Tổ không? Trong chương trình học, cô hoàn toàn tán thành phải Giáo dục đủ 5 hoạt động cho học sinh:Trí, Đức, Thể, Mỹ, Lao.Nhưng GD lao động bấy giờ đối với miền Nam là rất mới mẻ, Thầy Cô chưa có kinh nghiệm nên do Phường hướng dẫn.Lúc bấy giờ trước trường ta có cái đường rầy xe lửa (có em nào còn nhớ không),dân chúng cứ ra đó làm cầu tiêu lộ thiên.Phường nói các thầy cô dẫn các em ra quét dọn.Mọi người chới với,tụm năm tụm ba bàn bạc và mất ngủ... Cuối cùng cử cô và các thầy cô nữa qua Phường,đành xuống nước năn nỉ: "học trò của tụi tôi nhỏ quá, hốt phân xong về trường không có xà bông làm sao rửa tay, rủi các em bị lây kiết lỵ, thổ tả thì phải làm sao?Phường có Hợp tác xã,các anh cho học trò tui qua đó quét dọn,cân đường,cân đậu,đóng gói...Cũng được mà..."(xin mà có nước mắt nữa nha) Lần đó đoàn du thuyết thành công.Trong đoàn du thuyết ,cô muốn nhắc đến một người đã khuất, rất tâm huyết trong các lần đi xin xỏ là cô Trương Ngọc Diệp...
  • 17. ~ 17 ~ Nhờ vậy mà sau nầy các em cấp2 chỉ lao động quét lớp , quét sân trường.Các em lớp lớn cấp 3 đi cân và gói đường đậu.Sau đó phải nhớ ơn một phụ huynh là kỷ sư Lương Học Sanh đã giúp đỡ các em cách dập đinh dù(punaises) và nhờ cô Kiếm là hiệu trưởng quen sở Lâm nghiệp xin cho các em ương cây dầu, cây sao coi như lao động... Ở đây có em nào còn nhớ không? Hú hồn!!! Các em thân mến,trong đời làm cô giáo của mình, đến giờ đã ở tuổi xế chiều,cô thật sự không có gì phải ân hận trong nhiệm vụ của mình,dù lúc đứng lớp hay lúc quản lý trường.Bao nhiêu năm,cô thực hiện được tôn chỉ của đời mình là "phải yêu thương học sinh hết lòng,càng nhiều càng tốt".Cô tự thấy hình như cô chưa từng hờn giận các em. Lỗi lầm của các em, chưa bao giờ cô thấy lớn lao hay cố ý làm trầm trọng ra.Có thể trích dẫn lời của ông Hồ Thiệu Hùng từng là trưởng phòng gd và giám đốc Sở GD"đừng hỏi chị Mạnh về lỗi của GV của chỉ, giáo viên của chị không ai xấu hết;đừng hỏi lỗi của h/s của trường HB,h/s của chỉ không có em nào lỗi cả,chỉ không nói đâu!?Các đ/c muốn biết cứ tự đi tìm" Không phải cô nói láo mà tại vì đối với cô , lỗi nào cũng có lý do để tha thứ cả. Học sinh cá biệt ư ?Cô giáo cứ đưa lên phòng cô,cô chưa từng bắt em ấy quỳ hay úp mặt vào vách.Cô cho em ngồi và nhẹ nhàng nói chuyện với em.(Cô nhớ bài học tâm lý mà cô đã học , phải biết dùng từ ngữ yêu thương mới đi vào lòng người).Xong cô vào bàn làm việc,em ấy cứ ngồi đó học bài;thuộc bài xong thì đưa tập cho cô và trả bài,thuộc tốt thì cô khen giỏi và về lớp...Cô không hề nghĩ là lòng yêu thương của cô sẽ được đền đáp.Vậy mà các em có thể hình dung không? Khi cô bịnh nặng phải vào nằm bịnh viện thì h/s đòi cha mẹ dẫn đến thăm cô, không phải là h/s trong đội ngũ h/s giỏi của trường mà cô chăm sóc như bảo vật,mà là một h/s cá biệt đó,cảm động chưa? Có một lần trong buổi họp HĐGV,một giáo viên đứng lên trách cứ cô :"Em đã nói nó cá biệt,chị phải đuổi,em không nhận nó đâu,sao chị cứ dùng dằng,chị đứng về phe nó hay phe em". Cô ngạc nhiên:"Ủa, trong trường ta mà cô giáo và học trò là 2 phe đối địch sao?". Một câu hỏi khiến GV giật mình, nghĩ lại và HS đó được cứu.Trong nguyên tắc Sư Phạm, thầy cô là cha mẹ của học sinh,làm sao có 2 phe được.Viết đến đây cô sực nhớ có lần nghe vị Đại Đức trụ trì một chùa nói với các đệ tử ,thầy đi tu chỉ vì sợ đi học ,sợ thầy cô giáo quá.Nghe video clip này khiến cô trằn trọc, thái độ dạy dỗ của thầy cô ảnh hưởng đến cuộc sống của học sinh lớn biết bao nhiêu!!?? Các em thân mến, theo đây cô gởi lời cảm ơn các em,vì các em đã làm mảnh đất cho cô "GIEO TRỒNG THƯƠNG YÊU". Không có các em, lòng thương yêu mà cô đã được Thầy Cô của cô trao cho từ lúc bé,cô sẽ phải gieo trồng ở đâu? Khi cô gieo trồng thương yêu nơi các em,cô sẽ được lớn lên hơn,cô sẽ càng ngày càng trưởng thành sâu sắc hơn.
  • 18. ~ 18 ~ Đến đây cô cũng xin phép được cảm ơn những thầy cô của cô thời tiểu học và trung học ở tỉnh lẻ Vĩnh Long , những người đã yêu thương cô với cả tấm lòng như cô Vân cô Hưng, thầy Bảo v.v... Tình yêu thương được đạt đến đỉnh cao như vậy sẽ xây dựng nên lòng biết yêu thương của học trò.Rồi học trò lại ban yêu thương cho thế hệ kế tiếp v.v... Cô suy nghĩ trường Sư Phạm nên đổi tên là "trường dạy cách yêu thương", làm thầy cô giáo mà không biết yêu thương học trò thì thà đừng làm. Một lần nữa xin phép cảm ơn các Thầy Cô của tôi đã gieo rắc và tưới tẳm hạt giống yêu thương trong lòng tôi!!! để nó làm kim chỉ nam suốt cuộc đời tôi. Kính thưa quý đồng nghiệp, Nghề giáo chúng ta muốn sản xuất ra các h/s đậu Tú tài (xưa) hoặc tốt nghiệp PTTH (nay) hoặc các kỷ sư,bác sĩ thật là vất vả,khó khăn nhưng vẫn có cơ may làm được. Nhưng muốn đào tạo được những con người thành NGƯỜI (viết hoa)(Thành Nhân theo xưa) thì khó hơn trăm lần.Làm sao có HS sau khi ra đời trở thành người có tư cách, biết tự trọng, biết trung thực, biết nhân hậu, biết giữ ân tình và nghĩa tình???Khó lắm !!! Tôi vẫn thường vui vẻ tự hào là đội ngũ giáo viên HB ta có làm được phần nào.Không hiểu do chủ quan tôi nhận được ít thông tin về các em hay sao mà tôi chưa từng biết trường hợp nào của HS/ HB ta mà phạm những sai lầm về Nhân Cách. Ngoài những em đã thành công và trở về trường hôm nay,các anh chị đã biết tư cách các em thế nào rồi.Tôi xin kể một kinh nghiệm mà bản thân tôi đã gặp"Có một em HS đến tuổi NV QS,gia đình cũng khó khăn, không được đi học nữa,xong nghĩa vụ,em về phục vụ Phường đội gần trường mình.Tôi may mắn gặp em và mỗi lần nhớ tới em là lòng tôi tràn ngập niềm vui và sự hãnh diện.Vì có mẹ già nên ngoài giờ công tác ,em chạy thêm xe ôm.Một hôm tình cờ tôi gọi xe,em nhìn ra tôi, thái độ hết mực cung kính, hỏi thăm sức khỏe và nhắc các thầy cô.Đến nơi, tôi tự động gửi em tiền cao hơn bình thường,em không nhận và nói"em có khó khăn nhưng em chưa được trả ơn thầy cô HB ngày nào,nay gặp cô,sao em nhận tiền được" Sau đó,em canh giờ để đưa tôi về nhà mà không nhận thù lao,trên đường cứ huyên thuyên nhắc lúc đi học...Nhân lúc chung kết thi đua ngành GD, gặp em, tôi vui vẻ nói hôm nay cô được tiền thưởng thi đua ,cô chia cho em, không nhận thì cô buồn lắm.Cuối cùng ,em chịu nhận tiền để chia vui với tôi…..Tôi kể dông dài để các đồng nghiệp cùng hãnh diện với tôi là HS /HB của chúng ta dù ở hoàn cảnh nào ,cương vị và trình độ học vấn nào cũng rất đáng cho chúng ta tự hào.
  • 19. ~ 19 ~ Lý do vì sao, tôi cũng thầm hỏi hoài? Có lẽ vì phong cách mô phạm của chúng ta, cụ thể như cô Bảy Tốt,cô Nhuần cô Tư Nga...hoặc vì những thầy cô đã yêu thương HS của mình hết lòng như cô Nữ,cô Thu Ba, cô Nguê,cô Thu Hà,cô Phát,cô Kiển,cô Thạch,cô Ngọc Lệ,cô Ngọc Liên,cô Thu Nga,cô Phương Mai..v.v... kể không hết....Hay là vì mái trường cổ kính rêu phong khiến các em tự mình thấy cần phải như thế, lúc nào cũng quyến luyến mái trường, quấn quýt thầy cô? Hay vì những hàng cây cổ thụ cao vời vợi kia khiến tâm hồn của các em vươn cao lên, mở rộng ra chăng? Không biết, chưa ai trả lời được cho tôi và tôi cũng chưa tự trả lời được. Nhưng các em HS của trường ta dù thành công hoặc chưa thành công ( tức chưa được tiền tài, danh vọng) thì hình như các em đều đã THÀNH NHÂN. Vậy chúng ta còn gì nuối tiếc trong tuổi xế chiều này? Tôi vẫn thường nói đùa" nếu ai hỏi tôi kiếp sau nếu được tái sinh thì sẽ làm gì? Tôi vui vẻ trả lời sẽ làm cô giáo nữa"( nhưng không làm CBQL đâu nha)... Làm cô giáo vui ngay từ lúc đứng trên bục giảng,nhìn những đôi mắt chăm chú, những gương mặt rạng ngời...Vui tới lúc nhận những tin vui của các em như thi đậu nè, kết bạn nè,công ăn việc làm nè....Các tốp học trò già còn khoe đang làm từ thiện nầy., xây cầu cho quê nghèo nầy, khoe đang chăm sóc thầy nào cô nào nè; còn khoe cả chuyện đang tập Thiền này,tu tập tịnh giới này..v.v...Học trò già khoe với cô giáo già!!! Có ai được ấm áp bằng cô giáo già không???? Cho nên nếu tính tiền bạc thì nhà giáo chúng ta không có nhiều.Nhưng nếu tính những yêu thương mà HS ta dành cho ta, những kính mến mà phụ huynh dành cho ta...Thì chúng ta đã là nhà giàu đó chứ Thật ra các bạn là những người đã cùng tôi trãi qua khó khăn,gian khổ,lo âu , vất vả trong mái trường này.Nhớ lúc chúng ta đi móc bùn ở kinh Tàu Hũ , về nhà tắm 3 ngày vẫn còn hôi. Nhớ lúc đi đào kinh ,khiêng đất ở Lê Minh Xuân...Trong bao nhiêu năm tháng đó, có người vừa đi dạy vừa đạp xích lô, có người bán trà đá ở chợ, có người bán cốc ổi.. Còn tôi , có những đêm mưa tầm tã vẫn chạy đi tìm cách cứu vãn cho GV bị xếp loại 3.Cũng có lúc phải tận dụng vai trò của gia đình để xin thêm chút gạo cho đồng nghiệp đông con... Hiện giờ còn lại chúng ta đây,cũng có những thầy cô đã ra đi vĩnh viễn như cô Bảy Tốt,chị Nữ,chị Thu Ba,chị Ngọc Lệ,chị Ngọc Liên, anh Liêm, anh Minh...tôi nhắc đến như gởi chút tâm hương của trường ta đến các vị đó. Bây giờ HS /HB của chúng ta ra đời dù ở hoàn cảnh nào,dù ở trong nước hay hải ngoại đều có lòng thương yêu nhau,đoàn kết với nhau.Vậy là chúng ta mãn nguyện rồi. Tôi xin gởi lời kính chúc các đồng nghiệp của tôi luôn có thân thể khoẻ mạnh, có tâm hồn an vui vì mình đã làm xong nhiệm vụ của mình, mình đã trao tình yêu thương cho các em HS của mình để các em tiếp bước mình, gieo hạt yêu thương khắp mọi nơi. Cô Bùi thị Mạnh 07/2017
  • 20. ~ 20 ~ Hình các Thầy Cô với Hiệu trưởng Từ Chấn Sâm Hình chụp hè 1977
  • 21. ~ 21 ~ Thầy Cô thuộc Tổ Văn Phòng 1971 Ban Điều Hành Học sinh Hồng Bàng 1973
  • 22. ~ 22 ~ Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỷ niệm, kỷ niệm thân yêu ơi sẽ còn nhớ mãi tiếng Thầy Cô, bạn bè mến thương ơi,sẽ còn nhớ những lúc giận hờn , nhớ những lúc quậy phá , những lúc mong chờ được nghĩ tiết hay là những giờ giải lao , giật mình thời gian qua nhanh đến lạ. Bao năm dưới mái trường , giờ đây chỉ còn là những kỷ niệm trong ký ức , kỷ niệm trong những giấc mơ … Thầy Cô kính yêu, và lớp học, bảng đen, phấn trắng, làm sao níu kéo được tuổi thơ học trò đây.!??? Mỗi năm có Xuân , Hạ , Thu , Đông lặp đi và lặp lại nhưng giữa sân trường bây giờ chỉ còn sót lại những tiếng chim , băng đá và cả sự nhớ nhung, luyến tiếc.... Khi giờ đây , ngồi ngẫm nghĩ đến thời học trò thì lại thấy hình ảnh bạn bè , bao nhiêu điều đáng nói, những chuyện ngày xưa , hãy cất giữ cho riêng mình một thời học trò tinh khôi, áo trắng , một thời cắp sách đến trường. Khi chúng em ra đi khỏi mái trường mà Thầy Cô đã cố gắng uốn nắn chúng em thành người tốt để khi bước ra khỏi thời học sinh sẽ có kỹ năng tốt hơn .Sau khi tốt nghiệp mỗi chúng em sẽ có 1 hướng đi riêng và lúc đó chúng em cảm thấy vừa buồn vừa vui khi không khỏi nao lòng xóa đi những lỗi lầm mình đã mắc, những ngây thơ, khờ dại đã qua.... Để giờ đây khi lỗi lầm hay những sai trái sẽ không được Thầy Cô la mắng để sửa lại. Với chúng em, mỗi kỷ niệm là một trang vở tươi đẹp, mỗi nụ cười là một nấc thang. Hãy sống như những gì ta có, hãy nghĩ về những gì ta đã trải qua, bằng cảm xúc của chính mình, và bằng những yêu thương, nồng nàn, chân thành nhất. Thời gian - cách biệt, sẽ chẳng là gì nếu ta mãi nghĩ về nhau, mãi trân trọng, yêu thương hoài niệm cũ. Và biết đâu, nó sẽ là cầu nối để ta lắng nghe nhịp đập của lòng mình, nghe được tiếng ngày xưa, dịu dàng, man mác. Nói sao hết những kỷ niệm. ….nghe khóe mắt rưng rưng khi nghe những bài hát về thời học sinh.... Chúng em tuy ở xa mái trường nhưng sẽ không thể nào quên được ngôi trường Hồng Bàng và Thầy Cô đã dạy dỗ chúng em trưởng thành hơn và sẽ mãi mãi lưu lại những kỷ niệm tuyệt đẹp ... của thời học sinh !. Con cám ơn Cô Mạnh đã viết 1 bài thật cảm động ,để hồi tưởng lại những ngày con đi học dưới mái trường thân thương.Con Kính chúc Cô sức khoẻ dồi dào, để những lần họp mặt sau thầy trò vẫn còn có dịp gặp lại nhau. Lavender HB-83 -6/30/2017
  • 23. ~ 23 ~ Thầy Lê Thanh Liêm tốt nghiệp ĐH Sư Phạm tại Đà Lạt Thầy đã xuất bản sách giáo khoa về triết trong khi Thầy dạy ở Trường Petrus Ký.Sau đó Thầy dạy môn Việt Văn Trường Petrus Ký vì môn triết bị hủy bỏ và rồi Thầy chuyển qua dạy môn Sử tại Trường Hồng Bàng. Dáng người Thầy nhỏ, Thầy bị cận thị nặng nên đeo kính gọng đen thật dầy, tóc Thầy quăn, bồng bềnh.Thấy thích đi lại trong lớp lúc giảng bài, tay Thầy mân mê cục phấn trắng, giọng của Thầy lúc giảng bài to và lưu loát, lôi cuốn từng ánh mắt của học trò. Tôi rất thích giờ Sử của Thầy, Thầy giảng rất hăng say như đưa cả bọn chúng tôi đi vào những trang lịch sử rất hào hùng... Cô Long vợ Thầy cũng là giáo sư dạy môn triết tại Trường Trung học Nguyễn An Ninh, cô qua đời vì bị bịnh ung thư năm 1976, Thầy Liêm đã gà trống nuôi 4 đứa con. Cô Út em của Thầy đã mang 3 đứa con lớn của Thầy trong cuộc hành trình qua Pulau Bidong đến USA. Cô con gái út của Thầy lúc đó còn nhỏ 8t nên Thầy giữ lại với Thầy. Thầy mất tại Saigon ngày 24/6/1989 vì bịnh gan. Sau khi Thầy mất , Cô Út đã trông nom và dạy dỗ cháu mình trở thành những người thành công trong xã hội. Con trai lớn của Thầy Kỹ Sư Cơ Khí tại Đại Học UCLA Cô gái kế là Bác Si Nha Khoa tại Đại Học UCLA. Emily Letran rất giỏi và thành công trong công việc mở 3,4 văn phòng Nha Khoa Con trai thứ ba khoa Học Điện Toán tại Đại Học Riverside Cô con gái út của Thầy sau khi Thầy mất được các Anh Chị bảo trợ sang .... Đối với lứa tuổi của chúng ta ngày nay chuyện hồi tưởng lại quá khứ là chuyện thường tình. Hôm nay nhân dịp có cuốn đặc san , tôi có dịp nhớ lại người thầy giáo năm xưa đã để lại nhiều kỷ niệm trong những năm tôi học bậc trung học. Lavender-HB83-6/2/2017
  • 24. ~ 24 ~ Theo yêu cầu của các bạn Thủy Đào, Thủy Đỗ, Yến Anh Trần và em Sao Mai, tác giả xin chép lại đây bài luận văn đã làm lúc 12 tuổi, đăng trên báo Thiếu Nhi ngày 12.12.1971 do "quan Ngự Sử" Mỹ Hạnh Nguyễn có công tìm lại được. Vừa chép lại, vừa thấy thương nhớ cô Trương Ngọc Diệp, người đã dạy dỗ và chấm điểm bài luận này, nay không còn nữa, cũng nhớ vô cùng "những ngày xưa thân ái " với thầy cô, bạn bè và em út ở Hồng Bàng hơn 40 năm trước.... Đề bài: Em có lần làm một việc quấy khiến em ân hận mãi. Hãy thuật lại. Thuở ấu thơ, em đã gây ra một lỗi lầm tày trời mà lương tâm em vẫn còn cắn rứt đến ngày nay.Vì không anh em, mỗi ngày em thường chơi đùa với đứa em họ, trạc mười một tuổi. Minh, tên đứa em họ, đặc biệt tuy là con trai nhưng rất sợ ma, yếu tim! Minh trái ngược hẳn với em, tuy là con gái nhưng phá phách không ai bằng. Có lẽ vì thế nên em đã nhiều lần bày trò tinh quái khiến Minh la ỏm tỏi. Một buỗi chiều kia, em trông thấy một cái mặt nạ sọ người được bày bán ở quán " Bà Hai ăn trầu". Một ý nghĩ táo bạo lướt qua đầu em, em mua chiếc mặt nạ đem về nhà. Chiều hôm đó, ba má em đều đi vắng, chỉ có Minh và em ở nhà. Mây mù giăng mắc khắp bầu trời. Khu vườn nhà em âm u, không một ánh sáng. Chúng em bách bộ trong vườn cây. Đến gốc cây xoài, em dừng lại nhìn con diều bị mắc vào cành cây. Em thách đố Minh, nếu lấy được con diều, thì em sẽ thưởng cho một cây súng cao su. Bản tính háo thắng, Minh nhận lời. Em vào nhà sau, hẹn mười phút nữa sẽ trở ra.Trong lúc ấy, em vào nhà mang cái mặt nạ sọ người trắng dã với đôi mắt sâu oắm vào mặt. Đoạn, em chạy đi lấy cái mền đen ra ngoài vườn. "Trang bị" xong, em từ từ tiến ra cây xoài. Thấy Minh đã leo lên được trên cây và giơ tay sắp sờ đến con diều, em mừng thầm. Em giả tiếng hú ghê rợn của ma quái, đưa hai tay lên cao run lẩy bẩy. Minh la lên một tiếng hãi hùng, rồi đớ lưỡi, hai mắt trợn tròn nhìn chằm chặp vào em. Minh sợ hãi từ từ tụt xuống thân cây. Em chạy nhanh đến, tay càng ngày càng run mạnh với những tấm vé số xếp thành móng nhọn gắn vào mười đầu ngón tay. Còn đến 2 nấc cây nữa, Minh mới có thể nhảy xuống đất. Nhưng, trong lúc quýnh quá, Minh phóng đại xuống bất chấp cả hiểm nguy. Oái oăm thay, Minh bị vướng phải cành nhọn hoắt từ cây bên cạnh chĩa sang, té sóng soài trên mặt đất, ôm chân kêu la thảm thương. Đến lúc đó, không còn tự chủ được nữa, em gỡ mặt nạ ra, chạy đến nhìn Minh khóc nức nở. Sau đó, Minh được chở đi bệnh viện cứu cấp. Trên giường bệnh, Minh nhận lỗi tự mình trèo cây trước mặt mọi người. Trước cử chỉ cao thượng của Minh, em vô cùng xấu hổ với hành động ngu xuẩn của mình. Để lương tâm đỡ cắn rứt phần nào, sau đó, em đã thú tội cùng ba má. Những ngọn roi mây vun vút quất lên mình em lúc đó không làm cho em đau đớn bằng hình ảnh Minh phải chịu tật nguyền một bên chân khi trở về sau hai tháng điều trị. Nguyễn Thanh Vân 5/12/2015
  • 25. ~ 25 ~ Vậy là từ nay mình không còn thầy Trí nữa. Thầy với cái bớt trên trán giống hệt Gorbachev, được học trò nhớ nhiều với chức danh Tổng giám thị nhiều hơn là thầy dạy Toán. Cả thầy và trò theo vận nước nổi trôi, kẻ dạt ra nước ngoài kiếm sống, người ở lại trong nước, có người thành công , có người thất bại, có người hẩm hiu số phận bạc bẽo.... Thầy đã không còn đứng trên bục giảng nữa từ khi đặt chân đến Mỹ nhưng học trò vẫn nhớ thầy với những kỷ niệm xưa: Nào là cái compa bằng gỗ đặc biệt của thầy đề vẽ vòng tròn trên bảng nhưng lại ít khi dùng; vì thầy có nghề tự vẽ bằng tay không, cũng tròn không kém. Nào là cái thước cây dài để trị mấy đứa cứng đầu. Thầy còn có tài liệng phấn trúng phóc đầu đứa nào ngồi dưới nói chuyện. Mình được thầy xem là học trò cưng, chẳng phải thông minh gì, nhưng được cái siêng năng và "ngoan" nên chẳng"quậy" thầy cô bao giờ. Ai đời trò phải đi thăm thầy, vây mà khi có dịp về VN , thầy lại đến nhà thăm trò rất bất ngờ: thầy te te đi vào cổng vào thẳng trong nhà hỏi "con Thủy đâu rồi?" Mình chưa kịp nhìn ra ai đã được thầy ôm cái đầu vào lòng :"biết thầy là ai không?" Mình xung phong làm "Honda ôm" chở thầy đi một vòng xem thành phố. Mấy hôm sau hô hào được mấy người Hồng Bàng còn sót lại, cùng anh Thiều và Vân đãi thầy bữa cơm chay. Cuối ngày thầy nói lần sau cứ đãi mặn , chỉ mình thầy ăn chay thôi, vì thầy để ý hình như tụi học trò của thầy chưa đứa nào chuẩn bị.. "tu " được... Qua Mỹ cũng chỉ thăm thầy được một lần. Ai cũng có lý do bận bịu kiếm sống và lo cho gia đình...Biết tin thầy mất mà cũng không đi thăm thầy lần cuối được. Cám ơn các bạn bên Cali đã thay mặt toàn thể dân Hồng Bàng tiễn đưa thầy. Mong thầy nơi vĩnh hằng tha lỗi cho tụi em , là một cặp từ Hồng Bàng ra cả , vậy mà không đủ sức mạnh để dẹp hết những cái lý do này lý do kia để đi thăm thầy... Đào Thu Thủy – HB76 Khi tóc thầy bạc tóc em vẫn còn xanh Khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã lớn khôn rồi Thời gian trôi nhanh mau Một con đò sang ngang Ôi lòng thấy mênh mang…..
  • 26. ~ 26 ~ Hồi mình học lớp 7 , thì cũng là năm đầu tiên Thầy về dạy ở trường Hồng Bàng này . Thầy nhỏ người , ốm , gương mặt xương xương , khắc khổ ... Hồi đó còn nhỏ , không biết , chứ bây giờ lớn rồi , mình cứ hình dung ra như vầy : cho Thầy đeo một cái kính cận gọng đen tròn vào , thì nhìn Thầy sẽ giống hệt như cố nhạc sĩ Trinh Công Sơn lúc sinh thời vậy ! Khác một chút xíu về mái tóc , tóc Thầy hơi quăn , hơi dợn sóng một chút ! Mà tóc như vậy thì lại rất hợp với một tâm hồn nghệ sĩ như Thầy , hợp với môn học mà Thầy sẽ dạy mình năm đó : môn Văn ! Thầy " chào sân " cả lớp với giọng .....trọ trẹ kiểu " Huế thương " rất khó nghe , nhưng cực kỳ trầm ấm ! Do vậy , cả lớp mình bình thường rất ồn ào , rất ....quậy , bỗng trở nên ....ngoan ngoãn lắng nghe Thầy giảng bài .... ,! Lắng nghe mà còn ....chữ được ....chữ mất , huống gì ồn ào làm sao hiêu nổi Thầy đang giảng gì hay nói gì .....! Thầy giảng bài hay quá , năm đó lại được học về Văn học dân gian , nên tha hồ mà nghe Thầy kể chuyện cổ tích , nào là Thạch Sanh và Lý Thông , Tấm và Cám .... Giọng Thầy trọ qua ....trẹ lại .....(!) rất đặc biệt , nên Thầy giảng nói thật chậm rãi , từng tiếng , từng tiếng ...cho cả lớp mình hiểu .... Giờ Văn của Thầy , đâm ra , lại được học trò trông đợi nhứt trong các môn học . Thầy hiền lành lắm , nói năng từ tốn , không bao giờ lớn tiếng với ai , Thầy cũng ít cười , nói chung nhìn bên ngoài , thì thấy Thầy hơi ...lạnh lạnh .... Có lần tiết Văn đã trôi qua lâu rồi mà không thấy Thầy tới lớp , cả lớp đang lao xao ...thì có tin Thầy đang bịnh , sẽ nghỉ dạy hôm đó . Tự nhiên mình thấy rất buồn , vì mình luôn luôn trông chờ mong ngóng đến giờ Văn , để nghe Thầy kể chuyện , giảng bài .... Mình bỗng dưng ....thông minh đột xuất ....khi lên tiếng rủ cả lớp đi thăm Thầy . Ai nấy đều đồng lòng hưởng ứng ngay ! Té ra Thầy ở ngay trong trường , do độc thân , nên được bố trí ở trong một phòng hầm của toà nhà cao cẳng , có những cửa sổ vòm cong cong , hơi quẹo ra sau , gần cái miếu . Không biết các bạn còn nhớ cái miếu này không , chứ mình thì nhớ ...do có cái miếu nằm ngay trước cửa căn " nhà hầm " của Thầy , nên mình đã thấy hơi ....rét rét ...ở trong lòng , đồng thời cũng thấy rất thương Thầy vì thấy Thầy ở đây , một căn nhà hầm tối tăm , âm u , lạnh lẽo ...có một mình ... Cả lớp kéo nhau vào ...chật hết nhà Thầy , Thầy ngồi dậy " tiếp " đoàn học trò nhỏ , vẻ tiều tuỵ , hơi mệt mỏi .,. Thầy cười , nhưng nụ cười không tươi lắm . Minh ngồi xa xa , không gần như các bạn , lặng lẽ ngắm nhìn Thầy , không tíu ta tíu tít , lao xao hỏi thăm Thầy ...như.....tụi nó , mà chỉ ngồi nghe Thầy và các bạn nói chuyện với nhau.Đại khái , tụi bạn mình , tuy ....còn nhỏ , nhưng cũng biết nói chuyện .....xã giao ...lắm , tụi nó hỏi thăm Thầy bị bịnh gì , bị hồi nào , đã uống thuốc gì chưa......
  • 27. ~ 27 ~ Đại khái là những câu hỏi thông thường nhứt của một người khoẻ mạnh đi thăm một người bịnh ! Té ra là Thầy chỉ bị ....cảm thông thường ( bây giờ hay gọi là bị ....Tai Mũi Họng ...) , đã uống thuốc rồi và chuẩn bị ....ăn cháo ! Giọng Thầy nghe yếu ớt , nhỏ nhẹ , khác hẳn giọng giảng bài rõ ràng trên lớp ! Nghe Thầy chuẩn bị ăn cháo , tụi bạn liền lăng xăng lấy chén , múc cháo trắng ra chén , rồi lại lắy đường cho Thầy bỏ vô chén .... Nói chung là tụi nó xúm nhau vô .....chăm sóc Thầy rất mực ....chu đáo và thương yêu . Thầy cảm động lắm , ngồi trên võng , tụi mình xúm quanh , tay Thầy cầm chén cháo . Thầy ăn vài muỗng rồi ngừng ( sau này mình nghĩ lại , nếu mình ăn cái gì mà có ....mấy chục cặp mắt nhìn chăm chăm vô cái chén của mình thì ....làm sao mà ...tự nhiên cho được chứ ! ) Thầy ngó quanh , rồi , Thầy ngừng lại khi gặp ánh mắt của mình .... Thầy giơ cao cái chén cháo trắng ra , nói : " cháo HOA nè , các em , là loại cháo nấu lâu , hầm nhừ , hạt gạo nở ra như một cái hoa ". Mình biết Thầy giảng giải chung chung , nhưng muốn trả lời riêng cho mình thôi , vì hôm trước , học truyện Tấm Cám , tới câu : " đừng ăn cơm hẩm , cháo hoa nhà người " mình đã giơ tay hỏi Thầy " cháo hoa là cháo gì aj " thì chuông đã leng keng hết giơ rồi . Nghe câu Thầy giảng về cháo hoa , mình cảm động lắm , gật đầu với Thầy và trả lời Thầy bằng ....mắt : dạ , em vô cùng cảm ơn Thầy ! Thương Thầy bịnh , thấy Thầy ...yếu đuối , mình muốn đến nắm bàn tay Thầy , hay ôm Thầy một cái , nhưng cũng không dám .....Không phải sợ Thầy ...nhưng tụi mình hồi đó ngoan ngoãn , nhút nhát lắm , muốn , nhưng lại rụt rè không bạo dạn làm điều mình muốn ! Năm đó mình học giỏi môn Văn lắm , được Thầy cử đại diện lớp đi thi học sinh giỏi văn toàn trường ... Nhưng do là lớp 7 , không phải là lớp 9 , nên kỳ thi giỏi văn này chỉ như một lần " cọ xát " cho biết , chuẩn bị cho lớp 9 sẽ là những kỳ thi " hoành tráng " hơn , cấp độ cao hơn mà thôi ! Thầy " cưng " mình lắm , dĩ nhiên , vì mình học giỏi môn của Thầy , vì mình luôn mong đợi mọi giờ học khác trôi qua thật nhanh ...để mau chóng tới giờ Văn , được nghe Thầy ...trọ trẹ giảng bài rành mạch , dễ hiểu , giọng Thầy trầm ấm cuốn hút biết bao , Thầy vừa giảng bài vừa kể chuyện , nên tiết học không bao giờ khô khan , chán ngắt ... Ba mươi lăm năm sau .... Giữa chợ ....đời , Thầy và trò gặp nhau . Mình hỏi Thầy , giọng hơi run run ...: Thầy còn nhớ em không Thầy ? ... Lòng không hy vọng ..( !)
  • 28. ~ 28 ~ Thầy hơi ....nhíu mày ....nhăn trán một chút , một chút thôi , chừng ... 5 giây ...: A , Phụng Kiều , Nguyễn thị Phụng Kiều ...! Cũng cái giọng nói ...trọ trẹ ngày xưa ấy , Thầy nói tên mình đúng chóc , mình vui sướng muốn ..trào nước mắt ! Thầy hay thiệt ! Từ lúc mình là một con bé tuổi 13 , đến nay đã gần 50 , mà Thầy vẫn nhìn ra mình . Thương Thầy thật nhiều ! Thầy trò gặp nhau chuyện trò tíu tít .... Lần gặp Thầy vào tháng năm vừa rồi là lần gặp thư hai , lần này mình đã .....dũng cảm xin Thầy " Thầy , cho em ....ôm Thầy một cái , có được không Thầy ? " Đương nhiên là được , mình ôm choàng Thầy , Thầy vẫn ốm y như ngày xưa , vẫn gương mặt xương xương , khắc khổ nghiêm nghị , ít cười . Mình thật cảm động , hạnh phúc vì được gặp lại người Thầy khi xưa , được ôm Thầy trong vô vàn cảm xúc ! Thầy hỏi thăm con cái của mình , khi biết bé Su năm nay học lớp 9 , Thầy kêu cho bé Su vào lớp học thêm môn Văn của Thầy để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 sắp tới , khỏi phải nói , mình mừng quá chừng , vì bé Su sẽ được Thầy giảng dạy , còn gì bằng ! Má bé Su thèm vô cùng , một buổi học , được ngồi khoanh tay nghe Thầy giảng y như ngày xưa , mà có được đâu ! Tháng Chín , lớp học thêm của Thầy mới khai giảng . ngày đầu tiên đưa bé đến lớp , mình lại được gặp Thầy . Thầy trò tay bắt mặt mừng , mình lại nắm cánh tay Thầy , nói chuyện với Thầy , lòng mừng vui thật sự , không chút màu mè , khách sáo .... Buổi học thứ hai , trên đường đưa bé Su đến lớp của Thầy , hai mẹ con đang nói chuyện ríu rít , bỗng bé Su nói " má , má , Thầy nói với cả lớp con là ...bạn nào nghèo , không có tiền đóng , cứ nói cha mẹ lên gặp Thầy một lần , Thầy sẽ miễn học phí cho bạn đó luôn đó má ". Mình nghe mà cảm động quá chừng ! Thầy ơi , Thầy đúng là một người Thầy đúng nghĩa ! Cái TÂM được đặt lên hàng đầu , không phải là chữ TIỀN trong vòng xoáy áo cơm ....Ngành giáo dục sẽ phát triển , nếu Thầy cô nào cũng thưong yêu học trò , tận tâm với nghề , như Thầy vậy ! Em cảm ơn Thầy vô cùng , một ngày nào đó , em sẽ lại xin Thầy , để được ôm Thầy một cái ôm thương yêu , kính trọng , Thầy ơi ! Kính tặng Thầy TRẦN CHIẾN Phụng Kiều - HB83 - 10/9/14 Bài học làm người em vẫn nhớ ghi Công cha nghĩa mẹ ơn thầy.
  • 29. ~ 29 ~ Còn nhớ cách đây không lâu khi mới vào FB TTGDHB tôi có từng hỏi nếu ai biết được tin tức của Thầy? Lúc đó Tước Huỳnh cho biết Thầy không còn ở Sài Gòn nữa mà đã trở về quê để sống. Nghe xong lòng tôi chùng lại , tôi tưởng tượng đến hình ảnh của người nhạc sỹ không gặp thời lững thững trở về quê trong bóng hoàng hôn của đời người ! Lúc đó tôi tự nhủ lòng sẽ có một ngày về VN , nhất định tôi sẽ tìm đến thăm Thầy và sẽ cùng thầy ôn lại những kỷ niệm của ngày xưa , những ngày mà tôi đã được hoạt động văn nghệ cùng Thầy dưới mái trường thân yêu Hồng Bàng . Vào những năm 73,74,75 khi đang còn ở những năm cuối của bậc trung học tôi đã đến với Thầy , không ! Đúng ra phải nói là Thầy đã đến với chúng tôi, với ban văn nghệ trường như làn gió mát mẻ mang theo những hạt mưa đầu mùa tưới lên khu vườn khô cằn đầy cỏ dại để rồi sau đó khi mùa xuân đến khu vườn khô cằn đã nở rộ những bông hoa muôn sắc muôn màu thắm tươi . Hiệu Đoàn Ca ra đời . Mẹ Âu Cơ , Mẹ Trùng Dương , Hè Về ..v.v.. đã điểm tô thêm sắc màu cho những ngày lễ hội lớn hàng năm trong trường . Ban Hợp Xướng được thành lập , những lớp nhạc cụ đàn guitar , mandoline , đàn tranh ngày càng nhiều thêm học sinh ghi danh học . Ban Hợp Xướng đi trình diễn nhiều hơn , được sánh vai với các trường đàn anh đàn chị trong những buồn sinh hoạt liên trường . Rồi cả nước biết đến TTGDHB khi được lên đài truyền hình số 9. Thầy Trương Hữu Lang, thầy có dáng dấp hơi nhà quê ( theo tôi ) so với mấy ông bà thầy Tây Đầm mà tôi đã từng học qua . Thầy hơi thấp người , đeo kính cận , dưới cằm có nốt ruồi to và sợi lông . Tay Thầy lúc nào cũng xách theo cái cặp trông Thầy giống nhà giáo hơn là nhạc sỹ . Thoạt đầu tôi cũng nghĩ vậy nhưng gần thầy làm việc chung lâu ngày tôi mới nhận ra trong con người nhà giáo đó là cả một tâm hồn nghệ sỹ.Thầy rất hiền lành không hề la mắng bất cứ ai . Có một lần tôi được Thầy dẫn đi ăn mì trong Đồng Khánh Chợ Lớn , hôm đó có cả thầy Huỳnh . Trong lúc ăn thầy Huỳnh nhìn tôi cười rồi nói : " là học trò cưng của anh hả ! " Thầy nhìn tôi cười rồi trã lời: "đúng rồi , nhưng nó không hề học với tôi một lớp nhạc nào hết " .
  • 30. ~ 30 ~ Khỏi cần nói cũng biết là tôi sung sướng biết bao: được ăn rồi còn được làm học trò cưng nữa. Không cưng sao Thầy giao cho chiếc đũa để điều khiển ban Hợp Xướng mỗi lần trình diễn ? Tôi thì có tài cáng gì? ! Vào năm 1975, rồi thì tôi cũng xong bậc trung học cũng rời trường như các bạn , nhưng tôi đã vào đời với trái tim nát tan vỡ vụn . Trường đời đâu phải là trường học, chưa một lần trở về trường và từ đó tôi cũng biệt tin Thầy ! Hôm nay ngự sữ Mỹ Hạnh báo tin về Thầy, tôi lặng người .Trời ơi đây đâu phải là tin mà tôi muốn biết ! Thầy ơi dẫu biết rằng: " nhân sinh tự cổ Thuỳ vô tử " nhưng sao Thầy không rán chờ em thêm chút nữa cho em được thỏa lòng , ngày ấy cũng đâu còn bao xa ...! Mùa Lễ Tạ Ơn đã qua, trong danh sách cảm tạ của tôi không có tên Thầy . Thật mĩa mai vậy mà tôi đã từng hãnh diện là " học trò cưng " của Thầy ! Xin Thầy tha thứ và nếu được xin Thầy hãy nhận nơi em một lời tạ tội dù muộn màng ... " Chiều nay sương khói lên khơi Thuỳ dương rũ bến tơi bời Làn mây hồng pha dáng trời Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người ..." ( Thuyền viễn xứ ) Thuyền Thầy đã nhổ neo lên đường , quê hương của Thầy đã không giữ được bước chân người nhạc sỹ . Thầy lại ra đi, lần viễn xứ này thì đến bao giờ mới gặp lại ? Xin cầu chúc cho Thầy đến được nơi mà Thầy muốn đến Ở đó chắc không có khổ đau mà chỉ có thơ với nhạc? Vĩnh biệt Thầy, tác giả của Mẹ Âu Cơ , Mẹ Trùng Dương ....và HIỆU ĐOÀN CA HỒNG BÀNG ! Cường Nguyễn - HB75 -15/12/2015 Dù cho tung cánh muôn phương Ơn thầy, nghĩa bạn, tình trường không quên…..
  • 31. ~ 31 ~ Các bạn Hồng Bàng, các bạn còn nhớ thầy Lang dạy nhạc không? Tháng giêng năm 2015 Ngày cận Tết có lẽ cũng cận ngày giỗ của thầy, con xin cúi đầu thắp nén hương lòng dâng lên thầy của con. Thầy ơi, đã hơn 25 năm qua, cây đàn tranh ngày nào đã bị bỏ quên ở một góc nhà. Những ngày đầu nơi xứ người, ai cũng vậy, hoàn cảnh mới gian nan và nhiều xáo trộn. Tiếng đàn tranh nghe buồn quá ! Cho nên con đã cố không nghe và càng không thể chơi đàn. Hôm nay, tuổi đời đã dài, khó khăn đã qua, cuộc sống đã ổn, có lẽ một ngày nào đó, con sẽ thèm nghe và muốn chơi lại những bài nhạc mà thầy đã dạy cho con ngày xưa. Chắc chắn âm giai của Bến Xuân, Lòng Mẹ, Trống Cơm, Em Bé Quê, Bà Mẹ Quê, Giọt Mưa Thu, Lý Chim Quyên, Hát Hội Trăng Rằm, Khúc Hát Ân Tình …vv…sẽ đem con về một tuổi thơ đẹp và bình yên. Ngày 20 tháng 11 năm 2013 Mùa thu có chị bạn về VN thăm gia đình, tôi gửi chị mang cho thầy một it' quà. Vì thầy ở quê, nên như mọi lần, tôi gửi qua địa chỉ nhà của con trai thầy ở Sàigòn. Chị bạn qua lại, tôi hỏi xem chị có gặp được con trai thầy không. Chị xin lỗi vì thời gian có hạn nên chị nhờ người anh của chị liên lạc dùm. Ngày cuối tuần, tôI gọi điện thoại và con trai thầy bắt ma’y. Em đã nhận được quà và cũng định gọi cho con, nhưng lưỡng lự vì không biết nói sao. Bởi…thầy đã không còn nữa ! Thầy mất gần một năm - mất hôm trước Tết. Nói chuyện xong, gác máy, tôi yên lặng hồi lâu mới biết đau, biết khóc. Tôi mở tủ mang ra cuốn lưu bút cũ, lật và trân trọng lại từng dòng thầy đã viết cho tôi. Tôi xuống dưới nhà trầm ngâm bên cây đàn tranh treo trên tường ... Tôi mơ được nghe lại, được cùng thầy song tấu những cung đàn năm xưa. Dù biết trước sẽ có ngày này, ngày thầy vĩnh viễn ra đi vì thầy đã đau bệnh lâu rồi. Và tôi hiểu, ra đi là điều nhẹ nhàng cho thầy ! …Hôm nay là ngày nhà giáo, con nhớ và tri ơn thầy. Tháng 10 năm 2010
  • 32. ~ 32 ~ Con viết những dòng này cho thầy khi thầy trò mình gặp lại nhau sau hơn 20 năm xa cách… Tôi học đàn tranh với thầy khi tôi đang học lớp hai ở trường Hồng Bàng. Xuất thân là một giảng viên trường Quốc Gia Âm Nhạc, thầy nhận dạy nhạc bán thời gian tại ngôi trường trung tiểu học của tôi. Thầy dạy ba loại đàn khác nhau: đàn guitar, đàn mandoline và đàn tranh. Khi đó tôi còn quá nhỏ để chọn lựa học loại đàn nào nên ba mẹ tôi đã ghi danh cho tôi học đàn tranh. Ba mẹ nói con gái chơi đàn tranh dáng điệu ngồi trông hay hơn. Thế là tôi làm quen với cây đàn và được thầy chỉ dạy từ đó. Rồi có nhiều thay đổi tôi phải bỏ dở việc học đàn. Lâu lắm sau đó… mẹ tôi gặp lại thầy. Mẹ tôi vốn cũng là một giáo viên, nên thầy và mẹ là hai đồng nghiệp. Gặp lại, thầy hỏi mẹ cho tôi đươc học đàn trở lại. Thầy nói bỏ học nửa chừng như vậy uổng quá vì tôi có năng khiếu. Mẹ tôi trả lời là gia đình đang khó khăn, biết làm sao. Thầy lại tiếp tục khuyến khích. Cuối cùng thầy nói thầy sẽ xem tôi như con (dù rằng thầy đã có 9 người con) và sẽ dạy cho tôi không lấy tiền. Thầy bảo khi nào tôi thành tài, rồi sẽ hay. Cảm động trước tình nghĩa của một người bạn đồng nghiệp, mẹ tôi xiêu lòng. Thế là tôi lại được tiếp tục đi học đàn trở lại . Lần này tôi học ngay tại nhà thầy. Thầy ở trọ những nơi khác nhau, tôi cũng ráng đạp xe đi đến học. Nói thiệt, lúc đó tôi chưa biết cảm thụ âm nhạc, nên đi học mà lười tâp đàn lắm. Vậy mà gặp ba mẹ, thầy cứ khen là tôi học chăm, nhiều tiến bộ. Nghĩ lại thật là xấu hổ. Nhớ mỗi lần được học bài mới là tôi ỳ ạch chép bài xuống. Phải ngồi kẽ từng khung nhạc rồi lại nắn nót với từng nốt nhạc. Tôi bây giờ vẫn còn giữ một vài tập nhạc đó. Chúng đã cũ mềm và nhăn nheo hết. Cũng có khi việc học đàn bị gián đoạn, khi ngắn hạn, lúc dài hạn. Ðó là những khi tôi đau bệnh hay bận bịu với những lần học thi. Biết tôi sẽ đi nước ngoài, thầy ân cần bảo tôi ráng trao giồi hầu có thể đem tiếng đàn cống hiến cho cộng đồng hải ngoại. Lúc đó tôi thấy xa vời quá, nhưng không dám trả lời. Cứ thế, tôi đeo đuổi việc học đàn cho tới ngày cuối cùng. Ngày tôi đi, thầy có tiễn mẹ con tôi ra sân bay. Hành trang âm nhạc tôi mang theo là hai cây đàn tranh cẩn xà cừ mà thầy đã lặn lội dẫn tôi đi mua. Thầy tôi không phải là người Sàigòn. Quê thầy ở Cái Bè, vợ thầy và các con (khi còn nhỏ) đều sống ở quê. Chỉ có một mình thầy lên Sàigòn, học Quốc Gia Âm Nhạc, ra trường và được giữ lại thành phố để dạy. Thầy thường về quê thăm nhà lắm. Thỉnh thoảng thầy xin ba mẹ cho tôi được về quê thầy chơi, nhưng ba mẹ chưa cho tôi đi lần nào cả. Vì là người của giới nghệ sĩ, nên thầy thường bầu bạn với rượu. Nhưng rượu nhiều quá, chỉ mang bệnh vào thân. Ngày tôi chưa rời Viêt nam, thầy đã một lần bị tai biến mạch máu não. Lần đó thầy được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Cô phải lên Sài gòn để nuôi bệnh thầy. Nhờ Ơn Trên, thầy qua khỏi và trở lại bình thường. Sau đó thầy cố gắng đưa hai con trai lên Sài gòn, cho học âm nhạc, mong mỏi các em sẽ nối nghiệp thầy.
  • 33. ~ 33 ~ Tôi rời Việt nam không bao lâu thì lại hay tin thầy bị tai biến mạch máu não lần thứ hai. Lần này nặng hơn lần trước rất nhiều. Tỉnh lại, thầy không nói được, và đi đứng rất khó khăn. Tội nghiệp từ đó …thầy vĩnh viễn xa lìa thế giới âm nhạc. Gia đình đem thầy về quê nuôi. Còn tôi, như bao lớp lớp học trò cũ của thầy, đã tung cánh bay xa ngàn xa…Tôi không thể nối nghiệp âm nhạc của thầy như thầy kỳ vọng. Vài năm sau đó, mẹ tôi có về gặp lại thầỵ. Trở qua, mẹ cho hay rằng thầy rất yếu. Nói năng và đi đứng rất khó khăn. Tôi đau lòng ! Tháng bảy năm 2010 tôi trở về thăm quê hương… Vừa về được vài ngày, người em rể rủ gia đình chúng tôi đi chơi thăm vườn trái cây ở Cái Bè. Nghe Cái Bè, tôi giật mình. Ðó là quê của thầy tôi. Nhưng Cái Bè sông nước mênh mông, biết tìm thầy ở đâu ? Tôi ráng lục lọi và kiếm ra được số điện thoại nhà của con trai lớn của thầy đang sinh sống ở Sàigòn. Tôi gọi…thật may mắn, vẫn đúng số. Em còn nhớ tôi. Tôi nói là tôi sẽ đi Cái Bè và rất muốn thăm thầy, nhưng em không biết làm sao mà chỉ cho tôi cách để đi. Em nói khi nào đến Cái Bè, tôi gọi em rồi em sẽ nói chuyện với người tài xế để chỉ cho họ. Lần đầu tiên được đi xuồng trên sông rạch, tôi thích lắm. Tận mắt thấy vườn trái cây, có cam, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng…chúng tôi đều mê mẩn và ăn thỏa thích. Lúc đó tôi đang ở nhà cô Tư của người em rể tôi. Tôi đánh bạo hỏi vòng vòng người nhà cô Tư xem họ có biết tên thầy tôi hay không ? Thật bất ngờ quá, có người biết. Con gái út của thầy (tên Vân) là dâu của gia đình cô Bảy (của người em rể tôi). Và gia đình cô Bảy là nơi phái đoàn của tôi sẽ dừng lại sau cùng. Thiệt là Trời thương và trái đất tròn phải không ? Khi đến gia đình cô Bảy, tôi gặp Vân. Em mừng lắm. Em sắp xếp cho tôi qua phà và đến tận nhà thầy sau khi ăn bữa trưa xong. Vân nói, khi em gọi điện thoại về nói tôi đã đến, thầy hiểu được vấn đề. Thầy bảo cô đi tìm tấm hình của gia đình tôi. Tấm hình mà tôi đã gửi mẹ tôi mang về mấy năm trước. Thầy muốn xem có phải đó là tôi. Thầy có nhiều học trò lắm, biết đâu tên lại trùng tên. Xem xong, thầy cất tấm hình vào túi áo và nằm chờ. Khi còn ở nhà cô Bảy, nói chuyện với Vân, tôi nhắc lại công lao ngày xưa thầy dạy nhạc không lấy tiền, tôi và em đã khóc rất nhiều. Em dặn tôi khi gặp thầy…cố gắng đừng khóc, có thể làm thầy xúc động và mệt tim. Nhớ lời em dặn, tôi lau khô dòng nước mắt và tự nhủ mình sẽ không khóc nữa. Phải cố vui lên vì thầy trò tôi sẽ được gặp nhau. Khoảng 3 giờ chiều, xe chở tôi đến cổng nhà thầy. Tôi bước vào chào cô và các em. Nghe tiếng tôi, đang nằm ở chiếc giường kê ở phòng ngoài, thầy bảo người con gái lớn đỡ thầy ngồi dậy. Thầy đang ở trước mặt tôi...ốm nhom, gầy như que củi. Răng rụng gần hết. Tay chân khều khào, không tự chủ được. Thầy nhận ra tôi ngay, đôi mắt ngời sáng.
  • 34. ~ 34 ~ Cô nói hôm rày thầy khoẻ nhiều, chứ thời gian trước không được như vậy. Gia đình tưởng thầy mất hồi Tết rồi. Thầy nói gì đó, tôi không hiểu. Cô phải thông dịch lại cho tôi. Thầy nói là thầy rất mừng vì tôi đến được đây với thầy. Thầy ráng cho tay vào túi áo, lấy tấm hình ra, xem và ngắm tôi. Nước mắt tôi trào ra, nhưng tôi không dám khóc. Tôi phải ráng cười cho thầy vui. Tôi nắm tay thầy, vỗ về và nói tấm hình đúng là của gia đình tôi. Các con tôi bây giờ lớn hơn rất nhiều rồi. Thầy lại hỏi sao nhà tôi và các con không đến ? Cô lại thông dịch. Tôi trả lời vì có một xe gắn máy nên không chở hết cả gia đình được. Nhà tôi và các con đang chơi ở nhà Vân - con gái út của thầy. Nhìn lên, trên đầu giường có treo tấm hình thầy hồi còn trẻ, nhìn thầy rất hoành tráng với ban nhạc dân tộc. Thầy là người nhạc trưởng đang điều khiển cả dàn nhạc.Ðịnh mệnh trớ trêu cho một người tài hoa như thầy. Tôi ngậm ngùi. Nói chuyện với cô, và các em được gần một tiếng đồng hồ, xem chừng thầy đã mệt. Tôi xin phép phải ra về vì mọi người còn đợi tôi bên kia sông. Cô sai mấy em ra vườn hái bưởi và chôm chôm cho tôi. Tôi cảm động đến nghẹn lời. Cô nói có học trò nào đến thăm, thầy đều dặn chuẩn bị đồ ăn, thức uống và phải ra vườn hái trái cây. Xe gắn máy con của thầy đã nổ máy, tôi bịn rịn cúi đầu chào thầy cô và bước ra…khệ nệ với mấy giỏ trái cây trên tay. Thầy tôi năm nay đã 72 tuổi và cô cũng 70 tuổi rồi. Biết lần sau tôi về, tôi có còn được đến Cái Bè để thăm thầy và cô nữa không ? Ký ức về thầy kính yêu và về ngôi học đường đầu đời. Minh Uyên-HB83- 12/31/2015 Công cha nghĩa mẹ ơn thầy Mười hai năm học đong đầy tình thương
  • 36. ~ 36 ~ Bút tích của Thầy Trương Hữu Lang
  • 37. ~ 37 ~ Cuộc đối thoại giữa Thầy Trương Hữu Lang và học trò Cường Cường : " Thầy ơi cứu em ...! " Thầy : Thầy cười hiền lành trong ánh sáng lung linh : Em cần Thầy giúp gì ? Cường: Thưa Thầy số là lúc đi vượt biển em có mang theo quyển tập nhạc của Thầy nhưng vì nước biển tràn vào tàu làm tập nhạc ướt rã …. Thầy: không sao đâu , miễn em còn nguyên vẹn hình hài là được rồi . Cường: Nhưng thưa Thầy bây giờ em mới gặp rắc rối . Số là các em nhỏ trong ban văn nghệ đang dựng lại bài Hiệu Đoàn Ca cần em đóng góp mà em thì quên gần hết ráo rồi . Thầy: Sao em không hỏi thử các bạn coi ai còn nhớ gì thêm ? Cường: Thưa Thầy có ạ , nhưng mấy thằng bạn nối khố của em cứ lắc đầu nguầy nguậy . Phát râu thì mãi lo tậu nhà tậu cửa dù đã có 3,4 căn . Phúc dối thì vẫn bù đầu bù cổ với đám quần hồng . Hoàng tây lai ( Thủy Tinh ) thì từ ngày lên bờ cưới được vợ đẹp đến giờ cứ hú hí ca hát suốt ngày không còn ngó ngàng gì đến thần dân nghêu sò ốc hến nữa ,thì xá gì đến bài Hiệu Đoàn Ca . Hỏi Thiều Đào thì hắn cứ thở dài , tao không biết tao không nhớ gì hết , lực bất tòng tâm lực bất tòng tâm ...cho nên em mới cầu cứu đến Thầy . Thầy: Nhưng mà lâu quá rồi thầy cũng đâu còn nhớ . Em cứ phịa đại đi thầy không giận đâu và tụi nhỏ chắc cũng không biết . Cường:Không được đâu Thầy ạ . Tụi nhỏ bây giờ giỏi lắm vả lại làm lớn đâu được làm láo hơn nữa em còn từng là trưởng ban văn nghệ mà . Thầy: Thì ngày xưa thầy đã từng giao cho em cây đũa để gõ nhịp cho tụi nhỏ hát rồi còn gì . Lúc đó em cũng đâu có gõ đúng và tụi nhỏ cũng đâu có biết gì , bây giờ cũng cứ thế mà làm . Cường:Nhưng , nhưng ...thưa Thầy ! Thầy: Thôi đừng làm phiền thầy nữa để thầy còn nghiên kíu soạn thêm vài bài nhạc " Rap " mang sang Úc cho Tước Huỳnh và Mỹ Hạnh ...Rap chơi . Bái bai ... Cường: Ơ ơ...thưa thầy ..... Giựt mình có tiếng bà Boss gọi ! Thì ra là mình chiêm bao …… Nguyễn Quốc Cường -HB75
  • 38. ~ 38 ~ Vì bản gốc không còn nên được ghi lại theo trí nhớ của 1 số Anh Chị của TTGD Hồng Bàng . https://www.youtube.com/watch?v=UH1lY8n11Is
  • 43. ~ 43 ~ Năm tôi học lớp 7, Thầy Thảo chuyển về trường Hồng Bàng của tôi. Thầy xuất hiện lần đầu tiên ở cửa lớp với nụ cười chan hòa. Để tập giáo án lên bàn, Thầy hướng về cả lớp: - Năm nay Thầy sẽ dạy các con môn Lý.Thầy mong các con sẽ cùng hợp tác với thầy thật nhiệt tình. Làm như vậy các con vừa học tốt, lại vừa giúp thầy dạy tốt. Các con đồng ý không ? Tiếng " các con " Thầy nói sao nghe vừa nghiêm trang vừa thân ái, cả lớp đồng ý ầm lên vui vẻ lắm! Bài học vật lý đầu tiên trong đời đã được thầy mở ra cho chúng tôi bằng cách giảng rõ ràng, dễ hiểu. Lớp 7P3 nghịch phá nhất trường, hôm ấy lại rất ngoan, im lặng nghe giảng và chép bài đầy chăm chú . Gần hết tiết, Thầy căn dặn: - Có gì không hiểu, các con cứ hỏi Thầy. Kiến thức vật lý như những bậc thang, mà các con đang bắt đầu đi lên từng bậc. Nếu để hẫng một bậc thì các con sẽ ... Thắng Cận ngồi phía dưới bỗng hét lên thật to: " Sẽ té ! " , làm cả lớp - và Thầy nữa - cười ồ . Thầy cười bao dung , nhìn Thắng : - Bạn của các con đã nói đúng.Nếu đã vấp té thì e rằng sẽ khó bước lên những bậc thang cao hơn. Do đó Thầy muốn các con không được bỏ qua những gì chưa hiểu tường tận. Tiết học đầu tiên ấy đã gây ấn tượng rất sâu sắc trong mỗi chúng tôi. Từ đó chúng tôi đâm ra mê học môn Lý, ngược lại Thầy cũng dạy hết sức nhiệt tình. Thầy thường xuyên “ hy sinh” giờ ra chơi chỉ để giảng giải thêm cho 1 bạn nào đó. Thời ấy kinh tế hết sức khó khăn. Đến viết bi cũng phải đi bơm lại mỗi khi hết mực. Nghe anh tôi chỉ trên đường Nguyễn Chí Thanh có ông sửa viết, bơm mực tốt lắm, tôi liền đạp xe thẳng hướng ngã sáu. Từ xa xa , tôi đã thấy 1 cái bàn nhỏ, bên hông có tấm bảng màu vàng to tướng " Bơm mực viết Bic ". Tôi đến gần rụt rè gọi : “ Bác ơi, bơm cho con cây viết, thì từ dưới vành nón lá, 1 đôi mắt ngẩng lên làm tôi giật thót người. Đôi mắt ấy là của thầy tôi, đôi mắt lúc nào cũng biểu lộ nụ cười và niềm lạc quan yêu đời. Tôi định " Thưa Thầy ", nhưng lại chợt nghĩ " mới học có 1 tuần , có lẽ thầy còn chưa nhớ hết mặt học sinh, đừng kêu Thầy làm Thầy ngượng ". Thế là tôi dọn 1 gương mặt tỉnh bơ, lễ phép: - Con đang viết thì hết mực, có lẽ “bi” còn tốt, bác bơm mực dùm con! Thầy tủm tỉm cười: - Được rồi, con để đó, mai lấy!
  • 44. ~ 44 ~ Tôi còn tần ngần chưa về, đứng nhìn mãi cái áo sơ mi xanh cũ, loang lổ những vết mực đủ màu mà thầy đang mặc. Cả cái nón lá vành te tua cũng cũ, ra sức che cho thầy những tia nắng chực soi vào mặt. Thầy ngồi đó, giữa những cây viết hư hỏng nằm lăn lóc và 2 bàn tay thầy , giống như chiếc áo, cũng lấm lem đủ những màu mực. Ôi ! Thầy tôi ! Sáng hôm sau có giờ Lý, tôi hồi hộp chờ mong tiếng chuông, nhưng lại tránh né ánh mắt của Thầy khi Thầy giảng bài. Trong bài học hôm ấy có phần thực hành. Thầy bày giáo cụ trực quan lên bàn và chúng tôi lại say mê đi vào bài giảng. Khi chuông vừa reo, tôi chuẩn bị nhảy ra sân chơi thì Thầy đã đi đến chỗ tôi: - Cây viết của con nè! Thầy không lấy tiền đâu, con để tiền đó chút nữa ăn cà rem. Lần sau phải kêu bằng Thầy thì Thầy mới sửa viết cho, nhớ chưa? Tôi li nhí cảm ơn Thầy mà mặt đỏ bừng. Đã hơn 20 năm rồi, chẳng biết bây giờ Thầy có còn dạy học hay không? Ôi! Ước chi con lại được khoanh tay nghe Thầy giảng bài, lại được thỉnh thoảng nhìn thấy một vết phấn lem trên trán Thầy, như đã tình cờ nhìn thấy những vết mực đủ màu trên áo Thầy buổi chiều hôm ấy . Nguyễn Thị Phụng Kiều - HB83. Những điều thầy dạy con hoài khắc tâm Nhớ tóc thầy điểm hoa râm Cùng lời chỉ dạy âm thầm con mang Ai quên đi chuyến đò ngang Quên sao người lái thuyền sang bến đời
  • 45. ~ 45 ~ Cơn mưa chiều thật lớn đổ xuống SG , đúng lúc cả đám đã hẹn nhau đi Biên Hoà để "ăn " lễ 20/11 cùng thầy Thảo . Mưa mặc mưa , gió mặc gió , đã quyết , là ...lên đường Sau hơn hai tiếng đồng hồ vui như ...Tết ở trên xe , cuối cùng , cũng đến nơi . Đích thân thầy Thảo ra kéo cửa rào cho xe chạy vào , đám học trò lau nhau nhảy xuống xe , tíu tít mừng rỡ , ôm Thầy , khen Thầy ....đẹp trai quá chừng ! Thầy cười ...móm mém , tủm tỉm , hiền hậu y như ....hồi xưa , không nói một câu , mắt rưng rưng đỏ .... Chưa kịp vào nhà , đứa nào đứa nấy lăng xăng tự ....giới thiệu tên mình , sợ Thầy không biết mình là ai . Mà quả thiệt , Thầy cũng không biết ai là ai hết , chỉ biết mỗi mình Dung Huỳnh ( hì hì ) Thầy chỉ Dung Huỳnh , nói : Dung , làm bác sĩ nè ! Cả đám " ồ ! " lên ra cái điều ganh tỵ lắm đó nhe ! Hoa hậu ...top 6 , mặc áo cam , liếng thoắng giới thiệu : con là Kim Hồng nè Thầy , con học với Thầy năm lớp 7 đó , Thầy hông nhớ con hả ? Đây là bạn Kim Phượng , cũng học với Thầy năm lớp 7, còn đây là bạn Thủy , học chung với con bên Hùng vương , chứ không có học HB mình ... " Giang hồ Bàn cờ " cũng lên tiếng : con là Thuận , con "phát hiện " ra là Thầy còn chủ nhiệm con năm lớp 8 nữa đó Thầy . Thầy quay sang người cuối cùng của ...top 6 ... Dạ con là Kiều nè Thầy , Phụng Kiều ... Thầy cười , không nói gì , Thầy nhớ hay quên cũng chẳng biết ! Cả đám kéo nhau vào bộ Salon nhà Thầy , " bắt " Thầy ngồi giữa cho bằng được mới chịu ! Thầy xúc động quá ,nói giọng run run : - Mấy ngày nay Thầy có quá nhiều xúc cảm trong lòng , Thầy đi chợ , ngang qua các trường học , thấy làm lễ 20/11 mà nhớ hồi còn đi dạy ở HB , nhớ quá , nhớ quá .... Chắc Thầy không bao giờ ngờ , có một đám học trò ...CỔ... xưa lơ xưa lắc , ( phải dùng từ Cổ thay thế cho từ Cũ mới được ! ) hơn 34 năm , nay về tận nơi xa xôi này để thăm lại Thầy mình , dù cho Thầy không nhớ tên ai , không biết dạy năm nào ... Có sao đâu ! Thầy là người đưa đò tận tuỵ , làm sao nhớ nổi từng người khách qua sông ? Nhưng chúng con làm sao quên được một người Thầy hiền lành , tận tâm , thương yêu học trò như con cái của mình , nụ cười luôn ...thường trực trên môi , lúc nào cũng gọi : " các con " , trìu mến ! Bởi vậy , mới có một buổi chiều hôm nay , các " lão học trò " của Thầy đã hẹn hò nhau lên thăm lại Thầy xưa , và cùng nhau " ĂN " lễ 20/11 ...muộn cùng Thầy ! Oa !
  • 46. ~ 46 ~ Thức ăn cũng thịnh soạn ra phết ! Quýt , ngọt ơi là ngọt , chuối già vừa chín tói thơm lừng và một bịch bắp rang bơ thật hấp dẫn ! Cô còn nhờ anh Tài xế trèo hái dùm một chùm NHÃN thiệt ...bự trên cây nhãn sát rào nhà Thầy . Nhãn hơi mỏng cơm , nhưng ngọt lịm , làm cả đám mê quá chừng ... Cô tiếc không có anh chàng bạn học nào đi theo , để Cô nhờ hái cho mỗi đứa một vài ...ký đem về SG ! ( tiếc thiệt ! ) Thầy hát tặng cho học trò bài " Bông hồng cài áo " giọng Thầy yếu , lạc giọng , nhưng xúc cảm thì tràn trề ! Có đôi lúc , chúng con thấy Thầy nghẹn ngào , rưng rưng buồn ! Ngày xưa , khi lũ học trò " ẹo ẹo " làm biếng học , Thầy phải ...dụ bằng một bài hát , rồi mới dạy tiếp ... ÔI , Thầy tôi ! Thầy nói cám ơn các học trò đã tặng tiền cho Thầy vừa rồi , các học trò ở nước ngoài cũng gởi về nhiều lắm , Thầy mua sữa quá chừng , nhờ uống sữa nhiều , mà nay Thầy ...khá khá lên rồi đó , thấy hông ? ( hì hì ) .Các ...cụ ...học trò nhao nhao : dạ đúng rồi , so với cái hình tụi con đưa trên FB hồi tháng 4 ...thì hôm nay , trông Thầy đã ...khá hơn rất nhiều , Thầy thấy khoẻ mạnh và tươi tắn , hồng hào hơn nhiều lắm ! Miệng nói tay ...tìm , giang hồ Bàn cờ đưa ngay cho Thầy xem lại cái hình Thầy cách đây 6 tháng , thấy hình , Thầy chợt nhớ ra , Cô cũng chạy vào buồng , đem ra 2 tờ giấy A4 gấp làm tư . Thì ra đó là truyện ngắn " Những vết mực lem " và bài thơ viết sau buổi đi thăm Thầy , đăng trên FB , cạnh tấm hình Thầy , của thi sĩ ...( thích dầm mưa ) PK ...Con gái Thầy tình cờ đọc được và in ra cho Thầy giữ làm kỷ niệm ! Thầy và Cô bữa nay mới biết mặt ...tác giả , nhìn tác giả vô cùng ...trìu mến , làm tác giả cũng vô cùng ...mắc cỡ , cứ cười cười hoài , mà chả biết ....nói năng chi ! Hihihi Trời lại mưa nữa và sụp tối , đã đến lúc phải nói lời tạm biệt thôi ! Cả đám lại ...lí la lí lắc ..."bắt " Thầy chụp hình chung đủ kiểu , đủ máy .. Thầy vui lắm , chả thấy phiền hà gì , có mấy khi được học trò thương mình , nhớ mình mà tới ...chụp hình chung với mình đâu ! Chia tay bịn rịn ...nhưng không buồn chút nào , vì thấy sức khoẻ Thầy khá hơn nhiều , thần sắc hân hoan , đáng mừng ! Hứa với Thầy sẽ ...tao ngộ Thầy , một ngày ....nào đó ...chưa biết ngày nào ! Thầy vui , gật đầu liền ! Trong giây phút ...chia tay Qua cửa xe , Thầy vẫy tay Cựu học trò ...bái bai... Gặp lại nhé ...một ngày ...! Phụng Kiều-HB83
  • 47. ~ 47 ~ Có một ngôi trường gắn bó với tuổi thơ tôi suốt 9 năm dài, mà mỗi khi nhắc tên, tôi lại thấy tràn ngập niềm thương nhớ bâng khuâng… Hồng Bàng ơi! Trường tôi kiến trúc theo lối Pháp, với 2 dãy phòng đối xứng nhau qua 1 cái sân rộng thênh thang. Do lối kiến trúc Pháp, nên mỗi dãy chỉ có 1 trệt 1 lầu, mái ngói đỏ rêu phong. Riêng dãy trong, còn có tầng hầm, chứa bàn ghế long chân sứt ốc, gãy gọng, mà chúng tôi vẫn qua lại, nhìn ngó rất sợ sệt vì chúng tối om om !!! Bao nhiêu là câu chuyện thêu dệt xoay quanh những phòng hầm bí ẩn đó: nào là ma quỷ đầy trong đó, đứa nào làm biếng học , sẽ bị nhốt xuống hầm chơi với ma (!). Cũng có nhiều căn phòng hầm được dùng làm nơi trú ngụ cho vài thầy cô giáo độc thân, hoặc cho gia đình người lao công cả đời sống và làm việc trong trường. Các phòng học có vòm cửa sổ cong cong, mở toang cửa ra, chúng tôi có thể ngồi vắt vẻo trên thành,nhìn xuống sân trường. Trường rộng thênh thang,chỉ có 2 dãy phòng với rất ít lớp học, nên không gian thóang đãng vô cùng ! Đặc biệt, trường có nhiều cây sao, cây dầu cổ thụ hàng chục hàng trăm năm, cứng cáp vút thẳng lên trời. Từ cửa sổ lớp học nào, chúng tôi cũng có thể phóng tầm mắt ra sân, nhìn cây rì rào, nhìn lá vẫy tay trong gió. Khi có gió lớn, những trái chò thi nhau xoay tít bay bay. Hàng nghìn chiếc chong chóng tí hon xinh xắn đáp xuống sân trường nhẹ nhàng tạo nên 1 cảnh tượng tuyệt vời không thể thấy được ở bất cứ trường nào khác Những trái chò còn đi vào bài văn tả sân trường của tôi, được cô Hiếu đọc cho cả lớp nghe vào 1 buổi chiều xa xưa. Nhắc đến chiều, tôi lại nhớ đến những buổi chiều trong sân trường. Do yên tĩnh nên chiều xuống, sân trường mang màu xám hơi âm u … Cây nhiều cũng tạo nên bức tranh “ Chiều “ đặc trưng của Hồng Bàng , mà tông màu còn nhuốm màu rờn rợn (??) Lá cây xào xạc dưới sân hàng lớp, trời hơi thẫm lại, sân trường không 1 bóng người. Chả thế mà có 1 câu chuyện lan truyền trong đám trẻ chúng tôi : bà Mười đang quét sân thì thấy 1 ông Linh Mục tay cầm Kinh Thánh , nhìn bà , buồn rười rượi. Bà nói : “Ông đừng phá tôi, để tôi làm việc.”, nhìn lên thì ông đã biến mất. Bà Mười là lao công già nhất lúc bấy giờ, bà hay la học sinh choe chóe nhưng bà không phải là người hung dữ, chẳng qua, lũ học trò bé xíu chúng tôi cũng nghịch ngợm quá đi thôi ! Bà Mười còn là người duy nhất giật dây chuông vào giờ ra chơi.
  • 48. ~ 48 ~ Cái chuông này nhỏ bé nhưng tiếng vang vô cùng ! Nó băng qua cái sân rộng thênh thang “leng keng, leng keng, leng keng …” rộn rã đến mỗi lớp, đưa lũ học trò chân sáo nhảy ra khỏi lớp học gò bó, tung tăng xuống sân cùng bao trò chơi … Cái chuông này xưa lắc xưa lơ , cổ điển chỉ riêng trường HB là còn sử dụng mà thôi! Tiếng chuuông này sinh động, reo vui, hơn hẳn tiếng chuông điện ảm đạm, chán ngắt ! Khi bà Mười bệnh, người khác giựt dây chuông là chúng tôi biết liền ! Vì không biết cách giật dây, tiếng “ leng keng” nghe ngập ngừng, nhỏ xíu, rời rạc, như một cô gái e thẹn, ậm ừ trong miệng mà không nói nổi một câu ! Thỉnh thỏang chúng tôi nổi cơn nghịch ngợm, vói lên giật thử dây chuông. Chuông kêu eo éo rồi tắt hẳn, còn chúng tôi thì co giò bỏ chạy, trước cơn thịnh nộ của bà Mười - ăn trầu. Bà là người độc quyền giật dây chuông cho học trò ra chơi và vào học. Bà gắn liền với HBàng như máu và tim. Nhắc đến HB, không ai quên được bà Mười và cái chuông cổ độc nhất vô nhị ! Chính giữa sân trường còn có nhà VS độc đáo, hình chữ thập. Trước khi xây trường HB, nơi đây là 1 Bệnh viện của Pháp. Điều này giải thích cho kiến trúc chữ thập của của nhà VS. Không ai không 1 lần đặt chân vào đấy ! Lúc nào nó cũng ẩm ướt , đọng nước , và dù được dì Ti xịt nước , tẩy rửa cần mẫn sau mỗi lần ra chơi, nó vẫn không thóat khỏi “ mùi hương “ amoniac rất đặc trưng vẫn vấn vương, lãng đãng trong không khí. Cạnh nhà VS là cây phượng già nua to lớn - duy nhất trong trường. Nó cao, nhiều cành nhiều nhánh, lá lúc nào cũng xanh um, đầy sức sống. Chưa đến mùa hè, chỉ mới chớm thôi là cây đã lác đác nụ be bé. Từng chùm từng chùm sinh sôi mãnh liệt ! Và khi những đốm lửa hoa đỏ rực trong sân, chúng tôi đều háo hức xúm xít bên cây. Hoa phượng xòe rộng như cánh bướm, đỏ nao lòng, có hoa còn lấm chấm những đốm đỏ lạ lẫm. Mấy đứa con trai trèo lên nóc nhà VS, lựa những chùm hoa đẹp nhất, thắm nhất , tươi nhất, cho các bạn gái làm bướm. Hai cánh gắn vào 1 thân. Thêm 2 nhụy làm râu. Thế là 1 con bướm phượng ra đời! Ép bướm hoa vào tập, lòng bỗng rung rinh… Mùa hè đang tới, hoa phượng còn báo hiệu sự chia tay sắp tới ! Lưu bút chuyền tay nhau, ba tháng hè dài ơi là dài !
  • 49. ~ 49 ~ Thầy cô của HB dạy rất giỏi và rất nghiêm khắc. Thầy Bảng bắt chúng tôi đọc cửu chương từ 2 đến 9, đọc xuôi rồi đọc ngược làu làu như cháo chảy ( mà lúc đó chúng tôi mới học lớp Ba ) rồi mới cho ngồi xuống. Thầy có 1 cây thước bảng dầy và dài, đánh vô tay học trò nghe “ chát “ rất đanh thép. Nhờ vậy , lớp tôi học giỏi nhất năm đó. Đứa nào cũng sợ cây thước bảng “ hỏi thăm” bàn tay bé bỏng của mình, nên chăm chỉ học hành. Cô Huệ còn khó hơn ! Cô hay nhéo hông, hoặc nhéo tai lũ học trò làm biếng, ai cũng sợ xanh mặt ! Không nên quên các thầy người Pháp : thầy Gérard da đen, thầy Philips, thầy Tâm tóc muối tiêu người Pháp gốc Việt … Các thầy cưng học trò VN bé xíu, nhỏ như búp bê. Những giờ học tiếng Pháp vui vẻ với hoạt cảnh kịch ngắn (bằng tiếng Pháp - dĩ nhiên !) , các bài hát dân ca dễ thương, dễ nhớ, về khu vườn của ba em (Dans le jardin mon père), về con chim sống ở rừng luôn miệng “cúc cu, hibou , cúc cu , hibou…” làm chúng tôi thích thú. Cô Nhuần, thầy Thảo hiền ơi là hiền, giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng mà nói gì tụi tôi cũng vâng lời răm rắp. Cô Hiệu Trưởng thì dáng dấp sang trọng đài các, dịu dàng. Mỗi cuối tháng cô hay đi phát phần thưởng và giấy khen cho 5 học sinh đầu lớp. Cô có vẻ uy nghi rõ rệt, dù lúc nào cũng điềm tĩnh, ung dung. Học trò HB, dù trai hay gái cũng xưng hô “Bồ và Tui” với nhau. Kiểu này cũng là đặc trưng riêng cho học sinh HB. “Bồ, Tui” không quá suồng sã , cũng vừa đủ thân mật, gần gũi nhau, mà không nghe chút gì xa cách. Do ít lớp, ít học sinh nên chúng tôi biết mặt nhau tất cả. Khi ra đường, gặp “dân HB” là chào nhau dù có thể không biết tên nhau. Tuổi học sinh của chúng tôi còn gắn liền với “sân trước” của trường HB . Đó là khỏang sân mặt tiền của trường, nhìn ra đường HB, có cửa trước chỉ dành cho thầy cô và phụ huynh ra vào. Tuy gọi là “sân” nhưng đó là 1 khu vườn tuyệt đẹp, tuyệt thơ mộng! Vẫn là nhiều hàng cây xoài, cây chò cổ kính cao vời vợi ngút mắt, nhưng dưới thấp còn những hàng rào cây kiểng ngang bụng chúng tôi, mà người lao công đã dầy công tỉa xén đều đặn. Hàng rào cây lá xanh um này làm tươi mát sân trước bao quanh các thân cây xù xì thành những hình chữ nhật vuông vức. Đặc biệt lũ con gái chúng tôi vào giờ chơi hay rủ nhau tha thẩn ở sân trước. Nấm dại mọc nhiều. Có nấm màu đỏ chấm trắng, có nấm màu nâu, nấm màu trắng, lâu lâu còn có cả nấm mèo. Nhưng lũ nấm dại là thường xuyên thu hút chúng tôi hơn cả! Chúng xinh xắn như những cây dù màu, e thẹn nép dưới gốc cây hay đám cỏ ẩm ướt, chúng nổi bật trên nền lá mục rêu phong, xếp lớp dưới chân. Chúng tôi thi nhau phát hiện, nâng niu vẻ đẹp , màu đẹp của chúng trên tay.
  • 50. ~ 50 ~ Có nấm dày dặn, cầm chắc nịch như nấm đông cô nhưng màu tươi rói , đích thị là nấm độc. Thỉnh thỏang cóc ếch còn nhảy “tách” dưới chân nhỏ bé của chúng tôi. Còn kiến, kỳ nhông, tắc kè, bọ hung … thì nhiều khỏi nói. Sân trước đúng là “vườn thượng uyển” của chúng tôi - nơi có đầy cỏ dại lẫn cây xanh và nấm. Bầu trời thì xanh biêng biếc, lũ chim bay về lích chích hay véo von gọi nhau. Trong vườn có duy nhất 1 cây xoài rừng cao ngút mắt. Trái vàng ươm, chỉ nhìn và thèm thuồng mà không bao giờ hái được. Chỉ có lũ chim có cánh là gọi nhau í ới mỗi khi vào mùa xoài mà thôi . Tôi còn nhớ một điều đặc biệt nữa ở trường mình : đó là vào giờ ra chơi, học sinh được xếp hàng để ...uống sữa. Sữa tươi Foremos đàng hoàng chính hiệu ! Ai cũng đem theo một cái bình đựng nước để chứa ...sữa, vì không thể đứng một chỗ mà uống từ từ cho hết ly sữa được phát , tốt nhứt là đổ hết chỗ sữa phần mình vào bình và cứ từ từ mà thưởng thức ! Khi chúng tôi học lớp 5 thì Sài gòn giải phóng. Chương trình học cũng thay đổi, chúng tôi chỉ còn được học tiếng Pháp như một môn ngoại ngữ mà thôi. Nhiều bạn khác ở các trường khác chuyển về nhờ vậy mà thêm nhiều bạn, lớp học đông hơn, vui hơn. Nề nếp của trường vẫn không thay đổi, học sinh vẫn ngoan ngoãn, quy củ, kính trọng Thầy Cô, thân ái với bạn bè ... Các Thầy cô vẫn dạy hết lòng hết sức, thương yêu học trò ... dù tôi nhớ rằng, thời ấy cuộc sống khó khăn lắm, tụi tôi thì vô tư như .....con nít (!) có biết đâu Cha Mẹ, cũng như nhiều Thầy Cô mình, hằng ngày phải đau đầu với vấn đề "cơm áo gạo tiền " muôn thuở “ Tụi tôi còn được tham gia "lao động " Đứa thì làm vệ sinh sân trường, đứa "hên" hơn thì được đứng bán trong căng tin, thường là các bạn gái hay được phân công bán hàng. Ra chơi, bán không hở tay, sau giờ chơi, thu gom tiền bạc nộp cho cô giáo trực, xong giờ "lao động", có quyền ra về. Năm tôi học lớp 9 thì xuất hiện một dãy phòng học cao 3 tầng kế bên tòa nhà hầm cuối sân . Vì học sinh quá đông, phải xây thêm phòng học thôi ! Điều này không sai, nhưng tòa nhà này, dù cao to, tiện lợi, đã phá vỡ cảnh quan thơ mộng, cổ kính của trường, nằm lạc lõng ... như người anh em ... khác cha khác mẹ ... với hai dãy phòng có ngói đỏ rêu phong, có vòm cửa sổ cong cong kiểu Pháp ! Sau khi chúng tôi học hết lớp 9, sang trường cấp 3 khác, thì trường đã có một cuộc " đại trùng tu " , xây thêm nhiều dãy phòng học để thu nhận số lượng học sinh khổng lồ !
  • 51. ~ 51 ~ Thỉnh thoảng, chúng tôi có về thăm lại trường, dù tình cảm luôn dạt dào, dù tim vẫn "yêu" Hồng Bàng tha thiết ... vẫn không khỏi ngậm ngùi nhìn một sân trường lạ hoắc, nhiều phòng học, dãy lầu, nhưng vô hồn, lạnh lẽo ! Ôi ! Hồng Bàng thơ mộng xưa đâu rồi ? Những hàng cây cao vút, nhiều lá, nhiều bóng râm, "nhuộm tím" cả trời chiều đâu rồi ? Học sinh đông đúc, làm nhộn nhịp sân trường ... nhưng không phải là hình bóng của chúng tôi xưa kia ....! Thầy cô mới, trẻ trung, xinh đẹp, càng làm tôi nhớ da diết các Thầy Cô của mình, nghiêm khắc mà hiền lành, như là Cha, là Mẹ ... dù cuộc sống vô vàn khó khăn, vẫn yêu nghề yêu trẻ, vẫn giữ tư cách trên bục giảng mỗi ngày ! Hồng Bàng ơi, nói sao cho hết tình yêu của chúng tôi ? Tuổi thơ của mình đã may mắn được Hồng Bàng dang tay ôm ấp, dạy dỗ, nâng niu, để khi lớn lên, chúng tôi bay xa vào cuộc đời với trái tim tốt đẹp. Hồng Bàng ơi ! Mỗi khi nhớ về Người, tim tôi luôn tràn ngập một cảm xúc nhẹ nhàng, một niềm vui mênh mang ... khó tả ... Giữa bầu trời trong xanh, trong gió, trong nắng ... tôi như hãy còn nghe vang vang tiếng chuông "leng keng, leng keng ..." thời thơ ấu tuyệt vời ! Phụng Kiều – HB83 -10/3/2014. Trở lại sân trường Nắng ngẩn ngơ nhìn ta xa lạ Chùm phượng đỏ hôm nao Giờ chỉ xanh màu lá Vết chân xưa mưa nắng cũng nhoà! Thời học trò đã xa Tuổi thơ cũng vụt qua Ta lặng lẽ bước đi trong niềm nhớ Thầy cô bạn bè ơi! Biết bao giờ gặp lại Thời gian thì trôi mãi…..trôi xa!
  • 52. ~ 52 ~ “Thời gian qua mùa thu nay có khác Bao chuyến đò qua chốn ấy sông sâu Nghĩa thầy cô một đời không trả hết Dẫu đời con qua mấy nhịp cầu ”. Tháng 11 là mùa Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, tôi nhớ cô bạn thân hiện sống ở Houston, Texas có lần nói với tôi, người dân Mỹ đón mừng Lễ Tạ Ơn lớn lắm, có nhiều khi còn tổ chức lớn hơn cả Giáng sinh. Ở đất nước đa văn hóa mà tôi đang sống, xứ Gia Nã Đaị bao dung hiền hòa, muà Lễ Tạ Ơn lại rơi vào tháng 10. Chỉ mấy ngày trước thôi, trên mạng Face Book đều tràn ngập hình ảnh và những lời chúc tri ân đến thầy cô giáo của bạn bè khắp nơi, ngày Teacher's day của VN....liền sau đó là lời tạ ơn trong mùa lễ khá đặc biệt này. Lòng tôi đang nghĩ và muốn viết về một người Thầy, đúng hơn là một Cô giáo mà suốt đời tôi không quên, người cô giáo lớp 5 (lớp Nhứt) và có lẽ là một trong những người Thầy tôi thương nhứt. Cô tên là Lê Kim Nữ, tuổi Quý Dậu, nhỏ hơn mẹ tôi 1t & nếu năm nay Cô còn sống thì đã 84t. Năm Cô dạy chúng tôi lớp 5, vào khoảng 1973, Cô vẫn còn độc thân dù lúc đó Cô đã hơn 40t. Theo ký ức của tôi, Cô không phải là cô giáo dễ tính, Cô cũng khó và có phần nghiêm nghị. Có những việc đã qua, bao thế hệ học trò thì thầy cô giáo không nhớ từng chi tiết. Nhưng đối với tôi, dù còn rất nhỏ ở cuối năm tiểu học nhưng vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua. Bạn bè chung lớp với tôi lúc đó, có nhiều bạn đi học có xe hơi đưa đón, có tài xế (chauffer) riêng lái. , Vào một hôm, trời đổ mưa rất lớn, cổng chính trường Hồng Bàng nằm trên đại lộ Hùng Vương Q.5 nhưng học sinh chúng tôi thường đi bằng cổng phụ, nếu ở hướng Thuận Kiều lên thì đi ngã Lương Nhữ Học, các anh chị & các bạn còn nhớ chứ hả. Tôi đi từ hướng Triệu Quang Phục, bên hông trường Bà Triệu....ở đó đất thấp nên bị ngập nhiều.....xe Mobylette của mẹ tôi chạy đến đó thì chết máy mẹ tôi phải xuống xe lội bộ bì bỏm dắt theo chiếc xe chết tiệt, lại thêm tôi ngồi đong đưa trên đó......(Mẹ tôi dĩ nhiên bắt tôi phải ngồi yên ở băng sau để khỏi phải ướt giày) Giờ nghĩ lại thấy thương Mẹ vô cùng vì hình như lúc đó vô tư lắm, không biết lo đến sự gì.
  • 53. ~ 53 ~ Ngày hôm ấy, lớp tôi chỉ có 2 học sinh đi trễ là tôi và 1 bạn nữ khác mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cả tên họ. 2 chúng tôi đi vào lớp 1 lượt, cùng trễ như nhau nhưng Cô Nữ chỉ rầy bạn ấy mà không hề rầy tôi chỉ vì Cô dư biết người bạn ấy đến trường bằng xe hơi.... So vớí các bạn cùng lớp, chiều cao của tôi lúc đó có phần khiêm tốn nên dù xếp hàng hay ngồi trong lớp học, cũng đều được đứng đầu dãy hay ngồi bàn đầu. Một ngày nọ, vào giờ Toán, tôi vẫn nhớ như in quyển sách Toán lớp 5 thời đó, to và nặng ghê lắm, đặc biệt to hơn những quyển sách thông thường. Cô Nữ hôm đó không đem sách, nên xuống bàn tôi mượn sách để dạy. Cô mượn tôi vì tôi ngồi ngay trước mặt Cô...gần Cô nhứt. Có thể có 1 số bạn bè gần xa đều biết tôi có 1 người anh trai duy nhứt không được bình thường, từ nhỏ đã thấy có gì đó hơi lập dị.... và thường hay ăn hiếp hoặc đánh tôi....(Anh trai thường thì thương em gái lắm chứ). Mỗi lần tôi méc ba mẹ thì ảnh lại bị đòn nhưng chứng nào vẫn tật nấy. Ngày lại qua ngày vẫn tiếp diễn nên tôi sợ anh tôi bị đòn nên không méc nữa nhưng lại viết ra giấy, giống như là nhật ký hay gì đó, kể khổ là anh mình đã đối xử mình ra sao, giận ảnh thế nào....dưới ngòi viết và lối suy nghĩ của một cô bé 10t. Viết rồi không dám đưa ba mẹ hay ai đọc, tôi đã ép vào quyển sách Toán đó mà không nhớ. Cô Nữ mượn sách xong, dĩ nhiên là Cô đã tình cờ đọc hết những tâm sự của tôi. Thế là hôm sau, Cô đã ân cần hỏi han: "Anh con làm sao, ăn hiếp con thế nào....." với một giọng nói rất trìu mến âu lo......và hình như Cô cũng đặc biệt thương tôi. Nhiều cô giáo thời đó cũng mở lớp dạy thêm ở nhà để tăng thu nhập. Bạn bè lớp 5 của tôi cũng có nhiều người đến nhà Cô học thêm. Tôi biết có nhiều thầy cô giáo, thương những đứa học trò học thêm với mình hơn và có phần thiên vị....nhưng tôi không hề thấy đìều đó ở Cô Nữ dù tôi chưa học thêm với Cô giờ nào. Tôi thương Cô như vậy mà năm đó, tôi bị Cô khẻ tay một cái đau điếng, đó cũng là lần bị đòn duy nhứt trong suốt quãng đời đi học. Mỗi ngày chúng tôi đi học, đều phải có một tấm bảng nhỏ cá nhân để khi thầy cô hỏi gì là cả lớp viết, giơ bảng lên để thầy cô nhìn được ai đúng ai sai, một bạn nữ (tạm gọi là T) cũng thấp như tôi nên cũng ngồi bàn đầu. Hôm đó T. quên đem bảng, mà ai quên đem thứ gì thì phải lên cho cô khẻ tay cho chừa cái tật bê bối. T. mới nói với tôi là đã quên đem, thấy tôi không nói gì thì T. nói tiếp: "Hồi đó học lớp 3, T có nhỏ bạn thân lắm, T quên đem bảng, nó cho T mượn...." Không biết sao đầu óc non nớt của tôi lúc đó, tôi suy nghĩ là nếu tôi không cho T mượn, vậy mình là bạn xấu hay sao......